Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT LẦN VÀ CẢM VỚI THI NHÂN

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ bẩy ngày 24 tháng 9 năm 2011 8:22 PM
Với Nguyễn Bính
     Quãng tháng 5 năm 1964 thì phải. Chúng tôi được mời về địa điểm phố Hàng Cau trong một ngôi nhà hai tầng cạnh bờ song Đào - nơi cơ quan Ty Văn hóa Thông tin Nam Định đóng, để dự buổi họp bình những bài thơ được giải, trong cuộc thi viết về “Người mới, việc mới” do Ty Văn hóa Thông tin Nam Định phát động. Nhận được giấy mời, tôi háo hức lắm, mong tính từng ngày… Hồi mới ra trường tôi được phân công về huyện Giao Thủy, chỉ vài ba tháng đã được ưu tiên giao cho chiếc xe đạp công nhãn hiệu Tô-rít, cọc cạch, lúc đó cũng là sang lắm! Tính giờ đến họp cho kịp, sáng sớm đạp xe từ phố huyện, qua Ngô Đồng, qua nhà Lạc Quần đến Nam Định, tính ra đúng 43 cây số, mà chẳng thấy mệt mỏi gì, vì lần đầu được đi dự cuộc họp…thơ! 
     Còn nhớ hôm ấy Nguyễn Bính mặc một chiếc áo sơ mi nâu, quần kaki màu đã bạc và đôi dép cao su; đầu húi cao gần như trọc, toát lên vẻ dân dã… Tuy còn nhỏ tuổi, lại đi theo cái nghề bùn đất, nhưng trong sổ tay tôi đã chép nhiều bài, và thuộc một số thơ ông; nay mới được gặp lần đầu cảm giác thật khó tả. Nghe ông giảng giải như uống từng lời.
     Vào cuộc họp sau khi ông Minh Tân đọc báo cáo tổng kết chung, rồi chia thành hai nhóm - văn xuôi về một phòng với nhà văn Chu Văn, nhóm thơ ngồi lại hội trường; nhiều nhặn gì đâu mà chỉ độ vài ba chục người. Lâu không nhớ, vả lại có gặp nhau bao giờ mà quen; chỉ thấy anh Hoàng Trung Thủy, đẹp trai lồng lộng, Nguyễn Đức Mậu béo chắc, sau này mới biết anh Phạm Trọng Thanh cũng có mặt trong cuộc họp ấy. Anh Mai Nguyên - Vũ Quốc Ái nước da tai tái chạy lên chạy xuống điều hành.
     Nguyễn Bính chọn bài “Đọc thư em”, bài thơ trúng giải nhất của Trần Trung Hiếu ra bình trước. Sau khi đọc cả bài thơ, tách từng câu, chữ, ông cứ nhẩn nha nói. Buổi ấy Trần Trung Hiếu vắng mặt vì anh đã ở chiến trường. Ngay bón câu đầu đã thấm vào tôi, nhớ mãi, sau này và cả bây giờ cứ mỗi khi nghĩ đến Trần Trung Hiếu là bốn câu thơ ấy lại hiển hiện hiện lên; không hiểu vì sao, có lẽ cái tình trong thơ rất thật và giọng nói ấm áp như rót vào tai của Nguyễn Bính, truyền cho chăng. Đâu chỉ đọc thư anh em mới rõ/ Thôn xóm vươn mình đã bấy nay/ Em cứ viết như chỉ làng ta mới có/ Cuốn anh vào tờ giấy một gang tay. Sau khi phân tích kĩ cái tài, cái hay, chỗ còn dở bài thơ của Trần Trung Hiếu. Và bằng kinh nghiệm từng trải của mình, Nguyễn Bính dặn đi dặn lại, ông không mang những lý luận chữ nghĩa của Lý Bạch, Đỗ Phủ ra, mà bằng lời lẽ, dẫn dụ dễ hiểu: Làm thơ phải chú ý từng từ, từng chữ biết đặt đúng chỗ nó làm cho cả bài thơ, hồn thơ bật dậy. Ông kể, một lần ông trầm trồ, tấm tắc cảm ơn mãi người công nhân nhà in đã xếp lầm một chữ trong thơ ông làm cho thơ hay vọt lên, ngoài cả dự kiến của tác giả. Bài ấy Nguyễn Bính viết về sự hi sinh của người mẹ trẻ, lấy thân mình bảo vệ đứa con thơ, trong một trận bom: Lấy thân làm bức thành đồng cho con. Người in thơ - không biết có vì tài thẩm thi xuất chúng, hay đơn giản thôi, chỉ vì lầm chữ đã xếp thành câu: Lấy thân làm bức thành đồng che con. Ông nói cái từ nó yếu ớt, bị động, tầm thường bao nhiêu, thì cái từ che nó năng nổ, dũng cảm, chủ động, quyết liệt bấy nhiêu. Nguyễn Bính còn nâng lên, quần chúng sáng tạo, quần chúng làm thầy thơ! Cuộc thi thơ ấy tôi cũng được một cái giải, giải tuy không lớn lắm nhưng quý giá vô cùng: Một số tập thơ, nay tôi còn giữ được tập “Tình nguyện” của Lưu Trùng Dương, 6 đồng bạc và một cuốn sổ tay khổ nhỏ, dày 250 trang, cả bìa ngoài và bên trong bằng giấy loại “giấy bổi” xam xám. Tôi đã dùng nó ghi lại những bài thơ thảo đầy kín các trang. Vẫn giữ đến giờ tính ra hơn 40 năm. 6 đồng bạc thì lùng mua được tập quyển tập A.Pushkin để đọc.
     Lần khác, Nguyễn Bính mất trắng đêm để tìm một chữ. Hạt mầm gieo xuống đât, nó bén rễ rồi trỗi dậy, nhỏm dậy, vươn dậy, nhú thẳng cái thân non tí xí. Hiện tượng ấy goi là gì nhỉ? Trằn trọc mãi cho tới lúc tan sương, ông mới sực nghĩ ra, tìm thấy cái từ quên khuấy đi từ lâu lắm rồi… mạ đã ngồi. Mạ ngồi, nó sống, nó cử động, nó nằm, nó ngồi, nó đứng - lúa đứng cái. Như người. Và Nguyễn Bính có câu: Mộng một đêm qua, mạ đã ngồi...     
     Ông còn dạy chúng tôi nhiều lắm vê cách làm thơ, gieo vần, lập tư, có lẽ chính vì vậy đã buộc chúng tôi vào với nghiệp văn thơ… mà Nguyễn Bính là người thầy đầu tiên. Nhớ mãi!
     Với những mầm thơ, Nguyễn Bính có tấm lòng, phát hiện, nâng niu, vun đắp. Một lần Trần Trung Hiếu rụt rè đọc cho Nguyễn Bính nghe bài thơ nói về câu chuyện con ếch của mình có đoạn: Rồi hoa mướp rụng dần/ Trổ vàng trên mặt nước/ Chú ếch tưởng nắng rơi/ Vút mình như ánh chớp. Nguyễn bÍnh lim dim mắt, gật gù: Ếch đớp hoa vàng - hay, nhưng còn là thực. Sự liên tưởng hoa mướp với ánh sáng rơi thì lại là thơ. Được đấy! Và ông mang chuyện này kể lại với anh em trong cơ quan (Hội). Thơ Hiếu còn mộc, còn thô, nhưng đã là thơ và có đốm sáng! Trần Trung Hiếu sau này đã đi được những chặng đường xa hơn trong thi ca.
     Viết về ông thì biết mấy cho vừa, chỉ xin ghi vài dòng suy cảm. Cuộc đời bôn ba, giang hồ, chìm nổi của ông không mấy ai là không rõ. Có điều này là hình như rất ít người hay. Trong “Tuyển tập Nguyễn Bính” (Nhà Xuất bản Văn học - Hà Nội 1986), phần tiểu sử ghi: Nguyễn Bính… sinh năm 1918 (khoảng cuối xuân đầu hạ năm Mậu Ngọ) vậy là có lẽ duy nhất một nhà thơ đương đại tầm cỡ - Nguyễn Bính mà không biết ngày sinh! Mẹ mất sớm khi mới sinh đước vài ba tháng… đủ biết cuộc đời từ ngày trứng nước, ấu thơ đã khốn khó đến nhường nào!
     Cuộc đời, kiếp sống đã long đong, nhưng lúc mất cũng không kém phần gian nan vất vưởng. Hãy nghe câu thơ não nùng của nhà thơ Nguyễn Thế Vình viết về ông: Một lần chết bốn lần đưa/ Tóc tang mấy độ cho vừa giai nhân. Sao lại giai nhân? Giai nhân là đem nam nhi - tài tử lẫn với đàn bà rồi. Nhiều người bảo sửa nhưng tới nay vẫn chưa thấy anh biên tập lại. Ở đâu thì không biết chứ việc chạy mộ về để trong vườn nhà mình, là không hợp với tập tục quê ông.
     Bây giờ ta về nhà ông ở làng Thiện Vịnh, trong khu vườn có một ngôi mộ thi nhân, đặt cạnh ba gian nhà tuềnh toàng, dăm ba cuôn sách, đôi dòng lưu niệm, bức ảnh mờ phai. Lạnh lẽo… Giá là ngôi nhà cũ - lưu giữ dáng hình, kỷ niệm đã đành, đằng này lại hoàn toàn “mới”, làm thế là chưa xứng!
     Hay Nguyễn Bính đã tiên cảm điều này, mà đem thơ mình vận vào mình vậy: Giếng thơi mưa ngập nước tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.
     Tình ấy, cảnh ấ, càng nghĩ, càng thương ông!