HỌP CHỢ
Anh Thơ
Mới hửng sáng, đàn chim còn ngái ngủ
Trên chòm đa buông rễ ướt bên đình
Hạt sương sớm đã trao tay gió rũ
Khắp mái lều rung bóng mặt trời xinh.
Mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống
Một bà già quẩy đến gánh bèo non.
Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng,
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton.
Rồi gạo, vải, bún, quà, rồi bánh trái
Lần lượt bầy trong những tiếng lao xao.
Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói
Bước gậy lần như những bước chiêm bao.
CHỢ QUÊ MỘT THUỞ NÀO
Trần Trung
Nữ sĩ Anh Thơ với tập thơ đầu đời thi nghiệp: “Bức tranh quê”(1941), thực sự đã đọng lại trong tâm trí độc giả một tiếng nói, một giọng điệu. Đấy là giọng tâm tình tìm về chốn quê. Tìm về để lưu dấu trong tiếng nói của thơ ca, những nét quê kiểng, bình dị của một thời.
Bài thơ “Họp chợ” của Anh Thơ mang dáng vẻ chợ búa nơi thôn hương một thuở nào. Khác với cái náo nhiệt, to tát của cảnh họp chợ nơi tỉnh thành, chợ nhà quê mang một bản sắc thật riêng. Chợ họp sớm. Họp nhanh, rồi cũng tan nhanh. Bởi người quê xưa còn bao công việc; đồng áng, vườn tược, lợn gà…thế nên cứ lo toan, tham công tiếc việc, âu cũng là nét bản tính của người dân quê.
Cũng bởi thế, “mới hửng sáng”, đã họp chợ rồi. Thiên nhiên Giời Đất như còn nguyên vẻ tinh khôi, tựa hồ vừa chợt thức; ngoại cảnh cùng tạo vật như vẫn còn tiếc nhớ giấc ngủ đêm qua. Và, buổi lê minh đã chớm hé “bóng mặt trời xinh”:
“Mới hửng sáng, đàn chim còn ngái ngủ
Trên chòm đa buông rễ ướt bên đình
Hạt sương sớm đã trao tay gió rũ
Khắp mái lều rung bóng mặt trời xinh.”
Cũng bởi “mới hửng sáng”, nên mới chỉ lèo tèo đôi vài người bán hàng vào chợ. Họ là “mấy ông lão”; “một bà già”; rồi “mụ bán cá”; rồi “chị hàng rau”…
Cái thật và cũng là cái khéo của Anh Thơ là ở chỗ: chỉ một đôi nét mang bút pháp kí họa, mà đâu ra đấy. Thật rõ ra dáng vẻ, giọng điệu của tâm tính nghề nghiệp, của những người bán hàng. Mà hàng của họ cũng thật mộc mạc, bình dị như vừa từ bùn đất, vườn nhà mà lượm hái, mà vớt lên để kịp ra họp chợ quê. Cảnh hiện lên như những thước phim thơ, ngay giữa thôn hương:
“Mấy ông lão khiêng vào lồng lợn giống
Một bà già quẩy đến gánh bèo non.
Mụ bán cá đặt thúng ngồi chửi đổng,
Chị hàng rau mất chỗ chạy lon ton”.
Hồn nhiên và dân dã xiết bao! Những câu thơ của nữ sĩ như hướng ta về với quá khứ thuở nào; lại vừa như làm dậy sáng trong ta vẻ bình dị, quê mùa mà những kẻ xa quê đâu dễ quên.
Vẫn là “Họp chợ”, cho dù những người mua chưa tới, thì cứ bầy hàng ra. Bao nhiêu là thứ, những sản phẩm quê nhà. Xa hơn là những món hàng, cất từ miền quê nào phụ cận. Cùng với những tiếng “lao xao” đậm dần lên như để chào đón, chào mời những người vào chợ, chuẩn bị cho sự bán mua:
“Rồi gạo, vải, bún, quà, rồi bánh trái
Lần lượt bầy trong những tiếng lao xao.
Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói
Bước gậy lần như những bước chiêm bao”.
Khổ thơ kết của “Họp chợ”, mở ra hai mặt hiện thực tương phản của cảnh đời. Dùng những thanh động thật nơi họp chợ với “những tiếng lao xao”, nhà thơ như trầm lắng yêu thương hướng tới một đối tượng khác. Đấy là những bước chân “lặng lẽ” của “vài người thầy bói”. Thầy bói quê, vào chợ quê, mong xem quẻ bói cho kẻ bán, người mua. Bước đi và dáng vẻ lặng thầm của những ông thầy bói chợ quê, khiến tâm hồn đa cảm của thi nhân chợt mở ra liên tưởng về “những bước chiêm bao”.
Bài thơ khép lại đầy rẫy chất hiện thực từ thị giác và cũng đồng hiện ảo giác của chiêm bao như cuộc kiếm tìm hạnh phúc dung dị ngay giữa đời thường của những kẻ dân quê một thuở:
“Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói
Bước gậy lần như những bước chiêm bao”.