Nhân đọc bài bác Vũ Duy Chu về chuyện đổi tên Đèo Ngang.
Dân hai phía Đèo Ngang rất tự hào về con đèo này. Vì vậy, họ rất phiền lòng khi thiên hạ nói lái kiểu “Đèo Ngang” thành “Đang Nghèo”.
Mà quả là đang nghèo thật, Quảng Bình và Hà Tĩnh là các tỉnh nghèo. Dân Đèo Ngang lại càng nghèo. Ngày trước, Đèo Ngang nhiều ăn xin, thì nay lại nhiều gái vẫy, lắm “hoa héo, hoa tươi”.
Lại có bác VDC viết trên “Trannhuong.com”, đòi đổi tên đèo thành “Đèo Nghếch” tức là “Đếch Nghèo”. Chắc bác VDC cũng có thành ý, muốn xóa đi cái tên “Đang Nghèo” cứ ám mãi vào dân Đèo Ngang.
Nghe tin này, mấy cựu hương lý của hai tỉnh, gọi chung là hai tỉnh Bình Tĩnh, thấy không bình tĩnh được nữa. Các bác bèn tổ chức một cuộc “tụ tập đông người” khẩn cấp, một bác bảo:
- Chấp chi kiểu nói lái của dân “Bắc cù”. Dân ta nói lái kiểu khác, “Đèo Ngang” thì ta lái thành “Đàng Ngheo”, “Đèo Nghếch” thì ra “Đềch Nghéo”. Không thể thành ra chuyện “Đang nghèo” được.
Nhưng một bác lo lắng bảo:
- Nhưng quả thật là ta đang còn nghèo thật, có thể là do cái tên “Đang Nghèo” linh ứng vào. Mà gần Đèo Ngang ta, cái dịch vụ “mát mẻ” kia cũng tai tiếng lâu rồi. Hay ta đổi tên như ri, vẹn cả đôi đường.
- Đổi tên chi vậy?
- Đổi là “Đèo Đứng”. Vừa mô tả con đèo dốc thẳng đứng, vừa vận động phòng chống mãi dâm luôn.
Nhưng một vị phản đối quyết liệt:
- Không được, ai lại treo cái biển “Đừng Đéo” lên lưng chừng trời. Mà chuyện ấy có cấm được đâu, càng cấm nó lại càng loạn lên. Phải chọn tên nho nhã hơn, mà lại không có ý cấm hẳn cái việc “Xóa đói giảm nghèo” bất đắc dĩ ấy mới được.
- Họ nói lái để ám ta, tên mới cũng phải nói lái, mà lái kiểu quê ta cũng được. Anh đề nghị đặt tên gì?
- Đèo Ngang ta, nơi mô cũng lặng gió. Mà ai qua đây, rốt cuộc cũng thử cái dịch vụ tươi mát ấy. Nên tên đèo phải là: “Đèo Mô Cũng Lặng”.
Mọi người râm ran, ai cũng đôi ba lần qua đèo rồi nên thấy đúng quá. Đúng là đã đi qua đó, đằng mô rồi cũng...Ông chủ tọa cũng tủm tỉm gật gù, rồi chậm rãi:
- Đây là cái tên hay nhất, nhưng vẫn chưa ổn. Tôi đề nghị đặt tên đèo là “Đèo Vô Ưu”.
- Cũng hay, bác vốn là dân hay chữ có khác. “Vô ưu” là “vô lo”. Tên rất nho nhã, khuyên khách bộ hành rũ sạch ưu phiền khi bước lên lưng đèo. Thâm ý lại là động viên các em “hoa héo” “đừng lo”, khách đường xa cũng “đừng lo”. Nhưng nếu lái lại thì thấy tối nghĩa quá!
- Khoan đã, tôi nói cho mà nghe. “Vô ưu” là “vô lo”, “Vô lo” là “không nghĩ”, tiếng địa phương ta là “không nghị”. “Đèo Không Nghĩ” hay “Đèo Không Nghị” đều lái được cả. Mọi người hãy lái đi!
- Trời ơi! Đúng quá! Chỉ có bà con ta là nghèo thôi!
Trần Đình Trợ
Hương Sơn Hà Tĩnh