Trang chủ » Truyện

DỐC ĐẦU LÂU

Vũ Ngọc Tiến
Thứ hai ngày 25 tháng 7 năm 2011 7:19 PM
Truyện ngắn  của Vũ Ngọc Tiến

1. Đã ngót bốn chục năm rồi, người dân vùng này vẫn không thể quên được ấn tượng kinh hoàng về cuộc chiến đẫm máu giữa mùa hè năm 1972. Ta ém quân cả một trung đoàn chủ lực chuẩn bị đánh lớn. Nơi ém quân là cánh rừng rậm ở thung lũng phía Tây Bắc thị xã, ba bề là núi, một bề là sông. Binh pháp cổ xưa gọi đó là thế đất tử địa. Đã thế, quân ta chỉ có thể bố trí mấy chốt yểm trợ ở lưng chừng núi vì các điểm cao quan trọng quân địch chiếm giữ. Kế hoạch không may bị lộ. Quân địch tập trung hỏa lực cho máy bay ném bom rải thảm, pháo lớn các loại nhả đạn liên hồi vào từng mắt lưới tọa độ. Sau đó, xe tăng và bộ binh địch tràn vào càn đi quét lại. Trận đó địch chết vài trăm, ta chết hàng nghìn người đã là kỳ tích của đức hy sinh và lòng quả cảm. Thắng bại lúc đó chẳng còn có nghĩa gì, bởi nếu không có D2 tình nguyện trụ lại cầm cự quyết liệt rồi chết thay cho cả trung đoàn rút chạy, chắc tổn thất còn lớn gấp bội. Có những tiểu đội, trung đội của D2 chết tan xác pháo. Con đường men theo sườn núi phía Đông thung lũng có đọan dốc dài quanh co mang tên Dốc Đầu Lâu vì thi thoảng lại thấy xuất hiện đầu lâu, xương người do thú hoang đi ăn đêm bỏ lại. Hòa bình rồi, rất nhiều năm chẳng ai dám đến thung lũng này khai hoang mở đất, dựng nhà. Cung đường qua Dốc Đầu Lâu vì thế không có một hàng quán nào mọc lên. Rừng bị lâm tặc chặt phá gần hết, thung lũng chỉ còn cỏ dại và dây leo chằng chịt. Mùa hè nắng như đổ lửa, khách qua đường khát khô cổ họng không tìm được chỗ nghỉ chân, uống nước. Vài năm gần đây có một cựu chiến binh quân hàm Trung tá, ở tận miền Trung vào lập nghiệp. Ông được chính quyền sở tại các cấp ủng hộ, cho nhận khoán đất rừng toàn bộ mấy trăm ha của thung lũng để lập trang trại trồng café, cao su, hồ tiêu. Đồn rằng, hồn tử sĩ ở đây rất thiêng, nhưng ông Phi thản nhiên bảo, đồng đội tôi hy sinh vì dân vì nước, nếu có âm hồn thì họ chỉ phù hộ cho dân làm ăn, không bao giờ cản phá… và ông đã thành công. Trang trại ngày một mở rộng, cây cối tốt tươi. Công nhân ông tuyển vào làm rất đông, đa phần là người lao động ở các tỉnh miền Bắc. Lâu dần, họ lập thành từng xóm nhỏ, quây quần theo quê quán, tối lửa tắt đèn có nhau, tin tức ngoài Bắc cùng san sẻ…
2. Dốc Đầu Lâu bỗng nhiên xuất hiện một ngôi hàng quán nhỏ bán café, nước giải khát cho người qua đường và công nhân của trang trại. Thi thoảng thấy trong quán bầy thêm rổ ngô nếp luộc, ai ăn ngô còn được miễn phí một bát nước luộc ngô ngọt và thơm mát. Vì thế, khách qua đường mách bảo nhau ghé quán khá đông. Ngay cả ông Phi cũng đã thành khách uống café thường xuyên vào buổi sáng. Nhà ông chẳng thiếu các loại đồ uống mua ở siêu thị ngoài thành phố, nhưng ra quán ông có người chuyện trò, nắm bắt tin tức mau lẹ. Bà Nhân chủ quán người Thái Bình, chồng là liệt sĩ ở vậy nuôi con. Bà trạc ngoài sáu mươi tuổi vẫn khỏe mạnh, tươi tắn, khéo pha trò làm vui với khách. Thái- con trai bà làm công nhân trang trại từ những ngày đầu, thấy nơi đây đất lành chim đậu nên đón mẹ và vợ con cùng vào. Lúc đầu bà Nhân chỉ mở quán đến xâm xẩm tối thì dọn hàng về xóm ngủ với con cháu; sau vì khách đông, bà dựng thêm gian buồng, ngủ ngay tại quán, gọi cả con dâu ra phụ giúp nửa ngày vào buổi sáng. Chập tối, Thái thường đảo qua thăm mẹ hay nhận thức ăn bà mua cho các cháu. Nhịp sống yên bình, ấm áp trở về trên Dốc Đầu Lâu sau bao năm hoang lạnh. Khoảng một tuần nay, quán có thêm anh bộ đội còn rất trẻ, nói giọng Bắc vào uống café. Anh có thói quen xuất hiện ở quán khoảng 5- 6 giờ chiều, ngồi vào chiếc ghế cố định bên cửa sổ trông ra đường, đến 8 giờ tối thì đi lặng lẽ như một bóng ma. Chân anh bước nhẹ, không nghe thấy tiếng động, khiến bà Nhân lắm lúc giật mình vì bất chợt ngẩng lên đã thấy anh ngồi yên vị ở chiếc ghế đó. Có một điều chỗ ấy dù khi vắng anh cũng không thấy ai ngồi nữa hoặc nếu có ngồi thường bị váng đầu hay vô tình trượt ngã. Duy chỉ có ông Phi gặp lúc đông khách vẫn ngồi được, nhưng luôn cảm thấy lành lạnh khắp người.
3. Ngày đầu, anh bộ đội chỉ trầm mặc uống café, hút thuốc rồi đi. Cả lúc trả tiền anh cũng không nói câu nào, chăm chú nhìn bà Nhân như người có thuật thôi miên. Ba ngày sau anh mới chịu bắt chuyện với bà, gọi chị xưng em ngọt sớt. Bà thấy tức cười vì anh chỉ hơn thằng cháu ngoại của mình ngoài Bắc vài tuổi, nhưng vẫn tảng lờ. Bắt chuyện với anh lính trẻ hơi là lạ, khác người nên bà cũng thấy hay hay. Anh hỏi đủ  chuyện ở quê Thái Bình, từ những năm hậu chiến đến thời mở cửa. Chẳng biết cái anh bộ đội trẻ măng này điều tra ở đâu mà rành rẽ mọi chuyện, cứ như ma xó trong nhà bà Nhân vậy. Anh bảo, quê chị ở thôn Đông, xã Thái Dương , huyện Quỳnh Phụ chứ gì. Hai cụ thân sinh rất hiền lành, tử tế. Gia đình nề nếp Nho phong quy củ và nghiêm khắc. Bàn thờ trong nhà chị còn giữ được nguyên vẹn hoành phi, câu đối, lư hương, lục bình. Các cụ sinh được bốn người con, đặt tên là Nhân- Đức- Phúc- Hậu… Bà Nhân nghe anh nói chuyện cứ mắt tròn mắt dẹt, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh bộ đội còn tả chi tiết từ đường nhựa vào làng phải đi qua một con đường đất có hai chiếc cầu bắc qua mương bằng năm cây tre đực dẻo dai, thẳng tắp. Đầu làng có cây muỗm cổ thụ lừng lững và cái ao dài chạy dọc theo một đoạn đường làng thả bèo hoa dâu, có năm dân làng đánh bắt được con cá trắm đen nặng gần hai chục cân. Đường ngang ngõ tắt trong làng anh thuộc như lòng bàn tay. Bà Nhân nghe chuyện không ghìm lòng được, xô ghế lại gần, vồn vã coi anh như người thân lâu ngày gặp lại. Bà kể lan man chuyện làng xã, không đầu chẳng cuối. Từ hồi cải cách đến thời hợp tác xã và chống Mỹ, quê bà xảy ra bao điều chướng tai gai mắt mà gia đình vẫn bình yên, âu cũng là nhờ vào âm đức tổ tiên các cụ để lại. Nhưng rồi bà thắc mắc vì anh bộ đội nói mình quê ở Tiên Lãng- Hải Phòng, nhà ở gần bến Sứa ven sông Văn Úc, sao có thể thuộc đường vào làng bà đến thế? Đó là quê chồng của bà, hay anh này có họ hàng với ông Toán nên được nghe ông ấy kể mà biết? Điều đó cũng vô lý vì năm ông Toán đi B con Hải mới lên năm, thằng Thái vẫn trong bụng mẹ. Giờ Hải ở quê có con lớn đã học lớp 12, còn Thái trong này đã hơn bốn chục tuổi và có ba mặt con. Anh bộ đội mới tí tuổi đời thì làm sao biết mặt ông Toán mà nghe ông tả lại đường làng với cả cái ao dài và cây muỗm cổ thụ? Anh bộ đội nghe hỏi chỉ cười, chẳng nói năng gì càng khiến bà Nhân thêm khó hiểu. Khách trong quán xì xầm bàn tán, đoán anh là điều tra viên của Viện kiểm sát hoặc công an, quân pháp về Dốc Đầu Lâu điều tra một vụ án quan trọng. Ông Phi ở trong trang trại, nghe đứa cháu ngoại về kể thấy lạ cũng tò mò ra quán tìm hiểu thực hư. Ông đến nơi thì anh bộ đội đã lặng lẽ bỏ đi được chừng nửa giờ, đành dặn bà Nhân nếu thấy anh bộ đội còn đến quán thì báo ngay cho ông biết.
4. Bẵng đi mấy hôm không thấy anh bộ đội quay lại làm bà Nhân nôn nao ngóng đợi. Lần này anh đến muộn hơn thường lệ. Trời vừa tan mưa nên quán vắng hoe, chỉ có anh và chủ quán. Thời buổi nhiễu nhương, lại thêm những nghi vấn chưa được giải tỏa khiến bà nhìn khách cảnh giác. Pha xong phin café, bà Nhân lui vào buồng, cẩn thận giấu gói tiền hàng bọc kỹ hai lần giấy báo vào ngách tường đằng sau tủ gỗ. Anh bộ đội thấy bà lục đục hơi lâu trong buồng, phì cười và gọi:
- Chị ơi! Ra đây xem thử cái bản mặt thằng em có giống quân lưu manh, trộm cướp hay lừa đảo không, hở chị?
- Sao chú lại hỏi thế?- Bà sượng sùng hỏi lại.
- Em đọc trong ánh mắt chị thoáng chút nghi ngờ, lại lục đục cất giấu thứ gì trong đó nên hỏi để an lòng chị thôi.
- Chú đúng là ma xó, cái gì cũng biết.
- Nhỡ em là ma thật thì sao?...
 Anh bộ đội hỏi rồi cười vang. Tiếng anh lanh lảnh, lúc xa lúc gần khiến bà Nhân cảm thấy rờn rợn, nhưng cố trấn tĩnh, cười xòa đáp lại:
- Ở đây toàn ma bộ đội, chẳng hồn ma nào nỡ hù dọa hay hãm hại mụ già vợ liệt sĩ đâu, chú nhỉ!
- Thế chị có tin em là đồng đội của anh Toán không?
- Ơ…hờ…ơ… chú bảo sa… sao cơ?...
Bà Nhân bàng hoàng, thảng thốt nhìn anh. Mồ hôi toát ra như tắm, ướt đẫm lưng áo. Toàn thân bà lạnh cứng, nước mắt muốn trào ra mà cứ lặn tuốt vào trong làm the thắt con tim. Anh bộ đội ái ngại nhìn bộ dạng hoảng loạn của bà Nhân, ngập ngừng nói lời động viên:
- Chị đừng sợ… Em đùa chị cho vui tí thôi.
- Chú đùa ác thế, làm chị sắp chết  ngất.- Bà Nhân bình tĩnh lại đôi chút.
- Chị biết anh Toán nhà mình hy sinh ở đâu không?
- Lá thư cuối cùng chị nhận được, đem so với giấy báo tử thì ông Toán viết trước lúc hy sinh nửa tháng, nói đang ở B3, nhờ thế mới biết ông chết trận ở Tây Nguyên. Chị bỏ quê vào đây với thằng Thái có phần vì thương nó, nhưng cũng còn một phần nữa là dò hỏi dần, may ra tìm được hài cốt.
- Chị đã tìm được rồi mà không biết đấy thôi.
- Chú lại đùa dai, đừng làm chị sợ thêm nữa. Chị không thích thế đâu.
- Không, em nói thật, nhưng chị phải bình tĩnh thì em mới dám nói.
- Thật thế ư? Giời ơi!... Chú là hồn ma bộ đội về giúp chị phải không?... Giời ơi là Giời, sao chú không bảo sớm?...
Bà Nhân úp mặt vào lòng bàn tay thổn thức. Nước mặt giờ mới chịu trào ra, chảy ròng trên má, mặn ướt làn môi. Người bà run lên bần bật vì âm khí từ anh bộ đội truyền sang hay vì nỗi đau vò xé, bà không biết nữa. Chỉ mong lời anh nói là sự thật thì bà thề có Giời Phật chứng dám, sẵn sàng làm một hồn ma theo anh đi vào cõi âm tìm gặp chồng.
- Chị khóc nữa đi cho lòng nguôi vợi, rồi em sẽ kể.
- Chị khóc đủ rồi, hả lắm chú ơi, kể đi!...
5. Anh bộ đội cất giọng trầm buồn: Em tên là Tèo, thằng cu Tèo cùng quê với anh Toán ở gần bến Sứa. Anh ở xóm Hạ ngoài bờ đê sông Văn Úc. Em ở xóm Đình nằm ngay giữa làng. Năm 1964, anh Toán nhập ngũ thì thằng cu Tèo còn đang học lớp 5 trường làng. Năm 1969 em mới nhập ngũ và đi tuốt một lèo vào B3. Lúc đầu, anh ấy làm lính pháo cao xạ, đóng quân ở Quỳnh Phụ để đón lõng máy bay Mỹ từ biển vào, sẵn sàng nhả đạn bảo vệ cầu Bo trong thị xã. Vì thế, anh Toán đã gặp và yêu chị đang là dân quân của xã, chuyên tiếp đạn, lau nòng cho mấy ụ pháo. Cái lần anh chị “ăn cơm trước kẻng” trong nhà kho của hợp tác xã mới sinh ra cháu đầu, đặt tên là Hải để nhớ quê nội của cháu là Hải Phòng, hồi trung đoàn rèn cán chỉnh quân ở bắc đèo An Khê, anh Toán cũng kể cho em nghe như truyện tiếu lâm, vui lắm! Riêng chi tiết đang yêu bỗng thấy chuột bò lên người có lẽ anh bịa thêm… Chắc chị còn nhớ, ba năm sau nghe tin chị lại dính bầu, đơn vị anh lúc đó di chuyển ra Uông Bí bảo vệ nhà máy điện. Trắng đêm hôm ấy, anh phải vừa đi bộ vừa vẫy xe đạp đi nhờ từng đoạn để về thăm chị, dặn sinh con trai đặt tên là Thái cho đủ cặp Hải- Thái là hai chữ đầu của quê nội, quê ngoại. Anh Toán quay về đơn vị được vài tháng, nhận lệnh đi B và chuyển sang làm lính trinh sát bộ binh. Em đi bộ mất ba tháng mới vào đến chiến trường, được phân về trung đoàn cơ động quân chủ lực của binh đoàn Tây Nguyên. Đơn vị có ba D, mỗi D có một A trinh sát. Em về D2 không ngờ thành lính trinh sát do anh Toán làm A trưởng…
- Thản nào chú biết tường tận quê nhà của chị- Bà Nhân ngắt lời.
- Vâng. Đời lính ở chiến trường xa nhà biền biệt, ngày về thăm thẳm mù khơi, hễ gặp người cùng làng thì sung sướng lắm, chị ơi!
- Giá mà biết trước, chú về quê chị, mang vào cho ông ấy tấm ảnh thằng Thái. Tội nghiệp nó, từ thủa làm người đến giờ hai bố con không được gặp mặt nhau một lần!
- Nếu biết, em đã sang xóm Hạ, mang cả thư của gia đình bên nội vào, chị nhỉ. Mà thôi, anh em gặp nhau là có chỗ dựa tinh thần cũng tạm ấm lòng, chị ạ! Anh Toán rất thương và cưng chiều em. Đời lính B3 bữa no bữa đói, gặp lúc cạn lương, anh đều xẻ bớt phần mình cho em ăn đủ no. Anh bảo, tao có chết cũng còn biết mùi đời, có con nối dõi, chỉ thương mày non choẹt, lỡ phải chết vẫn chưa biết mồ hôi đàn bà chua mặn ra sao. Cố mà ăn no lấy sức về nhà cưới vợ… Đêm nằm chung chăn, anh kể hết chuyện đời cho em nghe, mô tả tỷ mỉ cảnh quan và đường làng, xóm ngõ quê vợ, đủ biết cái tình của anh với chị thật sâu nặng. Vì thế, em thuộc lòng gia cảnh của chị…
- Thế rồi sao nữa, anh em chú chết trận trong hoàn cảnh nào?- Bà Nhân khóc và hỏi.
- Trận đánh năm ấy ở thung lũng dưới kia thê thảm thế nào, chắc chị đã rõ. Người quanh vùng này ai mà quên được. Anh may mắn được chết toàn thây, còn em chết tan xác pháo. Con người ta, ai cũng có đủ thể xác, thể phách và thể hồn. Người chết mà xác còn nguyên vẹn thì phách dễ tan cho hồn siêu thoát, có khi anh được đầu thai vào kiếp khác nên  không về gặp chị. Em chết mất xác thì phách không tan, hồn cứ quẩn quanh ở thung lũng này. Vận rủi thành may, em được dịp trả nghĩa anh Toán, chỉ chỗ anh nằm cho chị đưa di cốt  về quê nội…
6. Bà Nhân xúc động ôm chặt lấy anh bộ đội hồi lâu mới kịp nhận ra mình đang ôm chiếc ghế. Bà buông ghế ra lại thấy anh ngồi lù lù ở đó, càng tin chắc hồn ma Tèo về tìm mình là có thật. Họ nhìn nhau câm lặng, chẳng nói nên lời, vừa hay ông Phi lại đến. Ông bảo, nằm không ngủ được, ruột gan như lửa đốt, vội lần mò ra quán hỏi xem bà Nhân có gặp chuyện gì không. Bà chưa kịp đáp thì anh bộ đội đã gọi:
- Phi ơi! Mày không nhận ra tao à? Tao là Tèo, lính trinh sát của D2 đây. 
- Giời đất quỷ thần ơi! Hóa ra linh cảm của tao là chính xác. Từ hôm nghe người ta đồn đại về anh bộ đội ở quán này, tao đã ngờ ngợ, giờ thì đúng là hồn ma lính cũ D2 của trung đoàn ta rồi.
- Thế sao mày không nhận ra chị Nhân là vợ anh Toán, A trưởng của tao? Mày là lính trinh sát của D1, thường sang D2 liên hệ công tác với anh Toán và tao cơ mà?
- Chỉ có Giời biết chứ tao thì chịu. Bà ấy bảo có chồng là lính chết trận ở Tây Nguyên, còn ở đời trùng tên là chuyện thường tình, Tèo ạ! Tao về chiến trường xưa lập nghiệp, mong có ngày được gặp hồn ma lính cũ của D2 đã tình nguyện chết để trung đoàn sống sót, trong đó có tao.
- Chúng tao biết mày lập bàn thờ lính cũ của D2 trong nhà, nhưng bảo nhau chưa vội về gặp, chờ xem sao đã. Đời vốn bạc mà thời buổi này con người dường như càng bạc hơn.
- Đừng bi quan thế, Tèo ơi! Lính cũ của trung đoàn mình vẫn còn nhiều người tử tế. Tao sống thế nào chúng mày sẽ rõ. Giờ tao chưa giầu, nhưng kể cả lúc tao thành triệu phú hay tỷ phú tiền “đô” chăng nữa vẫn cứ là tao, là một thằng tử tế. Tao thề có hồn ma chúng mày chứng dám, nếu sai lời cứ về bóp cổ cho tao chết lè lưỡi! Được chưa?...
- Chẳng riêng gì mày, bất cứ thằng lính cũ nào qua Dốc Đầu Lâu mà quên thời lửa máu thành kẻ sâu mọt, nhục nước hại dân… chúng tao cũng sẽ có cách xử cho chúng biết thế nào là lính cũ D2 của trung đoàn chúng mình…
Bà Nhân bồi hồi chứng kiến đôi bạn lính âm- dương đối thoại vẫn nguyên vẹn là lời của lính, cảm thấy nhẹ lòng hả dạ. Đêm ấy, ông Phi vào xóm gọi Thái cùng đi vào rừng với mẹ và ông. Ba người nín thở dắt tay nhau lần theo bóng Tèo chập chờn đi trước dẫn đường. Họ tìm thấy hài cốt ông Toán bị vùi lấp dưới bụi cây dã quỳ. Bà Nhân vừa khóc vừa bới đất thu lượm không sót thứ gì, vái lạy hồn ma Tèo và những âm hồn lính cũ D2. Hôm sau, ông Phi tình nguyện lái xe đưa hai mẹ con Thái mang hài cốt về bến Sứa. Ông cùng bà Nhân vào xóm Đình thăm nhà của Tèo, thắp nén nhang giữa miền quê Tiên Lãng, cầu mong thể phách tan đi để hồn Tèo siêu thoát về nơi cực lạc…
Từ đó, ai qua Dốc Đầu Lâu cũng vào khấn vái trong ngôi đền thờ âm hồn lính cũ D2, trung đoàn cơ động quân chủ lực của binh đoàn Tây Nguyên năm xưa. Bà Nhân giao hẳn hàng quán cho con dâu, thành bà Sãi giữ đền; còn ngôi đền ấy là do ông Phi bỏ tiền, đón thợ giỏi tận  cố đô Huế vào xây…

Hà Nội 2011
VNT