Trang chủ » Truyện

HẠNH PHÚC THỜI MỞ CỬA

Minh Nguyễn
Thứ hai ngày 30 tháng 5 năm 2011 5:47 PM
Truyện ngắn (vui)
 
     Thế là sau bao năm nằm gai nếm mật, xông pha giữa hòn tên mũi đạn, cái chết rình rập,  gần kề… hoà bình thống nhất tôi đã trở về đời thường. Có lẽ hạnh phúc lớn nhất lúc này so với các đồng đội đang nằm lại trên các miền đất của tổ quốc, hoặc có được trở về nhưng đã để lại một phần xương thịt trên chiến trường, là tôi được trở về với vợ, với con còn vẹn nguyên hình hài.
    Thời gian thấm thoát trôi đi như vó câu qua cửa sổ. Cái nghèo không thương gì người lính cứ đeo bám và thế rồi bản năng của người lính lúc này trỗi dậy. Không có việc gì khó, đánh nhau với quân thù đã chiến thắng thì đánh nhau với đói nghèo sao chịu thua?. Nhưng để đánh nhau với cái đói nghèo lấy vũ khí gì? khi không được cấp trên trang bị như ở quân đội?…trăn trở mãi rồi tôi cũng tìm ra hướng đi cho mình. Đem mấy cái đồ lặt vặt ra mở cửa hàng chữa xe nơi góc phố. Ngày qua ngày, tiền kiếm có được thêm đôi chút, nhưng gia đình vẫn ở trong ngôi nhà tồi tàn cấp 4 nhìn ra hồ Tây thơ mộng mà buồn buồn. Một lần đi dự buổi gặp mặt truyền thống đơn vị anh bạn mách :
- Nhà ông nằm ngay ven bờ hồ Tây, đất đang lên giá vùn vụt sao không bán đi xây nhà cho Tây thuê?
- Ôí giời ơi! Sao tôi ngu thế, có vậy mà không nghĩ ra, nhưng đất cát của ông bà tổ tiên để lại bán đi sao nỡ.
- Bán tuốt, không bán ông cứ ngồi đấy mà nghèo.
Về nhà tôi bàn với vợ con và ông chú ruột, cuối cùng thì cả họ, cả nhà đều phải đồng ý vì chẳng con giải pháp nào khác để mở mày mở mặt lên được ngoài bán đất.
  Thằng lớn thấy bố chuẩn bị bán đất nó vui lắm, đi làm về là con chào “bố” thật to cứ như quát, luôn miệng nịnh bố “con yêu nhất bố” cười toe toét như sắp bắt được của. Từ đó nó thường mua mấy két bia Hà Nội về hai bố con khật khưỡng, mỗi lúc như vậy tôi thấy hoá ra khoai khoái. Cuộc đời chỉ có thế mà đã thấy khoái, những nhà giàu thì họ còn khoái đến đâu?. Chỉ 2 tuần sau khi rao bán, khách tìm đến nhà mua đất thật. Lần đầu bán đất, tôi hơi run. Tiền tỷ trong tay bây giờ biết làm gỉ? Sẽ xây cái nhà cho Tây thuê mỗi tháng lấy vài nghìn đô như mấy nhà hàng xóm là hạnh phúc quá còn gì. Đúng là ở hiền gặp lành, vớ ngay được ông khách “sộp”, ông chỉ là một cán bộ cấp tỉnh lẻ nhưng không biết lấy tiền đâu ra nhiều như vậy. Nói giá bao nhiêu ông chấp thuận tất. Thấy ông chấp thuận ngay, tôi giật mình, sợ hớ. Nhưng người quân tử chả có hai lời. Tôi đành cắn răng đi đo đất cho khách. Hôm trao tiền, nào Việt Nam đồng, đô la, vàng ba con chín, bốn con chín…loá cả mắt chả biết đâu là thật là giả. Tôi giao cho mẹ con nhà nó lo tất. Ngồi vuốt râu trê uống cốc bia mát lạnh ngẫm nghĩ: hoá ra ông trời cũng công bằng, bao năm vào sinh ra tử, hôm nay trở thành tỷ phú, ngồi chơi xơi nước hạnh phúc bây giờ gấp nghìn lần cái hạnh phúc hôm mới rời quân ngũ. Rồi cuối cùng cái nhà bốn tầng, mặt sàn 70m2 có đầy đủ tiện nghi cũng được mọc lên soi bóng xuồng hồ Tây huyền thoại, chỉ sau thời gian gần bốn tháng trời thi công. Vào trong nhà bật điều hoà, ngồi trên cái ghế giả cổ mát lạnh, ngửa mặt nhìn lên trần chùm đèn lồng toả sáng lờ mờ cứ như mơ. Mùi vôi ve, sơn mới thoang thoảng, bức tranh “mã đáo thành công” hoành tráng treo trên tường thật oai phong và đẹp mắt. Nhưng càng ngắm ngôi nhà tôi càng thấy trong người bâng khuâng. Tôi thở dài nói với vợ:
- Tiếc quá!
- Ông tiếc cái gì? – bà vừa cười vừa hỏi lại tôi- Nhà cửa xong rồi chỉ chờ có Tây thuê còn tiếc cái gì?
- Uống nước nhớ nguồn, ví thử các cụ nhà mình còn sống đến giờ mà hưởng chút hạnh phúc từ cái nhà lộng lẫy, kiêu sa này.
Dường như cũng nhớ tới các cụ, vợ tôi xịu mặt lại và giọng buồn buồn:
- Đúng là đến lúc biết thương  thì bố mẹ đã đi rồi- bà thở dài.
 Hôm Tây dọn đến thuê ở, tưởng đơn giản ai ngờ họ yêu cầu đủ thứ, nào nước máy phải bơm lên tận tầng thượng, xây thêm cái bể tắm trong sân, đặt máy điều hoà các tầng, trồng thêm cây cảnh, tháo bỏ mấy bức tranh cả bức “mã đáo thành công” treo trên tường, hàng rào sắt phải cao lên để chống trộm…xây cái nhà gần tỷ đồng nhưng khi cho thuê lên tới tỷ mấy. Đâm lao phải theo lao, tỷ mấy cũng phải đầu tư. Ngày họ dọn đến là ngày vợ chồng con cái chúng tôi phải dọn ra và đi thuê một căn hộ rộng 30m2 ở rìa làng. Thấy lại phải ở trong ngôi nhà lụp xụp như xưa, tôi phàn nàn với thằng con trai:
- Xây xong để cho Tây thuê lấy mấy nghìn đô, nhưng xem ra không ổn
- Bố bảo không ổn ở chỗ nào? – thằng con cả hỏi tôi
- Đàng hoàng có nhà cao cửa rộng lại phải ở nhờ thế này theo bố không khoái lắm.
- Bố thì lúc nào cũng “không khoái”, ngồi không đấy xơi 3 nghìn đô sao không khoái?
   Nó nói đến “đô” làm tôi cụt giọng. Đang nghèo còn chê tiền. Mà mình chỉ đi ở thuê chứ sau này thằng Tây nó trả nhà vẫn nhà vẫn đất của mình mất mát gì đâu, lúc đó chả mình ở thì ai ở.
Một buổi sáng, thằng cả bảo tôi:
-  Bố dỗi việc. Con bàn, bố sang làm “bảo vệ” cho nó vừa trông nhà vừa có hai triệu một tháng.
- Tao đường đường một thiếu tá từng đánh Tây, đánh Mỹ nay sao phải đi bảo vệ cho chúng nó?
- Lúc này ai biết bố cấp gì, vả lại thời mở cửa về đời thường rồi, hãy coi mình như một công dân lao động mà lao động chính đáng, ai cười hở mười cái răng.
    Nghe nó nói, tôi nhận lời làm người “giữ nhà” cho thằng Tây. Từ ngày sang làm thêm cái nghề này cũng thấy hay hay, chẳng có gì vất vả mà đúc túi hai triệu đồng tháng. Ông chủ người Mỹ đi suốt ngày, trong nhà đã có một cô gái người Việt làm lao công. Trách nhiệm của tôi chỉ có mỗi một việc ngồi ngoài sân cho trọn một đêm sáng mai về nhà nằm khếnh ngủ đến trưa, đến chiều đi đánh cầu lông, thể dục…Những tưởng công việc quá đơn giản, lại có tiền tiêu nhoè chả phải xin con, ai ngờ mấy tháng sau ở nhà quê có việc họ về Hà Nội mời. Bỏ công việc “giữ nhà” cho ông Tây lúc này quả là khó. Không về nhà thì ở quê trách  “Vì tiền mất anh em, họ tộc”. Nhưng rồi vụ này cũng giải quyết cũng ổn thoả. Ngày gần tết, vợ chông thằng Tây nó đi ăn tết ở bên Thái Lan, ba ngày tết tôi phải “ôm” ngôi nghà như “con mọn”. Dứt khoát sang năm tôi không làm cái trò này nữa, hai triệu chứ mười triệu cũng chả thèm, kích rích  lắm. Tự ngẫm, ngày trước mang tiếng đi đánh chúng nó, nay lại làm “tớ” cho nó.
   Mùng 5 tết vợ chồng thằng Tây nó về, chiều đến nó gọi tôi vào và bảo vợ chồng nó có 100 nghìn đô để trong tủ bị mất. Tôi là “bảo vệ” phải chịu trách nhiệm. Chết tôi rồi, 100 nghìn đô chứ ít đâu. Chưa hoàn hồn, mấy ông công an đã gọi tôi lên đồn để “tìm hiểu” thế là suốt đêm mùng 5 tết ngồi trên cái ghế dài trong đồn bị muỗi cắn, rét căm căm…giữa đô thành nào đâu dám ví với giữa trường Sơn. Bây giờ biết than thân trách phận với ai. Ông thiếu tá, đầu bạc trắng ngồi ở phòng tạm giữ, tạm giam vì việc không đâu, thật xấu hổ. Kỳ này không đền cho nó thì chắc vào tù chứ chả chơi.  Đang suy nghĩ mông lung, chán nản chả thiết sống nữa, thì một anh công an đi vào:
- Bác thông cảm, hôm qua người Tây này nhầm lẫn nên đã xin lỗi, hôm nay mời bác về.
   Ngồi một đêm ngồi ở đồn công an, muỗi cắn, trời rét khoác chiếc chăn  ngủ ngồi chờ “kết tội”,  gia đình lo cuống cuồng…kỳ này không có tiền đền bố chúng nó- ông thiếu tá có thể đi tù… vậy mà chỉ có hai chữ “nhầm lẫn”, thế là được giải oan. Ra khỏi đồn công an, tôi vươn vai thở hắt ra. Về tới nhà này tôi mới thấm thía về hai chữ “hạnh phúc” có lẽ đời tôi không có gì hạnh phúc bằng hôm nay, khi được nghe hai chữ “nhầm lẫn”.
Minh Nguyễn