Trang chủ » Truyện

Con đường hoa gạo đỏ

Bút ký Phùng Văn Khai
Thứ hai ngày 6 tháng 6 năm 2011 5:59 PM

(Tặng các chiến sĩ đangkhảo sát, thi công tuyến đường Tuần tra biên giới)

Năm 1975, đất nước thống nhất, Việt Nam đã lần lượt ký các hiệp ước hoạch định đường biên giới với các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Hiệp ước về biên giới trên bộ với Campuchia được ký năm 1985 trên cơ sở các Công ước hoạch định biên giới giữa Pháp ký với Quốc vương Nô Rô Đôm năm 1883 (Biên giới Nam Kỳ); Hiệp ước về biên giới trên bộ ký với Trung Quốc năm 1999 trên cơ sở Hiệp ước về biên giới trên bộ giữa Pháp với triều đình Mãn Thanh ký năm 1887 và năm 1895 (Biên giới Bắc Kỳ) đã cho thấy việc khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cũng như các nước bạn chung đường biên giới, từ đó tiếp tục mở ra sự ổn định, phát triển của nhân dân các nước vùng biên giới. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành mở các tuyến đường tuần tra biên giới theo dự án đã được Chính phủ phê duyệt, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa của quân và dân ta.
Những người lính nhận mệnh lệnh lên đường.
Biên cương tháng ba ngập tràn hoa gạo đỏ.
Dưới sắc hoa máu ứa, hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ ngày đêm khẩn trương tiến hành mở đường tuần tra biên giới. Tiếng mìn nổ ì ầm. Tiếng máy nghiền, máy khoan đá chát chúa dội vào vách vực âm i. Máy xúc, máy ủi, máy húc, máy trộn bê tông rào rạo, ùng ùng, u i... tạo lên bản đại giao hưởng trầm hùng nơi địa đầu tổ quốc. Những nhánh sông thựơng nguồn biên cương ứa sắc hoa gạo đỏ, có cánh hoa đậu xuống đôi cầu vai bạc phếch của người chiến sĩ. Núi rừng đang chuyển động dưới bàn tay người chiến sĩ.
Biên giới trên bộ của Việt Nam tiếp giáp ba nước Trung Quốc, Lào, Cam pu chia có chiều dài trên 4.500 km. Núi tiếp núi, rừng tiếp rừng hoang sơ, thâm u, bí ẩn. Bên cây cột mốc, bao nhiêu khát vọng, ý chí, niềm tin của các thế hệ nối nhau ẩn vào đá xám hôm nay đang hằn lên đôi vai người lính. Ước mơ, khát vọng về một đường biên hòa bình, ổn định, tình nghĩa đồng bào, lân bang hòa mục là khát vọng muôn đời. Mong muốn kiện toàn, xây dựng hệ thống đường biên là nhu cầu cháy bỏng của nhân dân các dân tộc nơi biên giới.
Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có địa hình phong phú như Việt Nam. Đất nước trải dài hàng ngàn cây số, trước mặt biển Đông sóng gió mở ra Thái Bình Dương mênh mông, sau lưng trùng điệp núi non hiểm trở. Mỗi bờ sông, tấc núi biên giới là những điểm tựa, lá chắn cùng nhân dân làm phên dậu cho Tổ quốc. Núi sông ngàn năm hòa mục với con người. Mỗi hòn đá, nhành lau biên ải đều thấm nhuần khát vọng. Trên dải đất 64 dân tộc anh em sinh sống, mỗi người dân đồng thời là một người lính, đèn sách, súng gươm, chiến đấu, hy sinh âm thầm, có khi không sử sách nào biên chép, không bảng đồng, bia đá đề tên.
Đã hàng ngàn năm sự hy sinh diễn ra như vậy.
Đã hàng ngàn đời người dân biên giới nối nhau sinh sôi, lập làng bản, lập phong tục, tạo thành văn hóa, truyền các thế hệ, vui buồn, mưa nắng bên đường biên cột mốc mà thoạt tiên chỉ là gỗ đá nằm trong tấm lòng, trí nhớ của người dân. Vùng biên không phải khi nào cũng tươi đẹp nhưng tấm lòng người dân nơi đây lúc nào cũng như nhau. Khi khó khăn chung nhau hạt ngô, củ sắn dưới mái nhà gianh heo hút, thú dữ rình rập đến những mùa lễ hội đỏ làng, đỏ bản, hoa gạo, hoa mơ, hoa mận, hoa ban nở trắng rừng lòng dân bao giờ cũng thủy chung như nhất.
Kế thừa truyền thống giữ nước của ông cha ta về bảo vệ biên giới, Đảng và Nhà nước đã quyết định cải tạo miền đất dọc biên giới vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh, ổn định về kinh tế và phát triển văn hóa xã hội bằng việc xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới dự kiến đến năm 2030 sẽ hoàn thành.
Nghị định 34/2000/NQ/CP của Thủ tướng Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền ký ngày 18/8/2000 khẳng định việc xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới không những tạo thế chiến lược trong việc giữ gìn nền quốc phòng an ninh, khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà quan trọng hơn là đẩy mạnh việc phát triển kinh tế dân sinh toàn diện, xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Trên dưới đồng lòng, nhân dân chung sức vì một đường biên no ấm.
Việc xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới toàn quốc nhằm phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia của Bộ Quốc phòng trên địa bàn các tỉnh có biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đang được khẩn trương tiến hành trong đó bộ đội công binh làm nòng cốt được khẩn trương tiến hành.
Con đường từ khát vọng của bao thế hệ được triển khai bằng tất cả trí tuệ, công sức, suy tư, kinh nghiệm. Trách nhiệm đặt lên bàn tay, khối óc người chiến sĩ. Với phạm vi xây dựng rất rộng, địa hình cấu tạo địa chất phức tạp, thời gian thi công dài với tổng hệ thống đường vành đai biên giới và khu vực biên giới trên 14.500 km đã đặt ra thử thách rất lớn với bộ đội cụ Hồ hôm nay.
Bộ đội nối nhau nhận mệnh lệnh lên đường.
Biên cương nối tiếp những mùa hoa gạo cháy.
Vách đá tai mèo, những cây gạo vạm vỡ, kiên cường thi gan cùng đá xám. Bầu trời cắm những cành hoa khổng lồ đỏ rực đánh dấu đất đai của tổ quốc. Khắp đầu sông ngọn suối, vách cao, vực sâu, không ở đâu vắng sắc máu hồng kiên trinh của loài hoa nhân dân gọi tên trìu mến: mộc miên đỏ một trời biên viễn / như máu tươi ròng rã nghìn năm / có ai trồng mộc miên biên giới / hay cứ biên cương cây tìm đến mọc lên.
 Hoa như người chiến sĩ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Như những triền hoa gạo, không quản rừng sâu núi thẳm, bất chấp nắng mưa, bộ đội công binh lặng lẽ trèo đèo lội suối khảo sát, lập bản đồ xây dựng các tuyến đường. Còn nhớ các triều đại phong kiến trước đây đã quản lý lãnh thổ bằng khảo sát thực địa, ghi chép thành sách, vẽ bản đồ đất nước như các sách “Nam Bắc phân giới địa bản đồ” thời Lý (thế kỷ 12), “Thiên hạ bản đồ” thời Lê (thế kỷ 15) hoặc soạn sách về địa chí, dư địa chí từng địa phương. Tiêu biểu như các sách của Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Siêu... (thế kỷ 19), nhưng chưa có một triều đại nào nghĩ tới việc mở đường dọc biên giới quốc gia hàng ngàn km.
Bộ đội công binh ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ đã xác định, con đường của những người chiến sĩ nơi biên giới là con đường đi ở trong dân. Khát vọng của nhân dân về một môi trường sống tốt hơn cũng là khát vọng của các anh. Tháng rồi năm, bộ đội mở đường đến với đồng bào, ăn chung phong lương khô, uống chung cần rượu, viên thuốc sẻ nửa, hạt bắp chia đôi. Và đã từ lâu, từ lâu lắm, khát vọng của những người lính, của bà con về một con đường đi rẫy đi nương, đi tuần tra làm nhiệm vụ dài rộng hơn, hiệu quả trực tiếp tới đời sống hơn đã được ấp ủ, manh nha.  Giờ đây, con đường ấy đang hình thành dưới bàn tay khối óc người chiến sĩ và nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, đồng thuận của đồng bào.
Nỗi trăn trở, khát vọng về con đường không chỉ bộ đội, mà nhân dân cũng đang trông đợi. Ông Lý Chứ Sùng, người sống lâu ở xóm Xẻo Lủng, Lũng Cú, đại diện cho bà con ở đây cảm động cho biết: Nhân dân biên giới chúng tôi được các cán bộ giúp đỡ nhiều. Không còn khó khăn như trước đây, nhưng vẫn còn nghèo lắm… Không có đường, không có cầu qua suối nên bà con muốn có con đường đi qua để bộ đội đến với dân nhiều hơn, kẻ xấu không còn chỗ lợi dụng, giúp cho dân yên tâm sản xuất, mua bán được nhiều hàng, thế là vui cái bụng…
Một tấc đất biên cương là một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Không có ngọn suối, gốc cây nào người lính mở đường không tìm đến. Địa chất, địa tầng mỗi vùng mỗi khác nhưng tấm lòng son của người lính với nhân dân bao giờ cũng như nhau. Trên toàn tuyến Biên giới quốc gia trên bộ từ Móng Cái đến Hà Tiên dài hơn 4.500 km, bước chân của những người lính mở đường đều đã đến. Bàn chân lại vạch rừng, vượt suối như thuở vượt Trường Sơn đánh Mỹ. Người lính mở đường mang trên vai ước mơ giản dị. Dải đất biên cương thấm đẫm mồ hôi, trí tuệ người chiến sĩ công binh. Có nơi, dường như lần đầu tiên dấu chân người đặt đến. Công việc khai tuyến, bóc đất đá đòi hỏi phải tỷ mỉ, thận trọng, nghiêm ngặt từng chi tiết nhỏ. Công trường của người lính mở đường là thực địa biên cương và máu ở đây là công sức, tiền của của nhân dân. Hành trang chiến sĩ mở đường có thêm sức nặng của những câu chuyện vui buồn nơi biên giới. ở nơi đây, các anh chứng kiến nhiều cảnh đau lòng, vùng thâm sơn cùng cốc nạn nghèo đói, lạc hậu, mù chữ hoành hành, nạn xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép diễn ra. Thậm chí mốc bia chủ quyền qua thời gian và thời tiết khắc nghiệt đã không còn nguyên vẹn. Tại thực địa, khó khăn chồng chất khó khăn. Cuộc sống của bộ đội công binh trên các tuyến đường điển hình là ăn gió nằm sương, bầu bạn với cây rừng đá suối.
Trên những cung đường đang mở, mùa nối mùa, sắc hoa gạo cháy đỏ miên man.
 Trên công trường, hàng ngàn chiến sĩ cùng máy đào, máy xúc, máy húc, máy khoan đá, nổ mìn ngày đêm chạy đua với thời gian, khẩn trương hoàn thiện từng mét đường. Người mở đường dù ở thực địa giá buốt hay đang trăn trở trong phòng máy thảy đều đồng tâm hiệp lực. Trục đường dần nối thông chiều dài biên giới như một sợi chỉ xanh kết nối tâm và tài, tình cảm và trách nhiệm của những người lính với non sông. Cung đường xanh cứ vươn ra, vươn ra mãi hai đầu Tổ quốc. Trao đổi với chúng tôi, Tư lệnh Công binh cho biết: Từ hàng ngàn km đường đan cài ngang dọc tuyến biên giới, sẽ là một cuộc vào trận tuyến mới của bộ đội Công binh. Con đường đang sáng rõ từ trí tuệ và tinh hoa tập thể. Từ con đường ấy chủ quyền lãnh thổ được giữ gìn trong thế trận toàn diện hơn. Và từ đó, chúng ta sẽ có thêm thời cơ giao lưu, hội nhập, cùng phát triển. Đó sẽ là con đường của hoà bình, hữu nghị và hợp tác bền lâu. Trọng trách ấy đang được đặt lên đôi vai người chiến sĩ, trong đó có người chiến sĩ Công binh.
*
*     *
Chúng tôi đến chốt dã chiến của đoàn Công binh H29 khi trời chuyển sang chiều.
Thời tiết tốt nhưng quãng đường đi cực kỳ khó khăn, một bên núi cao chót vót quanh co, một bên vực sâu tút hút không một bóng người, tịnh không một nóc nhà, không cả những sợi khói quen thuộc của dân bản đốt lửa. Chốt dã chiến nằm sát hai bản Nà Cầm và bản Huổi với gần bốn mươi nóc nhà rải rác hai bên bờ suối cạn chìm khuất sau những rặng núi rậm rạp cây rừng. Ngay trước mặt là bản Mén thuộc đất bạn Lào. Kề chếch đó là đồn biên phòng Chiềng Khương (đồn 457) với con đường mòn nhỏ như sợi chỉ len lỏi trong đá xám bà con người Thái, người Mông, người Lào đi lại từ bao nhiêu năm. Có con đường bà con bí mật rỉ tai nhau bộ đội biên phòng không thể biết, đó là những đoạn đường chui vào lòng núi để trồng thuốc phiện, điều vẫn xảy ra ở đây. Theo khảo sát thiết kế, địa chất gói thầu rất phức tạp, nhiều thềm đá đang trong thời điểm trượt ngang xô xuống vực rình rập mất an toàn. Với thiết bị xe máy bao gồm bốn đầu máy xúc, hai máy húc và một số máy nghiền đá đã hoạt động từ nhiều tháng cung đường đã cơ bản hoàn thành phần nền. Trung bình độ cao mặt đường đều ở mức gần 1.000 mét so với mặt nước biển. Do khảo sát thiết kế có sai số nên tại cung đường đoạn núi Luông Phu, Phu Toong bị lệch cao độ đến 58,5 mét, anh em phải khắc phục rất vất vả. Trên toàn tuyến hàng ngàn km, bộ đội công binh đang thi công, mỗi khi xử lý sai số vô cùng gian khổ. Thế mới biết thực tiễn thi công những cung đường là thách thức lớn nhất của bộ óc con người.
Thiếu tá Võ Quang Minh, chàng trai Hà Nội, chỉ huy trưởng công trường của Tiểu đoàn 3 đoàn H29 báo cáo vắn tắt nhưng rất mạch lạc tình hình triển khai thi công mặt nền đường. Công việc chủ yếu là hạ nền, vận chuyển đá, khoan đá, nghiền đá, xây cống, tập kết nguyên vật liệu trong đó cón những thứ phải vận chuyển xa hàng trăm km từ thủ phủ Sơn La, thậm chí giấy dầu kỹ thuật phải đưa lên từ Hà Nội. Hiện nay công trường đã tập kết được trên 1.000 khối đá răm, vận chuyển hơn 2.000 m3 cát từ sông Mã. Trong quá trình nổ mìn khoan đá từ tháng 12/2007 đến nay bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị. Nhiều thợ lái máy xúc, máy húc, máy nghiền đá trưởng thành là những tài xế có hạng, kiện tướng của công trường mà anh em vẫn đùa nhau đã trải qua công trường đá Sốp Cộp cũng là đồng thời đóng mác chất lượng siêu tay nghề. Điều đó ai từng qua những cung đường Mường Hum, Bản Huổi, Sốp Cộp, Sông Mã, Sơn La chỉ một lần hẳn đều tâm phục, khẩu phục.
Vất vả nhất có lẽ là những mét đường công vụ lắt léo, chon von bên những gờ  đá hàng triệu năm tuổi như chỉ chờ con người đụng vào là sụm xuống. Số km đường công vụ phục vụ tuyến chính trên khắp nẻo biên cương cứ kéo dài mãi theo bản tay lao động của con người thì không thể thống kê hết được. Ngày hôm sau, khi đoàn công tác tiến sâu vào những tuyến đường xa nhất của hai huyện Sông Mã và Sốp Cộp, có những đoạn ở độ cao trên 2.000 m đang khai mở vô cùng gieo neo được anh em các công trường thi công của đoàn H29, H39, H49 kể nhiều chuyện hay khó tưởng tượng. Có tổ máy thi công trên nóc núi phủ đầy rừng rậm tiếp giáp nước bạn Lào, máy neo lưng chừng giời, lên xuống cực khó khăn mà buổi tối anh em rời máy gần như bò từng mét, sáng hôm sau tiếp tục lên thi công đã rất ngạc nhiên và kinh hoàng khi thấy những dấu chân voi và cả cặn bã của chú voi tinh nghịch. Đêm đêm thỉnh thoảng vẫn có tiếng hổ gầm. Anh em được bà con cho biết nhiều vùng rừng voi và hổ vẫn còn đang sinh sống nên ngoài việc phải ứng phó với thiên nhên khốc liệt, bọn phỉ, lâm tặc, buôn lậu thì các đồng chí nơi lán trạm còn phải đề phòng các ngài voi và những ông ba mươi, một điều mà có chiến sĩ công binh vượt sông trong suốt đời quân ngũ của mình bây giờ mới nghe nói đến.
Trên các tuyến đường biên giới Tây bắc, bộ đội công binh cùng các đơn vị bạn đang mở một đại công trường ì ầm suốt đêm ngày. Nhân dân các vùng biên giới nhiều nơi rất khó khăn. Khó khăn từ thiên nhiên khắc nghiệt, tập tục lạc hậu, du canh du cư, sống cuộc đời lầm lũi, tăm tối. Muốn làm cho dân bớt khó khăn, bộ đội mở đường phải hết sức kiên trì. Một con đường vào bản có khi phải xếp đến hàng nghìn, hàng vạn viên đá. Đá chồng lên đá. Mồ hôi nhỏ xuống mồ hôi. Khi đoàn công tác chúng tôi có mặt ở những trọng điểm thi công của cán bộ chiến sĩ đoàn công binh H49 lúc trời đã ngả sang chiều. Những thềm hoa gạo cháy nơi biên giới Việt - Lào hoang vu được cày xới xem chừng cũng bớt hiu quạnh hơn thường lệ. ở độ cao hàng nghìn mét, đường dốc quanh co, đá hộc, đá mồ côi, những thảm đá trượt đồng loạt đứng dậy thách thức người lính công binh. Chúng tôi vội vã cùng anh em ăn tạm bữa cơm nơi lán trạm thổi bằng nước suối còn đỏ đòng đọc rồi dắt nhau ra bãi mìn. Các chiến sĩ tuổi mười chín đôi mươi đang neo mình trên vách đá chĩa sức người xuống đá xám triệu năm. Những giọt mồ hôi chảy từ trên trời xuống trộn trong tiếng máy khoan đá u i. ì ùng. Tiếng nổ dội lên từ những vách đá xa xăm xoắn lại khoan sâu vào tim óc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng với những người lính công binh mở đường hôm nay thì dường như nó vẫn còn náo nức lắm. Đại tá Sâm, phó chủ nhiệm chính trị binh chủng, một người lính mở đường từ thuở Trường Sơn chống Mĩ thoáng nhíu mày khi thấy anh em đang treo người trên vách đá ở độ cao ngàn mét. Đi ra từ chiến tranh, từng đi vào những cung đường chết với đủ mọi chủng loại bom mìn bẫy giập giờ  anh lại co cái khổ người cao lớn của mình bên cạnh những binh nhất, binh nhì thuần thục tính toán từng lượng nổ bóc tách những lớp đá hộc u ám khai mở từng mét đường. Dường như anh đang chạnh lòng lắm. Bao giờ người lính công binh hết được vất vả, gian nguy. Đã có không ít chiến sĩ công binh hy sinh ở thời bình này. Trong sự tưởng tượng của nhiều người, sự hình dung về lính công binh vẫn còn những gì đó phiến diện, chàng màng là một khổ tâm của chúng tôi và Đại tá Sâm. Đó còn là trăn trở thường trực theo suốt dòng hoa gạo chạy dọc hành trình biên giới. Chúng tôi trò chuyện với nhau về những dấu son phương lược bảo vệ biên cương của cha ông ta và cùng nhau ôn lại lịch sử. Là đất nước có chủ quyền từ thời Hùng Vương, Nhà nước đầu tiên sớm biết chăm sóc nhân dân và bảo vệ lãnh thổ của mình. Thế kỷ 11, trong lần đánh ngoại bang xâm phạm cõi bờ Đại Việt, Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt là tuyên ngôn độc lập thứ nhất mà trong đó Quốc giới được nói tới trước tiên: “Sông núi nước Nam vua Nam ở. Rành rành định phận ở sách trời . Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm. Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”
Ngay khi đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của nhà Minh, Nguyễn Trãi, hiền tài bậc nhất của Đại Việt vâng mệnh vua soạn: “Đại cáo bình Ngô” khẳng định những giá trị thiêng liêng về sự toàn vẹn lãnh thổ, biên giới của Tổ quốc với tâm thế hào sảng của người chiến thắng:
“Như nước Đại Việt ta từ trước          
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác”
Các Hoàng đế thời phong kiến không những đưa ra tư tưởng bảo vệ đường biên là Quốc kế hàng đầu còn trực tiếp thân chinh đi dẹp loạn để tìm ra kế sách ổn định biên giới quốc gia lâu dài và gìn giữ nghĩa lân bang mà sử sách các triều đại đã biên chép  dùng làm phương lược trị quốc và hưng quốc.
Tại Vị Xuyên - Hà Giang, trong chùa Thọ Lâm còn lưu giữ qủa chuông lớn có ghi: “Vua nước Đại Việt giao cho người dân biên giới phía Bắc phải bảo vệ giữ yên biên giới. Phải yêu quý hàng xóm lân bang, phải giữ được biên giới phía Bắc. Biên giới này đã được tổ tiên giữ lưu từ đời cổ xưa đến đời ta. Ta phải giữ lưu cho đời sau”.(Trần Nhân Tông. 1295).
Thời Lê Sơ, Nhà nước trung ương đã đưa ra một tư tưởng mang tính chiến lược về công tác biên phòng. Năm 1431, sau khi vua Lê Thái Tổ dẹp yên phản loạn đã cho dựng bia ở núi Khắc Thiệu. Tiếp đó, trong chuyến Tây chinh bình ổn vùng biên viễn lần thứ hai, Lê Thái Tổ cho khắc bia ở Thác Bờ, tự tay soạn văn bia và sai khắc vào vách núi Hào Tráng để đời sau ghi nhớ. Bia có câu:
Biên phòng hảo vị trù phương lược
Xã tắc ưng tu kế cửu an.
Các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn luôn có các chính sách hài hoà về chủ quyền, cương vực, nêu rõ chức phận của các quan trấn thủ địa phương biên giới: “Phải bảo toàn cảnh thổ, yên ủng nhân dân. Nếu người nào dám đem một tấc đất, một tấc sông làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị tru di…”
Thủ lĩnh Dương Tự Minh, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống ở vùng biên giới là tấm gương suốt đời chăm lo xây dựng vùng đất xa xôi của triều đình. Tin cậy và ghi nhận công lao của ông, vua Lý Nhân Tông và vua Lý Anh Tông đã gả hai công chúa cho vị thủ lĩnh có công miền biên ải.
Chúng tôi cứ thế cùng nhau vừa thi thố kiến thức lịch sử, vừa ôn cố tri tân trên những chặng đường biên mới mở.
Đêm xuống. Bầu trời như cái nơm khổng lồ, đen kịt úp sùm sụp xuống những con người nhỏ bé. Ngoài kia rừng đang thở, ngoài kia sương đang giăng trùm khuất những máy móc, troòng sắt, kíp mìn, phi xăng, máy ủi, máy xúc... Không biết giờ này, có ông hổ, ông voi nào của rừng thẳm lượn lờ, lạ lẫm, trêu tròng những máy móc mới mẻ kia chăng. ở nơi rừng thẳm, chúng tôi dường như không ngủ. Để dong được những máy móc, thiết bị kỹ thuật vượt hàng trăm km đèo dốc lên tới đỉnh núi cao hàng nghìn mét mất hàng tháng trời ăn gió làm sương là một thử thách quá sức với những người lính. Có những cuộc dong xe máy, bộ đội công binh đã phải bỏ tết, bỏ phép, bỏ ngủ, bỏ ăn để cõng, dắt máy móc lên những sườn núi cao chót vót. Hàng trăm sáng kiến được nảy sinh. Chiến sĩ công binh vượt sông đề tài sáng kiến lại là đưa máy qua đỉnh núi. Không có cho những suy nghĩ giáo điều, nhỏ nhen, tầm thường ở nơi đây. Giao thừa năm Kỷ Sửu, gần một trăm phần trăm, cán bộ chiến sĩ thi công trên các công trường ăn Tết tại trận ở độ cao nghìn mét, đêm giao thừa vẫn văng vẳng tiếng mìn phá đá thi công. Những chiến sĩ công binh, có người được điều từ Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên, Đồng Nai, Cần Thơ... xa gia đình hàng nghìn km đã nhiều tháng ròng nằm trên sạp gỗ ở những tuyến đường chắc có lúc không ít tâm tư. Đêm giao thừa, hoa gạo, hoa ban, hoa mận, hoa mơ còn vùi trong sương lạnh chưa kịp nở. Chỉ những bông lau ngàn ướt đẫm tuyết sương đu đưa trong những đợt gió Lào sớm khô không khốc quất dát dạt vào những chàng trai Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Bình Dương, Tây Bắc, Tây Nguyên...
Đêm giao thừa nơi núi rừng biên viễn ấy không bao giờ quên trong ký ức những người lính mở đường.
*
*     *
Trên dải đất Việt Nam hình chữ S, các cung đường biên giới như những mạch máu đang lưu thông đáp ứng khát vọng của nhân dân. Mơ ước từ cột mốc hoa gạo hoa mơ hoa đào hoa mận nối đến cột mốc hoa mai hoa pơ lang ở hai đầu đất nước đang trở thành hiện thực. Các chiến sĩ ở hàng trăm chốt trạm đồn biên phòng sẽ bớt nhọc nhằn trong mỗi phiên tuần, ca trực. Tuyến đường xanh nghĩa tình, xanh khát vọng sẽ rực rỡ nhiều sắc màu văn hóa. Không kể ngày đêm, người chiến sĩ ai cũng mang hết sức mình cho con đường sớm hoàn thành, ai cũng nhận thấy rõ trách nhiệm, niềm tin của bà con vùng biên đang mong đợi cung đường mới mở. Tâm tư tình cảm được các anh gửi vào từng chi tiết thiết kế, mỗi nhát cuốc, mũi khoan trên toàn tuyến khẩn trương, chính xác. Trong những tháng ngày mở đường, các anh càng hiểu, có một nếp nhà gianh nơi biên cương là bao nhiêu bàn tay tấm lòng chung sức. Đường đi từng chặng, từng chặng đẩy cái đói nghèo, lạc hậu ra khỏi đời sống bà con nhân dân phải kiên trì và kiên tâm. Có khi đi được một chặng không nghĩ rằng mình đã vượt qua cái khúc khó khăn ấy. Bộ đội mở đường biên giới như ngọn gió lành vi vút thổi mãi trong rừng.
Khi mở mỗi cung đường, các anh càng thêm hiểu bà con các dân tộc biên giới từ xưa đến nay bao giờ cũng là những lương dân chất phác, hiền lành. Những người dân mỗi khi giặc đến sẵn sàng lên tuyến đầu lấy sinh mạng mình giữ đất, giặc tan lại âm thầm, lặng lẽ với suối, với rừng. Trải bao binh biến, thăng trầm, đói nghèo, lạc hậu, người lính và người dân luôn kề vai sát cánh bên nhau. Khó khăn từ đâu? Đói nghèo do đâu? Phải chấm dứt bằng cách nào? Chủ trương chính sách đã nhiều sao cái đói cái nghèo mãi đeo bám năm này qua năm khác, đời cha tiếp đời con, vừa xóa nghèo, xóa mù lại tái nghèo, tái mù. Những người lính ngẫm nghĩ, chất vấn mình. Hóa ra chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu là cuộc chiến đấu vô cùng gian nan. Cuộc chiến đấu đòi hỏi người lính phải toàn diện hơn, phải biết tự vượt lên chính mình. Nỗi trăn trở ấy luôn thôi thúc các chiến sĩ công binh. Hãy làm gì thiết thực nơi biên cương, góp phần đưa đời sống bà con bớt đói nghèo, để nơi phên dậu quốc gia là mái ấm bền vững của nhân dân biên giới.
Trong hơn 4.500 km đường biên đang mở, không một hòn đá, ngọn cỏ nào không thấm mồ hôi người chiến sĩ. Tổ quốc hùng vĩ với bao nhiêu huyền thoại luôn theo cùng các anh ở những bước địa đầu. ở nơi núi non là bầu bạn, mây sớm ủ sương chiều, những bàn chân cao hơn núi, dài hơn sông đang sưởi ấm từng tấc đất. Lặng lẽ và giản dị. Ngôn ngữ của những người lính là ngôn ngữ lửa ủ từ tim, máu chảy ruột mềm. Người lính là thanh gươm chắn bên cột mốc, âm thầm, dằng dặc, như những thềm hoa gạo kiên trung nở ấm biên cương. Công trình làm đường tuần tra có vị trí đặc biệt trong chiến lược bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới. ý thức được điều đó, vinh dự và trách nhiệm khoác trên vai người chiến sĩ nặng nề hơn bởi niềm tin về đất nước vẹn toàn ổn định được đặt ra trong bối cảnh thế giới có nơi đang vẽ lại đường biên cũng là ý thức sâu sắc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao nhiệm vụ.
Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Từ nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ chiến sĩ và nhân dân, sau nhiều năm gian truân vất vả, ước mơ về một con đường biên giới đang dần trở thành hiện thực. Con đường sẽ như những cột mốc sống minh chứng cho một biên giới Hòa bình, Hữu nghị, Hợp tác lâu dài hướng tới tương lai Dọc theo con đường những vùng kinh tế sẽ được mở ra, xóa đi những cảnh lam lũ, đói nghèo nơi xa xôi tận cùng Tổ quốc. Con đường góp phần tạo nên thế và lực, vị trí và tầm vóc của đất nước Việt Nam trên trường Quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh.
Con đường đang mở bình yên những sắc hoa gạo đỏ...