Trang chủ » Truyện

BÃI NƯỚC BỌT

Vũ Đảm
Thứ sáu ngày 5 tháng 8 năm 2011 2:39 PM

Tiếng khóc thét lên, giãy đành đạch giữa đêm khuya của đứa bé làm náo loạn cả đại gia đình cụ Phấn. Cụ Phấn ông tuy đã gần 80 tuổi, tay phải chống gậy rồi nhưng lại là người đầu tiên đến bên giường đứa bé để cùng bố mẹ nó dỗ dành cháu. Một lúc sau, các bác, các anh chị của đứa bé ở quanh đó cũng lục tục đến. Người ta tìm đủ mọi cách để làm cho đứa bé nín khóc, từ những lời nịnh nọt đến những hành động cụ thể như ra vườn vặt cam, mò lên chuồng gà bắt con gà con kêu chiếp chiếp, phóng xe máy ra phố huyện mua kẹo, bánh đưa cho nó nhưng đứa bé vẫn hất hết đi, đuỗn người khóc to hơn.

Tiếng khóc của nó chẳng những phá tan giấc ngủ của người lớn mà còn khua cả những đứa trẻ trạc tuổi nó thức dậy. Chúng cũng ọ oẹ khóc, nhưng chỉ được vài tiếng, sau mấy cái vát vào đít hay sau tiếng quát của bố mẹ: Mày có câm mồm đi không thì bảo thì hết thảy đều câm bặt và chỉ một lúc sau chúng lại lăn ra ngủ, lãng quên cả tiếng khóc đã làm chúng thức giấc.Trong gian nhà của cụ Phấn giành riêng cho vợ chồng Thực, đứa bé vẫn khóc, mọi người tiếp tục dỗ dành nó. Đứa bé càng khóc to, người ta càng tỏ ra xót xa, thương cảm, không hẳn cho nó mà chỉ cốt để lấy lòng cụ Phấn và bố mẹ nó. Có cảm tưởng như ai đó làm cho đứa bé nín khóc, cụ Phấn và bố mẹ nó sẵn sàng móc túi ra bạc triệu để trả công. Một trăm ngàn đã là quá to, đủ cả một gia đình sống một tháng đằng này lại những một triệu! Số tiền quá lớn, nếu rơi vào tay chị cả, chị sẽ đong ngay ngót tấn thóc; vào tay chị Tư, chị sẽ sửa sang lại cái chuồng lợn bị đổ và thả vào đó một con lợn nái để nó sinh sôi nảy nở!

Ấy là nghĩ vậy thôi chứ chắc gì vợ chồng Thực dám bỏ ra dăm chục ngàn! Tiếng là giàu có nhưng vợ chồng Thực kẹt lắm. Tiền nuôi bố gửi về cho chị Mùi hàng tháng, vợ chồng Thực tính chi ly đến từng mớ rau muống. Dăm thì mười họa hai vợ chồng mới về quê nhưng chả khi nào cho các chị, các cháu được lấy bộ quần áo ra hồn. Toàn quần áo hàng thùng bán đầy rẫy ở các vỉa hè Hà Nội, vợ chồng Thực mua về làm quà! Biết là hàng Si- đa đấy nhưng mới khi nghe vợ Thực ngọt ngào: Nhà em mới đi công tác ở nước ngoài về, có bộ  quần áo tặng chị, tặng cháu là ai nấy đều hăm hở để làm vui lòng vợ chồng Thực.

Chả phải đến tận bây giờ, những người chị của Thực mới biết chẳng bao giờ nhờ vả được gì vào cậu út mà ngay từ khi Thực còn là đứa trẻ hay đái dầm trên lưng các chị, họ đã hiểu rằng Thực là một con người ích kỷ và hiếu thắng. Bất cứ cái gì Thực muốn, các chị đều phải làm theo, nếu không Thực chỉ cần lăn ra đất ăn vạ là cụ Phấn lại gầm lên: Con chết trôi, chết dịch kia, mày trông em thế hả!. Thực là đứa con nối dõi tông đường, Thực phải được hưởng tất cả những quyền lợi đặc biệt, đó là lời dậy bảo quan trọng mà cụ Phấn thường xuyên nhắc nhở vợ và sáu người con gái. Trong cuộc sống hằng ngày, lời chỉ giáo này của cụ Phấn được thực hiện một cách triệt để. Sáng sáng khi các chị chỉ được hưởng định mức mỗi người ba củ khoai lang để lấy sức đi nhổ mạ, đi cấy, gánh phân, vạc bờ, cuốc góc thì Thực lót dạ hai bát cơm nóng với cá bống kho rồi đi đánh đáo, chơi diều. Bữa trưa và tối, các chị ăn cơm với rau muống luộc, mắm tép kho mặn thì Thực ăn thịt nạc rim với nước mắm. Như một thói quen cố hữu, sự cung phụng và nhường nhịn của những người chị cho đến tận bây giờ, khi mà Thực đã giàu có, đã công thành danh toại vẫn không mất đi. Mỗi lần về quê, mời cơm vợ chồng Thực, con gà giết ra, bao giờ họ cũng giành cho Thực cặp đùi đã lột da - món ăn mà Thực ưa thích nhất.

Từ lúc lọt lòng mẹ, Thực là con người của sự an nhàn, sung sướng. Khi còn sống với bố mẹ, Thực được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Khi bước ra xã hội, Thực có biệt tài nịnh hót hơn người nên con đường công danh cứ lên như cánh diều no gió ngày nào Thực hay thả ở cánh đồng xóm bãi. Nhưng mà đời cũng công bằng lắm, chẳng cho ai hết hạnh phúc cũng chẳng làm ai toàn bất hạnh bao giờ, Thực sung sướng về bản thân nhưng đường con cái lại gian nan lận đận. Lấy vợ từ năm hai lăm tuổi, mãi đến năm bốn bảy Thực mới được mụn con trai. Vợ chồng Thực vui mừng khôn xiết, mở tiệc ăn mừng suốt hai ngày liền. Đứa bé hay ăn, chóng lớn, được nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt còn hơn cả ngày xưa mà bố nó được hưởng. Hạnh phúc của vợ chồng Thực kéo dài được gần hai năm, đúng lúc đứa bé biết nói, biết đi thì đâm ra khó tính khó nết. Đêm đêm đứa bé hay thức giấc khóc giẫy lên đành đạch như bị ma làm, không ai có thể thí được, chỉ đến khi kiệt sức nó mới tự nín và chìm vào giấc ngủ. Đứa bé đang hồng hào béo tốt, sau mười ngày, tiều tụy đến thảm hại. Vợ chồng Thực bàn nhau bế con quê hy vọng không khí trong lành của làng  quê sẽ làm đứa bé khỏi bệnh quấy khóc.

Đêm nay, đêm đầu tiên của đứa bé ở quê, đi đường xa, nó mệt và ngủ ngay từ chập tối, mọi người đều hồi hộp chờ đợi, ai cũng cầu mong cho nó ngủ một mạch đến sáng nhưng than ôi, đúng một giờ mười lăm, nó đạp hai chân mấy cái rồi khóc thét lên, gần một tiếng dỗ dành rồi, ai nấy đều lắc đầu bất lực. Bỗng huỵch! Cái thân hình cao to của thằng Muôn con chị cả Mùi đổ đánh huỵch xuống chiếc giường trải đệm ga trắng muốt của vợ chồng Thực mới mua hồi chiều. Thằng Muôn, mắt trợn ngược, chân tay co giật liên tục, mép sùi đầy bọt. Chị Mùi chạy lại chỗ thằng Muôn, lấy khăn lau nước dãi cho con, miệng sợ hãi:
- Con ơi! Sao lại ngã ra giường cậu thế này hả con ơi!
Vợ Thực trông thấy đám nước dãi của thằng Muôn chảy lều phều ra ga, mặt mày cau có, liếc xéo chồng một cái rất nhanh. Thực sa sầm mặt, miệng tru lên:
- Hừ động kinh. Lại động kinh! Sao chị không kiếm cái xích mà xích chân nó lại!
Chị Mùi nghe Thực nói, lòng quặn lên đau nhói, chị nói với Thực như van xin:
- Cậu ơi! Cháu nó lỡ rồi, sáng mai tôi sẽ giặt đền cậu. Số nó khổ nên mới bị bệnh chứ ai muốn vậy cậu ơi!
- Không xích nó lại - Tiếng cụ Phấn hổn hển - Thì cũng có ngày nó lộn cổ xuống ao chết mất xác thôi!
Sau lời cụ Phấn, nhiều tiếng ồn ào nổi lên ủng hộ sáng kiến của Thực và cụ Phấn. Đâu chỉ có đại gia đình cụ Phấn mà cả làng, cả xã này ai chả biết đến bệnh động kinh của thằng Muôn. Cứ hai, ba ngày là thằng Muôn lại lăn ra ằng ặc. Vào mùa hè, trời nóng nực có khi ngày mấy bận.Vì bố mẹ phải xuôi ngược kiếm cái ăn,  các em phải đi học, đi làm đỡ đần bố mẹ, không có ai trông giữ, mấy lần thằng Muôn lên cơn ngã xuống ao nhưng số nó chưa chết, mỗi lần ngã xuống ao đều có người nhìn thấy vớt lên. Không ai phát ngôn thành lời, song trong ý nghĩ mọi người, thằng Muôn coi như đã chết, vì thế có xích chân hay nhốt thằng Muôn lại cũng chẳng sao!

Cơn động kinh của thằng Muôn đang vào lúc cao trào, cái giường của vợ chồng Thực rung lên, làm rớt cả chăn và gối. Vợ Thực không nhịn được nữa, bế đứa bé đang khóc ngằn ngặt đi lại định nhặt chăn và gối ném lên mặt bàn thì tự dưng đứa bé nín khóc, tròn hai mắt nhìn thằng Muôn. Trong lúc thằng Muôn đang đau đớn vì những cơn co giật thì đứa bé thấy thích thú trước cái trò mà nó chưa bao giờ được chứng kiến! Nó chỉ tay về phía thằng Muôn và nhoẻn miệng cười. Mọi người hân hoan cười theo. Cụ Phấn bảo:
- Thằng động kinh hôm nay được việc, giỏi, giỏi lắm!

Đó là lời khen duy nhất mà cụ Phấn dành cho thằng Muôn - đứa cháu ngoại mà cụ chối bỏ từ khi nó còn nằm trong bụng mẹ. Năm chị Mùi mười chín tuổi, chị yêu một người con trai xóm trại, cụ Phấn tuyên bố từ mặt nếu chị không chấm dứt quan hệ với thằng con hoang không cha đó. Vì quá yêu chị Mùi liều có thai trước để buộc cụ Phấn vào thế đã rồi. Cụ Phấn uất ức lắm nhưng cơ sự đã thế, không cho cưới, dân làng biết  được sẽ làm ô nhục danh giá gia đình. Khi thằng Muôn ra đời, cụ coi nó là nguyên nhân gây nên tội lỗi, cụ hắt hủi xa lánh nó. Chị Mùi biết rõ điều này, khi thằng Muôn đã lớn, chị thường khuyên con ít sang nhà ông ngoại, nhưng thằng Muôn động kinh, người dở dở ương ương nào có biết được nguyên nhân, phùng má, trợn mắt quát lại mẹ: Mẹ không yêu ông ngoại thì để con yêu, đừng có mà dở hơi!.  Giờ đây người mẹ dở hơi của nó khi nghe cụ Phấn khen nó được việc thì lòng rộn rạo một niềm hân  hoan.

Đêm hôm sau công trạng của thằng Muôn lại được ghi nhận, khi vào tầm một giờ kém năm, đứa bé lại giật mình khóc thét lên. Mọi người có mặt tại nhà cụ Phấn đêm qua lục kéo đến trừ có thằng Muôn vẫn nằm kéo gỗ ò ò ở bên nhà. Dỗ dành không được, anh con rể thứ ba rẽ mọi người ra bảo:
- Để tôi thử làm thằng Muôn xem nào!

Nói xong, anh từ từ nằm ra nhà, chân tay cào cào vào không khí như thể mình đang lên cơn động kinh. Trong kịch trường, các diễn viên có thể hoá thân vào các nhân vật một cách xuất sắc, khiến người xem tưởng như thật nhưng họ phải có tài, trải qua khổ luyện. Trong cuộc đời, kẻ này có thể lập vai kẻ kia y như bản sao nhưng phải biết giỏi mưu mẹo. Đằng này anh con rể của cụ Phấn chỉ có biết cày, cuốc, cơm no bò cưỡi nên nhập vai thằng Muôn quá gượng gạo, đến nỗi các đạo diễn vây xung quanh phải chỉ đạo toáng lên:
- Chân tay giật mạnh vào!
- Ối giời ơi! Động kinh gì mà mắt lại nhắm tịt thế kia? Trợn lên, trợn lên!
- Miệng cũng phải giật, phải méo mó vào! Vợ Thực bế đứa bé lại, nó nhìn người dưới đất một lúc, nín được một tý rồi lại lăn ra khóc.
Bỗng cụ Phấn nói như ra lệnh:
- Thằng động kinh! Đưa thằng động kinh đến xem thế nào!

Chị Mùi tất tả chạy về nhà lôi thằng Muôn đến. Mắt nhắm, mắt mở, thằng Muôn cau có nhìn mọi người. Không thể bắt thằng Muôn lên cơn động kinh thật được, ai nấy đều giục giã thằng Muôn làm động kinh giả để cho cho đứa bể nín khóc như đêm qua. Thằng Muôn ngượng ngùng lắc đầu, nó chưa làm thế bao giờ. Mọi người lại giục, nịnh hót thằng Muôn, mẹ nó van lơn, chắp hai tay lậy nó như tế sống. Vì thương đứa trẻ và thương mẹ, thằng Muôn chấp nhập vai động kinh. Không làm theo kiểu từ từ nằm xuống như anh con rể thứ ba của cụ Phấn, thằng Muôn đang đứng, ngã đánh huỵch xuống nền nhà, người giật lên đùng đùng. Chẳng biết có phải do cái bệnh động kinh đã ngấm vào máu thịt hay vì thương đứa bé, thương mẹ mà thằng Muôn vào cuộc thành công đến nỗi đưa bé cười lên như nắc nẻ. Mọi người hân hoan, vỗ tay reo lên: Giỏi lắm! giỏi lắm!. Thực cầm tay cụ Phấn kéo lại cửa sổ nói nhỏ.
- Con sẽ đưa thằng Muôn lên thành phố!
- Để chữa bệnh khóc cho thằng bé hả?  - Cụ Phấn ranh mãnh nói - Được, tôi sẽ bảo con mẹ nó nhưng anh nhớ nói là đưa thằng Muôn lên đấy chữa bệnh động kinh chứ đừng nói…
- Con có ngu đâu - Thực cắt ngang lời - mà nói ra sự thật.

Sáng hôm sau đích thân cụ Phấn dẫn Thực sang nhà con gái bảo gửi thằng Muôn lên thành phố cho vợ chồng Thực chữa bệnh, chị Mùi tái mặt, chị biết chẳng bao giờ vợ chồng Thực hảo tâm đến mức đưa cháu lên ở với mình để chữa bệnh cho cháu. Thằng Muôn lên đó, chỉ là thứ thuốc sống  chữa cái bệnh khóc đêm của đứa bé, con vợ chồng Thực mà thôi. Thằng Muôn tuy bị động kinh, dở người nhưng lại là đứa con mà chị thương yêu nhất trong bốn người con của chị. Mỗi lần đi chợ về, chị đều mua dấm dúi cho nó khi tấm bánh nếp, lúc thì quả chuối tây to như cái bắp tay. Những lúc thằng Muôn lên cơn động kinh, chị ngồi cạnh lau nước dãi cho con, đôi mắt nhòe lệ. Phải xa con để nó lên sống lạc lõng một mình trong ngôi nhà sang trọng của cậu nó ư? Không thể thế được, thiếu tình mẫu tử, thằng Muôn có thể không bị chết vì bệnh động kinh mà sẽ chết bằng sự lợi dụng, ngược đãi của vợ chồng Thực. Chị từ chối thiện ý của vợ chồng Thực. Cụ Phấn gầm lên, cụ bảo nếu không cho đi để chữa tiệt cái bệnh động kinh, lỡ ngộ nó chết ở đầu đường, xó chợ, người ta lại chả bôi tro trát trấu vào mặt cụ. Nếu không cho đi cụ cứ lao đầu xuống giếng chết quách đi cho thiên hạ khỏi ỉa vào mặt cụ! Vì sợ cụ Phấn tự vẫn, chị Mùi đành nén nỗi đau để vợ chồng Thực đưa thằng Muôn đi.

Lên thành phố, thằng Muôn ở chung căn phòng với bà Thoại, người đàn bà mà vợ chồng Thực thuê để cơm nước, giặt giũ quần áo. Để phòng thằng Muôn động kinh nhổ nước bọt vào đồ dùng, trang thiết bị trong gia đình, vợ chồng Thực bảo bà Thoại xích chân thằng Muôn vào chân giường bằng đoạn dây xích mà trước đây vợ chồng Thực vẫn xích chó Nhật. Bị xích chân, vướng víu và khó chịu, thằng Muôn không hề phản ứng, trong cái đầu ngơ ngẩn của nó, vẫn còn một phần giúp nó nghĩ đến mẹ với tình thương mãnh liệt. Mẹ bảo nó lên ở nhà cậu, cậu mợ sai bảo gì phải vâng lời, không được cãi lại. Nó đã gật đầu, như một sự thỏa ước. Và trong ý nghĩ của thằng Muôn, việc để cậu xích chân có nghĩa là nó đã thực hiện thỏa ước với mẹ. Cũng như đêm đêm thằng Muôn phải nhập vai động kinh một cách xuất sắc, có nghĩa là nó đã thực hiện thỏa ước với mẹ. Bệnh khóc đêm của đứa bé giảm đi rõ rệt, sau hai tuần từ ngày có thằng Muôn, nửa đêm thức giấc, không cần phải thấy thằng Muôn giẫy lên đành đạch mà chỉ cần nhìn thấy thằng Muôn ngồi bên cạnh, tay chân khua khoáng mấy cái là đứa bé nhoẻn cười. Và một lúc nó lại chìm vào giấc ngủ. Vợ  chồng Thực vui, mừng khôn xiết. Công lao của thằng Muôn là hết sức to lớn và rất có thể nó sẽ làm xoay chuyển tình cảm của Thực, buộc vợ chồng Thực phải đưa thằng Muôn đi chữa bệnh động kinh một cách nghiêm túc chứ không phải nhờ một tay bác sĩ tư quen biết, lập bệnh án kèm theo một loại thuốc an thần rẻ tiền, để khi có trả thằng Muôn về quê, thì cũng có cái cớ để nói là đã tận tình chữa bệnh cho cháu! Thế nhưng thằng Muôn đã vô tình gây lên một việc làm kinh thiên động địa đến gia đình Thực.

Đó là một chiều chủ nhật đẹp trời, vợ chồng Thực mời ông Hoành đến nhà ăn cơm. Ông Hoành là thủ trưởng của Thực, sắp tới ông được điều lên Bộ. Hai người mà ông dự kiến thế chỗ ông là Thực và ông trưởng phòng Tổ chức. Để lấy lòng ông Hoành, cả Thực và ông trưởng phòng Tổ chức đều ra sức mua chuộc ông. Ông Hoành là người đam mê tửu sắc; sắc thì Thực vừa tuyển cho ông một cô thư ký đẹp và quyến rũ mê hồn, còn tửu thì cách một tuần, Thực lại mời ông về nhà để thưởng thức những loại rượu ngoại mà trong một lần vui miệng Thực đã ví chai rượu tương đương với một năm tiền ăn của người nông dân quê Thực. Rượu làm cho ông Hoành hưng phấn, ông bảo nếu số ông làm được quan to, lên đến chức Thủ tướng thì ông sẽ làm mọi việc theo kiểu này, kiểu kia. Thực gật đầu lia lịa. Ông Hoành gắp miếng dồi chó, quên cả chấm mắm tôm, bỏ tọt vào mồn nhồm nhoàm nhai, ông chưa kịp nuốt thì lãnh trọn một bãi nước bọt to tướng vào giữa mặt. Nhận ra thằng Muôn cười cười nhìn mình, ông Hoành hầm hầm mặt, nghiến răng: - Anh là thằng đểu, anh định coi tôi là chó phải không? Mặc cho Thực thanh minh là thằng Muôn bị động kinh không biết gì và ra sức van lạy ông Hoành, nhưng ông và cô thư ký vẫn bỏ ra về. Thằng Muôn bị động kinh, lại đúng lúc bà Thoại lơ là quên xích chân nó nên cơ sự mới xẩy ra. Theo thói quen, mỗi lần động kinh xong, nằm ngủ khoảng hai mươi phút, thằng Muôn tỉnh dậy và đi lang thang không có định hướng, vừa đi nó vừa nhổ nước bọt lung tung. Những lúc đó, thằng Muôn không hề nhận thức được gì nên ông Hoành mới bị một bãi nước bọt. Thằng Muôn bị động kinh thật nhưng ông Hoành lại cho rằng Thực chơi xỏ mình, định rửa nhục mình sau cái lần ông dở tỉnh dở say lùa tay vào ngực vợ Thực ở chỗ cầu thang. Vụ ấy vợ Thực không nói cho chồng biết, sợ Thực làm ầm ĩ lên, ảnh hưởng đến đường công danh. Thậm chí nhiều lúc nhớ lại, vợ Thực còn cảm thấy râm ran cả người. Khiếp cái bàn tay mát lạnh như bàn tay con gái ấy, nhoằng một cái đã làm người ta nghẹt thở! Bãi nước bọt của thằng Muôn làm Thực mất ăn mất ngủ. Thực tìm mọi cách để thanh minh, sau khi đã tốn với bà vợ ông Hoành và cô thư ký của ông khá nhiều tiền, Thực mới được ông Hoành tiếp chuyện nửa tiếng tại nhà riêng. Thực dẫn cả thằng Muôn đi theo. Thực trình bày với ông Hoành về bệnh động kinh của thằng Muôn, đưa cả cho ông xem bệnh án. Ông Hoành nghe một cách thờ ơ. Thực nhìn về phía thằng Muôn nháy mắt một cái, nhận được ám hiệu, lập tức thằng Muôn đang ngồi trên ghế lộn nhào xuống đất giãy lên đành đạch. Thực hoảng hốt:
- Chết, chết, nó lại bị nữa rồi!
Nhìn thằng Muôn chân tay co giật, miệng méo xệch, mắt trợn ngược, ông Hoành khiếp vía. Không khéo nó chết thật ở đây thì rầy ra to! Ông đi lại cúi xuống xem, cất giọng vừa bực vừa lo:
- Bị động kinh thật à?Thằng Muôn tưởng ông Hoành hỏi mình, sự nhớ tới lời Thực dặn: Đến đấy phải lễ phép, gọi dạ, bảo vâng, họ hỏi bị động kinh thì bảo cháu động kinh từ nhỏ, nó ngẩng đầu dậy cung kính:
- Dạ, cháu bị động kinh từ nhỏ ạ! Ông Hoành trợn tròn mắt. Hiểu được sự thật, ông cười phá lên:
- Tôi vẫn  biết, muốn bon chen được với đời, người ta phải đóng kịch với nhau, nhưng chưa bao giờ tôi lại gặp màn kịch kiểu này đấy!

Thực cứng lưỡi, không thể mở mồm nói được câu gì, cầm tay thằng Muôn lôi đi. Từ đấy, đặc biệt là từ ngày ông trưởng phòng Tổ chức lên thay ông Hoành và vô hiệu hoá Thực, bãi nước bọt trên mặt ông Hoành ngày đêm ám ảnh Thực, Thực có cảm tưởng như nó chui cả vào miệng mình. Thực lợm giọng nhổ đi, lâu thành thói quen. Bây giờ xem ra Thực còn nhổ thiện nghệ hơn cả thằng Muôn trong những lúc nó động kinh thật.
                                                                                                    V. Đ

LỆNH BÀ
   
   Truyện ngắn

- Đừng vỗ ngực, trí thức như anh lương không đủ nuôi mồm, giá trị qui ra tiền không bằng một đứa buôn gà đâu!
 Nàng riết róng, giọng khàn khàn đầy ắp đầy căn phòng, dội vào tai Cang bùng nhùng như mặt trống. Cang đi đến bên tủ, lấy chiếc túi thời sinh viên, nhét mấy cuốn sổ và hai bộ quần áo, quay lại đứng đối diện với nàng nói vài lời vĩnh biệt, đặt tờ đơn xin ly hôn vào tay nàng rồi đi ra cửa. Cang bước hai bước một xuống cầu thang, tới bậc cuối cùng, Cang đụng phải bà Han đứng lù lù trước mặt. Bà bảo:
- Con tôi không phải là cái quần đùi để anh thích cởi bỏ lúc nào cũng được, hãy suy nghĩ lại đi kẻo ân hận cả đời đấy!
Bà Han nặng nề dịch chuyển về bên trái, mở một lối đi cho Cang. Cang dừng lại giây lát, tháo nốt chiếc đồng hồ Omega, chiếc nhẫn cưới hai chỉ mà nàng tặng cho Cang, đặt lên mặt bàn, bước ra khỏi nhà. Đường phố vào giờ hành chính, người xe xuôi ngược, loang loáng trước mặt. Cang đi, bước chân hối hả, Cang muốn thoát thật nhanh ngôi nhà số một trăm bảy mươi với cái biển đèn màu: Hoa Hồng Hotel mà hơn bốn năm qua, Cang sống như một thứ cây cảnh tô điểm cho gia đình bà Han.

Cang đang đi, chợt nhớ, mỗi sáng, tầm bảy giờ mười lăm phút, chiếc xe hơi đưa đón ông Giới sẽ ghé vào cho Cang quá giang, Cang quay trở lại một đoạn, tạt vào quán giải khát ven đường kêu một ly cà phê nhâm nhi đợi xe. Đặc ân mà ông Giới dành cho Cang được quá giang và cả chiếc ghế phó phòng tổng hợp, Cang biết đó là sự đền đáp lại nghĩa tình đối với bà Han; bà vừa là tình nhân, vừa là người cung cấp những cô gái trinh trắng cho ông Giới mỗi khi ông thực hiện một phi vụ làm ăn lớn hay loại bỏ một kẻ nào đó không chịu đi theo quĩ đạo của ông. Một điều quan trọng nữa, nhờ núp bóng ông Giới, Cang trở thành nhân vật mà từ ông bảo vệ đến những người kế cận ông Giới đều nể, đều sợ.

Cang kêu chủ quán tính tiền, đứng dậy băng qua đường, tiến lại chiếc xe màu ghi đang nổ máy trước ngôi nhà số một trăm bảy mươi. Cang chỉ còn cách chiếc xe mươi mét thì chiếc xe dỉn lên một tiếng rồi lướt qua. Cang giơ tay vẫy, chiếc xe dường như không thèm để ý đến Cang.

Cang cắm cúi đi trên vỉa hè, cố tập trung suy diễn từ những mối quan hệ của bà Han hòng hé mở thêm những trang đời đầy bí ẩn của bà nhưng đầu óc Cang quá tản mát; hơn nữa có tập trung, huy động được mọi tiềm năng phán đoán, Cang cũng không bao giờ hiểu được điều mình muốn. Ngay chính bà Han, khi nằm bên ông Giới, bà từng bảo với ông rằng nhiều lúc bà cũng không thể tưởng tượng từ một gái bán dâm ở vỉa hè, bà lại là bà Han- bà chủ khách sạn bây giờ!

Có tới cả chục năm Cang mới đi bộ một đoạn đường dài như hôm nay nên Cang mệt nhoài, vừa bước qua cổng cơ quan, Cang đã vội ghé vào phòng bảo vệ. Thoạt nhìn thấy Cang, ông bảo vệ nhìn trước, ngó sau, ghé sát môi vào tai Cang:
- Anh bỏ vợ thật đấy à?
- Sao bác biết? - Cang tròn mắt, bật thành tiếng gần như vô thức. Ông bảo vệ lầm rầm kể, trong buổi họp cơ quan chớp nhoáng sáng nay, ông Giới đã dành trọn buổi để nói về sự kiện này. Cang thật sự kinh ngạc, không ngờ chuyện riêng tư của mình lại được ông Giới đưa ra mổ xẻ trước toàn cơ quan? Chân vắt chữ ngũ, Cang tựa người vào thành giường, đôi mắt he hé nhìn ông bảo vệ đang phân vân, lúng túng, ông cúi gập người buộc lại đôi giày cao cổ rồi vội vã bước ra. Cang nghĩ ông đi lấy nước sôi pha trà, vì mọi ngày, mỗi khi Cang vào phòng, ông đều vồn vã mời bằng được Cang uống chén trà nóng hổi. Cang đợi mãi chẳng thấy ông quay lại, liền chống tay đứng dậy, lững thững đi lên phòng làm việc. Cang đẩy cửa bước vào, phòng điều hoà mát lạnh nhưng Cang cảm thấy ngột ngạt, hàng loạt những con mắt cùng một lúc nhìn về phía Cang. Cang đi lại bàn làm việc, đặt chiếc túi lên góc bàn, lôi tập tài liệu trong ngăn kéo ra đọc. Sau mấy lần nhấp nhổm, ông trưởng phòng đi đến bên Cang xì xầm:
- Anh Cang, chuyện có thật sao?
- Chuyện gì? - Cang hỏi, giọng cụt lủn.

Mặt ông trưởng phòng tối sầm, ông muốn thoi vào mặt Cang một quả; chuyện tày đình như thế mà còn vờ vịt! Không khéo năm nay, nó tước mất danh hiệu tiên tiến của cả phòng mất thôi! Điều này xảy ra cũng có nghĩa là độ nhích dần đến điểm đích - cái nghế phó thủ trưởng cơ quan mà ông đã tốn bao công sức, tiền của mới tiếp cận được sẽ bị đẩy ra xa và rất có thể ông sẽ chẳng bao giờ kéo nó lại gần được nữa. Trong cuộc trao đổi vắn tắt sáng nay, ông Giới đã chả từng nhắc đi nhắc lại, việc làm công tác tư tưởng để Cang trở về với vợ là nhiệm vụ cấp bách là gì!
Mọi người trong phòng vờ miệt mài làm việc nhưng tâm trí lại để hết vào chỗ ông trưởng phòng và Cang. Nhìn vẻ mặt phớt đời của Cang, ông trưởng phòng căm giận, ông trưởng phòng sợ hãi. Ông thầm ước ngày mai hoặc Cang sẽ quay về ngồi nhà số một trăm bảy mươi phố N, hoặc một tai nạn nào đó sẽ chấm dứt sự tồn tại của Cang trên cõi đời này. Không thể chịu được cái nhếch mép rất đểu của Cang, ông trưởng phòng nguyền rủa rằng hành động bỏ vợ của Cang xét về hành vi tư tưởng đạo đức, đó là sự xuống cấp trầm trọng!

Mặc cho ông trưởng phòng qui kết, Cang vẫn chúi mắt vào mấy trang tài liệu, chẳng đọc gì đâu, cốt là để kích thêm cơn giận dữ của ông. Ông trưởng phòng cạn lời, căn phòng phút chốc trở nên câm lặng. Ông trưởng phòng cay đắng nhận ra mình đã quá nóng nảy, làm cho Cang chẳng những coi thường ông mà còn gia tăng thêm quyết tâm chạy trốn, ông tỏ vẻ ân hận nói với Cang:
- Anh Cang! Hãy bỏ qua cho tôi, tôi nóng nảy quá, nhưng cũng là tấm lòng thành của tôi đối với anh, tôi sợ anh sẽ không tránh khỏi những đòn trừng phạt của ông Giới.
- Cám ơn! - Cang nói, đẩy tài liệu vào ngăn kéo, đi ra ngoài hành lang. Nắng cuối thu dìu dịu làm Cang cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút, Cang đi lại mấy bồn hoa giữa sân, ngắt một bông hồng đưa lên mũi hít hít. Ông Chú từ hội trường đi ra, vừa nhìn thấy Cang, ông rảo bước tiến lại, Cang vô tình vứt bông hoa sang trái, trúng vào mặt ông Chú.
- Hừm! - Ông Chú giận dữ.
- Xin lỗi anh, tôi vô tình - Cang hối lỗi.

Ông Chú đưa tay xoa xoa má, nếu là ngày hôm qua hẳn ông chỉ cười xoà nhưng hôm nay ông lên án Cang gay gắt, ông coi đó là hành động vô văn hoá. Ông bước đi rất nhanh để rồi quay lại cũng rất nhanh, ông quên chưa nói với Cang những điều thuộc trách nhiệm và quyền hạn của một cán bộ tổ chức. Hồi sáng, khi ngồi với ông Giới, ông đã được nghe rất nhiều lời chỉ giáo của thủ trưởng, ông dự kiến chuyển tải tất cả cho Cang, nhưng hành động của Cang làm ông không thể nhớ lại một cách có hệ thống, ông chỉ tóm gọn bằng một câu:
- Cậu định bỏ vợ thật hả? Trả giá bằng cả một sự nghiệp, một cuộc đời đấy!
Chẳng cần đợi phản ứng của Cang, ông Chú bước đi, tấm mông ninh ních thịt của ông rùng rùng dưới lớp quần màu cà phê sữa. Trong mắt Cang hiện lên phép so sánh về mông giữa ông Chú và bà Han, cả hai đều giống nhau về độ phì nhiêu, độ bùng nhùng còn sự khác nhau cơ bản: một có độ cong lớn còn một kém hơn. Cang chua chát nhận ra mọi sự cay đắng của đời Cang lại chịu sự chi phối rất lớn của mông. Tốt nghiệp đại học ra trường, không có sự bảo trợ cả về chức quyền lẫn vật chất, Cang vất vưởng, hết đi cửu vạn lại đi phu hồ. Rồi Cang gặp nàng khi đi qua ngôi nhà số một trăm bảy mươi phố N. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nàng đã chết lặng trước khuôn mặt đẹp trai đến thánh thiện của Cang. Phản xạ của một kẻ đang khát tình nhanh nhạy đến mức nàng không kịp thay bộ váy ngủ, lao vào nhà trong dắt chiếc xe một trăm mười phân khối ra bám gót Cang về tận căn phòng số mười ba nằm cheo leo ở trên tầng năm khu tập thể Thái Hoàng được xây từ những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Nàng gõ cửa phòng Cang hỏi đây có phải đang rao bán nhà không? Cang vừa đáp không thì nàng đã “vấp gã”. Cái váy ngủ tốc lên để lộ một khoảng mông nở nang, trắng ngần để rồi sau đấy tám tuần, số phận Cang được nàng định đoạt. Loại bỏ chiếc ghế phó phòng, ngôi nhà khách sạn năm tầng đứng tên nàng và cặp mông, tình yêu của Cang đối với nàng là số không. Nàng có cặp mông nở nang, quyến rũ đến kỳ lạ, rất nhiều người trông thấy đều chung một câu kết: nếu có cuộc thi hoa hậu riêng về mông, hẳn nàng sẽ đoạt vương miện!
- Anh Cang, sếp cần gặp anh - Tiếng cô thư ký lanh lảnh vọng từ ban công xuống. Mông với sự so sánh, với sự giải phẫu nguyên nhân nỗi bất hạnh cuộc đời tắt lịm trong đầu Cang. Cang đi lên phòng ông Giới ở tầng hai, căn phòng mà bất cứ ai dưới quyền trước khi bước vào đều phải đứng thở một lúc để cho bớt hồi hộp. Cửa khép chặt, Cang không gõ cửa liên tiếp ba cái như mọi khi mà lấy mũi giày đá đá vào cánh cửa. Cô thư ký đi ra, chiếc váy hồng gặp làn gió trời bay hất lên để hở cả chiếc quần trong xộc xệch của cô; có lẽ trong lúc chờ đợi Cang, ông Giới đã tranh thủ thể dục cho đôi tay! Vừa thấy Cang , cô buông một câu lạnh ngắt:
- Vào đi, sếp đang chờ!

Cang bước vào quên cả đóng cửa, ông Giới phảy tay bảo Cang ngồi, tự ông đi ra đóng cửa lại, mặt ông bình thản chẳng gợn một chút phiền muộn khi mình phải làm cái việc mà theo phép lịch sự tối thiểu Cang phải làm. Ông không đi vào ngay câu chuyện, ông ngồi đối diện với Cang, hết nhìn Cang lại nhìn tấm thảm thêu năm con ngựa đang phi nước kiệu treo trên tường. Ông tuổi ngựa nên ông rất thích bức thảm này, ông hay bảo trong các loài vật, ngựa là thông minh nhất, chỉ bằng một cú đá hậu có thể làm nên cả sự nghiệp!

Cang không hề nhìn ông, dáng vẻ kính trọng ông cũng chẳng còn, ông điên lắm. Để xem gan mày to đến đâu! Bất chợt ông tuôn ra hàng loạt những mệnh đề, những phạm trù về thế thái nhân tình, ông trích dẫn khá nhiều kinh điển đông- tây kim cổ, hiềm một nỗi ông nhầm lẫn lung tung, vặt trụi râu ông này cắm sang cằm bà kia. Cang không phải là con mọt sách nhưng không đến mù mịt như ông Giới, Cang biết ông nói sai nhưng cũng chẳng cãi, ông muốn áp chế Cang, bắt Cang bằng mọi giá phải quay về với vợ. Ông nhấn mạnh vào trọng tâm theo thuyết Lão Tử mà ông lõm bõm nghe được: mỗi một cuộc đời đều có số phận riêng, trời sinh ra thế, cứ vậy mà hành, chống lại mệnh là húc đầu vào đá!

Cang ngả người tựa lưng vào thành ghế, mặt phẳng lặng như đang trò chuyện với một kẻ ngang hàng. Đến mức này thì ông Giới không kìm được nữa, một thằng khố rách áo ôm được ông nâng đỡ lại dám đối thoại bình đẳng với ông sao?
- Cậu nhất định bỏ vợ? - Ông Giới hậm hực.
Cang đáp:
- Tôi đã quyết!
Ông Giới cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, chưa một lần trong đời ông bị một kẻ dưới quyền trái lệnh, thế mà Cang lại dám phản kháng lại ông! Ông đập tay vào đùi:
- Cậu là thằng ăn cháo đá bát, người ta nhặt cậu từ vỉa hè, nuôi nấng, vỗ béo, tạo dựng sự nghiệp. Vậy mà cậu trả ơn như thế hả hả hả!
Ông Giới thở dốc, chiếc mũi khoằm giật giật rất mạnh! Thêm gần mười phút đối thoại không có kết quả, ông Giới phảy tay:
- Về đi, nên nhớ một điều cuộc đời không đơn giản đâu, mọi cái đều có giá của nó cả đấy!
Cang chào ông Giới đi ra, lần này thì Cang không quên khép cửa. Cang đứng rất lâu ngắm nhìn phòng ông Giới lần chót, nó quá quen thuộc đối với Cang, từ tấm biển đề chức vụ bằng tiếng Anh, đến nắm đấm cửa, ngay cả tiếng kêu rất nhỏ mà có lẽ chỉ có Cang mới nhận ra được, nó không kêu ken két, cũng không kèn kẹt mà có sự phối âm hết sức hài hoà: két kèn kẹt, két kèn kẹt. Vĩnh biệt! Cang đi xuống, vượt qua một khoảng sân rộng đi ra cổng, ông bảo vệ nhìn thấy Cang, như một con ba ba, ông thụt đầu ngay vào.

Trời bắt đầu đổ mưa, những làn mưa trắng xoá lao xuống mỗi lúc một dày hơn, nặng hạt hơn. Cả thành phố bàng bạc một màu trắng của nước, người đi đường tỏa sang hai bên trú mưa. Cang đứng nép dưới hiên của một cửa hàng bách hoá, đầu tựa vào tường, hếch mắt nhìn đám người chen chúc nhau. Chợt mắt Cang nhìn thấy một gã đàn ông bên cạnh cứ cọ cọ của quí vào mông của một cô gái trú mưa. Khốn nạn, lại mông! Cang đang định lao vào làn mưa thì sựng lại.
- Cang phải không? - Tiếng một người đàn ông trú mưa gọi Cang, Cang quay sang phải, nhận ra Quốc - người bạn thân nhất trong tất cả những người bạn của Cang. Cang lách mình, vượt qua ba người đi lại chỗ Quốc. Đang cô đơn, gặp được bạn chí cốt, Cang mừng lắm định kể cho Quốc nghe tất cả nhưng đông người quá, Cang thấy không tiện. Tối nay về nhà Quốc ngủ, Cang sẽ nói cho Quốc hay, trước mắt chưa tìm được một chỗ ở mới, ở tạm nhà Quốc ít hôm vậy. Trời mưa mỗi lúc một to, những hạt mưa bắn tung toé lên ống quần, Cang nhích người nhường cho bạn một chỗ tốt hơn, Quốc chợt đập vào người Cang:
- Này, nghe nói cậu bỏ vợ thật à?

Cang muốn quỵ xuống. Đến Quốc mà cũng đã biết được rồi sao? Một lần nữa Cang xác nhận bằng một cái gật đầu. Quốc chỉ kịp hỏi: Thế bây giờ tính ở đâu? rồi xin lỗi phải đi đón vợ gấp.

Cang bắt đầu dao động, cảm giác bị bỏ rơi lấn chiếm lòng Cang. Cang thất vọng, đội mưa đi lang thang giữa đường. Đi đâu? Về đâu? Sống bằng gì? Có nên quay về nhà nàng hay không? Đầu óc Cang âm âm u u. Cang thấy cần phải gặp ông ất, ông là bố vợ của Cang, một quan chức cấp sở. Ông ất mới hơn năm mươi tuổi nhưng trông già như người sáu mươi, ông sống điềm đạm, mực thước. Bốn năm làm con rể ông, Cang chưa hề thấy ông nặng lời với vợ con bao giờ. Cang rất thương ông, nhưng cũng rất khinh ông, ông biết vợ ngoại tình với ông Giới nhưng vẫn làm ngơ, âm thần kìm nén nỗi đau, nỗi nhục một mình. Nhiều lúc Cang trộm nghĩ hay là ông cắn răng chịu đựng để đánh đổi lấy một cái gì đó lớn hơn? Cuộc đời nhiều khi là thế. Nhìn khuôn mặt đẹp lão, buồn u uất của ông, Cang lại sợ nhưng lần này, nhất định Cang sẽ hỏi, biết đâu ông chả cho Cang một lời khuyên bổ ích, giúp Cang tìm ra con đường đi phù hợp.
Cang tìm kiếm ông ất ròng rã hai ngày nhưng chẳng thấy ông đâu, cơ quan bảo ông đi công tác miền Trung. Không thể đợi ông được nữa, Cang đành phải chọn lấy con đường đi cho mình, Cang sẽ ra đi, đi xa cái thành phố này, nhờ bạn bè tìm kiếm cho một việc gì đó miễn là lương thiện và được tự do.

Đêm cuối cùng, Cang thuê một phòng ở khách sạn trung tâm thành phố. Cang mở tung cửa sổ, ngắm nhìn thành phố trong đêm, đẹp và thanh bình quá nhưng Cang không thể đi lùi lại; Cang phải ra đi, đi về phía trước để tìm tự do, tìm một chân trời mới cho phần còn lại của cuộc đời. Có tiếng đẩy cửa phòng, một người đàn ông và một người thiếu phụ bước vào, họ nhầm phòng! Cang quay lại, sửng sốt khi nhận ra ông ất, ông cũng nhận ra ngay Cang, sau mấy phút bối rối, ông ất đi lại bên Cang, cay đắng nói:
- Tôi cũng ở rể như anh!
Cang chụp chiếc túi trên bàn, lao vun vút ra khỏi phòng...