Trang chủ » Truyện

VIỆT NAM CẦN NHANH CHÓNG THOÁT RA KHỎI TRUNG QUỐC

Bùi Công Tự
Thứ bẩy ngày 9 tháng 7 năm 2011 10:06 PM
 
1. TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN ĐANG ĐE DỌA THẾ GIỚI:
Bất kỳ quốc gia nào khi đã phát triển vượt trội đều vươn cánh tay ra nước ngoài để tìm kiếm tài nguyên, mở rộng thị trường kiếm thêm lợi nhuận và nâng cao vị thế của mình. Trung Quốc không ngoại lệ.
Nhưng sự phát triển vượt trội của Trung Quốc những năm gần đây lại bị nhiều học giả báo động về một nguy cơ đe dọa toàn thế giới. Có tác giả còn cho rằng ngay cả nước Mỹ cũng rất có thể bị chết dưới bàn tay China.
Chúng ta biết rằng trong khoảng 20 năm qua, Trung Quốc đã từ một nước nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lý do để nói rằng Trung Quốc đe dọa thế giới là vì nước này chọn con đường phát triển bằng cách sản xuất hàng hóa chất lượng thấp, nhiều thứ độc hại, giá cả rẻ mạt, bán khắp thế giới. Họ tận dụng nguồn lao động dồi dào giá rẻ và đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn giá trị thật nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Họ ăn cắp công nghệ, đánh đổi môi trường, đầu độc sinh thái. Họ đầu tư vào các nước nghèo (chủ yếu ở châu Á và châu Phi) để khai thác nguồn tài nguyên của các nước này theo kiểu ăn cướp. Họ sẵn sàng viện trợ không hoàn lại, “đi đêm” với các chính phủ độc tài, phản tiến bộ. Họ di dân ra nước ngoài bằng nhiều con đường để tính kế lâu dài. Họ thuê những vùng đất đai rộng lớn dài hạn tới 50 năm hoặc 99 năm ở nhiều quốc gia (Myanma, Lào, các nước châu Phi và ngay cả Việt Nam là nước đất hẹp, người đông). Họ “xui nguyên giục bị” gây mất lòng tin giữa các nước (như đối với khối ASEAN). Họ tăng cường quân đội, đe dọa các nước láng giềng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải .vv..và vv…
Các nhà nghiên cứu chính trị nhận định rằng Trung Quốc đang thực thi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan. Trung Quốc thực sự là một đế quốc kiểu mới dựa trên lợi nhuận khổng lồ từ một nền sản xuất thiếu lương tâm.
Những người lãnh đạo Trung Quốc đã đi khắp thế giới thuyết giảng về thiện chí hòa bình hữu nghị của họ cộng với bộ máy tuyên truyền ra rả bịp bợm. Nhưng không mấy ai tin ở họ. Hầu hết các chính sách của Trung Quốc đều bị thế giới phê phán. Tuy nhiên, thế giới bây giờ là thế giới phẳng nên Trung Quốc vẫn có nhiều cơ hội thâm nhập vào các nước khác.
Sự đe dọa của Trung Quốc không phải như nhau với mọi quốc gia. Với những nước ở xa có thể chỉ là mối quan ngại bị chèn ép, lấn lướt về thương mại. Còn với các quốc gia ở gần thì nguy cơ lớn hơn nhiều. Không phải chỉ vì lân bang thì hàng hóa và con người Trung Quốc dễ xâm nhập mà còn bị Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, đe dọa chiến tranh.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc còn tiềm tàng mối đe dọa cho chính đất nước họ, dân tộc họ. Điều này có thể thấy qua các con số trẻ em bị chết và mắc bệnh vì sữa bẩn chứa melamin, đồ chơi trẻ em có độc tố chì, sự ô nhiễm môi trường và những thiệt hại do các công trình thủy điện gây ra. 
2. CHIẾN LƯỢC PHÁ HOẠI TOÀN DIỆN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM - NHỮNG LỜI CẢNH BÁO:
Trong bài viết này, tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu xem Việt Nam đã và đang bị Trung Quốc đe dọa ra sao, ở mức độ nào và có cần thoát ra không?
Nhìn bản đồ Trung Quốc, các nhà nghiên cứu có nhận xét là về phái Bắc, phía Tây, phía Đông đều có những bức tường vô hình làm cho Trung Quốc khó bành trướng. Trung Quốc chỉ có thể bành trướng thuận lợi về phía Nam, tức là phía lãnh thổ Việt Nam chúng ta, gồm cả đất liền và biển Đông.
Việt Nam có vị trí đặc biệt như thế, lại có biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tiềm tàng nguồn tài nguyên béo bở. Đồng thời là nơi có những con đường hàng hải chuyên chở tới 60% lượng hàng hóa lưu thông của thế giới. Cho nên Việt Nam là nước đầu tiên bị Trung Quốc nhắm tới trong chiến lược tham lam càn rỡ của họ.
Theo nhận định của Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên Tùy viên quân sự ĐSQ VN tại Bắc Kinh những năm đầu thập niên 1980 thì:” Trung Quốc có hẳn một chiến lược gây ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa nhằm vào Việt Nam, đã và đang được họ thực thi” (trích Đoan Trang blog).
Về phía Việt Nam, sau sự kiện Trung Quốc đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc tháng 02/1979, những nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là cố TBT Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên án mạnh mẽ tập đoàn bành trướng Bắc Kinh, vạch rõ những âm mưu thâm độc của họ đối với Việt Nam, khẳng định đó là bản chất không thay đổi của họ, nhắc nhở chúng ta phải cảnh giác.
Sau khi Việt Nam và Trung Quốc lập lại quan hệ bình thường năm 1991, đề phòng tình trạng có thể bị mất cảnh giác trước chiêu bài lừa gạt của Trung Quốc, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp tục cảnh báo một nguy cơ từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam trong bối cảnh mở cửa cho kinh tế thị trường.
Theo trí nhớ của tôi, một trong những người cảnh báo nguy cơ nói trên sớm nhất và rõ ràng nhất là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh. Trong một bài nói chuyện trước các nhà lãnh đạo Đảng và NN, chuẩn bị cho Đại hội Đảng (cách đây khoảng 10 năm), TS Lê Đăng Doanh đã khẳng định: Trung Quốc rất nguy hiểm, nguy hiểm lắm, “nó” có thể “chơi” “anh” (tức Việt Nam) bất cứ lúc nào! . (Tôi thuật lại theo văn nói của ông).
Diễn biến trong quan hệ giưa Trung Quốc và Việt Nam trong 20 năm qua có thể chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1:  từ năm 1991 – năm 2000. Trung Quốc tập trung gây ảnh hưởng chủ yếu về chính trị và văn hóa. Mọi thù hằn trước đó nhanh chóng xóa bỏ. Việt Nam ca ngợi Đặng Tiểu Bình, xuất bản rộng rãi những bài nói của Đặng. Hai nước ký kết nhiều hiệp định quan trọng. Phim ảnh Trung Quốc nhất là phim võ hiệp và dã sử tràn ngập Việt Nam.
Giai đoạn 2:  từ năm 2001 – nay: Trung Quốc xâm nhập Việt Nam mạnh mẽ về kinh tế và văn hóa. Người Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều và đến khắp nơi. Cùng với việc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, từ năm 2004 Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn trên biển.
Đại tá Quách Hải Lượng nói: “ Ta đừng chờ họ mang quân tới đánh thì mới gọi là xâm lược. Thực chất hiện nay họ đã xâm lược rồi. Phải nói như ông Nguyễn Cơ Thạch (cựu Bộ trưởng Ngoại giao VN) rằng Trung Quốc đã phát động chiến tranh phá hoại toàn diện đối với Việt Nam. Nói như thế mới là đầy đủ” (trích theo ĐoanTrang Blog).
Nhưng tiếc thay, tất cả những lời cảnh báo đã như “ đánh trống trước cửa nhà sấm”!
3. VIỆT NAM ĐÃ BỊ PHỤ THUỘC VÀO TRUNG QUỐC CHƯA?
Chúng ta có thể đặt câu hỏi khác là: Trung Quốc đã “thành công” trong chiến lược xâm nhập phá hoại Việt Nam toàn diện như thế nào? Cái gì đã xảy ra?
Trả lời được câu hỏi này chắc phải viết cả một cuốn sách vài trăm trang. Ở đây tôi chỉ xin phác họa một số điểm nhấn, mong rằng từ các điểm đó bạn đọc có thể suy ra trên diện rộng.
Theo tôi về chính trị, năm 1991 trong tình cảnh Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, dẫn đến khủng hoảng về lý luận thì việc ĐCS Việt Nam liên kết chặt chẽ với ĐCS Trung Quốc và chịu ảnh hưởng của họ là điều dễ hiểu. Trong khoảng 20 năm nay, hai Đảng và hai nước đã ký kết khoảng 40 hiệp định và thỏa thuận. Những cuộc gặp gỡ cấp cao, cấp Bộ ngành và địa phương duy trì đều đặn. Sau những cuộc gặp gỡ ấy, thông tin đưa ra cho thấy đôi bên đều “thống nhất, nhất trí” các quan điểm.
Khách quan nhận xét rằng có thể Trung Quốc đã áp đặt lên Việt Nam đường lối của họ, đưa Việt Nam vào quỹ đạo của họ. Điều này chúng ta đã có kinh nghiệm từ kháng chiến chống Pháp. Và Việt Nam đã “học tập đội bạn” từng động tác trong vũ điệu kinh tế thị trường. Rất nhiều sách chính trị của Trung Quốc hoặc viết về Trung Quốc được xuất bản ở Việt Nam.
Về văn hóa, 20 năm qua, chúng ta đã để cho Trung Quốc xâm nhập như bão táp. Những năm đầu thập niên 1990, TiVi chưa phổ cập thì băng Video phim võ hiệp, tình sử, dã sử Trung Quốc phát hành đến tận hang cùng ngõ hẻm. Bây giờ thì hàng trăm kênh truyền hình, cả TW và địa phương, không nơi này thì nơi khác suốt ngày chiếu phim Tàu. Văn học Trung Quốc được người Việt Nam dịch, xuất bản rất nhiều, kể cả những tiểu thuyết rác rưởi. Một tờ báo địa phương như tờ Văn nghệ Thái Nguyên mà cũng thường xuyên in truyện ngắn Trung Quốc. Tất nhiên điều đó không hẵn là xấu, nhưng vô hình trung nó kiềm chế sự phát triển của văn hóa Việt Nam, nó chiếm chỗ dành cho các nền văn hóa khác, nó tác động vào tư tưởng, tâm lý người Việt Nam, Hán hóa dần dần con cháu các vua Hùng.
Về kinh tế, có thể nói Trung Quốc đã nắm được yết hầu của Việt Nam, nó thể hiện ở những điểm chính sau đây:
Một là, cả nước Việt Nam biến thành cái chợ hàng Trung Quốc khổng lồ mà toàn hàng giá rẻ, chất lượng thấp và độc hại. Những hàng hóa này tràn vào Việt Nam chủ yếu qua con đường tiểu ngạch và buôn lậu, cả buôn lậu trên biển. Nó kiềm hãm đến bóp chết nhiều ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam, nhất là thợ thủ công ở các làng nghề. Tại Hà Nội nhà máy Dệt 8/3, nhà máy VPP Hồng Hà phải đóng cửa trong đó có nguyên nhân sản xuất không có lãi vì không cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc (nhưng người ta không ai muốn thú nhận điều đó).
Hai là, một sự bất bình đẳng quá đáng trong cán cân thương mại giữa hai nước. Việt Nam nhập khẩu và nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Riêng năm 2010 nhập khẩu từ Trung Quốc tới hơn 20 tỷ USD, nhập siêu tới 12,7 tỷ USD. Nếu biết rằng tông thu nhập quốc nội của nước ta hiện nay mới hơn 100 tỷ USD/ năm thì con số nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc là một tỷ lệ lớn đến trầm trọng.
Ba là, sự xâm nhập quá sâu của các Công ty Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện tượng các Công ty Trung Quốc trúng thầu đến 90% hàng mục các công trình quan trọng của các ngành điện, than – khoáng sản, dầu khí, giao thông… mà chủ yếu theo phương thức EPC (thiết kế - mua sắm – xây dựng) kéo theo bao hệ lụy về công nghệ thấp, lao động, tiến độ và chất lượng công trình.
Bốn là, chúng ta có bao nhiêu tài nguyên khoáng sản thì Trung Quốc nhập khẩu bằng hết. Họ còn nhập khẩu lậu khoáng sản của ta qua đường biên và trên biển (hàng năm chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh đã có hàng triệu tấn than buôn lậu sang Trung Quốc bằng tàu thuyền). Kết quả là chúng ta mau chóng bị cạn kiệt tài nguyên, đang báo động phải nhập khẩu than nhiều triệu tấn trong những năm sắp tới.
Để bạn đọc hình dung được sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, tôi xin dẫn dưới đây ý kiến của ông Schroth thuộc Hiệp hội May mặc và giày da Mỹ nói về ngành dệt may Việt Nam: “ Dệt may Việt Nam hiện nay gần giống như một phân nhánh sản xuất của Trung Quốc, nơi lắp ráp và sản xuất ra thành phẩm từ nguyên liệu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy ở Việt Nam là của các Công ty Trung Quốc đầu tư. Do đó đây thực sự không phải là một cuộc cạnh tranh đúng nghĩa mà là một quan hệ cộng sinh” (trích nguồn từ Internet).
Quan hệ cộng sinh? Liệu có phải là cây tầm gửi cộng sinh trên thân cây đa, cây đề?
Liệu ý kiến của vị chuyên gia Mỹ nói trên có thể dùng để nói cả cho những ngành kinh tế khác của Việt Nam?
Thế thì đúng như cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã nói: “Thực chất hiện nay họ đã xâm lược ta rồi!”
Có điều cuộc xâm lăng này Trung Quốc sử dụng “sức mạnh mềm” nên kẻ bị xâm lăng không dễ nhận ra. Thậm chí có khối người còn nhờ nó mà” mở mặt với đời”. Đó có thể là những chính khách chưa đủ tầm trí tuệ hay những quan chức tham nhũng “đi đêm” với các Công ty Trung Quốc. Đó cũng có thể là những doanh nhân hám lợi chuyên buôn bán hàng Tàu. Họ có thể không ý thức được rằng họ đã là hại dân hại nước.
4. Kết luận:
Khi một nước này bị phụ thuộc vào nước kia thì đầu tiên là phụ thuộc về chính trị - tư tưởng, sau đó đồng thời phụ thuộc về kinh tế, văn hóa, quốc phòng. Trong đó phụ thuộc về chính trị - tư tưởng là nguy hiểm nhất vì chính trị - tư tưởng chi phối tất cả.
Cho nên để Việt Nam thoát ra khỏi Trung Quốc thì đòi hỏi đầu tiên là phải thoát ra về chính trị - tư tưởng. Nhờ đó sẽ đến được với những tư tưởng tiến bộ nhất của nhân loại. Dân tộc Việt Nam sẽ có cơ hội được hưởng những giá trị nhân bản phổ quát. Những gì tốt đẹp  của dân tộc sẽ được phục hồi và phát huy.
Thoát ra khỏi Trung Quốc về văn hóa là Việt Nam thoát khỏi một nguy cơ Hán hóa đang dần dần làm mất gốc cả dân tộc ta.
Thoát ra khỏi Trung Quốc về kinh tế là Việt Nam thoát khỏi mối đe dọa bệnh tật, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và sinh thái. Đồng thời sẽ đến được với những nền sản xuất tiên tiến, công nghệ cao của các nước văn minh.
Có thoát ra khỏi Trung Quốc thì Việt Nam mới có thể giữ vững độc lập chủ quyền.
Trung Quốc hiện giờ như một lực sĩ Sumo nhưng lục phủ ngũ tạng đang mọc nhiều khối u ác tính. Đó là cơ hội cho Việt Nam thoát ra khỏi nếu chúng ta sáng suốt có ý chí quyết tâm và tài năng.
Do yêu cầu của nội dung nên bài viết hơi dài, mong được bạn đọc trao đổi.

TP Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 07 năm 2011
           Bùi Công Tự