Trang chủ » Truyện

NƠI ĐẾN KHÔNG HẸN

Nguyễn Chính Viễn
Thứ sáu ngày 12 tháng 8 năm 2011 10:37 PM

Gọi hắn là “hắn” cho tiện!Chính hắn cũng không ngờ sự việc lại diễn tiến một cách đảo chiều nhanh đến như vậy! Bởi vì theo hắn sự việc được “quân sư” bài binh bố trận một cách rất chặt chẽ và kín kẽ, chỉ cần một nét kí của hắn thôi là có khoản hoa hồng cao ngất ngưởng hàng tỷ bạc có ít đâu , thế mà chữ ký vừa xong chưa ráo mực mà “họ” đã đánh hơi thấy, tài thật. Thật ra khi quân sư gợi ý làm việc này hắn đã thấy run và khuyên là không nên, sợ “cái nẩy xẩy cái ung” công sức bỏ ra sẽ đổ xuống sông xuống biển, nhưng rồi tiền đã làm mờ mắt hắn, tiền đã thắng cái tâm cái đức của hắn nên hắn đã bị. Những ngày này hắn đã huy động tổng lực các “bis” trong đầu, ngồi bàn thảo với các “đệ tử ruột” để tim giải pháp “ siêu thoát”, Suy đi nghĩ lại trong “ba sáu chước chước phải ngừng lòng tham lại thôi” hắn chỉ thị cho quân sư là lập ngay phương án giải quyết xóa dấu vết bằng cách đề nghị chuyến ngay khoản hoa hồng mà hăn sẽ có vào tài khoản công ty. Tuy nhiên chưa kịp hành động thì công an kinh tế đã vào cuộc. Thế là hắn phải tạm đình chỉ công việc để điều tra làm rõ vì “ Đã cố ý làm sai để tham ô…”.Nằm vắt tay lên trán hắn đã thấy dại “sai một ly đi một dặm rồi ”! Sau những ngày căng thẳng và mệt mỏi, hôm nay trưởng phòng thanh tra công ty đã đến nhà mời hắn ra công an tỉnh để làm việc. Người ta có những cách để bắt người một cách ngọt ngào không ầm ĩ : Thứ nhất vào nhà mời đi làm việc, rồi đến cơ quan đọc lệnh bắt. Thứ hai dụ đối tượng ra đường tạo ra sự cố va quyệt vi phạm luật giao thông, mời vào trụ sở công an rồi tuyên bố anh phải tạm giam để điều tra. Cách thứ ba, thì hơi ồn ào hơn, có mời cán bộ địa phương đi cùng đến đọc lệnh bắt tại nhà và khám nhà. Như vậy, hắn được thực hiện ở quy trình thứ nhất . Hắn được mời đi làm việc rồi ngồi vào bàn thẩm vấn . Buổi thẩm vấn xong thì trời cũng nhấp nhem tối. Nhân viên thẩm vấn nói với hắn vẻ mặt lạnh lùng, vô cảm : Đã có lệnh bắt anh , mời anh vào trại luôn không được về nhà nữa . Cán bộ thẩm vấn gọi một người trong đồn : “Này, cho ông ta vào trại hộ cái !” Trời hơi xe lạnh. Thế là cái tết này hắn có thể  phải ăn tết trong tù rồi! Thời gian tạm giam của hắn là 4 tháng!
Một chiếc xe “Min cờ” được điều đến, chở hắn cùng 2 công an đi về phía trại giam cách đấy 4-5 cây số, người công an ngồi sau ôm hắn . Công an thường thực hiện cách đưa phạm nhân vào ban tối như thế này để “phạm” khó nhận đường và không thể trốn. Nhưng cả cái tỉnh này ai mà chăng biết con đường không vui vẻ này!
Đến cổng trại giam, xe dừng,  hắn được đứng xuống và vẫn giọng nói khô không khốc : “Ông đứng đợi đấy!”! Một trong hai công an đi vào một phòng có sáng ánh đèn ( Sau này hắn biết đó là phòng làm việc của trưởng trại giam). Anh công an còn lại đứng xa hắn khoảng hai mét!
Sau khoảng 5 phút, có hai người đi ra, vừa đi họ vừa trao đổi với nhau điều gì và họ bàn giao hắn cho trại. Hắn được người của trại dẫn đi, có ánh đèn pin soi đường .Người của trại hỏi: “Tên gì?”. Hăn chưa kịp trả lời, thì người của trại đã lên tiếng : “Thôi! Khỏi ! có giấy đây rồi! Vụ tham ô  tiền tỷ phải không?”. Hắn định thanh minh : “Không phải thế!”. Nhưng người dẫn đường đã nói “Thôi biết cả rồi không cần nói!”.
Hắn đa được dẫn vào một khu nhà, người dẫn đứng lại nói vào : “Tới đâu? có phạm mới, ra nhận này!”
Người có tên là Tới. săng sái chạy ra, soi đèn nhìn hắn từ đầu đến chân. Trước đó hành trang của hắn là một cái cặp táp, trong đó là sổ công tác, bộ quần áo, kính bút... vẫn như một cuộc đi công tác như mọi khi . Khi  có lệnh bắt giam, hắn đã được nhân viên thẩm vấn nói : “Anh gửi những thứ này về nhà đi, chúng tôi chuyển về nhà cho. Vào trại bọn đầu gấu nó “bóc” hết đây! Do vậy hành lý lúc này của hắn chỉ còn là một túi ni lông gồm có một đôi giầy, 2 cái áo phông, hai cái quần lót, một cái kính, một cái bút bi, và khoảng 2.000.000 đồng. Hắn phải tự giác “kê khai” ra một tờ giấy đã có mẫu in sẵn. Tới xem xong, vẫn một giọng  vô cảm : “Tiền à? đưa đây , còn gì nữa không? Cả sổ công tác nữa. Và Tới đã dùng hai tay của mình vuốt khắp người hắn từ vai đến gót chân, nhận thấy không còn gì, nói với giọng lạnh lùng : “Đi” Hắn vừa đi vừa suy nghĩ, cuộc đời hắn đã thay đổi thật rồi, là một đảng viên, hắn được kết nạp năm 22 tuổi, phải công nhận là hắn phấn đấu tốt, 20 tuổi vào Đoàn, 22 đã vào Đảng, đã 30 năm gắn bó với nghề, xuất thân thành phần cơ bản. Bố mẹ đều thuộc thành phần có công với công cuộc kháng chiến chống Pháp, là cơ sở nuôi dấu cán bộ hoạt động, được tặng huy chương kháng chiến, bản thân hắn cũng được huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng hai…chỉ vì lòng tham muốn giầu nhanh tin vào bọn quân sư quạt mo nên đã nẩy lòng tà tâm lợi dụng chức quyền làm sai nguyên tắc quản lý nhà nước. Ngay sau đó, lương tâm đánh thức, hắn biết sai  nên đã thành thực trình bày với thanh tra Tỉnh ủy và tỏ ra ăn năn, muốn lấy công chuộc tội, cán bộ thanh tra thì thận trọng nói : “có thân nhân tốt có thể không bị khởi tố”…nhưng cái không thể đã thành có thể rồi, bây giờ hắn đã trở thành phạm rồi. Sau khi đi vòng vèo khoảng 5-7 phút đến một dãy nhà thấp tè, tăm tối, các cánh cửa bằng tôn đen 6 ly đóng im ỉm. Tới lên tiếng : “Dũng đâu? Có phạm mới !”. Tiếng khóa tiếng xích sắt va quyệt vào nhau rít lên nghe rợn cả người. Cửa thứ nhất, rồi cửa thứ hai được mở ra. Hắn được đẩy vào. Trong phòng giam lúc này Hắn thấy có 4 phạm nhân : một khoảng 45- 46 tuổi, một khoảng 34- 35 tuổi, 2 khoảng 20-25 tuổi. Gọi là phòng cho sang, chứ thực tế người ta gọi nó là “buồng giam”, bề ngang khoảng hơn 2 mét một tý, bề dài cũng khoảng hơn 3 mét một tý, trong cùng có xây một chỗ chứa nước con con mà người ta gọi nó là bể nước, có đục một lỗ nhỏ dùng để thoát nước ra đằng sau nhà, phía ngoài xây hai cái kệ đặt hai tấm bê tông láng nhẵn làm phản nằm. Tất cả người trong phòng đều nhìn hắn với vẻ mặt thăm dò, gờm gờm, lạnh tanh. Hắn cố lấy vẻ bình thản : “Xin chào các bác các anh”! Hắn đang lúng túng không biết nên ngồi hay đứng, thì một phạm nhân nhỏ tuổi nhất lật chiếc chiếu đang cuộn sát tường giải ra và nói  : “Mời Bác ngồi xuống đây!”. Người  khoảng 34- 35 tuổi có tên là Dũng hỏi hắn : “ Cơm nước gì chưa?”. Hắn cố lấy vẻ thân mật trả lời : “ Chưa ! có lẽ bây giờ phải ăn, đói rồi!” và hắn lấy ra mấy chiếc bánh mỳ, khoanh dò đã thái để ra tờ giấy báo và xoa tay xin mời cả phòng cùng ăn! Hắn nói bâng quơ “Vợ gói cho đấy!”. Qua sách báo hàng ngày, Hắn cũng biết vào tù là có luật bất thành văn nhưng rất tôn ty trật tự. Hắn đoán Dũng là trùm sò đầu gấu ở đây, sau này hắn biết Dũng còn có cái tên  nữa là “tù tự giác”, một mình hắn được ngồi khoanh trên giường chùm cái mền chăn kín đâu, đầu giường là một lô sách truyện loại rẻ tiền thường được in từ các tỉnh phía Nam, còn 3 phạm kia cùng ngồi trên một chiếc giường.. Hăn đã phải giành cho Dũng phần ăn nhiều hơn. Dũng đút cả nửa cái bánh mỳ có cặp lát giò vào mồm nhai nhồm nhoàm rồi hỏi hắn : “ Chắc chưa hiểu thế nào là “phạm” đâu nhẩy ? Hôm nay cho tạm ngủ trên giường, ngày mai xét sau.! Thiện, Tín! - Dũng hất hàm cho 2 cậu bé  con có cái đầu húi cua : “ Khám !” rồi quay sang nói với hắn : “ Bác hiểu cho đây là luật!” hai đứa nhỏ đã  mở gói ni lông và dơ lên từng thứ để Dũng xem. Dũng lạnh lùng : “ Được rồi, áo phông hả? Đưa áo phông đây, đang cần,  cả đôi tất xù nữa, mới nhỉ. Còn kính cận hả, giữ lấy mà dùng!. “Để biết nhau…giới thiệu luôn ” Dũng chỉ vào người trung niên khoảng 45- 46 tuổi trông cao to  : “Đây là Ông Úy Đồn trưởng Đồn Công An Môi Rồng phạm tội “bảo kê” cho bọn buôn  lậu qua biên giới, chỉ nay mai là được đi lao động trồng rau thôi trong ngành mà”. Còn hai thằng này, một tên Thiện, một tên Tín lính nghĩa vụ bộ đội Cụ Hồ hẳn hoi đấy,cũng vào loại con ông cháu cha, có học hành, nhưng vì tranh nhau gái với thanh niên làng, quá tay làm thanh niên làng sặc máu chết tươi nên mang tội giết người , đang chạy để trở thành là vô ý làm chết người . Còn thằng Dũng này, lái xe, phạm tội buôn bán phụ nữ qua biên giới…cứ cho là thế, kết tội thế nào nói thế, đeo án 14 năm đã 6 năm rồi, hy vọng năm thứ 7 thứ 8 ra…Im lặng một lúc, Dũng quay sang nói với hắn : Phạm kinh tế đơn giản thôi, chẳng có gì phải lo, điều tra thẩm vấn xong là được “phắn” ra ngay thôi mà…trong người có vàng bạc gì không, có đưa đây ! Hắn thật thà : Có 2 triệu bị giữ lại ngoài cổng rồi! Dũng im lăng suy nghĩ mấy giây : “Được rồi sẽ có cách lấy lại để xung công!”…Dũng đang giáo huấn, thì bức tường ngăn có tiếng đập đập hỏi vọng sang : “phạm mới hả?. Dũng trả lời : “ Đúng rồi!” Tội gì ?. Dũng lại nói “Kinh tế”…Không có tiếng hỏi tiếp. Dũng quay lại nói với hắn kiểu ma cũ dạy ma mới  : “Đêm nay phòng ta có 5 người, ông vào loại có tuổi, 48 phải không , cứ cho là 49 đi, cái tuổi 49 chết tiệt, 49 chưa qua 53 đã tới, ngủ với ông Úy,  là cán bộ cả, nằm mà tâm sự, còn hai thằng bé giải chiếu xuống đất mà nằm… Nghe Dũng nói thế hắn cảm thấy hơi mủi lòng vì có hắn nên hai đứa nhỏ phải nằm đất, thực ra là năm trên nên bê tông, rất lạnh. Hăn nói cho được cùng ngủ dưới đất với chúng vì là ma mới mà. Dũng không nghe! Dũng nói tiếp: Có hay đi đái đêm không? Đêm có đi thì tương vào cái lỗ rồi dội nước cho khỏi khai. Không được đi ỉa đêm đâu, phải cố nhịn đến sớm mai ra đằng sau nhà mà ỉa. Hôm nay, nếu buồn quá thì được phép tương vào đấy, dội nước để khỏi phải xin phép trực ban ra ngoài, lích kích. Nhưng chỉ được hôm nay thôi đấy! Ỉa thối không chịu được.
Tối ấy, suốt đêm hắn  không chợp mắt , vì lạ nhà lại năm phản bê tông nên rất lạnh lưng. Hắn cười thầm “ Ai bảo...” Hắn nghĩ, được vào trại giam cũng có cái hay, nếu không thì làm sao mà  biết được cái sinh hoạt ở cái chỗ này. Họ là những người vào trước đã quen nên họ đi vào giấc ngủ thật êm ái, nhẹ nhàng, thanh thản. Mỗi người có kiểu ngáy riêng. Úy nằm ngủ mím mồm, nên tiếng ngáy phát ra đằng mũi kêu “brịch... brịch...brịch”. Dũng ngủ mồm há tông hốc nên tiếng ngáy kêu “vro... vro...vro”. Còn hai cậu bé thì mồm luôn lảm lảm và nhai tóp tép...
Buổi sáng, chim chóc nhảy nhót kêu lách chách ở đầu nhà . Người ta gọi nơi đây là “ăn theo kẻng đánh, ngủ có lính canh”.Trước cửa phòng thường trực treo một quả bom câm làm kẻng, người ta dùng chiếc búa để đánh, tiếng phát ra nghe thật đanh và chát chúa. Cả nhà tù bừng thức. Họ ngồi dạy và chuẩn bị cho công việc hàng ngày.Chỉ một mình Dũng được quyền đi  đến các cửa buồng giam dùng chiếc búa đập 3 cái vào cánh cửa để báo hiệu ngày mới bắt đầu! Công việc của Dũng là thế, thật thoải mái, ấy vậy mà nhiều khi phải thót tim khi phát hiện thấy một của buồng giam bị bẻ khóa, Dũng đã gặp 2 lần như thế, phạm đã cao chạy xa bay lúc nào, cả trại nhốn nháo, các quan chức phải tổ chức nhiều cuộc họp, mở các cuộc truy quét lùng xục để tóm lại bọn tù. Buổi sáng các phạm đều được ra ngoài để hưởng không khí trong lành mát mẻ. Bây giờ hắn mới biết hắn được ở buồng số 3,buồng số 1 là của tên tử tù “Bạch Hải Đường” tướng cướp khét tiếng một thời trên con đường Quảng Nê. Những ngày chờ chết nó thường không ngủ mà  kêu gào  đọc thơ con cóc suốt đêm. Khi tên tử tù nhìn thấy hắn đi qua cửa biết nên đã chìa tay xin thuốc hút !
Nhà cầu ở phía sau nhà. Hắn đã thực sự thấy nhà cầu là như thế nào, là con hào sâu đầy nước nổi lều bều những cứt, rộng khoảng 4 mét chạy bao quan trại giam. Hàng ngày phạm nhân đã ra đây để giải quyết nỗi buồn, lúc đầu hắn nhìn thấy cảnh như vậy cũng thấy ngượng nghịu và  xấu hổ, nhưng  sau cũng quen, chẳng có cách nào văn minh hơn, còn tự nhiên quay sang hỏi chuyện người ngồi bên cạnh là khác. Phạm nhân hàng ngày múc nước này để tưới rau. Những luống rau được “phạm” chăm sóc mới tốt làm sao! Công việc đầu tiên ở trại là hắn được bộ phận kế toán trại giam đến nhờ hăn kẻ mẫu biểu viết danh sách theo rõi bữa ăn hàng ngày của phạm nhân. Việc viết sổ sách đã giúp hắn ngộ ra một điều là khi ông bố bà mẹ sinh con ra có nhiều kỳ vọng về chúng và đều đặt cho chúng những cái tên thật đẹp, có tên đệm thật hay : Nào Ngọc Bảo, Hùng Dũng, Công Minh, Chiến Thắng, Thành Công...có biết đâu sau này có những cái tên trở thành lưu manh, móc túi, giết người và tướng cướp.Hắn liên hệ như hắn đây cũng thế, có bao giờ nghĩ có ngày đến chỗ này...Ngoài việc làm sổ sách hắn còn phải đi cuốc đất trồng rau và tưới rau. Buổi trưa, nhà bếp đẩy xe cơm đến, các phạm cầm xô chậu chạy túa ra tranh nhau vục xúc theo định mức. Nhiều khi cũng xẩy ra xô xát, họ gầm gừ chửi bới tố giác nhau ăn gian múc quá tiêu chuẩn, lúc đó phải có sự can thiệp của “Cán bộ quản giáo”. Hắn mượn sách truyện của Dũng để đọc.  Đủ các thứ truyện đông tây kim cổ, không có loại sách nào là không có. Các đầu nậu sách sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của người đọc. Vì là sách tình cảm rẻ tiền chữ in to lại thưa nên mặc dù dưới bóng điện tù mù vẫn đọc được, hắn đọc hết truyện  này lại mượn truyện khác. Hắn đưa tiền cho Dũng thuê hộ sách để về đọc. Hắn đã nhờ Dũng thuê cho quyển tiểu thuyết ở ngoài đang cấm : “Một ngày trong đời Ivan Đênixôvitch”. Hắn biết đây là tiểu thuyết nổi tiếng của Alekxandr Ixayêvitch Xolgienitxyn được giải Nobel. Hắn đã được nghe trong cuộc tranh chấp quyền bính của mình, Khruschoph đã dùng tiểu thuyết này làm lợi khí để đấu tranh với đối thủ. Ông ta đã cho in để gửi cho các thành viên trong Chủ Tịch Đoàn . Hôm Chủ Tịch Đoàn nhóm họp, mỗi người có một cuốn truyện để trước mặt. Ông bước vào, hỏi mọi người : “ Quyển sách hay chứ? Phải không các đồng chí?”. Mọi người nín thinh . Khruschoph nói luôn : “ Có một câu tục ngữ Nga nói rằng : “ Làm thinh tức là đồng ý”  Sau đó ông ta đã cho phép in và phát hành “Một ngày của IVan...” Và thế là từ đấy cùng với Gôgôl, Tôlxtôy,  Đôxtôyevxky, Gorky,  Sôlôkhôv... có thêm Xôlgiênitxyn nữa. Hắn nghĩ có tiểu thuyết này mà đọc thì thật thú vị rất hợp với hắn trong những ngày trong tù.. Dũng bảo : “Có, nhưng giá cao lắm đấy!”. Hắn đã vô tư : Yên tâm đi , bà xã vừa tiếp tế đầu tuần rồi! Hắn nghĩ tiền thời nào cũng quý thật. nhất là đối với “phạm”, Chính hắn được vào đây cũng là vì tiền đấy thôi. Các cụ nói không sai : “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Cần ra căng tin uống bia uống rượu, hút thuốc, cần kéo dài thời gian gặp người nhà, cần ốm để được nghỉ được ngủ trong buồng không phải đi lao động...có tiền là “thẩm thấu” được hết, đầu suôi đuôi lọt.
Cả khi lên phòng thẩm vấn, câu đầu tiên “cán bộ” hỏi là “có thuốc không?”. Trong túi không có thì được phép chạy ra căng tin mà mua, về phải cầm bằng hai tay đưa dâng cho cán bộ sài!
Những ngày giáp tết sự hoạt động của tù nhân lại càng sôi nổi ; được động viên viết thư về nhà xin tiền, xin bánh chưng, xin thịt.... Dũng bảo cũng như ở ngoài thôi, tết nhất phải quà cáp biếu xén, càng cao lễ càng dễ thưa, càng nhiều càng ít, gia đình không có thì xin bạn bè... chẳng ai tiếc thằng tù đâu!
Một cán bộ quản giáo cưới vợ, tù nhân phải lo từ A đến Z, từ chiếc giường đến cái tủ gương đến chăn bông gối đệm,  phong bao phong bì đàng hoàng. Đóng giường thật đúng mốt, bảo nhau đi mua  giấy nháp về đánh cho thật nhẵn để quét véc ni cho thật cháy cóng. Hắn công nhận là có nhiều tù nhân có tay nghề rất giỏi: Nề, mộc, khảm, khắc đều làm được cả. Dũng nói đã phải nhiều đêm suy nghĩ để làm cho “Sếp” một cái “Bìa lịch” Tết bằng nhôm có chữ “Mừng Năm mới” bằng tiếng Anh thật hoành tráng và ưng ý.
Dũng là “tù tự giác” nên hắn thường xuyên tổ chức những bữa tiệc tùng, để mời “Cán bộ” quản giáo!Nguồn tài trợ lấy của các tù nhân khi được tiếp tế. Một khoản bất khả kháng. Dũng được trực tiếp ra kiểm tra các túi hàng từ bên ngoài gửi vào, Dũng đã lợi dụng “quyền hành” của mình để cắt xén ăn chặn của anh em, chỉ một cái lừ mắt là tù nhân biết phải làm gì! Có tù nhân nào tỏ ra khó chịu thì liệu hồn. Trong những ngày trong tù hắn đã biết thêm nhiều thứ, đặc biệt biết cách sử dùng củi lửa trong buồng tù thì thật là tài tình. Dũng đã nhặt nhạnh thu gom tất cả các loại túi ni lông, rẻ rách lại rồi đốt những túi ni lông với nhiệt độ vừa phải cho chảy ra và dùng rẻ hứng lấy gói lại, chính đấy là “chất đun” để đun nấu khi cải thiện. Dũng nói nhiệt của chất đốt này cao hơn nhiều so với củi, đun nước rất nhanh sôi. Tình cảm giữ hắn với mọi người trong buồng có sự hiểu biết nhau hơn. Hắn và Úy thường trao đổi với nhau về những từ tiếng Anh. Thiện, Tín thì gọi hắn Bá. Còn Dũng luôn chăm nom sách truyện và thuốc Sapa cho hắn...
Hắn đã viết thư về cho vợ xin tiền và bảo gửi bánh chưng, giò chả vào cho hắn. Dũng kiểm tra thấy có nhiều mặt hàng cao cấp nên đã tỏ ra nể vì hắn lắm. Dũng nghĩ năm nay sẽ có cái tết to. Dũng bảo phải viết cả câu đối, và lập bàn thờ thổ thần thổ địa để khấn Ngài phù hộ... Càng gần đến ngày giáp tết không khí chuẩn bị tết ở nhà tù càng nhộn nhịp, việc gọi “phạm” lên thẩm vấn hình như cũng thưa dần.
Hôm ấy Hắn đang dọc những trang cuối cùng của “Một ngày của I Van...” : “Sukhov chỉ nằm nhìn lên trần mà không nói năng gì cả. Chính anh, anh cũng chẳng còn biết anh có muốn tự do hay không nữa là. Mới đầu anh muốn được tư do ghê lắm, và ngày nào anh cũng cộng lại xem còn phải ở bao lâu nữa. Thế rồi anh đâm ra chán ngấy cái việc này...” Đọc đến đây, thì hắn được Dũng báo là lên phòng thẩm vấn ! Hăn  nghĩ : “ Đã nằm trong trai gần 3 tháng rồi, mỗi tuần một lần thẩm vấn! Có lẽ lần này là lần cuối cùng trong năm !  Hôm nay hắn được dẫn đến một phòng khác . Ngồi bàn thẩm vấn là một phụ nữ , bà ta chỉ vào chiếc ghế rồi nói : “Bên công an đã tiến hành xong cung, tôi bên Viện kiểm sát gặp ông lần cuối cùng.  Bà ta đã hỏi thăm sức khỏe, ăn uống thế nào, sống trong trại có dễ chịu không, có ý kiến đề đạt gì không... Hắn đã nói lên những suy nghĩ của mình.  Nghe xong  bà nói với hắn : “Bên Công an kết luận ông  tội tham ô...!”.
Tối hôm ấy hắn đã nằm suy nghĩ, “cung” xong có nghĩa là sẽ được về ? Hắn tự hỏi, được miễn tố hay vẫn phải ra đúng vành móng ngựa... Giấc ngủ đã nhẹ nhàng đến với hắn, hắn thấy có một người đến đứng đầu giường hắn báo cho hắn biết là mai hắn sẽ có quyết định được về. Niềm vui đến một cách đột ngột đã làm hắn tỉnh giấc hắn tiếc ngẩn tiếc ngơ vì giấc mơ tan đi nhanh quá...
Trưa hôm ấy... thì hắn được nghe lệnh thả...hắn chạy về buồng ôm Úy, ôm Dũng, ôm Thiện, ôm Tín ; “ Thế là không được ăn Tết ở đây với các bạn rồi”. Hắn đã có ý định xin ở lại để có bữa chia tay chiều nay với Úy, với Dũng, với Thiên, với Tín mai mới về. Nhưng quản giáo không cho phép, phải đi khỏi nơi này ngay tức khắc!. Hắn đã rút mấy trăm ngàn mà hắn đã dấu trong cạp quần ra đưa cho Dũng với lời chia tay : Thôi tôi về trước nhé còn mấy trăm cầm lấy mà tiêu... Ngồi trên ô tô về nhà hắn đã bụng bảo dạ : Từ nay sẽ kệch đến già... Đồng tiền là quý thật nhưng nó cũng rất tệ rất bạc với con người...
 
Nguyễn Chính Viễn