Trang chủ » Truyện

BỐ TÔI

Nguyễn Thị Thu Hiền
Thứ ba ngày 9 tháng 8 năm 2011 9:55 AM
Truyện ngắn

Năm nay bố tôi bảy mươi  hai tuổi. Hơi  thở yếu ớt của bố, chẳng biết còn được đến  lúc nào. Mỗi lần về thăm quê, nhìn chiếc chiếu bố nằm đã thâm nát một góc, tay chân bố co quắp một mình dưới nhà  ngang, lòng tôi buồn thắt lại.
Tôi không thể bình tĩnh được khi nhìn thấy có tới chục con kiến đang gặm nhấm chân tay của bố. Tôi chợt hiểu, nếu bố khó chịu, cũng không thể tự gãi được. Nhẹ nâng bố ngồi dậy, tôi tắm  gội và cạo râu cho bố. Khi còn khỏe, bố luôn ưa  đầu  tóc gọn gàng,  sạch sẽ.
Ngồi bên cạnh bố, tôi cắt từng chiếc móng tay dài của bố. Nước mắt tôi rơi ướt bàn tay bố. Tôi vội lau khô, vì sợ bố cảm nhận thấy tôi khóc, bố không yên lòng. Tôi hiểu, bao năm nay, bố chưa yên tâm về tôi, vì cuộc sống riêng và hạnh phúc của tôi chưa đến đâu cả.
Trước đây, khi bố còn nói được, mỗi lần về thăm, bố thường đưa tay sờ lên vai và lưng tôi xem tôi đã lớn thế nào? Phút yên lặng ngồi bên bố, tôi hiểu bố muốn hỏi tôi nhiều điều. Tôi muốn bố vui, nên hay tâm sự cùng bố. Bố ạ, cuộc sống của con nay không còn khó khăn như trước. Con đã có công việc ổn định. Còn về tình duyên của con, bố không phải lo, khi nào nó đến thì đến.
Năm mười bốn tuổi, tôi đã yêu đơn phương một người cùng xóm. Tôi si mê và cảm thấy điên đảo nếu mỗi ngày không được nhìn thấy anh ấy. Vì tôi còn quá nhỏ, bố đã ngăn cấm không cho phép tôi gặp anh ấy. Mỗi tối tôi đi chơi, bố thường ngồi thức chờ tôi về. Biết bố không nhìn thấy tôi, mà chỉ phát hiện ra tiếp dép kêu, nên  đi chơi về tôi thường xách dép từ cổng. Nhưng  khi bước vào nhà, tôi không thể dấu bố, vì tiếng kêu ken  két của cánh cửa.
Bố cấm tôi nhiều lần mà tôi vẫn  không nghe. Hôm ấy đi chơi về, bố  đã cầm sẵn một cái gậy to. Vừa vào nhà, tôi đã bị ăn đòn của bố. Bố mắng té  tát Làm thân con gái phải biết giữ gìn, nếu có chuyện gì, thì cả nhà mang tiếng!.
Bố thương tôi còn quá nhỏ. Đêm đêm nằm ngủ, tôi vẫn còn mơ cười nói. Đấy là thời tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ. Sáng sáng, hết bố đến mẹ gọi, mà tôi cũng không thèm dậy. Mẹ chỉ gọi vài câu, là phải đi làm. Bố  đuổi giường này tôi lại chạy sang giường kia ngủ tiếp. Một lần tôi bị ăn đòn, vì ngủ dậy muộn. Có bữa cả nhà ngồi ăn cơm, mẹ mắng tôi Con lớn rồi đấy,  ngủ dậy muộn, các bạn cười  cho. Con học bạn Nhài đấy, từ sáng nó đã cắt hết nửa sào lúa rồi!
Bố và mẹ tôi vốn là công nhân lâm trường miền núi. Năm 1987, bố mẹ  chuyển về quê Bắc Giang sinh sống. Ở đó, tôi bỗng dưng được biết tôi có rất nhiều các anh chị. Có người đã có vợ có chồng. Chị cả  của tôi chỉ kém mẹ tôi một vài tuổi. Đấy là những người con cùng cha khác mẹ.
Hàng ngày, cả nhà đi làm vắng. Tôi và em trai hay sang cổng nhà anh trai  chơi. Nhưng tôi thường bị người đàn bà chừng năm mươi tuổi, cầm gậy ra đuổi đánh. Sau tôi mới biết, đó là mẹ cả của chúng tôi.
Mẹ tôi kể, các anh chị của tôi, ai cũng đủ ăn đủ mặc, thóc  gạo đầy nhà. Ấy mà bố tôi lâm bệnh, không  anh chị nào để ý đến bố. Ngày về Bắc Giang, bố mẹ tôi hai bàn tay trắng. Đồ đạc trong nhà đã ra đi sạch bởi căn bệnh hiểm nghèo của bố! Cả nhà trông vào mẹ tôi đi làm thuê làm mướn. Có khi cả nhà tôi phải nhịn đói vài ngày liền. Tôi mới hiểu ra, mẹ cả và các anh chị lớn thường coi như không có chúng tôi.
Sáng sáng, mẹ đi làm rất sớm. Mẹ đi làm đổi công đến trưa, lấy lon gạo về cho cả nhà cơm cháo qua bữa. Nhưng cũng nhiều trưa, mẹ trở về tay trắng. Tiết trời mưa xuân mới dai dẳng làm sao. Những cơn mưa xuân dài ngày đã làm mái nhà tranh gia đình tôi mục nát. Buổi trưa, mọi nhà đều nhóm lửa, chỉ riêng bếp  nhà tôi lạnh lẽo. Ôi làn  khói bếp nhà hàng xóm thật thơm và ấm áp quá. Lúc mọi nhà chuẩn bị ăn cơm, tôi càng thấy đói. Tôi hay dắt em trai sang nhà  chị gái cả đứng nhìn họ ăn cơm. Đứng mãi, cho tới khi chị ấy đuổi thì tôi dắt em ra ngoài cổng đứng nhìn vào. Ngày cưới anh trai út con mẹ cả, hai chị em tôi đứng bên nhà nhìn sang. Tôi biết, nếu có sang, họ cũng đuổi tôi về thôi. Nhưng kìa, có  mấy đứa  trẻ hàng xóm mà nó còn được vào ăn cỗ. Tôi đánh liều đưa em trai sang. Vừa đặt chăn vào sân, chị gái cầm que ra đuổi. Tôi bị một trận đòn đau,  khiếp sợ.
Năm ấy, những trận đói  kéo dài liên miên, khiến gia đình tôi liêu xiêu. Bố mẹ phải tính đến nước đường cùng, để tôi đưa bố đi xin. Đấy là năm tôi vừa đủ tuổi vào lớp một.  Bố tụi già và gầy đi rất nhanh. Mấy thỏng sau, mẹ tôi  không để bố con tôi đi xin  nữa. Mẹ bảo: ở nhà dù đói, nhưng cả nhà được gần nhau !
Ở nhà, bố tôi không phải mưa nắng. Nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng. Kinh tế vẫn là cái vực sâu để gia đình tôi phải leo lên. Lần này, mẹ quyết định cho tôi đi làm thuê. Mẹ bảo : Con đi làm vài tháng! Tôi yên tâm đi làm thuê. Đi vài thỏng thụi, cho nhà đỡ khổ.
Đã một tháng, hai tháng... Rồi một  năm. Tôi về hỏi mẹ  Mẹ cho con ở nhà, mẹ nhé ? Lại câu nói cũ Con cố thêm vài tháng nữa thôi.  Tôi khóc  Con muốn được ở nhà, con nhớ nhà lắm, mẹ ạ ! Ở nhà được dăm hôm, cái đói nghèo vẫn đẩy tôi phải đi làm thuê xa nhà tiếp.
Một năm. Hai năm. Rồi ba năm. Ở nhà có bao chuyện xảy ra. Chị gái tôi đã mười sáu tuổi. Em trai tôi đã lớn. Gia đình tôi đi qua đận đói. Kinh tế gia đình dần dà  khá  lên.  Bố mẹ tôi dự tính sẽ xây nhà ngói, thay thế nếp nhà tranh bao năm  mưa bão từng làm thót tim tôi. Nghèo đói,  những con mắt của thôn xóm khinh rẻ nhìn chúng tôi, đã nhóm lên trong tôi một sự phấn đấu.  Tôi tự nhủ, mình phải cố gắng làm việc kiếm tiền, để được ngẩng mặt trước những lời khinh rẻ ấy. Tôi mơ tới ngày nhà tôi có nhà mới. Khi ấy, hội bạn tôi sẽ không còn khinh thường tôi nữa.
Tôi hồi hộp chờ ngày xây xong nhà. Tôi say sưa ngắm nghía từng viên gạch đầu tiên tạo nền móng ngôi nhà. Mái ngói lợp lên, chị em tôi rủ nhau khênh chõng tre lên nằm, dù nền nhà chưa san và còn sặc sụa mùi vôi vữa.
Ngôi nhà xây xong, bố mẹ tôi  thở phào nhẹ nhõm. Tôi có niềm vui khó tả. Bố nói Từ nay mưa nắng không còn bắt nạt nhà mình nữa rồi!. Chi phí xây nhà phát sinh ngoài dự tính đến sáu triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với gia đình tôi. Không đủ trang trải, đành phải vay lãi. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, khiến bố mẹ tôi  nai lưng  trả  nợ.
Giấc mơ và niềm vui nhà mới của tôi chưa đầy một tháng lại tan biến. Ngày ngày, những tiếng quát tháo của người đến đòi nợ. Đêm đêm, tiếng chì chiết của bố mẹ. Tôi tự  thấy mình lại phải xa nhà, đi làm thuê đỡ đần bố mẹ.
Cuộc đời tôi như con thuyền xuôi mãi không dừng, không bến đỗ. Những bữa cơm chan đầy nước mắt. Tôi thèm khát tiếng cười của mấy đứa bạn thân. Tôi nhớ lời âu yếm của mẹ. Tôi nhớ tiếng  gọi như hò đò của bố những buổi sớm tôi ngủ dậy muộn. Nếp  nhà bình yên và ngõ nhỏ có rặng tre trúc, mãi là niềm  khao khát của tôi.
Sau bao năm vất vả lặn lội kiếm sống ở nơi đất khách quê người, tôi như thấy mình cứng cáp, dạn dày hơn. Sáng sáng đạp xe đi làm. Tối về nằm thui thủi một mình trong bốn bức tường ẩm lạnh. Nhiều khi tôi muốn lật tung  cuộc sống của mình. Buồn và nhớ nhà. Nhưng chưa tới kỳ lương,  tôi không thể về thăm quê được.
Tôi đã học nghề và làm nhiều nghề, nhưng công việc vẫn không ổn  định và chẳng đâu vào đâu cả. Có khi tôi phải nằm ở  nhà một tuần hay nửa tháng vì không xin được việc. Năm tôi hai mươi tuổi, tôi xin vào làm ở Công ty hóa mỹ phẩm. Chân ướt chân ráo vào nghề, chưa quen việc, tôi phải quét nhà, lau đồ, cọ nhà vệ sinh như người lao công.
Một sớm tôi vừa tới chỗ làm, thì nhận được điện về nhà ngay, bố cấp cứu bệnh viện. Tôi xin phép cô chủ để về quê. Vẫn dáng vẻ béo ục ịch và bình thản của cô chủ. Tôi thấy cô chủ như không quan tâm gì tới hòan cảnh của tôi. Nhưng tôi vẫn phải nén lòng làm việc, chờ tới chiều cô trả lương. Có tiền lương, tôi đạp xe như bay về thăm bố.
Về tới bệnh viện, tôi sững người vì bố mê man bất tỉnh. Tôi ôm bố, khóc nức nở. Tôi như thấy đôi tay  ấm của bố đang vỗ nhẹ lên vai mình. Đấy là tôi cảm nhận thôi, bố tôi đang mê man có biết gì đâu. Đã ba ngày bố vẫn chưa tỉnh. Tôi không rời bố một bước. Hàng xóm lần lượt lên thăm bố tôi. Nhưng các anh chị con bà mẹ cả chẳng ai tới thăm bố. Tôi vô cùng ấm ức. Sang ngày thứ tư, bố tôi chợt tỉnh. Khi ấy, tôi mới nhìn thấy mấy anh chị đủng đỉnh vào viện. Nhìn dáng vẻ của họ, tôi như phát điên. Tôi đóng sầm cánh cửa phòng bệnh, chạy vào ôm chầm  bố,  khóc không ra tiếng. Mấy anh chị nhìn nhau thở dài trong tiếng nấc của tôi.
Kể từ ngày về quờ sống cùng các anh chị, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy các anh chị quan tâm đến bố. Tuần sau, bố tôi khoẻ và ra viện. Chị gái lớn mang sang  con gà mái đang đẻ, đề mẹ tôi nuôi lấy trứng cho bố ăn dần. Chị gái thứ ba lấy chồng ở xa, mỗi khi đi chợ về thường mua cho bố tôi tấm bánh. Anh trai ở gần, bê bát cháo, bát mỳ chăm sóc bố. Thấy cảnh ấy, tôi chạnh lòng cảm động. Tôi nhớ lời mẹ tôi dạy Anh em không thể bỏ nhau!. Nhưng tôi vẫn như thấy anh chị  với chúng tôi chỉ bằng mặt, mà chưa bằng lòng. Tuy vậy, tôi thấy bố tôi vui hơn. Tôi  nói đùa với bố mẹ Thôi, thế là phim kết thúc có hậu rồi!.
 Hai năm sau, tai hoạ lại đến với gia đình tôi. Bố tôi bị tai biến mạch máu não. Một mạch máu trong não bố tôi bị đứt vỡ. Mười ngày liền bố nằm mê man không tỉnh. Hơi thở của bố rất yếu. Đêm đêm, tôi tỉnh dậy vài lần cho bố ăn. Vài thìa cháo nhọc nhằn và bao hy vọng. Chị gái tôi nói Chị em mình phải  bình tĩnh lường trước, nếu bố phải đi xa!. Nghe chị gái nói, tôi buồn phát khóc. Nhưng tôi không dám khóc to, sợ  bố biết, bố buồn thêm.
Mười ngày sau, bố tôi tỉnh lại. Tôi vui mừng ôm bố. Bố có nhận ra con không? Bố gật đầu, không nói. Tôi phát hiện  nửa  người bố tôi đã bị liệt. Tôi hiểu, nay bố chỉ còn trái tim đập yếu ớt, đầu óc lúc tỉnh lúc mờ. Tôi đã mất những lời khuyên của bố.
Tôi nhớ, trước kia mỗi lần về thăm nhà, vừa bước vào đầu sân chào bố mẹ, bố tôi chạy ra đón và bảo Mẹ kìa, con nghé con của nhà ta đã về. Một cảm giác hạnh phúc ấm lòng sau những lạnh giá tôi nếm trải ngoài xã hội. Tôi nhớ chuyện bố kể những ngày bố còn nhỏ. Mới tròn hai  tuổi, bố đã phải theo bà nội đi làm thuê. Bố còn nhớ mãi buổi sáng mùa hoa gạo nở đỏ sân đình, bố theo bà nội ra chợ huyện. Bà nội dặn bố ngồi đợi bà. Những tia nắng đầu tiên sau những ngày mưa dầm lê thê, làm bố cười hớn hở. Nhưng rồi bố mòn mỏi đợi, mà bà nội đi mãi không về. Cái bụng đang dần teo lại vì đói. Bố kêu gào gọi Mẹ oi !. Quá trưa, tiếng khóc của bố  khàn dặc. Một người đàn bà đến đưa cho bố miếng bánh đúc và bế bố vào nhà. Bố vẫn thảm thiết gọi mẹ. Từ
ngày ấy, bố sống đời con nuôi và không còn biết tin tức gì của bố mẹ đẻ mình nữa.
Bảy năm sau, bà mẹ nuôi của bố sinh được cậu con trai đầu lòng. Ngày  chào đời, cậu không biết khóc. Cả nhà làm mọi cách, mà cậu vẫn không khóc. Theo tục cổ quê tôi, mọi người gọi bố tụi vào đấm đá thật đau để bố tôi khóc, mong cậu khóc theo. Quả thật, khi ấy cậu mới cất tiếng khóc đầu tiên. Bố tôi thương cậu lắm. Hàng ngày, bố quét sân nhà, giặt quần áo để mẹ nuôi yên tâm chăm sóc cậu. Lòng tủi thân của bố đã trỗi dậy, khi nhìn cậu em được bố mẹ yêu chiều. Mỗi lần ra làm đồng, bố thường nhìn về hướng mặt trời gọi tên bố mẹ.
Năm tháng ấy, chiến tranh liên miên. Cả làng sơ tán tản cư hết. Bố mẹ nuôi dặn bố ở lại nhà trông nom vườn tược. Giặc đến làng đốt phá, bắt trâu bò lợn gà. Bố còn ít tuổi, sợ quá chui vào ngâm mình trong bể nước. Đêm xuống, giặc rút khỏi làng, bố mới dám ra ngoài đồng bắt con cua con ốc về ăn. Ngẫm thấy đời mình chẳng có gì luyến tiếc, có khi ý nghĩ bất cần chợt đến, bố muốn nhảy ra khỏi bể nước, chạy cuồng khắp làng cho giặc Tây bắn chết. Hơn tháng sau, giặc rút khỏi, làng xóm mới lục đục kéo về. Gặp lại bố mẹ nuôi và cậu em, bố tôi mừng khôn xiết. Năm mười bảy tuổi, bố làm đơn tình nguyện đi bộ đội và luôn tâm niệm một điều sẽ tìm lại được bố mẹ và gia đình mình.
Năm ba mươi tuổi, một lần bố gặp người phụ nữ cảm giác tình thân, đã làm bố hy vọng gặp lại người thân.
Bây giờ, bố tôi bảy mươi hai tuổi...
8 năm 2006