Trang chủ » Truyện

TẠ TỘI VỚI TÌNH YÊU và SINH NHẬT KHÔNG CÓ BÁNH GA-TÔ

Khiếu Quang Bảo
Thứ bẩy ngày 20 tháng 8 năm 2011 10:24 PM
 
TẠ TỘI VỚI TÌNH YÊU
Truyện ngắn
       Sáng nay, Tòa án nhân dân thành phố mở phiên xử sơ thẩm vụ án giết người gây tranh cãi trong dư luận hơn tháng qua, một cô gái trẻ đang là sinh viên của một trường đại học, giết người tình là một doanh nhân trẻ, ngay trên chiếc xe hơi đắt tiền của anh ta, hung khí giết người lại chỉ bằng một chiếc kẹp tóc, trên người nạn nhân không một vết sây sát bầm tím, không một giọt máu chảy, mà thủ phạm lại không trốn chạy, ôm nạn nhân trong lòng, hoảng hốt gọi điện cho cảnh sát báo án. Một vụ án giết người hy hữu.
      Đó là một đêm hè. Hồi 0 giờ. Ở một con phố vắng gần công viên. Khi cảnh sát đến hiện trường, cô gái vẫn ôm nạn nhân, một tay còn cầm chiếc điện thoại đi động, tay kia vẫn cầm chiếc kẹp tóc – chiếc kẹp ngôi. Sợ hãi và bối rối, cô gái líu lưỡi nói không nên lời “- Cháu, cháu không giết anh ấy!”
      Nạn nhân nằm thượt dưới sàn xe hàng ghế sau. Nửa thân trên gác lên đùi cô gái. Áo vẫn mặc mở hai khuy cổ. Quần thì tụt tới đầu gối, để lộ khoảng bụng và đùi. Dưới ánh đèn pin, thấy ở đó chất lỏng ánh như dầu pa-ra-phin. Cô gái ngồi chịn trong khoảng sàn xe chật hẹp đỡ nạn nhân. Váy cuộn lên. Cho tới khi đó cô mới giật mình kéo váy xuống và lấy chiếc mùi – soa phủ lên háng nạn nhân. Cảnh sát đưa ngón tay kiểm tra mũi, ấn ngón tay vào động mạch chủ ở bên cổ, rồi lùa tay vào ngực trái nạn nhân. Người cảnh sát đó lắc đầu thất vọng, nhìn các cộng sự:
      - Ngừng tim. Chừng nửa giờ trước!
      Cô gái hoảng hốt, dưới cặp kính cận, nước mắt trào ra: “- Cháu không giết anh ấy. Hãy tin cháu. Cháu chỉ…”      
      Cô gái gây nên án mạng tên là Ma Thị Yến. Hai mươi mốt tuổi. Sinh viên năm thứ ba một trường đại học ở  Hà Nội. Chàng trai nạn nhân của vụ án tên là Hoàng Trường Thịnh. Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân.  
      Chuyện là thế này. Một buổi sáng cách nay ba năm. Cô gái có tên Ma Thị Yến đó đứng chờ xe ở đoạn đường phía nam thị xã Hòa Bình. Một chiếc xe con màu đen hiệu Lexus từ từ dừng lại bên mé đường cô gái đang đứng. Kính xe hạ xuống. Một gương mặt quen ló ra cùng một giọng nói quen: “-    Yến à?”. Ngạc nhiên, rồi cô nhận ra, là anh Trường Thịnh – khách quen của nhà hàng thịt thú rừng Hoa Cỏ. Cửa xe mở. Trường Thịnh xuống xe: “- Yến đi đâu?” “- Em về Hà Nội nhập học”. Anh mời cô lên xe cùng đi với một chút ngỡ ngàng. Người lái xe giúp cô đưa va li vào cốp. Xe chạy. Cô và anh cùng ngồi hàng ghế sau. Anh nhìn cô như một câu hỏi. Cô bẽn lẽn cười, giải thích: Cô thi và trúng tuyển vào một trường đại học. Trong khi chờ nhập học, cô xin vào làm ở nhà hàng Hoa Cỏ ít tháng. Mong có một số tiền bớt nỗi lo toan của mẹ chạy vạy cho cô ăn học. Anh nói rằng anh cảm động về sự hiếu học của cô. Anh đã từng trải qua.
      Một lúc sau, anh nói rằng, trong những lần gặp cô ở nhà hàng Hoa Cỏ, thấy cô phục vụ bàn, nhìn dáng hình và cung cách của cô, anh đã biết ngay là, nơi đây không phải là nơi cô mưu sinh suốt đời. Vì sao ư? Anh cười. Dùng ngón tay chỏ vẽ vào khoảng không trước mặt một vòng tròn hình e-líp dọc (ý là gương mặt trái soan). Rồi, anh khoanh hai vòng tròn nhỏ vào nửa trên hình e-lip đó (có lẽ là đôi mắt kính). Rồi, anh chấm hai chấm vào hai bên của nửa dưới (chắc là đôi má lúm đồng tiền). Cuối cùng, anh vẽ phía trên cùng vòng hình e-lip đó hình một quyển sách mở. Anh nhìn cô mỉm cười. Rồi đột ngột anh khoắng nhanh hình một trái tim với một dấu chấm than ở nơi cuống con tim đó. Đến lần cô bật cười. Cô hiểu. Đôi má đỏ dựng vì ngượng. Được khen bằng thứ ngôn ngữ của người câm. Anh nói, anh từng học ở trường câm điếc Xã Đàn mà. Tin không? Cô gật đầu.
      Dọc đường, anh chuyện với cô những điều không quan trọng. Như để cô tự tin khởi đầu cuộc sống xa nhà. Còn cô, cô nhận sự gúp đỡ của anh đưa cô về Hà Nội, là vì, qua những lần anh lên nhà hàng Hoa Cỏ, với các đối tác làm ăn hoặc một mình, cô cảm nhận thấy anh là một chàng trai khả tín. Anh không giống những người đàn ông khác. Từ cái cách anh gọi người phục vụ, cái cách anh uống, anh ăn, đến cái cách anh nói đều đúng mực. Không buông tuồng, chớt nhả. Anh đã có lần xin lỗi cô về những lời nói lả lơi của bạn bè anh.
      Xe anh đưa Ma Yến về tới trường lúc hai giờ chiều. Chờ cô liên hệ, kí túc xá hết chỗ. Gương mặt cô buồn lặng, bối rối. Anh bấm điện thoại gọi đi đâu đó. Xong, anh cười vui vẻ: “- Có chỗ rồi. Nhà trọ của người quen. Em sẽ ở chung với một sinh viên nữa.” Ma Yến lưỡng lự. Anh khoát tay: “- Gía rẻ. Đừng lo! Lên xe nào!”
      Nhà trọ anh liên hệ thuê cho Ma Yến cách xa trường cô học ba cây số. Nhưng tiện một tuyến xe buýt. Phòng trọ khép kín cho hai người. Bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh đủ dùng cho số người của năm phòng trọ nơi đó. Chị chủ nhà, nói theo cách của mẹ cô, là một phụ nữ “mỏng mày hay hạt”, tiếp nhận cô cởi mở và thân thiện. Lòng cô dịu lắng. Anh chia tay cô. Đưa cho cô một số máy điện thoại cầm tay: “- Khó khăn gì phôn cho anh. Hãy tạm thế đi!” Cô khẽ khàng cảm ơn anh.
      Người ở cùng phòng trọ với Ma Yến là một cô sinh viên cũng năm đầu ở một trường đại học khác. Quê Tuyên Quang. Tính tình dễ sống. Những cô gái tỉnh lẻ về Hà Nội thường trong trẻo đáng yêu. Hôm sau, chị chủ nhà đưa cho Ma Yến một chiếc bếp gas du lịch, một chiếc quạt bàn sải cánh ba mươi phân, cười nói: “- Chị cho em mượn. Ban đầu khó khăn. Còn gì tính tiếp!” Chị vỗ vỗ vào vai cô, cử chỉ âu yếm: “- Cố lên!”
      Ma Yến thầm cảm ơn trời đất. Lần đầu xa nhà, sống ở Hà Nội lạ lẫm, mà cô gặp toàn người tốt, gặp toàn chuyện may. Tháng đầu qua đi, mọi việc suôn sẻ. “- Khéo ăn thì no khéo co thì ấm!” Hai cô gái thầm bảo nhau vậy. Chợ gần, mua gạo và thực phẩm nấu ăn chung, thuận hòa. Chị chủ nhà thỉnh thoảng lại hỏi: “- Ổn cả chứ hai em?” “- Vâng. Chúng em ổn ạ!”
      Rồi một hôm anh đến thăm cô vào ngày cuối tuần. Có lẽ đã cách xa hơn tháng. Anh mời Ma Yến và cô gái trọ cùng phòng đi ăn trưa. Anh tự lái xe. Hai cô gái ngồi hàng ghế dưới. Qua gương chiếu hậu, anh thấy cô gái kia giơ nắm tay chìa ngón tay cái uốn cong lên dứ trước mặt Ma Yến ra chỉ dấu “nâm-bơ oan”. Ma Yến vội kéo tay cô gái kia xuống. Với một cái nguýt.
      Bữa trưa ấy ở nhà hàng Dân Tộc Quán. Cơm niêu-cá kho tộ. Hai cô gái cùng lạ lẫm. Món ăn quen thuộc nơi vùng quê mà sao ở đây họ chế biến khéo thế. Cả nhà hàng âm vang tiếng đập niêu đất bốp bốp chát chát vui và độc đáo, để lộ ra thỏi cơm trắng tròn vo như trái dừa ngon mắt. Vừa ăn, lấy thức ăn cho hai cô gái, vừa hỏi chuyện học tập ở trường hơn tháng qua. Anh khuyên hai cô chăm chỉ học tập, học thật giỏi, hãy gác lại mọi chuyện ngoài việc học. Nói rồi anh hỏi: “- Làm được không nào?” Cười.
      Trở về phòng trọ, cô gái Tuyên Quang dúi đầu vào nách Ma Yến nức nở khen anh Trường Thịnh ga-lăng. Khoảng một tháng hoặc ngắn hơn chút anh mới đến thăm Ma Yến một lần. Để mời cô đi ăn ngày cuối tuần. Anh nói là bồi dưỡng để cô có sức duy trì việc học. Trên đường về nhà trọ anh thường đưa cô tạt vào cửa hàng gas mua cho cô ít bình dùng dần. Tạt vào cửa hàng thực phẩm mua cho cô ít thức ăn tươi sống gửi nhờ tủ lạnh nhà chị chủ. Cô đòi trả tiền. Anh ngăn. Cô khoe trong ví còn gần năm triệu tiền của cô và mẹ cho. Anh phì cười: “- Có đủ cho năm năm học không?”
      Bắt đầu cô nhận thấy lòng mình hơi lạ. Mong nhanh đến ngày anh tới. Rồi cô thấy có một chút nhớ. Một chút xốn xang. Một chút hoang mang. Một chút lo sợ. Bởi anh luôn giữ một khoảng cách đủ để yêu thương.
      Kết thúc năm học thứ nhất. Anh đưa cô về quê nghỉ hè. Thăm mẹ. Cô hỏi ý kiến anh, rằng cô muốn đến nhà hàng Hoa Cỏ làm thêm kiếm tiền đỡ cho mẹ. Anh gật đầu. Những tháng hè ấy gần như tuần nào anh cũng lên nhà hàng Hoa Cỏ thăm cô. Vậy là được gặp anh nhiều gấp mấy lần ở Hà Nội. Anh khen cô xinh hơn trước. Chững chạc hơn trước. Tự tin hơn trước. Đôi má lúm đồng tiền duyên hơn trước. Nhất là trong bộ đồng phục nâu đỏ nhà hàng Hoa Cỏ, vọi lên gương mặt trắng hồng mỏng căng điểm cặp kính trắng long lanh. Anh nói đùa rằng ai muốn tiếm đoạt hai cái lúm đồng tiền ấy, thì phải chinh phục cả một con người. Cô cười. Thực thế hay anh nịnh khéo?
      Hết hè, anh lại đưa cô trở lại Hà Nội vào năm học mới. Một năm học nữa lại qua đi trong sự quan tâm của anh. Anh tới thăm cô dày hơn. Mỗi lần gặp nhau anh cứ dặn đi dặn lại cái câu “Nỗ lực học. Gắng học giỏi. Anh đã dành cho em một công việc ở công ty anh. Nhớ chưa?” “- Vâng. Em nhớ!”
      Một hè nữa. Cô lại xin anh để cô làm việc ở nhà hàng Hoa Cỏ. Anh vẫn gật đầu. Giống như hè năm trước. Ngày cuối tuần nào anh cũng lên nhà hàng Hoa Cỏ thăm. Hình như anh khuyến khích và đề cao tinh thần tự lập. Cô nghĩ vậy, vì trước khi nghỉ hè cô mới phát hiện ra tiền thuê phòng trọ phải là ba trăm ngàn đồng, mà chị chủ chỉ thu một trăm rưởi. Anh ngầm bù một nửa, dặn chị chủ không cho cô biết, để cô có niềm vui tự hào về ý chí vượt khó của mình. Thế cũng hay. Một dụng ý tốt. Nhưng cô cũng không để anh biết rằng cô đã biết. Để anh thanh thản.
      Cô gái Tuyên Quang trọ cùng phòng một lần xui Ma Yến sao không triệt để khai thác lòng tốt của anh. Cô mỉm cười, nói: “- Chính vì mình không làm như thế nên anh ấy mới quý mình đến thế!”
      Sang năm học thứ ba. Anh săn sóc cô nhiều hơn một chút. Ấy là cô cảm nhận được. Có lẽ anh muốn động viên cô nỗ lực học tập. Anh đợi. Và cô đã không phụ lòng anh. Thành tích học tập của cô rất xuất sắc.
      Một ngày cuối tuần, Hoàng Trường Thịnh đưa Ma Yến đi chơi như thường lệ. Lần này, anh đưa cô đi xa hơn một chút: Đầm Sen. Khung cảnh thoáng đãng. Không khí thơm hương. Dùng bữa xong, ra tới cửa, trời bỗng  ồ cơn mưa lạ. Hai người chạy vội ra xe. Một chút ướt. Trong xe, anh lấy khăn giấy nhẹ nhàng thấm những hạt nước vương trên mái tóc cô. Thấm những hạt nước còn đọng trên trán, trên má cô. Nhẹ nhàng và dịu êm. Cô ngoan ngoãn ngồi tận hưởng. Có một vài hạt nước còn vương xuống tận sâu nơi cái cổ trắng ngần và mịn màng. Anh mở một khuy áo. Lùa bàn tay mình thấm sâu xuống dưới. Hơn hai năm quen anh, đây là lần đầu tiên anh động chạm vào người cô. Và cũng là lần đầu tiên đời con gái cô để một người con trai xoa sâu vào người mình như thế. Anh, như một người anh, hay như một bạn trai? Cô cũng không biết nữa. Một chút xao động. Một chút hạnh phúc. Bất giác cô ngả vào anh, mường tượng anh sẽ đặt lên môi cô một nụ hôn. Nhưng anh đã không làm thế. Anh gỡ cặp kính khỏi mắt cô, gấp lại, gác lên bờ ghế. Anh áp má vào má cô, khẽ khàng day, cọ. Anh lại nhẹ nhàng vuốt từ mái tóc, xuống má, xuống cổ, bờ vai, chậm chạp như thể sợ cô đau. Toàn thân cô run lên. Lòng phấp phỏng. Rồi cái bàn tay mềm ấm áp ấy bất chợt xoa xuống ngực cô. Từ trái sang phải. Lại từ phải sang trái. Cô có cảm giác lồng ngực cô vồng lên, cao hơn. Cô lịm đi trong đê mê. Hình như có đôi ngón tay nhẹ vê nơi đầu vú. Cô rùng mình nấc lên. Xúc cảm đầu đời con gái hôm nay không giống bất cứ những gì cô từng nếm trải. Bỗng cô sực tỉnh, nắm chặt lấy cái bàn tay ấy. Cô lắp bắp: “- Đừng. Xin đừng làm thế! Anh làm em sợ!” Nói rồi, cô úp mặt vào ngực anh. Giấu, sợ anh đọc được cảm xúc cô. Anh sực tỉnh. Rút vội tay và kéo thân cô áp sát người mình: “- Anh xin lỗi. Anh thiếu kiềm chế!”. Chờ cho tĩnh lặng trở lại, anh sửa lại mái tóc cô, cài lại khuy áo cô, anh chạm môi vào vành tai cô nói nhỏ: “- Ta về nhé.?” Cô gật đầu. Anh đỡ cô lên ghế trên ngồi bên tay lái.
      Sự việc ấy khiến cô mất một tuần nôn nao. Vừa sung sướng vừa lo sợ. Rồi anh vẫn đến thăm cô như thường lệ. Như không có gì xẩy ra. Mà cũng không ai nhắc lại. Nhưng cả anh và cô cùng nhận thấy gần gặn nhau hơn. Như đã vượt qua bức tường ngăn cách vô hình. Rất lâu sau, bên nhau, trong xe, anh có đôi lần thiếu kiềm chế như thế. Cả đôi lần ấy cô thuận ý anh. Thả mình trong vòng tay anh. Không trách anh. Nhưng anh đã không làm gì nhiều hơn lần đầu tiên. Chính vì thế cô càng tin ở nơi anh. Cô nhận ra tình yêu thật đẹp và lạ lùng.
      Lại sắp đến kỳ nghỉ hè. Cô sẽ lại được anh đưa về quê. Cô đã quen và không còn mặc cảm xa lạ. Hôm ấy là sinh nhật cô. Bây giờ cô mới cho anh biết. Anh mời cô ăn tối ở một nhà hàng vườn. Thanh bình và ấm cúng. Có bánh ga-tô, thổi nến, rượu vang. Cụng ly. Một ly nữa. Rồi một ly nữa. Lần đầu tiên cô có một lễ mừng sinh nhật với một chàng trai duy nhất. Cô muốn kéo cuộc vui dài thêm. Anh ngăn. Lên xe. Đến một phố nhỏ gần công viên. Cô bảo anh dừng xe. Để ngắm, ngắm người ta đang yêu nhau trên những ghế đá. Anh đưa cô xuống hàng ghế dưới. Cô nhìn anh, hỏi: “- Hình như anh chưa một lần nói lời yêu. Phải không?” Anh lặng im. Như định nói. Lại thôi. Phảng phất buồn. Anh bế cô lên lòng. Đặt đôi môi mình lên đôi môi cô. Anh hôn, hôn xoắn xuýt. Môi chà xát môi. Tốc độ mỗi lúc một tăng. Cứ như sợ tuột mất. Cô ghì chặt lấy đầu anh. Nồng nàn như lên cơn sốt. Tinh thần như u mê. Cô có cảm giác váy mình lật lên. Một bàn tay mịn ấm miết ngược theo mé trong đùi. Cô lại thấy như mình được đặt nằm dài trên ghế. Rồi cô lại nhận thấy anh đang ở trên người cô. Hai tay anh trên ngực cô. Đôi môi anh dán chặt vào môi cô. Ngỡ nghẹt thở. Và lạ lùng, có một vật cưng cứng gì đó nóng hổi lăn trượt nơi bụng dưới cô. Toàn thân cô tê dại. Cô linh cảm có chuyện lớn xảy ra. Bỗng cô sực nhớ tới chiếc kim băng và lời mẹ dặn. Phòng khi gặp hoàn cảnh này hãy lấy kim băng đâm vào cái vật cưng cứng ấy. Cô lần cạp váy không thấy kim băng. Cô đưa tay lên đầu lấy chiếc cặp tóc. Cô nhanh chóng luồn tay trái xuống phía dưới nắm chặt cái vật cưng cứng đó. Vặn bóp. Cô hoảng hốt nhận thấy cái vật cưng cứng ấy dội lên phóng ra một dòng nước ấm quánh sít. Hơi thở anh gấp gáp phả vào mặt cô nóng hổi. Cô bóp chặt nó hơn, và luồn tay kia đưa chiếc cặp tóc chọc một nhát vào cái vật cưng cứng. Cô bừng tỉnh nghe tiếng anh ư ứ rú, cựa quậy, rồi ngất xỉu. Không hiểu ra sao nữa. Cô đẩy anh ra khỏi người mình, tụt xuống sàn. Cô trượt theo xuống sàn, kéo anh nằm trong lòng mình. Tim anh đã ngừng đập. Ôi. Anh chết rồi sao? Cô để nguyên hiện trường. Người ta sẽ khép cô tội giết người. Cô gọi điện thoại tự báo án. Ôm anh đợi chờ cảnh sát đến. Cô tìm kính đeo lên mắt. Qua ánh đèn đường, nhìn gương mặt anh thảnh thơi mãn nguyện đang nhìn cô, mà ứa nước mắt. Cô vuốt mắt để anh nhắm ngủ. Thuận tay lần vuốt xuống dưới bụng anh. Giờ thì cô nhận ra cái vật cưng cứng ấy, vẫn cứng nguyên, là thứ dính liền người anh. Cô chẳng biết gì cả. Một cô gái ở tuổi hai mươi mốt lại có thể đần dốt đến thế.
      Đó là tất cả những gì Ma Thị Yến đã khai với cơ quan cảnh sát điều tra, kể từ ngày vụ án được khởi tố. Và trong gần ba năm về mối quan hệ giữa cô và Hoàng Trường Thịnh, mà cuối cùng là vụ án mạng vào đêm khuya ngày mồng 6 tháng 5.
      Cán bộ điều tra hỏi Yến:
      - Khi mẹ dặn luôn mang bên mình một chiếc kim băng, và khi cần phải hành động như thế, sao cô không hỏi lý do?
      - Cháu có hỏi. Nhưng mẹ bảo lấy chồng sẽ hiểu. Cứ làm thế. Không, nó sẽ làm hại cả đời con đấy!
      Hai cán bộ điều tra nhìn nhau. Tới giờ, cô vẫn trong trẻo và thuần khiết đến lạ lùng. Họ đã về Hòa Bình nơi mẹ cô cư trú. Được tin, bà khóc, khóc nghẹn ngắc không thành tiếng. Đắn đo mãi, bà mới mở lời. Bà đã bị một kẻ cưỡng dâm vào năm đầu bà tốt nghiệp trường sư phạm lên đây công tác. Mang thai. Bà để. Và sinh một con gái. Đó là Ma Thị Yến. Yến lớn lên xinh xẻo. Thông minh và học giỏi. Bà giữ lại chức quyền cho kẻ  đã hại đời bà mà không tố cáo. Nghe, cán bộ điều tra cũng phải nghẹn ngào. Bà quyết định nuôi dạy con gái theo truyền thống sư phạm, khép kín quan hệ. Không truyền thụ kỹ năng sống, không giáo dục giới tính. Bà không để con gái biết chuyện. Nó sẽ mặc cảm. Xin cán bộ điều tra lưu ý. Năm nó về Hà Nội nhập học. Mừng vui xen lo lắng. May thay nó gặp một bạn trai tốt Trường Thịnh. Bà đã gặp anh, thấy yên lòng. Bà lại khóc, không ngờ có hậu quả này.
      Ngày trước, người ta có truyền tụng nhau chuyện, con gái khi về nhà chồng, người mẹ thường dặn dò con gái luôn phải giấu trên gối một chiếc kim băng phòng khi chồng gặp “phạm phòng” ngất xỉu trên bụng vợ. Đừng sợ hãi mà đẩy chồng ra. Chết luôn. Hãy lấy kim băng đâm vào nơi xương cùng dưới xống lưng chồng, rồi mới từ từ nâng chồng ra khỏi người mình. Nhưng đó là chuyện của ngày mai. Trước mắt, bà dạy cho con gái dùng chiếc kim băng đề phòng tai họa như nó đã gieo cho bà…
      Cảnh sát điều tra lại hỏi Yến:
      - Cô có bao giờ nghĩ Trường Thịnh đã có vợ không?
      - Không. Có chuyện đó sao chú?- cô sửng sốt.
      - Hỏi vậy thôi.
      Cán bộ điều tra cũng đã đến báo tin và lấy khẩu cung vợ Trường Thịnh. Chị khóc. Chị buồn. Nhưng chị phủ nhận kết luận Ma Thị Yến giết chồng chị. Được thông báo lời khai của Ma Thị Yến, xem ảnh cô, chị khen Yến xinh và trong trẻo quá, thơ ngây và đáng yêu quá. Chị còn thấy vậy huống chi anh. Cũng không thể trách anh. Chị hơn Yến mười tuổi. Kinh nghiệm sống cho chị hiểu ra nhiều điều tưởng như không thể mà lại có thể. Chị sụt sùi khóc, nhận một phần lỗi. Sao chị lại có lỗi? Hồi còn là sinh viên, bằng tuổi Yến bây giờ, chị đã mắc một sai lầm ân hận suốt đời. Khi ấy Phạm Trường Thịnh yêu một bạn gái cùng khoa cùng khóa. Chị cũng yêu anh, muốn giành giật anh, chị đã tạo ra một cơ hội để anh ngủ với chị. Chị mang thai. Và anh đã phải cưới chị. Nhưng bi kịch không ai lường trước, người bạn gái anh đã bỏ học bỏ nhà đi mất tích. Giờ, vẫn không hay tin.
      Cán bộ điều tra lại thêm một lần bất ngờ. Chị trung thực và nhân hậu quá. Độ lượng và nhân văn quá.
      Trở lại nơi công đường. Sau nửa giờ tranh tụng, các cơ quan tố tụng hướng tới một kết luận, Ma Thị Yến không giết người, nhưng cô là nguyên nhân gây nên cái chết của Hoàng Trường Thịnh. Thật bất ngờ, đúng cái lúc bồi thẩm đoàn có thể nghị án, thì vợ nạn nhân, xin bãi nại cho Ma Thị Yến. Chị khẳng định Yến vô tội. Chồng chị đã chết trong sung sướng và hạnh phúc. Hãy để anh ấy ra đi thanh thản. Mặc dù với chị là một nỗi đau lớn.
      Bây giờ Ma Thị Yến mới biết Hoàng Trường Thịnh đã có vợ. Một phụ nữ rất đẹp, trí thức. Cô ôm lấy mẹ òa khóc, kéo mẹ lại nơi vợ Trường Thịnh đứng, nhưng không thấy chị. Có người nói chị đã khóc, tay dắt một đứa trẻ bỏ đi khoảng năm phút rồi. Ma Thị Yến quỳ xuống nơi chị đã đứng, hôn xuống mặt sàn, chắp tay hướng ra sảnh tòa án nơi chị ra đi: “- Em xin tạ tội với anh. Tạ tội với chị. Tạ tội với tình yêu của em!” Rồi cô ngất xỉu.
      Vụ án khép lại. Nhưng với hai cán bộ điều tra trẻ trong vụ án thì chưa. Còn day dứt. Đã kiểm tra pháp y: Ma Thị Yến vẫn còn trinh trắng. Chiếc kẹp tóc không có độc. Vậy Hoàng Trường Thịnh tử vong vì cái gì? Một tai nạn tình yêu ư?
 

SINH NHẬT KHÔNG CÓ BÁNH GA-TÔ
Truyện ngắn
      
Qùy trước ban thờ Đức thánh Phạm, có một người đàn bà chắp hai bàn tay ở giữa găm ba thẻ hương đang bén lửa cùng với chiếc điện thoại di động, tay vái xì sụp miệng tụng cầu liên hồi đắm mình trong khói hương nghi ngút, xin Đức thánh chỉ đường dẫn lối cho cái thằng cha nguyên là chồng bà tên là Thắng, sớm mở mắt sáng dạ tu tỉnh nhận ra đường về với gia đình. Không nghe, xin Đức thánh trừng phạt hắn cho con. Chẳng lẽ đến cuối đời hắn vẫn cứ nhăng nhít trăng hoa theo đuổi đàn bà không biết chán sao? Kỳ lạ thay, đúng cái lúc thốt ra từ cuối cùng, thì chiếc điện thoại trong tay bà đổ chuông. Bà chẳng kịp xem số máy của ai gọi, nhấn phím nhận cuộc gọi và áp máy vào tai:
       - Vâng…vâng…Trời ơi! Vâng…Thế ư? Rồi. Tôi lên ngay…Nhớ rồi…Bệnh viện huyện Hòa Hưng tỉnh Hòa Bình. Vâng vâng…
       “Rõ là trời phạt. Mà sao hắn lại lên tận Hòa Bình cơ chứ?” Bà vội vã rời khỏi ngôi đền, vừa đi vừa điện thoại cho con gái thuê ngay một chiếc xe mười lăm chỗ ngồi đi Hòa Bình. “Còn ai nữa? Rước cái thằng bố mày bị tông xe máy gãy tan xương chân ở dốc Cang đang sơ cứu ở bệnh viện Hòa Hưng.Ừ…Chắc thế…Một con Mán Mường nào đấy!”
       Trên chuyến xe đi đón người đàn ông mà bà luôn miệng nguyền rủa ấy có con trai bà, con gái bà, và một bà bạn thân của bà. Dọc đường đi, con gái bà than vãn:
       - Nhiều khi con thấy mẹ làm sao ấy. Đã bỏ nhau rồi. Mẹ kệ xác ông ta.
       - Ông ta là bố của chúng mày. Bà quát lên.
       Bà bạn của bà nói:
       - Các cháu có biết không? Đi lễ ở đâu mẹ các cháu cũng cầu xin cho bố các cháu tu tỉnh nhận biết đường sáng quay về.
       Anh con trai cười tuế tóa:
       - Lời cầu xin nay đã linh nghiệm.
       Người đàn ông ấy bị băng kín mặt chỉ hở hai con mắt, mồm và mũi. Bắp đùi phải băng vì dập nát phần mềm. Cả cái chân trái băng suốt theo hai cái nẹp gỗ cố định xương ống chân và xương đùi bị vỡ. Bác sĩ bệnh viện Hòa Hưng dặn phải chuyển viện nhanh xử lý ngay kẻo nhiễm trùng hoại tử.
       Xe khách chứ không phải xe chuyên dùng cứu thương, nên người đàn ông ấy được đặt nằm hết cả năm chiếc ghế ở hàng ghế thứ hai. Đường miền núi ngoằn ngoèo và xóc, làm người bị thương đau đớn. Ông rên hừ hừ. Có thể vết thương tấy sốt. Đã vậy người đàn bà ngồi cạnh giữ ông luôn miệng cật vấn: “Ông chán Kinh rồi sao mà lùng sục lên tận vùng sơn cước với mấy con Mán Mường?” “Đã bao lâu rồi? Hả? Tiền bạc tỷ không đi ô tô mà lại đi xe máy. Dại gái nó moi hết rồi sao?” “Mà sao khi gặp nạn ông lại gọi cho tôi?”
       Người đàn ông chỉ còn biết rên, không nói được.
       Con gái bà càu nhàu: “Thôi đi mẹ! Hỏi sau”.
       Xe về tới bệnh viện thành phố vào lúc một giờ chiều. Ngày chủ nhật  nhiều ca tai nạn giao thông quá, bệnh nhân chờ khám đông chật như nêm. Chờ lâu, e chân ông nhiễm trùng hoại tử mất. Với chiếc điện thoại bà đôn đáo tìm bạn bè tư vấn và cuối cùng bà nhờ được một người quen giới thiệu đưa ông tới bệnh viện Đại học Y.
       Bốn tiếng đồng hồ mới đủ thời gian cho kíp mổ xử lý các vết thương, mổ và đóng đinh nẹp cố định xương ống chân và xương đùi chân trái. Bốn giờ ấy với bà dài tựa bốn ngày. Bà bồn chồn đi đi lại lại dọc hành lang phòng mổ. Miệng thì lẩm bẩm gì đó. Thỉnh thoảng, bà dừng trước cửa phòng mổ kiễng chân ngó qua ô kính với tâm trạng nôn nóng. Mỏi chân, bà ngồi nghỉ tạm trên hàng ghế nhựa kê sẵn dọc hành lang. Lại lấy chiếc điện thoại của ông ra mày mò trên bàn phím kiểm soát nhật ký điện thoại về các cuộc gọi nhỡ, gọi đi, đã nhận và tin nhắn. Hình như những thông tin ấy không giúp được gì. Đúng cái lúc bà bực mình tắt máy thì nhạc chuông reo một khúc nhạc sến. Bà giật mình. Liếc nhanh màn hình thấy số mã vùng tỉnh Hòa Bình. Bà áp máy vào tai nghe được vài từ gì đó đã vội quát lên: “Chết rồi! Con đĩ!” và giận dữ tắt máy. Nhạc chuông lại rền rĩ. Bà không nghe. Tiếp tục réo rắt. Con gái giục bà nghe. Bà nghe, và gương mặt ớ ra:
       - Dạ. Đúng rồi…Tôi xin lỗi. Ông ấy đang phẫu thuật…Vâng…Kịp ạ. Cảm ơn bác sĩ. Tôi cứ tưởng…
       Cúp máy, bà thanh minh với mọi người, là tưởng cái con Mường Mán gọi cho ông. Hóa ra là chị bác sĩ bệnh viện Hòa Hưng. Ngượng chết đi được.
       Con gái bà tru tréo:
       - Mẹ thật khó hiểu. Bố đã không còn là của mẹ nữa hơn chục năm. Bố…
       - Im ngay! Tao giữ là giữ cho chúng mày. Bố chúng mày dại gái như một đứa con nít. Mà con nít bây giờ chúng còn khôn hơn.
       Nhận được tin dữ mấy người họ hàng bên ông cũng tới bệnh viện. Bà vẫn tiếp tục đi đi lại lại dọc hành lang. Tiếp tục lẩm bẩm. Con gái bà ngán ngẩm cầu xin mẹ:
       - Mẹ ngồi xuống ghế cho con nhờ. Mọi người chóng hết cả mặt đây này!
       Cửa phòng mổ bật mở. Bác sĩ mổ chính đi ra, lột chiếc khẩu trang, nói:
       - Đã qua nguy hiểm. Chậm nửa tiếng nữa là phải cưa chân. Thế này nhé. Một tuần cắt chỉ. Bốn tháng sau tháo đinh. Tập phục hồi chức năng trong sáu đến tám tháng. Chuẩn bị tinh thần phục vụ ông ấy. Không vội được đâu.                                    
       Bà bạn của bà chúc mừng lời nguyện cầu của bà đã thấu tận đất  tận trời.  
 Xô đẩy ông nhà về với gia đình. Ít nhất, hai, ba năm tới đây ông sẽ không đi đâu được nữa, luôn ở bên bà để bà nuôi báo cô.
       Chuyện của bà với ông là một liệt truyện. Mà người ngoài khó giải thích. Bạn bè bảo bà dở hơi, rất dở hơi.
       Cách đây gần hai chục năm, khi ấy, bà có nhà mặt phố bán hàng la-ghim. Ông lái xe vận tải hàng hóa ngày ngày tháng tháng rong ruổi trên mọi nẻo đường xuôi ngược. Bệnh trầm kha của anh lái xe là sống buông thả nay đây mai đó. Mỗi lần về thành phố ít ngày bị bà nổi ghen cằn nhằn to tiếng suốt. Và mỗi lần như thế ông mượn chén rượu đáp trả lại bà không kém phần quyết liệt, thậm chí bạo hành. Vào một lần như thế, có một người đàn ông qua đường thấy vậy vội vào can, khi chồng bà tay đang cầm chai rượu rượt đuổi bà tới sát bậu cửa ra vào mặt phố. Người đàn ông ôm lấy chồng bà, gỡ cái chai khỏi tay ông, ôn tồn cười nói:
       - Bớt giận đi, nào anh!
       Sau khi đặt chồng bà ngồi xuống chiếc ghế bành gỗ kê sát tường, người đàn ông qua đường rẽ ràng khuyên giải:
       - Anh nghe tôi đi. Chị ấy có lỗi gì hãy bình tĩnh phân tích, khuyên bảo. Tôi nghĩ, trong sự điều hòa về tình cảm, chị ấy sẽ dễ dàng nhận ra. Mà anh không phải nhọc lòng như thế này. Đúng không nào? Con cái thấy bố mẹ như thế sẽ vui, không còn lo lắng. Tôi chỉ là người qua đường…
       Không chờ người qua đường nói hết câu, bà gào lên:
       - Chồng con gì. Đồ vũ phu. Anh cứ đánh bỏ mẹ nó cho tôi!
       Nói rồi, bà xông vào người chồng tựa như một mất một còn. Ông bật đứng dậy vung nắm đấm lên. Đột ngột quá. Người đàn ông qua đường vội đứng vào giữa ngăn cuộc xô sát có thể đổ máu. Diễn biến xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Không biết ai đã đánh ai. Chỉ nghe chồng bà ối lên một tiếng và máu mũi trào ra. Thấy vậy bà sót, quay lại cùng chồng hợp sức đấm túi bụi vào người qua đường. Vừa đấm bà vừa la:
       - Sao mày lại đánh chồng tao thê thảm thế này?
       Rồi bà vội lấy bông trên tủ thuốc nút lỗ mũi cho ông.
       Người đàn ông qua đường ú ớ đứng đực ra, mặt đần thối như chàng  Đông-ky-sốt chẳng hiểu ra sao nữa. Bực, lại buồn cười. Anh ta cúi mình:
       - Tôi không đánh anh. Thật thế. Nhưng tôi thành thật xin lỗi. Chào. Tôi đi đây.
       Ba năm sau sự kiện ấy tình hình không thuyên giảm, những trận cãi cọ với những lời lẽ khó nghe ngày một gia tăng, rồi ông bà bỏ nhau cách nay mười lăm năm.
       Ông có căn hộ ở phía tây thành phố. Bà có căn hộ ở trung tâm thành phố. Con cái phương trưởng làm ăn khá giả. Tưởng ổn. Vậy mà không. Bà vẫn theo dõi ông về quan hệ với đàn bà. Bà thuê cả thám tử theo dõi. Thi thoảng lại “đòn” ông bằng tin nhắn. Các con bà luôn nhắc bà đừng điên khủng thế. Năm kia, thám tử báo cho bà biết ông cưới vợ. Một giáo viên sống độc thân. Nhan sắc thuộc trung bình khá. Cư trú ở nhà số 123/456 ngõ 323 phố H. phía nam thành phố. Bà lồng lên như nhai phải trái ớt pháo. Một cuốc taxi đưa bà tới tận cái số nhà 123/456 ngõ 323 phố H. Không dài dòng, bà nổ luôn cho bà giáo viên đó một trận như một người mất trí. Bà giáo  bỗng dưng bị tổn thương. Chẳng hiểu ra sao nữa. Bà giáo đã xem kỹ giấy ly hôn của ông. Cũng chính vì bà là nhà giáo mà bà đủ mực thước nói những lời mềm mỏng để khoanh câu chuyện lại. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Bà quyết định chia tay với ông để bảo toàn danh phẩm của mình.
       Biết chuyện mẹ hành xử sai trái với vợ mới của bố, các con họp nhau trách cứ bà. Bà khăng khăng nói rằng bà không lấy chồng thì ông cũng không được lấy vợ. Giận mẹ mà cũng thương mẹ. Thật đã hết thuốc chữa.
       Bà yêu ông tới mức khùng điên như một chứng bệnh? Hay đạo nghĩa vợ chồng từng có ở các thế hệ cha ông ta vốn thiêng liêng như một lời nguyền đeo bám suốt cuộc đời không thể gỡ bỏ dù cho sông cạn đá mòn?
       Chỉ khi ta nghĩ như thế mới giải thích được những việc bà làm. Thánh thần cùng trời cao đất dày đã đem ông về cho bà với cái thể xác băng bó đầy mình. Sau ba ngày nằm viện, bà đưa ông về không phải là về nhà ông mà là nhà bà ở trung tâm thành phố, trong sự ngạc nhiên của bạn bè bà đã đành, mà ngạc nhiên lớn hơn lại từ chính các con bà.
       Bà dành riêng một buồng ở tầng hai cho ông ở dưỡng thương. Còn bà ở một buồng tầng ba. Trong những ngày này sự chăm sóc bà dành cho ông có cái gì đó là lạ, tận tình đấy mà cũng hờ hững đấy, vừa thân thiết vừa xa lạ. Đã mười lăm năm không còn là vợ chồng nay gần gũi bên nhau thế này trong cùng một nhà, thì cảm giác ngượng ngập cũng là phải thôi, từ mùi mồ hôi đã không còn quen thuộc, đến những động chạm xác thịt khi bà giúp ông làm vệ sinh cá nhân.
       Một chục năm sống với nhau họ đã có với nhau ba mặt con, một gái hai trai. Được bốn năm đầu tạm gọi là êm ấm. Sau đó là những năm luôn xảy ra những cuộc cãi vã dai dẳng mà người ta cho là khắc khẩu…
       Bà thương ông, nhưng những lời nói của bà lại như những mũi dao đâm. Cơm dẻo canh ngọt cho ông, nhưng bà cũng đưa vào bữa ăn những lời mát mẻ dằn hắt từ chuyện cũ đến chuyện mới. Thỉnh thoảng đi đâu về lại đến bên giường ông bắt nọn “Cái con ở xứ Mường vừa gọi điện về đấy à?” “Đỡ rồi. Gọi điện bảo nó đón lên!” “Ông không thể qua mắt con này được đâu!” Đôi khi bà bình thản cầm chiếc búa đinh dứ vào chiếc chân bó bột “ Tôi mà tóm được là tôi đập vỡ tan cái nẹp chân cho nó về mo đấy!” Ông hoảng. Qúa hiểu cách nói cách hành xử bặm trợn của bà. Trong ba mươi sáu chước lúc này ông chọn chước lặng im, biết tội rồi. Không thể nói là bà hành ông cho bõ tức. Còn yêu ông, nên bà mới hớt hải đi cứu ông ngay khi nhận tin ông gặp nạn. Đó là cái cách biểu lộ tình yêu bạo hành của bà, giống như căn bệnh bạo dâm càng cắn cấu càng kích thích vui sướng.
       Vào một buổi sáng đi tập ở Bờ Hồ, bà bạn thân của bà lựa lời khuyên:
       - Khâm phục lòng độ lượng của bà đấy. Tôi, đã cho ăn xôi xéo rồi. Tội của ông nhà là không thể dung tha. Nhưng, nói đi cũng cần nói lại. Chia tay nhau mười năm ông ấy mới tái hôn với bà giáo viên ấy. Cũng phải lẽ thôi. Cưới xin đường hoàng. Bà cũng dở lắm cơ. Lại đi đánh ghen với người ta. Mà bà giáo viên ấy là người biết tự trọng. Bà ấy quyết định ly hôn với ông nhà mặc dù họ cưới nhau mới được sáu tháng, là vì bà giáo ấy nhận thấy bà còn muốn có ông. Cũng là để tránh rắc rối. Chẳng hay ho gì.
       Bà lặng im. Bà bạn bà nói tiếp:
       - Có lẽ đây là số trời. Cơ hội đưa ông trở về với bà. Cũng là để nương nhau lúc tuổi già. Bà nghĩ thế nào?
       - Tôi hận lão ta!
       - Đúng. Đáng ghét. Nhưng ông bà có ba đứa gái và trai. Dâu rể vào thành sáu. Lại thêm sáu cháu nội ngoại là thành mười hai. Mười hai sợi chỉ đỏ giàng buộc bà với ông…
       “Đã đành là thế. Để tôi nghĩ thêm”- Bà nói với bà bạn.
       Trên đường về nhà bà rẽ qua chợ mua cho ông hai lạng cốm vòng với vài quả chuối tiêu trứng cuốc. Lại rẽ vào cửa hàng điện thoại mua một sim-cạc. Nhìn ông ngồi trên chiếc sập gụ thả chiếc chân bó bột xuống sàn bóc quả chối trần vàng ươm chấm vào phong lá sen lùm lùm cốm xanh trong, ăn ngon lành, bà mỉm cười không nói, nhưng cặp mắt soi xét. Ông hỏi:
       - Bà nghĩ gì vậy?
       - Không nghĩ. Mà là bắt mạch.
       Khuya. Từ tầng ba, bà lắp sim điện thoại mới gọi xuống tầng hai cho ông. Bà bịt mũi nói để ông không nhận ra tiếng bà.
       - Anh Thắng à. Em Loan sơn cước đây. Anh khỏe chưa? Mà sao anh không gọi điện cho chị ấy, chị Oanh thương mong anh nhiều!
       - Thế ư? Anh bị ả theo dõi gắt gao quá. Khá rồi. Anh cũng nhớ lắm chứ!
       - Nhưng anh đang ở với ả ấy…
       - Ờ. Anh không muốn. Nhưng nó cứ lôi anh về biết làm sao. Hiểu cho anh. Hoàn cảnh…phải lụy thôi. Chờ khỏi anh sẽ bùng. Nói với Oanh thế.
       - Theo em, anh và Oanh nên có một đứa con.
       - Chuyện ấy tính sau. Anh cúp máy đây. Ả ấy đang xuống phòng anh. Chào Loan!
       - Đừng cúp máy! Loan Hà Nội đây chứ không phải là Loan sơn cước đâu – Bà đẩy cửa bước vào buồng ông, một tay nắm chiếc búa đinh, tay kia vẫn cầm điện thoại – Đồ tồi!
       Ông hoảng quá, rối rít xin bà đừng hiểu lầm. Ông giải thích là phải nói thế để lừa nó. Đồ đạc của ông, tiền của ông còn đang để ở trên đó. Chờ khi ông lên lấy lại đã…Bà nghe không lọt tai. Mơ hồ, giơ cao chiếc búa, nhằm vào cái chân ông đang bó bột. Bà hét lên “Đồ tồi!”. Ông co rúm người lại, nhưng cái chân nẹp cứ thẳng đuỗn chờ hứng chịu nhát búa của sự căm giận. Vậy mà cuối cùng, chiếc búa không giáng xuống, khựng lại, thả rơi xuống sàn nhà. Bà đổ sầm người vào người ông, khóc rống lên “Đời tôi sao khổ thế này?” Ông bàng hoàng ôm bà trong đôi tay mình. Áp mặt vào mái tóc bà “Tôi xin lỗi. Tôi sai rồi”, rồi vỗ vỗ nhẹ vào bả vai bà. Khi tình huống được đôn lên tới đỉnh điểm hoặc tận cùng của hoàn cảnh, lúc ấy bản chất của con người phát lộ lột bóc tất cả những gì ngụy tạo. Cả ông và bà cùng nhận ra ở nhau tình chồng vợ đâu đã cạn. Những gì quen thuộc trong cuộc sống vợ chồng trước đây bỗng thức dậy nôn nao và ân hận. Ông ôm bà trong lòng, bà thút thít trong vòng tay ông…
       Không đến một năm như bác sĩ tiên lượng, sáu tháng sau, bà bạn thân của bà đã thấy bà đẩy chiếc xe lăn đưa ông vượt qua đường Đinh Tiên Hoàng sang Bờ Hồ tập phục hồi chức năng. Bà xốc một bên nách, còn nách kia ông kẹp chiếc nạng, với sự hỗ trợ của bà, ông nhắp từng bước ngắn một. Buổi sáng mát lạnh mà lưng áo bà thấm ướt mồ hôi. Gương mặt ông cũng lấm tấm nước. Hễ gặp một ghế đá nào, bà đỡ ông ngồi nghỉ nơi chiếc ghế đá đó. Đưa ông tu vài ngụm nước giải khát chè xanh O độ. Dùng khăn giấy ướt thấm mồ hôi trên trán, trên mí mắt, trên má ông. Ông trở nên ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Và bà cũng không còn cằn nhằn chuyện xưa cũ nữa. Các con của ông bà mừng, ngọn lửa tình yêu của bố mẹ đã nhen nhóm trở lại.
       Đều đặn sáng nào cũng thế, ba tháng sau ông đã rời bà tự đi bằng hai chiếc nạng. Một tháng sau nữa ông rời cả hai chiếc nạng đi bằng đôi chân mình. Và lại một tháng sau nữa ông đi lại bình thường. Ông lên cầu Thê Húc giơ hai tay làm một động tác như vươn tới trời cao bay bổng. Người bác sĩ điều trị cho ông phải ngạc nhiên. Đánh giá công lao của bà rất lớn. Và cũng nhận xét về khả năng phục hồi của ông rất đáng kính nể.
       Đêm ấy vào khuya. Từ tầng hai ông lên cầu thang nhẹ nhàng như một con mèo mò đến tầng ba phòng bà. Ông đẩy cánh cửa khép hờ, tiến lại giường. Bà ngủ. Ông đặt lòng bàn tay lên má bà day day mà bà không biết. Cho tới khi bàn tay ông lần xuống cổ tới ngực bà bà mới giật mình. Một chút xao động. Bà giữ tay ông dừng lại ở đó. Rồi như sực tỉnh, bà nâng tay ông ra khỏi người mình:
       - Anh chưa khỏe hẳn đâu!
       - Rồi mà.
       Cương quyết hơn, bà ngồi dậy, đẩy nhẹ ông ra khỏi phòng mình:
       - Chờ ít ngày nữa đi anh!
       Nửa đêm hôm sau ông lại lên gác lần tới phòng bà. Cửa chốt trong.
       Sáng hôm sau bà đưa ông đi ăn phở gà ở chợ Hàng Bè. Trên đường về bà mua một số thực phẩm. Bà nói với ông:
       - Anh không nhớ ngày mai là sinh nhật anh sao?
       Ông giật mình. Ừ nhỉ. Ông cảm ơn bà. Trưa hôm sau các con cùng đến dự sinh nhật bố. Ông nhận thấy thiếu cái gì đó. Ông rút tiền bảo con dâu út vù xe ra Đường Thành mua chiếc bánh ga-tô. Bà xua tay ra hiệu dừng lại:
       - Anh nghĩ xem. Chiếc bánh phải cắm sáu chục cây nến tuổi anh thì còn đâu là bánh ăn. Mà anh lấy sức đâu mà thổi sáu mươi ngọn nến?
       Trong cái lí sự của bà có cái gì đó chua chát.
       Bà vừa cười vừa nói với ông và các con:
       - Mẹ đã nghĩ lại. Sáng mai anh cả thuê một chiếc taxi đưa bố trở lại Hòa Hưng Hòa Bình. Để bố về với cô Oanh cô Loan nào đó.
       Rồi bà hướng về ông:
       - Em xin lỗi anh về những gì em đã làm không phải với cô giáo vợ anh. Cả những gì không phải với anh. Em nhìn nhận lại rồi. Tình yêu không thể ép. Lại khi nó đã cạn. Mẹ quyết định thế, mong các con ủng hộ mẹ.
       Chúng lặng im. Ông thì bất ngờ, ngỡ ngàng:
       - Anh…
       - Đừng nói thêm gì cả. Sẽ mất hay – Bà chốt lại.
       Gặp lại bà ít ngày sau đó, bà bạn thân của bà không biết gì lại hỏi thăm sức khỏe ông thế nào rồi, bà tươi cười nói:
       - Đã thả bay về vùng sơn cước.
       Bà bạn thân của bà sau nữa nhận được tin bà đã ra nhập hội Đạo tràng Pháp hoa. Ở nơi đó người ta cảm thấy tĩnh tâm vô cùng vô tận.