Trang chủ » Truyện

NƯỚC MẮT ĐỎ

Đoàn Nhất Trí
Chủ nhật ngày 26 tháng 6 năm 2011 3:07 PM
Truyện ngắn

       Cơn lũ đã đi qua. Gã cật lực dọn dẹp túp lều và nơi ăn chốn ở tiếp tục, một cuộc sống mới.
       Tuy vậy, dấu vết kinh hoàng của trận lũ đi qua dẫu có dọn sạch mấy cũng không thể xoá hết. Những gì nó để lại làm quặn đau, dù là người vô tình nhất mỗi khi nhìn vào đấy. Rác rưởi chùm lên tất cả. Những vũng nước đặc sệt, đen có, đỏ có. Xác chết thối rữa khắp nơi , không gian sặc sụa mùi thối khẳm. Xương người, xương trâu, chó, lợn gà ... phơi trắng cả một vùngrộng lớn. Tưa tướp những thân cây gẫy đổ ngang thân. Ngổn ngang những cây cổ thụ bật gốc rễ nằm sóng xoài cản ngáng lối đi . Những cái cây sống sót qua ngày, ngắc ngoải, rũ rượi. Cổ nó còn đậm những ngấn bùn đỏ như những vết thòng lọng ai đó định siết bức tử. Từ cái ngấn đó trở xuống gốc, vỏ cây xám ngoét, thâm xì như màu thịt trâu chết rét. Vườn tược, đất đai, nơi thì bị xoáy nước khoét xuống, trồi sụt không biết đâu là đáy, nơi thì nước chảy cắt đôi thành vực sâu, hai bờ ngó sang nhau trông chừng chóng cả mặt.
       Gã vun vét nốt những hạt thóc cuối cùng ngâm lâu ngày trong nướcđã nẩy mầm, bục mủn, thâm xịt mới kịp hong khô, đổ vào cái lon gốm giã cua, lấy chày nhẹ nhàng chà sát, tách vỏ. Cũng còn được đến trên hai lon. Gã đổ tất vào nồi nấu lên thành cái thứ trông vừa giông giống cơm vừa giống cháo lại lẫn cả trấu; vừa có mùi cám lợn, ngai ngái khó chịu, lại vừa có mùi thơm thoáng qua của cơm cháo vô cùng hấp dẫn kẻ đang đói. Cũng chẳng sao. Kiểu cơm như thế đã có trong phần ba bữa ăn hàng ngày từ đời cha gã, giờ đến đời gã. Ở vùng đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này ngày càng nhiều thanh niên trai tráng thất học vì bần cùng phải dắt díu nhau đi đào vàng, xúc cát, tàn phá rừng, tận diệt muông thú hoang, hiếm...để sinh tồn. Riêng gã, cha mẹ chết sớm vì đói ăn, bệnh tật, bỏ lại gã một thân một mình trên đời từ khi mới mười bốn tuổi. Đói khát, cực nhọc không ngăn nổi sức lớn tiềm ẩn, tự nhiên của tuổi trẻ, để gã có thể trụ vững trước cuộc đời đói khổ, cực nhọc. Gã cũng giống như khúc gỗ lim bị người đời quăng quật không thương tiếc hết cánh rường này đến cánh rừng khác. Bước chân gã đi đến đâu, rừng trụi thui lủi đến đấy. Đất trở thành đất chết. Bây giờ rừng chỉ còn thưa thớt ở núi cao, vực sâu, những nơi thâm sơn cùng cốc. Mà ngay cả ở đấy, rừng cũng không hy vọng còn có thể là rừng được bao lâu nữa. Hàng vạn trai trẻ như gã đã vì kế sinh nhai mà trở thành sát thủ rừng. Tiếng thế nhưng cái câu “tiền rừng” đâu có đổ vào túi gã cùng bạn bè khố rách áo ôm của gã. Nghèo đói và thất học vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời họ.       
                 Ăn hết niêu cơm hẩm hiu có phần dư giả hơn thường ngày chỉ với vài hạt muối mà gã thấy ngon như được thưởng thức sơn hào hải vị. Cái đói cứ thường trực sau mỗi bữa ăn. Gã dự tính xem ngày mai phải làm gì để có cái đổ vào mồm tiếp. Lại vào rừng chặt củi, săn thú hoang chứ còn biết đi đâu, làm gì ở miền đất này. Rừng bây giờ đã lùi sâu lắm, xa lắm, tận những ngon núi đá cheo leo. Muốn đến được đấy phải dậy sớm từ hai ba giờ sáng. Trưa rặt tới nơi. Mải miết chặt cây, đặt bẫy, nửa đêm mới về tới nhà. Quả cây, củ rừng hay con cá lẹp khe suối tìm được sẽ là bữa ăn qua ngày. Tính toán thế, gã chui vào chiếc màn rách, vá chằng, vá đụp định ngủ. Nằm mãi vẫn không ngủ được. Ruột gan cứ nôn nao thế nào. Trời nóng nực khác lạ. Muỗi cứ hè chỗ màn hở chui vào đốt nhay nháy. Gã mơ hồ như nghe tận đâu đó, thật sâu trong lòng đất và văng vẳng từ xa xăm, một cái gì đó bất thường đang dịch chuyển, va chạm dữ dội làm tâm trí không yên. Nó như báo trước, một điều hệ trọng sẽ xẩy ra. Tức mình, gã ngồi phắt dậy, bỏ màn, vơ chiếc áo rách ẩm xình và hôi mù bước ra. Chiếc áo trở thành vũ khí chống trả những con muối cũng đói khát chẳng kém cứ lăn sả vào tấm lưng trần của gã mà loạn xị, xâu xé. Gã lẩm cẩm nghĩ, ngồi trên cái mỏm đá cao nhất trước nhà của vùng trung du sát miền núi này mà không có lấy một đọn gió phe phẩy thì chắc ở dưới kia phải nóng bức ngột ngạt lắm, ai mà chịu được. Ý gã nói dưới kia là vùng đồng bằng, vùng biển hay thành thi. Rõ là lo bò trắng răng. Gã tự ngẫm, lại mình nhe răng cười. Hàm răng trắng loá của gã phản chiếu tia sáng hiếm hoi của một ngôi sao đêm chợt hiện rồi chợt tắt. Lòng gã bồn chồn hơn khi ngước mắt lên trời thấy mây đem vần vũ, lúc tụ vào, khi lại tản ra, hối hả, cuồn cuộn như đang có trận chiến giữ dội trên không. Trăng sao biến hết cả. Bầu trời đen kịt, mây den, mây xám vần vũ chốc lại toé ra những tia chớp kinh người như tia lửa điện khổng lồ. Những đám mây ngũ sắc có rìa phản quang trông giống những bánh răng thép to nhỏ, cứ đun đẩy, lăn cuộn, bò, trườn, cuộn quấn lấy nhau, trà sát, va đập phát ra tiếng ì ầm, ùng ục như tiếng người rên siết. Ngồi một lúc, dẫu có luôn tay đập muỗi cũng không sao chịu được, gã tặc lưỡi, đứng dậy quay trở lại giường. “Giường”, gọi thế cho oai, chứ thực ra nó là năm tấm bẹ tổ bố thải ra từ cánh thợ xẻ trộm gỗ trong rừng mà gã kỳ khu vác về gép lại bằng cách đặt ngang ba tấm bẹ khác phía dưới rồi lấy đinh thuyền đóng lại. Phải năm lần rình rập, hì hụi khuân vác từ năm cánh rừng khác nhau mới thành. Nó vô cùng chắc chắn. Với loại “giường” như thế có mà đến đời cháu, đời chắt gã cũng không suy suyển gì.
       Cơn buồn ngủ lôi gã đi lúc nào không biết.
       Trong cơn mơ, gã thấy trời dần mát dịu trở lại. Những con muỗi cũng biến đi đâu hết cả, không còn nhay nháy đốt vào lưng, vào mặt gã nữa. Có lúc, gã cảm thấy mình đang bồng bềnh như được mẹ ru trên võng thuở bé. Có lúc, gã như nghe được tiếng gì đó như tiếng nước vỗ vào cái bè gỗ vầu cha gã đã từng cho gã đi theo lênh đênh trên mặt hồ thuỷ điện đánh trộm những con cá người ta nuôi về làm cái ăn.
          Đang miên man trong giấc ngủ say tràn đầy cảm giác mãn nguyện, bỗng nhiên như có một vật gì đó to, nặng thúc mạnh vào bức tường đầu hồi căn lều làm rung chuyển dữ dội, rồi đến có cái gì đó mềm mại gạt qua, gạt lại trên mặt. Gã mở choàng mắt. Mặt gã đang áp sát trần màn. Không thể tin được, mái lều với lơ thơ những chiếc lá rừng đã úp lên giường gã. Và nước, nước đang bập bềnh nâng gã lên, lại hạ gã xuống như trò chơi trẻ con ở vườn mẫu giáo. Gã ối giời lên một tiếng, vội vàng xé toang nóc màn, gạt mấy đoạn tre nứa cùng vài chiếc lá gồi rồi ngồi hẳn lên nhìn ra xung quanh. Chao ôi, nước! Bốn bề là nước. Nước ở đâu đổ về nhanh, nhiều đến thế. Trí óc gã loé lên. Đúng rồi, mưa lớn, lũ thượng nguồn đang đổ về. Bây giờ, giường gã nằm đã biến thành chiếc bè cứu sống gã. Từ kinh nghiệm của những trận lũ lụt trước, gã giật vội cây sào dài gác mái lều làm cái chống bè, đồng thời quơ nhanh cuộn dây vẫn thường theo gã đi rừng buộc gỗ, buộc chặt một đầu vào chiếc đinh móc tường lều, đầu dây còn lại, gã cột chặt vào thanh gỗ của chiếc giường ngộ nhỡ nước cuốn đi. Gã cũng xé chiếc áo duy nhất, nối nhau làm dây buộc ngang bụng gã vào giường.
          Mưa bắt đầu nặng hạt. Nước dâng lên dần. Giờ, cái đầu hồi căn lều đã chìm sâu dưới nước. Gã phải nới dài dây buộc giường mãi ra. Trong ánh sáng nhờ nhờ của đêm tối, gã nhận ra thế giới chỉ còn là một quả cầu nước đục đỏ, mênh mông. Có cảm giác nước dâng chiếc giường của gã đến gần những đám mây đang cuồn cuộn trên bầu trời hơn. Mưa ngày càng nặng hạt. Gã quấn chặt chiếc màn rách quanh người cho ấm. Nhặt mấy chiếc lá gồi vương lại từ túp lều do giường gã đội mái chui lên để che mưa cho đỡ ướt. Gã nhìn quanh, thấp thoáng trong làn nước mưa và ánh đêm, không còn làng xóm, không còn những công trình công cộng. Lúp xúp, đen ngòn, vật vờ trồi lên trong biển nước mênh mông là những ngon tre phơ phất, những chỏm cây cổ thụ, những cột điện cao thế và những chỏm núi mờ xa nơi gã ở...Tất cả, chúng như cũng đang tuyệt vọng kêu cứu giống gã.
       Bỗng nhiên, nửa trên chiếc giường cùng đầu gã bị dúi xuống nước rồi lại nổi phềnh lên tựa chiếc phao câu bị con cá rỉa mồi. May có sợi dây buộc bằng áo xé ra đã phát huy tác dụng. Nhờ đó, gã không bị bắn ra khỏi giường. Gã biết nước đã dâng lên cao hơn. Bức tường đầu hồi của căn lều xếp qua quýt bởi những viên gạch vỡ nhặt được cùng với bùn đất chứ chẳng có tí xi măng hay vôi vữa gì giờ ngâm nước đã mủn ra không  trụ lại đươc nữa. Nỗi khiếp sợ tràn ngập tâm hồn gã. Chiếc giường không còn diểm tựa neo giữ. Nó trôi tự do. Gã thất thần mở to đôi mắt, nhỏm dậy nhìn quanh cầu cứu. Có ai để cầu cứu. Xóm núi này, chỉ vài căn nhà thưa thớt của dân lao động nghèo. Nhà nọ cách nhà kia hàng nửa cây số. Mặt nước mênh mông như biển, sức nước trào dâng, giờ này còn ai sống sót. Tất cả chắc đã chìm sâu dưới đáy nước đen ngòm và lạnh giá rồi. Xung quanh gã, dập dình uốn lượn xác những cây cổ thụ bật cả gốc rễ, những súc gỗ của lâm tặc khai thác đã được gọt đeõ tròn trịa từ rừng trôi ra cũng đã đổ về đến đây. Có những mái tranh bị nước bưng đi cả mảng như chiếc nón úp lập lờ trôi lững thững, nhấp nhô chìm nổi trong trò chơi của nước và gió. Đôi khi gã còn nhìn thấy trên đó, những con gà, con chó hay con mèo đang nhớn nhác bám víu, cuống cuồng tìm đường sống. Kiệt sức vì hoảng sợ, vì rét, gã lại thiếp đi lúc nào không biết. Trong mơ hồ, gã có cảm giác mình đang được chu du khắp thế gian bằng bằng con thuyền thần thoại của tuổi thơ ngày nào. Con thuyền trong mơ nhẹ trôi đến những vùng miền khác nhau. Và gã cũng “nhìn” cảnh vật bằng cách nhìn riêng của gã. Nhìn bằng tất cả các giác quan có được trên cái thân thể đang nửa tỉnh, nửa mê. Hình như con thuyền của gã đang lênh đênh trên ngọn những cánh rừng dẻ bạt ngàn của một vị đại gia nào đó. Chóp lá của những cây dẻ ngập chìm dưới nước quyệt đi quyệt lại dưới đáy con thuyền. Chúng kể lại câu chuyện bi thương ba mẹ con một người nghèo khó, chuyên kiếm ăn bằng cách nhặt nhạnh những thứ rác rưới của rừng làm nguồn sinh sống. Họ vô tình lọt vào cánh rừng của vị đại gia ấy. Chưa mót đầy một chục hạt dẻ sót lại sau mùa thu hoạch, con béc-giê chủ rừng đã phát hiện, xồ ra cắn. Người mẹ thương con chịu trận, lăn xả vào hai hàm răng nhọn hoắt dữ tợn như chó sói để hai con mình chạy thoát. Con béc-giê cắn nát đôi chân người mẹ. Lão chủ rừng còn thả bốn con khác xông ra cắn tiếp. Cái chết thê thảm không còn hình dạng người. Máu, thịt, và xương người mẹ bê bết trên mặt đất, vương vãi quanh những gốc dẻ như tạc vào nỗ sợ hãi của hai đứa con bà. Gã cũng nhớ ra, hình như gần một cánh rừng dẻ của lão đại gia, đối diện phía bên kia sườn đồi là ngôi trường phổ thông cơ sở nằm lọt thỏn giữa một cụm dân cư chưa đầy hai chục nóc nhà. Ngôi trường này là nơi chứng kiến tuổi thơ cắp sách đến trường của gã. Cũng chính nơi đây năm ngoái đã xảy ra câu chuyện bi hài về việc một cô giáo dậy thể dục đã phạt những cậu học sinh nghịch ngợm, trốn tiết học bằng cách bóp dái họ. Câu chuyện lan ra khắp cả nước làm người ta lòng quặn đau mà miệng vẫn cười chảy nước mắt. Cũng lạ, ở cái ngôi trường gắn bó với tuổi thơ của gã có biết bao chuyện cảm động về tình thày trò gã không nhớ, lại đi nhớ về câu chuyện bi hài trên kia. Ví như, hồi học lớp bốn, do nhà nghèo túng quá, hai ngày trời mà cha mẹ gã không kiếm nổi bữa cơm cho con ăn, gã phải bỏ học. Sang ngày thứ ba, không thấy gã đến lớp, cô giáo chủ nhiệm lội suối đến thăm. Biết hoàn cảnh, cô về nhà xúc nốt những hạt gạo cuối cùng mang đến giúp đỡ gia đình gã. Hay như ở năm học lớp sáu, do phải lội suối, gã đến lớp muộn trong bộ dạng ướt như chuột lột và rét run như cầy sấy, thày giáo dậy toán đã không ngần ngại cởi bỏ chiếc áo đang mặc trên người mình ra trước bao con mắt ngạc nhiên của cả lớp, quàng vào cho gã tiếp tục ngồi học. Còn thày, cứ chiếc may ô lót trên người giảng nốt tiết học.
          Du thuyền của gã cứ thế trôi đi vô định. Bằng một giác quan nhậy bén vô thường, gã nghe được đâu đây, dưới sâu hàng chục mét nước có tiếng ai đó, giọng con gái vọng lên nghe ai oán, thống khổ. Hình như dưới lưng gã là con dốc dài hàng cây số. Nơi đây vào hồi năm ngoái có đôi trai gái yêu nhau, đi xe máy, quên không đội mũ bảo hiểm bị người thi hành công vụ rượt đuổi rồi không ngần ngại giương súng lên bắn. Viên đạn xuyên qua xương chậu sang đùi phải cắt ngang giấc mơ đem cái chữ thánh hiền trở về khai sáng bản làng của cô. Cô gái ấy cũng đã từng học ở trường phổ thông cơ sở của gã. Tiếng âm vang tuyệt vọng của người đã khuất cứ như những con sóng vỗ mãi vào cõi lòng xót sa của gã. Du thuyền chòng chành. Hình như đáy của nó chạm vào nóc những ngôi nhà cao bẩy tám mươi tầng, những tháp truyền hình ngất ngưởng, những ăng ten chảo, ăng ten parabôn...này nọ của đô thị hiện đại, phồn hoa, giờ cũng chìm sâu dưới lòng nước đen ngòm, giá buốt. Hình như ở đây có những ngõ hẻm tăm tối, nơi những nữ sinh mặc đồng phục hành quyết nhau theo kiểu xã hội đen. Túm tóc lôi đi. Đá vào chỗ hiểm bằng giầy dép. Đấm, bạt tai, cấu xé. Chửi bới thô tục. Bao nhiêu con mắt vô cảm bè bạn đứng vây quanh. Chưa hết, ở một vùng quê khác, những người mang danh bảo vệ nhân dân còn tuỳ tiện dùng dùi cui điện dí vào dương vật của kẻ đã bị bắt giam vì tội ăn cắp, đồng thời, không từ cả việc cũng làm như thế đối với một thanh niên bị tâm thần trót có hành vi xấc xược với họ. Họ hành cho tới khi cái của ấy của anh thanh niên bị bệnh tâm thần xưng vù lên, phải vào viện mới thôi. Chao ôi, gã rùng mình khiếp sợ. Nếu gã là nạn nhân trong những trường hợp ấy, làm sao gã chịu nổi vì đó là chỗ nhậy cảm dễ đâu đớn nhất trong cơ thể một con người. Từ thuở bé, nhà nghèo, thiếu ăn, rách mặc thật nhưng bố gã chưa bao giờ đánh gã một roi. Trẻ con rủ nhau ra suối tập bơi, chỉ mới để con chuồn chuồn cắn rốn gã  đã chết khiếp rồi nữa là...
       Con thuyền vô định của gã cứ chu du, trôi nổi đến đâu, gã lại nghĩ về những ngày qua đến đấy. Hình như con người ta, khi cận kề cái chết, hay nghĩ đến những ngày còn sống. Nghĩ nhiều đến chuyện buồn hơn là vui.      Người nghèo khổ, quá khứ buồn đau thường bám riết lấy trí nhớ. Nó giống như những vết chém của con dao lâm tặc sắc lẹm băm vào từng đường vân thớ gỗ của cây rừng rồi dứt ra như rứt từng miếng thịt trên thân thể con người.
Càng nghĩ, gã càng bồn chồn lo lắng. Đây chính là cuộc đại hồng thủy đã được báo trước đang giáng xuống để trừng phạt những tội lỗi mà con người đã gây ra.
       Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ khi gã ngủ thiếp, hay nói đúng hơn là gã sợ chêt ngất đi. Gã tỉnh dậy, do đói, khát và cái rét đánh thức. Đói và rét gã có thể chịu được do đấy là hai thứ thường xuyên gã phải chịu đựng từ thuở bé đến nay, chứ khát thì gã không thể nào. Gã ngó nhìn xung quanh. Mưa vẫn dầy đặc. Nước tung bụi mù mịt. Tầm nhìn bị hạn chế. Con thuyền thơ mộng của gã giờ trần trui là chiếc bè gỗ bập bềnh trôi giữa bao nhiêu thứ khác cũng lập lờ như thế trên mặt nước. Xác trâu bò, gà lợn, muông thú trương phềnh, Những cây cổ thụ to vài người ôm không xuể bật cả gốc rễ lừng lững như những con tầu đứt neo trôi không định hướng. Đău đớn nhất là xác người lớn bé, già trẻ, nam nữ dù ở tư thế nào, tóc cũng xoã xượi, bập bềnh trong làn nước khi thì đục ngầu, khi đỏ quạch như máu. Tất cả, tất cả đều lượn lờ cùng trôi xung quanh cái bè của gã. Bất ngờ, có cái xác một phụ nữ còn trẻ trôi gần rồi dạt vào chiếc bè của gã.  Mớ tóc dài của cô mắc phải cái cạnh xù xì của thanh gỗ liền mắc lại, không trôi ra xa nữa. Mùi tử khí từ xác người hoà với xác muôn vật bốc lên tận trời xanh làm gã nôn thốc nôn tháo. Đã bao ngày rồi không nhớ, ruột gã có gì đâu mà non. Gã nôn khan. Trong cơn tuyệt vọng đến điên cuồng, gã sợ hãi vồ lấy chiếc sào đẩy cái xác ra xa, hét lên: Không! Rồi ngã vật xuống ngất lịm đi lần nữa. Trong cơn mê man bất tinh, cũng không biết đã bao nhiêu thời gian tiếp tục trôi qua. Chỉ biết rằng, bằng giác quan nhậy bén của con người đã cận kề cái chết, gã cảm nhận được cái bè của gã khi thì từ từ trôi trong vùng nước phẳng lặng, khi lại hẫng tụt, rơi vào một dòng nước đang lao cuồn cuộn như thác đổ. Khi nó xoay tròn như chong chóng trong bàn tay làm xiếc của một người khổng lồ nào đó, rồi đột ngột bị gã buông ra làm nó rơi tự do trong khoảng không mất trọng lượng. Cái bè, bị ném từ chót vót một đỉnh cao thác nước xuống vực thẳm không đáy, ùa vỡ ra. Có cảm giác, thân thể gã tan nát ra từng mảnh. Gã chỉ bừng tỉnh khi một cảm giác toàn thân như chùn lại, giống người ta đi xe máy đột ngột phanh gấp. Gã đã từng hai lần được bạn chở đi bằng xe máy nên gã biết thế. Cú va đập tự thân ấy mạnh đến nỗi gã phải mở mắt ra và cảm nhận được một chút le lói của ánh mặt trời xuyên qua những đụn mây vẫn còn dầy đặc. Mưa nặng hạt. Gã đang nằm ngửa nên cảm như có thể giơ tay lên là với tới được những đụn mây đang trôi trên trời. Cơn khát dội lên từ óc. Gã muốn lật ngiêng tìm nguồn nước dưới lưng nhưng không sao nhấc mình lên nổi. Sức trai trẻ của tuổi hai mươi ngày ngày từng vác hàng tạ gỗ trên vai làm thuê cho bọn tàn phá rừng xanh, giờ biến đi đâu hết cả. Gã há mồm ra đón mưa. Những giọt nước hiếm hoi và ngọt ngào từ trời cao rơi xuống làm mặt gã đầm đìa nước. Uống nước kiểu này chẳng được bao nhiêu. Tuy thế cũng làm dịu đi cơn khát đang dầy vò tâm trí gã. Cơn khát dịu đi thì cơn đói lại nổi cồn lên chà sát cái dạ dầy của gã. Gã muốn lãng quên bằng giấc ngủ nhưng không một biến cố nào xẩy ra nữa để gã có thể lại được ngủ thiếp đi cho quên hết mọi đau đớn đói khát về thể xác cùng nỗi khiếp đảm tinh thần. Đã bao ngày đêm trôi qua. Gã không biết, không nhớ. Tuy nhiên, gã tự hỏi, tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu nữa. Gã lại nhắm mắt lại, tự nhủ lòng mình, thà chết đi còn hơn phải chịu cảnh này. Nhưng chỉ vài giây sau gã lại phải mở mắt ra. Hình như có cái gì đó loẹt xoẹt cạo vào tấm gỗ dưới lưng gã. Một cành cây với những chiếc lá xanh non thọc qua khe gỗ của chiếc bè bật lên ngay cạnh sườn gã nằm. Vận hết sức còn lại, gã nhấc cái đầu nặng hàng tấn lên nhìn ra xung quanh. Một cảnh tượng hoàn toàn xa lạ đập vào hai con mắt nặng trĩu của gã. Trí não gã lại nhọc nhằn hoạt động và nhận ra cái bè gỗ không còn trôi nữa bởi nó đã chui vào giữa tán một cây cổ thụ. Cái dây thừng chắc chắn đã quấn vào cành cây và néo giữ chiếc bè gỗ lại. Nước chỉ ngập đến một phần tư tán lá phía dưới của cái cây. Nước mênh mông, ngập tràn tất cả nhưng không còn cái gì nổi trôi trên nó nữa. Mặt nước biển và mặt nước trước đây gọi là đất liền giờ đã ngang nhau, không chênh lệch nên không còn dòng chẩy. Tất cả chỉ một màu phù sa đỏ quạch xen lẫn những mảng nước đỏ sẫm một màu máu. Cái mảng nước đỏ lừ như màu máu ấy phun lên từ trong lòng đất mẹ, nơi trước đây con người đã khoét sâu xuống khai thác những kim loại quý hiếm. Ti tỉ tấn quặng đã qua vai gã và những tấm lưng trần ghẻ lở, sứt sẹo vì roi vọt có, vì cực nhọc có của những thằng bạn bằng tuổi gã cũng như những đứa còn con nít mươi mười hai tuổi đã phải đi làm thuê kiếm sống. Mặt đất cũng ti tỉ những hầm hố khóet sâu. Những cái cửa lò khai thác toang hoác như những vết thương trầm trọng ai đó thọc một nhát dao khổng lồ và chí tử vào sâu trong lòng đất mẹ. Máu đỏ từ vết thương tuôn ra hoà vào màu phù sa làm nên những mảng màu nham nhở, vùng thì đỏ sẫm, vùng lại sam sám tiết dê, vùng nhờ nhờ nước hến. Cái đầu non nớt, đã tê dại của gã lơ mơ nhớ lại ngày xưa, khi còn rất bé, ông nội thường mỗi tối ôm gã vào lòng, nhồi cạnh đống than củi, miệng ngậm điếu thuốc vê tự quấn to đùng kể rằng: cái thứ nước đỏ tươi như máu ấy một khi đã phun ra từ lòng đất là ông trời đã báo một điềm gở cho mọi người phải cảnh giác. Nó lành thì cũng rất lành nhưng độc hại thì cũng rất độc hại. Người tử tế, đức độ, ngoan ngoãn thảo hiền dùng nó sẽ sáng mắt sáng lòng. Người gian ác, đê hèn, tham lam vô độ chạm phải càng thêm ác độc. Những người ấy sẽ thành quỷ sứ, xa tăng, thú dữ, và thế nào cũng bị trừng phạt, không thể tồn tại được. Ông bảo ấy là ông nghe ông nội của ông kể thế. Rồi ông nội của ông nội lại nghe ông nội kể thế chứ hàng mấy nghìn năm nay đã ai trông thấy máu mủ hay khí huyết của mẹ đất chảy ra từ sâu trong ruột gan mẹ bao giờ. Ông nội gã mất lâu lắm rồi. Giờ hình như chỉ còn mình gã trên thế gian này. Một mình gã sống sau trận đại hồng thủy. Một mình gã nhìn thấy cảnh cảnh mẹ trái đất đau đớn, quằn quại chết dần do máu chẩy xối ra từ ruột gan, nội tạng. Một mình gã chứng kiến mà không thể làm gì để cứu giúp mẹ đất. Rồi gã cũng sẽ chết đi trong một tiếng, một ngày hay vài ngày tới vì gã biết sẽ không thể cầm cự được lâu hơn nữa. Câu truyện này rồi lại sẽ được giấu kín đi để nó mãi mãi vẫn chỉ là huyền thoại. Các ông nội, ông ngoại rồi sẽ lại ngồi kể câu chuyện này cho con cháu nghe trong mùi khói thuốc rê rẻ tiền khét lẹt...Gã ao ước giá mình đừng chết. Giá như gã còn có thể kể cho con cháu nghe những gì gã đã từng chứng kiến bằng chính thân thể và cuộc đời gã để chúng sống sao cho có trách nhiệm hơn với mẹ trái đất.
          Gã nhận ra mình đang chết dần. Lưỡi hái tử thần đã chạm đến cái thân thể lạnh như băng giá của gã. Đôi môi gã giờ phồng rộp. Miệng không chịu nghe theo sự điều kiển của trí não, không há ra hứng mước mưa được nữa. Cái lưỡi trong mồm giờ cũng cứng lại như một cành cây chết khô không một chút động đậy. Nghe như hồn gã đang dần lìa khỏi xác, bay đi xa. Gã thoi thóp, thở mệt nhọc, cố không nghĩ ngợi gì nữa, nằm chờ chết. Bỗng nhiên như từ một nơi xa xôi lắm, như từ trời cao thăm thẳm vọng xuống tiếng ai đó đang gọi gã. Tiếng người con gái. Gã lắng nghe bằng cái phần hồn đã đi xa của gã. Tiếng gọi tha thiết lắm, không thể không nghe. “Anh ơi! Anh đừng chết!” Tiếng gọi ấy như có phép màu, truyền sinh lực cho gã. Nó vọng đến tai gã, to dần. Gã cựa đầu, gắng gượng mặc cho đau đớn, mở mắt ra nhìn. Một khôn mặt người. Khuôn mặt một người con gái. Cô đang ghé sát mặt gã, tóc bết nước mưa dính vào da mặt gã, buốt như kim châm. Sau chừng ấy biến cố, gã lại nghe được tiếng nói của con người. Tiêng gọi ngọt ngào, thương yêu, trìu mến y như tiếng cha mẹ gã gọi gã khi còn bé. Thế rồi, lớn lên, trừ bố mẹ ra, gã có bao giờ được nghe tiếng yêu thương của con người. Thiên hạ đối với gã cứ như kẻ thù. Họ coi gã là kẻ khốn nạn, khố rách áo ôm, chuyên làm thuê, hạ đẳng. Gã chỉ làm bẩn mắt họ. Họ, bọn chủ rừng, lão chủ buôn gỗ lậu chuyên dùng roi, gậy và mũi giầy ra lệnh, mỗi khi muốn gã làm điều gì. Có ai giao tiếp với gã bằng lời.  Bây giờ, trong lúc sắp chết, cái  khuôn mặt phía trên mặt gã là mặt người thân thiện. Tiếng gọi bên tai gã là tiếng con người lương thiện. Gã cảm động, ứa nước mắt. Chẳng biết giờ này gã có còn nước mắt và có còn hơi sức để đẩy được những giọt nước mắt lăn ra bên ngoài tỏ ý là tôi có nghe được tiếng cô gọi, chứ miệng gã thì không thể động đậy được nữa rồi. Gã nhìn thấy nét mặt cô gái tỏ vẻ sung sướng. Cô reo lên khe khẽ trong tiếng mưa vẫn ào ạt đổ xuống từ trên trời và tiếng sóng nước bì bõm vỗ vào cái bè gỗ, cùng tiếng cành lá cây lao xao vì gió thổi và nước ào ạt. “Anh sống lại rồi! Ôi, anh sống lại rồi! Lo quá, lạy trời lạy phật em cứ tưởng...”. thế rồi, gã lại cảm nhận được cái khuôn mặt con gái trẻ trung nhưng cũng tái xám như gã áp sát mặt. Miệng cô gắn chặt vào miệng gã. Một chất nước gì đó từ môi cô chẩy sang miệng gã. Nó chua chua, hơi ngọt pha chút chát đắng. Gã cảm nhận được hết cái chất nước ấy chẩy vào miệng, trôi qua cổ họng thấm tận tim gan gã. Cái chất nước cải tử hoàn sinh ấy toả đi mọi ngả. Nó thấm đến đâu, tế bào ở đấy đang ngắc ngoải bỗng nhiên sống lại.
           Cứ như thế, sau mỗi lần nhai kỹ lá non và quả cây mớm vào miệng gã, cô gái lại nằm xuống ấp lên người truyền hơi nóng trong cô sang người gã. Điệp khúc diễn ra không biết bao nhiêu lần và thời gian đã trôi qua bao lâu cho đến một lần gã cựa mình mở mắt ra cùng với câu hỏi của người đột ngột mất trí nhớ: tôi đang ở đâu thế này? Cô gái đang ngủ trong tư thế úp mặt vào bờ vai và nửa khuôn ngực gã cũng bừng tỉnh do cái cựa mình cùng câu hỏi của gã. Cô lại reo lên trong vui sướng: Ôi, anh sống lại thật rồi!
          Cô gái ngồi, nâng đầu gã đặt vào lòng mình, cứ thế khóc to thành tiếng. Nằm một lúc trong cái hõm an toàn, ấm áp giữa đùi và hai bầu vú trần, chắc nịch của cô, người gã ấm dần lên. Sinh lực đâu đó đã ra đi, giờ quay trở lại. Gã run rẩy đưa hai bàn tay lên, ấp vào khuôn mặt phía trên. Khuôn mặt chắc trước kia phải xinh đẹp và bầu bĩnh lắm. Miệng gã thều thào thốt ra câu hỏi đầu tiên, ngớ ngẩn: Cô đã cứu sống tôi phải không? Cô gái gật đầu. Gã lại nhìn ra xung quanh. Mưa tạnh rồi. Bốn bề là nước. Cái bè của gã giờ thành ngôi nhà chênh vênh giữa vòm lá cây cổ thụ. Nước và gió vần vũ xung quanh. Hãi hùng không sao kể siết. Cô kể. Ông bà, cha mẹ em vốn là nông dân một vùng đồng bằng chuyên nghề lúa nước. Trước đây cố gắng, chịu kham khổ làm lụng cũng đủ sống. Từ ngày ruộng đất mất dần vào tay những người có quyền, có tiền để thành sân gôn, khách sạn, nhà lầu, thành khu công nghiệp liên doanh, liên kết... thì nông dân chúng em không còn con đường để sống. Mọi người toả đi bốn phương trời tìm miếng ăn bằng đủ mọi ngành nghề. Người thành thợ mộc, thợ xây. Kẻ chẻ chai, đồng nát. Người bới rác. Kẻ làm đĩ điếm nuôi thân. Khắp hang cùng ngõ hẻm đất nước, không đâu là không có bước chân những kẻ vốn là nông dân giờ tha phương cầu thực. Ông bà bố mẹ em bồng bế nhau lên vùng núi non này làm dân khai hoang, sống cuộc đời lay lắt. Cho đến một ngày có phong trào đắp đập ngăn sông làm hồ trên núi. Ông bà, bố mẹ em xin vào làm thuê cho họ. Lại cảnh đôi quang gánh cùng cái xẻng, cái cuốc đè trĩu trên vai đi đắp hết con đập này đến con đập khác. Những chiếc lều dựng tạm làm nơi cư trú của năm con người chưa kịp phai màu lá lợp đã lại phải rỡ bỏ để ra đi cho kịp sự phát triển số lượng những con đập ngày càng gia tăng. Những căn lều thường phải dựng gần cạnh con đập cho tiện việc đi làm hàng ngày. Tối hôm ấy đang ngủ say, em nghe một tiếng nổ như tiếng nổ cùng lúc của nhiều quả bom tấn, rung chuyển cả núi rừng. Sau đó là tiếng nước đổ ào ào. Em mở mắt ra thấy mình bị nước cuốn đi. Không thấy bố mẹ, ông bà đâu nữa. Cũng không biết em chìm nổi ở những nơi đâu, tỉnh dậy đã thấy mình nằm vắt vẻo giữa ba cái chạc của cây cổ thụ này. Em cố sức bám chặt vào cành cây mặc cho nước cuồn cuộn chảy xung quanh mình. Sợ nhất là gió. Gió cứ như muốn vặn bẻ cái cành cây em đang đeo bám. Mỗi cái cành cây to ngang bắp đùi người lớn mà trước những cơn gió của trận hồng hoang chỉ như cái trò chơi con trẻ. Khi nó oằn mình rạp xuống, ngập chìm trong nước dìm em xuống theo, tưởng sẽ chết ngạt. Khi nó bật lên, nếu không bám chặt, cái cành cây sẽ như cánh cung bật hất mình ra xa, xuống nước là chết. Cố chống chọi để sống, tay em rã rời tưởng sẽ không chịu được hơn nữa. Đầu óc em chỉ xoáy chặt lấy ý nghĩ, buông ra là chết. buông ra lsf chết! Thế là em lại cố được. Cố bám chặt ấy cái cành cây định mệnh giời đã cho em và chịu mưa gió, đói khát. Không biết đã bao nhiêu ngày trôi qua, đói quá, không chịu được nữa, em vặt liều những chiếc lá cây này nhai nuốt bừa vào bụng. Nào ngờ, trời phật phù hộ, ngay từ miếng nuốt đầu tiên, em đã thấy tỉnh người. Đã no do ăn lá, em lại vặt quả. Quả của nó ăn giống quả sung mà nhiều nước hơn, cũng ngọt hơn. Thế là em thoát chết nhờ mắc vào chạc cây này. Lá và quả của nó cho em cái ăn hằng ngày nên mới sống được đến bây giờ. Khi thấy tự dưng có cái bè ở đâu trôi đến rồi mắc chặt vào đám lá cây, trên bè lại có người nằm như chết, em sợ hết cả hồn. Mãi không thấy nó trôi đi, em bèn tụt xuống, leo lên bè xem người nằm còn sống không. Nếu còn sống thì may mắn em có bạn rồi. Nếu đã chết, em phải đẩy cái xác xuồng nước cho nó tiếp tục trôi đi, để môi trường trong phạm vi cái cây này sạch sẽ. Em cố gắng lắm để bò đến sát chỗ anh nằm. Em đưa tay sờ lên người, thấy người anh còn ấm nóng. Thế là, thật không gì may mắn bằng. Hai ngày qua, em đã kiên trì nhai quả và những chiếc lá cây này mớm cho anh. Nhờ đó mà anh sống lại. Cứ tưởng anh sẽ chết, chỉ còn lại mình em bơ vơ trên tán cây này. Anh nhìn ra xung quanh mà xem, còn ai có thể sống sót trong cơn điên cuồng thịnh nộ của trời đất này nữa. Giờ chỉ còn hai chúng ta. Ôi anh ơi, em sợ lắm.
      
          Gã và cô gái đã sống với nhau như thế trên cây cho đến khi nước rút. Đói ăn lá, khát ăn quả cây lấy nước. Vì thế họ sống qua ngày. Có một điều mà gã cùng cô gái không sao hiểu nổi là lá và quả của cái cây cứ ban ngày bị hái đi thì đêm đến lại mọc ra như cũ. Đây đúng là cái cây thần kỳ trong chuyện cổ tích.  Cả hai rất vui mừng nhưng cũng rất sợ hãi. Gã thì thào vào tai cô gái rằng, trời phật đã phù hộ độ chì, muốn hai đứa cùng sống qua trận đại hồng thuỷ này nên mới gửi cái cây xuống giúp.
       Hai kẻ sống sót sống trên cây như đời sống loài khỉ thời tiền sử. Sức khoẻ phục hồi dần. Trong hoàn cảnh như thế, không nói, chắc bạn đọc cũng biết, không thể nào không xẩy ra lòng ham muốn tình dục do sức trẻ cùng sự khác giống cứ ngày đêm phải chung đụng da thịt với nhau. Ở trường hợp hy hữu này, không việc gì phải đánh chiếm hay giành giật con cái giữa những con đực khác nhau. Bầy đàn lúc này chỉ có một đực, một con cái. Thế nhưng cũng kỳ lạ thay, có lẽ cái món ăn thảo mộc thường ngày chỉ đủ duy trì sự sống, chứ không dôi dư sức lực để chúng làm cái việc đực cái và sinh đẻ với nhau theo cái cách truyền thống thông thường. Hay là thượng đế muốn chúng phải thế. Muốn chúng tiếp tục sống một cuộc sống khác thường cũng phải bắt chúng giao cấu với nhau một cách khác thường. Không thô thiển, không nhầy nhụa, bạo liệt như con người vẫn từng thích thú hành sự trước đây. Vì thế, không đứa nào có sức trèo nổi lên người đứa nào. Chúng chỉ nằm nghiêng người úp vào nhau. Hai bàn tay gã úp chặt lấy cái kia của cô gái. Ngược lại, cô gái cũng làm như thế đối với gã. Cái phương pháp làm tình theo kiểu mới này xem ra cũng chẳng thua kém gì phương pháp cổ điển truyền thống của cha ông hay phương pháp hiện đại của lớp trẻ thời khoa học hiện đại, a còng(@). Sự sung sướng nhục dục truyền từ hai bàn tay lên cánh tay, khuỷu tay, qua vai vào đến tận tim rồi lên trí não và lan toả ra khắp cơ thể, tới tận mỗi tế bào. Giả sử nếu có ai đó còn sống sót mà bắt gặp và trông thấy chúng hiền lành nằm im lìm như thế cũng khó có thể kết tội chúng là những tên dâm ô truỵ lạc hay hủ hoá, thiếu đạo đức.
       Cho đến một ngày, bỗng nhiên cũng lại như có phép thần thông, trong đêm tối, mỗi đứa, từ hai bàn tay, sinh ra một một đứa trẻ. Gã, con trai. Cô, con gái. Hai đứa trẻ, một trai, một gái vô cùng kháu khỉnh, bụ bẫm. Cũng vài ba ngày sau, chúng đã có tầm vóc, cử chỉ, ăn nói, đi lại trên bè, leo trèo trên cây như những đứa trẻ lên ba. Chúng quấn quýt, yêu thương cha mẹ như mọi đứa trẻ khác. Cũng chấp nhận một chế độ nuôi dưỡng, ăn uống bằng lá cây và hoa quả như vốn tự nhiên nó đã thế, hai đứa lớn nhanh như thổi. Gã và cô gái vô cùng sợ hãi nhưng cũng vô cùng sung sướng vì không còn cô đơn nữa. Từ ngày có hai đứa con, gã và cô gái gắng sức bẻ những cái cành cây to hơn chụm lại trên bè rồi bẻ lá cây lợp mái che mưa nắng. Mấy tầu lá gồi còn lại làm cái lót giường. Những bộ quần áo của hai người giờ mủn nát chúng gom lại lót thành chiếc ổ êm ấm cho con nằm. Những chiếc lá cây được tết lại thay áo quần.
          Cuộc sống của bốn con người giống bầy khỉ trên cây ấy cứ thế trôi đi. Không đếm được đã bao nhiêu ngày. Bỗng một hôm, sau một đêm ngủ say như chết, gã cùng cô gái đánh thức hai đứa con tỉnh dậy và vô cùng ngạc nhiên thấy nước không còn nữa. Nơi họ ở bây giờ giống cái tổ chim khổng lồ trên ngọn một cây cổ thụ cao chót vót mọc trên đỉnh núi đá. Bể nước mênh mông bốn xung quanh thường ngày vẫn đập sóng làm bập bềnh ngôi nhà bè, giờ cũng cạn sạch. Nước rút đâu hết cả. Mặt đất bao trùm một lớp bùn mênh mông. Cảnh vật cũ lờ mờ hiện ra như trong một màn sương khói mờ mịt, một bãi tha ma. Tất cả đều đã đổ nát tại chỗ hoặc bị cuốn trôi đi, bị vùi lấp dưới lớp bùn dầy hàng thước, đặc quánh. Cũng còn vài cái cây cổ thụ do ở sâu trong rừng, lại quá vững chãi, nước không nhổ lên được giờ chết đứng như trời trồng. Lá chúng rụng hết, trơ ra những cành cây khẳng khiu, trụi lủi vươn cao lên trời như những cánh tay con người đang gào lên oan ức. Có cái cây còn sêu lại trên những cái cành vạm vỡ của nó cả một con tầu trọng tải hàng vạn tấn, cũ mục, han rỉ, rách nát khắc vào trời xanh như một tấm bia khổng lồ, ấn tượng. Nhìn vào đó, không ai có thể quên.
       Qua mấy ngày nắng, đợi mặt đất khô ráo trở lại gã bàn với cô gái cứ để con ở lại trên cây, ban ngày, hái đủ lá cây, hoa quả xuống đất dựng lều, tạo lập nơi ăn chốn ở, tìm tòi nguồn giống cây trồng và gia súc để chăn nuôi, đêm về lại leo lên cây trở lại với hai con. Bao giờ ổn định mới kéo nhau, cả nhà cùng xuống. Đoạn dây đi rừng còn lại đã cứu sống đời gã, giờ, thành cái dây tụt xuống , leo lên hằng ngày của hai con người sống sót và cần mẫn.
       Gã cùng cô gái đi lang thang tìm đến những nơi đoán ngày xưa là nhà ở của cư dân bị nạn trong trận đại hồng thuỷ, đào bới những thứ còn sót lại bị bùn đất vùi lấp mang về.
        Gã đã tìm được một mảnh đất để dựng lều. Nó rộng, bằng phẳng, lại nằm cạnh con suối vắt ngang qua. Phía bắc mảnh đất là gốc cái cây cổ thụ đã cứu sống vợ chồng con cái ga. Bây giờ thì hiển nhiên hai đứa coi nhau như vợ chồng và coi hai đứa trẻ là con chúng. Gã cũng gọi cái cây là cây thần tiên. Gã sẽ dựng lều vào sát gốc cái cây to lớn hàng chục người ôm không xuể, sâu trong chùm rễ um tùm, gân guốc nhờ cây che chắn nắng nôi, gió bão. Trước cửa nhà là mảnh vườn và khu ruộng rộng để trồng lúa. Con suối dưới chân dốc xoai xoải giờ nước đã trong văn vắt lại có rất nhiều cá. Sau trận đại hồng thuỷ, cá tụ về đây, phải rẽ cá mới thấy nước. Cũng là một nguồn thực phẩm dồi dào vô kể trời cho. Trong khi đi tìm vật liệu để dựng ngôi nhà, vợ chồng gã cũng tìm được vô khối thóc lúa, khoai sắn, ngô phơi khô... không chỉ đủ để làm giống mà còn dư dả để một hai ngày có thể nấu một bữa cơm hay cháo tăng cường sức khoẻ, nhất là cho hai đứa trẻ. Sinh ra và sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, gã biết rất rõ, người nghèo bao giờ cũng hay lo xa. Không ai bóc ngắn cắn dài. Họ có mười chỉ ăn năm, sáu, số còn lại luôn là lương thực dự trữ phòng khi mùa màng thất bát hay những ngày đói kém giáp hạt. Số lương thực dự trữ ấy thường được đựng trong bao tải ni nông không thấm nước, cất kĩ trong những cái ang, cái chum vại sành vì thế, có ngâm nước hàng năm trời cũng không bị hỏng. Cũng nhờ thỉnh thoảng có bữa cơm, bữa cháo như thế, hai đứa trẻ lớn phổng hẳn lên và vợ chồng gã cũng có sức chèo chống cái gia đình tội nghiệp còn sót lại trong trận đại hồng thuỷ kinh hoàng.
          Vào một ngày khu đất vườn và mảnh ruộng trồng lúa trước ngôi nhà gã bất đầu che phủ một mầu xanh nõn nà của lúa non và cây củ như ngô, sắn, khoai lang, đậu đỗ... vợ chồng gã đưa hai đứa con từ trên cây xuống ở hẳn dưới mặt đất. Trông chúng bây giờ đẹp đẽ như thiên thần và tiềm tàng ẩn giấu bên trong một sức vóc của A Đam, Xing Nhã, những nhân vật thần thoại gã từng nghe kể khi còn bé. Hai đứa trẻ cũng chịu khó, lam làm như cha mẹ nó, không kêu ca nửa lời.
          Không chỉ vườn ruộng nhà gã, bốn xung quanh, mặt đất bây giờ cũng đã được bao phủ một màu xanh ngút mắt. Qua chọn lọc tự nhiên, cây cối giờ đây khi đã vượt qua, chiến thắng cái chết, chúng gặp một lớp phù sa phủ dầy màu mỡ, cứ thế vươn lên trời xanh như thổi. Chim chóc, muôn loài tưởng bị tận diệt tất cả, hoá ra không phải, giờ chúng ở đâu trở về sinh sôi, nẩy nở không biết bao nhiêu mà kể.
          Tuy không giám nói ra, gã và cô gái đều nghĩ rằng họ sống được là do có bàn tay của trời phật sắp đặt và hai đưa trẻ chính là A ĐAM và EVA mà thượng đế đã phái xuống giao cho họ nuôi nấng, dậy dỗ. Hai câu truyện này từ bé đã thộc lòng do được nghe kể và đọc sách, vì thế, gã và cô gái đã không nản lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn để sống, làm lụng nuôi nấng và dậy dỗ hai đứa trẻ từ việc làm nhà, dựng cửa đến cấy lúa, trồng rau, bắt và thuần hoá những con vật hoang về nuôi trong nhà như ngày xưa tổ tiên loài người đã từng làm. Hy vọng một ngày gần đây, cái sứ sở hoang tàn này lại đông đúc một lớp người mới tái sinh sống trong bình yên và hạnh phúc. Bài học muốn được làm người phải trả giá đắt thế nào chắc chắn sẽ được lưu lại trong hý ức hai đứa trẻ để truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và câu chuyện về những dòng thác máu tuôn ra từ sâu trong lòng mẹ trái đất sẽ lại mãi vẫn là truyền thuyết, chưa được kiểm chứng nhưng nó đã từng có thật.
                                                             Hà Nội, tháng 2/ 2011
                                                                  Đoàn Nhất Trí
---------------------------------------------
Địa chỉ: Phòng 304, nhà C1, KTT rường CB phụ nữ TW
Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 0984953584,   (04) 3775 1603