Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG (1943 - 2011) MỘT THẾ GIỚI TRONG NGẦN CÒN MÃI

Vi Thùy Linh
Thứ năm ngày 12 tháng 5 năm 2011 5:34 AM
 
Nghĩ - nhớ tới nhà văn Trần Hoài Dương, là đan xen những xúc cảm lắng sâu, tin cậy. Gần nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, nhà văn đã hun đúc, góp phần xây dựng, bồi dưỡng cho bao tâm hồn. Ông là một của hiếm trong các nhà văn Việt Nam đương đại có đời sống và sáng tạo nhất quán: chân thành, tử tế. Sự trong sáng khiến hình ảnh ông đồng hiện điều ông khao khát suốt cuộc đời mình...
Hiện lên trong trí nhớ tôi, cuộc gặp đầu tiên (không ngờ cũng là lần chót) với Trần Hoài Dương vào sáng nắng tháng Tám/ 2010, dịp Đại hội Nhà văn VN. Mái tóc mỏng ướt mồ hôi, cái cặp to đầy tài liệu. Chú cháu gặp nhau lần đầu mà gần gũi, bởi cùng niềm sống thành thật với cuộc đời, văn chương, là đồng môn Học viện Báo chí (chú học khóa 1). Tôi cảm ơn ông vì những tập truyện của ông đã xây dựng gợi mở cho tâm hồn tôi từ thơ bé: Nhiều đứa trẻ trước và sau thế hệ cháu không quên chú. Trần Hoài Dương bối rối trong vẻ khiêm nhã, mong manh, thật thà, ít gặp.
13h chiều 9/5, đọc báo, tôi sững sờ biết tin nhà văn Trần Hoài Dương qua đời từ tối 6/5. Chính buổi tối ấy, tôi đã gọi cho HS Nguyễn Thị Hiền nhắc bà giục Trần Hoài Dương đến lấy Phim đôi - Tình tự chậm. Chiều hôm đó, tôi đã gửi email hờn dỗi sao chú không đến lấy sách. Tôi gửi tặng chú Dương tập thơ, nhờ HS Hiền chuyển hộ, lấy cớ để hai người hàn huyên vì đã lâu không gặp.
Trời ơi, sao Trời hay thử thách những người tốt đẹp đáng sống, một cách nghiệt ngã như vậy?
Tập thơ của tôi chú hẹn mà chưa tới lấy. Những bản thảo dở dang vì tính trau chuốt cầu toàn. Dở dang cả cái hẹn dịp làm đêm thơ thiếu nhi nhân cuốn sách đầu tiên của tôi in tại NXB Kim Đồng. Tôi nhờ nhà văn Trần Hoài Dương viết về tập thơ này. Nửa năm sau khi nhờ ông mới viết xong, sau mấy lần từ chối vì rất quý Linh nên sợ viết không đạt.
Trước mắt tôi, là hộp quà của nhà văn Trần Hoài Dương, còn dấu bưu điện Phú Nhuận 14/9/2010 cùng ngày viết lá thư tay bút bi đen. Trong đó là CD nhạc Trẻ mãi gồm 10 ca khúc của Trần Lê Quỳnh qua giọng hát Đức Tuấn. Album mới nhất của con trai chú và bộ truyện 3 tập Giấc mơ tuổi thần tiên (NXB Giáo dục). Những dòng đề tặng trên sách, đĩa bằng bút bi mực đỏ (!) và thư tay còn đây, đầy bao dung, khiêm tốn.
Đừng giận chú, Linh nhé. Chú rất cảm ơn Linh đã quý chú mà muốn chú viết lời bạt cho tập thơ. Nhưng chú tự thấy mình viết phê bình dở lắm. Chú sợ sẽ làm cho tập thơ của Linh không được đẹp trọn vẹn. Tìm tòi, cách tân, Linh thì mãnh liệt còn chú lại mong manh. Chú muốn đạt tới sự thuần khiết, trong ngần nhất, giản dị nhất Linh ạ.
Thế rồi chú cũng viết cho tôi, bằng tay. Chữ đẹp, đủ nét, mềm mại như chữ mẫu cho học trò tiểu học. Chú dùng máy tính viết email không dấu. Còn sáng tác bằng bút bi. 5 trang viết tay sạch và ngay ngắn được viết trong ngôi nhà một mình. Chú đã sống nhiều năm một mình như thế, tại 56/38 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Viết, rồi đi bộ ra đầu hẻm, nhờ cô Hồng Nhung hàng photo vi tính scan, gửi bản thảo bằng email. Phải chăng vì Trần Hoài Dương xa rời công nghệ, tôi mới có được lá thư viết tay của ông, nhiều lớp độc giả mới được hưởng những trang văn yên tĩnh, kỹ càng, dịu dàng, tinh tế.
Nhiều người nhớ đến Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương. Tuổi ấu thơ ở thị xã Hải Dương, chắc chắn rất sâu đậm trong tâm trí, Trần Bắc Quỳ lấy bút danh Hoài Dương và dùng làm chữ ký suốt đời. Hoài Dương không chỉ nhớ quê nhà, mà nhớ tuổi thơ. Những gì đẹp, mơ mộng nhất thuộc về kí ức ấy, ông không muốn mất, không thể/ không để mất, bằng cách nối dài, tìm kiếm, gìn giữ nó, và viết cho các em. Cái đẹp, sự độ lượng, vốn sống, những quan sát, kinh nghiệm thành triết lý giản dị trong văn Trần Hoài Dương, người đọc lứa tuổi nào cũng tìm được ý nghĩa, thấy mình trong miền xanh thẳm ấy.
Con người thuần phác, ngay thẳng, hiền và nhiều khi rụt rè, e ngại trước những chấn động, ồn ã, lại cực đoan, quyết liệt trước những thói xấu xa đê hèn. Yêu miền Bắc, mà 30 năm trước, trưởng Ban Văn xuôi báo Văn nghệ lại muốn thay đổi vào Nam. Người ta đôi khi có lầm tưởng về vẻ ngoài, tập tính mà không lường được sóng ngầm. Là một trong những người tạo dựng NXB Măng non (NXB Trẻ sau này) đổ tâm sức 10 năm vào đó, lần nữa, năm 1992, Trần Hoài Dương lại dịch chuyển: thành nhà văn tự do, khi 59 tuổi. Ông viết truyện (ngắn và dài), kịch bản phim hoạt hình, múa rối, giành nhiều giải thưởng, sách luôn được in diện Tác phẩm chọn lọc. Và để, còn lại với văn chương, ông chọn lọc mình giữa tham vọng hỗn tạp, sống như viết trong kỷ yếu Nhà văn VN hiện đại: Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ thơ.  Mảng văn học thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Chung thân say mê như Trần Hoài Dương, đến bao giờ có được? Dời bỏ cơ quan, hôn nhân đổ vỡ, Trần Hoài Dương sống với đứa con duy nhất. Cậu con trai mang tên loài hoa, vì cha rất yêu hoa, không chỉ hoa, mà thiên nhiên, loài vật con người, tất cả hiện lên trên trang viết của Trần Hoài D¬ương vô bờ niềm tha thiết sống.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định về nhà văn đồng hương: Tôi không thiên vị đồng hương, tôi đồng hương với cả nước. Anh Trần Hoài Dương mất đi là tổn thất không gì bù đắp được bởi tìm đâu một người hết lòng hết da vì thiếu nhi như thế. Để chơi, viết được về trẻ con, Trần Hoài D¬ương đã sống và viết rất trong sáng, với tâm hồn trong vắt, đôn hậu.
Bạn chí thân là truyện ngắn Trần Hoài D¬ương đặt tên Quỳnh cho nhân vật. Cậu bế thích chơi với con chó Ki. Và tôi tin, ở tất cả các truyện ông viết bao giờ người có phần nghĩ đến con trai mình. Hôm nay chủ nhật rảnh rỗi, bố dắt Quỳnh sang ông Báu chơi.... Những ngày thơ ấu đã xa, ông là người nuôi dạy, ảnh hưởng lớn để có Trần Lê Quỳnh (sinh 1978, hiện là Phó Ban Việt ngữ Đài BBC) tài năng, thành đạt. Thừa hưởng từ cha tâm hồn phong phú, đa cảm, những ca khúc của Trần Lê Quỳnh luôn có ca từ trong sáng, tin yêu, hy vọng, đầy mơ mộng mà chiêm nghiệm sâu sắc như Chân tình, Tuyết rơi mùa hè...
Cuốn sách cuối trước khi mất của Trần Hoài D¬ương in tại NXB Kim Đồng là Nàng công chúa biển (6/2009). Ông còn bản thảo Huyền thoại về loài chim cánh cụt hẹn từ năm ngoái chưa đưa cho Kim Đồng, vì cứ sửa đi sửa lại. Từ tập truyện đầu tiên Em bé và bông hồng (1963), cuốn sách đầu tiên mà tác giả lại không lĩnh nhuận bút, ông đã viết bằng tâm niệm tìm lại tuổi thơ đã mất cho mình, cho người lớn. Xót xa quá, chú Trần Hoài D¬ương, nhà văn có trái tim nhân ái, đầy bao dung và thương yêu ấy, lại lần nữa một mình trong hơi thở cuối vì cơn đau nhồi máu cơ tim.
Hôm 9/5, Trần Lê Quỳnh từ London về tới Saigon. Chị gái và anh trai ruột của nhà văn cũng đã vào. Trần Hoài D¬ương ra đi và nằm lại thành phố tha hương, song tâm hồn ông luôn hướng về miền Bắc, về cố hương. Tâm hồn dịu dàng ấy không ngừng xao động, mỗi cuốn sách của ông như một ô cửa, dẫn chúng ta tới Thế giới trắng của cái Đẹp và cái Thiện mà ông tôn thờ, say mê theo đuổi suốt đời. Đó là nơi có Cung điện Ánh sáng của loài chữ, có cuốn Sách Ước không trang kết.
10 năm trước, khi vừa kết thúc đời sinh viên,  tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore, Trần Lê Quỳnh viết bài hát Những ô cửa xanh. Anh hay ngồi với bố hàng giờ nơi quán cafe nhìn ra đường phố.
Hai bố con ngồi với nhau cả giờ đồng hồ như vẫn thường là thế. Và rồi tôi chở bố về nhà, trời mưa rất to. Khi ấy tôi bắt đầu đi làm với những mối quan hệ phức tạp, va chạm. Chính bố chia sẻ với tôi sự bực bội trước điều trái khoáy, kể tôi nghe những câu chuyện khác ngoài công việc để thấy cuộc sống còn rộng lớn hơn rất nhiều. Bố có ảnh hưởng lớn đến tôi trong định hướng nghệ thuật và hứng thú sáng tác. Chỉ sau này, tôi mới hiểu có một niềm cảm hứng khác quan trọng hơn thế tôi cần học từ bố: Hãy tin vào lòng tốt của con người.
Đầu năm 2010, Trần Hoài D¬ương bay sang London ở với Quỳnh 6 tháng, vui mừng đón đứa cháu đầu tiên, đích tôn ra đời. Tết vừa qua, gia đình Trần Lê Quỳnh sum họp khi anh đưa vợ con về. Đây là một cái Tết đầm ấm ít ỏi trong cuộc đời Trần Hoài D¬ương, ngờ đâu là Tết cuối.
Điệp từ trong sáng, trong vắt luôn được cất lên khi nhắc tới Trần Hoài Dương. Ông đã mở ra những ô cửa xanh cho bao lứa trẻ, và giờ đây, ông đang trở lại những năm tháng cuộc đời ý nghĩa của mình, qua những cánh cửa của nỗi nhớ mọi người dành cho ông, mở những ô cửa xanh của chính ông. Trần Hoài Dương sẽ thanh thản siêu thoát và không thể bị lãng quên chìm khuất bởi sự thánh thiện của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc động: Trần Hoài Dương là người lưu giữ những vẻ đẹp tinh khiết nhất của con người. Hiện lên đầy đủ thế giới tuổi thơ: cỏ hoa, những đồ vật, con người... hòa tụ lại và đồng nhất thành một nghi lễ trong sáng nhất của đời sống. Tâm hồn, tư duy của người đàn ông mẫn cảm sâu sắc ấy chứa đựng một thế giới ngập tràn chất thơ. Chính điều ấy, làm cho con người ông trong đời sống hàng ngày cũng đầy ân cần, ngơ ngác và luôn run rẩy.
Và, tôi như thấy chú Dương từ tốn và quả quyết mở ô cửa xanh vào bầu trời trong ngần, với nụ cười sáng bao trìu mến.