Thưa bà con,
Hôm nay là cuộc tiếp xúc cử tri đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong quận nên cho phép tôi được xưng hô gần gũi và thân mật với các bà các ông, các chị các anh ngồi đây là “bà con”. Bởi vì tôi cũng là một người trong bà con, như bà con, và rồi đây tôi có trúng cử HĐND TP thì tôi cũng là người của bà con bầu lên, được bà con tin cậy, gửi gắm, và tôi phải làm việc cho/vì quyền lợi của bà con. Mấy hôm trước tôi và các ứng viên được phân về bầu cử ở quận nhà đã có cuộc tiếp xúc với đại diện mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của quận. Chúng tôi đã được nghe các cử tri đại diện phản ánh nhiều vấn đề bức xúc, cấp thiết của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở từng địa bàn dân cư trong phường, trong quận, và cả thành phố. Nổi lên nhất trong các vấn đề đó là việc xây dựng hạ tầng cơ sở, mà thí dụ điển hình của việc trì trệ, dây dưa kéo dài không biết từ đâu và do đâu là công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô nằm trên địa bàn phường Thanh Nhàn. Một công viên dành cho tuổi trẻ tức là cho thế hệ hiện tại và tương lai của thủ đô, của đất nước, được bắt đầu tiến hành từ năm 1998, vậy mà trên khu đất theo điều chỉnh quy hoạch mới nhất (15/6/2010) là 26,43ha, sau 12 năm cho đến nay một công viên cho đúng nghĩa của từ này chứ chưa nói là công viên mang đặc thù tuổi trẻ vẫn chưa hoàn thành. Bà con thắc mắc đã nhiều lần, hỏi vì sao dân cho giải phóng mặt bằng đã lâu mà xây dựng vẫn ì ạch, hỏi vì sao công viên mà lại bị “tư nhân hóa”, cho những chủ kinh doanh các hoạt động này khác vào xây cửa hàng cửa hiệu, hỏi vì sao trong dịp tiến tới đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thành phố đã có chủ trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô (cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án công viên TTTĐ do Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Phí Thái Bình chủ trì ngày 25/8/2009) mà đến nay công viên vẫn dở dang ngổn ngang. Trước nay tôi chỉ đọc về chuyện này trên báo chí đã thấy khó chịu và mỗi lần đi ngang qua phố Võ Thị Sáu nhìn vào công viên chưa thành công viên đó tôi lại bức xúc, nhưng tâm trạng đó vẫn chỉ mới là của một công dân Hà Nội. Rồi đây nếu tôi trúng cử vào HĐND TP, thì với tư cách là một đại biểu được bà con cử tri quận Hai Bà Trưng bầu lên, tôi sẽ coi việc xây dựng công viên TTTĐ là một chủ điểm trong chương trình nghị sự của mình. Từ trên diễn đàn của HĐND TP tôi sẽ mạnh mẽ, kiên trì nói lên ý kiến của bà con và với quyền hạn được luật định của một đại biểu, tôi sẽ tích cực thực hiện quyền giám sát chấp hành các nghị quyết của cơ quan dân cử, trong trường hợp cụ thể này là về công viên TTTĐ. Nếu có dấu hiệu sai phạm hay tham nhũng ở đây thì tôi kiên quyết đấu tranh tới cùng. Đây là lời hứa thứ hai của tôi khi ra tranh cử. Lời hứa thứ nhất tôi đưa ra ở cuộc họp hôm trước là: Khi trúng cử, việc đầu tiên tôi làm trên cương vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố là lắng nghe nhân dân và lãnh đạo quận chúng ta trao đổi và đề xuất “những việc cần làm ngay” cho đời sống văn hóa của quận Hai Bà Trưng. Hãy bắt đầu từ một việc trọng tâm và cụ thể như vậy, để xem đại biểu dân bầu có thực quyền đến đâu và HĐNĐ TP có thực lực đến đâu.
Để thực hiện được lời hứa của mình một khi trúng cử, tôi mong được sự hợp tác, và kiểm tra, và giám sát, của bà con đối với tôi, cũng như đối với các đại biểu khác, và cả đối với HĐND TP. Mà nếu tôi không trúng cử thì tôi vẫn cùng bà con nói chung tiếng nói đề nghị chính quyền quận và thành phố đẩy nhanh dứt điểm việc xây dựng công viên TTTĐ trong thời gian ngắn nhất có thể. Bà con có thể liên lạc với tôi qua số điện thoại 0904277117, email:
tufs03@yahoo.com, và có thể vào đọc blog của tôi: phamxuannguyen.vnweblogs.com
Thưa bà con,
Trước cuộc bầu cử này để tôi có dịp gặp bà con hôm nay, mỗi người trong bà con và tôi, chúng ta không biết nhau, chúng ta cùng lẫn vào đám đông cần lao có tên gọi là nhân dân lao động, dù lao động của mỗi người ở từng ngành nghề khác nhau. “Nhà văn nhà báo nhà giáo... nhà nghèo”, những con chữ được rút ra từ đáy lòng cũng không đủ nuôi sống những người vẫn được xã hội coi là “kỹ sư tâm hồn”. Tôi làm văn học, nghĩa là thuộc giới những người làm văn làm thơ, nghiên cứu văn chương. Bà con sẽ hỏi văn thơ nghe thì thấy thích đấy hay đấy, nhưng có giúp ích gì được cho cuộc sống thực tế hàng ngày cơm áo gạo tiền níu kéo thúc bách, có giúp ích gì được cho chính quyền biết tâm trạng suy nghĩ của dân và cho bà con bày tỏ được thái độ với chính quyền, có giúp ích gì được cho việc giữ lại bộ mặt phố phường Thăng Long ngàn xưa đang có nguy cơ biến mất, cho ứng xử của người Hà Nội giữ được thanh lịch hào hoa, có giúp ích gì, có giúp ích gì... được không? Tôi xin thưa: có được. Nhà văn Nam Cao (1915 – 1951), giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, người đã được Hà Nội đặt tên đường ở gần hồ Giảng Võ, đã từng nêu lên một chân lý của văn chương và cuộc sống: “Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Giăng sáng). Chính nhiều cuốn truyện bài thơ đã phản ánh xác thực và sâu sắc hiện thực cuộc sống và những vấn đề nhân sinh khiến cho những người lãnh đạo và các cấp chính quyền được phê phán, được giật mình, được cảnh tỉnh, được nhận thức, để điều chỉnh, bổ sung các quyết sách lớn nhỏ phục vụ lợi ích của nhân dân, của đất nước, từ một địa phương đến toàn quốc. Văn chương giúp bà con bày tỏ được những nỗi niềm trước thực trạng cuộc sống một cách lắng đọng, xoáy sâu. Quá trình đô thị hóa là một mặt của công cuộc hiện đại hóa, đó là bước đi tất yếu nước ta phải trải qua trên con đường phát triển, nhưng trong quá trình ấy có những mất mát, những đau đớn của phận người, của lòng người, không thể gì bù đắp mà chỉ văn chương nghệ thuật mới có thể tạm làm khuây khỏa, nguôi ngoai. Đầu thế kỷ XX, Tú Xương “vẳng nghe tiếng ếch bên tai / giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò” khi “sông xưa rày đã nên đồng”. Thì đến cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI, cánh đồng đã bị/được chuyển đổi mục đích sử dụng:
Bây giờ ruộng đã bê tông
Cây đa đã cụt dòng sông đã què
Mái đình đã phẳng đường xe
Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa
Hội làng thì đã ngày xưa
Thôi anh đừng có tiễn đưa làm gì
Em chào thầy mẹ em đi
Làm ô-sin chẳng biết khi nào về
Heo may thổi dọc triền đê
Nghe câu dự án mà tê tái lòng
Người đi thì đã ngàn trùng
Người về đất có còn không mà về
Giật mình nửa tỉnh nửa mê
Cánh đồng quê, cánh đồng quê, cánh đồng...
(Trịnh Hoài Giang)
Văn thơ có ích là vậy. Hành trang ứng cử của tôi có những câu thơ lời văn xót xa này, bên cạnh những lời hay ý đẹp ca ngợi cuộc sống và con người của Hà Nội, của Việt Nam.
Bởi vì tôi được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội giới thiệu ra ứng cử. Và tôi được đưa về bầu tại quận Hai Bà Trưng, một quận có nhiều người lao động sinh sống.
Bởi vì “máu người đẻ ra thơ sao thơ lại hòng quên” (Chế Lan Viên). Thơ quên đời là thơ mất máu, và người được dân bầu mà quên dân là người mất gốc (“lấy dân làm gốc”).
Bởi vì người thanh niên Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ngay từ năm 1919 khi mơ về một nước Việt Nam theo chính thể dân chủ cộng hòa đã viết “Bảy xin hiến pháp ban hành / Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Nhưng đến nay chúng ta mới đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự.
Bởi vì văn thơ giúp nuôi dưỡng con người tâm hồn trong mỗi chúng ta. Theo một chuyên gia giáo dục, trong một con người chúng ta có bốn con người: thể xác, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần. Thể xác như cái bao bì, nó luôn đòi hỏi được thỏa mãn những nhu cầu vật chất hàng ngày, và chúng ta chiều chuộng thể xác hết mức, vì đó là con người sinh học. Nhưng một khi chỉ cung phụng và chiều chuộng con người thể xác mà quên đi ba con người tâm hồn, trí tuệ, tinh thần, thì con người có nhiều nguy cơ trở thành con thú, mất hết tính người. Nhiều chuyện đau lòng xảy ra trong xã hội ta thời gian qua như bố mẹ giết con, con giết bố mẹ, chủ giết người làm, người làm giết chủ, học sinh trả thù thầy cô, thầy cô cưỡng ép học sinh, quan chức mua dâm trẻ em, nam sinh nữ sinh đánh lộn nhau trong sân trường, ngoài đường phố, quay phim chụp lén những cảnh quan hệ nam nữ tung lên mạng..., có một nguyên nhân chính yếu là chúng ta đã “bỏ đói” tâm hồn, trí tuệ và tinh thần trong mỗi người, nhất là lớp trẻ. Cho nên trong khi con người thể xác ngày càng hung dữ thì con người tâm hồn bị khô cằn, con người trí tuệ bị còi cọc và con người tinh thần bị bạc nhược. Thực trạng đáng báo động của văn hóa Việt Nam hiện nay là sự xơ cứng và vô cảm như một vi rút gây bệnh hiểm nghèo đang lây lan nhanh và mạnh vào cơ thể xã hội, đe dọa phá hủy khủng khiếp những nền tảng giá trị truyền thống, dẫn tới sự băng hoại đạo đức trầm trọng và có thể làm suy yếu cả giống nòi, dân tộc, nếu xã hội không có một phương tiện đề kháng hữu hiệu. Văn chương, rộng ra là những giá trị thẩm mỹ lành mạnh và tích cực mà văn chương văn hóa mang lại, có thể giúp cho sự đề kháng đó.
Nếu tôi trở thành “ông hội đồng” thì tôi sẽ dùng văn thơ cũng như báo chí làm một kênh tìm hiểu xã hội, một nguồn thông tin cứ liệu tin cậy, một cây cầu nối giữa bà con và tôi, và một công cụ đắc lực, để thực thi tốt vai trò trách nhiệm mà bà con đã tin tưởng giao phó cho tôi bằng lá phiếu.
Thưa bà con,
Đại biểu HĐND ở cấp nào cũng là người được dân bầu làm đại diện của mình ở cơ quan quyền lực cao nhất của cấp đấy. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, đại biểu được dân bầu vào HĐND các cấp, cho đến cấp cao nhất là Quốc Hội, để làm đúng chức năng của mình thì đều phải tự mình trở thành miệng và tai. Miệng của nhân dân và tai của chính quyền. Khi đại biểu đến với dân là mang đôi tai của chính quyền để nghe dân nói hết, nói thật mọi điều bức xúc của cuộc sống mà dân muốn phản ánh, đề đạt tới chính quyền. Khi đại biểu họp hội đồng là dùng cái miệng của dân để nói thật, nói hết mọi điều mình đã nghe dân nói cho các cấp chính quyền nghe. Cơ quan quyền lực cao nhất ở các cấp chính quyền của ta trước đây phải nói thực là ít có tai và càng ít có miệng, nhiều đại biểu ở vào nơi được dân bầu nhưng thường là bưng tai ngậm miệng, không nghe dân nói và không nói cho dân nghe, họ ít hoặc không bao giờ đăng đàn ở các kỳ họp để nói những điều tai nghe được từ miệng dân để rồi truyền đạt lại cho dân những điều dân muốn chính quyền nói. Gần đây, hoạt động của Quốc Hội và HĐND ở một vài địa phương đã gần dân và vì dân hơn, đã dân chủ hơn, đã có những đại biểu thực sự làm được là tai của chính quyền và miệng của nhân dân. Tôi khi được bầu vào HĐND TP sẽ quyết tâm làm một đại biểu thẳng thắn, trung thực như vậy. Bà con nếu bầu cho tôi thì sẽ được một cái tai biết nghe điều phải, điều thật và một cái miệng biết nói điều đúng, điều thực. Tôi sẽ lắng nghe người dân ở quận Hai Bà Trưng và ở thành phố nói, các nhà văn nhà thơ Hà Nội nói, và tôi sẽ thay mặt họ phát ngôn lại và phát ngôn tiếp những tiếng nói đó trên diễn đàn HĐND TP nhiệm kỳ 2011-2016 khi tôi là một đại biểu được dân bầu. Nếu tôi không được bầu thì tai tôi vẫn nghe với tư cách khác và miệng tôi vẫn nói ở các diễn đàn khác, nhưng bà con sẽ thiếu đi một tai nghe và một miệng nói của tôi với tư cách đại biểu của bà con ở một diễn đàn quan trọng nhất là cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố. Đơn giản vậy thôi, cử tri hãy cân nhắc, để bầu hay không bầu cho tôi.
Xin cảm ơn bà con đã lắng nghe tôi.