Sáng nay (10/5) như lệ thường tôi mở hòm thư điện tử và cứ chắc mẩm là sẽ có thư của bác Trần Hoài Dương, bởi không lần nào tôi gửi email cho bác mà không nhận được trả lời ngay. Chả là cách đây 3 hôm tôi đọc được trên mạng một bài hay, liền chia sẻ với bác. Vậy là đã mấy ngày liền không có hồi âm, cứ nghĩ bác bận việc gì hoặc đi chơi đâu đấy mà chưa có thì giờ chek mail. Thế rồi tôi vào trang web của BBC, thấp thoáng ở dải băng giới thiệu bài mới, thấy có “Trần Hoài Dương”, tôi đã giật mình. Vào ngay chuyên mục, không thể tin được trước mắt mình dòng tít đậm: nhà văn Trần Hoài Dương qua đời!
Giờ đây các trang mạng đã tràn ngập bài chia xẻ nỗi đau buồn, sửng sốt của nhiều người trước sự ra đi quá đột ngột, lặng lẽ của nhà văn Trần Hoài Dương, người trọn đời viết cho tuổi thơ với một tấm lòng nhân hậu, trong trẻo lạ thường. Có lẽ trong số các bạn văn của ông, tôi là người ít được gần ông nhất. Ngày tôi gặp ông cách nay đã hơn 35 năm. Lúc ấy ông chưa lập gia đình. Tôi là lính, đơn vị đóng ở Hà Nội, tình cờ đọc được một truyện ngắn thiếu nhi của ông trên Văn nghệ và cũng đang tậm toẹ viết truyện thiếu nhi, đã đăng được vài cái trên tờ Thiếu niên tiền phong. Tôi tìm gặp, làm quen với ông trong căn phòng nhỏ hẹp ở phố Khâm Thiên (Hà Nội). Tuy buổi đầu mà chuyện trò với nhau rôm rả, tâm đầu ý hợp như đã quen từ lâu. Sức hút của ông với bạn bè trước hết chính là sự dịu dàng, chân thành của ông. Và tôi còn vài lần nữa trở lại thăm ông. Rồi bẵng một thời gian khá dài chúng tôi không có dịp gặp nhau. Khi tôi về báo Quân đội nhân dân (năm 1979), nghe tin ông đã thôi không làm ở báo Văn nghệ, chuyển hẳn vào Nam. Mãi đến Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII (2005), hôm ấy trong Hội trường Ba Đình, từ xa thấy tôi ông chạy lại và hồn hậu bắt tay rất chặt. Tôi thực sự cảm động, bao nhiêu năm xa cách vẫn không quên nhau! Đến Đại hội VIII (2010), vẫn vậy, ông tìm tôi hỏi chuyện vồn vã, còn lấy ra cái máy ảnh nhờ người bấm cho mấy kiểu làm kỷ niệm. Sau Đại hội, vừa về đến nhà là ông gửi ngay theo đường Internet mấy tấm ảnh ấy cùng những lời thăm hỏi, động viên. Ông còn gửi tặng tôi cuốn sách mới nhất của mình “Lá non”(NXB Văn học; Trung tâm văn hoá Đông Tây, 2010). Sau bao nhiêu năm đọc văn ông, vẫn là một phong cách đúng như trong lời tự sự của ông in ở bìa 4 cuốn sách “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn tất cả những gì tinh tuý nhất, trong ngần nhất để viết cho các em…” Tôi cũng gửi vào thành phố Hồ Chí Minh tặng ông cuốn tiểu thuyết “Một ngày là mười năm” mới tái bản nhân được giải Văn học sông Mê Kông và ông đọc xong, viết thư ra với những lời nhận xét khích lệ chân tình. Tôi cũng nói sơ sơ với ông là đang viết tiếp một cuốn mới, trong thư gần đây ông không quên hỏi thăm: “Tác phẩm của anh viết đến đâu rồi? Chúc anh sớm hoàn thành tác phẩm tâm đắc! Thân yêu THD”(email 22/4/2011). Khi tôi vừa hoàn thành một cuốn đó, viết khá nhanh vượt thời gian dự kiến, “khoe” với ông, thì ngay lập tức có email: “Bác Đẩu ơi, bác viết nhanh quá, chứng tỏ bút lực bác đang sung mãn lắm. Chúc mừng nhé! Chờ được đọc tác phẩm ưng ý của bác”.
Đau đớn thay, giờ đây tác phẩm của tôi cũng như của nhiều bạn bè khác mà ông đã hết lòng khích lệ, động viên không bao giờ đến được tay ông nữa, không bao giờ được ông đọc nữa. Thật hận trời già, người tử tế, người quân tử thì không cho tuổi thọ! Bác Trần Hoài Dương ơi, bác vội vã ra đi khi chưa kịp chạm vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, song về nhân cách nhà văn từ lâu bác đã là một mẫu mực “xưa nay hiếm” rồi. Cầu mong linh hồn bác được siêu thoát về nơi Cực lạc!
Ảnh: Trong đại hội Nhà văn VIII(2010), từ trái sang: Triệu Xuân, Trần Hoài Dương, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Trung Hiếu.