Chiều 6.5.2010 tôi gọi điện thoại cho Nhà văn Trần Quốc Toàn bảo anh rằng: Nhà ông gần nhà Trần Hoài Dương, ông tranh thủ chạy ngay sang ông Dương xem thế nào… Vì trước đó mấy phút tôi nghe Nhà thơ Cao Xuân Sơn nói hình như ông Dương mất rồi, mất mà không ai biết…
Sau lễ viếng Trần Hoài Dương ở Nhà tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh chiều 10.5, Trần Quốc Toàn kể: Lúc ông Chu gọi điện thoại cho tôi báo tin Trần Hoài Dương mất, tôi đang ở một trường trung học quận 5 chờ lên lớp giảng về Văn hào Đan Mạch Andersen (1805-1875), theo lời mời của nhà trường. May quá…tiết học bị hoãn, thế là tôi hộc tốc chạy về nhà Trần Hoài Dương.
Trần Quốc Toàn kể tiếp:
Lúc tôi đến nơi, công an vừa khám nghiệm thi thể ông Dương xong. Ông Dương nằm trên cái giường ở tầng 2. Trần Hoài Dương ở một mình nhưng nhà ông rất sạch sẽ, ngăn nắp. Trong nhà, ngoài di ảnh cha mẹ ông trên bàn thờ thì Trần Hoài Dương chỉ treo một bức ảnh chân dung duy nhất. Đó là chân dung Andersen. Không biết có sự trùng hợp linh nghiệm gì không, vì tôi nhìn chân dung nhà văn Đan Mạch thì lại nhớ chiều nay tôi cũng có tiết giảng về văn của ông. Lạ thế...
Vẫn Trần Quốc Toàn kể:
Tôi thu hai vật dụng quan trọng của Trần Hoài Dương đưa cho chị Trinh- vợ ông. Một là cái USB của máy tính, hai là cái điện thoại di động. Còn thư mời ông tới dự buổi lễ Kỷ niệm 35 năm ngày Thành lập Chi nhánh phía Nam của Nhà Xuất bản Kim Đồng thì tôi mang ra Cầu Kiệu hóa vàng cho ông. Tôi rút tập giấy cũ trong ba lô ra châm lửa mồi thì rơi ra một cái phong bì trong đó có 500 ngàn đồng. Thật kỳ lạ, đây là cái phong bì thù lao giảng bài tôi đã bỏ quên từ rất lâu, mà tôi thì đang…hết tiền.
Cứ như thể ông Trần Hoài Dương nhắc tôi vậy. Nếu tôi không hóa vàng giấy mời cho ông, có thể cái phong bì này lúc nào đó sẽ bị bỏ vào sọt giấy loại cùng với những giấy tờ linh tinh khác…
Qua Trần Quốc Toàn tôi mới biết Nhà văn Trần Hoài Dương. Tôi từng vài lần ngồi uống bia với ông ở quán gần nhà ông. Trước khi nói một điều gì, Trần Hoài Dương thường bảo: - Em xin có ý kiến với các bác thế này. Em xin thưa với bác A, bác B thế này…
Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên về cách xưng hô của ông với em út, sau thì thấy bình thường. Trần Hoài Dương vốn thế: Điềm đạm, nhỏ nhẹ, chậm rãi và rất khiêm nhường. Nhưng ông không hề rụt rè, thu mình lại, cầu an yếm thế đâu nhé. Ông rất kiên quyết với các thói xấu và sự vụ lợi của người đời.
Tôi còn nhớ rất rõ buổi gặp mặt các Nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho chuyến đi dự Đại Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII( Nhiệm kì 2010-2015) tại Hà Nội. Một quan chức văn nghệ phát biểu rằng: Thay mặt toàn thể Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có mặt tại buổi gặp mặt này, chúng tôi trân trọng cám ơn đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo Thành ủy đã quan tâm cấp tiền máy bay cho anh em Nhà văn ra Hà Nội dự Đại hội…
Trần Hoài Dương giơ tay phát biểu rằng:
- Đồng chí phát biểu thế là không đúng. Nhân thể có đồng chí Ba Đua tại đây, tôi xin nói rõ. Tiền máy bay mà các Nhà văn được hỗ trợ là tiền thuế của dân. Tiền thuế của các bà mẹ buôn thúng bán bưng, của các em bé bán rau, bán ớt ngoài chợ cấp cho chúng ta. Thành ủy và đồng chí Ba Đua chỉ là người có trách nhiệm chuyển cho chúng ta mà thôi… Vì vậy, tôi đề nghị các nhà văn hãy nghĩ đến trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước bạn đọc…
Hội trường vỗ tay….
Có nhiều bài viết cảm động về Trần Hoài Dương khi ông vĩnh biệt trần gian. Có nhiều câu chuyện hay dở ngoài văn chương về ông. Có người bảo bữa trưa 5.5 ông đã uống nhiều bia với ông Huy Thắng nào đó( Không phải ông Nguyễn Huy Thắng hiện là Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Kim Đồng đâu nhé). Trần Hoài Dương vui quá vì nghe nói đã được xét Giải thưởng to to gì đó, nên ông quá chén…
Tôi nghĩ, ai thì có thể mừng hí hủm như thế, chứ Trần Hoài Dương thì chưa chắc…
Sáng nay, ngồi buồn buồn tôi tìm trên giá sách cuốn Truyện chọn lọc(NXB Văn học, 1998) Nhà văn Trần Hoài Dương tặng tôi. Bữa đưa sách cho tôi ông bảo: Mình xin lỗi, vì sách có ít bản in quá, một số bạn hữu mình phải tặng bản photo như tặng ông đây, thông cảm nhé.
Tôi thầm nghĩ: Ui dào, tiểu tốt vô danh như mình được ông nhớ đến và tặng sách là quý rồi. Đọc văn của ông ấy chứ đâu phải đọc cái sự sang trọng của bìa cứng, mạ vàng…
Tôi nhìn chữ ký của ông dưới dòng đề tặng: Ông viết rõ hai từ hoài dương không dấu. Đuôi của chữ g từ mép dưới bay ngược lên tận mép trên của trang sách.
Hôm ông tặng sách tôi là ngày 11.3.2005. Thoắt cái đã 6 năm. Thoắt cái ông đã về bên kia đường chân trời…
Sài Gòn, 12.5.2011.
VDC