Kính thưa Thầy Chủ nhiệm Vũ Thái Bình kính mến,
Kính thưa toàn thể các Thầy Cô giáo,
Thưa toàn thể các bạn thân mến!
Cách đây 50 năm, một nửa thế kỷ, vào một ngày tháng 8, mùa thu, năm 1961 lịch sử ... Cùng hàng ngàn bạn trẻ tới tựu trường Sư phạm Hà Nội tại 67 phố Cửa Bắc, trong đó có 52 chàng trai, cô gái (23 trai; 29 gái) được xếp vào lớp Toán - Sinh B.
Trong buổi hội ngộ đầu tiên ấy, tất cả còn ngỡ ngàng, xa lạ, mới mẻ; lại càng thêm thảng thốt với cái tên gọi “Giáo sinh”, nghe sao nghiêm trang mà cũng cao sang đến thế! Nhưng rồi, tất cả đều mau chóng trở nên gần gũi, thân thiết... Khi thầy chủ nhiệm Vũ Thái Bình xuất hiện, với thái độ chân tình, cởi mở, thầy từ tốn đọc tên, điểm danh từng người một, cũng là để mọi người làm quen với nhau.
Kỷ niệm của ... “Cải thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên!” (Xuân Diệu)
Rồi sau đó là 2 năm miệt mài đèn sách, rèn dũa dưới mái trường Sư phạm, trong một môi trường và không gian học đường mẫu mực, lý tưởng mà mỗi chúng ta không thể nào quên.
Quên làm sao được, các giờ học Toán của thầy Vũ Thái Bình cuốn hút, say mê, đầy trí tuệ và tư duy logic, bởi công phu dẫn dắt và hệ thống kiến thức rất khoa học của thầy.
Rồi đến các giờ học Sinh vật thật sinh động, như ùa vào lớp học cả cỏ cây, hoa lá, chim muông... Rồi đến các học thuyết Đác-uyn, Mít-su-rin, Măngđen- Móc-gan... đầy cuốn hút theo giọng nói dịu hiền của cô Nguyễn Thị Hợi, mà đến bây giờ, chúng ta chưa thể gặp một cô giáo nào có thể dịu hiền mà yêu thương học trò đến thế.
Đến các giờ học chính trị khúc triết, hào sảng, hấp dẫn, cuốn hút say mê và lạc quan cách mạng đến thế của Giáo sư thần học Nguyễn Trọng Vĩnh còn hơn cả nghe cha giảng đạo.
Có thể nào quên những tiết học Hóa với giọng sang sảng của cô Phạm Thị Bảng và kỷ niệm của tiết học xảy ra vụ nổ trong bình kíp khi điều chế khí Metan ngay tại bục giảng. Tiếng nổ làm long cả các ô kính trong phòng thí nghiệm, mà ngay sau làn khói vừa tan, khi chúng ta còn đang bàng hoàng thì cô đã nở nụ cười điềm tĩnh đến kinh ngạc, giúp mọi người bình tâm trở lại. Đó là một bài học về bản lĩnh nhà giáo cho mỗi chúng ta.
Bộ môn “Tâm lý học” mới mẻ làm sao, nhưng với giọng giảng bài khi sôi nổi, lúc thủ thỉ tâm tình, vương vấn tâm linh... dẫn dắt chúng ta nhập tâm, như bay bổng vào thế giới nội tâm con người. thế giới tâm lý lứa tuổi học trò... vô cùng hấp dẫn, được dẫn dắt bởi cô giáo có tên gọi rất đẹp: Cô Vũ Vân Tiên.
Cũng có thể kể đến các tiết dạy Thể dục của thầy Thịnh, kỹ thuật của cô Yến, Nhạc của nhà giáo - nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ,... đều để lại những kỷ niệm không thể phai mờ.
*
* *
Còn những kỷ niệm về bè bạn thì sao? 52 con người nhập lớp đầu tiên sao mà ngây ngô, trẻ dại đến thế! Mới chỉ có 4 người bước vào tuổi 20, trong đó có 2 người cao tuổi nhất mới có 22 tuổi, là anh Vương Hữu An và chị Đinh Thị Nguyệt. Kế đến 2 người vừa tròn tuổi 20 là Hoàng Thị Uyên và Nguyễn Thị Liêm (mà hôm nay chúng ta sẽ mừng thọ tuổi 70 của các chị).
Còn lại 48 người mới ở độ tuổi 17-18 (trong đó: 18 người tuổi 17; 16 người tuổi 18), đặc biệt còn có 4 bạn mới 16 tuổi là: Trần Bảo Quý, Trần Thị Thụy, Nghiêm Xuân Trường và Trần Thị Hằng.
Qua lưu ảnh của từng người ở Phòng truyền thống của lớp (dừng lại nói đôi điều về “Phòng truyền thống của lớp” - có 1 không 2) rồi sau này thầy Bình giữ gìn, chuyển lại mà tôi đã in ấn vào cuốn “Kỷ yếu lớp Toán Sinh B” (mới phác thảo) và đã đến tay nhiều bạn cách đây 2 năm; chúng ta đều ngỡ ngàng khi nhìn lại mình và bè bạn cách đây 50 năm sao mà ngồ ngộ và đáng yêu đến thế.
52 thành viên ban đầu, sau khoảng 1 tháng tiếp nhận thêm 5 chị đã là giáo viên được cử đi học Nâng cao (đó là các chị: Nhung, Hải, Lý, Trang, Duy Dung) tạo nên tập thể lớp Toán Sinh B hoàn chỉnh với 57 thành viên hợp thành lớp Đồng môn gắn kết chúng ta suốt 50 năm qua.
*
* *
Cùng với tình cảm thầy trò và bè bạn là tình cảm của chúng ta với mái trường Sư phạm thân yêu. Tôi xin nói cảm nghĩ của mình và tin rằng đó cũng là cảm nhận của nhiều bạn học cùng lứa. Là một người trọn đời gắn bó với Giáo dục, với nhà trường, tôi đã qua nhiều trường nổi tiếng như Cấp 3 Xuân Đỉnh - lá cờ đầu toàn quốc (tôi vốn là học sinh trường này trước khi vào Sư phạm), đến Bắc Lý (nhà trường Anh hùng), kể cả sau này có thời gian trong quân đội,... nhưng chưa thấy ở đâu có được nền nếp và kỷ luật vừa nghiêm túc và tự giác đến thế. Hàng ngàn giáo sinh, với mấy chục lớp, mà ngày nào cũng hàng ngũ chỉnh tề, đi lên cầu thang sàn gỗ mà không nghe có tiếng bước chân. 5 phút chuyển tiết nào cũng vang lên tiếng hát tập thể hào hùng. Giờ học ban ngày, hay tự học buổi tối, tất cả các lớp đều im phăng phắc như ở thư viện quốc gia. Từng ô kính quanh năm không dính bụi vì được lau chùi hàng ngày. Các buổi sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, văn nghệ, TDTT... thật sôi nổi. Rồi đến các đợt đi lao động ở Nông trường Rạng Đông, Nông trường Vân Tĩnh, Cơ sở lao động ở Vĩnh Phúc. Các đợt tham quan ở Khu gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Việt Trì, Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, đến bãi biển Hải Thinh,... đã mở rộng tầm mắt chúng ta - những người vốn chưa mấy ai ra khỏi đất Hà Nội, không chỉ giúp chúng ta thêm yêu đất nước, mà còn gắn kết chúng ta tình thầy trò, bè bạn.
Hai năm được nhà trường rèn dũa, tôi luyện giúp chúng ta trưởng thành nhanh chóng. Hai năm làm Giáo sinh, đã giúp chúng ta từ những học sinh thơ ngây trở thành những thầy cô giáo thực thụ; gắn bó và theo suốt chúng ta đến trọn vẹn cuộc đời.
Hai năm chỉ là khoảnh khắc hữu hạn trên hành trình vô hạn, vô thủy, vô chung của thời gian. Hai năm ấy là năm tháng vàng mười, tạo nên những nhân cách vàng mười, của thời kỳ vàng mười!
“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng
Trông lại ngàn xưa, trông tới mai sau!”.
(Tố Hữu)
Bởi “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?!” (Chế Lan Viên).
Đó là cảm xúc của 50 năm về trước! Hôm nay vẫn còn vẹn nguyên, tươi rói.
*
* *
Kính thưa các thầy cô, cùng toàn thể các bạn hữu!
50 năm, một nửa thế kỷ đã trôi qua... “Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông” (Thơ Nguyễn Khoa Điềm); biết bao vật đổi, sao dời và mỗi con người chúng ta cũng vậy!
Thầy Vũ Thái Bình sau khi chủ nhiệm khóa chúng ta, rồi qua 2 nhiệm kỳ đi làm chuyên gia Giáo dục xa cách chúng ta nửa vòng trái đất, giữa hai nhiệm kỳ đó là thời kỳ thầy làm Hiệu trưởng trường Cấp 3 Chu Văn An danh tiếng bậc nhất quốc gia. Đó cũng là thời điểm khởi đầu cho các cuộc hội ngộ của lớp chúng ta. Từ đó tới nay, với gần chục lần họp lớp, thầy đều tới dự (trừ 1 lần ở nước ngoài). Thầy luôn luôn là hạt nhân tập hợp và gắn kết chúng ta.
Với thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư thần học ngày nào, sau trở lại quân đội trong những năm chiến tranh, trở thành sĩ quan cao cấp và hiện tại là người sáng lập và làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu danh tiếng bậc nhất ở Hà Nội; bản thân thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú”. Kể từ ngày liên lạc được với Thầy, năm nào thầy cũng đến dự với lớp ta.
Đến cô Nguyễn Thị Hợi, nhà chuyển từ 62 Hàng Bạc quý phái, vàng son ra vùng ngoại ô Cầu Diễn, gần với thiên nhiên, thế giới sinh vật bộ môn của cô, mà bé Hương ngày nào (con gái cô) nay đã trở thành người kế nghiệp cô xuất sắc, chuyên gia giảng dạy trên truyền hình trong chương trình khoa giáo của VTV2... cả 5 lần họp lớp gần đây, cô đều tới dự.
Rồi đến cô Bảng, cô Vân Tiên... đã bước sang tuổi “bát thập cổ lai hy” khi yếu đau đi không vững, nhưng vẫn đến với lớp chúng ta trong một số lần gặp mặt.
Xin cho phép em được thay mặt tất cả các bạn bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc về những tình cảm của các thầy cô đã giành cho chúng em!
*
* *
Kính thưa các thầy cô, cùng toàn thể các bạn hữu!
Trong giờ phút xúc động được gặp lại thầy xưa, bạn cũ... tay bắt, mặt mừng của buổi hội ngộ hôm nay, em xin phép được kết thúc bài phát biểu mở đầu cho cuộc tọa đàm hôm nay bằng mấy câu của một vị thiền sư, tiền nhân đáng kính, từ một bản thư pháp nổi tiếng; xin đọc lại để kính tặng thầy, cô và các bạn:
“Trăm năm trước
thì ta chưa có!
Trăm năm sau
biết gặp lại không!
Cuộc đời
sắc sắc
không không!
Thôi thì hãy sống
hết lòng
vì nhau!”.
Kính chúc các Thầy, Cô giáo, cùng toàn thể các bạn:
Mạnh khỏe, An khang, Thịnh vượng, Hạnh phúc!
Chúc buổi hội ngộ đồng môn của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp.
Nhật Tân - Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2011
TRƯỞNG BAN LIÊN LẠC
ĐỒNG MÔN TOÁN SINH B
Lưu Sĩ Quý