Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRỜI ĐƯA ANH ĐẾN CÕI THƠ

Đỗ Minh Tuấn
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2011 6:25 AM
Tham luận Hội thảo Thơ Mai Văn Phấn-Đồng Đức Bốn

Dai dẳng triền miên trong thơ Đồng Đức Bốn là cuộc  kéo co giữa Trời và Người, giữa giữa siêu thoát và tục luỵ, giữa  khuôn khổ lục bát và cái cuồng phóng ngang tàng của hồn hoang thi sĩ. Dường như Bốn muốn trả bút cho Trời, nhưng Trời vẫn chưa chịu giải phóng Bốn để trở thành nhà thơ hoàn toàn trần thế. Vì thế, cho đến lúc này, thơ Bốn vẫn là sự pha trộn giữa những lời mặc khải, phán bảo và những lời  tự thú, than van...

Bằng câu lục bát của Trời cho anh

Đồng Đức Bốn là một tín đồ của thơ, nhưng anh không hề đam mê thơ mù quáng mà có ý thức rõ ràng về những trả giá lớn lao khi đã quyết chọn thơ làm lẽ sống. Tất cả những bất hạnh mất mát lớn lao trong đời thực được Bốn tính cả vào sự trả giá cho thơ. Có lúc Bốn tâm sự với bạn bè rằng trời cho Bốn được mấy câu thơ mà bắt Bốn trả giá bằng cái chết của hai đứa con yêu dấu. Thấy thơ nguy hiểm vậy mà Bốn vẫn lao theo, chứng tỏ với Bốn thơ ca là định mệnh. Bốn coi thơ là thứ lộc thiêng đến đáng sợ của Trời, là thứ đáng kính thờ không thể đem ra đùa giỡn: “Một nước không thể hai vua/Một thơ không để trò đùa thế gian”.

Bốn coi thơ lục bát là cõi hoá thân, là bản mệnh của mình: “Ơn Trời cho những tái tê/Tôi thành lục bát mải mê chợ buồn”. Lục bát là ngôi vị cao nhất để nhà thơ tôn vinh người yêu: “Em là lục bát của tôi/Tôi là hạt bụi xa xôi của người”. Chưa có ai ca ngợi người yêu theo cách ấy. Không phải em là nữ hoàng, là tiên nữ, là Thần hộ mệnh, là câu kinh như bao nhiêu thi nhân khác hằng ca ngợi. Em chỉ là “lục bát của tôi” thôi, nhưng xem ra, với nhà thơ không có danh hiệu nào cao quý thiêng liêng hơn thế nữa. Vì lục bát chính là bản mệnh, là Thượng đế, là ngai vàng kiêu hãnh của nhà thơ!

Lục bát, với Bốn là một cái gì cao hơn một công cụ, một người bạn, một chiến binh. Bốn coi lục bát là thứ lộc trời cao sang, là ngai vàng một cõi, là bản thể văn hoá, là lưỡi gươm chinh phạt, là máu thịt gia đình và công đức mẹ cha. Say mê một thể thơ, biến thể thơ ấy thành một thế giới, một cốt cách thi nhân, một danh hiệu cao sang, một bùa phép diệu kỳ, một quyền lực tối cao - xưa nay chỉ có Ðồng Ðức Bốn là làm được cái việc kỳ diệu ấy.

Trở về với mẹ ta thôi

Thơ Bốn có rất nhiều câu hay bộc lộ cái tâm trạng vu vơ lửng lơ như những vật thể bay trong không gian, mất đi lực hút của những mục tiêu, kế hoạch và lý tưởng. Ta xúc động vì chính cái vô mục đích, cái chân thành, cái vu vơ của đời sống thi nhân. Nó phát lộ một cảnh ngộ cô đơn, bị bỏ rơi và phản ánh một tâm thế, một thân phận, một chuỗi ngày đầy bất trắc không có  gì có thể tiên liệu trước. Hồn thơ của Bốn là thứ hồn hoang quê mùa”.  Cõi thơ của Bốn là Cõi không, cõi vu vơ, “cõi đi về bơ vơ “, cõi “hồn hoang cỏ dại”.

Không phải ngẫu nhiên trong thơ Bốn cỏ dại xuất hiện nhiều đến thế. “Nhìn đâu cũng cỏ như vừa lên xanh”. Cỏ  là một thứ bản thể của thi nhân tự thú và ám ảnh. Bốn tìm thấy sự đồng dạng giữa mình và cỏ dại trong những phẩm chất tự do, phóng khoáng, hoang dã, giang hồ. Hiện lên chập chờn sau những tiếng than van cô đơn của kẻ thất tình là hình ảnh một người con gái bất định, vô danh. Ðó là một cô gái quê mà thi sĩ từng rình rập, từng đau đớn, từng tìm thấy ở đó một ảnh hình kết tụ tất cả những gì thi vị và màu nhiệm của quê hương đồng nội.

Yêu em dẫu phải đốt trời/ Cũng vui vẻ chết như chơi vườn đào”. Thi nhân đã sẵn sàng dâng tặng cho tình yêu cả cuộc đời mình, cả linh hồn lục bát của mình, nhưng cái chết và hư vô vẫn không đáng sợ với anh ta, vì sau cái chết, sau hư vô anh ta vẫn còn một CÕI VỀ, đó là người mẹ. Người mẹ chân quê trong thơ Bốn còn cao hơn cả ngai vàng, mạnh hơn cả cái chết, bền hơn cả tình yêu. Nhà thơ ý thức rõ tình mẫu tử còn sống mãi, xuyên qua cái chết, kéo dài xuống tận cõi âm: “Trở về với mẹ ta thôi/Kẻo khi chết lại mồ côi dưới mồ”. Bốn đã đem đến cho thơ ca Việt nam những câu thơ lục bát viết về mẹ cực hay, có thể sánh với những câu thơ hay nhất viết về mẹ xưa nay. Người mẹ “Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ “ trong thơ anh luôn hiện lên trong gió nư một ảnh hình vừa hiện thực, vừa huyền thoại, được đan dệt bằng cả mưa nắng, bùn lầy, những rác rưởi lông vịt chè chai và những câu ca sâu thẳm đớn đau. “Mẹ ra bới gió chân cầu/Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi”. Mẹ lặn lội gió mưa để tìm trong hư vô một cái gì đó, không chỉ là miếng cơm manh áo và tiền bạc, mà còn là những thứ quý hơn vàng như tình đời và những lời ca vùi lấp trong lãng quên.

Bên trời cải vẫn nở hoa

Nếu như ngọn cỏ là cái thực tại hoang dã dưới bước chân thi nhân, thì cây cải trong thơ Bốn là sự thăng hoa lung linh giữa trời và đất. Cây cải là thiên nhiên, là quê hương, nhưng cũng là hình ảnh người yêu. “Mỗi lần cây cải nở hoa/Thì tôi lại nhớ người ta chưa về”. Và thi nhân trở thành kẻ dấn thân miên man, “Vào rừng tìm mãi một hoa cải ngồng”. Dù cuộc kiếm tìm cây cải ấy có lúc vô vọng, khiên thi sỹ thấy thương mình, thì cây cải vẫn luôn luôn sống trong cõi thơ của Bốn như một hình ảnh lộng lấy thi vị nhất, mang cái bản lai diện mục của quê hương bàng bạc màu thiền đứng giữa trời và đất.

Tia nắng mảnh, giọt mưa mau, nhành hoa cải rực vàng, chùm hoa cau trắng muốt, thảm cỏ mướt xanh, con thuyền trong đêm trăng... tất cả thiên nhiên trong thơ Bốn đều thấm đượm nỗi đau kín đáo của tình yêu, nhưng đều bàng bạc một sức sống nhiệm màu làm nên một cõi thiêng, thản nhiên và tình tứ.Mỗi lần cỏ dại trên đê/Chim ngói đi thả bùa mê khắp đồng. Cái thế giới của bùa mê thi vị, ngẩn ngơ và huyền diệu đó đã làm cho gã người tình trong thơ Bốn ngày càng bớt đi cái mạnh mẽ thô tháp của ngày xưa, dần dà pha trộn vào thiên nhiên cả nỗi khát khao chiếm đoạt ồn ào và sự lặng im thanh thản trước hư vô. Từ kẻ báng bổ thánh thần, nghông nghênh nơi đền đài miếu mạo, Ðồng Ðức Bốn đã tỏ ra thuần dưỡng được lý trí và dục vọng bằng sự khai mở nhãn quan tôn giáo, phát lộ một cảm quan về cái vĩnh hằng, về một cõi thiêng. Sự mở rộng cõi thơ của Bốn vào thiên nhiên và tôn giáo đã tạo cho thơ lục bát của Bốn có một sắc thái thẩm mỹ mới tinh tế hơn, phong phú hơn, dữ dội hơn và cũng thiền hơn. Có thể nói, từ đây, cõi thơ của Bốn là tổ hợp của “cõi không”,  “cõi  vu  vơ” và cả cõi “hồn hoang cỏ dại”.

Các nhà thơ Thiền của Phương Ðông luôn luôn hướng tới trải nghiệm những điều kỳ diệu man mác lửng lơ bâng quơ trong trời đất. Hoa vẫn là hoa, mưa vẫn là mưa ở trong đời thực, nhưng hoa, lá nắng mưa còn toả ra một thứ ánh sáng lung linh, thăm thẳm và huyền diệu của cõi đạo mênh mang. Thi nhân không đạt tới tâm thế của thiền sư hồn nhiên và khoáng đạt thì không thể nào nắm bắt và thể hiện được điều thú vị man mác, nhẹ nhàng trong trời đất.

Không ít những câu thơ của Bốn đá đạt tới cái bâng khuâng man mác, cái hư vô bàng bạc của thơ Thiền. Chàng thi sĩ si tình vẫn mãnh liệt và ngẩn ngơ như trước, nhưng giờ đây chàng đã biết thưởng ngoạn những run rẩy tâm linh để tìm kiếm trong tôn giáo và hư vô một chút bùa mê huyền diệu, một chút buồn tê tái, thanh cao. Nói lan  man, nghĩ vu vơ, nửa triết lý, nửa suy tư, nửa tỉnh táo, nửa cuồng say – đó là cái khẩu khí thơ hòa trộn phong độ cuồng phóng, mộng du trong đời thực với cảm hứng  tôn giáo và ma thuật. Vì thế,  dù thơ Bốn rất nhiều những mệnh đề có vẻ mòn sáo như “đá vàng”, “trầu cau”, “giông bão”, ta vẫn thấy thấm đượm hồn hoang của ca dao và cái thăm thẳm vu vơ của những lời sấm, lời kinh.

Nói Bốn là “kẻ mượn bút của Trời”, trước hết là nói về cái hồn ca dao thấm đẫm trong  thơ anh. Bốn không chỉ mượn cách nói, cách cảm, cách nghĩ của ca dao, mà  còn như nhập vào hồn vía của ca dao để lên đồng chữ nghĩa. Nếu nói rằng, giờ đây Bốn đã muốn trả bút cho Trời để viết bằng nỗi đau và trải nghiệm của riêng mình, mà chưa trả được, thì cũng có thể nói rằng:  Trời vẫn còn mượn trái tim của Bốn  để cất lên những tiếng nói ngàn đời thăm thẳm của nhân dân – những tiếng nói tưởng chừng đã lặn tắt trong thế giới tràn đầy tiếng kim khí, kim tiền của thời đại đổi mới và hội nhập./.