Có những bài ca không đơn thuần chỉ là những nốt nhạc, tiết tấu hay lời ca mà còn là cả ký ức trong mỗi tâm hồn con người. Để rồi, có lúc chỉ thoáng nghe qua những giai điệu ấy, trong ta chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày thơ ấu. Từ khi còn nằm trong nôi, chúng ta đã được nghe những bài hát ru mượt mà chan chứa yêu thương cùng dòng sữa ấm nóng của Mẹ. Và cứ thế, đời sống của con người gắn bó với âm nhạc bằng sợi dây vô hình như thể không bao giờ chia cách. Âm nhạc khiến ta chợt vui, chợt buồn, chợt thổn thức, cũng giống như những nốt nhạc thăng trầm của cuộc đời. Và cũng thật kỳ diệu, âm nhạc khiến mọi lứa tuổi đều mê hoặc. Một bài hát hay, không chỉ có ý nghĩa và cảm xúc dâng tràn, mà còn phải kể đến cái tài của người nhạc sĩ. “Khúc hát sông quê” (Thơ: Lê Huy Mậu) đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chắt lọc thành một ca khúc dâng đời, tặng người đi thẳng vào lòng các thế hệ người Việt. Và hôm nay, nơi thành phố Sài Gòn ồn ào, tấp nập, tôi bỗng bắt gặp được sự giao thoa cảm xúc giữa nhà thơ và người nhạc sĩ trong “Khúc hát sông quê”.
Vâng, phải chăng đó là sự tương đồng về tình yêu quê hương tha thiết của Lê Huy Mậu và Nguyễn Trọng Tạo. Không có trái tim yêu thương đa cảm như thế thì nhà thơ và nhạc sĩ cũng không thể viết lên được khối tình cảm chân thành, sâu đậm trong “Khúc hát sông quê”. Văn Công Hùng đã từng nói vui vui như thế này: Từ ngày Nguyễn Trọng Tạo phổ bài “Khúc hát sông quê” đến nay, Lê Huy Mậu nhậu mệt nghỉ. Di động có khi nghẽn mạch nếu Ti Vi lúc ấy đang có Anh Thơ với Khúc hát sông quê. Có lần thấy TV đang có khúc hát sông quê, tôi thử nháy máy, cả nửa tiếng vẫn chưa hết bận. Có lúc Lê Huy Mậu đùa: Nhiều khi xấu hổ quá vì nghe người ta ca mình, đành phải bấm bụng phôn cho Nguyễn Trọng Tạo, không ít lần đêm hôm khuya khoắt cũng phải gọi Bác ấy, để nói rằng: Vinh quang của bác, bác vào mà nhận lấy, em mệt lắm rồi. Đúng ra, vinh quang thuộc về hai Bác mà mỗi người biết đến “Khúc hát sông quê” cũng đều trầm trồ khen nhà thơ sáng tạo, người nhạc sĩ tài ba. Thu hút lòng người nhất ở “Khúc hát sông quê” là những lời ca mang tính dân tộc bất hủ và giá trị tình cảm sâu sắc mà ai cũng thấy mình có một dòng sông bên đời.
Trong nỗi buồn của một con người xa xứ bao năm nay, nghe “Khúc hát sông quê” tôi thấy được mình trong đó, đến với “khúc hát sông quê” tôi thấy được an ủi hơn nhiều… Ấy là sự hoàn thiện cho khoảng trống tâm hồn của nhau. Tôi tìm được “hương đồng gió nội” - hình ảnh quê hương thân yêu như hiện lên trong “Khúc hát sông quê”. Cảm xúc nghẹn ngào những giọt nước mắt chỉ chực tuôn ra… và tôi nhớ con sông quê da diết:
“Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn
Từng hạt phù sa tháng Ba tháng Bảy
Từng vị heo may trên má em hồng
Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng
Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm
Cùng một bến sông con trâu đầm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng...”
Chắc không phải ngẫu nhiên Nguyễn Trọng Tạo vẫn giữ nguyên tên cho bài hát như thế. Đó là sự ấp ủ về hình bóng quê nhà, với sự bắt gặp tứ thơ của Lê Huy Mậu đã làm nhạc sĩ tăng thêm sự đồng điệu. Bài hát được mở đầu là sự khắc khoải, trăn trở của một con người xa quê bao năm: ”Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê”. Tình yêu quê hương sao mà sâu nặng đến thế! Vì cuộc sống “cơm áo không đùa với khách thơ”, ta lăn lộn, chìm nổi nơi xứ người - một đời người kể ra cũng dài đấy, nhưng ngoảnh đi, ngoảnh lại thì đã “quá nửa đời phiêu dạt” rồi. Đắng, cay, chua, ngọt đều đã trải qua, không có gì phải ân hận cả. Nhưng có lẽ nỗi niềm day dứt nhất đối với Nguyễn Trọng Tạo là hình ảnh quê nhà. Ở nơi ấy là cả một nỗi niềm còn bỏ ngỏ, với những con người quê hiền lành, chất phác, với con sông quê đục, trong theo chiều dài lịch sử… Hình ảnh “Con lại về úp mặt vào sông quê” như một lời tạ lỗi mà nín thinh, nghẹn ngào chẳng thể thốt được lên điều gì khác. Khi trở lại dòng sông tuổi thơ, người ta như muốn được vỗ về, chở che, an ủi. Con sông được ví von như lòng người mẹ bao dung, vị tha: “Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở con đi qua chớp bể mưa nguồn”. Bởi thế mà Chế Lan Viên từng viết:
“Dù con lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”
Sau bao năm xa cách, người thi sĩ, nhạc sĩ “như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa” mẹ. Thế mới biết quê hương quý giá và ý nghĩa đến nhường nào:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
(Đỗ Trung Quân- Giap Văn Thạch)
Hình ảnh con sông quê hiện lên trong tiềm thức của người xa quê trong sự trở về như muốn vỡ òa trong niềm thương nỗi nhớ. Đó là những giọt “phù sa tháng ba, tháng bảy” và nơi đây chứng kiến những kỷ niệm mối tình đầu “từng vị heo may trên má em hồng”. Khi cơn gió mùa se lạnh tràn về, một sớm mai thong thả dắt trâu ra đồng, bỗng chợt thấy cả bãi bồi bừng sáng trên “đôi má em hồng”. Có lẽ ngày ấy những mối tình tuổi thơ bắt đầu từ những điều giản dị nhất, như lẽ tự nhiên, như quy luật của đất trời, như đón nhận một vật phẩm mà trời ban cho con trẻ. Và, phải đến sau này, khi đã xa rời tuổi thơ gắn liền với con sông quê yêu dấu, xa những “giọt phù sa” ấy, thì cái nhớ mới dội vào lòng những thanh âm thời gian vô tận. Đủ cảm và hiểu rằng màu “phù sa” của sông ấy chứa đựng những ám ảnh. Con sông ấy, chẳng cần hẹn hò mà cứ tần tảo như bàn tay của người mẹ, mơ màng như mắt thiếu nữ đêm trăng, đằm thắm như ký ức ngọt ngào, êm đềm như mặt nước phẳng phiu, không có bão tố… và đằng đẵng như nỗi đợi chờ… ”con lại về úp mặt vào sông quê”. Không biết con sông ấy đã nuôi dưỡng cho bao nhiêu tâm hồn trẻ nhỏ thắp lên những ước mơ bỏng cháy, cho bao nhiêu giai điệu, thanh âm cất lên giữa bộn bề thường nhật, cho bao nhiêu mối tình kết trái đơm hoa, cho tiễn đưa thêm lưu luyến. Người đi thì quay quắt nhớ, người ở thì vàng võ ngóng trông. Hẹn ước những mùa trăng. Để rồi đó đây trên hành trình của chuyến đò đời, chỉ cần bất chợt gặp lại hình ảnh ấy là như gặp lại chính mình…
“Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng
Ơi con sông quê, con sông quê
Ơi con sông quê, con sông quê
Con cá dưới sông cây trồng trên bãi
Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm “
Cả nhà thơ và nhạc sĩ đều phải thốt lên tiếng gọi thân thương, tha thiết “Ơi con sông quê, con sông quê” như chính khúc ruột của mình. Đây là tiếng gọi của sự trở về sau bao năm xa cách. Ta nghe trong đó như tiếng gọi dồn dập: Sông ơi, ta đã trở về đây, để tìm lại nỗi niềm, để sống lại kỷ niệm một thời “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”. Xa quê, xa cả con sông - có thể nói đó là nỗi đau nhất với một người nặng tình, đa cảm, sâu sắc như nhà thơ Lê Huy Mậu và nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Điệp khúc “Ơi con sông quê, con sông quê” được điệp lại nhiều lần, như càng làm tăng thêm nỗi nhớ da diết, khát khao cháy bỏng trong ngày trở về. Nguyễn Trọng Tạo sắp xếp lại bài thơ thành những ca từ chắt lọc, ý ngắn tình dài xuyên suốt toàn bộ ca khúc. Quê hương chính là sức sống của người nhạc sĩ, có hình ảnh “cá dưới sông”, “cây trên bãi”, có cả cây lúa, cọng rơm còn thơm…, ở một khía cạnh nào đó ta thấy tình yêu quê hương trong hồn thơ, trong lời nhạc rất đa chiều và phức tạp. Từ hiện tại nhớ về quá khứ, cùng với bao hình ảnh gắn liền với con sông quê hương. Lúc da diết, ngập tràn “úp mặt vào sông quê”, nhưng lúc khác lại cho người nghe thấy được một tình cảm trẻ trung, phơi phới của quê hương. Nhưng dù góc độ, khía cạnh nào thì nó đều ẩn chứa một tình yêu, nỗi khát khao đoàn tụ, bày tỏ khát vọng gặp gỡ cụ thể với những con người cụ thể. Không như thơ Lưu Trọng Lư, Huy Cận đầy chất mộng ảo. Không như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, hun hút sầu thương. Lời thơ của Lê Huy Mậu cùng với hồn nhạc của Nguyễn Trọng Tạo đã kết nên một thăm thẳm tình quê. Một tình quê đắm đuối da diết mà trong sáng, khỏe mạnh, tin yêu. Bởi cả hai người đều có một vùng quê bằng xương, bằng thịt, mà họ luôn dõi theo bằng đôi mắt rất thực, bằng trái tim có địa chỉ rõ ràng. Đó là con sông của xứ Nghệ yêu dấu, với tất cả tình cảm, nỗi lòng man mác được biểu hiện trong “Khúc hát sông quê”.
Quê hương ai cũng có những dòng sông tuyệt đẹp và bình yên. Trong bộn bề của cuộc sống hiện đại, chúng ta - ai ai cũng đã từng ít nhất một lần mong muốn được trở về chốn thanh bình ấy. Đắm mình trong làn nước trong xanh, tươi mát của con sông mẹ, ta sẽ cảm thấy như tâm hồn mình được gột rửa những cát bụi trần thế. Đúng vậy:
“Cùng một bến sông con trâu đằm sóng dưới
Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn”
Một nhà triết học Hi – La cổ đại nổi tiếng là Heraclitus có nói: "Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông". Theo tôi, câu nói này có dụng ý rất sâu sắc. Nghĩa đen thì có thể hiểu rằng dòng sông luôn vận động không ngừng, vật chất hiện tại cũng biến đổi không ngừng, sông đổ ra biển mang theo dòng nước, vì vậy vẫn là con sông ấy nhưng dòng sông thì đã không còn là dòng sông đó nữa. “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông” là một nhận định mang tính quy luật biện chứng. Còn nghĩa bóng thì rất đa nghĩa, mỗi người có một cách nghĩ khác nhau, với tôi là chỉ về cuộc đời của một con người sống có một lần và không thể sống lại một lần nữa. Vì vậy, sống thế nào để khỏi phải xót xa, ân hận về những năm tháng đã qua là một điều mà Nicolai Ostrovski đã suy nghĩ từ lâu. Thời gian không chờ đợi ai cả, thời gian cứ trôi đi mà đã trôi đi thì không bao giờ trở lại, nó cho ta tất cả nhưng cũng có thể lấy đi rất nhiều. Đến bây giờ thì người nhạc sĩ quay trở về với dòng sông tuổi thơ, cũng chỉ còn biết hồi ức và “ước gì thời gian trở lại…”. Cả Lê Huy Mậu và Nguyễn Trọng Tạo cũng “không thể tắm hai lần trên một dòng sông”, dù biết rằng “một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”. Chỉ có dòng sông quê là xanh trong, dòng sông ấy chảy mãi tới “vô cùng” nâng đỡ con người và lưu giữ những gì tuyệt đẹp nhất về con người…
Cuộc sống lo toan đã làm ta băng giá. Rồi bất chợt có một ngày tâm hồn ta thức dậy khi nghe giai điệu ngọt ngào, tha thiết cùng những ca từ đẹp đẽ đậm chất trữ tình của bài hát "Khúc hát sông quê"... Tiếng hát chạm đến nơi sâu thẳm của lòng ta khi đã từng là đứa con phiêu dạt xa xứ. Tiếng hát như gọi lòng ta trở về với quê hương xứ sở, về với bao kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ đong đầy nghèo khó. Lòng ta rưng rưng. Mắt ta rớm lệ theo âm hưởng của lời ca. Tuổi thơ ta cũng đã từng cùng bạn bè chăn trâu tắm mát trên dòng quê ngày ấy sạch sẽ mát trong. Tuổi thơ ta cũng đã từng đợi mẹ đi chợ về mua cho chiếc bánh đa vừng làm quà. Tuổi thơ ta cũng đã từng gắn bó với đồng bãi, với mùi rơm thơm nồng mùa gặt. Ôi! Những nhọc nhằn của ngày xưa ấy dường như không chỉ có riêng ta mà rất nhiều bạn bè ta. Ta cảm nhận sâu sắc khúc tâm tình đang ngân lên trong lòng tác giả, trong lòng ca sĩ. Họ đang cất lên tiếng nói tận gan ruột để biết bao tâm hồn được an ủi. Bài hát như lời nhắn nhủ, nhắc nhở bao người hãy yêu và sống vì quê hương- nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Mỗi chúng ta nghe ca khúc sẽ thanh lọc được chính bản thân mình, để tìm cho mình những hương đời chân thật nhất giữa vòng xoay của cuộc sống.
Có thể nói tình yêu quê hương trong “Khúc hát sông quê” là cảm xúc cộng hưởng giữa nhà thơ và nhạc sĩ để rung lên những cung đàn tình cảm, hòa chung một nhịp đập trái tim. Sự ăn nhập của cảm xúc đã làm nên một Lê Huy Mậu, một Nguyễn Trọng Tạo với tình yêu quê hương tha thiết, cháy bỏng. Nếu như Lê Huy Mậu góp phần đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam một công trình to lớn, thì Nguyễn Trọng Tạo đã mang đến cho nền âm nhạc Việt Nam một giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc, là kết tinh của tấm lòng cống hiến không gì có thể so sánh được. Cảm ơn nhà thơ Lê Huy Mậu, cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với “Khúc hát sông quê” như chính khúc hát của lòng người, theo ta đi suốt chặng đường phiêu dạt chốn xa quê. Trong những giấc mơ, trong mọi nẻo đường, hình ảnh con sông quê cứ chập chờn… khép lại một ngày đã tắt… Ngày mới lại bắt đầu… để rồi ta lại mong một lần về “úp mặt vào sông quê”…
Thành phố HCM, 19/4/2011