Khi thói quen nghe đài của người dân đã thay đổi, cũng là lúc những chiếc đài phường trở nên thừa thãi. Đó cũng là lúc rất nhiều người không thể tiếp tục chịu đựng cái- sự-thừa ấy thêm nữa.
Tuần Việt Nam xin gửi tới độc giả tâm sự của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát về chủ đề này. Mời độc giả cùng thảo luận.
Những nỗi bực mình sai núc nỉu
Biết bao những gia đình, những người ở Hà Nội mà “chẳng may” phải sống dưới, sống quanh những chiếc cột điện, cột xi-măng treo cái loa to tướng của đài phường có lẽ đều muốn đẩy ngôi nhà mình đi khỏi chỗ đó mà xem ra cũng thật khó. Bởi nhà chứ có phải thuyền đâu mà dễ đẩy đi thế. Đất chứ phải nước đâu để mà có thể kéo nó neo đậu ở chỗ nào mình muốn, để tránh đi cái điệp khúc: “Đây là đài truyền thanh phường…”khốn khổ vào 6 giờ rưỡi sáng mỗi ngày…Nếu có gọi bán thì người muốn mua nhà ngước nhìn thấy chùm loa “ sai núc nỉu” cũng vội lè lưỡi lắc đầu bỏ chạy.
Người già đau ốm, khó ngủ trằn trọc suốt đêm, gần sáng mới chợp mắt được một chút thì loa phường đã ọ ẹ mở nhạc. Trẻ con mới đẻ được vài ngày cũng bị tiếng ọ ẹ, ọt ẹt của nó làm cho không yên giấc. Người đi làm ca ba, mới về vừa chợp mắt một tí đã bị đánh thức bởi :“Đây là đài truyền thanh phường…” .Thậm chí, nói xin lỗi, nhà có người vừa-nằm-xuống hẳn cũng sẽ bị “bật dậy” vì tiếng loa chói tai của nó. Nhà có bố mẹ già đã sẵn bị huyết áp cao bỗng nhiên tăng vọt hẳn lên mỗi khi nghe thấy tiếng loa như thế. Không cẩn thận các cụ mà tăng-sông là coi như hết đời. Đấy, hiệu quả tuyên truyền chưa thấy đâu, chỉ thấy cuộc sống bao người bị xáo trộn hàng ngày vào những tinh mơ như thế.
Ở Hà Nội, dường như thói quen nghe đài của mỗi nhà như ngày còn chiến tranh cũng đã bị mất lâu rồi. Có người bạn nói vui rằng, ở thành phố thì quen xem tivi, chỉ đi công tác vùng sâu vùng xa mới sực nhớ ra là phải nghe đài để biết tin tức. Mà đài của quốc gia đương nhiên là các chương trình đều phong phú hơn đài phường hàng trăm lần. Người ta có đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp, máy móc được đầu tư hiện đại ngang các đài thế giới… Đài phường nhà mình có nhõn một bác về hưu làm thêm vừa biên tập tin tức của phường sao cho kịp thời lại vừa cập nhật tin trong nước và quốc tế lại kiêm luôn cả phát thanh viên… Biết bao nhiêu là vất vả mà hiệu quả chả được như mong muốn. Trang thiết bị thì ọ ẹ, nói được một chốc lại tịt. Một lúc sau mới lại thấy ọ ẹ….
Hết nửa tiếng kinh hoàng ấy người dân tưởng đã được yên. Nào ngờ một hai tiếng sau đài phường lại hát toáng lên. Chẳng ai hiểu mô tê gì thì bỗng xen giữa giai điệu bài hát là lời thông báo của ông đài phường rằng đang thử loa, thử máy. Chỉ thông báo cho mọi người biết là tôi đang thử máy chứ không thấy xin lỗi dân! Thế mới biết phép vua thua lệ…phường!
Bó tay với chiếc đài phường
Một ngày yên tĩnh ở thành phố vốn đã quá thừa tiếng ồn quả thật là hiếm. Xe máy xe hơi thi nhau bóp còi rõ to, va chạm cãi nhau rú ré. Đó là chưa kể thoáng thấy xe công an phường đi dẹp trật tự hè phố là ti tỉ các bác bán hàng rong chạy tan tác. Người ôm mẹt hàng, người túm gánh rau dạt vào các hẻm ngõ. Xe đi là lại ào ra…Giống như là bắt cóc bỏ đĩa hay là đá ném ao bèo cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Còn đài phường nhà ta thì mở phát lúc nào cũng được, chẳng cần biết dân có nghe hay không. Dân nghe đài phường một cách hào hứng hay là bất đắc dĩ? Đồ rằng bất đắc dĩ là phần nhiều. Thi thoảng dân còn được nghe truyền thanh trực tiếp phường họp về vấn đề “học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” như thế nào. Thậm chí cả việc xử án lưu động một số đối tượng buôn bán trái phép chất ma tuý là công dân của phường, của quận.cũng được đưa tuốt lên loa phường. Không biết làm thế có thêm phần răn đe hay đối tượng lại thêm phần lì lợm, căm hận bởi sự bị bêu riếu trước bàn dân thiên hạ nơi mình sinh sống (và cả cha mẹ vợ con đối tượng cũng được nêu danh nữa chứ)? Khó mà trả lời được câu hỏi này. Chỉ tự hỏi rằng tại sao giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, một thủ đô đang tiến dần đến sự văn minh ngang tầm với thủ đô của các nước hiện đại sao vẫn còn tồn tại hệ thống loa phường ấu trĩ làm vậy?
Những chùm loa “ sai núc nỉu “ bám trên thân những cây cột xi-măng giăng đầy khắp thành phố. Và đồ rằng chất lượng loa, đài luôn ọ ẹ, ọt ẹt kia thì phường nào cũng như thế cả. Như vậy là, số dân bị “ tra tấn” được tăng lên ở cấp số nhân. Sự bực dọc, khó chịu hẳn là cũng vậy. Tâm trạng như thế thì tính hiệu quả của việc tuyên truyền chủ trương chính sách chắc chắn là không thể cao. Vậy, Nhà nước có nên tốn một khoản tiền không nhỏ để duy trì hệ thống loa phường như thế này không? Sẽ có ý kiến cho rằng dân phường cần nắm thông tin phường: tiêm chủng cho trẻ con ngày nào, giờ nào? Dọn vệ sinh cuối tuần đường phố nơi mình ở như thế nào…Các đoàn thể hội họp ra sao..vv.. Chỉ có vậy thì thiếu gì cách để thông tin văn minh hơn. Ví dụ như Chủ tịch phường Thanh Xuân đã làm hẳn một website để ai ai cũng cập nhật được chứ không chỉ có công dân của phường. Thế giới cũng biết phường anh đang làm được những việc gì nữa kia!
Và, thật trớ trêu là nếu chỉ có vài ba thông báo thì loa phường cũng… hết việc nên các bác nhà ta còn “độn” ca nhạc vào cho đủ 30 phút ! Nhiều buổi những bài hát phát trên loa phường sao vừa chua vừa ngang đến thế. Có hôm dường như cho cả ca sĩ phường lên hát nữa. Nhạc sai, giọng ngang phè phè …Bây giờ nhà nào cũng có tivi, nhà ít thì một cái, nhiều hai ba cái, màn hình tinh thể lỏng hiệu Sony, Tosiba, Panasonic không hiếm…
Đời sống kinh tế cũng như dân trí ngày càng cao thì đòi hỏi sự thưởng thức văn hoá văn nghệ càng chuyên nghiệp. Nghe chuyên nghiệp mãi nhiều lúc còn phát chán nữa là nghe ca nhạc của đài phường! Giá như các bác ấy hát vui trong các cuộc hội họp lại đi một nhẽ. Thỉnh thoảng cũng có bài thu lại của các ca sĩ chuyên nghiệp nhưng chất lượng kỹ thuật của loa phường như vậy thì có là giọng của diva đi chăng nữa thì cũng…hỏng. Chao ôi! Bao nhiêu là phiền hà, bao nhiêu là mệt nhọc mà không thể làm gì, nói gì được với cái loa phường!
Đài phường: Có thể chấm dứt được rồi?
Đã xảy ra những chuyện bi hài quanh chiếc loa phường. Tỉ như có kẻ vì tức loa phường đã không cho con nhỏ cũng như bố mẹ già của họ được ngủ yên nên đã lén trèo lên cắt dây loa. Hôm sau cán bộ đài phường thấy loa tịt bèn điều kỹ thuật viên leo lên nối lại. Vài lần như vậy đài phường tức, đe rằng nếu ai làm thế nữa là vi phạm pháp luật, là phá hoại tài sản XHCN! Nặng nữa sẽ bị qui là …”phản động” là phá hoại đường lối tuyên truyền của Đảng! Nói thế thì sợ rồi, chả ai dám trèo lên cắt dây nữa.
Nhưng thay vì không dám cắt dây, thì họ lại lén đẩy cái loa chĩa về phía nhà khác. Nhà khác cũng không chịu được lại leo lên đẩy cái loa về phía nhà khác nữa…Cứ thế xoay đủ bốn hướng bắc nam đông tây và hướng nào cũng đều xin kiếu! Mặc dù có thể bị cho là tinh thần công dân không cao nhưng quả thật xem ra như thế là đủ biết dân chán bác loa phường đến mức nào. Không biết cấp trên của loa phường có biết? Chắc là biết.
Nhưng, tự nhiên cấp trên của loa phường lại ra lệnh bãi bỏ đài phường thì chả hoá ra là tự chặt đứt mạng lưới thông tin từ trung ương xuống cơ sở ư? Chả nhẽ trung ương thì có mà cơ sở thì không ư? Mà cơ sở mới là quan trọng. Không được, thế là không được. Nhưng cấp trên của loa phường có biết hàng ngày dân tự nạp vào mình bao nhiêu là thông tin không? Cơ man là báo viết này, cơ man là kênh truyền hình này, số có, cáp có… Cả thế giới đều chui vào trong mỗi ngôi nhà của người dân rồi còn gì? Bên kia bán cầu người ta làm gì chỉ phút sau là bên đây đã biết. Rồi mạng internet nữa. Thông tin ở đó cũng nhiều. Mỗi công dân phường đều có “bộ lọc” của mình. Cần gì đến loa phường ọ ẹ, ọt ẹt vào sáu rưỡi sáng mỗi ngày với những thông tin cũ rích gây mệt mỏi cho dân nữa?
Nếu hệ thống đài phường “bảo thủ” đến mức kiên quyết không chịu bỏ đi thì chí ít hãy thay đổi giờ phát, cách phát. Nếu không, công dân của phường đa số sẽ bị mắc bệnh thần kinh. Lũ trẻ sơ sinh trí não sẽ chậm phát triển. Người già sẽ mất ngủ triền miên và đường đi gặp các cụ tổ ở Văn Điển sẽ chả là mấy. Ông bà nào chẳng may bị huyết áp cao muốn được ổn định thì chỉ còn cách bán nhà gần loa phường đi ở chỗ khác. Nhưng khổ nỗi đâu đâu cũng chi chít loa phường, mắc “sai chi chít” trên hầu khắp các cột xi măng trong thành phố thử hỏi các cụ chuyển đi đâu bây giờ? Các thành viên của phường - vốn thông minh sáng láng - sau một thời gian bị đài phường “ tra tấn”, rất có nguy cơ rơi vào tình trạng quên quên nhớ nhớ. Chưa kể đến việc đã có lắm người phát rồ lên vào 6 rưỡi sáng hàng ngày. Nếu mỗi cơn này phát thành mãn tính thì thật nguy! Có lẽ, chả vị quan chức phường nào lại mong muốn thấy cảnh đó (ngày càng tăng)...
Vì những lẽ đó, ” Đây là đài truyền thanh…phường!!!” có thể chấm dứt được rồi. Một cách nhanh chóng và không bao giờ nên lặp lại.
Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN).