Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN NGHỆ CHÍ (7)

Trương Vĩnh Tuấn
Thứ ba ngày 10 tháng 5 năm 2011 8:36 AM

Hồi thứ bảy

Ngơ ngác trước trận đồ bát quái
Mang bao dung thuyết phục hiền tài

    Không phải tự nhiên mà có cái buổi chiều nhà văn Nguyễn Đình Thi ngó mặt vào phòng Hữu Thỉnh để báo tin ông được điều về báo Văn Nghệ , sự vụ đã được bàn thảo qua rất nhiều phương án . Bắt đầu là một hội đồng cố vấn , gồm nhà văn Nguyễn Khải , nhà văn Xuân Thiều , nhà thơ Phạm Tiến Duật , nghe nói còn có cả nhà văn Lê Lựu . Được vài tuần nhà văn Nguyễn Khải rút lui mà theo ông là : nguy hiểm lắm , rồi lần lượt hội đồng cố vấn cũng tháo lui . buồn cười thật đã có thời người ta coi làm báo như đánh trận . 

      Rồi đến phương án Phạm Tiến Duật , nhưng bị phản đối ghê quá , thứ nhất Duật chưa phải Đảng viên , mà lại còn cái nghi án khi còn ở đường dây 559 . Thứ hai Duật hay hứa mà chẳng thực hiện được lời hứa nào cho ra hồn . Ừ thì nhà thơ mà cứ đòi hỏi Duật như nhà chính trị thì khó thật . Chiến dịch Hồ Chí Minh chiến thắng dồn dập , nức lòng mọi người , lúc đó Duật đang là Đảng viên dự bị , có đoàn quân tiến về Sài Gòn hấp dẫn quá , Duật hòa vào đoàn quân đó về Sài Gòn luôn , khi quay lại đơn vị bị qui kết tự do vô tổ chức , nên không công nhận chính thức . Sau này Duật bảo lúc ấy bố ai mà không ra mặt trận được .

      Duật về báo Văn nghệ đầu năm 1978 , đó là một người rất thông minh , luôn luôn đưa ra những sáng kiến , chỉ hiềm một nỗi sáng kiến thì hay nhưng người khác làm chứ không phải Duật làm .

       Duật ham vui , mà chỗ vui thì hay hứa , tiền vào tay Duật  chỉ ít bữa tiêu tan , đấy là hậu quả của sự hào phóng và thương người , đố thấy Duật có sự vun vén cá nhân nào .  Người ta bảo Duât dại chứ khôn làm to ra phết . Duật cười kệ cho người ta khôn . Ngày về hội ở ban đối ngoại người ta có câu :

                          Hội nằm hội nghĩ hội lo
                     Tiền trao cho cáo cho cò còn đâu .
      ( Duật chữ hán là cò , còn hồ tức Trầnh Ninh Hồ chữ hán là cáo ).

    Với lại Duật vốn tính nghệ sỹ giận lão về chuyên này hóa ra cố chấp . Người đời bảo hãy để cho Duật là thi sĩ chứ bắt lão quản lý thì tội nghiệp lão . luận điểm nay xem ra đúng , khi sau này người ta trao cho Duật làm tổng biên tập tạp chí diễn đàn văn nghệ

       Một phương án nữa được nhắc đến đó là nhà văn Xuân Thiều tác giả của cuốn :HUẾ MÙA MAI ĐỎ , nhưng xem ra ồn ã một thời gian rồi im luôn , nghe đâu trong buổi gặp tổng bí thư Lê Duẩn ở trại sáng tác Quảng Bá ông có nói gì đó phật lòng tổng bí thư . Thiên hạ cứ hay đồn thổi thành thử rối .

       Một buổi chiều Hữu Thỉnh cùng Phạm Tiến Duật đến một ngôi nhà trong hẻm sâu của phố Trương Hán Siêu nói với chủ nhân của ngôi nhà ấy rằng : Các anh về báo, chú học xong về giúp anh . lúc chia tay Hữu Thỉnh còn nói thêm : Trời để chú cho anh dùng .

       Đó chính là người được nhà văn Nguyễn Văn Bổng rất quí đã nói ở phần trên . Rời mặt trận , hắn về báo đầu năm 1976  , tính tình khá ngang tàng và phóng túng .  Hắn gặp Hữu Thỉnh ở trường viết văn , lần đó Hữu Thỉnh hỏi hắn : Mày có phải đồng hương không , hắn đáp tỉnh queo : Tôi không có đồng hương , chỉ có người tốt người xấu .

   Một lần khác khi hắn đang bị một tai nạn do báo mang lại cho hắn . Chả là như trên đã nói khi Đào Vũ mang từ Sài Gòn ra một hộp mực in , để đến mấy năm sau hộp mực khô không dùng được  Khi đó hắn quen với giám đóc nhà in báo Nhân Dân  . Thế là hắn đổi được 50 kg giấy báo xước . Kế toán nhờ hắn bán để lấy tiền mặt cho cơ quan liên hoan  Nhà văn Ngọc Trai tố cáo đưa hắn ra công an A25 . May mà tại cơ quan công an hắn được xác nhận không có tư túi gì .

     Lúc ấy Hữu Thỉnh đang trong ban thư kí hội , nghe hắn bị công an thẩm vấn liền đến tận nhà hỏi hắn có cần giúp gì không ? Hắn bảo không cần , vì hắn tin hắn vô tội .

      Khi ấy hắn đang theo học tại trường viết văn Nguyễn Du và đang có ý định xin về nhà xuất bản Kim Đồng .

      Nói qua về hắn .

      Lính của tổng cục II , về báo làm trị sự , ti toe viết cho thiếu nhi , in được vài tập từ những năm 1978 , lẽ ra hắn đi học trường viết văn từ khóa I nhưng ông Bổng muốn hắn viết kỹ đã rồi hãy đi học . Sang khóa II ông Giang Nam không cho hắn đi vì rất cần hắn . Khóa III bị Ngọc Trai đánh dữ quá ông Đào Vũ khuyên hắn đi học rồi về cơ quan sau . Đào Vũ quí cái tính bộc trực của hắn và cảm thấy không bảo vệ nổi hắn nên tính cách đó là hợp . Vì thế khi Hữu Thỉnh gọi hắn trở về thì hắn nói chỉ khi nào không có Ngọc Trai hắn mới về , Hữu Thỉnh bảo cứ về đã tính sau .

       Thời gian sau Hữu Thỉnh thực hiện yêu cầu của hắn .

       Thôi không bàn đến hắn nữa vì chuyện hắn dài và rắc rối lắm .

 Lại nói chuyện Hữu Thỉnh .

  Ông vốn là sĩ quan của binh chủng xe tăng , bài thơ năm anh em trên một chiếc xe tăng được nhạc sĩ Doãn Nho phổ rất hay từ khi ông đang xông pha ngoài mặt trận . Hồi vào mặt trận Kon Tum khi đi qua chiếc xe tăng 377 đang bốc cháy ở sân bay Phụng Hoàng ông  chui vào và lấy ra nắm cơm đã cháy đen ngòm , nắm cơm ấy hiện là kỉ vật vô giá đang đặt trong bảo tàng thiết giáp .

     Ông làm thơ rất hay để lại nhiều trường ca có giá trị như “ Đường tới thành phố , chuyến phà đêm giáp ranh , và nhiều bài thơ , nhiều tập thơ có giá trị , là cánh chim đầu đàn trong thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ .

     Ông bảo cái lần đầu ông đến báo để nhận nhuân bút rón rén lắm , mặc dù bộ quần áo sĩ quan bạc màu vương mùi bom đạn đã giúp ông tự tin phần nào . Còn lần này không run nhưng cũng xáo trộn . Với tư cách đặc phái viên ông chỉ nói khi cần thiết . Ngày 3 tháng tư năm 1989 ông dự họp với chi bộ báo ông tâm sự : Báo vừa qua đặt trong hình thái không bình thường , nhất là sau khi anh Nguyễn Văn Linh nói có phần chuyển hướng . Văn Nghệ luôn luôn là điểm nóng . Cơ chế làm việc thực là khó , rất khó . Chẳng qua vì trách nhiệm vì tình đảng viên mà làm . Từ đó  đánh giá trách nhiệm phần lớn nhờ ở tình cảm là chính . Những cái sai sót cũng là ở nghiệp vụ , chưa mức quan điểm lập trường , mà cũng ở chu trình điều hành , tất nhiên phải biên tập kỹ.

       Có thể nói ngay rằng anh phải chèo lái một cơ ngơi rối rắm . ngày 17 tháng 9 năm 1989 trước khi chuyển công tác , phó tổng Ngọc Trai phát biểu : Nội bộ không yên suốt 15 năm . Tư tưởng giành giật ghế rất ghê gớm , tôi chưa bao giờ tranh giành anh Trực để làm trị sự , anh Trực cũng chưa bao giờ phê bình tôi , người vào làm nhà là người của ai , cơ quan thì còn nhiều phe nhóm , đảng viên đi thông báo với A25 về việc không chính xác , nhưng có dư luận .

 Ngày 19 tháng 2 năm 1990 thay mặt chi ủy mới , bí thư chi bộ Ngô Ngọc Bội đã báo cáo lên Đảng ủy như sau :

        Những nhận định rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua .
         Những không khí từ bên ngoài đưa tới , tổng biên tập cực đoan , bị trên dẹp gây không khí đảo lộn , hẫng hụt , trước đó ban chấp hành hội nhà văn không quan tâm đến lãnh đạo báo . Khi trên bật đèn xanh thì dẹp bỏ , bổ sung những biện pháp tạm thời , lại kéo quá dài ( 1 năm ) đã gây cho toàn bộ công việc của báo lúng túng . Do đó đã gây cho chi bộ bị động hoàn toàn . Dần dần bỏ qua vai trò lãnh đạo của mình . Những mâu thuẫn từ ngoài phạm vi cơ quan mang tới ngoài tầm sinh hoạt của chi bộ cộng với chi ủy tiêu cực bỏ qua mọi chuyện tất yếu dẫn tới vai trò chi bộ kém cỏi . Việc phát triển Đảng bị tồn đọng quá dài , hơn mười năm nay chưa phát triển đảng viên , số quần chúng ngoài đảng khá đông gây cho quần chúng kém hào hứng , chán nản .

       Nói thêm cho rõ đây là nhiệm kỳ mà phó tổng Võ Văn Trực làm bí thư dưới thời nhà văn Nguyên Ngọc vừa là bí thư Đảng Đoàn vừa là tổng biên tập .

       Ngày 3-10-1991 Đảng ủy khối cơ quan trung ương về công tác tư tưởng ra thông báo số 82/ĐUKTT : Nghiêm khắc phê bình đồng chí Nguyên Ngọc đảng viên thuộc cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam do thiếu ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác ; có lệch lạc , gây hâu quả xấu trong thời gian làm tổng biên tập báo Văn nghệ ; chủ quan , thiếu lắng nghe ý kiến của tập thể , gây ảnh hưởng không tốt đến đoàn kêt ở cơ quan

       Đầu năm 1990 nhà thơ Hữu Thỉnh chính thức nhận trách nhiệm tổng biên tập . Anh chính thức phát biểu gồm một số vấn đề :

        -  Mạnh mẽ đổi mới , đúng đắn .
        -  Đất nước đẩy tới sự sống còn
         - Câu văn cấu véo , nói bóng nói gió bỏ đi
          - Công việc trị sự phải điều hành tốt , nhanh
          - Có nghị quyết tám thì phải làm theo nghị quyết
           - Ta phải vì quần chúng , quần chúng phải đúng
           - Có thưởng có phạt
           - Chuyên san ,vấn đề đặt ra ngoài tâm tay của báo . Báo sẽ làm theo yêu cầu của báo , không có danh nghĩa văn nghệ thì không làm được đâu .

         Thời kỳ ấy nhà thơ Hữu Thỉnh có bài thơ HỎI , toàn văn như sau :

          Tôi hỏi đất – Đất sống với đất như thế nào
           Chúng tôi tôn cao nhau .

           Tôi hỏi nước : Nước sống với nước như thế nào ? 
            Chúng tôi đan vào nhau
            Làm nên những chân trời .

                Tôi hỏi người :
             - Người sống với người như thế nào ?
            Tôi hỏi người :
             - Người sống với người như thế nào ?
             Tôi hỏi người :
              - Người sống với người như thế nào . ?

  Rõ thật là :
 
                  Ngổn ngang trăm mối tơ vò
                  Qua sông thì đã , con đò thì sao .

     Muốn biết con đò Văn nghệ nhà thơ chèo lái thế nào xin xem hồi sau sẽ rõ .