Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI MỘT NGƯỜI TỬ TẾ NỮA RA ĐI

Hoàng Quốc Hải
Thứ ba ngày 10 tháng 5 năm 2011 4:17 PM
 
                Hơn 50 năm trước chúng tôi cùng học với nhau trong trường Tuyên giáo báo chí khóa đầu tiên. Ngày ấy Trần Hoài Dương còn trẻ lắm. Mới 17 tuổi, trẻ nhất khóa. Thực ra còn có một người nữa bằng tuổi anh, đó  là  nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Nhàn có gương mặt tròn, hai bím tóc gióc bỏ xuôi mà Tô Hà thường dùng cây bút ngoáy đúng một đường là được chân dung nữ sĩ.
                Tuy cùng tuổi với Thanh Nhàn nhưng nom Trần Hoài Dương dáng vẻ thư sinh yếu ớt, non nớt như anh vừa được thả ra từ trong một lâu đài nào đó. Nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự với mọi người, và lễ độ với người hơn tuổi. Chẳng là khóa học ấy, người ta mở chủ yếu cho các cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh về dự, và có lấy một số học sinh để đào tạo thử. Vì vậy tới ba phần tư là cán bộ đi học, mà học chung với cán bộ tuyên giáo lớn tuổi, chúng tôi phải cố gắng để ngoan ngoãn như một tu sĩ. Còn các cán bộ tuyên giáo đi học để biết đặc trưng của ngành báo chí và các ngón nghề của nhà báo, để về mà lãnh đạo họ.
               Trần Hoài Dương học hành chăm chỉ, tốt tính tốt nết được mọi người rất mến. Và anh thường được tuyên dương về thành tích học tập, khi ra trường được xếp loại ưu. Được nhận về “Tạp chí học tập”.
              Hồi đó có hai cơ quan báo chí được coi trọng hàng đầu ở miền Bắc. Đó là”Tạp chí học tập” (sau đổi là Tạp chí cộng sản) và “Báo Nhân Dân”. Đủ biết sức tu dưỡng của Trần Hoài Dương cao đến mức nào.
              Chừng 10 năm sau anh chuyển về Báo Văn Nghệ làm phóng viên rồi              làm biên tập.
             Tuy tuổi trẻ, nhưng cung cách anh làm biên tập là cung cách của một nhà văn lớn, có ý thức trách nhiệm cao. Trần Hoài Dương thường hay chú ý đến những cái tên lạ, lần đầu xuất hiện. Với người mới vào nghề, Hoài Dương tận lực giúp đỡ để bài có thể dùng được. Và những bài anh đã bỏ là không thể cứu vãn được.
               Tôi nhớ vào khoảng năm 1980 của thế kỷ trước, ở cơ quan tôi trong Bộ văn hóa có anh Nguyễn Huy Thắng được cử đi công tác Campuchia. Sau thời gian ở nước bạn về, anh kể với tôi bao nhiêu là chuyện. Tôi động viên:”Anh viết đi, bản thân sự việc quá hay, anh cứ thế mà viết, không câu nệ vào tay nghề”.
              Sau mấy ngày, anh Thắng cho tôi xem một bài viết với thể ký. Anh băn khoăn không biết dùng ở đâu. Và ai người ta biết đến tên tuổi mình mà in được. Tôi giới thiệu anh với anh Trần Hoài Dương. Một tuần sau, bài ký đó được in nguyên văn trên Báo Văn Nghệ. Tới nay, anh Huy Thắng đã có mấy đầu sách và tên tuổi anh xuất hiện hầu khắp trên các báo lớn. Và điều đáng nói: Nguyễn Huy Thắng, Trần Hoài Dương trở thành đôi bạn rất thân. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất đối với nhà biên tập Trần Hoài Dương. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tình bạn giữa nhà thơ Hoàng Cát với nhà văn Trần Hoài Dương cũng vào hoàn cảnh tương tự. Nghĩa là quen, thân và trở thành bạn qua công việc bài vở và biên tập.
            Tuy nhiên, Trần Hoài Dương không hề dễ dãi với khâu chất lượng. Dù là bạn thân, nhưng nếu bài yếu, chất liệu sơ sài không thể nâng lên được thì Hoài Dương băn khoăn nhưng cuối cùng vẫn bật ra câu khảng định:”Anh thông cảm, Dương đã cố gắng hết sức, nhưng không thể dùng được”.
           Không chỉ sau khi ra trường mà cho tới hôm nay tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên, rằng sao Trần Hoài Dương ngoan ngoãn tôi luyện trong cái “lò bát quái” thế mà tâm hồn anh vẫn trong veo. Văn chương trong suốt. Qua mấy chục tác phẩm Trần Hoài Dương đã xuất bản, không hề có gợn nhỏ nào trong cuộc sống xô bồ và có cả phần tha hóa của con người xã hội được phép xen vào. Và dường như mỗi tác phẩm của anh là một tặng phẩm hoàn hảo dành cho lớp lớp tuổi thơ. Mặc dù, Trần Hoài Dương cũng phải chịu sự va đập đến tàn bạo của cuộc sống đời thường. Nhưng những thứ đó, anh đem tấm thân trần ra chống đỡ, quyết không để ảnh hưởng đến tâm hồn trong sáng của anh.
             Tôi nhớ khi Hoài Dương chuyển vào Sài Gòn được ít lâu gia đình anh vẫn ở trong căn phòng chật hẹp nơi Nhà xuất bản. Anh vẫn loay hoay không thể nào kiếm được chỗ ở khá hơn. Một lần Hoài Dương mạnh dạn nói:” Hoài Dương nghe anh Hải có bạn ở trong này quen biết nhiều, có thể giúp Hoài Dương thay đổi chỗ ở được không, Hoài Dương có sáu chỉ vàng dành dụm… liệu có ăn thua gì không?”. Nghe bạn nói không cầm được nước mắt. Nhưng cũng bất lực.
             Bẵng đi mấy năm vào lại Sài Gòn, lại tìm gặp Hoài Dương. Lần này anh rủ tôi về Gò Vấp thăm nhà vườn của nhà văn Nhật Tuấn và thăm ngôi biệt thự của anh. Chao ôi mừng cho bạn không gì kể xiết. Ngôi biệt thự không có lầu, làm theo kiểu Pháp đẹp như mơ, tọa lạc trên vuông đất rộng tới mấy ngàn mét vuông. Hoài Dương để hẳn một gian làm thư viện.Anh hé cửa sổ thư viện chỉ cho tôi xem cây sấu.-“Cây sấu ấy Hoài Dương đem từ Hà Nội vào đấy. Nhớ Hà Nội lắm anh Hải ạ. Nhớ mùa hè  với tiếng ve kêu và nhớ cả bầy trẻ Hà Nội trèo sấu bẫy ve”. Hoài Dương vội khép cánh cửa sổ lại và nói nhỏ hơn, như sợ đụng chạm đến một cái gì đó dễ vỡ:” Anh Hải biết không, trên cây sấu nhỏ ấy có tổ chim sâu đấy. Hình như nó đẻ rồi thì phải. Hoài Dương chỉ dám hé nhìn qua khe cửa thôi, sợ kinh động nó bỏ đi thì buồn lắm. Mỗi sớm nghe vợ chồng đôi chim lích rích vui lắm. Phải áp tai vào cửa sổ mới nghe được. Mình không nói được tiếng chim, nhưng mình hiểu được chim nói gì đấy anh Hải ạ…”
             - Nghe bằng tiếng lòng mình thì thấy hết, tôi đáp. Nhưng đôi khi con người lại không nghe được tiếng nói của đồng loại đâu Hoài Dương ạ.
          Hoài Dương mỉm cười:- Đúng anh là nhà tiểu thuyết.
          Hoài Dương pha trà Bắc mời tôi rồi anh tâm sự:” Công việc còn ngổn ngang lắm, ngôi nhà cho người trông coi ở vẫn chưa làm xong, lại còn chiếc bể bơi nữa. Bây giờ Hoài Dương phải làm người gác vườn. Cả một vườn hoa hồng cỏ mọc lút ngọn. Chỉ khi nào có hoa, mình gọi mấy bà đồng nát vào cho họ hái hoa thì họ cắt cỏ giùm. Mấy hôm cỏ lại mọc cao cho tới lứa hoa khác…”
          Vài năm sau tôi vào đã thấy vợ chồng Hoài Dương chia tay, anh về mua nhà tại đường Lý Chính Thắng. Và rồi lần sau vào Sài Gòn,  vợ chồng tôi đến thăm anh lại là ngôi nhà tại đường Thích Quảng Đức. Chúng tôi đến trong lúc anh gần hoàn thiện công việc tu sửa. Nom anh nhọc mệt bơ phờ, nhưng gặp bạn, mắt anh sáng lên,  hỏi đã ăn uống gì chưa, rồi dẫn chúng tôi lên lầu một, khoe thư viện của anh. Cả lầu một là những giá sách vây quanh và sắp hàng ngang dọc , đầy ắp sách.
         Hoài Dương tâm sự:- Chả dấu gì anh Hải và chị Hồng ( dù vợ tôi ít tuổi hơn anh, nhưng anh luôn gọi bằng chị), ngôi nhà Lý Chính Thắng rộng quá, mình ở một mình cũng phí. Đổi lấy cái nhà này dư ra được ít tiền xài. Thôi thì có một chút dưỡng già được đến đâu hay đến đó, mình không có lương hưu.
          Nghe Hoài Dương nói mà tôi thấy lòng chát đắng. Trong đời này, khó tìm được một cán bộ tận tụy, mẫu mực, trong sáng hết lòng vì công việc như nhà văn Trần Hoài Dương. Vậy mà đời trả cho anh một con số không tròn trĩnh.
         Hoài Dương còn nói riêng cho chúng tôi mừng rằng cháu Quỳnh đang học ở Anh. Cháu học giỏi và có nhiều khả năng được BBC tuyển dụng. Vừa nói xong, tôi chưa kịp chúc mừng, Hoài Dương đã suỵt miệng dặn ngay:”Hoài Dương chỉ nói riêng với anh chị, giữ kín cho kẻo bất lợi cho cháu”. Và khi chúng tôi vừa về đến Hà Nội  liền nhận được thư chuyển phát nhanh của anh. Trong thư, anh lại dặn dò giữ kín chuyện về cháu Quỳnh mà anh đã cho biết. Ôi! Thương anh quá! Mà cũng thương thay cho cả mấy thế hệ chúng ta luôn” sống trong sợ hãi”…
         Trần Hoài Dương sống rất tình cảm và chu đáo. Mỗi khi ra Hà Nội thế nào anh cũng ghé thăm gia đình tôi, chụp ảnh với mọi người và nhớ tên từng đứa con tôi, hỏi han việc học hành và sau này khi các cháu trưởng thành thì quan tâm đến hạnh phúc gia đình cùng công việc của các cháu.
         Ngày cháu Trần Lê Quỳnh làm lễ thành hôn, anh gửi ảnh cưới của các cháu cho chúng tôi để chia vui. Mua được bộ sách quí cũng gọi điện cho biết. Ngày có cháu nội anh cũng sung sướng báo tin chia sẻ…
         Có một chuyện vừa gây cho tôi ấn tượng sâu sắc và cả kinh ngạc nữa. Ấy là vào khoảng tháng 10 năm 1982, tôi tổ chức Hội thảo về sáng tác không chuyên cho ngành văn hóa khu vực Nam Bộ, họp ở Cần Thơ. Chuyến đi ấy tôi có mời nhà văn Trần Hoài Dương và nhà văn Nhật Tuấn đi dự với tư cách bạn bè. Khi về dọc đường đỗ lại uống nước. Nhóm đi chiếc xe con chỉ có mấy người chúng tôi thân nhau. Trong khi trò chuyện, Trần Hoài Dương nói rõ quan điểm của mình hết sức mới mẻ. Và tất cả các thần tượng đều đã sụp đổ trong anh.
        Tôi lấy làm ngạc nhiên hỏi:
         - Vậy Hoài Dương thay đổi quan điểm từ khi nào. Về “Tạp chí học tập” ông phải là một con chiên ngoan đạo mới lọt mắt xanh chứ.
         - Đành rằng vậy. Nhưng chính mình lại thức tỉnh cũng từ nơi ấy. Và khi Hoài Dương chuyển về Báo Văn Nghệ đã là một Hoài Dương khác đấy.
          Rõ ràng là quan điểm chính trị của Hoài Dương đã thay đổi hoàn toàn, nhưng trong lĩnh vực sáng tác cho thiếu nhi, những búp măng non của tương lai ấy, nhà văn của các em vẫn kiên định dành riêng cho các em một ngăn tâm hồn tuyệt đối trong lành và một thế giới nhân văn cao cả.
          Đôi lần Hoài Dương tâm sự:- Mình sẽ quyết liệt khi viết về những vấn đề xã hội của người lớn, nhưng thế giới trẻ thơ không được phép để cho tâm hồn các em bị hoen ố.
         Nhà văn Trần Hoài Dương đột ngột ra đi, để lại nỗi tiếc thương luyến nhớ trong lòng bè bạn, và ông để lại một khoảng trống khó bù đắp. Khi nhận được hung tin, vợ tôi- nhà thơ Nguyễn Thị Hồng đã khóc rất nhiều. Các con tôi cũng bàng hoàng đau xót…. Tôi ngờ ông là một thiên sứ được phái xuống nước ta để đi báo tin vui, tin tốt lành cho lớp lớp tuổi thơ; nay thấy nơi mình cư ngụ đã vơi vợi niềm vui như bình mực cạn, nên ông không nỡ viết và không thể viết những điều đang trông  thấy cho các em.
           Nhưng nhất định nhà văn Trần Hoài Dương sẽ để lại cho chúng ta cả một bầu tâm sự, cả một đời kìm nén, và chúng sẽ òa vỡ trong cả ngàn trang viết còn đọng máu trái tim anh. Cụ Phương Đình Nguyễn Siêu từng nói:” Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Xét các tác phẩm đã trình làng của Trần Hoài Dương đều thuộc loại” chuyên chú ở con người”, vì con người. Bởi vậy cùng với thời gian, các trang viết của anh sẽ còn sống mãi với con người.
          Nhà văn Trần Hoài Dương đã đi xa. Chúc anh thanh thản về nơi thượng giới để dõi nhìn về mảnh đất mà anh đã ghé thăm 68 năm ròng.
                                                  Hà Nội- Láng Thượng ngày 9 .5.2011