Tiến sĩ Đinh Công Vỹ
TNc: Ngày 19 / 3/ 2011, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Hội thảo về Họ Phùng Việt Nam. Xin giới thiệu tham luận của Tiến sĩ Đinh Công Vĩ tại Hội thảo này.
PHÙNG HƯNG NHÀ QUÂN SỰ HÙNG TÀI
UY ĐỨC THẤM SÂU VÀO LÒNG DÂN
Đường Thái tông, ông vua thông minh có sự nghiệp văn trị võ công hiển hách nhất đời Đường từng nói: “Chinh phục man di ngày trước chỉ có Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế… nay với thanh gươm ba thước đã khuất phục 20 vương quốc, dẹp yên bốn biển, bọn man di ở cõi xa cũng lần lượt về quy phục (theo Đường Thủ). Nhà Đường lập 6 hộ phủ (hoặc Đô đốc phủ), một loại hình Đô hộ và Bảo hộ bằng quân sự quy mô trong đó có “An Nam đô hộ phủ” ở nước ta rất được chú ý. Thanh thế Đường thịnh hơn cả thời Lưỡng Hán nên đến nay ngoại quốc còn gọi người Trung Quốc là Đường nhân, thể hiện một thời mà giới cầm quyền ở Trung Hoa biết tổ chức quân sự và hành chính rất chặt chẽ, quân đội hết sức cơ động, rất linh hoạt (nhất là kỵ binh). Họ tổ chức hậu cần (nhất là ở việc tiếp tế, giao thông liên lạc) rất giỏi, ngoại giao rộng lớn và khéo léo. Vậy xóa được ách đô hộ của nhà Đường càng tỏ rõ năng lực và uy thế đặc biệt của Phùng Hưng. Đốc phủ mà Phùng Hưng phải chĩa mũi nhọn vào, đánh bại là Cao Chính Bình, một kẻ cũng ghê gớm đã từng cứu Kinh lược sử Trương Bá Nghi khỏi hiểm họa cướp phá của giặc Côn Lôn và Chà Và. Làm được việc cực khó ấy thì cái thế và cái lực của người anh hùng đất Đường Lâm đó mới càng được chứng minh, khẳng định.
Vào nửa sau thế kỷ thứ VIII chiến tranh giữa “phiên trấn” và “triều đình” mà đỉnh cao là biến loạn An Lộc Sơn - Sử Từ Minh càng làm cho thế lực của Trung ương giảm sút và uy quyền của bọn Tiết độ sứ và đô hộ ngày một tăng. Cao Chính Bình, quan Đô hộ An Nam càng có điều kiện bòn rút của cải của nhân dân, sưu cao thuế nặng. Vào niên hiệu Đại Lịch (760-779) nhân lòng căm phẫn của nhân dân, chớp được đúng lúc quân lính ở Tống Bình nổi loạn, Phùng Hưng bằng thực lực của mình đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ.
Nắm vững thời cơ, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu là đặc điểm của cuộc khởi nghĩa này, tỏ rõ tài thao lược của Phùng Hưng.
Vào cuối giai đoạn Bắc thuộc, Trung ương giảm thì phiên trấn càng vươn lên, dẫn đến sự ra đời của các trung tâm quyền lực mới không chỉ của người phương Bắc, trong đó có những chúa đất Việt Nam ra đời, càng ngày càng mạnh, trở nên những hào trưởng (Người Trung Quốc gọi là thổ hào, thổ tù, man hào, khê động hào) dần dần phong kiến hóa. Đó là hào phú về sức mạnh kinh tế, về lực lượng quân sự tự tổ chức, về cả một bộ tham mưu nữa dưới dạng “thực khách” làm nanh vuốt, tai mắt cho chủ. Những lực lượng Lê Lương ở Ái Châu trong nhà có 110 lẫm lúa, 3.000 thực khách, Dương Đình Nghệ có 3.000 con nuôi đều lấy họ Dương. Nhà họ Phùng (cha của Phùng Hưng) đời đời đã làm quan lang ở châu Đường Lâm, một hiểm địa có 21 đồi gò, 18 rộc sâu và dòng sông Tích lượn quanh làng như con hào tự nhiên bao quanh trúc thành mà thuở ấy đây còn là rừng sâu đồi thẳm liền với đồi khoai nương mía vừa giàu vừa mạnh. Cho nên cha Phùng Hưng là cụ Phùng Hạp Khanh, quan lang đạo vùng này có cháu ngoại là Phạm Thị Uyển (là con bà Phùng Thị Thảo, cháu gọi Phùng Hưng là cậu ruột) từng lấy vua Mai Hắc Đế và cầm đầu một đạo thủy binh chống Đường, thất thế phải gieo mình xuống sông Tô Lịch tự tiết. Chiến tích vang dội ấy, phủ đô hộ ở Tống Bình gần đấy không thể không biết. Vậy mà chính quyền của chúng vẫn phải lờ đi. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải thả sức đánh hổ vật trâu, vác thuyền đá nghìn hộc diễu võ dương oai trước mặt bọn chúng từ lâu mà vẫn giữ được mình để đến nay khởi nghĩa. Nhưng tại sao suốt từ năm 767 đến năm 791, suốt 24 năm chiến đấu, Phùng Hưng mới chiếm được Tống Bình, giải phóng đất nước. Bởi về phía địch: Thành Tống Bình là một trọng điểm rất được nhà Đường chú ý củng cố. Năm 618 nhà Đường vừa cướp ngôi của nhà Tùy thì 3 năm sau vào năm Tân Tỵ (621) đã cho xây thành Tống Bình. Năm Kỷ Mão (679) trụ sở An Nam Đô hộ phủ của nhà Đường chính thức đặt tại Tống Bình. Sau những trận quyết chiến với Côn Lôn, Chà Và, và nhất là phải đề phòng sự xâm lược của Nam triều thì thành Tống Bình lại càng phải cải tạo, sửa chữa để trở nên vững vàng kiên cố. Ngay trong năm Phùng Hưng kéo cờ khởi nghĩa (năm Đinh Mùi 767) đã có việc Trương Bá Nghi, Kinh lược sử nhà Đường đắp xong thành Tống Bình trao cho Cao Chính Bình phòng thủ. Thành vững lại có quân tinh nhuệ được trang bị đầy đủ đóng giữ. Theo các sách “Đường hội yếu” hay “Thông điển” thì phủ thành đô hộ Tống Bình (tức Hà Nội ngày nay) thường có 4.200 quân đồn trú. Biên quận An Nam gần đấy còn có vệ quân đóng giữ. Như ở miền Lâm Tây, Chân, Đăng (Hưng Hóa cũ) hàng năm có tới 6.000 quân phòng đông (phòng thủ mùa khô). Đấy là chưa kể thổ binh. Quan lại nhà Đường ở An Nam xem xét nơi nào có “bộ lạc” to, họ to thì bắt cung cấp giáp binh, kê tên cùng hạnh kiểm, tài cán tâu về triều đình để bắt lính… Cho nên đánh vào thành Tống Bình không phải dễ. Kế sách của Phùng Hưng không thể không như Lê Lợi, Nguyễn Trãi về sau này (khi đối phó với thành Đông Quan kiên cố của tướng Minh Vương Thông) là phải theo đúng binh pháp: tránh chỗ thực, đánh chỗ hư, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu. Trong sách “Lịch sử Việt Nam” tập 1 (thời nguyên thủy đến thế kỷ X) của Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp in năm 1985 có nêu rõ: “… Thoạt kỳ thủy, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến đánh chiếm cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc”. Khi thấy lực lượng mình đã mạnh, thành Tống Bình bị cô lập, chắc thắng, Phùng Hưng mới theo kế hoạch của người cùng làng là Đỗ Anh Hàn đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết (Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ, kỷ thuộc Tùy Đường). Cùng với tầm mắt tinh tường biết vận dụng thời cơ, biết điểm huyệt, đánh vào những chỗ cần đánh, Phùng Hưng còn biết vận dụng chiến lược đánh lâu dài với 24 năm trường kỳ mà thời hiện đại chúng ta gọi là “trường kỳ kháng chiến” hay “trường kỳ mai phục” càng đánh càng mạnh, cho đến lúc có thể bao vây phản công đi đến toàn thắng.
Rõ ràng, Phùng Hưng là nhà quân sự có tầm mắt chiến lược sâu sắc, đáng để người sau học tập. Võ công đánh hổ vật trâu của ông mới chỉ là một mặt để làm hấp dẫn, sinh động hơn cái duệ trí lớn lao đó của bậc đại vương hùng tài thao lược.
Theo sách Giao châu ký (dẫn ở Việt điện u linh): sau chiến thắng năm 791 ấy, Phùng Hưng còn nắm quyền chính trong 7 năm nữa, đến năm 798 mới băng hà tại thành Tống Bình. Rất đáng tiếc là sử sách không để lại một dấu tích nào về những công việc ông đã làm trong 7 năm ấy. Song chúng ta chắc chắn là những công việc đó đều tốt. Bởi nếu chỉ có công cứu nước, chống ngoại xâm mà sau đó lại làm những việc không hay thì từ đấy công tội bù trừ, lịch sử sẽ phán xét, làm sao Phùng Hưng lại có uy đức, có ơn mưa móc thấm sâu vào hậu thế, để hậu thế tôn sùng là con người toàn vẹn tuyệt vời đến như thế? Câu nói của người xưa “cái quan định luận” (Đạy nắp quan tài lại (chết) thì lời bàn hay dở mới định) thật là thấm thía.
Uy đức, ơn huệ và sự tôn sùng của người sau với Phùng Hưng thể hiện qua sự tôn xưng tên gọi, qua hoành phi câu đối, sắc phong, thần phả, những chuyện tâm linh thiêng liêng gắn với ông. Nó cũng thể hiện ở các di tích đền thờ miếu mạo, lăng mộ gắn với các lễ hội dân gian nữa.
Về tôn xưng tên gọi: Vua sau khi mất, các đại thần và hoàng tộc họp lại để đặt miếu hiệu hay hoặc dở tùy theo công đức của ông vua khi sống. Võ Tắc Thiên của Trung Quốc ở thời cách Phùng Hưng không xa không có miếu hiệu, đương thời gọi là “Tắc Thiên Đại hành hoàng đế” vì những lỗi lầm của bà đối với chồng con, với triều Đường. Lê Hoàn tuy có công chống ngoại xâm nhưng căn cứ vào sự thực lịch sử, “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: “Vua nhân gian dâm trong cung mà được nước… về luân thường vợ chồng có nhiều điều đáng thẹn”. Lê Hoàn chết, các con đánh nhau để tranh ngôi vua nên ông không được tôn miếu hiệu, phải gọi là “Lê Đại Hành”. Phùng Hưng là hào trưởng lớn, đứng chủ một vùng, ông chưa hề xưng hoàng đế dù có lúc xưng là “Đô quân” nên sử sách không thấy nói đến miếu hiệu. Nhưng cái tên hiệu mà Phùng An, con Phùng Hưng tôn xưng ông là Bố cái Đại vương lại trở nên cái tên quen thuộc, tôn kính, đầy tự hào, được tất cả mọi người Việt Nam thừa nhận. Nó không còn chỉ là cái tên riêng của một gia đình hay một dòng họ. Cái tên này phù hợp với truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa của người Việt Nam. Theo “Lĩnh nam chích quái”, ở thời Hùng Vương, mỗi khi gặp nguy khó thì dân ta thường dùng tiếng “bố” để cầu người đứng đầu đất nước về giúp. Hẳn thế nên tiếng “bố” là tiếng nói thuở đầu đưa người lãnh đạo vào hàng người cao tuổi thân quen. Nó phù hợp với việc Phùng Hưng từng có lúc xưng làm “Cự lão”. Theo biến đổi ngũ âm v tới b: “Vương” -> vua -> bua -> bố bố. Những từ cổ xưa như “Hùng Vương”, “Trưng Vương” không xa vời ý ấy. Ở người Gia Rai Tây Nguyên, một trong những dân tộc thiểu số còn giữ được nhiều nét cổ sơ trên nước ta có thuật ngữ Pô tơ rinh = Bố chính chỉ người giúp việc cho tù trưởng, có thể là già làng. Thời Hùng Vương có nhắc tới các Bố chính, cùng với các lạc hầu, lạc tướng nằm trong hàng ngũ lãnh đạo. Cho nên tiếng “bố” vừa là con gọi bố (như Phùng An gọi Phùng Hưng) nhưng cũng là để chỉ vua chúa, người đứng đầu, người cao tuổi, có uy tín trong làng quê hay trong hàng ngũ lãnh đạo. Bố cái còn chỉ bố mẹ (chữ cái có thể là mẹ). Bố cái cũng để chỉ người bố có khí thế bao trùm cả đời, vị anh hùng cái thế. Chứng tỏ vị đại vương có hùng tài quân sự như trên đã bàn, rất cao quý nhưng lại là người bố gần gũi, dân dã…
Những tôn xưng tốt đẹp ấy, không hẹn mà nên, phù hợp với hàng loạt câu đối ở những nơi thờ tự Phùng Hưng. Như ở lăng ông, tại nơi xuất thân ghi: “Sự nghiệp anh hùng truyền vạn thưở. Tôn xưng cha mẹ hợp muôn dân”. Đình Hoàng Cầu thuộc phường Ô Chợ Dừa có câu đối:
“Đất Bắc thạch bi truyền, vạn thuở nghinh vua Bố cái
Trời Nam đồng trụ tạc, ngàn thu sự nghiệp đức Đường Lâm”.
Ở Đình Kim Mã có câu đối:
“Thiên dư niên đức trạch nông hàm ngưỡng như phụ mẫu
Thập tam trại nhân yên phồn hội trường thử giang sơn”.
(Nghìn lẻ năm đức trạch dồi dào, kính như cha mẹ
Mười ba trại dân cư đông đúc, mãi còn đó núi sông).
Nghiên cứu các sắc phong thần được vua ban ta thường thấy các chữ: “Nẫm trừ linh ứng” tức: nhiều lần tỏ rõ sự linh ứng. Thường thì “sinh vi tướng” tất “tử vi thần”. Nhưng nếu sinh vi tướng mà chết không vi thần, không linh thiêng, nhiều lần không tỏ rõ sự linh ứng thì vua (người làm chủ bách thần) cũng không phong. Phùng Hưng là cha mẹ, sống mãi trong lòng con dân, hiển linh trong lòng dân nên được dân yêu kính tưởng tượng ra nhiều hiện tượng linh dị gắn với ông. Các quan lại nghiên cứu bách thần để ghi tự điển làm tài liệu dâng lên để vua phong. Việc vua chúa phong sắc cho Phùng Hưng chính là sự thừa nhận của các chính quyền, các triều đại với công lao, tài đức của ông. Điều này, thể hiện trong những câu chuyện lạ lùng hấp dẫn ở sách “Viện điện u linh” với sự ban phong của các vương triều như sau:
“Khi Phùng Hưng mới chết đã hiển linh, thường hiện hình trong đám dân quê. Nghìn xe vạn ngựa bay trên khoảng ngọn cây nóc nhà. Mọi người nhìn lên thấy rực rỡ như mây kết năm mầu, văng vẳng tiếng đàn tiếng sáo ở trên trời, lại có tiếng hò hét, kiêu căng sáng rực, tất cả đều thấy được rành rành. Phàm trong thôn ấp có việc sợ hãi, việc vui mừng thì trước đã có bậc dị nhân ban đêm đến bảo cho người hào trưởng biết. Mọi người cho là thần, lập miếu (đền thờ ở làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây) ở phía Tây phủ Đô hộ mà thờ cúng, cầu tạnh cầu mưa, không có điều gì là không báo ứng. Phàm có sự hồ nghi về việc trộm cướp, về việc tranh chấp thì sắm lễ vật đến bái yết trước đền, rồi làm lễ minh thệ bèn lập tức thấy họa hoặc phúc bầy rõ ngay. Người đi buôn bán sắm lễ vật cầu được nhiều lãi đều có ứng nghiệm. Mỗi khi vào ngày tạ lễ, người nhiều như núi như biển, bánh xe chật đường. Miếu mạo nguy nga, lửa hương bất tuyệt.
Khi Ngô Tiên chúa lập quốc, quân phương bắc vào ăn cướp. Tiên chúa lo lắng, đêm nằm mộng thấy một ông già đầu bạc, mũ áo nghiêm trang, đẹp đẽ, quạt lông, gậy trúc tự xưng họ tên và nói: “Tôi đã đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu. Chúa công mau tiến quân chống giặc đi, tức khắc có âm trợ, không nên lo ngại. Đến khi đánh ở sông Bạch Đằng đúng là thấy trên không trung có tiếng ngựa xe. Trận ấy quả nhiên thắng lớn. Tiên chúa thấy lạ, xuống chiếu lập đền miếu to hơn quy mô cũ, lại cho cờ quạt, chiêng trống, điệu múa vạn vũ, cỗ cúng thái lao để cảm tạ. Qua nhiều thời thành lễ cổ. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) hoàng triều sắc phong là “Phục Hựu Đại vương”. Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288)” ban thêm hai chữ “Chương Tín”. Năm Hưng Long thứ 20 (1312) lại ban thêm hai chữ “Sùng Nghĩa”… Các đời sau từ Lê đến Nguyễn (kể cả Quang Trung) còn có các đạo sắc phong khác phong cho Phùng Hưng với nhiều thần phả…
Sự tôn kính, uy tín của Phùng Hưng với dân cũng thể hiện trong việc nhân dân (nhất là nhân dân Hà Nội, nơi gắn bó nhiều nhất với ông) lập nên nhiều đền thờ, lăng miếu tôn thờ ông và bảo vệ cho những di tích ấy tồn tại đến ngày nay. Gắn với các lễ hội như các di tích sau:
1. Đình Nghi Tàm: Ở doi đất sát ven Hồ Tây thuộc thôn Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Tây Hồ) thờ 5 vị thành hoàng là những tướng tài cùng Phùng Hưng đánh giặc Đường.
2. Đình Quảng Bá: Ở thôn Quảng Bá (thuộc quận Tây Hồ) thờ 7 vị thần mà trong đó vị được thờ chính là Phùng Hưng. Tương truyền đây là nơi Phùng Hưng đóng đại bản doanh, đây còn giữ được các di tích như: gò cắm cờ, gò con mộc (nơi tập trận), bến trùm (nơi quân lính tắm)…
3. Chùa Triều Khúc ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là nơi tập trung quân của Phùng Hưng chuẩn bị đánh Tống Bình. Có ngựa, kiếm, tượng Phùng Hưng áo bào long cổn. Hội làng vào ngày 10 tháng Giêng. Ngày 12 tháng Giêng có tục rước tượng thánh và sắc phong thần hay tục chạy cờ diễn lại chiến công của Phùng Hưng.
4. Lăng Phùng Hưng ở đất thuộc thôn Vạn Phúc, trại Kim Mã trước đây, nay nằm bên đường Giảng Võ trong khu vực Nhà máy thiết bị lạnh. Lăng không rõ năm xây, có đề bốn chữ: “Phùng Hưng cổ lăng”. Nghe nói lăng ở đây, nhưng thi hài ông đã đưa về Đường Lâm. Trong trại Kim Mã còn có đình Kim Mã (nơi nuôi ngựa thời Lý Trần) thờ Phùng Hưng có văn bia ghi sự tích Phùng Hưng.
5. Đền và đình làng Phương Trung (làng Chuông) thờ Phùng Hưng. Phương Trung xưa là trang Thời Trung. Cuối thế kỷ thứ 8 là nơi luyện quân của Phùng Hưng, dân ở đây kể: Sau khi giải phóng thành Tống Bình, Phùng Hưng theo dòng sông Đáy tới địa phận làng Hoạch An (phía Tây bắc Kim Bài) rẽ theo dòng Khoang chảy qua giữa hai làng Kim Châu và Kim Thành, đến Chằm Sen thì lên bờ khao quân ở căn cứ địa Phương Trung. Bên Chằm Sen nay còn di tích quán vua. Một đoạn đường tiếp đó có tên là đường rước vua.
6. Đình Giáp Nhất (còn gọi là đình Lý thôn) dựng ngay đầu thôn Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân thờ thành hoàng là Phùng Lương, tướng của Phùng Hưng.
7. Đình Thổ Khối (thuộc thôn Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm) thờ 6 vị thành hoàng trong đó có Phùng Hưng.
Đấy là chưa kể những địa danh khác tại Hà Nội như Thịnh Hào, như huyện Phú Xuyên… đã có những bài bia ký, sự tích, thần phả về Phùng Hưng hẳn phải có nơi thờ ông. Ở các tỉnh khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… cũng không kém những tư liệu ấy, hẳn từ lâu rồi các di tích thờ Phùng Hưng đã dựng nên rải rác ở nhiều nơi dù cho dâu bể thời gian, sức tàn phá của con người, chiến tranh đã làm biến dạng. Dẫu sao thì ngần ấy tư liệu còn lại vẫn đủ chứng minh rằng: Uy đức, ơn nghĩa của Bố cái Đại vương đã thấm sâu vào lòng dân, nhất là dân Hà Nội, nơi chứa đựng nhiều và tập trung nhất những di tích, những tư liệu về Phùng Hưng. Với những nét đặc sắc ấy, làm sao Hà Nội lại chỉ có một phố Phùng Hưng là đủ? Hà Nội phải dựng một thần tượng nữa, một đài kỷ niệm về Bố cái cho xứng đáng.