Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QADDAFI - QUÁI KIỆT CỦA CHÂU LỤC ĐEN

Nguyên Hải
Thứ năm ngày 17 tháng 3 năm 2011 2:34 PM

Trong thế kỷ XX, tại châu Phi sục sôi cách mạng chống đế quốc thực dân đã xuất hiện nhiều chính khách có tính huyền thoại. Phần lớn họ đều đã qua đời, như các Tổng thống (TT) Nasser ở Ai Cập, Hafez al-Assad ở Syria, Arafat ở Palestine, các vua Hassan II của Ma-rốc, Faisal của Saudi Arabia, Hussein của Jordan, hoặc đã nghỉ hưu như TT Mandela, đã sụp đổ như Saddam Hussein (TT Iraq). Hiện chỉ còn lại Muammar al-Qaddafi (đọc Kađaphi) là nguyên thủ nắm chính quyền lâu nhất, có lắm chuyện độc đáo thần kỳ nhất của Libya. Mấy năm gần đây ông này đã gây ra sự bàn tán trên khắp thế giới.
Giờ đây, khi làn sóng Cách mạng Hoa Nhài (Jasmine Revolution) từ hai nước láng giềng Tunisia và Ai Cập lan sang Libya, Gaddafi lại trở thành tiêu điểm của dư luận quốc tế.
Trên truyền hình người ta thấy Qaddafi cao lớn, trắng trẻo (nghe nói phần lớn người Libya là hậu duệ của người La Mã cổ đại), trang phục độc đáo diêm dúa, khác hẳn và nổi bật giữa hầu hết các nguyên thủ châu Phi có màu da đen bóng thường vận âu phục. Gaddafi bao giờ cũng chỉ mặc một mầu, đã trắng là trắng suốt từ giày đến mũ; đã nâu là nâu suốt ...  
Qaddafi có điên hay không là đầu đề thường thấy trên báo chí phương Tây. Ông từng nói: “Người A Rập phải có vũ khí hạt nhân; người Palestine cũng có quyền có vũ khí hoá học và hạt nhân.” Ông dốc sức theo đuổi làm bom nguyên tử và công khai tài trợ hoạt động đánh bom cảm tử của người Palestine. TT Mỹ Reagan gọi ông là “con chó điên vùng Trung Đông”, kẻ thù công khai số Một của Mỹ.
Nhưng cuối năm 2003 ông đột ngột tuyên bố từ bỏ dự án làm bom nguyên tử và các loại vũ khí sát thương hàng loạt. Qaddafi nói: bằng tuyên bố ấy ông đã giúp G. Bush thắng cử TT Mỹ nhiệm kỳ 2 và yêu cầu Bush phải thưởng công cho ông về việc này…
Libya nằm bên bờ Địa Trung Hải, rộng 1,78 triệu km2¬ ¬ mà chỉ có 6,5 triệu dân. 90% diện tích hầu hết là sa mạc và nửa sa mạc. Từ năm 1959 nhờ phát hiện được nhiều mỏ dầu, Libya trở thành một nước giầu tải nguyên.
Vài nét cuộc đời
Qaddafi ra đời năm 1942 trong căn lều của bộ lạc du mục Bedouins nghèo khổ ở vùng gần thị trấn Sirte giữa Tripoli và Benghazi, hai thành phố lớn nhất Libya. Ông nội và cha đều đánh du kích chống ách thống trị của thực dân Italy. Cha ông cho con đi học từ nhỏ: học kinh Coran, sau đó vào trường tiểu học rồi trung học. Quen cuộc sống du mục tự do, lại thích đọc các truyện giang hồ hảo hán, từ nhỏ Gaddafi đã thích bay bổng. Tuổi thanh niên của ông bị cuốn vào các hoạt động chính trị. Khi TT Ai Cập Nasser quốc hữu hoá kênh đào Sue (1956) và lãnh đạo Ai Cập đánh thắng cuộc xâm lược của Anh, Pháp, Qaddafi coi Nasser là thần tượng của mình.
Ông bí mật xây dựng “chi bộ cách mạng”, tổ chức biểu tình chống đế quốc thực dân, chống Israel, chống sự thống trị của vua Idris do Anh dựng lên ở Libya. Ông tin rằng mình sẽ thống nhất được thế giới A Rập và hơn nữa, còn giải phóng toàn thế giới.
Năm 1959, ông bắt đầu đọc sách về chủ nghĩa Mác. Năm 1961, Qaddafi vào học trường quân sự. Tại đây ông xây dựng Tổ chức sĩ quan tự do, đặt ra kỷ luật cách mạng rất nghiêm, như cấm uống rượu, đánh bạc, cấm đi hộp đêm, ngày ngày phải cầu nguyện trước thánh Allah. Năm 1966 ông học 9 tháng môn thông tin vô tuyến ở Anh Quốc. Năm 1969, Qaddafi được phong quân hàm đại uý.
Ngày 1/9/1969, Qaddafi 27 tuổi lãnh đạo Tổ chức sĩ quan tự do làm đảo chính quân sự đồng thời ở thủ đô Tripoli và Benghazi, lật đổ sự thống trị của triều vua Idris, nhanh chóng giành thắng lợi mà không đổ một giọt máu. Qaddafi tự phong đại tá, Chủ tịch Ủy ban cách mạng kiêm Tổng tư lệnh bộ đội vũ trang Libya, trở thành lãnh tụ tối cao, tuy ông không nhận một chức vụ chính thức nào trong chính phủ. 
“Sách Xanh” và Nhà nước của Dân chúng
Qaddafi nói ông quyết tâm xây dựng Libya – và nếu có thể là cả thế giới – thành một xã hội tiên tiến, bình đẳng, dân chủ và hạnh phúc nhất, thực hiện đạo Hồi thuần khiết, cấm sản xuất rượu (mặt hàng chính của Libya trước kia), cấm rượu, thuốc lá.... Ông đặt tên nước là “Nước dân chúng Xã hội chủ nghĩa A Rập Libya” (The Socialist People’s Libyan Arab Jamahiriya). Sau khi Mỹ ném bom Tripoli (1989), ông đặt thêm chữ “Đại” (Great) trước chữ “A Rập” để tôn vinh Libya chiến thắng Mỹ.
Qaddafi đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa “Quốc gia Dân chúng” (Mass-State)  của Libya. Đây là một hình thức nhà nước độc đáo chưa từng thấy – không có Chính phủ, Quốc hội và các chính đảng! Dân chúng trực tiếp làm chức năng lập pháp và hành pháp. Qaddafi nói nước ông thực hành chủ nghĩa xã hội, chống chủ nghĩa tư bản và cũng chống chủ nghĩa cộng sản!
Chẳng người Libya nào hiểu rõ đây là loại chính thể gì. Chỉ Qaddafi mới có thể giải thích điều đó trong Sách Xanh (The Green Book) mà từ thập kỷ 80 trở đi gia đình Libya nào cũng có ít nhất một cuốn. Phương Tây nói đây là ông học kinh nghiệm làm Sách Đỏ (Trích lời Chủ tịch Mao) của Trung Quốc hồi Cách mạng Văn hoá.
Qaddafi nói sách này viết dựa trên nguyên lý đạo Hồi và Kinh Coran, tập họp các bài viết và nói của ông từ năm 1973 đến 1979, vì bìa có mầu xanh lá cây (mầu quốc kỳ Libya) nên gọi là Sách Xanh. Khắp nơi ở Libya đều thấy loại sách này cùng các Trích lời của Lãnh tụ.
Qaddafi tự xưng Sách Xanh trình bày Lý luận thứ ba của thế giới (the Third Universal Theory), không phải là chủ nghĩa tư bản, cũng chẳng phải là chủ nghĩa cộng sản. Ông chủ trương giải phóng phụ nữ, phản đối truyền thống phụ nữ A Rập phụ thuộc vào nam giới, kiên quyết chống lý luận nhà nước thần quyền của giáo chủ Ayatollah Khomeini lập ra ở Iran.
Chính quyền của Libya khác hẳn mọi nước trên thế giới.
Chương I của Sách Xanh: Biện pháp giải quyết vấn đề dân chủ – chính quyền nhân dân viết: Nhân dân tự quản lý, tự cai trị đất nước, tự giám sát chứ không qua các đại biểu của họ.
Tên các cơ quan nhà nước cũng rất độc đáo. Thí dụ bộ Ngoại giao thì gọi là “Văn phòng liên lạc đối ngoại và hợp tác quốc tế”. Đại sứ nước ngoài không trình quốc thư lên nguyên thủ quốc gia Libya mà chỉ trình lên Bộ trưởng Ngoại giao. Đó là do Qaddafi nói ông không phải là nguyên thủ quốc gia, vì nhà nước Libya là “của dân chúng”, do dân chúng lãnh đạo; ông chỉ là “người lãnh đạo cuộc cách mạng mồng Một tháng 9”.
Xã hội đóng cửa kín mít; dân tránh tiếp súc với người ngoại quốc, tránh nói chuyện chính trị. Sách và mọi phương tiện thông tin đại chúng đều bị kiểm soát. Không có chính đảng. Trước cách mạng, Libya có Tổ chức Sĩ quan tự do, nhưng từ năm 1973, toàn bộ quyền lực do một mình Qaddafi nắm. Mọi sự phản đối đều bị trấn áp thẳng tay.
Tại trung ương có Đại hội nhân dân (Quốc hội) và Uỷ ban nhân dân (UBND, tức Chính phủ). Người phụ trách các tổ chức này ở trung ương và địa phương đều gọi là Thư ký (secretary). Dưới UBND trung ương có các Uỷ ban công nghiệp, nông nghiệp, bưu điện, giao thông, văn hoá giáo dục, y tế, thể thao v.v…; người phụ trách cũng gọi là Thư ký. Đại sứ Libya ở nước ngoài gọi là Thư ký UBND Văn phòng Libya. Khái niệm bình đẳng thực hiện triệt để, như trên máy bay dân dụng chỉ có một loại vé phổ thông, không có hạng công vụ, hạng business. Do “tự quản” không có người chuyên trách, nên công việc hành chính rất luộm thuộm.
Sau hơn 4 thập niên dưới sự lãnh đạo của Qaddafi, nhân dân Libya có một cuộc sống khấm khá, chủ yếu nhờ thu nhập từ dầu mỏ. GDP bình quân đầu người năm 2010 là 12000 USD, giàu nhất châu Phi.
Mọi người dân đều được chữa bệnh không mất tiền. Trẻ em 6-14 tuổi bắt buộc phải đi học.
Gia đình nào cũng có nhà ở và ô tô riêng. Ngoài đường rất ít thấy người đi bộ, toàn thấy đàn ông thường đánh xe đi chợ hoặc chạy rông; họ chẳng biết đánh xe đi đâu chơi, vì nước này làm gì có các casino, hộp đêm và nơi ăn chơi cũng như rừng cây để hưởng màu xanh. Ra khỏi thành phố là đường cao tốc chạy giữa sa mạc cháy bỏng. Đàn bà vẫn phải che mạng và suốt ngày ở nhà. Xăng rẻ, chừng 3000 đồng tiền Việt một lít. Hầu hết hàng hóa phải nhập khẩu.
Con người huyền thoại độc đáo
Nghe nói Qaddafi chưa bao giờ sống trong dinh Tổng thống mà chỉ ở một chiếc lều nằm trong doanh trại có tường rào. Khi đi thăm nước ngoài ông cũng mang theo lều để ngủ và lạc đà để cưỡi. Người ngoài chỉ được vào lều làm việc chứ không được vào lều ngủ. Trang bị trong lều làm việc rất giản dị, chỉ có các phương tiện tối thiểu. Điện thoại chỉ có một chiếc, cả đến cái ti vi cũng không có.
Qaddafi có hai đời vợ; lần đầu ông lấy con gái của một viên tướng có thế lực dưới triều vua Idris, song đó chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị. Năm 1969 ông cưới Safiya – cô y tá chăm sóc ông hồi ông cắt ruột thừa. Họ có với nhau 6 người con. Qaddafi rất ít nói về gia đình mình; vợ con ông ít khi ra khỏi chiếc lều họ ở.
Khi tiếp khách, Qaddafi tỏ ra rất lịch sự và tươi cười, giản dị dễ gần, giọng ôn hoà, chịu khó nghe. Nhiều khi ông nói dài, tỏ ra có nhiều ý tưởng và thông thạo tình hình quốc tế. Nội dung câu chuyện thường có tính kích động, nhiều kịch tính. Khi dự mít tinh ông thường la hét, vung nắm đấm đả đảo đế quốc Mỹ, chủ nghĩa phục quốc Do Thái, tuyên truyền tư tưởng cách mạng của Sách Xanh.
Hay nói và nói nhiều, hay thay đổi ý kiến là đặc điểm của Qaddafi; khi nói ông thường hoa chân múa tay bằng tất cả sức mạnh; song ông không điên rồ như báo chí phương Tây nhận xét. Ngày 23/9/2009 ông đăng đàn lần đầu tại Liên Hợp Quốc (LHQ), quy định chỉ được nói 15 phút, ông nói vo liền 1 giờ 36 phút (vẫn còn kém kỷ lục của Chủ tịch Fidel Castro: 4 giờ 30 phút), phê phán LHQ không tiếc lời. May mà TT Obama và bà Hillary đã khôn ngoan “chuồn” trước khi ông nói. Lần ấy ông phải thuê một trang trại để dựng lều nghỉ đêm, vì dân New York phản đối ông dựng lều ở công viên. Nghe nói bên cạnh ông lúc nào cũng có một toán nữ y tá người Âu châu và nữ cảnh vệ xinh đẹp phục vụ.  
Gaddafi không lúc nào rời cuốn Kinh Coran, ngày nào cũng làm lễ. Ông tỏ ra yêu đất nước và dân tộc A Rập. Ông không uống rượu và hút thuốc, ghét thói ăn chơi. Chỉ có một vợ, và  là người bình dân, khác hẳn với truyền thống đàn ông A Rập có quyền lấy đến 4 vợ.
Mặt khác, có người bình phẩm ông độc tài chuyên chế, ngạo mạn, cực đoan, dễ quay ngoắt 180 độ, tài trợ các tổ chức khủng bố trên thế giới. Năm 1977, Libya từng có xung đột quân sự với hai nước láng giềng là Ai Cập và Chad, thậm chí đem quân xâm lăng Chad. Mới đây, Mỹ và Anh tuyên bố phong tỏa tài sản của Gaddafi, họ nói ông và gia đình có 30 tỷ USD ở Mỹ và 20 tỷ Bảng ở Anh. Chẳng rõ ông định dùng số tiền khổng lồ ấy để làm gì ở tuổi 69? 
Từng một thời kiên quyết chống Mỹ
Trong một thời gian dài sau cách mạng, Qaddafi kiên quyết chống Mỹ và chủ nghĩa phục quốc Do Thái, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và các tổ chức cấp tiến; quan hệ giữa Libya với Mỹ và phương Tây ngày càng căng thẳng. Qaddafi ủng hộ các tổ chức Palestine vũ trang quá khích, không tán thành PLO của Arafat đàm phán với Israel; tuy thế ông khôn ngoan không đối đầu trực tiếp với Israel, vì biết đối thủ này cũng thẳng tay chẳng kém ông.
Năm 1981, máy bay Mỹ bắn rơi 2 máy bay chiến đấu Libya, hai nước cắt quan hệ ngoại giao. Năm 1986, TT Reagan thực hành cấm vận Libya với cớ Qaddafi ủng hộ các tổ chức khủng bố. Tháng 4/1986, sau khi lên án Libya đánh bom nơi vui chơi của lính Mỹ ở Tây Đức, TT Reagan cho máy bay bắn phá thủ đô Tripoli và Benghati, ném bom trúng nhà Qaddafi làm chết cô con gái nuôi 15 tháng tuổi và bị thương hai con trai của ông, Qaddafi cũng suýt chết. Tuy vậy ông vẫn kiên quyết chống Mỹ. Nhiều người châu Phi và Trung Đông coi ông là anh hùng chống Mỹ.
Ngày 1/12/1988, một máy bay dân dụng Mỹ bị nổ trên bầu trời Lockerbie (Scotland, thuộc nước Anh) làm chết 259 khách, trong có 189 lính Mỹ nghỉ phép về nước. Ngày 19/9/1989 một máy bay dân dụng Pháp bị nổ trên bầu trời Niger, chết 170 người. Phương Tây buộc tội người Libya gây ra hai vụ đó. Năm 1992, LHQ ra nghị quyết trừng phạt Libya với lý do không hợp tác điều tra hai vụ này. Libya phản đối và không giao các nghi can liên quan.
Đột ngột thay đổi đường lối đối ngoại
Sự trừng phạt kéo dài của LHQ làm Libya thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, đời sống khó khăn, chính trị mất ổn định. Dù Qaddafi cố mềm dẻo, Anh Mỹ vẫn từ chối hợp tác; tháng 8/1998 mới đồng ý để Tòa án quốc tế ở Hà Lan xét xử theo luật pháp Scotland 2 người Libya tình nghi đánh bom 2 vụ nói trên (do Libya giao nộp).
Đầu năm 2001, Toà kết án tù chung thân một và tha bổng một nghi phạm. Tháng 3/2003, Libya đồng ý bồi thường 2,7 tỷ USD cho các nạn nhân vụ Lockerbie – khoản bồi thường lớn chưa hề có trong lịch sử. Tháng 9, LHQ bãi bỏ sự trừng phạt Libya. Đầu năm 2004, Libya lại đồng ý bồi thường 1,7 tỷ USD cho vụ tai nạn Niger.
Ngay hôm sau vụ 11/9/2001 ở New York, Qaddafi ra tuyên bố lên án các hoạt động khủng bố và nói Mỹ có quyền chính đáng trả đũa bọn đánh bom, thậm chí còn kêu gọi người Libya hiến máu cho các nạn nhân Mỹ. Đây là tuyên bố sớm nhất trong thế giới A rập; từ đó trở đi Qaddafi bắt đầu hợp tác với Mỹ chống khủng bố và trao đổi thông tin về Al-Qaeda.
Chưa đầy một tuần sau ngày quân đội Mỹ bắt giữ TT Iraq Saddam Hussein (cuối 2003), Libya tuyên bố từ bỏ nghiên cứu vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt, tiếp nhận thanh sát quốc tế, ký Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và cấm vũ khí hoá học.
Các nước đều hoan nghênh tuyên bố đó; LHQ lập tức hủy bỏ lệnh trừng phạt Libya.
Một số nước Trung Đông bất mãn trước sự quay ngoắt 180 độ của Qaddafi. Triều Tiên nói sẽ không bắt chước Libya. Qaddafi thì nói từ nay Libya sẽ không tự cô lập mình một cách vô ích như trước nữa.
Tháng 3/2004, Qaddafi tuyên bố lạc quan về tương lai mối quan hệ giữa Libya với Mỹ. TT Bush cũng nói “Mỹ và Libya có thể kết bạn với nhau”. Tháng 5 năm 2006, Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên hàng đại sứ.
Năm 2004, Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng Đức Gerhard Schroder lần lượt thăm Libya. Các công ty phương Tây bắt đầu đầu tư vào Libya, chủ yếu về lĩnh vực khai thác chế biến dầu mỏ.
Năm 2008, Ngoại trưởng Mỹ bà Rice đến thăm Libya nhằm cải thiện quan hệ hai quốc gia và tăng cường liên minh chống Al-Qaeda.
Từ tháng 2 năm nay, Tunisia rồi Ai Cập đột nhiên nổ ra các cuộc biểu tình chống chế độ chuyên chế lâu năm của các nhà lãnh đạo độc tài. Làn sóng cách mạng này nhanh chóng lan ra cả thế giới A Rập, trong đó có Libya. Lãnh tụ Gaddafi kiên quyết không lùi bước. Nội chiến nổ ra giữa phái thân chính phủ với phái chống chính phủ. Máu đã đổ, Mỹ và phương Tây yêu cầu Gaddafi ra đi, nếu không họ sẽ tìm cách can thiệp. Gaddafi sẽ chọn con đường tử thủ hay ra đi? - chúng ta hãy chờ xem. /. 
Nguyên Hải
(Kèm ảnh - Qaddafi trong quân phục đại tá, - cùng cô y tá người Ukraine, - cùng đội bảo vệ nữ xinh đẹp)