Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG COI THƯỜNG THỜI GIAN – MỘT NHÂN CHỨNG VÀ QUAN TÒA NGHIÊM KHẮC

Nguyễn Văn Dân
Thứ sáu ngày 18 tháng 3 năm 2011 3:35 PM

 

Trong nghiên cứu khoa học, thời gian là một chỉ số vô cùng quan trọng, nó cho thấy diễn biến của lịch sử vấn đề và diễn biến quan điểm của người nghiên cứu, cũng như cho thấy bối cảnh của chủ đề được bàn luận. Nhìn vào các mốc thời gian, người ta có thể theo dõi được câu chuyện và đánh giá được sự đóng góp từng ý kiến trong việc giải quyết vấn đề.

Thông thường, mốc thời gian được căn cứ vào thời điểm xuất bản công trình hoặc tác phẩm. Nhưng cũng có những công trình, do những lý do khách quan, nên thời điểm ra đờithời điểm công bố của nó có sự vênh nhau. Ví dụ, cuốn sách Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám đã được GS Đinh Gia Khánh hoàn thành từ năm 1966, nhưng đến năm 1968 mới xuất bản. Hay cuốn sách Thi pháp thơ Tố Hữu của GS Trần Đình Sử, viết xong từ năm 1985, nhưng đến 1987 mới xuất bản, v.v... Đây là những chi tiết thời gian rất quan trọng đối với những người nghiên cứu. Nó cho thấy thời điểm thực tế xuất hiện quan điểm nghiên cứu loại hình truyện cổ tích ở Việt Nam là có từ khi nào, hay thời điểm thực tế ra đời phương pháp nghiên cứu thi pháp hiện đại một cách có bài bản xuất hiện khi nào ở nước ta.

Thế nhưng, trong thời đại của xã hội thông tin ngày nay, trong cuộc chạy đua tốc độ với sự bùng nổ thông tin, rất nhiều người, nếu không nói là hầu hết, lại coi thường các mốc thời gian. Hầu như tất cả các nhà xuất bản, khi tái bản một cuốn sách, người ta thường không ghi rõ ở trang bìa lót cuốn sách đó được in lần đầu vào năm nào. Do đó có nhiều người nghiên cứu, vì không nắm được thông tin về lần xuất bản đầu, nên đã lấy thời gian tái bản cuốn sách làm mốc căn cứ để ghi nhận thời điểm xuất hiện quan điểm của tác giả cuốn sách. Còn đối với các trang mạng, khi trích bài từ mạng này sang mạng khác, người ta thường bỏ qua việc trích dẫn xuất xứ, trong đó có xuất xứ thời gian. Rất nhiều trang mạng, khi lấy bài từ báo khác hoặc từ trang mạng khác, thường chỉ ghi tên báo và tên trang mạng mà không ghi bài trích đó xuất bản trên số bao nhiêu và năm nào của tờ báo, hoặc xuất bản ngày nào của mạng đó. Thậm chí có tờ báo mạng còn không ghi cả tên tác giả! Chỉ những bài nào do tác giả trực tiếp gửi báo mạng sau khi đã đăng báo viết thì mới có xuất xứ rõ ràng, bởi vì tác giả đã chủ động ghi rõ xuất xứ cho báo, còn lại thì các chủ trang mạng hầu như không bao giờ tuân thủ cái quy định tối thiểu này. Vậy mà hiện nay lại không có một cơ quan nào làm nhiệm vụ giám sát và nhắc nhở các trang mạng tuân thủ cái quy định đó.

Luật bản quyền của nước ta (nằm trong Luật Sở hữu Trí tuệ đã được Quốc Hội thông qua ngày 29-11-2005) quy định rằng khi trích một ý kiến, một quan điểm hay một văn bản, người trích (tức người sử dụng) “phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm” (Điều 25, khoản 2). Việc ghi xuất xứ sẽ đảm bảo đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, đồng thời cho phép người đọc có thể kiểm tra tính chính xác của việc trích dẫn. Khi thiếu các yếu tố xuất xứ, thì văn bản được trích dẫn sẽ không còn giá trị sử dụng. Vì người đọc sẽ không biết quan điểm được trích dẫn đó là của ai, xuất hiện khi nào, ở đâu. Có nghĩa là văn bản đó mất hẳn “giá trị gia tăng”.

Đối với người dùng tin, khi sử dụng thông tin trích dẫn mà không căn cứ vào thời điểm xuất hiện của thông tin trích dẫn, thì sẽ lẫn lộn trình tự xuất hiện của các quan điểm trong diễn biến của vấn đề, dẫn đến chỗ đánh giá sai sự việc, làm cho công trình nghiên cứu hay bài viết của mình trở nên vô giá trị.

Như vậy, tôn trọng thời gian là yêu cầu tối thiểu của một nhà khoa học. Và đó cũng là yêu cầu tối thiểu của báo chí, kể cả báo viết, báo hình lẫn báo mạng.

18-3-2011