Tôi xin lý giải nguồn gốc vụ việc “Lượm” đang làm hao tốn giấy mực của báo giới bằng một câu ngắn gọn 12 từ như trên.
Đúng như vậy, không có lời giải thích nào khác hơn và hợp lý hơn cho vụ việc này. Tôi đã đọc lại thể lệ cuộc thi. Không có một dòng nào quy định phải là câu chuyện có thật của tác giả. Ban giám khảo cũng được “quảng cáo” là các nhà văn nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Thật buồn cười, nếu là một cuộc thi báo chí thì tại sao ban giám khảo lại phải có mặt “những nhà văn nổi tiếng”? Cuộc thi văn chương thì mới vậy chứ! Đó là chưa kể đề thi quá “văn chương” khi chỉ một đoạn rất ngắn mà trích thơ của 2 nhà thơ nổi tiếng.
Bản chất của cuộc thi là điều cần bàn trong vụ việc này. Không thể có một cuộc thi mà bài thi là những câu chuyện thật của thí sinh. Nếu như vậy thì thi cái gì? Thi sự “lãng mạn” hay là sự “yêu nhiều”? Nói đến thi, tức là nói đến sự tranh tài thấp cao, chứ không phải thi cuộc đời ai éo le hơn, trắc trở hơn hay lãng mạn hơn. Nếu là như vậy, thì chỉ có thể vận động người ta viết cho một chuyên mục nào đó của tờ báo, chẳng hạn chuyên mục “Mối tình đầu của tôi”. Phân tích ra như thế, để thấy rõ rằng, trước hết đây là một cuộc thi văn học. Cho nên thí sinh cố công tìm tòi những câu chuyện có ý nghĩa, trước hết là của mình, sau nữa là của anh em, bạn bè hay người nào đó, rồi dùng chất văn đẩy nó lên. Đó là chưa kể, người thi sẽ không muốn kể chuyện mình mà chỉ muốn kể chuyện người thôi. Vì có mấy ai muốn đem mối tình đầu của mình ra dự thi kiếm giải thưởng?
Lẽ ra, với một cuộc thi như thế, ban tổ chức chỉ dừng lại ngang mức độ chấm bài thi rồi trao giải. Thế thôi.
Đằng này, cuộc thi là thi văn chương, mà các thao tác tiếp theo như gặp gỡ tác giả, mời giao lưu này kia đều trong góc độ người thật việc thật. Một cô gái tỉnh lẻ chắc cả đời mới lần đầu tiên có bài đăng báo, mà được nâng lên như thế, cô ta không thể nào cưỡng lại được. Trần Thị Thùy Dương đã bị “cuốn đi” trong một cơn lốc kỳ quái. Cô ta không kịp dừng lại để suy nghĩ nữa. Cho đến khi quá muộn.
Toàn bộ những chuyện này, đều là lỗi của ban tổ chức. Mình là những “nhà báo lớn”, hãy dũng cảm nhận lỗi, đừng đổ cho một cô gái quê mùa như Thùy Dương mà tội nghiệp cô ấy. Tôi thấy các bạn đang muốn trút hết gánh nặng bức xúc của bạn đọc lên mẹ con Thùy Dương. Đừng làm thế, nếu các bạn muốn độc giả còn tôn trọng mình.
T.Đ.T