,,, Cũng đã có những lời nhằm vào một số bài viết phê phán tiểu tuyết Hội Thề và việc lãnh đạo Hội Nhà văn tôn vinh Hội Thề, cho rằng trong giới với nhau, sao lại đi vạch áo cho người xem lưng. Thiết nghĩ là nhà văn chân chính thì trước hết phải có cái tâm sáng. Mà tâm đã sáng thì cái lưng sẽ không che chắn những cái hắc ám. Có gì mà phải sợ khi người ngoài nhìn vào cái lưng lương thiện, đáng tin cậy của nhà văn....
Mới đây, tại đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tp. Hồ Chí Minh (3/3/2011) tôi có dịp được nghe nhà thơ Hửu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết 2006-2010 nói về những lý do Hội đồng chung khảo tôn vinh cuốn tiểu thuyết Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân với giải thưởng cao nhất (vượt lên trên 247 tác phẩm dự thi, 51 tác phẩm vào chung khảo) Cùng nghe với tôi hôm đó còn có nhà văn Triệu Xuân, nhà văn Đặng Hấn, nhà thơ Ngyễn Vũ Tiềm…
Lập luận của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo có thể tóm tắt như sau:
1. Tiểu thuyết Hội Thề viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã gửi đến độc giả Thông điệp lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng hòa hiếu vãn hồi hòa bình giành lại non sông, tránh được binh đao đổ máu.
2. Tiểu thuyết Hội Thề có những đóng góp vào cách miêu tả nhân vật, không một chiều, cứ phản diện là xấu hết, chính diện là tốt hết.
3. Tiểu thuyết Hội Thề đã nêu được vai trò trí thức và thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội Phương Đông.
Nội dung này cũng được tác giả Nguyễn Hửu (một bút danh khác của nhà thơ Hửu Thỉnh) thể hiện trong bài tổng kết cuộc thi tiểu thuyết vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam đăng trên tạp chí Nhà Văn số 2/2011. Để hiểu rõ giá trị của cuốn tiểu thuyết được tôn vinh, tôi đã tìm đọc Hội Thề một cuốn sách được nhà sách Thăng Long xếp vào loại “ế”, bày bán ở quầy sách giảm giá 40%.
Sau khi đọc cuốn tiểu thuyết Hội Thề, tôi thấy cần trao đổi một số ý kiến đổi với những luận điểm được Hội đồng chung khảo căn cứ để tôn vinh cuốn tiểu thuyết lịch sử này.
1. HỘi THỀ là một thông điệp của nhà văn Nguyễn Quang Thân hay nhà văn chỉ là người góp phần truyền đạt lại thông điệp hùng hồn, sáng tỏ đã tồn tại trên 500 năm trong lịch sử của dân tộc? Đây là điểm xuất phát rất quan trọng. Nếu nhà văn Nguyễn Quang Thân là người đầu tiên có công phát hiện, và bằng tài năng của mình thông qua tác phẩm văn học gửi đến độc giả thông điệp này thì ông và Ban Chung khảo của Hội Nhà văn Việt Nam có công lớn.
Thực tế không phải vậy. Với công nghệ hiện đại hiện nay, chỉ cần gõ nhẹ vào bàn phím máy vi tính nối mạng, những tư liệu gốc về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hiện ra trong nháy mắt. Cẩn trọng hơn, có thể tham khảo thêm một vài cuốn chính sử phần nói về khởi nghĩa Lam Sơn. Vai trò lịch sử vĩ đại của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, khí thế hào sảng của nghĩa quân: gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông phải cạn, những trận thắng oanh liệt, lừng lẫy: “ Đánh một trận sạch không kinh ngạc…” của nghĩa quân từ Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tốt Động - Chúc Động tới Chi Lăng - Xương Giang…hàng chục vạn quân Minh phơi thây, hàng vạn tướng sĩ giặc bị bắt làm tù binh là tiền đề để có Hội Thề Đông Quan ngày 10/12/1427 – thực chất là một nghi thức tiếp nhận sự giải giáp đầu hàng của quân Minh, một lễ hội của quân dân Đại Việt mừng chiến thắng.
Không cần có tiểu thuyết Hội Thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân thì đã có thông điệp: Lấy chính nghĩa thắng hung tàn, dùng hòa hiếu vãn hồi hòa bình thu non sông về một mối… Thông điệp đó được viết nên bằng máu của biết bao nghĩa quân, bằng những áng văn hùng hồn, đanh thép: những bức thư chiêu dụ quân Minh đầu hàng, Bình Ngô Đại Cáo, và cả chương trình lịch sử trong sách giáo khoa truyền dạy cho học sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bản thân nhà văn Nguyễn Quang Thân và Ban Chung khảo chắc cũng đã được truyền dạy thông điệp này từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy phần đóng góp của tiểu thuyết Hội Thề nếu có là gì? Ấy là góp phần làm sáng tỏ, sinh động hơn thông điệp nói trên.
Cuốn tiểu thuyết dày trên 300 trang của của nhà văn Nguyễn Quang Thân đã không có một sử liệu hoặc kiến giải nào mới mẻ, sâu sắc hơn chính sử. Cũng
không sáng tạo ra được hình tượng tiêu biểu nào của các nghĩa quân, vốn là những nông dân chân đất vì nghĩa lớn mà theo Bình Định vương Lê Lợi cứu nước. Họ vừa là những cá thể bé nhỏ vừa là cái nền vĩ đại tạo nên sức mạnh của dân tộc. Trong họ tiềm ẩn những chân lý lớn lao của đời sống.
Như vậy cuốn tiểu thuyết Hội Thề đã không đóng góp gì vào việc làm sáng tỏ hơn, sinh động hơn thông điệp lớn lao đã có sẵn trong lịch sử.
2. Với tiểu thuyết Hội Thề lịch sử đã được viết khác đi. Dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân, Lê Lợi vị minh chủ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vị anh hùng dân tộc đã hiện ra như một kẻ háo sắc cuồng dâm, thô lổ cả trong ăn uống. Hãy xem nhà văn này miêu tả Lê Lợi: Có một lần trong cái lều bếp dã chiến…ông đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm một miếng cơm cháy. Trong một khắc ông không còn là minh chủ…làm vội làm vàng (giao cấu với người đàn bà nấu bếp của nghĩa quân) sợ mấy thằng thị vệ nhìn thấy, nhanh như một con gà trống (tr. 12) Hoặc: Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ (Nguyễn Thị Lộ) giống như khi ông muốn xé một con gà luộc…Thị Lộ bày đĩa bánh chưng rán lên án thư. Bình Định vương vồ lấy đôi đũa trên tay bà, gắp bánh. Nhưng ông vụng về, miếng bánh rơi xuống sàn gỗ. Ông cáu tiết vứt đũa, lấy tay nhón bánh ăn ngấu nghiến (tr. 12)
Ở một trang khác vị minh quân Lê Lợi được bộc lộ qua qua ý nghĩ của con trai là Lê Tư Tề: Vua cha…đâu có thì giờ tĩnh tâm phân biệt chính tà (tr. 194)
Bình Ngô Đại Cáo, một văn bản gốc của chính sử nói về nghĩa quân Lam Sơn: Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới. Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngot ngào. Tiểu thuyết Hội Thề đã tùy tiện cường điệu mâu thuẩn trong hàng ngũ nghĩa quân tới mức các nhân vật có học thức từ Thăng Long vào tham gia nghĩa quân đều bị các viên tướng phái võ biền khinh miệt kẻ thì bị coi là cục phân chó như Trần Nguyên Hãn, kẻ thì bị coi không bằng cục phân. (tr.171) Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Quang Thân sự đố kỵ trong hàng ngủ nghĩa quân làm cho nhan nhản các trang sách bốc mùi phân. Bản thân Nguyễn Trãi cũng bị coi khinh, mỗi khi ông vâng mệnh Lê Lợi đọc thơ thì họ quay mặt nhiều lần nhổ nước bọt (trang 29). Nguyễn Trãi trong ý nghĩ của Lê Lợi: Bọn Sát, Ngân thù ghét, miệt thị Trãi, Hãn ra mặt… Nhà văn đẩy Nguyễn Trãi, một anh hùng kiệt xuất vào thế cô độc, chỉ trang trải lòng mình được với Thái Phúc một viên bại tướng đã đầu hàng nghĩa quân: “Xin đại huynh nhận cho Trãi này ba vái: Một vái để tạ lòng nhân của đại huynh…Còn vái này là tạ công lớn của đại huynh với nghĩa quân…, vái này nữa để ghi nhận tình tri kỷ của đại nhân với đứa em côi cút là Trãi này…” Một Nguyễn Trãi uy nghi, tác giả bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo như có thép, mang hào khí của cả dân tộc thắng giặc ngoại xâm sao có thể tự nhận mình là đứa em côi cút trước viên hàng tướng Thái Phúc khi y dời gót theo đội quân xâm lược bị giải giáp, rút vế nước.
Qua việc nhà văn Nguyễn Quang Thân gán cho Nguyễn Trãi xin Thái Phúc nhận ba vái như trình bày ở trên có thể thấy tướng giặc được đề cao như thế nào. Tác giả Hội Thề còn cho Thái Phúc ba hoa với Nguyễn Trãi rằng khi áp tải đoàn tù nhân nhà Hồ, trong đó có Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi, y đã dành cho Nguyễn Phi Khanh một con ngựa để cưỡi cho đỡ mệt trong khi cả đoàn tù nhà Hồ mới đi vài trăm dặm đã chết hơn một nửa vì đói cơm, khát nước, bệnh tật và nhục hình… Y còn ba hoa: Mười năm đánh nhau hết Thanh Hóa đến Nghệ An, đệ không hề biết mùi đàn bà…Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không được o ép liễu yếu đào tơ…(tr. 23)
Trong chính sử, sự thật về viên hàng tướng Thái Phúc như thế nào: Suốt hàng chục năm là người bảo vệ nền thống trị hà khắc của nhà Minh tại xứ Giao Chỉ (nhà Minh đã xóa hẵn tên nước Đại Việt) viên tướng Thái Phúc nếu thực lòng trọng chính nghĩa thì y đã qui hàng nghĩa quân từ lâu rồi. Thái Phúc cùng với Lý An, Phương Chính là ba viên tướng chủ chốt giữ thành Nghệ An, nổi tiếng tàn bạo. Năm 1425 trong bối cảnh hầu như toàn bộ tỉnh Nghệ An (bao gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) nằm trong tay nghĩa quân Lam Sơn, giặc Minh co cụm, cố giữ hai thành còn lại là Diễn Châu và Nghệ An thì Thái Phúc vẫn ngoan cố cùng với Lý An, Phương Chính… cố thủ trong thành, dù lúc này đã có một số viên tướng như Cầm Bành chỉ huy đồn Trà Lân đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn.
Cuối năm 1426, thành Đông Quan bị Nghĩa quân uy hiếp nặng, viên tướng Minh chỉ huy là Trần Trí bí mật truyền lệnh cho Lý An, Phương Chính ngày 17/10/1426 theo đường thủy chuyển hầu hết quân trong thành Nghệ An ra Đông Quan, giao Thái Phúc cùng với một ít quân cố thủ giữ thành. Cũng vào thời diểm này, trong cảnh thế cô, sức kiệt, Thái Phúc mới chịu hàng nghĩa quân chứ không phải vì trọng chính nghĩa. Đáng lưu ý là tác giả Hội Thề đã chủ tâm viết khá mập mờ sự kiện này: Thái Phúc có công mở cửa dâng thảnh Nghệ An cho Chúa công…mà không nói tới tình cảnh thảm hại thế cô, lực kiệt…buộc tướng giặc Minh phải chọn con đường sống là đầu hàng. (Có tài liệu cho rằng ngay sau khi Lý An, Phương Chính chuyển hầu hết quân đồn trú thành Nghệ An ra Đông Quan, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của các tướng Lê Ngân, Lê Văn Linh, Nguyễn Thận…đã công thành Nghệ An. Biết không chống nổi nghĩa quân, Thái Phúc qui hàng. Tướng Nguyễn Thận là người trực tiếp nhận sự đầu hàng của Thái Phúc) Như vậy Thái Phúc dù hàng theo cách nào thì cũng không phải vì trọng chính nghĩa mà vì đường cùng, tham sống sợ chết. Sau khi đầu hàng nghĩa quân, Thái Phúc được Lê Lợi giao cho mang thư Nguyễn Trãi dụ hàng quân Minh ở thành Xương Giang. Hai lần Thái Phúc đi dụ hàng không xong. Lê Lợi đốc quân tấn công, diệt và bắt sống toàn bộ quân sĩ trong thành. Trong Hội Thề sự kiện này không được nhắc tới. Tác giả Hội Thề cho viên hàng tướng Thái Phúc lập công lớn trong sự kiện cùng với Nguyễn Trãi đi dụ hàng tướng giặc Mộc Thạnh tại ải Lê Hoa mà độc giả bắt gặp ở phần đầu cuốn tiểu thuyết. Dưới ngòi bút của tác giả Hội Thề, chỉ với bức thư của Nguyễn Trãi và ba tấc lưỡi của Thái Phúc đã đẩy lui 5 vạn quân giặc ra khỏi bờ cõi, quân ta truy kích diệt và bắt sống trên một vạn tên. Chính sử chép về sự kiện này như sau: Sau chiến thắng Chi Lăng, Lê Lợi sai một tên chỉ huy, ba tên thiên hộ bắt được trong đạo quân Liễu Thăng, mang sắc thư, ấn tín, của Liễu Thăng (đã mất mạng) cùng bức thư của Nguyễn Trãi chuyển cho Mộc Thạnh. Đọc thư, lại tận mắt nhìn thấy những chứng tích thảm bại của Liễu Thăng, tướng giặc vô cùng khiếp sợ. Đang đêm Mộc Thạnh vội vàng đem quân tháo chạy. Quân ta truy kích diệt hơn một vạn tên, bắt sống hơn 1000 tên. Không hề có bóng dáng hàng tướng Thái Phúc trong trận thắng vang dội này.
Tại sao tác giả Hội Thề lại cố ý đánh tráo lịch sử, lấy công của người khác gán cho viên hàng tướng Thái Phúc? Phải chăng có tô vẻ Thái Phúc thì viên hàng tướng mới đủ cái tầm để nhà văn Nguyễn Quang Thân có thể cho một người vĩ đại như Nguyễn Trãi hạ mình nhận là đứa em côi cút trước viên hàng tướng nhà Minh mà không cảm thấy bị sỉ nhục. Thậm chí vì cái tầm này mà tác giả Hội Thề còn có cớ đặt vào miệng của Lê Lợi lời vàng dành cho Thái Phúc: Ông là bằng hửu của ta và Đại Việt ta…
Cũng với thủ pháp tô vẽ tướng giặc, tác giả Hội Thề đã cho Vương Thông một viên tướng tàn bạo, dâm đãng, từng cho lính đi lùng gái đẹp đưa về làm nô lệ tình dục cho y, có cử chỉ thật lạ thường, buộc hàng trăm binh sĩ phải bỏ mạng, mở đường máu đưa một cô gái từng làm nô lệ tình dục cho y được trả về với gia đình vì lo cho cô bơ vơ khi đám quân Minh bị giải giáp rút khỏi kinh thành Đông Quan. Tác giả Hội Thề còn cho từ miệng tướng giặc Vương Thông nói ra là y coi Nguyễn Trãi như bằng hữu… Phải chăng lối viết bịa tạc, bôi xấu Lê Lợi, Nguyễn Trãi… những vị anh hùng dân tộc đã đưa đất nước ta thoát khỏi hiểm họa bị xóa sổ, biến thành Quận Giao Chỉ của nhà Minh, cùng với việc tô vẽ tướng giặc…thể hiện trong Hội Thề là đóng góp của nhà văn Nguyễn Quang Thân vào việc xây dựng các nhân vật chính diện và phản diện không đơn điệu, một chiều?
Trong bài tổng kết cuộc thi tiểu thuyết 2006-2010 của Hội Nhà văn, tác giả Nguyễn Hửu (một bút danh khác của Hửu Thỉnh) đã khen là dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân lịch sử đã được làm mới lại để trở thành lịch sử của ngày hôm nay. Xin thưa hậu thế chỉ có thể soi rọi cái nhìn mới vào lịch sử để hiểu rõ hơn, chính xác hơn những góc khuất bị thời gian và nhiều lí do khác che phủ, chứ lịch sử vốn là những gì đã xảy ra, gương mặt của nó đã định dạng, không ai có thể thay đổi, lại càng không có quyền làm mới theo cách bịa tạc bôi nhọ.
3. Cũng cần nói thêm về một vấn đề được Chủ tịch Hội Nhà văn ghi công cho tiểu thuyết Hội Thề. Theo ông tiểu thuyết Hội Thề đã nêu được vấn đề vai trò của trí thức, thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội phương Đông. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra cách đây hơn năm trăm năm vốn là cuộc khởi nghĩa của nông dân, nhưng vì mục đích giải phóng dân tộc nên đã nhanh chóng tập họp được cả những trí thức ưu tú trong lực lượng của mình. Trong Bình Ngô Đại Cáo, bản hùng văn do Nguyễn Trãi một nhân vật lỗi lạc của nghĩa quân viết, được công bố sau ngày toàn thắng giặc Minh (1428) lực lượng nghĩa quân được mô tả: nhân dân bốn cõi một nhà; tướng sĩ một lòng phụ tử; đem đại nghĩa thắng hung tàn… Tư liệu này chắc chắn phải đáng tin cậy hơn những gì tác giả Hội Thề viết theo tưởng tượng tướng Lam Sơn thì phải vô học, phải tị hiềm với trí thức, những người mà trong mắt các tướng võ biền của nghĩa quân chỉ là cục phân, thậm chí không bằng cục phân.
Sự thật là sau khi Lê Lợi giành lại được độc lập hoàn toàn cho non sông, chính thức lên ngôi Hoàng đế - tức Lê Thái Tổ (29/4/1428) khôi phục tên nước Đại Việt, bên cạnh việc cũng cố triều đình phong kiến, những cuộc tranh giành quyền lực đã bắt đầu xuất hiện và ngày một quyết liệt. Mở đầu là cái chết của Trần Nguyên Hãn, bị triều đình nghi là mưu phản vì muốn lập Tư Tề là con trưởng (con hoàng hậu Ngọc Lữ) làm Thái Tử, trong khi một số tướng khác như Phạm Vấn, Lê Sát…muốn tôn Nguyên Long là con thứ (con hoàng hậu Ngọc Trần) Trần Nguyên Hãn trên đường về kinh theo lệnh vua, đã nhảy xuống sông tự vẫn. Tiếp theo cái chết của Trần Nguyên Hãn là cái chết các công thần Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, Lê Ngân, Lê Sát, Trịnh Khả, Trinh Khắc Phục… tất cả đều dính dáng tới cuộc tranh giành quyền lực trong Triều đình, kẻ thì chủ mưu, người thì bị vu oan, tuyệt nhiên không hề có vấn đề trí thức ở đây. Đấy là sự thật lịch sử. Chính sử ghi lại giấy trắng mực đen rõ ràng tên tuổi, ngày tháng, nguyên do cái chết.
Nếu không tin các vị trong Ban Chung khảo mở sách sử ra mà xem. Chẳng lẽ chính sử của một nước đã tồn tại và được cả dân tộc trân trọng gìn giữ qua hàng bao thế kỷ lại không đáng tin cậy bằng những trang viết tùy tiện của một cây bút hậu thế, ra đời sau những sự kiện lịch sử trên 500 năm?
Cũng đã có những lời nhằm vào một số bài viết phê phán tiểu tuyết Hội Thề và việc lãnh đạo Hội Nhà văn tôn vinh Hội Thề, cho rằng trong giới với nhau, sao lại đi vạch áo cho người xem lưng. Thiết nghĩ là nhà văn chân chính thì trước hết phải có cái tâm sáng. Mà tâm đã sáng thì cái lưng sẽ không che chắn những cái hắc ám. Có gì mà phải sợ khi người ngoài nhìn vào cái lưng lương thiện, đáng tin cậy của nhà văn. Lãnh đạo Hội Nhà văn nhân danh gần một nghìn hội viên để tôn vinh tiểu thuyết Hội Thề. Vậy thì các hội viên có quyền nói lên chính kiến của mình một cách thiện chí, khách quan. Tiền thưởng tặng cho tiểu thuyết Hội Thề là tiền thuế của dân chứ đâu phải tiền riêng của Ban Chung khảo. Liệu người dân có hài lòng khi biết tiền mồ hôi nước mắt của họ được đem trao cho một cuốn sách bôi nhọ những vị anh hùng luôn là niềm tự hào của họ?
Đối với nhà văn, sự sáng tạo luôn được khuyến khích vì nói cho cùng không có sự sáng tạo thì cũng không có tác phẩm văn học. Nhưng sự sáng tạo của tác giả Hội Thề được đề cập trên đây, thì quả là nó đã vượt qua khái niệm sáng tạo văn học để làm nổi cộm một khái niệm khác, đó là đạo đức, trách nhiệm công dân của nhà văn với lịch sử, với những vị anh hùng dựng nước và giữ nước trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Ngày nay bờ cõi đất nước đâu đã yên, máu Việt Nam còn đổ, dân Việt Nvẫn còn bị nước ngoài ngang nhiên ức hiếp .
Thật kinh ngạc khi Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã tôn vinh một tác phẩm với nhiều vết bôi nhọ lịch sử và những vị anh hùng dân tộc như Hội Thề.
3/2011 Tp. Hồ Chí Minh