Đà Lạt, 15/02/2011
Bạn Xuân Lộc thân mến!
Sáng qua, 14/03/2011, tôi bận lên lớp, một chức phận nghề nghiệp không thể thoái thác. Vì còn ăn lương nhà nước thì còn phải đảm bảo kỷ luật lao động sao cho nghiêm chỉnh. Đó là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi viên chức, công chức. Về tới nhà vào lúc 11h, vừa mở cửa phòng làm việc là tôi khởi động máy ngay, một chức phận xã hội cũng không thể khước từ. Nhất là từ hơn một tháng nay, tôi đã tự nguyện ăn cùng mạng, ngủ cùng mạng, đầu óc lúc nào cũng như xoay quanh cái màn hình tưởng là ảo mà không phải ảo, thậm chí thật đến lạnh lùng, đến ghê người. Internet hôm ấy sau nhiều ngày giông bão đã yên tĩnh trở lại. Chuột lia rất nhanh theo định hướng của tôi. Cái tên mạng trannhuong thân thuộc kia rồi! Ngay giữa mặt tiền của chủ mạng đập ngay vào mắt tôi là một bài mới tinh, như vừa thoát xác, của tác giả Xuân Lộc cũng mới tinh với cái tên bài nghe thật dễ thương VÀI DÒNG TÂM TÌNH CỦA KẺ NGOẠI ĐẠO. Một “kẻ ngoại đạo”, có thật không nhỉ? Tư duy tôi chợt ánh lên một nỗi hoài nghi. Cái thế giới mạng là thế, bạn biết tỏng rồi còn gì, thật giả cứ xáo tung cả lên, phải đầy bản lĩnh để biết lọc lựa. Còn nhớ một lần, cách đây dễ tới dăm bảy năm, tôi có lên tiếng phản ứng lời rao giảng của một vị giáo sự nọ ở Thành phố Hồ Chí Minh trong một cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Ông ấy đề cao một chiều vai trò của internet. Ông bảo, thời đại thông tin toàn cầu ngày nay đối với người trí thức sao mà sướng thế! Chỉ cần vài giây là rút xuống rồi lưu trữ cơ man nào tri thức đủ loại. Tôi đấu lại: có lẽ giáo sư nên phân biệt tri thức với thông tin ạ. Vả lại, nhiều thông tin quá, tôi e sẽ rối tung rối mù lên tất cả, mệt lắm! Cần nhất là sự chọn lọc và xử lý thông tin. Vậy thì vai trò của bản lĩnh cá nhân cần phải đưa lên hàng đầu. Nếu không, con người giữa trùng trùng thông tin internet sẽ dễ mắc phải cái bệnh “sida” quái ác về tinh thần. Triệu chứng: tâm hồn và đầu óc hoàn toàn mất khả năng đề kháng trước những độc hại đến từ mọi hướng mọi nơi. Vậy thì nguy lắm! Thà không phát kiến ra thế giới mạng còn hơn.
Trở lại với bài viết ngắn của bạn, ban đầu quả trong tôi có gợn lên mối nghi ngờ, nhưng càng đọc tôi càng thấy bạn đúng là một “kẻ ngoại đạo” thực sự. Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài viết ngắn, bạn đã nhắc lại nhiều lần cùng một sự xác định “kẻ ngoại đạo” vốn nằm chình ình ở tiêu đề. Nào: “kẻ nhà quê ít học”, lại: “là độc giả bình dân”. Cứ liếc qua cái hình thức cũng đủ rõ. Nói bạn bỏ quá cho, tôi phải hết sức chịu đựng mới đọc thông suốt từ đầu đến cuối bài viết chắc chưa tới dăm trăm từ của bạn đấy. Quá nhiều lỗi chính tả, nhất là dấu cấu. Nghề dạy học gần 40 năm buộc tôi phải đọc hàng vạn trang nghị luận của học trò. Khi thì làm khóa luận ở bậc đại học, khi lại làm luận văn, luận án ở bậc sau đại học. Nhưng ít khi tôi gặp phải tần số lỗi tự nhiên xuất hiện nhiều đến thế. Mà toàn những lỗi thông thường. Ví như: “thì bổng xuất hiện”; “năn nĩ mua cho”; “thỉnh thoảng cũng loang quang”; “luôn thể làm thư ngõ”; “chỉ mặt hẳn hoỉ”; “cho tính chính xác kểu”; giám làm … Chả dám cường điệu đâu, khi gặp những bài viết không ngay ngắn về hình thức chỉ xét riêng ở mặt chính tả thế này, thì hoặc là tôi bắt sinh viên, học viên viết lại hoặc là tôi giữ nguyên để không một chút ngần ngại hạ bút cho điểm kém! Mới hay, cái ông chủ mạng Trần Nhương kia thâm thật. Để bài bạn riêng một co chữ, cứ như một thứ đặc sản, chẳng giống ai cả. Tôi có đọc bài của bạn do mạng Nguyễn Hữu Quý copy về. Gương mặt khác hẳn. Anh Quý (Đắc Lắc) tuy không chuyên về văn học nhưng đã chủ động sắp xếp, sửa chữa lại từng câu từng chữ của bạn, nên đọc thanh thoát, nhẹ nhõm hẳn lên. Lần sau, bạn chớ nên cho người đọc phải xơi những đồ thứ phẩm như thế nhé! Bởi, suy cho cùng, đó cũng là một thứ văn hóa cơ bản của con người và xã hội đấy - văn hóa viết lách.
Do biết bạn là một người “ngoại đạo” đang cố gắng diễn đạt những ý kiến tranh biện với mình, nên tôi buộc lòng phải đọc thật chậm, ngẫm thật kỹ, nhất là đối chiếu, trước và sau, trong và ngoài, gắng hiểu bằng được ý của bạn. Ví như, cái đoạn văn này: “Cầm kỳ thi họa - những ai vướng vào một trong bốn cái nghiệp đó tất đều phải có chút ít năng khiếu bẩm sinh. Năng khiếu bẩn sinh đi liền với tự do sáng tạo, nếu nhà thơ, nhà văn chỉ sáng tác và có tác phẩm nhờ những cuộc phát động phong trào hoặc theo đơn đặt hàng thì nó có lẽ chỉ là những bức áp phích cổ động mà thôi (tất nhiên là cũng sẽ có những tác phẩm đẹp) nhưng theo tôi đấy không phải là bản chất của văn chương”. Hết đoạn trích. (Xin lỗi, tôi vô phép sắp xếp lại các con chữ một chút, nhưng ý tứ thì không dám can thiệp, sợ nhận sự phản ứng chính đáng từ phía bạn). Trong đoạn văn xem ra khá tối nghĩa này, tôi thật không hiểu cái mối tương quan giữa “năng khiếu bẩm sinh” và “tự do sáng tạo” là thế nào? Tôi tưởng đó là hai yêu cầu khác nhau chứ nhỉ? Một đằng là trời cho ta. Một đằng lại do xã hội dâng hiến. Chúng là hai yêu cầu song hành – PQT nhấn mạnh -, cùng với nhiều yêu cầu khác, góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thật sự có giá trị. Rồi nữa: sáng tác “theo đơn đặt hàng” “tất nhiên là cũng sẽ có những tác phẩm đẹp” mà sao vẫn “không phải là bản chất của văn chương” là thế nào nhỉ? Nghe nó cứ luẩn quà luẩn quẩn làm sao ấy! Mà thôi, chất vấn và vặn vẹo một người “ngoại đạo” như bạn có mà hết ngày. Vì, ngay tên tuổi mà bạn hết lời ca tụng, nào là một “người tài năng”, nào là “văn sắc như kiếm” mà có lúc đã phải công khai thú nhận việc tạo ra sự hiểu lầm ở nhà văn Nguyễn Văn Thọ là “do trình độ diễn đạt của tôi - tức Trần Mạnh Hảo - còn hạn chế” nữa là bạn. Một đòi hỏi như vậy ở bạn xem ra có phần quá cao chăng!
Tuy nhiên, tôi lại hoàn toàn có quyền chê trách bạn ở khả năng... bắt chước người khác (Trong nghề viết, chúng tôi gọi hiện tượng cố ý bắt chước kể cả ý tứ lẫn cách nói này là hiện tượng đạo văn, tựa như đạo chích ở ngoài đời ấy mà!). Tôi nói thế vì không may đọc được đoạn sau của bạn: “Khi đọc đến đoạn bác Phạm Quang Trung yêu cầu nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải trả lời bác hai điều: nêu đích danh tên tuổi những ai vào hội bằng cửa sau và những ai ở Ban chấp hành hội có biểu hiện tiêu cực trong việc kết nạp hội viên.... rồi bác luôn thể làm thư ngõ kêu gọi toàn thể hội viên chỉ tên vạch mặt... Việc yêu cầu của bác theo lý và luật thì không sai, nhưng trong cuộc tranh luận văn chương và trong thực tế cuộc sống của chính thể ta hiện nay, không cần nói ai cũng biết là bác đã làm khó cho bác Hảo - PQT lưu ý - đó thôi. Chẳng lẽ bác không biết rằng bao nhiêu quan chức to nhỏ sử dụng bằng cấp giả, người ta điểm tên chỉ mặt hẳn hoỉ mà vẫn thăng quan tiến chức và có ai làm gì được họ đâu, ngay cả bộ trưởng bộ nội vụ cũng phải thốt lên những lời bất lực trước quốc hội về nạn mua quan bán chức, cả nước ai cũng biết lẽ nào bác lại không?”. Hết đoạn trích. Nên nhớ, trước bạn, tác giả Nguyễn Hữu Quý (Đắc Lắc) trong bài Khó cho bác rồi, bác Trần Mạnh Hảo ơi! đã viết thế này: “Có khác nào bác Phạm Quang Trung bảo rằng; ông Hảo ơi, đề nghị ông cho biết; những ông nào ở Trung ương từ các khoá trước đến nay, có tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài; số tiền của mỗi ông là bao nhiêu; tại những ngân hàng nào…? Những ông nào rửa tiền bằng cách thành lập các Tập đoàn, Tổng công ty vân vân & vân vân…”. Hết đoạn trích. Tác giả Nguyễn Hữu Quý viết lần đầu theo kiểu cách ấy thì được. Bạn “nhại lại” thấy nó vô duyên thế nào ấy! Thậm chí, phải nói là khá nực cười nữa kia. Không rõ bạn có đồng ý với cảm nhận ấy của tôi không? Ấy là trên diễn đàn mở, còn phần nào châm chước được, chứ đã trong nghề viết mà làm thế thì phải gọi là sự kém cỏi về tư cách.
Vậy nên, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi bạn bảo đọc tôi liền nhớ tới thời bao cấp. Bạn viết: “Sau tết Tân Mão, đang nhâm nhi món rượu hồng đào gia bảo của bác Trần Mạnh Hảo khi bác bình luận về tác phẩm đoạt giải cao của hội nhà văn Việt Nam - Dị hương - thì bổng xuất hiện Phó giáo sư, tiến sĩ văn chương, nhà lí luận phê bình văn học Phạm Quang Trung - giảng viên trường đại học Đà Lạt. Giật mình và hơi bối rối một chút khi thấy bác mang trình làng một chai rượu quốc doanh màu hồng thẫm giống cái màu mà hồi nhỏ tôi vẫn lên cửa hàng mua bán duy nhất của xã năn nĩ mua cho ông bố nghiện rượu của mình về nhắm với cá khô thời bao cấp”. Hết đoạn dẫn. Kể ra, lối so sánh cũng có ý tứ đấy, được cái giọng mai mỉa, nhưng quả thực rất vô lý, ở chỗ, chẳng lẽ cái gì mang thương hiệu quốc doanh cũng đều thế cả à! Này, xin nhắc nhỏ với bạn: điện bạn dùng hàng ngày là thương hiệu quốc doanh đấy. Quân đội giữ gìn biên giới và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc hàng ngày, thậm chí hàng giờ cũng là thương hiệu quốc doanh cả! Cho nên, trước phép ẩn dụ ngây ngô kiểu ấy người ta chỉ có thể đưa ra câu một bình luận hiện đã trở nên khá phổ biến của tôi là: “Thật hết sức nhảm!”. Bởi thế, cho đến lúc này, tôi vẫn không dám chắc là mình đã hiểu đúng bạn - người đang trò chuyện với tôi. Cái hiển ngôn vị tất đã hiểu. Cái hàm ngôn hẳn càng khó hiểu hơn. Nên tôi có gì sơ sót mong bạn rộng lòng bỏ quá cho vậy.
Bởi là “tâm tình”, lại với một người tự nhận là “ngoại đạo”, nên tôi phải chuẩn bị cho mình một tâm thế cùng một giọng điệu khác mọi khi. Nói như câu tục ngữ quen thuộc: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Vì chót mang tiếng là nhà văn mà! Tất nhiên, nhà văn với nghĩa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chứ tôi chưa bao giờ xem mình là văn nhân thực thụ cả. Ấy là vì, tôi lại thuộc Hội đồng Lý luận Phê bình văn chương. Làm nhà văn đã là khá xa lạ với bạn. Làm một người viết Lý luận Phê bình thì chắc hẳn lại càng xa lạ hơn. Cho nên, tôi không lấy làm lạ nếu bạn hạ bút viết: bạn “chưa nghe đến cái tên của bác Trung bao giờ”. Ngoảnh nhìn lại từ ngày bước vào nghề văn chừng 30 năm qua, viết khoảng vài trăm bài báo, hàng chục đầu sách chuyên về khảo cứu, lý luận, phê bình văn chương, tôi biết rất rõ sự nghiệp trước tác của mình không dành cho những người tự nhận là “kẻ nhà quê ít học”, là “là độc giả bình dân” như bạn. Xin mời bạn vào Trang chủ của pqtrung.com thì có điều kiện rõ hơn. Ờ mà có khi nào bạn say sưa đọc Sherlock Holmes của nhà văn Anh Conan Doyle chưa? Tôi tin là có, vì chuyện về nhà trinh thám tài năng này nổi tiếng khắp thế giới kia mà. Xin khoe với bạn: tôi là đồng dịch giả Toàn tập Sherlock Holmes đấy. Có lẽ là bản dịch nên bạn không để ý đến tên dịch giả. Này, bạn Xuân Lộc ơi, thế là hơi bất công. Giả dụ, nếu không có những người cần mẫn chuyển ngữ thì lấy đâu bản tiếng Việt cho ta thưởng ngoạn nhỉ?
Nhưng thôi, tôi xin đưa ra một dẫn chứng mới nhất, tức tập chuyên luận Quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Từ một góc nhìn - 444 trang - của tôi, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội vừa ấn hành đầu năm 2011 này. Tôi có gửi tặng GS-TS Huỳnh Như Phương và bà xã anh là PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, đều là Giảng viên Khoa Văn học & Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Hai anh chị là người cùng chuyên ngành với tôi, trong nghề không ai không biết, nhưng tôi dám chắc là bạn cũng chẳng biết đâu. Có một kỷ niệm đẹp giữa chúng tôi. Năm 1991, lần thứ hai tôi đi thực tập ở Liên Xô (cũ), chị Nguyễn Thị Thanh Xuân có sang nước Nga thăm chồng. Chả là anh Huỳnh Như Phương khi đó đang làm nghiên cứu sinh ở đây. Anh chị có nhã ý mời tôi đến ăn cơm ở Đôm 5 Thành phố Matxcơva. Bữa cơm đậm đà tình đồng nghiệp tới giờ tôi vẫn không quên. Bởi vậy, hễ có sách gì mới là tôi liền nhớ gửi biếu anh chị Phương ngay. Nhận được sách, anh Phương đã điện thoại ngay cho tôi, hỏi: “Sách in đẹp thiệt! Mà sao số lượng ít thế, chỉ có 300 bản?”. Tôi liền bảo: “Tiền chỉ có thế, anh ạ! Vả lại, in nhiều mà làm gì? Ngay sinh viên học ngành Ngữ Văn cũng khó nhá cái món này thì phổ biến rộng rãi sao được!” Anh không quên chia sẻ: “Tôi hiểu, ngay cuốn Trường phái hình thức Nga của tôi in từ năm 2007, có 500 bản, giá rất rẻ - 12.000đ/c, mà tới giờ đã bán hết đâu!”. Thế đấy, bạn Xuân Lộc ạ! Cho nên, nếu sách của tôi không may mắn đến được với những độc giả như bạn thì cũng chẳng có gì là khó hiểu cả. Và, tuyệt nhiên không vì thế mà làm tăng hoặc giảm đi những cống hiến nếu có và đáng được hưởng của tôi. Chỉ có điều, giá bạn đã trước sau xác định dứt khoát là thuộc vào những người “ngoại đạo” với văn chương thì lối ứng xử tốt nhất, theo tôi, là chớ có đi vào bàn luận cái “của nợ” đó làm gì, nhất là lại bàn và luận về những vấn đề cao siêu như “bản chất của văn chương”, trong khi bạn chưa có điều kiện học hỏi đến nới đến chốn. Tôi quả thật không có lý do để khước từ “quyền bày tỏ cảm nhận” của bạn. Nhưng, tôi hoàn toàn có quyền hoài nghi một cách chính đáng những nhận xét, đánh giá vu khoát, mặc định của bạn, vì chúng không hề đi kèm với những lý lẽ và dẫn chứng xác thực, thuyết phục nào cả.
Chẳng hạn, bạn đưa ra lời chê trách Hội thề của nhà văn Nguyễn Quang Thân, được thôi. Nhưng chỉ xin được hỏi một điều: bạn đã trực tiếp đọc tác phẩm này chưa, hay chỉ nghe hơi nồi chõ? Tôi dám chắc là bạn chưa đọc. Cứ tiếp xúc với những lời phán trong bài của bạn thì đủ rõ. Toàn những cái và những điều chung chung thế này thế nọ. Xin bạn nên nhớ: phải đọc, kỹ càng và cẩn trọng, mới có quyền bình luận, phán xét tác phẩm. Đây là một nguyên tắc khởi nguyên, bất di bất dịch trong phê bình văn chương đấy bạn Xuân Lộc ạ! Một ví dụ khác, bạn đánh giá Trần Mạnh Hảo như sau: “Bài phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo xuất phát từ chính cái tâm trong sáng của mình”. Cũng chả sao! Chẳng ai có quyền cấm đoán bạn cả. Thế nhưng, để đưa ra một đánh giá hệ trọng như vậy, bạn không thể cứ liệt kê hết nhận định này đến nhận định khác. Thôi, chỉ một yêu cầu này: mời bạn thử thay mặt Trần Mạnh Hảo để biện hộ cho một đánh giá khác hẳn của tôi trong bài TÔI MÒN MỎI TRÔNG CHỜ ĐỂ RỒI… THẾ ĐẤY! (TNc, 07/03/2011) nhé! Nguyên văn thế này:
“Vậy, để tránh rơi vào cố chấp, tôi chỉ xin Trần Mạnh Hảo tập trung trả lời một vấn đề duy nhất này thôi: Anh giải thích ra sao về đoạn phân tích, diễn giải thể hiện rõ cách đánh giá khác nhau giữa tôi và anh về tác phẩm Dị hương như sau:
“Đến giờ, tôi có thể dám cả quyết như đinh đóng cột rằng: anh Hảo đã hoàn toàn không hiểu hoặc hiểu không đúng tác giả “Dị hương”. Chỉ xin nêu và phân tích một dẫn dụ điển hình này thôi. Trong bài “Dị hương”: Sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long đến thế?, Trần Mạnh Hảo chỉ trích nhà văn Sương Nguyệt Minh như thế này: “Xin quý độc giả xem vài đoạn trích trong “Dị hương” mà Sương Nguyệt Minh đã phịa ra để bôi bẩn vị Hoàng đế đã có công thống nhất đất nước. Một Nguyến Ánh tàn bạo vô song, máu lạnh, giết người như ngóe, hở ra là chém, giết, say máu hơn cọp beo:“Ánh đưa một đường gươm. Chớp lóe sáng lên phạt ngang cổ thôn nữ. Máu đỏ phun lên như mạch nước ngầm hở miệng… Ánh lên đến đỉnh Ngọc Trản Sơn thì cũng kịp vung gươm phạt bay năm đầu thị nữ….”. Tôi cho rằng ở đây Trần Mạnh Hảo đã trích dẫn cắt xén, với ý đồ, nói thẳng ra, là xuyên tạc tác phẩm của Sương Nguyệt Minh. Chẳng lẽ Trần Mạnh Hảo không hề biết tới đoạn văn sau của tác phẩm:
“Đêm ấy, Ánh hạ lệnh neo thuyền rồng giữa sông Hương, bày trò hát múa. Nửa chừng cuộc vui, Ánh đã xao xuyến, thổn thức nhìn Ngọc Bình âu yếm lắm. Ánh cảm thấy có lỗi với nàng, than thở, ra chiều thương xót bọn cung nữ đã bị mình chém ngang cổ. Mỹ nhân nhìn Ánh, trìu mến cười hiền hậu, thưa:
“Ơn trời! Vương đã không phạt đầu đứa cung nữ nào của thiếp. Của đáng tội, chúng mất mái tóc dài cũng tiếc, nhưng được toàn thân. Chúa công không thấy chúng đang xúm quanh thiếp đấy sao”.
Ánh kinh ngạc lắm, chẳng hiểu mình đã làm gì với đám cung nữ. Dọc đường cầm gươm lên Ngọc Trản Sơn cứ hư thực tựa hồ như trong mơ vậy. Nhìn đám cung nữ xinh đẹp của Ngọc Bình, tóc đứa nào cũng bị phạt thả lòa xòe chấm vai, trông rất ngộ. Ánh cứ luôn miệng lẩm bẩm:
“Chả lẽ… chả lẽ… gươm của ta chưa vấy máu cung nữ”.
Xin bạn đọc lưu ý tới thủ pháp kỳ ảo được Sương Nguyệt Minh chủ động sử dụng khá nhuần nhuyễn trong hai đoạn văn tôi vừa nêu. Đoạn văn thứ nhất mà Trần Mạnh Hảo dẫn ra là sự giả định - Tôi nhấn mạnh - tình huống, hành động của nhân vật. Còn đoạn văn thứ hai mà Trần Mạnh Hảo không dẫn - Tôi lưu ý - lại có ý nghĩa hé mở, lộ diện tình cảnh thực của nhân vật và câu chuyện. Cả hai đều nằm trong cấu trúc nghệ thuật hư hư thực thực hoàn chỉnh như một sinh thể sống động. Nếu tách chúng ra thì không bao giờ có thể hiểu nổi ý định nghệ thuật sâu xa của cây bút tài hoa đã viết ra nó. Do vậy, có thể dứt khoát khẳng định: trong “Dị hương”, Nguyễn Ánh không hề tàn bạo, hiếu sát như một vài người lầm tưởng. Qua đoạn văn sau thì ta hiểu rõ là ông có giết ai đâu. Nguyễn Ánh chỉ phạt năm mái tóc thôi mà! Từ đó, tôi hoàn toàn có cơ sở để đi tới kết luận không một chút hồ nghi là Trần Mạnh Hảo đã chủ ý cắt xén tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh với ý đồ xuyên tạc khá tinh vi (ấy là đối với người đọc dễ dãi và hời hợt), nói đúng là khá thô bạo (đối với những độc giả nghiêm chỉnh và kỹ tính). Bởi vì, tôi không nghĩ trình độ cảm thụ văn chương hiện đại của Trần Mạnh Hảo lại kém cỏi đến nhường ấy!”. Cảm phiền anh Trần Mạnh Hảo cho hay: những phân tích và đánh giá vừa nêu của tôi có cơ sở không nhỉ? Nếu không tán thành thì xin anh hãy phản bác lại, tất nhiên bằng lý lẽ chứ không phải bằng sự quy kết, để trí não tôi có điều kiện sáng thêm ra. Được thế tôi sẽ hàm ơn anh lắm đấy!”. Hết đoạn dẫn. Bạn nên nhớ giùm: hiện anh Hảo vẫn còn nợ tôi câu trả lời này đấy. Nếu bạn thuyết phục được tôi, bằng sự chứng minh điều ngược lại, thì tôi sẽ chấp thuận ngay lời đánh giá về cái “tâm” được bạn bảo là “trong sáng” của Trần Mạnh Hảo.
Cũng xin được nói thêm, không phải trong bài viết ngắn của bạn chỉ toàn cái dở đâu. Tuy nhiên, cái duy nhất khiến tôi thật sự quý trọng ở bạn lại nằm ngoài nội dung của bài viết. Đấy là bạn đã mạnh dạn dùng tên mình một cách công khai chứ không úp úp mở mở như tác giả những comment la liệt trên mạng. Nghĩa là bạn dám chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình viết ra, không như những kẻ ẩn danh hay mạo danh mà tôi đã lên tiếng “khinh bỉ một cách sâu sắc” trong thư gửi anh Đỗ Ngọc Thạch mới đây. Tôi viết sau khi suy nghĩ một cách kỹ càng thế này: “Trước hết, theo tôi, anh đã phản ứng, phải nói là hết sức chính đáng, về những ý kiến phản hồi từ cái gọi là “bạn đọc” về các bài có liên quan tới tôi, tức Phạm Quang Trung và anh, tức Đỗ Ngọc Thạch, chủ yếu trên http://nguyentrongtao.org mà Trần Mạnh Hảo đã dẫn ra liên tiếp, dồn dập trong bài viết TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG” (TNc - 10/03/2011). Ở đó, như đã thấy, Trần Mạnh Hảo chủ yếu bày tỏ thái độ đối với tôi chứ không phải đối với anh. Mặc dầu, khi đọc những dòng chữ phải nói là vô cùng nhơ nhớp đó trên trang mạng của ông chủ Nguyễn Trọng Tạo, tôi cũng công phẫn như anh, nhưng lại khác anh ở chỗ: tôi chỉ “khinh bỉ - xin học cách nói của một nhà phê bình danh tiếng nọ - một cách sâu sắc” mà không cần và không thèm đối thoại với họ làm gì. Ơ hay, nếu họ là người đàng hoàng thì đã không ẩn danh, thậm chí không mạo danh một cách đớn hèn như vậy! Bởi thế, nếu anh đối thoại với họ thì chẳng khác gì hạ mình xuống thấp ngang với họ hay sao?” - Hết đoạn dẫn.
Vinh hạnh giờ đã biết bạn, vậy thì tôi rất mong vào một ngày đẹp trời tại Đà Lạt sẽ được đón bạn vào nhà riêng thăm gia đình tôi. Địa chỉ: 8/40 - Đường Võ Trường Toản. Chẳng phải bạn đã bảo “cũng có ngôi nhà ở Đà Lạt” là gì. Thật tiếc, đó chỉ là ngôi nhà vãng lai, thi thoảng bạn mới lên ở, nên hẳn nhiên bạn không được coi là công dân của Thành phố Hoa đâu đấy. Và nếu vậy thì làm sao “nghe đến cái tên của bác Trung” được nhỉ! Nhất lại chỉ là “thỉnh thoảng” “loang quang hồ Xuân Hương” và “qua cổng trường Đại học” như bạn tự thú thì càng sao biết tôi cho được. Cũng xin tự giới thiệu: có người nào ở Trường Đại học Đà Lạt lại xa lạ với tôi đâu. Biết rõ là đằng khác. Tôi chuyển vào Trường này từ năm 1982. Và đến giờ tôi là người cao tuổi nhất của Trường Đại học Đà Lạt kia đấy. Xin lỗi bạn, phải làm cái công việc giới thiệu tỷ mỷ như vậy là hoàn toàn bất đắc dĩ. Chỉ là nhằm chứng tỏ vì sao tôi lại không hề ưa cái giọng chê bai, nhạo báng của bạn đối với một người mình chưa hề biết họ là ai. Chỉ có thể bảo đó là một lối ứng xử kém cỏi về phương diện văn hóa mà thôi!
Quả thực, nếu được bày tỏ nỗi mong mỏi với bạn vào lúc này thì chỉ xin chia sẻ với bạn hai điều sau. Một là, bạn chớ nên “ngứa tay gõ mấy dòng tản mản này” bàn về văn chương làm gì. Đây bao giờ cũng là công việc cao cả và nghiêm túc lắm. Không biết bạn còn nhớ nhà thơ trào phúng danh tiếng Tú Xương từng viết dòng thơ này không nhỉ: Văn chương nào phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu! (Bài Ông Cử Nhu)? Đặc biệt, ban chớ nên lao vào cuộc tranh luận phức tạp về văn chương - văn học đang diễn ra, bởi đừng có dại dột mang cái sở đoản của mình đọ với sở trường của người. Hơn thế, tôi thấy hình như đó không thật sự là bổn phận của bạn đâu. Như bạn viết đây: “Tôi rất thất vọng (là cảm nhận của riêng của anh, tôi làm công việc hội viên tôi, không can hệ gì đến anh, mong anh thông cảm, vấn đề là đúng lý và luật là được) khi đọc đến đoạn bác Phạm Quang Trung yêu cầu nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải trả lời bác hai điều: nêu đích danh tên tuổi những ai vào hội bằng cửa sau và những ai ở BCH hội có biểu hiện tiêu cực trong việc kết nạp hội viên... rồi bác luôn thể làm thư ngõ kêu gọi toàn thể hội viên chỉ tên vạch mặt...”. Hết đoạn dẫn. Xin lỗi bạn, tôi chỉ quan tâm tới yêu cầu “theo lý và luật thì không sai” thôi. Mà tôi đang nói với đồng nghiệp của tôi trong Hội Nhà văn, nếu có mở rộng ra chỉ là những người cầm bút viết văn nói chung kia, bạn là người “ngoại đạo” xía vào làm chi cho mệt. Lại thêm nhiễu sự. Thật khó ưa quá!
Hai là, tôi rất nhớ tới lời bộc bạch chân thật sau của bạn: “Thất nghiệp mấy năm trời không kiếm được việc làm, vợ con nheo nhóc, đòi bỏ đi bỏ lại, chán cả mớ đời”, Người ta thường bảo, gia đình là tổ ấm, cả theo nghĩa vật chất và tinh thần phải không? Thế mà dường như bạn thất bát cả hai. Tội nghiệp! Lại vào thời bão giá như hiện giờ. Tôi mà như bạn thì sẽ nhanh chóng đi tới một quyết định quan trọng là lao vào gìn giữ hạnh phúc gia đình mong manh của mình, bằng cách hàn gắn tình cảm vợ chồng và lo mưu kế sinh nhai. Chứ rơi vào tình cảnh ấy mà còn chịu thức tới 3 giờ sáng viết viết xóa xóa thì tôi cứ thấy vô tích sự thế nào ấy! Nếu có góp cổ phần vào Công ty trannhuong “mấy cọng rau nhà lá vườn” thì nào có bõ bèn gì, phải không bạn?
Cuối cùng, tôi xin thành thực cảm ơn thiện chí của bạn được bộc lộ ở đoạn văn sau: “Chỉ mong nhà giáo Phạm Quang Trung và nhà thơ Trần Mạnh Hảo bắt tay nhau lại mặn mà như xưa, dùng ngòi bút của mình làm đẹp cho cuộc sống đang có rất nhiều vấn nạn hiện nay. Mong lắm thay”. Có điều, muốn thực hiện mong mỏi tốt lành này của bạn đâu chỉ tùy thuộc vào riêng tôi. Anh Nguyễn Hữu Quý có nhận xét là tôi chân thành. Xin cảm ơn anh! Vâng, quả tôi đã thành tâm chủ động chìa tay ra thật. Nhưng ngay sao đó tôi đã nhận được gì nhỉ? Bạn biết rồi đấy. Trước khi rút khỏi cuộc tranh luận, Trần Mạnh Hảo đã tung ra toàn bụi và bụi, làm ô uế môi trường tranh luận đến mức không ai chịu nổi. Anh Đỗ Ngọc Thạch tức tối, rồi phản ứng lại một cách quyết liệt. (Xin xem TÍNH ĐA NGHĨA CỦA VĂN CHƯƠNG, TNc, 11/03/2011) Còn tôi thì không. Cứ tưởng tượng mà coi, dao có sắc đến đâu mà chém vào nước lỏng hoặc không khí thì phỏng lợi hại ở chỗ nào? Và nhằm chứng tỏ điều gì kia chứ? Ấy là chưa nói, anh Hảo nhiều khi tiền hậu bất nhất lắm kia, bạn Xuân Lộc ạ! Đây, chẳng nói đâu xa, trong bài TRẦN MẠNH HẢO CHƯA TỪNG TRANH LUẬN VỚI ÔNG PHẠM QUANG TRUNG, anh Hảo đã cam kết: “Tóm lại, học theo phương cách “giã từ vũ khí” rất “Phật tính” của ông Phạm Quang Trung, chúng tôi cũng xin nói nhỏ cùng quý bạn đọc rằng, Trần Mạnh Hảo từ nay sẽ không bàn đến “Hội thề” & “Dị hương” nữa”. Vậy mà, có lạ không, mới hôm rồi Trần Mạnh Hảo lại lớn tiếng chê trách một cách vô lối Nguyễn Văn Dân về sự đánh giá Hội thề. Anh Dân đã cực lực phản đối về những thông tin sai lệch. Một số mạng lịch sự bóc bài của Trần Mạnh Hảo xuống.
Tuyệt quá, phải không bạn Xuân Lộc?
Xin ngừng lời ở đây!
PQT.