Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ CUỘC TRANH LUẬN HỘI THỀ VÀ DỊ HƯƠNG

Võ Văn
Thứ sáu ngày 18 tháng 3 năm 2011 4:03 PM

Tôi là Võ Văn, một bạn đọc, một fan khá cuồng nhiệt của văn học nước nhà. Vì thế, có bất cứ sự kiện văn học nào xảy ra trên diễn đàn văn học, tôi đều say mê theo dõi…Cuộc tranh luận về Hội thềDị hương đang diễn ra trên các “báo mạng” đã thu hút tôi bởi nó đụng chạm tới nhiều vấn đề quan thiết của văn học nước nhà. Các bài viết của các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ nói chung đều rất đáng chú ý và đã kích thích tôi muốn viết vài lời gửi trannhuong.com - một trang web rất sôi động hiện nay, - hi vọng ông chủ Trần Nhương chấp thuận.

*

Nhà thơ, TS Vương Cường, hiện làm việc tại Hà Nội (vụ quản lý khoa học, học viện CT - HC Quốc gia) có bài viết ngắn Không rỗi cũng nghĩ chơi - VƯƠNG CƯỜNG  có đoạn nói tới cuộc tranh luận về Hội thềDị hương và đã đăng trên trannhuong.com ngày 17-3-2011:

 “Hóa ra các nhà văn ta cãi nhau về Dị hương, Hội thề…Nhà thơ TMH cảm thì đúng mà luận chứng, không được như trước đây khoảng hơn 10 năm. PQT thì vừa làm quan vừa làm dân. Bố thằng nào dám nghĩ PQT lại viết sai, chỉ có cái thư viện là sai thôi. Đ N T thì, tưởng đứng bên này hóa ra lại bên kia haha…TĐT thì dạy…vén váy. Nhưng đến bài anh Đặng Văn Sinh và Từ Quốc Hoài…thì bái phục và yên tâm về cách đánh giá công phu Hội thề của các anh. Thôi, mình không biết thì dựa cột mà nghe các bác nói về Hội thề hay Dị hương, chỉ biết dặn mình, những tác phẩm viết về các nhân vật lịch sử thì phải trung thành với lịch sử rồi từ đó mới nói sáng tạo. Không được chủ quan áp đặt ý mình núp dưới quyền hư cấu của nhà văn. Những cái xấu trong Hội thề và Dị hương khoác cho nhân vật lịch sử thì các nhà văn cũng như bạn đọc không đồng tình thì đúng lắm”. 

Nhận xét rất khái quát của nhà thơ, TS Vương Cường quả là rất tinh, rất chính xác về cuộc tranh luận hiện nay và đặc biệt là về hai bài viết rất công phu, nghiêm túc, khách quan và có sức thuyết phục của “anh Đặng Văn SinhTừ Quốc Hoài…”. Có thể nói thêm rằng, bài viết của nhà văn Đặng Văn Sinh đã phân tích khá chi tiết và cụ thể những non kém và sai trái của Hội thề; còn bài viết của nhà thơ – miền đất võ Từ Quốc Hoài đã trực diện “phê phán” những luận điểm của ông chủ tịch Hội đồng Giám khảo, tức nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn VN. Những “Luận điểm” của nhà thơ Hữu Thỉnh được nhà thơ Từ Quốc Hoài tóm tắt như sau:

“Lập luận của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo có thể tóm tắt như sau:

1. Tiểu thuyết Hội Thề viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã gửi đến độc giả Thông điệp lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng hòa hiếu vãn hồi hòa bình giành lại non sông, tránh được binh đao đổ máu.
2. Tiểu thuyết Hội Thề có những đóng góp vào cách miêu tả nhân vật, không một chiều, cứ phản diện là xấu hết, chính diện là tốt hết.
3. Tiểu thuyết Hội Thề đã nêu được vai trò trí thức và thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội Phương Đông”.
 

 

Kết thúc bài viết, nhà thơ – miền đất võ Từ Quốc Hoài viết: “Thật kinh ngạc khi Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đã tôn vinh một tác phẩm với nhiều vết bôi nhọ lịch sử và những vị anh hùng dân tộc như Hội Thề”. ( trannhuong.com ngày 17-3-2011).

 

*

 

Để nhìn lại cho rõ và bao quát hơn luận điểm của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo, chúng tôi xin lược dẫn lại đây bài viết Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III (2006 - 2010) của Hội Nhà văn  của Nguyễn Hữu (tức nhà thơ Hữu Thỉnh) đăng trên trang web Tạp chí Nhà văn ngày 24-2-2011 có sự khái quát về ba thành công của cuộc thi và đặc biệt là Hội thề như sau:

“Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, tư duy phát triển văn học của Hội Nhà văn Việt Nam trở nên có đường nét hơn. Chúng ta quan tâm đến tất cả các thể loại, đồng thời không quên tạo ra những điểm nhấn. Ba cuộc thi tiểu thuyết liên tiếp được tổ chức từ năm 1998 đến nay đã thực sự tạo ra những sự kiện văn học được người viết và người đọc quan tâm. …Tiếp tục tiền đề mà hai cuộc thi lần trước tạo ra, thành công trước hết của cuộc thi này là tập hợp một đội ngũ đông đảo các cây bút tiểu thuyết thuộc nhiều thế hệ cầm bút và từ nhiều vùng đất khác nhau. Trong lúc văn hóa đọc đang chịu nhiều áp lực, thị phần văn học đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, thì số người trụ lại với tiểu thuyết không những không bị cạn đi mà ngày càng được bổ sung nhiều tên tuổi mới là một điều rất đáng vui mừng. Thực tiễn đó bác bỏ những dự báo nản lòng cho rằng “tiểu thuyết đã chết”. Không, tiểu thuyết không bao giờ chết cũng như văn chương sẽ còn mãi như những bằng chứng cho sự thăng hoa của đời sống con người.

Thành công thứ hai của cuộc thi là độ mở về không gian nghệ thuật. Nhiều tác phẩm có tới hàng ngàn trang, bao quát cả một giai đoạn lịch sử khá dài với biết bao biến cố dồn dập, những xung đột gay gắt, những tình huống đầy kịch tính. Sự giàu có về vốn sống, khả năng xây dựng cả một đội ngũ nhân vật đông đảo mà sự vận động vừa mang tính chất tuyến tính vừa mang tính xâm nhập và tác động lẫn nhau tạo ra một không gian nghệ thuật phức hợp, là một cố gắng rất đáng trân trọng của tư duy tiểu thuyết. …

Đối với họ lịch sử là lịch sử của sự sống. Lịch sử ở đây không chỉ là cái được phản ánh mà còn là khúc biến tấu của bi ca và tráng ca với biết bao khắc khoải về số phận con người. Và vì vậy, tiếng nói nhà văn dẫu có lúc cay đắng nhưng không vô vọng, đau đớn nhưng vẫn nồng ấm tin yêu. Sự phóng khoáng, táo bạo trong tư duy tiểu thuyết trong cuộc thi này là một biểu hiện sinh động tiến trình đổi mới của văn học ta.

Thành công thứ ba của cuộc thi này là thái độ nhập cuộc, thể hiện tính tích cực xã hội của nhà văn.

…Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2010) đã góp phần rất quan trọng nâng cái nền chung của văn chương hiện nay lên một tầm mức mới…

Vượt qua sự bình chọn công phu của vòng Sơ khảo, 51 tác phẩm vào Chung khảo …

Tiêu biểu cho cuộc thi này là tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Bối cảnh tiểu thuyết là cuộc kháng chiến chống quân Minh với thủ lĩnh là Lê Lợi và lãnh tụ tinh thần là Nguyễn Trãi. Câu chuyện đã được nhiều người biết đến trong chính sử, nhưng thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc thì đang còn và sẽ còn có ý nghĩa sâu sắc lâu dài. Đó là tư tưởng lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, theo đuổi hòa hiếu để cứu vãn những sinh linh trong cuộc chiến. ý nghĩa nhân văn của Hội thề là ở đó. Một vấn đề khác, cũng rất quan trọng, đó là vai trò của trí thức, thái độ đối với trí thức, một vấn đề thời sự đối với xã hội phương Đông. Như vậy là, dưới ngòi bút của Nguyễn Quang Thân, lịch sử đã được làm mới lại để trở thành lịch sử của ngày hôm nay, vấn đề của ngày hôm nay. (Những chữ in đậm là do tôi nhấn mạnh – V.V.V).

Cân nhắc các giá trị là một công việc rất khó khăn. Một tập thể các nhà văn và các nhà lý luận phê bình đã nghiêm túc làm việc trong tinh thần công tâm và liên tài. Kết quả, từ 51 tác phẩm vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã chọn được 14 tác phẩm để trao giải thưởng. Nhấn mạnh thành công cơ bản của cuộc thi này, chúng tôi cũng không quên nói rằng, hạn chế lớn nhất của cuộc thi này là còn thiếu sự đột phá trong đổi mới hình thức thể loại và trong tư duy tiểu thuyết nói chung. Đây sẽ là vấn đề cần được bàn sâu thêm trong một dịp khác. (Hà Nội, 21-12-2010)”.

 

*

Tôi xin nhắc lại một câu trong bài viết của tác giả Nguyễn Hữu (tức nhà thơ Hữu Thỉnh) vừa dẫn trên: “Một tập thể các nhà văn và các nhà lý luận phê bình đã nghiêm túc làm việc trong tinh thần công tâm và liên tài. Kết quả, từ 51 tác phẩm vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã chọn được 14 tác phẩm để trao giải thưởng”. Như thế, có thể thấy đó là quyết định đã được cân nhắc kỹ lưỡng của Ban Giám khảo và ông chủ tịch Hội đồng chung khảo, cũng là chủ tịch Hội Nhà văn VN. Như thế, có thể thấy việc thay đổi quyết định đó (tước bỏ giải thưởng Loại A của Hội thề…) là điều khó có thể xảy ra (Thậm chí có thể nói là không thể xảy ra, bởi như thế tức là thừa nhận sự yếu kém cả về năng lực thẩm định tác phẩm cũng như “lập trường tư tưởng” của Ban Giám khảo cùng ông Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, điều này dẫn đến sự “ra đi” của ông chủ tịch Hội Nhà văn sau 4 nhiệm kỳ lãnh đạo Hội Nhà văn).

 

Vậy sẽ có thể bình luận gì đây tiếp theo? Những ý kiến phản biện (khởi nguồn từ những nghi vấn của nhà văn Trần Hoài Dương (đăng trên lethieunhon.com) và có thể nói là tập trung cô đọng ở hai bài viết công phu, nghiêm túc gần đây nhất của nhà văn Đặng Văn Sinh và nhà thơ Từ Quốc Hoài (đăng trên trannhuong.com) là đúng hay giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba đã có là đúng, được trình bày khá đầy đủ trong bài viết của tác giả Nguyễn Hữu (đăng trên web Tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn VN). Trả lời câu hỏi này không hề đơn giản và dễ dàng. Vì thế, các nhà văn và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này vẫn còn phải đợi…thời gian trả lời - một câu nói “muôn năm cũ” nhưng không thể nói gì hơn!

 

Tuy nhiên, tôi vẫn xin đưa ra một kết cục có thể nói là “dĩ hòa vi quý”: giải thưởng của Hội thề (và cả Dị hương) vẫn tồn tại và đương nhiên đó là sự khởi đầu của trường phái “Phản tiểu thuyết”, “Phản Lịch sử” (Trong một nền văn học cần chấp nhận nhiều “Trường phái”). Còn những ý kiến phản biện, xin cứ tiếp tục, nhưng hãy chỉ xuất hiện trên những trang web “không chính thống” (tức của những ông chủ tư nhân). Tất cả những dòng sông vẫn chảy…

 

Sài Gòn, 18-3-2011

Võ Văn