Bùi Công Thuấn
Trong bài :” HIỆN TƯỢNG BÔI BÁC CÁC NHÀ VĂN ĐOẠT GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM”(1), nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu nói trực tiếp đến tôi, “một độc giả yêu văn học ở Đồng Nai (nay được biết thêm là anh dạy văn cấp hai ở một vùng quê) tên là Bùi Công Thuấn”. Ông Trần Đình Thu bảo tôi là người “đốt đền”, đồng thời cho rằng tôi là người bôi bác các tác giả đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam.
Tôi xin có đôi lời thưa với nhà nghiên cứu Trần Đình Thu và bạn đọc TNc như sau
1.Bài viết của tôi :”DỊ HƯƠNG, KIẾM SẮC và…” có những luận điển, luận cứ cụ thể. Nó được viết trên cơ sở của những phương pháp phê bình khoa học. Vì thế khi chưa có bài viết khác phản bác được những luận điểm ấy, thì bài viết của tôi vẫn giữ nguyên gia trị. Nhà nghiên cứu Trần Đình Thu đã không đưa ra được một chứng lý nào để phản bác bài viết của tôi, vì thế ông không thể phủ định được bài viết ấy, dù ông có nói gì đi nữa.
2. Tôi biết chắc Trần Đình Thu không tiếp thu được bài viết ấy bởi ông không có vốn tri thức lý luận văn học về tác phẩm, về các phương pháp phê bình . Ông không hiểu “cách viết” là gì, ông lý giải rằng “cách viết” là “chủ đề” tác phẩm. Ông viết thế này : “Ở đây tôi nhấn mạnh, không có cái gì gọi là “sao chép cách viết”. Vì “cách viết” không phải là một yếu tố hợp phần trong tác phẩm văn học mà nó nằm ngoài tác phẩm (có lẽ người này nhầm với chủ đề tư tưởng tác phẩm chăng?)”. Đọc văn bản của Ông, tôi còn biết điều này, ông chỉ biết và chỉ quan tâm đến nội dung tác phẩm, ngoài ra ông không biết gì hơn về tác phẩm. Ông nhận xét bài viết của tôi như sau. (Ông gọi tôi là “anh này”) :
“Anh này lúc đầu đưa ra nhận định mà không hề chứng minh rằng Dị hương là một bản sao của Kiếm sắc, sau khi tôi có bài viết nói trên, anh vội vàng phân tích lại theo kiểu “nói lấy được” rằng Dị hương giống cái này giống cái kia của Kiếm sắc. Nhưng ở phần kết, anh lại viết “Xin lưu ý rằng, tôi không có ý nói, Dị hương giống Kiếm sắc về nội dung”. Ở đây độc giả này đã thể hiện sự thiếu sáng suốt trong tranh luận. Bởi vì nội dung tác phẩm là phần hữu hình của tác phẩm, nếu Dị hương không giống Kiếm sắc về nội dung thì còn gì để nói nữa.”
Có lẽ nhà nghiên cứu Trần Đình Thu nên hỏi các nhà văn, hoặc các nhà lý luận văn học xem “cách viết” là gì và “chủ đề “ là gì. Xin nhà nghiên cứu đừng lầm lẫn như thế, học trò lớp 10 học lý luận văn học sẽ cười đấy!
3. Bài viết của tôi hoàn toàn chỉ nói về tác phẩm, không nói gì đến tác giả như một đối tượng phê bình, bởi Roland Bathes đã nói rằng “tác giả đã chết”. Nhưng bài viết của ông lại lầy nhan đề HIỆN TƯỢNG BÔI BÁC CÁC NHÀ VĂN ĐOẠT GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM”, và gán cho tôi tội bôi bác nhà văn, tội “phá đền “. Điều này một lần nữa chứng tỏ ông lại hiểu sai bài viết của tôi một cách đáng tiếc. Trong bài viết của mình , tôi khẳng định quyền và trách nhiệm của Ban Giám Khảo khi trao giải cho các tác phẩm, và không hề có lời nào là bôi bác nhà văn cả. Xin ông đọc lại câu văn này của tôi, và xin cố gắng hiểu đúng văn bản :
” Việc trao giải cho Dị Hương là thẩm quyền của ban tổ chức giải. Mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí nhất định và ban giám khảo căn cứ vào tiêu chí đó để đánh giá và trao giải. Đó là quyền và trách nhiệm của họ. Quần chúng nếu có tham gia ý kiến thì vẫn chỉ là người ngoài cuộc.”
Ông thử chỉ ra xem trong đoạn văn trên, đoạn văn tôi trực tiếp nói về Ban Giám Khảo, xem từ nào, ý nào, câu nào tôi “bôi bác nhà văn đạt giải và “đốt đền “? Nếu ông không chỉ ra được, thì chính ông, nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu, mới là người “vu” cho tôi những điều tôi không nói trong văn bản. Phẩm hạnh cơ bản của người cầm bút là tính trung thực ông ạ. Ông đã không có được phẩm hạnh ấy.
4. Bây giờ tôi xin phép “giải mã” chính nhà nghiên cứu Trần Đình Thu trong văn bản của ông (ngoài đời tôi hoàn toàn toàn không biết gì về ông)
Ông viết :” Đặc biệt kèm theo hiện tượng “đốt đền”, tức là một vài người chưa có tên tuổi, nhảy vào vu cho người này người kia sao chép tác phẩm. “Dị hương” vừa bão hòa thông tin, có người dấm sẵn “Đất trời vần vũ” để “xẻ thịt”
Ông viết như thế có nghĩa là ông là người” có tên tuổi “ ném cái nhìn khinh miệt vào tôi, “người chưa có tên tuổi”là tôi. Sao ông có thái độ trịch thượng kiểu thực dân da trắng nhìn người nhược tiểu da vàng thế. Ông còn chua thêm rằng “(nay được biết thêm là anh dạy văn cấp hai ở một vùng quê) tên là Bùi Công Thuấn”. Thưa ông, mọi thông tin ông biết về tôi đều sai cả. Sao ông nghe hơi nồi chõ ở đâu mà hồ đồ đến thế ? Là một nhà nghiên cứu, lẽ ra ông phải sưu tra lý lịch tôi cẩn thận trước khi phát ngôn chứ, sao lại vội vã hồ đồ như vậy! Tôi hiểu ra rồi, hóa ra phép phê bình của ông là phép phê bình xuyên tạc lý lịch ?
Cũng xin thưa với ông, mọi công dân đều bình đẳng về nhân cách trước luật pháp và trước mọi người. Tinh thần nhân văn và dân chủ của ông để đâu mà ông nhìn người viết văn khác bằng cái nhìn “mục hạ vô nhân”của một kẻ có con mắt bằng hạt đậu như vậy? Ông đọc văn bản của tôi thì ông cứ phê bình văn bản ấy. Ông không cần biết tôi là ai làm gì. Và nếu cần biết về tôi , ông cứ vào Google.com, gõ tên tôi, ông sẽ biết thôi. Trang www. Vannghesongcuulong.org, mục tác giả, có “lý lịch” của tôi đó. Có lẽ nhà nghiên cứu Trân Đình Thu chưa bao giờ biết gõ Google thì phải! Và có lẽ ông cũng không biết chuyện Hạng Thác với Khổng Tử nên mới có thái độ trịch thượng, xúc phạm đến tôi như thế.
Ông bảo tôi là:” người chưa có tên tuổi, nhảy vào vu cho người này người kia sao chép tác phẩm.”. Ông gọi tôi là anh này, độc giả này, rằng :” anh vội vàng phân tích lại theo kiểu “nói lấy được” rằng Dị hương giống cái này giống cái kia của Kiếm sắc, rằng :” đây độc giả này đã thể hiện sự thiếu sáng suốt trong tranh luận”. Thưa ông, trong phép đối thoại, điều đầu tiên người đối thoại phải tuân thủ đó là sự trân trọng người đối thoại, và lòng tự trong. Ông đã không có cả hai điều ấy. Nếu tôi gọi ông là anh Trần Đình Thu, anh này, một “nhà nghiên cứu” mà chưa hề nghiên cứu đối tượng mình đang đối thoại là ai, một “nhà nghiên cứu” mà không có trình độ đọc văn bản, thậm chí hiểu sai văn bản của tôi, không có tri thức lý luận văn học (như tôi đã phân tích ở trên ) để lý giải các vấn đề văn chương, “nhà nghiên cứu” ấy chỉ nói bừa như kiểu hàng tôm hàng cá , cố to họng để át người khác, thì ông sẽ nghĩ sao ? Ấy là tôi nói giả dụ vậy, chứ từ đầu bài viết này đến giờ tôi luôn kính trọng nhà nghiên cứu Trần Đình Thu, và chỉ thưa với ông những gì ông viết trong văn bản thôi.
Tôi xin thưa với nhà nghiên cứu Trần Đình Thu một lần nữa rằng, chừng nào chưa có bài viết phản bác được các luận điểm, luận cứ trong bài viết của tôi thì bài viết ấy vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi xin lỗi ông nếu những gì tôi viết không làm ông vui lòng, và tôi xin không đối thoại với một người mà trình độ lý luận văn học chỉ đủ để hiểu “cách viết” ấy là “chủ đề”của một tác phẩm.
Tôi xin lỗi đã làm phiền TNc.
_______________________________
(1)
http://www.trannhuong.com/news_detail/8406/HIỆN-TƯỢNG-BÔI-BÁC-CÁC-NHÀ-VĂN-ĐOẠT-GIẢI-THƯỞNG-HỘI-NHÀ-VĂN-VIỆT-NAM