(ĐỐI THOẠI CÙNG BẠN ĐỌC trên nguyentrongtao.org)
Bài viết Giải mã bài viết Bàn thêm về tiểu thuyết “Hội thề” của tôi trên nguyentrongtao.org đã nhận được những ý kiến phản hồi sau:
1/vô học 09/03/2011
Bác Hảo ơi, “nghỉ hưu” đi, tuổi già cần yên tĩnh. Các bác khác cũng đừng nổi nóng lên như Thọ muối và dùng Thọ muối để dọa nhau nữa. Em nhại thơ Nguyễn Khuyến để can các bác:
Thôi thôi lậy “cậu” xanh căng lậy,
thắng thua hơn thiệt thì cũng hòa.
Đau đầu nhức óc, tiền chẳng thấy,
cứ làm khổ nhau mãi thế a.
2/Duy Vu 09/03/2011
Bác Tạo thâm thúy thật. Đọc 2 bài của bác này tôi có cảm nhận bác ấy đang làm cái việc giống như bức ảnh bác
kèm ở đầu trang.3/Name (required) 09/03/2011
“Cái phong cách sống “Hữu sạ tự nhiên hương” dường như đã biến mất?”
Phải là “Hữu XẠ… ” chớ anh Tạo nhỉ?4/LVT 09/03/2011
“Liệu cái giá trị mà Hội thề và Dị hương đạt được qua giải thưởng đó có thật hay không và có sức sống như thế nào thì phải chờ Thời gian trả lời - “Thời gian là vị quan tòa công minh nhất!”. Đó là chân lý vĩnh cửu!…”
Cái câu kết cũ rích và ba phải này, vận vào bài phê bình nào cũng đúng (và người phát ngôn BNG cũng hay mượn để lên tiếng…: mà ông Đỗ Ngọc Thạch bắt mọi người phải đọc lại “mới hiểu hết ý tứ bài viết…” thì đúng là ông này chắc là hết thuốc chữa bệnh thích làm nhà phê bình rồi.
5/Phạm Lưu Vũ 09/03/2011
Viết sao cho nó rối rắm, rào trước đón sau, nửa dơi nửa chuột theo “phương pháp” “máy bay đằng đông, các cụ ngắm đằng tây…”, rồi lại tự “giải mã” những gì mình vừa viết ra theo kiểu… nào cũng được. Trò xiếc chữ này chỉ chứng tỏ ngay trong lúc viết đã sẵn coi bạn đọc như cái rác. Chuyện nực cười này quả là “xưa nay hiếm”.6/Trần Đan 09/03/2011
Chúng tôi thường nói đùa: Bây giờ giá trị của công trình nghiên cứu khoa học là ở chỗ đọc không ai hiểu. Có lẽ quan điểm sáng tác văn học của bác Đỗ Ngọc Thạch và tác giả “Hội thề” cũng na ná như vậy.7/Đinh Đỗ Chung 09/03/2011
Đọc xong bài “Giải…” này, chẳng thấy giải được tý nào mà chỉ thấy cứ như là tác giả bài viết muốn châm dầu vào lửa vậy.8/Linh Linh 10/03/2011
Bác Thạch ơi, có phải có một trường phái văn học tạm gọi là “mã hóa”, tức là tác giả mã hóa tác phẩm, người đọc muốn hiểu thì phải chờ tác giả… giải mã? Hay là sáng tác theo trường phái “ban hành văn bản pháp luật”: Phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thì mới hiểu và thực hiện được (?!)
Bác viết: “dù sao đi nữa thì những phương tiện thông tin báo chí do những cơ quan Đảng và Nhà nước quản lý thì luôn là nơi phát ngôn chính thống mọi tư tưởng của thời đại, không thể sai, chỉ từ đúng trở lên” (không biết lên đến đâu???). Không biết bác nói thật hay nói đùa? Theo em thì chắc chắn Đảng ta không bao giờ khẳng định: Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng không thể sai!
Xin vái lạy bác!9/Quang Trung 10/03/2011
- Ông Đỗ Ngọc Thạch ơi, ông làm phê bình mà ông dùng chữ nghĩa kiểu gì lạ thế: Ý ông muốn viết một đằng mà người đọc (trong đó có ông Hảo) hiểu một nẻo. Vậy thì ông có nên theo nghề cầm bút không nhỉ? Khi ông viết: “Ban giám khảo của Hội Nhà văn - bộ phận tinh anh và tài năng nhất của Hội nhà văn Việt Nam” rõ ràng câu chữ thể hiện ông đã khẳng định… Còn ông nói đó chỉ là “sự mong muốn” thì quả là ông đã chưa biết viết để thể hiện ý mình. Viết rồi lại phải “giải mã” lại bài viết của chính mình thì ông quả là nhà “ní nuận” mà tôi chưa thấy bao giờ. Chúc ông gắng học tập chữ nghĩa, đặc biệt là cách lập câu, lập ý, cách tu từ nếu ông muốn đi theo nghề cầm bút.
*
Đọc các ý kiến phản hồi về bài viết “Giải mã…” của tôi trên nguyentrongtao.org tôi thấy nổi lên hai vấn đề cần có sự trao đổi ngay: 1/ văn hóa tranh luận và 2/tính đa nghĩa của “chữ nghĩa”.
1. Về văn hóa tranh luận: Trong tranh luận nói chung và đặc biệt là tranh luận về văn học nói riêng, điều cần chú ý trước nhất là thái độ, cung cách của người diễn ngôn mà người ta đã khái quát thành “văn hóa tranh luận”. Nói nôm na là người tham gia tranh luận phải có sự lịch sự tối thiểu bởi như nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nói “chuyện phê bình văn chương là chuyện tao nhã của giới học thuật”. Rất đáng khen cho ông Nguyễn Trọng Bình đã rút lại chữ “Dị hợm” khi nói về phương pháp phê bình của ông Hảo. Còn ông Hảo, chỉ mới xin lỗi ông Nguyễn Văn Thọ thì chưa đủ với cái kiểu “khái quát” vơ đũa cả nắm mà tôi đã nói trong bài “Giải mã…”.
Theo tôi nghĩ, điểm đầu tiên của sự lịch sự tối thiểu là không nên coi thường người khác cho dù mình có bằng cấp cao tót và huy chương, danh hiệu đầy người. Lỗ Tấn có câu nói rất hay mà ta nên tham khảo: Quắc mắt coi khinh ngàn lực sĩ, cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng!
Trở lại vấn đề lịch sự tối thiểu: mình tôn trọng người thì sẽ nhận được sự tôn trọng trở lại, còn gieo gió thì sẽ gặt bão! Đó là qui luật của muôn đời. Tôi nói vậy không nhằm dạy khôn bạn đọc đáng kính nói chung mà chỉ muốn gửi tới ông Quang Trung bởi ông đã có những lời bất nhã sau:… “thì quả là ông đã chưa biết viết để thể hiện ý mình. Viết rồi lại phải “giải mã” lại bài viết của chính mình thì ông quả là nhà “ní nuận” mà tôi chưa thấy bao giờ. Chúc ông gắng học tập chữ nghĩa, đặc biệt là cách lập câu, lập ý, cách tu từ nếu ông muốn đi theo nghề cầm bút”. Không biết đây có phải là ông Phạm Quang Trung đã xin rút khỏi tranh luận về “Hội thề” hay không nên tôi chỉ nói đến thế mà thôi.
Ý của ông Quang Trung cũng gần với ý kiến của vài người khác như LTV, Phạm Lưu Vũ, Trần Đan, Đinh Đỗ Chung, Linh Linh ở chỗ tại sao tôi lại phải “Giải mã” bài viết của mình: …có phải có một trường phái văn học tạm gọi là “mã hóa”, tức là tác giả mã hóa tác phẩm, người đọc muốn hiểu thì phải chờ tác giả… giải mã? Ý này của bạn Linh Linh là gần đúng rồi đấy. Vì thế, tôi xin được nói kỹ ở mục 2 dưới đây:
2. Tính đa nghĩa của “chữ nghĩa”:
Ngay trong dân gian đã có câu ca: Người khôn ăn nói nửa chừng / Để cho người dại nửa mừng nửa lo. Rồi trong thơ ca, chẳng hạn như một bài thơ tình: “Em bảo anh đi đi / Sao anh không dừng lại / Em bảo anh đừng đợi / Sao anh vội về ngay / Lời nói thoảng gió bay / Đôi mắt huyền đẫm lệ / Sao mà anh ngốc thế / Không nhìn vào mắt em?”. “Tình trạng” này đã được chuyển hóa vào bài hát: “Con gái nói có là không / Con gái nói không là có…”. Và từ xưa, ông Balzac đã nói đại ý: Không nên nói hết ra trong tình yêu và trong nghệ thuật… Xin được dừng ở đây để đi đến kết luận: trong văn chương, tác phẩm của một số nhà văn được “mã hóa” nhiều khi tới mức bí hiểm, mà những người không thích thì gọi là “văn chương hũ nút”, còn với nhà nghiên cứu khách quan thì phải bình tĩnh tìm cách giải mã, hoặc nói như GS Đỗ Đức Hiểu: “Người phê bình trước hết làm “nổ tung” văn bản, tức là tìm mọi bí ẩn của các liên kết tác phẩm, trình bày rõ ràng các cấu trúc biểu đạt phức hợp của tác phẩm, còn gọi là “giải mã” hoặc “tháo rời” mọi cơ cấu, mọi chi tiết ngôn từ. Nói như Rabelais, phải “đập vỡ cái xương”, để “hút tủy” của tác phẩm, hoặc nói như Hemingway, nghiên cứu phần nổi của “tảng băng trôi” nhằm phát hiện phần chìm các ý nghĩa…” (Xem: Đỗ Ngọc Thạch: GS Đỗ Đức Hiểu và tác phẩm Đổi mới phê bình văn học ).
Tính đa nghĩa là thuộc tính của văn chương nói chung và ở một số trường hợp đặc biệt thì nó được khai thác tối đa cho nên nếu chỉ đọc lướt qua thì chưa thể biết được tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn như trường hợp của GS Từ Chi, vì những lý do “tế nhị”, ông phải cài những ý tưởng lớn của bài viết vào những chú thích in nhỏ ở dưới bài viết chính (Xin xem: TỪ CHI - một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” - ĐỖ NGỌC THẠCH ).
Trở lại bài viết “Giải mã…” của tôi. Tôi nghĩ rằng không thể nói rõ hơn nữa hoặc nói theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp là “Nói trắng phớ” ra. Có lẽ chỉ Nguyễn Huy Thiệp mới dám nói kiểu “trắng phớ” như thế (Xin xem ĐỌC “TIỂU LUẬN” CỦA NGUYỄN HUY THIỆP - ĐỖ NGỌC THẠCH). Sau khi tôi đã “Giải mã” mà vẫn có người chưa hiểu “ý tứ” của bài viết thì chỉ có khả nãng là không chịu hiểu! Cho nên tôi lại phải “nói thêm”: mới thoạt nhìn thì có vẻ như là tôi phản đối những người phản biện (mà cứ như hiện tình thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo đang lãnh ấn tiên phong) mà theo cách nghĩ này thì cũng sẽ thành bại tướng như TS Phạm Quang Trung mà thôi (Cũng xin có vài nhận xét về TS Phạm Quang Trung: Sở dĩ ông phải “khua chiêng thu quân” vì “Phạm Quang Trung phán một câu xanh rờn về màn trình diễn độc tôn, độc tấu, độc diễn ngợi ca kia như sau: “Thật nhảm hết sức” (Bài viết “Thật nhảm hết sức” của Trần Mạnh Hảo). Câu nói ấy đã bị nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhanh tay bắt lấy dùng làm “vũ khí” để chống những người khen Hội thề và đương nhiên ông PQT từ người chống “phản biện” trở thành người “nối dáo” cho nhóm phản biện! Thật tiếc cho người có bằng cấp Tiến sĩ văn chương như ông PQT mà thiếu đi sự bình tĩnh và thâm sâu!).
Xin nói tiếp: mới thoạt nhìn thì có vẻ như tôi phản đối những người phản biện, hoặc nói như bạn Phạm Lưu Vũ : “Viết sao cho nó rối rắm, rào trước đón sau, nửa dơi nửa chuột theo “phương pháp” “máy bay đằng đông, các cụ ngắm đằng tây…”, rồi lại tự “giải mã” những gì mình vừa viết ra theo kiểu… nào cũng được”. Nhưng nếu bạn Phạm Lưu Vũ bình tâm một chút nữa thì sẽ hiểu ra rằng thực ra là tôi rất muốn ủng hộ những người phản biện nhưng khổ một nỗi: “Yêu em anh cũng muốn vô / sợ chuông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”…
Sài Gòn, 10-3-2011
Đỗ Ngọc Thạch