Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhân giỗ đầu thi sĩ Hữu Loan: NHÂN CÁCH CỦA MỘT KẺ SĨ

Nhịp Cầu Thế Giới
Thứ sáu ngày 11 tháng 3 năm 2011 3:19 PM
 Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) Giỗ đầu nhà thơ Hữu Loan đã được tổ chức tại quê nhà Nga Sơn - Thanh Hóa của ông vào ngày 2-2 năm Tân Mão, tức Chủ nhật 6-3-2011 trong phạm vi gia đình và một số thân hữu thân thiết của ông lúc sinh thời.


Cận cảnh ngôi mộ nhà thơ Hữu Loan


Có mặt trong buổi giỗ, kỹ sư Lê Văn Chính - một cây bút rất tâm huyết và quen thuộc với độc giả NCTG với bút danh Văn Khoa, đồng thời cũng là một doanh nhân có tinh thần dân tộc và yêu văn hóa, được biết đến với thương vụ mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” với giá 100 triệu đồng vào cuối năm 2004 - cho biết: ngôi mộ của cố thi sĩ đơn sơ và giản dị đến mức bất ngờ, có lẽ vì gia đình ông còn định cải táng cho ông.

Trong bữa trưa ngày Chủ nhật, mọi người đến dự giỗ đầu Hữu Loan đã có dịp nghe nhà văn Hoàng Tiến đọc bài viết mới nhất về Hữu Loan với những nhận xét và thông tin rất đặc sắc. Về mặt thi ca, Hoàng Tiến nhận xét Hữu Loan thuộc hàng các nhà thơ sáng tác không nhiều - vỏn vẹn cả đời mới in một tập thơ với dung lượng hơn chục bài thơ - nhưng một số tác phẩm được truyền tụng và đã trở thành bất tử, như “Màu tím hoa sim”, “Đèo Cả”, “Hoa lúa”…

Điều khiến Hữu Loan được đánh giá là một nhà thơ lớn là ở chỗ theo Hoàng Tiến, ông đã đáp ứng được hai tiêu chuẩn: một là có nội dung tư tưởng chứa đựng những cảm xúc thời đại, hai là có phương thức biểu cảm mới lạ. Hoàng Tiến chứng tỏ nhận xét ấy thông qua bài “Đèo Cả”, khởi đầu được tác giả viết bằng lục bát, rồi không ưng, bỏ đi và chuyển sang thể thơ xuống hàng và trên phương diện này, Hữu Loan đã có những cách tân rất sớm, từ năm 1946-1949 (trước Trần Dần nhiều năm).

Tuy nhiên, nhắc đến Hữu Loan, hậu thế nghĩ ngay đến một kẻ sĩ suốt đời giữ được cốt cách của bậc quân tửphú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không cám dỗ, nghèo khó chẳng chuyển lay, uy vũ không khuất phục). Hoàng Tiến nhắc lại: cố thi sĩ tự ví mình như cây gỗ vuông chành chạnh, không để cho ai đẽo gọt tròn trịa có thể lăn đi bất cứ chỗ nào.

Bài viết của Hoàng Tiến nhắc lại những mẩu chuyện thú vị khi Hữu Loan “tái xuất” trở ra Hà Nội sau gần 40 năm ở Nga Sơn làm ruộng và thồ đá nuôi con. Được biết, khi ra Hà Nội vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, thi sĩ phải tá túc ở căn hầm là nhà ở của nhà thơ Tú Sót ở 64 Bà Triệu. Căn hầm chật chội luôn phải bật đèn vì thiếu ánh sáng, nhưng nườm nượp người qua lại vì rất nhiều người muốn biết mặt nhà thơ Hữu Loan.

Theo lời Hoàng Tiến, một buổi, trong bữa rượu lạc thanh bần, Hữu Loan bỗng hỏi: “Truyện Kiều” có thằng bán tơ thật không?”. Mọi người ngớ ra. Cái tai nạn của cuộc đời Kiều, khởi nguyên là ở thằng bán tơ: “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” (câu 588). Rồi Hữu Loan hỏi tiếp: “Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao?”.

Ngừng một lúc, nhấc chén rượu lên môi, rồi lại đặt xuống và sau một khoảng im lặng đủ để mọi người suy nghĩ, ông mới nhẹ nhàng lý giải: “Tôi bị cái họa Nhân văn – Giai phẩm, bị vu cho là phản động, lật đổ chính quyền, về Nga Sơn nằm dài, nhân đọc lại Kiều, mới thấy cụ Nguyễn Du nhà ta thánh thật. Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được.

Cụ Nguyễn Du giả vờ quên thằng bán tơ là cụ cao tay lắm trong nghệ thuật bút pháp. Kẻ hậu sinh đọc “Truyện Kiều”, suy ngẫm để nhận ra điều ấy, là nhận ra cái xã hội thối nát “Truyện Kiều”, đến công lý cũng vin vào một lời khai vu vơ làm tan nát cả một đời Kiều. Cái xã hội thiếu nhân tính, thiếu tôn trọng con người, gây oan khuất cho những người lương thiện, đáng nguyền rủa biết bao! Cái thâm thúy của cụ Nguyễn Du là ở đấy!”.

Một mẩu chuyện khác. Hữu Loan về quê làm ruộng, thồ đá bán. Phòng thương nghiệp và dân quân được lệnh xét hỏi. Họ bắt nhà thơ đổ hai sọt đá xuống và nói: “Ông không vào hợp tác. Làm ăn riêng lẻ, để phát triển con đường tư bản. Chúng tôi cấm”.

Nhà thơ đáp: “Chúng tôi bị quy Nhân văn – Giai phẩm, nghĩa là phần tử nguy hiểm hơn cả địa chủ, tư sản. Hợp tác các ông không cho tôi vào. Ở đời này có hai việc tôi không thể làm được. Một là đi ăn cắp, hai là đi làm cán bộ. Nay, tôi lao động, kiếm sống nuôi con, mà các ông cũng cấm. Từ cổ chí kim, tôi không thấy một nhà nước nào cấm người ta lao động cả.

Còn các ông cấm, không cho tôi lao động, thì tôi chỉ còn một cách là đi ăn xin. Ngày mai tôi sẽ khoác bị chống gậy đi ăn xin, đề một tấm biển trước ngực: “Tú Loan, người ăn xin”. Các ông đừng bảo là tôi bôi xấu chế độ nhé”. Nghe vậy, mấy “ông” thương nghiệp và dân quân quay ra bàn nhau một lúc, rồi rút lui.

Mẩu chuyện thứ ba khi cái họa Nhân văn – Giai phẩm đã lùi xa, nhiều người đến thăm hỏi Hữu Loan. Thấy ông ăn mặc mộc mạc, nhà cửa tuyềnh toàng, có người buột miệng hỏi: “Bấy lâu nay ông bận làm gì, mà không xây nhà cửa cho nó đàng hoàng, ở cho nó sướng cái thân”. Nhà thơ Hữu Loan đáp: “Tôi bận làm người”.

Nhà văn Hoàng Tiến kết luận: “Chúng tôi là lớp hậu sinh yêu thơ ông, quý mến ông, cảm thương những hoạn nạn mà ông đã trải, kính phục trước nhân cách khí khái, ngang tàng, mà chúng tôi thường nói với nhau: một nhân cách vuông chành chạnh!”.

Chùm ảnh của Xuân Vân và Văn Khoa trong ngày giỗ đầu thi sĩ Hữu Loan:


Nơi yên nghỉ của nhà thơ nằm trên sườn đồi