TƯỞNG NIỆM HOÀNG NGỌC HIẾN 49 NGÀY ĐI XA
Người xưa có câu nói:
“Con chim khi sắp chết tiếng kêu đau thương; con người trước khi chết lời nói linh thiêng”. Tập văn Luận bàn về Minh triết và Minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến là những lời nói linh thiêng của một nhà văn hóa khi sắp mất.
Tôi có may mắn được trò chuyện và bàn với Anh, về một đầu sách viết về Minh triết của anh. Minh triết đối với Hoàng Ngọc Hiến vào những năm tháng cuối đời đã trở thành một giá trị thiêng, vừa thích thú, đam mê, vừa sùng mộ vừa kỳ vọng. Nhiều lần anh nói với tôi “Mình chậm chạp quá, đã từng có một thời gian dài rất kém về những hiểu biết lịch sử của cha ông, chứa đựng rất nhiều giá trị Phương Đông”. Anh còn nói thêm “Mọi trí thức nước ta mà còn để hổng về mặt này thật phí phạm và thiệt thòi”.
Có một ngẫu nhiên thật thú vị (mà cuộc đời là như thế, cái gì mà chẳng xảy ra ngẫu nhiên, cá biệt, duy nhất. Chỉ có điều trong cái chuỗi ngẫu nhiên đó người ta sẽ lần tìm ra những mối liên hệ. Thế thôi.) Tình cờ trong một cuộc ngao du hồ Ba Bể với một nhóm bạn bè, có cả anh Hiến, tôi tăm ra Hiến cũng đang tìm tòi Minh triết. Tôi bèn “rủ rê” Hiến vào “hội” Minh triết. Sau này tôi nói với Anh, mình nên hiểu chữ Hội theo chiết tự (chẻ chữ) của chữ nho. Hội là một người cùng với một người khác hàng ngày cày xới trên mảnh ruộng (會). Có người lo cày xới mảnh ruộng tiền tài, có người cày xới quan tước và quyền lực, có người cày trên ruộng văn chương, khoa cử, v...v. Mình cùng nhau cày xới mảnh ruộng Minh triết. Quả nhiên sự cày xới của Hiến đã có những gặt hái đầu tiên. Mỗi lần gặp tôi, anh Hiến đều nói “Hay quá, bây giờ càng ngày trên các trang sách báo, tần số sử dụng ý niệm minh triết càng nhiều”. Cố nhiên điều mừng ấy chỉ là bề ngoài. Cái mừng thầm là thấy giá trị minh triết của cha ông đang ngày càng được chú ý nhiều.
Có một điều cần phải tiết lộ, với Hiến cũng như nhóm nghiên cứu Minh triết thì động cơ, xuất xứ ban đầu không phải như câu tục ngữ của Việt Nam ta:
Thuyền đua thì lái cũng đua,
Thấy con ếch nhảy, con cua cũng bò.
Không phải như vậy. Chính là từ “những câu hỏi lớn (chưa) lời đáp “của bản thân Đất nước ta, dân tộc ta, xã hội ta mà nảy sinh ý định “đi tìm” minh triết. Một trong những câu hỏi được cả xã hội trăn trở ở khắp tất cả mọi bình diện, trong kinh tế, chính trị, văn hóa, dân sự, đạo đức, lối sống v...v, là “nói zdậy mà không phải zdậy!” đã thôi thúc chúng tôi đi tìm lời giải qua lát cắt văn hóa: minh triết. Sau đó chúng tôi bàn với nhau thử hỏi xem thiên hạ họ có làm như ta (đi tìm học minh triết) hay không. Nếu họ có làm ắt sẽ “giỏi” hơn ta, vì họ có nguồn nhân lực mạnh, họ có tiền của (của nhà nước và tư nhân), họ lại có phương thức ứng xử xã hội thông thoáng hơn ta. Chắc ta sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Quả nhiên là như thế. Hoàng Ngọc Hiến đã đem lại từ nhiều nguồn văn hóa, từ đầu nguồn văn hoá Hy – La của phương Tây cho đến thời hiện đại những tri thức về minh triết, đặc biệt là giá trị minh triết trong đời sống nhân văn và xã hội. Khi Hiến dẫn ra lời than vãn của TS. Eliot (1888 – 1965) giải Nobel năm 1948: “minh triết mất rồi, chỉ còn lại tri thức, minh triết ấy đâu rồi; tri thức cũng mất rồi, chỉ còn lại thông tin, tri thức ấy đâu rồi ...” thì chính là để khẳng định giá trị minh triết trong đời sống hiện đại, của xứ sở Ta mà cũng là của Nhân loại. Phải tìm kiếm, học hỏi Nó, đừng làm mai một, đừng đánh mất Nó.
Có một bản lĩnh văn hóa Hoàng Ngọc Hiến mà Anh cũng thể hiện ra trong văn bản tiểu luận này. Đó là dù anh có thông kim, bác cổ đến thế nào , dù đã đọc, đã ghi nhớ từ Aristote đến Socrate, từ Wittgenstein, Glenn Simpley đến F. Jullien, Léopoldo Zea, từ Khổng Mạnh đến Trần Nhân Tông, Ngô Thì Sĩ, Lương Kim Định, Tôn Dật Tiên, Hồ Chí Minh, từ Các Mác đến Thomas Jefferson v...v, Anh luôn thể hiện mình theo lời dạy của Phật: “Chớ có tin vào đức tin của những truyền thống, dù cho chúng đã được vinh danh lâu đời qua nhiều thế hệ và ở nhiều nơi. Chớ có tin vào một điều nào chỉ vì có nhiều người nói đến nó. Chớ có tin vào những đức tin của những bậc hiền minh trong quá khứ. Chớ có tin những gì mà anh tưởng tượng rằng Thượng đế dã truyền gửi cho anh. Không tin gì hết nếu như chỉ có uy tín của những bậc thầy của anh hoặc của những nhà sư của anh. Sau khi xem xét hãy tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác”. (Thích Đạt Đa, Kinh Kâlâma). Dù đã dẫn ra nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa minh triết, Hoàng Ngọc Hiến tự mình khẳng định:
- Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi. (tr.12)
- Minh triết là một kho báu những kinh nghiệm đối nhân xử thế, “đắc nhân tâm” ... (tr.10).
- Sự thức tỉnh của minh triết với nhu cầu cân bằng, hài hòa có liên quan đến sự mất cân bằng tận thế đương đe dọa sự sống còn của chúng ta trên hành tinh này. (tr. 10)
- Làm tốt công việc sưu tầm và tổng kiểm kê như đã nói ở trên, lần đầu tiên, chúng ta có thể hình dung được đầy đặn vốn minh triết phong phú và đa dạng tàng trữ trong trí tuệ và tâm đức Việt Nam. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, lịch sử văn hóa Việt Nam có thêm một căn cứ tham chiếu. (tr.20).
Bàn về Minh triết Việt, Hoàng Ngọc Hiến chú trọng “Tìm hiểu minh triết tam giáo trong Văn hóa Việt Nam”. Anh chú tâm vào 3 vấn đề lớn. Một là “Về tư tưởng “phản thân” (trở về bản thân minh) của đạo đức Khổng Mạnh và “tứ vô” của Khổng Tử. Hai là “Từ tư tưởng “vô vi” của lão Tử đến tư tưởng “vô vi cư điện các” của Pháp Thuận”. Ba là “Minh triết mười bốn điều Phật dạy không bao giờ cũ và tinh thần đổi mới truyền thống trong Phật giáo”. Bàn về “phản thân luận” đạo đức Khổng Mạnh, anh nhận xét: “Trong một thời gian dài chúng ta coi nhẹ loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân với bản thân mình” (tr.24) Và anh kết luận: “Sự hiện diện của quan hệ mình với mình trong đời sống ý thức là cấu trúc tâm lý của những đức tính tự trọng, tự tín, tự ái ... là tiền đề của sự hình thành chủ thể, của sự khẳng định nhân cách, bản lĩnh độc lập”.
Về “tứ vô” (vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã) của Khổng Tử. Thật sự 4 cái vô này là minh triết. Chính Ngô Thì Nhậm trong bài phú Thiên quân thái nhiên nói về cái nhân cách của kẻ sĩ (trí thức) cũng khẳng định minh triết ấy. Hoàng Ngọc Hiến nói: “Có quan hệ mật thiết giữa 4 cái vô. Dành đặc quyền, tuyệt đối hóa một tư tưởng (tức là vi phạm điều vô ý) thì những tư tưởng khác sẽ chạy ngược trở lại, sẽ tháo lui; tư tưởng được tuyệt đối hóa sẽ trở thành độc tôn, tự nó sẽ tạo ra hệ thống cho nó, từ đó trở thành trường phái, bè phái. Để duy trì địa vị độc tôn, để đối phó với những tư tưởng khác, nó buộc phải định trước những sự tất yếu (không tránh khỏi phiến diện) và đưa ra những mệnh lệnh chủ quan (vi phạm quan điểm vô tất). Tư tưởng độc tôn dẫn đến sự cố chấp trong quan điểm lập trường (vi phạm quan điểm vô cố). Tư tưởng độc tôn cố chấp trong quan điểm lập trường cùng với những thành kiến, định kiến cố hữu tạo ra một cái tôi (ngã) đặc biệt (moi particulier). Cái tôi đặc biệt là cái tôi khép kín trong sự phiến diện, bị định hình một cách cứng nhắc, không mở ra được, đặng khai thông với những mặt khác của thực tại, của cuộc sống, của nhận thức ... bao giờ cũng vô cùng sinh động và phong phú”. Bên cạnh sự giải thích “tứ vô” có tham chiếu với tri thức triết học Phương Tây, đây là bình luận sắc sảo, có chiều sâu về tính hiện thực, thời sự về “tứ vô”. Nó cũng làm ta giật mình, thấy quả nhiên cần có minh triết trong đời sống “kim nhật kim thì” của xã hội ta biết nhường nào.
“Vô vi cư điện các” (nghĩa là thực hành vô vi để trị nước. Mà không duy chỉ “vua” mới trị nước, cà dân cũng phải và được tham gia trị nước), là một giá trị lớn của minh triết Việt. Hoàng Ngọc Hiến đã liên hệ đến một tư tưởng khác của T. Jefferson mà dư luận đương đại cũng cho đó là một giá trị minh triết lớn, khi ông đề ra sự tích hợp minh triết vào quyền lực.
Bàn sơ qua giá trị minh triết của Trần Nhân Tông: “mỗi lần nêu ra, một lần mới”, Hoàng Ngọc Hiến kết luận: “Mọi nguyên lý, tư tưởng dù cao siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn, của những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở thành những giáo điều, vô duyên, vô dụng”.
Chương thứ III của Tiểu luận được Hoàng Ngọc Hiến đặt đầu đề: “Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của Văn minh” (điểm duyệt những nguồn và giá trị của minh triết Việt). Như trên đã nói, tôi cho đây là những “lời thiềng” của một nhà văn hóa trước lúc mất. Thật sự thì Hoàng Ngọc Hiến không mất. Trong sổ tang có hàng mấy trăm người ghi vào, tôi chú ý đến mấy dòng này của một người “quen” của anh Hiến. “Anh Hiến là một bậc hiền tài. Và khi một người hiền tài ra đi thì nó cũng thúc đẩy một sự bùng dậy nguyên khí cộng đồng”. Anh để lại những dòng, những trang bàn về văn hóa thật tha thiết, thật tâm huyết. Chúng tôi không điểm xuyết những vấn đề cực kỳ hệ trọng mà Anh nêu ra ở đây. Chỉ xin trích mấy câu cũng có thể gọi là “huyết lệ tâm thư”. Tự nhiên tôi nghĩ đến một điển tích, có con chim đỗ quyên khắc khoải kêu những tiếng “quốc, quốc” (nước, nước) mỗi tiếng lại thổ ra một giọt máu cho đến lúc tàn hơi, chết. “Văn hóa với sự tích lũy những hằng số lịch sử và tầm nhìn khoáng đạt, quán xuyến hiện tại, quá khứ, và tương lai thuộc bản chất của nó, có thể trụ lại được trong khủng hoảng nếu trở về những nguồn minh triết và với tinh thần đổi mới, từ những giá trị minh triết bền vững đề ra được những tư tưởng căn cốt khả dĩ rút ra được những bài học của sự suy sụp những thiết chế văn minh lỗi thời, đồng thời định hướng sự phát triển của văn minh, định hình viễn cảnh của một xã hội văn minh tốt đẹp hơn, đáp ứng những khát vọng tự do của nhân dân và những ước mong hạnh phúc của đồng bào. Trong tình hình hiện nay, đối với giới văn hóa – những nhà văn hóa và những người làm công tác văn hóa – thiết tưởng không có nhiệm vụ nào quan trọng và cấp thiết hơn là đề ra được những tư tưởng căn cốt, những giá trị bền vững như vậy”.
Biết bao vấn đề “căn cơ, thiết cốt” mà Hoàng Ngọc Hiến nêu ra, tự như những lời “lối”. Tôi xin dùng một từ rất cổ nay đã ít thấy có người dùng. Họa chăng chỉ có cha Nguyễn Đình Thi, một nhà văn hóa, một người công giáo yêu nước, một người cũng đam mê minh triết Việt, đã sử dụng, để thay cho viết di chúc, ông viết Tờ lối. Lối có nghĩa là giối giăng lại. Đúng là những lời trăng “lối” của Anh Hiến. Anh bàn về “đổi mới từ những giá trị minh triết bền vững” đến tinh thần tam giáo đồng nguyên, nay đang thành “lục giáo mà trong đó Việt – giáo là quan trọng hơn cả”. Từ “Tâm, chính là đầu nguồn của những giá trị minh triết” đến “tinh thần khoan hòa văn hóa”, khiến cho “chức năng dung hợp của văn hóa, sự cộng sinh văn hóa, trước hết là dung hợp và cộng sinh những nguồn minh triết và những gốc nhân bản ...” Từ “sự phát triển đến tận độ những khả năng của con người chứa đựng ở mình” đến minh triết mác – xít “phát triển tự do ở mỗi người” là tiền đề phát triển tự do của toàn xã hội, đến quan niệm “Cá nhân luận văn hóa”. Từ “cứu cánh của văn hóa là sự an sinh và sự tiếp nối bền vững của cuộc sống con người” ... đến “chế độ tư hữu và quyền tư nhân, những thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự và kinh tế thị trường ...” cho đến minh triết về “đạo lý tình nghĩa” của người Việt được quan niệm như một cốt tính, một căn cước tinh thần, lối sống Việt đang bị vẩn đục, phai mờ, cần được tiếp nối, phục dựng đưa vào ứng xử trong mọi “bề chiều” của xã hội. Nó căn cốt đến mức “Một khi bị rỗng ruột “tình nghĩa” thì không cứ gì chủ nghĩa Mác – Lênin, mà mọi ý thức hệ, tín ngưỡng và triết học, mọi học thuyết khoa học xã hội, nhân văn, dù hệ thống lý luận có kiên cố nguy nga đến đâu đi nữa thì cũng chỉ là những cái “vỏ” màu mè hão huyền, những bong bóng có thể vỡ tan bất cứ lúc nào”.
Như một “lời lối” tha thiết, Hoàng Ngọc Hiến gửi gắm: “Hơn bao giờ hết trong cộng đồng người Việt, những người yêu nước, trăn trở nghĩ suy và nóng lòng chờ đợi những tư tưởng làm sáng tỏ được viễn cảnh của một xã hội văn minh tốt đẹp hơn”. Và Anh đã thử nêu lên cái giá trị minh triết của viễn cảnh đó là: “Dân giàu nước mạnh – đó là văn minh”, “Dân vui nước mạnh đó là văn hóa”. “Không có minh triết “dân vui nước mạnh” thì dân có thể “giàu” nước có thể “mạnh” nhưng khó mà nói là có hạnh phúc”.
Tôi chỉ nêu lên một số cảm nhận chủ quan của mình để giới thiệu thiên Tiểu luận này như một “lời lối” của Anh Hoàng Ngọc Hiến. Còn bạn đọc chắc sẽ đồng tình với anh Hiến khi làm theo phương châm mà Phật dạy “Chớ tin, chớ tin ... Không tin gì hết. ... Sau khi xem xét hãy tin vào những gì chính anh đã thể nghiệm hoặc nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với phúc lợi của anh và của những người khác.
Tuy nhiên, dù muốn dù không, tôi đã giới thiệu để trình với bạn đọc những gí mà Hoàng Ngọc Hiến đã chính mình thể nghiệm và nhìn nhận là hợp lẽ, những gì phù hợp với Phúc lợi của Anh và của mọi người.
Kính cẩn ghi lại nhân lế thất tuần (49 ngày) của Anh.
Nguyễn Khắc Mai