Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Thu
Thời gian gần đây, dường như xu hướng phê bình các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam đang đi dần theo hướng bôi bác tác giả. Đặc biệt kèm theo hiện tượng “đốt đền”, tức là một vài người chưa có tên tuổi, nhảy vào vu cho người này người kia sao chép tác phẩm. “Dị hương” vừa bão hòa thông tin, có người dấm sẵn “Đất trời vần vũ” để “xẻ thịt”. Vì vậy tôi thấy cần trao đổi lại với quý bạn yêu văn học vấn đề “sao chép tác phẩm văn học” để tránh những ngộ nhận làm ảnh hưởng đến uy tín nhà văn.
Nói đến sự sao chép tác phẩm văn học là nói đến sự tương tự nhau về mặt nội dung của hai tác phẩm. Tác phẩm bị sao chép ra đời trước tác phẩm sao chép, và hai tác phẩm này có nội dung liên quan nhau như sau:
a. Sao chép nguyên văn: Một phần lớn văn bản 2 tác phẩm giống nhau đến cả từng câu chữ. Thí dụ vào năm 2005, một tác giả tên là Phạm Minh Phong đã gửi đăng một truyện ngắn có tựa là “Máu và lá” trên báo Văn Nghệ, sau đó nhà văn Võ Thị Hảo lên tiếng truyện ngắn này giống y chang truyện ngắn của chị từ “tiêu đề truyện ngắn, đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Chỉ khác có điều, tên các nhân vật được anh ta thay toàn bộ”.
b. Sao chép cốt truyện: Sử dụng cốt truyện của tác phẩm trước đó rồi viết lại một tác phẩm khác trong đó có sự thay đổi không đáng kể về thứ tự sắp xếp, bố cục, chi tiết…
Cần đặc biệt lưu ý, việc phát triển có tính sáng tạo một ý tưởng có trước không thể coi là sao chép. Tôi lấy thí dụ có rất nhiều người viết về thế giới phù thủy trước J.K. Rowling, nhưng tác phẩm Harry Potter của nữ nhà văn này không thể bị coi là sao chép vì lý do bà cũng viết về thế giới phù thủy.
Từ những khái niệm cơ bản đó, tôi đã đọc “Dị hương” ngay từ khi có những ý kiến đầu tiên rằng nó sao chép “Kiếm sắc”. Và tôi đã khẳng định trong một bài viết gần đây, là Dị hương không sao chép Kiếm sắc (nay tôi thấy không cần thiết phải phân tích lại trong bài này).
Tuy nhiên nhiều tác giả gần như lờ đi, và tiếp tục công kích Dị hương.
Tới đây tôi nói về vấn đề “đốt đền”. Lấy ví dụ trường hợp một độc giả yêu văn học ở Đồng Nai (nay được biết thêm là anh dạy văn cấp hai ở một vùng quê) tên là Bùi Công Thuấn). Anh này lúc đầu đưa ra nhận định mà không hề chứng minh rằng Dị hương là một bản sao của Kiếm sắc, sau khi tôi có bài viết nói trên, anh vội vàng phân tích lại theo kiểu “nói lấy được” rằng Dị hương giống cái này giống cái kia của Kiếm sắc. Nhưng ở phần kết, anh lại viết “Xin lưu ý rằng, tôi không có ý nói, Dị hương giống Kiếm sắc về nội dung”. Ở đây độc giả này đã thể hiện sự thiếu sáng suốt trong tranh luận. Bởi vì nội dung tác phẩm là phần hữu hình của tác phẩm, nếu Dị hương không giống Kiếm sắc về nội dung thì còn gì để nói nữa.
Ngoài việc công kích Dị hương, độc giả này bắt đầu nói đến Đất trời vần vũ, một tác phẩm đoạt giải khác như thế này: “Không phải chỉ có Dị Hương mới sao chép cách viết. Cả Đất Trời Vần Vũ, một tác phẩm đạt giải khác cũng vậy, tác giả cũng sao chép cách viết từ nhiều nguồn, mà đậm nhất là cách viết của Lời Nguyền Hai Trăm Năm (1)”.
Ở đây tôi nhấn mạnh, không có cái gì gọi là “sao chép cách viết”. Vì “cách viết” không phải là một yếu tố hợp phần trong tác phẩm văn học mà nó nằm ngoài tác phẩm (có lẽ người này nhầm với chủ đề tư tưởng tác phẩm chăng?).
Trở lại vấn đề mà tôi đưa ra ở trên tiêu đề, là hiện tường bôi bác các tác giả đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một thái độ thiếu bình tĩnh của một số ít người. Đành rằng có thể các tiêu chí của giải thưởng này chưa làm tất cả cộng đồng yêu văn học Việt chúng ta thỏa mãn (trong đó có tôi), nhưng không vì giận cá mà chúng ta chém hỏng tấm thớt. Nếu có thể, quý bạn yêu văn học đưa ra những tác phẩm xứng đáng trao giải hơn nhưng không được Hội nhà văn Việt Nam trao giải, để chỉ rõ sự thiếu công tâm nếu có của tổ chức này. Còn không, thì những tác phẩm được trao giải vẫn cần được quý bạn nhìn nhận như là những tác phẩm đỉnh cao của mặt bằng văn học Việt trong mấy năm vừa qua.
T.Đ T
Chủ biên trang web
www.binhchonthohay.com