Hồ này, ngày xưa, thông với sông Hồng. Về sau, gắn truyền thuyết Lê Lợi trả gươm mà hóa thiêng liêng, thể hiện tinh thần dân tộc yêu chuộng hòa bình. Mấy chục năm trước, quanh hồ suốt ngày tấp nập. Dưới nước, công nhân thủy sản kéo lưới bắt cá, công nhân đô thị miệt mài vớt rều rác, thanh niên nam nữ bơi thuyền pê-rít-xoa du ngoạn. Trên bờ, bến xe tầu điện Bờ Hồ nhộn nhịp, tiếng chuông leng keng rất chi là vui tai. Thời ấy, dù nghèo khổ, nhưng mỗi khi đến Hồ Hoàn Kiếm là cảm thấy lòng thanh thản. Nay dạo quanh hồ mà lòng không yên.
Nghe nói, hồ có mấy con rùa to, về sau, con bò lên bờ bị xả thịt, con chết ướp xác làm cảnh, đâu như còn một con cả mai dài cổ, bởi liên tưởng truyền thuyết của dân tộc, ai cũng nể trọng, gọi bằng cụ rùa. Do vậy, thấy nước dơ mà không dám thay, thấy bùn nhơ mà không dám vét, sợ động đến huyệt thiêng, rùa thần.
Đận này, thấy cụ rùa bệnh trọng, bèn vớt lên chữa trị, té ra là con giải, còn gọi thuồng luồng, chứ không phải giống Kim Quy rùa vàng, loại mai cứng có vân hoa. Giống giải da đen, mềm và trơn, bản tính hung hãn, ăn tạp uống bẩn, riêng mình một hồ, mặc sức vẫy vùng. Không biết nguyên do làm sao mà người ta, thấy thuồng luồng lại tưởng Kim Quy, thờ phụng mãi? Lần này vớt lên, cách ly chữa trị, âu cũng làm yên lòng người, lại giữ được nguồn gien; đồng thời, kíp thau nước, vét bùn, rồi tìm giống rùa vàng và cá, tôm mà thả xuống. Muôn loài cùng chung sống hòa thuận, trong môi trường sạch, đẹp là phúc lớn vậy.
Nhiều giải pháp cải tạo môi trường và bảo vệ Hồ Gươm đã bàn rồi, nay đồng lòng thì việc sẽ thành. Nhân đây, xin chép ra mấy câu thơ, không biết của ai, đại ý:
Trăm dơ rửa nước sạch
Nước dơ rửa gươm sạch.
Âu cũng là một giải pháp chăng?
Tuyên Quang, 12/3/2011
V.X.T