Đà Lạt, ngày 10/03/2011
Kính gửi: Các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận - phê bình:
- Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội
- Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó Chủ tịch Thường trực
- Nhà Lý luận Phê bình văn chương Lê Quang Trang - Phó Chủ tịch
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch
- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - UV Ban Thường vụ
- Nhà văn Khuất Quang Thuỵ - UVBCH - Trưởng Ban Kiểm tra
- Nhà văn Trần Đức Tiến – UVBCH
- Nhà Lý luận Phê bình văn chương Phan Trọng Thưởng - UVBCH
- Nhà thơ Nguyễn Hoa - UVBCH
- Nhà văn Trung Trung Đỉnh - UVBCH
- Nhà văn Đào Thắng - UVBCH
- Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - UVBCH
- Nhà văn Đình Kính - UVBCH
- Nhà văn Vũ Hồng - UVBCH
- Nhà thơ Văn Công Hùng - UVBCH
Tôi là Phạm Quang Trung, hội viên thuộc Hội đồng Lý luận - Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam.
Mục b Điều 12 của Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII xác định minh bạch và cụ thể quyền hạn của hội viên là: “Thảo luận dân chủ về mọi vấn đề liên quan đến công tác Hội”. Bởi vậy,trong lá thư ngỏ này, tôi xin có một số ý kiến liên quan đến việc chấn chỉnh để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí của Hội Nhà văn chúng ta.
Thưa các anh, các chị,
Trong Báo cáo Vì sự cường thịnh của đất nước, vì phẩm giá con người, Phần Phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 do nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII trình bày tại Đại hội lần thứ VIII được tổ chức từ ngày mồng 04 đến mồng 06 tháng 08 năm 2010 có đoạn: “Củng cố, kiện toàn các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội, theo hướng chuyên nghiệp hóa, có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, năng động, vững vàng; có đội ngũ biên tập viên lành nghề, trách nhiệm cao, phẩm chất tốt, thật sự quý trọng nhà văn và bạn đọc… Củng cố website của Hội thành một tờ báo điện tử tác nghiệp nhanh nhạy, sinh động, cập nhật…”. Khi nghe vang lên những lời này giữa hội trường, tôi - và có lẽ không chỉ riêng tôi - thầm cảm phục nhà thơ Chủ tịch Hội đã chỉ ra một trong những đường hướng sát đúng nhất nhằm khắc phục một trong những chỗ yếu kém nhất trong hoạt động của Hội khi nhìn lại nhiệm kỳ 2005 - 2010 vừa kết thúc. Xin được nhắc lại, đó chính là điểm nhấn quan trọng trong lời phát biểu của tôi tại Đại hội Các nhà văn Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở Thành phố Bến Tre trong hai ngày 15 và 16 tháng 06 năm 2010. Cho tới giờ, nửa năm đã trôi qua, theo dõi sát sao mọi hoạt động của Hội, tôi đã nhận ra một vài chuyển động trong công tác chỉ đạo báo chí của Ban thường vụ và Ban chấp hành như sau:
- Thành lập Ban Đề án đổi mới các cơ quan báo chí và truyền thông của Hội Nhà văn Việt Nam bao gồm các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thuỵ, Phan Trọng Thưởng do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội phụ trách.
(vanvn.net).
- Chủ tịch Hội Nhà văn trong Quyết định số 612/ QĐ – TCNS ngày 02 tháng 11 năm 2010 đã chính thức cử nhà văn Khuất Quang Thuỵ làm Tổng biên tập website Hội Nhà văn Việt Nam dựa theo Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net).
- Bổ nhiệm nhà văn Võ Thị Xuân Hà làm Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn theo sự chấp thuận của Ban chấp hành Hội Nhà văn, tại kỳ họp lần thứ 3 tổ chức ở Hà Nội từ ngày 08/01/2011 đến ngày 10/01/2011.
Theo tôi, từng ấy biểu hiện của sự chuyển động trong hoạt động báo chí được trên dưới thống nhất xem là then chốt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội chúng ta trong nhiệm kỳ này là ít và chậm. Vì thế, tôi xin khẩn thiết đề nghị hai điểm chủ yếu sau:
- Cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc chấn chỉnh tổ chức, củng cố chất lượng hoạt động báo chí của Hội, theo đúng tinh thần và quyết tâm mà cơ quan lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên từng nhiều lần bộc lộ. Nếu được, cần sớm tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng chuyên bàn vế vấn đề nóng bỏng và bức thiết này.
- Khi quyết định về bất cứ vấn đề hệ trọng nào nhất là khi liên quan
đến nhân sự, Ban thường vụ và Ban chấp hành phải dứt khoát dựa vào
Điều lệ Hội. Ở đây, trong việc bổ nhiệm các nhà văn vào cương vị đứng đầu cơ quan báo chí cần bám sát Điểm 11, Điều 18 quy định rõ ràng và chặt chẽ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành Hội như sau: “Quyết định bổ nhiệm và bãi miễn các Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Hội”.
Thưa các anh, các chị,
Trên đây là một vài suy nghĩ và nguyện vọng bước đầu của tôi liên quan đến việc củng cố và nâng cao hoạt động báo chí của Hội Nhà văn chúng ta. Tôi nghĩ, chỉ có khẩn trương và quyết tâm làm như vậy, Hội Nhà văn Việt Nam mới đáp ứng được nỗi mong mỏi da diết của Nhà thơ - Chủ tịch Hữu Thỉnh tại Hội nghị Văn học năm 2011 tổ chức vào ngày 8 tháng 1 năm 2011 là: “Cần chuyên nghiệp hơn nữa những công việc của văn phòng để đạt đến sự quy củ sang trọng; nếu chúng ta không nỗ lực vươn lên cho sang trọng hơn thì không ai đến đây để cấp phát sự sang trọng cho chúng ta”. Đây là biểu hiện rõ nhất “tư duy văn học cần có đường đi nước bước trước”, để mọi hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam thật sự được thúc đẩy, nhằm đáp ứng sự chờ đợi hàng ngày của từng hội viên chúng tôi.
Tôi rất biết, mỗi nhà văn trong Ban chấp hành Hội, dù đảm nhận trọng trách nào, cũng đều luôn ý thức được vinh quang to lớn đi cùng với trách nhiệm nặng nề mà tất cả các hội viên chúng tôi đã tín nhiệm giao phó. Xin chúc các anh, các chị sức khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Xin được nhắc lại một lần nữa khẩu hiệu đã nhiều lần vang lên trong Đại hội toàn thể lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam: Tất cả vì hội viên! Tất cả cho hội viên!
Kính thư!
Phạm Quang Trung
Xin lưu ý và đề nghị:
- Bức thư ngỏ này được post lên trang pqtrung.com lúc 14 h 15’ ngày 10/03/2011, và ngay sau đó được chuyển tới các trang mạng vanvn.net, trannhuong.com, khoivudongnai.com.
- Kính đề nghị Nhà thơ - Chánh văn Hội Đỗ Hàn cho in bức thư này và gửi ngay tới toàn thể các thành viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII.