Trang chủ » Truyện

Mênh mông trời nước

Phùng Văn Khai
Thứ ba ngày 24 tháng 2 năm 2009 10:18 PM


Dòng sông xuôi đến chân đồi thì đột nhiên chảy vòng lại. Bên kia, lởm chởm những đá tảng um tùm lau lách. Ngay chính giữa cồn, nổi lên một cái bè nhàu nhĩ mưa nắng. Buổi sáng, một cảnh tượng hiếm thấy diễn ra. Người đàn bà ăn mặc phong phanh tất bật bên mớ quần áo và một cậu bé chừng sáu, bảy tuổi cởi truồng chạy lóc cóc trên những thân tre làm bè sát mép nước. Bè bập bềnh, trệu trạo càng làm cho chú bé phởn chí đùa giỡn với dòng sông. Người đàn bà ngoái đầu mắng con. Cậu bé càng nhảy tợn rồi bất ngờ lao tõm xuống nước ngầu ngậu phù sa đỏ quánh. Người đàn bà thản nhiên với chậu đồ giặt. Sóng nước lóc bóc. Thằng bé ngoi lên cười sằng sặc. Rồi im bặt, rồi then lét leo lên bè líu ríu chỉ vào mấy cây vầu góc bè: “Người… có… người chết…”. Người đàn bà dợm đứng dậy nhìn theo tay thằng bé chỉ. Chị bước sấn đến mấy bước. Trời! Người chết. Mớ tóc bập bềnh nhô ra hai bả vai và một phần lưng trắng hếu. Lũ cá mương tinh nghịch loạn xị xung quanh. Chúng đã bắt đầu rỉa thịt. Thằng bé trấn tĩnh hơn, trố mắt nhìn. Chị quát hốt hoảng: “Tuấn! Gọi bố ra ngay”.
Trong lều có tiếng quát mắng trẻ con. Rồi một người đàn ông gầy đen nhếch nhác ngái ngủ bước ra. Theo sát đằng sau là một con chó vàng và thằng bé. Người đàn bà chỉ tay về phía mớ tóc bập bềnh, giọng run rẩy: “Người chết kìa… thằng… Tuấn nó nhìn thấy…” Người đàn ông tỉnh hẳn, dụi mắt. Anh bước ngay đến bên góc bè, thảng thốt kêu lên: “Trời đất ơi! Sao lại chết trôi chết dạt vào nhà tôi thế này. Mình ơi, lấy cái chăn chiên ra đây…”
Mặt trời bắt đầu lên, khúc xạ xuống dòng sông những tia nắng ban mai tuyệt đẹp. Thằng bé con đánh chiếc quần cộc lấm tấm mồ hôi chạy lăng xăng giúp bố. Người cha trần trùng trục loay hoay đặt người xấu số ngay ngắn trên mặt bè. Người bị nạn tuổi trạc ba mươi, tầm thước, vẻ ưa nhìn, ăn mặc ra dáng người miền xuôi. Không một thứ giấy tờ tuỳ thân, không một vết thương hay gãy giập gì trên thi thể. Chỉ có một chi tiết lạ. Bàn tay người chết, tay trái thiếu một ngón, ngón cái. Nhưng là khuyết tật bẩm sinh. Bàn tay trái như chiếc xẻng xinh xắn khép hờ. Người đàn ông cẩn thận đặt đôi bàn tay người xấu số lên ngực như đang nằm ngủ, buồn rầu bảo vợ: “Lấy cái khăn tôi rửa mặt cho anh ấy rồi vào báo làng, mau lên”. Người đàn bà mang đến cái khăn sỉn nước sông. Chị nhìn ra mặt sông mênh mông rồi nhìn thằng bé con đang lui cui bên bố. Con chó vàng loanh quanh bên người đàn ông, thỉnh thoảng lại sủa gâu gâu hờ hững. Mặt lộ vẻ rõ đau thương, rồi chị quả quyết: “Không cần báo ai anh ạ. Rồi lại rầy rà ra. Cứ để đến tối, ta đem anh ấy lên bờ chôn, ai biết đấy là đâu. Mình làm phúc chứ mình làm gì mà sợ”. Người đàn ông nhìn sững người đàn bà. Thấy chị nói không phải không có lý. Thì dạo mới đến đây, anh đến chào làng, tìm chính quyền địa phương. Xóm giềng thờ ơ, cảnh giác như thằng tù ở đâu đến. Chính quyền đe nẹt, đuổi đi. Ra khỏi cổng uỷ ban, ông công an còn đe thẳng thừng: “Anh lếu láo ở đâu đến đây lấn chiếm. Mai kia không biến khỏi đây, cho cờ đỏ dân quân ra đốt bè. Liệu thần hồn”. Rồi thì cũng qua được cái sự đốt bè. Anh chị hiền lành. Cũng là do trước đó bão lũ cướp sạch cơ ngơi tài sản mới phải dạt đến khúc quanh ở bến sông này. Chồng đánh cá, vợ bơi thuyền xuống hạ lưu buôn bán nhì nhằng qua ngày đoạn tháng. Đang êm êm thì bỗng đâu có người chết dạt về đây. Rồi tình hình biết ra làm sao? Điềm lành hay điềm dữ. Điềm lành nhất định là không phải rồi. Hay là điềm dữ? Sáng nay người mẹ tính toán lên bờ vào xóm xin cho thằng bé năm nay được đi học. Nếu cần chị sẽ ra uỷ ban, sẽ nói khó với các ông ấy, van xin các ông ấy như lần trước. Chị đã dành dụm được một ít tiền, nếu có phải đưa cho các ông ấy chị cũng sẽ đưa hết những đồng tiền vất vả mồ hôi nước mắt của mình, có khi mất tiền mà vẫn phải van xin. Mặc kệ nó, miễn là con được đi học. Thằng bé đã bảy tuổi, nó đã muộn học một năm. Người đàn bà thở dài bảo chồng: “Anh này, hay ta đẩy người kia đi. Trả lại dòng sông, đỡ rách việc, chứ không làng phát hiện ra lại khổ mình, chính quyền hạch sách lằng nhằng ra. Đằng nào thì anh ấy cũng đã chết”. “Không - Người đàn ông nhìn vợ - Đã chết trôi sông thế rồi. Không được đâu mình à. Làm thế ông giời bắt tội chết. Thôi, cứ đi để đấy tôi lo cho. Mình ăn bát cơm rồi lên bờ xin cho con đi học kẻo lại nhỡ. Cứ lấy hết tiền đem đi đi. Mọi chuyện để tôi”.
Người đàn bà cun cút kéo thằng bé vào lều, con chó thấy cậu chủ bước vào cũng bước theo. Sống với chồng đã lâu, chị quá hiểu tính tốt bụng và thương người của chồng. Cơ mà sao cứ mãi cơ cực làm vậy. Hết tai ương nọ kéo đến tai ương kia. Toàn là tai bay vạ gió. Liệu lần này… Chị không dám nghĩ tiếp. Chị lên bờ, nghe lời chồng đi lo tiếp việc học cho thằng bé. Thực ra, năm ngoái có thêm mấy trăm ngàn thì xong rồi, con chị đã học lớp một năm nay lên lớp hai. Năm ngoái, tay ủy ban bảo: “Đóng mấy trăm làm hộ khẩu đi. Rồi làm khai sinh cho thằng bé. Tên tuổi không có học hành gì. Cả tiền phạt là tám trăm”. Chị rưng rưng nhìn người đàn ông chức sắc: “Cháu xin các ông. Tất cả nhà cháu chỉ còn gần sáu trăm, mong các ông thương chúng cháu”. Người đàn ông gạt phắt tay chị, quát: “Đã thương còn không biết thì cho chết. Cút ngay đi để còn làm việc, chưa sáng ngày ra đã ám. Mà chúng mày thì cần gì học với hành, xéo ngay…”
Hôm ấy chị khóc. Mấy hôm sau chị vẫn còn uất, vẫn còn khóc. Khóc bởi trước đây chị và chồng từng được học hành, từng có chữ. Cái thời ấy đói bụng nhưng được học không mất tiền, không phải đi van đi lạy. Mà nó bỗng xa ngay được nhỉ. Đành phải cố gắng. Đành phải bóp mồm bóp miệng chờ đợi đến hôm nay. Thế mà mới sáng ra đã xảy đến cơ sự này. Không biết  ông trời báo ứng ra điều gì nữa.
Người đàn bà bước lên bờ còn ngoái đầu nhìn lại. Căn lều nhỏ bập bềnh trôi trên chiếc bè vẹo vọ, sương gió đã bao năm. Chồng vẫn bàn với chị xin được cho thằng bé đi học rồi anh sẽ đóng cái lồng nuôi cá. Mát tay như anh, cá nào chẳng nuôi được. Rồi biết đâu mọi việc sẽ mỉm cười với vợ chồng mình…
*
*   *
Cổng uỷ ban hiện ra dưới rặng cây. Cánh cổng sắt han gỉ vẫn đóng im ỉm. Chị tiến tới cánh cửa, một con chó mực ở đâu bất thần xông ra. Chị hơi lùi lại. Nó không sủa không cắn mà nhìn chị có vẻ ngạc nhiên, nó đi vòng quanh, hít hít, rồi nó lại đi vòng quanh. Hay nó đánh hơi thấy mùi xác chết còn luẩn quẩn từ ánh mắt con người chị. Không, xác chết chả có liên quan gì ở đây. Chị cố xua đi những suy nghĩ vớ vẩn mạnh dạn đẩy cánh cổng sắt. Cánh cổng rít lên ken két. Người đàn bà lách vào bên trong.
Ông công an viên đến sớm, nhìn người đàn bà và nhận ra chị ngay. Dưới vẻ lam lũ, chị vẫn ngời lên vẻ mạnh khỏe, rất nữ tính. Người đàn bà hơi đỏ mặt trước cái nhìn sỗ sàng. Chị chào se sẽ: “Cháu… cháu chào ông ạ…” Ông công an cười cười, càng nhìn chằm chằm vào vầng ngực mẩy căng của chị, ỡm ờ: “Đến xin cho thằng bé đi học hả, cô em. Còn sớm đấy, chưa ai đến đâu. Mà này, năm nay vào lớp 1 cũng phải xét, không đi mẫu giáo là khó. Lại quá tuổi. Tốn kém đấy cô em ạ…” Chị hoa mắt. Như thế là như thế nào? Chị cố trấn tĩnh. Như thế tức là phải nộp phạt? Nộp phạt, chị sẵn sàng miễn là con được đi học. Dù có phải vừa nộp phạt vừa xin người ta cũng sẵn sàng. Nhưng… liệu số tiền năm nay có đủ. Nhà có ngần ấy tiền, chị mang đi hết. Tất cả là một triệu sáu, gấp đôi năm ngoái. Thì mọi thứ vật giá đều lên. Đến con cua con cá còn tăng giá. Chắc từng ấy sẽ đủ. Đó là số tiền hai vợ chồng dành dụm một năm trời.
Ông công an đã thoắt biến mất từ lúc nào. Rồi hiện ra ngay sát chị khiến chị giật mình, nói giọng rất ngọt: “Này cô em, ông phó chủ tịch đợi trong kia kìa. Vào đi. Muốn cho con đi học thì phải biết điều. Không có lần thứ 3 đâu”. Chị lí nhí cảm ơn rồi bước về phía đầu dãy nhà. Căn nhà mới được quét vôi trắng. Chị tiến đến cánh cửa khép kín, run run gõ mấy cái, tiếng được tiếng mất.
Tiếng một người đàn ông vọng ra:
“Vào đi”.
Chị đẩy cửa. ở trong phòng hơi tối. Chị lờ mờ nhìn thấy sau cái bàn làm việc chất đầy giấy tờ sách báo là một người đàn ông còn trẻ. Định thần nhìn kỹ cũng là cất tiếng lí nhí chào người đàn ông, chị bỗng giật thót mình đánh rơi cái nón. Không thể thế được. Không thể là anh ta, chắc là có sự giống nhau nào đó thôi. Chị loạng choạng định quay ra thì người đàn ông phía trước đã cất tiếng:
 “Chị ngồi xuống đi. Nào, chị có việc gì nào?”.
Người đàn bà đã trấn tĩnh hoàn toàn đứng trước mặt người đàn ông. Tất cả những gì tưởng tượng ban nãy chỉ là ảo giác.
“Thưa ông, tôi xin các ông xét cho con tôi đi học”
“Đi học à. Tốt lắm”. Người đàn ông đứng dậy đi đến sát bên chị. Chị rùng mình trước cái nhìn sắc nhọn.
“Tôi đã nghe báo cáo về vợ chồng chị. Ăn ở như thế không được đâu. Việc ăn ở ấy mà, ai lại để nhân dân sông nước hẻo lánh như thế. Mùa lũ năm ngoái tỉnh ta hai mươi mấy người chết. Rõ là khổ bà con”.
Chị run run nghĩ đến xác chết đang nằm trên bè nhà mình. Người đàn ông đi lại vòng quanh như đánh giá về bản thân chị.
“Các anh các chị bây giờ ăn ở vô tổ chức lắm. Chính quyền lơ mắt là lấn chiếm, rồi lại lu loa lên. ở cắm sào mọc rễ ra mới khai báo, xin xỏ. Sao năm ngoái không làm thủ tục cho con đi học, hả?”
Một bàn tay ươn ướt đặt lên vai chị, nói như phán quyết của quan tòa:
“Trường hợp nhà chị. Không đủ thủ tục giấy tờ, chúng tôi không giải quyết. Làm sai, ai chịu trách nhiệm. Chị biết không?”
Chị biết không? Chị biết quá đi chứ. Cái ông quan xã trông quen quen khiến chị giật mình này có khi không biết đấy thôi chứ chị thì chị biết. Thì mới năm ngoái, cũng một ông phó ở đây đã bảo chị đưa tiền. Cơ mà ngày ấy số tiền không đủ để làm thủ tục, để các ông ấy phạt. Năm nay chị biết, chị đã dành dụm gấp hai số tiền chắc là sẽ được. Nhưng sao lại nhìn mình thế. Hay là mình còn tội lỗi gì ư? Hay là các ông  ấy biết ở bè nhà mình có người chết? Chị gạt phăng ý nghĩ đen đủi ấy và nghĩ tới con. Nghĩ tới con, chị can đảm hẳn. Chị nói một hơi khá mạch lạc:
“Chúng cháu xin các ông cho con cháu được đi học. Chúng cháu biết sai rồi. Sai rất nhiều mục, rất nhiều khoản. Các ông cho vợ chồng cháu nộp phạt cho con. Cũng do thiên tai địch họa vợ chồng con cái mới phải tụ vạ ở khúc sông này. Chúng cháu cũng thành tâm xin nhập khẩu, nhập tịch ở đây nhưng vẫn chưa đủ tiền đóng, xin các ông cứ coi như là món tiền phạt những sai phạm, những sai trái của chúng cháu. Chỉ mong các ông thương cho con chúng cháu được đi học. Đây, cháu xin nộp phạt các ông toàn bộ”.
Người đàn ông chức sắc nhìn chị khẽ mỉm cười, rồi sán đến gần hơn, vẫn với giọng phán quyết nhưng nhỏ hơn, có lúc như là mơn trớn, vuốt ve chị: “Cái chúng tôi cần ấy mà. Chị biết đấy. Tự chị nên biết. Thế này này”. Người ấy xiết chặt hơn vai chị, ép vào người chị. Và giọng nói bỗng như rót mật, hổn hển. “Chị đẹp lắm. Nếu chị biết điều thì…” Bàn tay trơn ướt đã miết lên ngực chi. Hai bầu vú chị cảm nhận rõ bàn tay ham hố. Nóng bừng. Thoắt cái chị ở gọn trong vòng tay ấy. Chị bàng hoàng và chị hiểu ngay sự tình. Khổ thế đấy. Nhục thế đấy. Có một cái gì cuồn cuộn từ đáy lòng chị bùng lên, chị hất văng đôi bàn tay ướt át bẩn thỉu kia ra, định gào lên nhưng cuối cùng đã cố ghìm lại được, uất nghẹn: “Tôi van ông, tôi là gái đã có chồng, có con. Tôi lạy các ông”. Chị đã bình tĩnh hơn. Người đàn ông nén hậm hực, xốc lại cổ áo. Chị nhìn thẳng vào vị phó chủ tịch, nói như van: “Xin các ông nhón tay làm phúc. Vợ chồng tôi dành dụm được có chừng này”. Chị tiến đến, đặt gói tiền lên mặt bàn. Người đàn ông nghiêm chỉnh trở lại, nói đanh gọn: “Chị kia. Cầm tiền về. Chúng tôi sẽ xem xét giải quyết. Sáng nay, dân quân cờ đỏ và công an sẽ xuống kiểm tra. Về đi. Không phải mè nheo lắm lời lắm điều nữa”. Chị định nói một điều gì nhưng ông phó chủ tịch đã cầm gói tiền ấn trả vào tay chị vẻ bực bội, ông gọi vóng ra ngoài: “Anh Cao, gọi thêm mấy dân quân xuống bến làm gọn sáng nay đi. Còn để dân đến kêu oan, rồi lu loa lãnh đạo, liệu thần hồn. Chị này nữa. Về trước lo liệu để họ còn xuống làm việc”.
Cánh cửa mở. Chị bước ra. Thì còn biết đi đâu ngoài việc trở lại căn lều trên chiếc bè ở bến sông…
*
*     *
Mặt trời lên cao, an nhiêu chiếu những tia rực rỡ xuống dòng sông, xuống chiếc bè bập bềnh, lóa nhóa. Trên bè bây giờ chỉ còn hai bố con, con chó và xác người xấu số. Thằng bé con dạn dĩ nhìn xác chết. Nó nhìn rất lâu rồi đến bên người cha. Đột nhiên nó bảo: “Bố ơi! Hay là bố con mình đẩy chú ấy xuống dòng sông. Sông mát lắm, coi như là không ai nhìn thấy!” Người cha nhìn con. Sông nước, nắng nôi, lam lũ đã sớm đè lên đôi vai thằng bé. Người cha chợt thấy nhói lên, không biết nói gì với con, chỉ bảo: “Thôi, cứ đợi mẹ về”. Con chó từ sáng chạy lăng xăng, thỉnh thoảng đến bên xác chết gâu gâu ơ hờ mấy tiếng rồi nó sán đến bên thằng bé. Thằng bé vuốt lưng con chó. Mắt nó trong veo. Trên trời trong veo không một gợn mây. Nắng rát, nó chạy về sát vách lều tránh nắng nơi gần xác chết. Người xấu số nằm im. Nắng gió trời đã làm khô ráo anh ta. Vẻ mặt rất thanh thản, mắt nhắm, miệng mim mím, môi người chết còn tươi như mới nở một nụ cười. Đôi bàn tay nhỏ nhắn đặt ngay ngắn trên ngực. Bàn tay trái khuất ngón cái như chiếc bẹ hoa chuối xinh xắn vẫn hồng hào. Dường như người này không còn vướng bận điều gì trên trần gian nữa. Chắc là anh ta tự tìm đến cái chết. ừ thì chết đã có gì đáng sợ. Ai chả phải một lần. Chết đi sống lại mới là cơ cực. Thằng bé lần đầu tiên bắt gặp người chết. Mới  đầu thì nó sợ. Nó nghĩ tự nó phát hiện ra chú người chết này làm rách việc cả nhà. Mẹ nó hôm nay đi xin học cho nó không biết sẽ như thế nào. Có bị ám ảnh bởi chú ấy không. Rồi biết đâu người ta phát hiện ra xác chết bắt tội bắt tình bố mẹ nó rồi không cho nó đi học thì sao. Những câu hỏi quá sức trả lời của nó. Rồi thằng bé nghĩ cũng chẳng sao. Bởi vì nó thấy chú ấy chết dạt ở vào bè nhà nó nó phải kêu lên. ở việc này ai chả kêu lên. Người lớn hơn chắc họ cũng làm như thế. Người chết ở dưới sông không có ai vớt cá rỉa thì sao. Thì cá đã bắt đầu rỉa thịt chú ấy. Mấy lần tắm truồng thằng bé đã bị cá rỉa đít, cắn chân cắn tay còn cắn cả vào chim cu cậu. Bất giác thằng bé mỉm cười khi nghĩ đến chuyện bị cá cắn chim. Con chó vàng thấy cậu chủ cười cũng ngơ ngác, mắt long lanh lúc lắc cái đầu. Rồi như cậu chủ, nó nhẫn nại ngồi bệt xuống nhìn ra mặt sông.
Người đàn ông đi vào trong lều. Ngồi xuống rồi đứng lên vơ vẩn. Căn lều nhỏ nằm trên chiếc bè bập bềnh theo bước chân người đàn ông. Anh bước đến góc lều. Trên cái bàn thờ mấy chân hương lẻ loi, người đàn ông lục xục tìm một que hương châm lửa thắp. Anh lầm rầm như nói với chính mình: “Anh bạn ơi! Anh sống khôn chết thiêng anh hiểu cho vợ chồng tôi, cho thằng bé nhà tôi. Hôm nay chúng tôi sẽ cố xin cho anh để được chôn anh ở trên bờ. Anh là ai. Anh ở đâu đến tôi không biết nhưng tôi sẽ cố lo một lần cuối cho anh. Khó khăn gì tôi cũng lo cho anh. Nói khéo với người ta là được thôi. Vợ tôi khéo lắm anh ạ. Bởi vì cô ấy thương tôi mới khổ. Bởi vì tôi dại dột mới phải đến chỗ này. ở nơi mênh mông trời nước này vợ chồng tôi cũng khổ lắm anh ạ. Lại còn thằng bé nhà tôi. Cháu nó ngoan lắm. Lẽ ra nó đã đi học rồi anh ạ. Chắc là năm nay cháu sẽ được đi học. Vợ chồng tôi đã chuẩn bị một số tiền. Anh khôn thiêng hãy phù trợ cho vợ chồng tôi và cháu. Tôi sẽ chôn cất mồ yên mả đẹp cho anh, sẽ thờ cúng anh ở khúc sông này. Sông ở đây trong và mát lắm. Còn thì mặc kệ mọi người. Anh ơi! Thú thật tôi cũng chỉ ao ước được như anh, nhưng tôi còn thằng bé, còn vợ tôi, cô ấy tốt với tôi lắm…”
Cứ thế, miên man, người đàn ông sì sụp nói những điều này điều khác. Xác chết ở ngoài kia có nghe anh nói không. Có hay không cũng chẳng sao. Đối với người chết, điều đó không quan trọng. Cũng như thằng bé kia, họ hoặc là đã không cần hiểu biết gì nữa hoặc là bắt đầu hiểu biết rất sơ khai, không rõ ràng những gì xảy đến là tốt lành hay tai họa. Hoặc như là con chó cũng thế. Nó sủa cũng hiền, chỉ như vẻ đùa nghịch, như là ông bà chủ, cậu chủ bắt được một con cá lạ, một con cá to mà lần đầu tiên nó nhìn thấy nằm im lìm như vậy. Cũng có khi con chó nghĩ cái ông khách này đến lạ, cứ nằm ì ra đấy chả nói năng chào hỏi gì ai. Không như những ông khách khác, hễ xuống bè là ngó nghiêng, quát tháo tay xách những vật dài dài, đen đen thỉnh thoảng lại kêu lách cách chĩa vào nó cười cợt, hăm dọa. Chắc chắn ông khách này là ông khách hiền lành tử tế. Ông ấy có động cựa lạch cạch gì đâu. Đã nằm im suốt từ sáng. Con chó cũng như cậu bé, cứ đi vào đi ra loanh quanh bên xác người xấu số, không biết đến những việc sắp xảy ra. Con chó không biết bàn tay thiếu ngón của người đàn ông, điều này làm sao mà nó biết được, có lẽ chỉ ông bố và cậu bé biết, nhưng hai người hoàn toàn im lặng.
*
*     *
Người đàn bà bước xuống lều. Nhìn vẻ mặt của chị, anh chồng biết là đã hỏng việc. Cậu bé thấy mẹ về, nó sán ngay lại vẻ mừng rỡ. Con chó chạy theo cậu chủ, đuôi nó ve vẩy, mắt nó long lanh, ấm áp nhìn người đàn bà. Cậu bé hỏi: “Con có được đi học không?” Người đàn bà nhìn con. Chị im lặng một lát. Chị nhìn nhanh xác chết và xoa đầu con: “Năm nay con sẽ được đi học. Bố mẹ lo cho con”. Cậu bé tớn lên, nó chạy băng ra đầu căn lều. Con chó lao theo cậu chủ. Đến bên xác chết cả hai dừng lại. Người chết im lặng. Cậu bé lầm bầm: “Vàng này, tao sắp đi học. Mày chịu khó ở nhà một mình. Phải ngoan đấy”. Con chó hiểu ý cậu chủ, cứ nhảy lông tông. Trời nóng. Nắng rát. Cậu bé lao xuống nước. Con vàng lao theo, cả hai bơi mãi ra giữa dòng nước mát.
Người đàn bà vào nhà đặt cái nón xuống. Chồng hỏi: “Không được việc phải không?” Chị lí nhí: “Họ đòi thủ tục”. Chồng bảo: “Họ có nhận tiền không?” Chị vợ bảo: “Lẽ ra là nhận, song ông ấy trả lại”. Người chồng nhìn vợ, anh hiểu rất nhanh, khẽ gắt: “Bọn chó má. Để mai anh lên xin”. Người vợ bảo: “Khó lắm. Tí nữa các ông ấy xuống kiểm tra. Em sợ”. Im lặng. Cả hai nghĩ đến cái xác nằm ngoài kia. Lát nữa chính quyền đến ăn nói với các ông ấy thế nào. Người vợ bảo: “Hay ta đưa tạm anh ấy xuống sông, người ta đi mình lại vớt lên”. Người chồng gắt: “Đã bảo không được. Ta cứ nói thẳng sự thật, coi như báo chính quyền xem các ông ấy xử lý ra sao”. Chị vợ lo sợ bảo: “Chỉ sợ rồi các ông ấy gây khó dễ lại thiệt con. Mấy hôm nữa khai giảng rồi mình ạ”. Người chồng không nói gì, gườm gườm nhìn ra phía cửa sông. Nơi cửa sông, lố nhố mấy bóng người. Đi đầu là ông công an buổi sáng.
Đoàn công tác xuống bè. Người công an sững lại, anh này líu lưỡi, bước thụt lùi, suýt nữa ngã lăn xuống dòng sông. Định thần, ông công an quát: “Vợ chồng nhà này gớm nhỉ? Sao lại có xác người chết ở đây. Sao không báo chính quyền. To gan thật”. Vừa quát thị uy ông công an vừa băm bổ lên bè, hai anh cờ đỏ lấm lét nhìn xác chết. Xác chết im lặng. Thằng bé và con chó thấy toán người lạ lặng lẽ bơi vào bè. Nó vận chiếc quần cộc nâu còn ướt sũng. Nước rỏ tong tong. Con chó gườm gườm nhìn những người lạ mặt.
Vợ chồng chủ bè đã chui ra khỏi lều. Rất bình tĩnh, người đàn ông chủ nhà nhìn vào xác chết, tiến về phía ông công an, nói rành rọt: “Thưa ông, cái xác này mới dạt vào đây, chúng tôi vớt lên. Có chính quyền ở đây, xin các ông giải quyết giúp”. Ông công an nhìn người đàn ông khinh khi, hất hàm mắng người đàn bà: “Chị kia, sao buổi sáng không khai báo, hả”. Người đàn bà đứng sát chồng, nói cứng: “Tôi đi rồi nhà tôi mới phát hiện vớt lên. Lúc ấy tôi chưa biết”. “Chưa biết” Ông công an chì chiết: “Các anh các chị còn biết đến ai. Được. Lập biên bản đưa hai người lên xã. Các người to gan quá đấy. Phen này cho đi tù cho biết. Các anh! Còn đứng đực ra đấy được à. Lập biên bản rồi trói chúng nó lại”.
Hai anh dân quân thi hành mệnh lệnh cấp trên. Trong lúc ông công an hí hoáy viết biên bản, họ tiến đến người đàn ông định trói. Người đàn ông gạt hai cậu dân quân, phẫn nộ: “Cái lý ở đâu thế. Chúng tôi làm gì nên tội. Chỉ là người này chết dạt vào đây”. “Cãi hả?” Ông công an quắc mắt: “Trói! Tội đâu tao chịu. Định giết người cướp của à. Bắt quả tang còn già mồm con đĩ. Trói chúng nó lại”. Đến đây, người đàn ông không chịu được nữa, anh hất văng hai cậu dân quân, bước nhanh về phía góc lều, rút soạt con dao chém vầu to bản sắc lạnh lưỡi thép, gầm lên: “Có giỏi chúng mày vào đây. Thằng nào đụng đến vợ chồng tao, tao chém”. Hai anh dân quân nhìn lưỡi thép lạnh nhoáng lên, rúm ró lui về một phía. Con chó thấy ông chủ phẫn nộ uất ức, nó nhe răng nhìn ông công an xù lông gáy, cắn những tiếng dõng dạc. Người đàn bà đứng đối diện giữa hai người. Ông công an mặt tái lại, giọng líu nhưng vẫn một vẻ dậm dọa: “Chúng mày, chúng mày định làm loạn à. Giỏi lắm. Dám chống lại người thi hành công vụ. Rồi chúng mày biết tay ông. Về - Y khoát tay - Về lấy súng cho nó biết thế nào là lễ độ”.
Bỏ mặc vợ chồng gia đình người đàn ông với xác chết, ông công an rút lên bờ, hai anh dân quân sợ hãi chạy theo. Trời đã gần trưa, nắng rát, người xấu số vẫn nằm dưới nắng. Người đàn ông đứng như trời trồng. Chị vợ nhìn chồng, lại nhìn xác chết lo lắng. Chị đến, gỡ con dao từ tay anh cài lại lên vách nứa. Chị bảo chồng: “Tôi van mình. Mình đừng nóng quá. Nóng rồi mẹ con tôi biết tính sao”. Người đàn ông im lặng nhìn vợ. Đầu anh như nổ tung ra. Mọi chuyện tại sao lại rối tung lên. Rồi bất thần, anh bảo vợ: “Mình cứ ở đây. Tôi vào trong làng. Không thể để họ vu oan mình được”. Và anh đi, không kịp nghe chị vợ dặn: “Cẩn thận. Biết dân làng có ủng hộ mình không?”. Bóng người đàn ông khuất dần.
Đám người lố nhố tiến về phía bờ sông. Dẫn đầu là vị phó chủ tịch. Trời nắng gắt. Đám người mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt mũi hầm hầm bước thẳng xuống căn lều. Thằng bé lủi vào trong lều. Chỉ duy con chó vàng đứng sát bên bà chủ dõng dạc gâu lên những tiếng vang.
Vị phó chủ tịch xuống bè. Một loạt công an viên, dân quân cờ đỏ, có cả một y sĩ tiến theo. Nhìn lướt nhanh xác chết, vị quan xã chợt giật mình. Đôi bàn tay đang đặt ngay ngắn trên ngực kia, như là có bàn tay thiếu mất một ngón. Nhưng cũng rất nhanh, ông lắc đầu, giọng đầy thương cảm: “Khổ thân tôi không. Sao các chị các anh tắc trách thế. Có người chết không báo cáo lại cầm dao chống lại chính quyền. Khổ thân anh kia. Nào, mời vợ chồng anh chị chủ ra đây, chúng ta cùng giải quyết”.
Người đàn bà tiến đến trước mặt vị phó chủ tịch.
“Lại vẫn chị. Tôi đã bảo rồi. Sống sông nước thế này không được đâu. Rồi ai người ta biết có giết người hay không. Mà chồng chị thấy bảo cũng đầu gấu lắm. Anh ấy đâu. Hay sợ tội đã trốn đi rồi”. “Không!” chị tiến lên một bước, đanh thép: “Chúng tôi không có tội. Chồng tôi không giết người. Anh này xấu số thiệt phận dạt vào đây. Có trời cao đất dày chứng kiến. Các ông không được làm gì chồng tôi!” Vị phó chủ tịch khoát tay, viên y sĩ tiến tới xác chết loay hoay khám nghiệm. Mặt mày khá căng thẳng. Trời nắng, xác chết đã bắt đầu bốc mùi khiến anh này nhăn mặt. Một lúc, anh y sĩ đến bên vị chức sắc: “Báo cáo anh, không có thương tích gì. Chết là do chết đuối. Đã bốc mùi. Xin ý kiến anh”. Vị phó chủ tịch kín đáo nhìn xác chết, mắt ông dừng lại ở đôi bàn tay ra lệnh: “Cứ biết thế đã. Về họp rồi sẽ tính. Chị kia? Chồng chị đã trốn rồi phải không?”. “Ông nói gì? Nhà tôi việc gì phải trốn”. “Thế thì đâu? Chồng chị mắc tội chống người thi hành công vụ. Lại còn việc thằng bé nữa. Các người thật chả biết trời cao đất dày gì cả”.
Người đàn bà định nói mấy câu với vị phó chủ tịch nhưng tiếng lên đạn lách cách của toán dân quân đã khiến mọi người quay cả ra ngoài.
Một đám người nữa đang tiến xuống bè. Đi đầu là chồng của chị và một cụ già râu tóc bạc phơ, đằng sau hơn chục người dân và mấy đứa trẻ. Vị phó chủ tịch chợt sững người khi nhận ra ông già - người đánh trống trường cũng là người thầy vỡ lòng khi xưa của mình. Ông hốt hoảng nhìn nhanh người xấu số. Đám dân quân thấy anh chồng bước xuống bè, liền đồng loạt giương súng vây lấy. Một ai đó ra lệnh đanh gọn: “Dân quân. Còng tay nó lại!”. Hai cậu dân quân ban nãy, được sự hỗ trợ của mấy cây súng và chức sắc xã, tóm ngay lấy cổ tay người đàn ông. Loáng cái, một anh móc ở đâu ra cái còng số tám. Bỗng ông già đứng sát quát trầm: “Khoan đã. Các anh không có quyền bắt người vô lối như thế. Hãy xem đầu đuôi sự thể thế nào đã”. Vị phó chủ tịch tiến đến: “Các cậu hãy lui ra. Hạ súng xuống. ở đây có bà con nhân dân mà làm thế à. Này anh kia. Xác chết với anh là như thế nào, hả. Phải nói đúng sự thật”.
Người đàn ông đứng yên, sát bên cụ già râu tóc trắng. Anh thuật lại sự việc. Rồi có ý chờ cụ già. Cụ già lên tiếng: “Thưa các anh chính quyền, dân vùng này, năm nào chả có xác người chết đuối trên thượng nguồn dạt xuống. Dân ở đây vớt rồi khâm niệm xin lên đất liền chôn. Ai không máu đỏ ra vàng, cùng nòi cùng giống. Anh này đâu có tội tình gì. Chỉ vì dân làng đã từ lâu lùi mãi vào trong, nên ngoài bối không có ai vớt những người xấu số. Các anh làm chính quyền, phải hiểu điều đó chứ. Thế mà đem cả súng ống ra đây. Các anh có tội đấy…”. Cụ già nói một hơi, chòm râu rung lên trong nắng gió. Những người dân im phăng phắc. Chị vợ cứ đứng nhìn mãi cụ già, chị bỗng rơi ra những giọt nước mắt…
Vị phó chủ tịch đợi cụ già nói xong, bước lên mấy bước, nói to với mọi người: “Cụ nói rất đúng, nhưng có người chết không phải chuyện đùa, phải báo cáo cấp trên. Bây giờ, mọi người cùng giải tán. Hai cậu cờ đỏ ở đây canh xác chết. Còn lại về triệu tập họp để báo cáo lên trên. Anh kia - vị phó chủ tịch chỉ tay vào người đàn ông - Anh đi cùng chúng tôi về uỷ ban”.
Người đàn ông nhìn vợ rồi nhìn cụ già như có ý hỏi có nên đi hay là không đi. Chị vợ bối rối chưa biết nói gì thì cụ già đã bảo: “Anh cứ đi. Các anh dân quân cũng đi về đi. Không phải canh giữ gì đâu. Mọi việc ở đây chúng tôi lo. Chính quyền các anh có họp hành gì thì cũng nhanh nhanh cho. Nào bà con, chúng ta mỗi người một tay khâm niệm cho người ta. Giữa buổi chiều nay, chính quyền chưa họp xong bà con ta cũng phải chôn cất cho tử tế. Mấy cậu thanh niên đi đào cho tôi cái huyệt ở khu mộ của làng. Mấy cậu nữa về nhà tôi lấy bộ ván của tôi đem ra đây. Còn anh - cụ chỉ vào người đàn ông - anh cứ nói đúng sự thật rồi về đây. Xong việc này, mai kia còn lo cho thằng bé đi học”.
Cụ già nói nhỏ, trầm nhưng rõ ràng, khúc triết. Mọi người lục tục kéo đi.
*
*       *
Buổi trưa, ủy ban vắng ngắt. Căn phòng phó chủ tịch cửa khép hờ hững. Không thể nào lại như thế. Phó chủ tịch ngồi im lặng. Bàn tay cụt ngón chập chờn trước mặt. Nó len vào trong đầu. Nó bóp nhói tim ông. Người kia là ai. Tại sao lại có bàn tay ấy. Mà một bàn tay. Trên đời thiếu gì những bàn tay dị dạng khuyết đi một ngón. Ông run run xòe bàn tay mình ra. Đủ đầy. Viên mãn. Bàn tay trắng nhờ lạnh lẽo những đường gân xanh. Ngón tay thẳng nương vào nhau, run run dưới ánh sáng mờ mờ của căn phòng. Một ý nghĩ nhói lên từ bàn tay chạy vào trí não. Tạo hóa trớ trêu. Con người im lặng. Đã chết thì còn nói được gì. Mà nói bây giờ để làm gì. Người nào chả có những sai lầm. Có thể nhỏ bé hoặc tày trời cũng là những sai lầm đã xảy ra. Nối nhau, nhiều khi nghiệt ngã. Cả ông già nữa. Tại sao ông ấy cứ vướng vào mình. Trong im lặng, căn phòng mênh mông, lạnh lẽo. Người đàn ông hình dung rất rõ hôm ấy cậu thanh niên có vẻ rất tức giận việc nhà trường kết luận bác bỏ công việc của cậu. Việc thu dung những đứa trẻ sống đây đó trên dòng sông để cậu ta dạy dỗ. Mọi người bảo: “Toàn lũ vô gia cư. Giáo dục để làm gì. Họa là điên. Mà ai xui cậu đến đây làm việc đó”. Người thanh niên phẫn nộ: “Các người bảo tôi điên? Chính các người điên thì có”. Khuôn mặt anh giáo tự nguyện lúc ấy thắt lại, run run đôi bàn tay. Trời ơi! Bàn anh tay, tay trái, thiếu một ngón. Bàn tay thiếu ngón cái như cái xẻng huơ lên phẫn nộ. “Không. Tôi không điên. Chính các người mới điên”. Người thanh niên bỏ đi. Hôm ấy, ở chỗ họp vô tình có cả ông già, người đánh trống trường đồng thời cũng là người thầy vỡ lòng ngày xưa của vị phó chủ tịch. Ông già chạy theo người thanh niên nói câu gì đó. Cậu thanh niên sững lại. Cậu nhìn mọi người, nhìn ông già rồi thất thểu bước ra phía dòng sông. Ông già tiến về phía ông phó chủ tịch, cậu học trò tinh nghịch, thông minh ngày xưa, nói giọng trầm buồn: “Tôi không còn hiểu được các anh. Chỉ là việc dạy mấy đứa trẻ con ở dưới sông. Người ta đã đến tận đây mà các anh còn làm thế”. Người đàn ông nhìn người thầy định phân bua nhưng ông già đã bỏ đi. Ông già dỗi. Từ hôm ấy ông không đánh trống trường nữa. Mà khi ấy cũng nghỉ hè. Ông phó chủ tịch định khi nào vào năm học sẽ bảo cô hiệu trưởng mời ông ra. Cô hiệu trưởng bây giờ cũng là học trò của ông. Ông vẫn quí những học trò của mình chắc là ông sẽ ra. Thực ra hôm ấy cũng đã định cho cậu thanh niên gom mấy đứa trẻ rồi. Gom các cháu vào cũng tốt nhưng dở cái ở trên vừa có văn bản về định cư nhập cư tạm trú tạm vắng. ở xã bên, cấp uỷ vừa bị kỷ luật vì tội cho ba người khai là sinh viên hè tình nguyện tạm trú khảo sát địa chất và dạy dỗ trẻ con. Tạm trú hôm trước hôm sau công an về bắt vì đấy là ba tên lừa đảo ở thành phố vừa giết người cướp của trốn tránh về đây. Cơ sở mất cảnh giác. Đảng uỷ xã ấy bị kỷ luật giao ban huyện tuần nào cũng nhắc. Mà cái cậu thanh niên hôm đến đây trông cứ lấm la lấm lét. Lại có bàn tay cụt ngón. Một sự bất thường như thế liệu rằng sau này có chuyện gì xảy ra thì sao. Không may lại giống cấp uỷ ở xã kia. Anh thanh niên cũng lạ. Nói đi là đi ngay. Đến nay vẫn không thấy quay lại. Ông phó chủ tịch ân hận đã không đích thân kiểm tra cái xác. Cũng có sự giằng co ở đây. Nếu kiểm tra đúng là anh ta ông thầy già có cớ kết tội mình thì sao. Rồi biết đâu ông ấy lại chả thẳng băng bảo mình là quân giết người, đẩy cậu này đến con đường chết. Cho nên cuộc họp đầu giờ chiều nay tính thế nào cho êm êm, tình nghĩa. Báo lên trên như thế nào. Chôn cất người chết ra sao. Cả việc gia đình người trên sông nữa. Thằng bé con kháu khỉnh quá, cũng phải tính cho nó đi học. Vợ chồng nhà kia cũng phải tính cho nó lên bờ. Mà cái con vợ nó cũng lạ, sông nước nắng nôi mà cứ mỡ ra như trêu ngươi, thằng chồng thì quá lắm. Về lâu về dài, phải tính sao cho kín nhẽ. Cứ thế, lan man, người đàn ông ngồi nghĩ ngợi đủ những thứ đã, đang và sẽ diễn ra…
*
*      *
  Trời chuyển sang chiều. Những đám mây quây quần dắt nhau bay làm dịu những tia nắng. Dòng sông mở ra mênh mang. Nắng xuyên mây dọi xuống tóc, xuống râu ông cụ. Ông ngồi bên người xấu số, như một người cha bên đứa con mình. Ngay cạnh đấy, người đàn bà bó gối ngồi nhìn dòng sông đang chảy, thỉnh thoảng, chị nhìn thằng bé con ngồi với con chó đang im lặng…
Phùng Văn Khai: ĐT: 0904.513.053