WESTMINSTER, California (NV) – Một số giáo viên trẻ dạy tiếng Việt tại Little Saigon cùng một số vị giáo sư, giới văn học, nhà nghiên cứu lịch sử, và đồng hương vừa được nghe Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo,” bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt, một áng văn kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam cách đây gần 600 năm.
Buổi thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” diễn ra sôi nổi tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trong buổi thuyết trình diễn ra tại Viện Việt Học, Westminster, hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai, 2023, nhiều người mới biết rằng sách lịch sử Việt Nam và cả sách văn học trong nước hiện nay giảng nhiều điều không đúng sự thật.
Giáo Sư Trần Huy Bích cho hay: “Với ‘Bình Ngô Đại Cáo,’ tôi giật mình khi thấy một cuốn sách do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội phát hành ở trong nước gần đây giảng ‘Vẫn đăm đăm con mắt dục đông’ là… ‘muốn đi về phía đông là phương có mặt trời, có vượng khí.’”
“Ngay sau đó, cuốn ấy giảng ‘Vẫn mịt mù như kẻ vọng dương’ là ‘trông về phía mặt trời, ý nói mong một cứu tinh,’ tuy trong nguyên tác, Nguyễn Trãi dùng chữ ‘dương’ 洋 (với nghĩa là biển). Tôi thấy ‘lạnh người,’ nên xin scan trang bìa của cuốn sách ấy cùng trang có những lời giảng động trời như thế,” Giáo Sư Bích nói.
Cuốn sách và tác giả mà Giáo Sư Trần Huy Bích nhắc đến là “Thơ Văn Bùi Kỷ” của Nguyễn Văn Huyền, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội phát hành năm 1994. Tác giả Nguyễn Văn Huyền đã giảng sai một số chữ trong “Bình Ngô Đại Cáo.” Như đã nói, ông Nguyễn Trãi dùng chữ “vọng dương,” chữ “dương” ở bộ Thủy với nghĩa là “biển,” và ông Ngô Tất Tố dịch là “mịt mù như nhìn chốn biển khơi,” nhưng ông Nguyễn Văn Huyền lại giảng là “vọng dương là trông về phía mặt trời.”
“Tác giả giảng ‘Bình Ngô Đại Cáo’ như thế, đã viết và in tới trên 10 cuốn sách về văn học Việt Nam. Ông ta cũng viết về Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Phạm Văn Nghị (thầy dạy của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San và Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến)… Tôi không có những cuốn ấy, nên không biết ông ta viết và giảng ra sao,” Giáo Sư Bích tiếp.
Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình về “Bình Ngô Đại Cáo” tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đó chính là lý do thúc đẩy Giáo Sư Trần Huy Bích nhận lời yêu cầu của nhóm các thầy cô giáo trẻ từ Học Viện Ngôn Ngữ DeMille (trước đây là trường Tiểu Học DeMille) ở Midway City, đang dạy tiếng Việt cho các học sinh gốc Việt tại Orange County. Đây là trường đầu tiên trên nước Mỹ có chương trình dạy song ngữ Anh-Việt. Các thầy cô muốn giới thiệu áng văn chương lịch sử hào hùng ấy tới các em học sinh, nhưng nhiều câu chính các thầy cô cũng không hiểu rõ, nên họ mời Giáo Sư Trần Huy Bích để xin giáo sư giảng rõ.
Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết bài “Bình Ngô Đại Cáo” do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa Xuân năm 1428, cách nay 595 năm, viết thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh, tuyên bố giành lại độc lập cho nước Đại Việt.
Vậy Bình Ngô là gì? Vào thời đó, Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hảo Châu, xưa thuộc đất Ngô, là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356 Chu Nguyên Vương xưng là Ngô Quốc Công, tám năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Vương, vừa là nguồn gốc quê cha đất tổ của Chu Nguyên Vương. Bình Ngô nghĩa là dẹp tận gốc gác, giống nòi của dòng họ Chu – Thái Tổ nhà Minh.
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô Đại Cáo” bằng chữ Hán được các ông Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, và Mạc Bảo Thần (Nhượng Tống) dịch sang tiếng Việt.
Theo Giáo Sư Bích, bản dịch của ông Bùi Kỷ gần như là một áng văn kiệt tác trong văn học Việt Nam, nhưng có nhiều chữ cổ xưa khó hiểu; bản dịch của ông Ngô Tất Tố lại là bản dễ hiểu, mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể đọc được. “Nhưng nếu đọc cả hai bản thì lại càng rõ hơn về tính văn học sâu sắc và cả tính thông dụng bình dân trong xã hội,” ông nói.
“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi được xem là bản “Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai” của dân tộc Việt Nam, sau bản “Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên” là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, được Trần Trọng Kim dịch sang Việt Ngữ.
Sách “Thơ Văn Bùi Kỷ” của Nguyễn Văn Huyền, do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội phát hành năm 1994, có đoạn giải thích về “Bình Ngô Đại Cáo” hoàn toàn sai với nguyên bản. (Hình: Trần Huy Bích cung cấp)
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 và mất năm 1442, hiệu là Ức Trai, quê tại làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc Chí Linh, Hải Dương. Ông là một nhà Nho yêu nước, một quân sư cho vua và là người có công rất lớn trong chiến thắng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1980 nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới.”
---
(Hết đoạn trích)
(https://www.nguoi-viet.com/.../gs-tran-huy-bich.../...)
Nguồn FB Mac Văn Trang