Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói 2.000 năm nay cha ông ta đã đọc thơ cổ Trung Quốc và mới chỉ đọc thơ phương Tây hơn trăm năm nay, dân tộc ta có truyền thống giao lưu rất sâu sắc với văn hóa, với thơ ca Trung Quốc.
Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, người đã ký quyết định thành lập Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Việt - Trung năm 1999 - chia sẻ tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Việt - Trung và ra mắt cuốn Tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc chiều 22-12 tại Hà Nội.
Sự kiện do Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Việt - Trung (hoạt động dưới sự chỉ đạo giám sát trực tiếp của Cục Hợp tác quốc tế) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội tổ chức.
Hơn 2.000 năm đọc thơ cổ Trung Quốc, hơn trăm năm đọc thơ phương Tây
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại sự kiện - Ảnh: BTC
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khoa Điềm khẳng định văn hóa phải làm tốt chức năng giao lưu văn hóa để mở đường cho quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai bên.
Ông đánh giá việc ra mắt tập thơ cổ Trung Quốc lần này là một sự kiện quan trọng, nhất là trong bối cảnh hơn 2.000 năm nay cha ông ta đã đọc thơ cổ Trung Quốc và chỉ mới đọc thơ phương Tây hơn trăm năm nay.
"Điều đó nói rằng dân tộc ta có truyền thống giao lưu rất sâu sắc với văn hóa, với thơ ca Trung Quốc", tác giả bài thơ Đất nước nói.
Bài ca dao Việt Nam nổi tiếng chính là dịch từ một bài thơ Đường?
Về truyền thống giao lưu văn hóa và thơ ca sâu sắc giữa hai dân tộc, ông Điềm dẫn ra câu chuyện xưa đi học ông đã tưởng những vần thơ lục bát nổi tiếng: "Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày/ Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần" là ca dao Việt Nam.
Thực ra thì có lẽ không người Việt nào không nghĩ đó là ca dao Việt Nam. Sách giáo khoa cũng đưa vào giảng dạy và định danh là ca dao.
Sau này ông mới biết đó là bài thơ Đường của tác giả Lý Hân người Trung Quốc, một bài thơ nói về thương xót người nông dân.
Từ một bài thơ Đường rất bác học mà dịch ra thành một bài đầy chất dân gian khiến ai cũng tưởng đó là ca dao Việt Nam như trường hợp bài thơ này, theo ông Điềm, nó cho thấy sự giao cảm quá sâu sắc giữa những người làm thơ của hai dân tộc.
Cho rằng Trung Quốc gần đây rất có kinh nghiệm về làm văn hóa, với nhiều chính sách văn hóa hiệu quả, ông Điềm nói rất đáng để những người làm chính sách văn hóa ở ta suy ngẫm, học hỏi.
Ông mong ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Giao lưu văn hóa Việt - Trung tới đây phối hợp với các đơn vị khác tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước hơn nữa.
Tuyển chọn thơ cổ Trung Quốc bao gồm những bài thơ nổi tiếng trong dòng văn học dân gian và văn học bác học, có những bài thơ khuyết danh, có những bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng trong nền văn học Trung Hoa.
Một số bài được dịch ra tiếng Việt, một số bài chỉ có phần dịch Hán Việt và được bình giải bằng tiếng Việt. Cuốn sách hữu dụng và có ý nghĩa với những ai muốn tìm hiểu về văn học Trung Hoa cổ đại.
Tại sự kiện, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn cho biết việc ra mắt tập thơ cổ Trung Quốc lần này là một hoạt động rất có ý nghĩa, chính là sự tôn vinh những giá trị tinh thần mà hai dân tộc đã cùng nhau chia sẻ suốt mấy ngàn năm qua.