Một năm có bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông là chu kì của thời tiết. Tạo hóa sinh ra mùa xuân ấm áp, mùa hạ nóng nực, mua thu mát mẻ, mùa đông rét mướt. Nhưng, những người viết quan tâm đến hội đoàn nghề nghiệp thì một năm có thêm "mùa hạ thứ 2” nóng gắt, còn gọi là “mùa thứ 5”. Có "mùa thứ 5" là hình ảnh ví von, là cách nói vui vui của cánh nhà văn lúc trà dư tửu hậu, ấy là "mùa"… kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm.
1.
Bây giờ, dù có người nói văn chương bớt "thiêng", Hội Nhà văn Việt Nam không còn là "ngôi đền văn chương" nữa, thì số người xin vào hội vẫn không hề giảm. Năm 2011, có 596 hồ sơ xin vào hội, kết nạp 26 hội viên mới; năm 2023 này, số hồ sơ ứng cử hội viên đã tăng lên gần… 1.000.
Danh sách xét kết nạp ở Hội đồng Văn xuôi lên tới 300 người, ở Hội đồng Thơ còn nhiều hơn; rồi còn Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội đồng Văn học dịch, Hội đồng Lý luận - phê bình nữa, "trăm hoa đua nở, trăm người đua tiếng". Số người xin vào hội nhiều, nhưng kết nạp mỗi năm thường chỉ khoảng 4 - 5%. Năm 2020 được coi là "tháo khoán" kết nạp tới 54, nhưng năm 2021 bỏ phiếu có vẻ khắt khe hơn, chỉ 34 người là tân hội viên. Có thể nói ở "trường thi" này, 1 sĩ tử phải "đấu" với khoảng hơn 20 người. Thế là "mùa hạ thứ 2” lại về, "mùa thứ 5" lại đến.
Chẳng hiểu vào Hội Nhà văn Việt Nam có lợi danh gì mà quyến rũ, quyết liệt thế? Lợi thì nhãn tiền ai cũng như ai, cứ hội viên còn sống là được phát 1 tờ Báo Văn nghệ, 1 quyển Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống ra 2 tháng một số, gần đây được thêm quyển Viết & Đọc ra 3 tháng một số. Còn được các lợi lộc khác từ những hội nghị, hội thảo, quảng bá văn học, trại viết, tài trợ sáng tác… thì chắc cũng giống như hội viên các hội khác mà thôi, chắc chắn không nhiều. Có lẽ phần lớn là vì cái danh… hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?
2.
Quả thật, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hầu như ai cũng vui mừng. Mới hôm qua, ai gọi mình là nhà văn còn ngượng, hôm nay được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tự tin hẳn lên, thậm chí còn thấy oách. Có vị lúc nào cũng cất cái thẻ hội viên trong túi ngực, xuống các địa phương mang ra khoe mình là hội viên. Lại có nhà văn trở thành hội viên thì cảm động rưng rưng, tổ chức ăn mừng đón danh hiệu này. Có vị còn "thiêng hóa" danh hiệu hội viên đến mức tổ chức nghi lễ trang trọng: mặc áo the, đội khăn xếp, đầu đội cái mâm đồng thau đựng lễ vật, tờ giấy quyết định kết nạp, tấm thẻ hội viên ra đình làng trình báo, tạ ơn thần hoàng làng và các vị tiên hiền. Sau đó về nhà, cũng cái mâm đồng đựng thẻ hội viên và tờ giấy kết nạp ấy, chỉ khác là thay lễ vật mới, vị tân hội viên đặt lên bàn thờ lễ tạ ơn tổ tiên phù hộ độ trì cho mình công thành danh toại là nhà văn.
Nhà thơ Lương Tử Đức được là tân hội viên, xúc động quá, kể: "Hôm biết tin, người tôi mất thăng bằng, loạng quạng một lúc". Nhà thơ Văn Công Hùng sau khi dự lễ kết nạp hội viên từ Hà Nội về nhà ở Gia Lai thì thấy trên bàn viết đã đặt lọ hoa mới, vào phòng ngủ thấy màn mới, ga mới, đệm mới màu trắng, gối mới thì màu tím của Hàn Quốc. Hóa ra, con gái ông nghe tin bố được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, lập tức từ TP Hồ Chí Minh về Pleiku mua tặng bố, để bố tặng lại mẹ.
Cảm động tình yêu thơ và tấm lòng yêu cha của con gái, ông vui rộn rã, nhưng vẫn ra vẻ mắng yêu: "Tôi nằm ga đệm nào chả được, miễn là sạch sẽ. Chị cứ vẽ". Con gái ông bảo: "Không! Từ hôm nay, bố đã là nhà thơ rồi. Cái giường nằm của bố mẹ phải là vương quốc của tình yêu, cũng phải lãng mạn, thơ mộng". "Thế trước đây tôi là cái gì?". "Trước đây bố là người làm thơ, bây giờ bố là thi sĩ". Nhà văn Đỗ Tiến Thụy là tân hội viên, vợ ông lục tìm bản thảo văn xuôi và cả hàng chục bài thơ chồng viết tặng bà lúc mới yêu bó lại cho vào két đựng tiền khóa chặt. Ông nhìn thấy vẫn làm ngơ, được vài hôm, hỏi: "Vì sao bà giam cầm thơ tôi trong két sắt?". Vợ ông bảo: "Con giai ông từ Sài Gòn ấy, nó điện thoại bảo: "Bố trở thành nhà văn rồi. Mẹ giúp con cất kỹ các bản thảo văn thơ của bố để sau này làm cái phòng lưu niệm văn chương Đỗ Tiến Thụy. Tết này con về số hóa". Số hóa là cái quái quỷ gì tôi đâu biết. Nó học công nghệ thông tin, không nghe nó mà được à?".
Còn tôi khi được kết nạp vào hội, bà vợ mừng quá, nhân lúc nói chuyện, khoe luôn với đứa cháu gái bên nội là giám đốc doanh nghiệp ăn nên làm ra ở tỉnh. Nghe xong, nó thở dài: "Cháu chả hiểu sao cậu lại làm nhà văn. Sao lúc đang yêu, mợ không bảo cậu làm tài chính, hay ngân hàng?". Vợ tôi cụt hứng, từ đó không bao giờ khoe nữa.
Kết nạp vào hội dễ với người này, khó với người kia. Có người làm đơn lần đầu được kết nạp ngay, có người phải nhiều năm. Tôi dù đã được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Cây bút vàng của Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an, nhưng năm trước được 1 phiếu, năm sau được 2 phiếu, phải năm thứ 3 mới được kết nạp. Nhà văn Nguyễn Đình Tú dù được giải thưởng "Tác phẩm tuổi xanh" của Báo Tiền phong; giải Nhì truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng tiểu thuyết Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học 5 năm Bộ Quốc phòng, nhưng cũng phải xếp hàng năm thứ hai mới được vào hội. Đặc biệt có nhà thơ bộc bạch rằng, mình bị ung thư nặng lắm, muốn nhìn thấy tấm thẻ hội viên trước khi mất. Ông bèn đến số 9 Nguyễn Đình Chiểu, bên trong ban chấp hành họp, bên ngoài cứ đứng ngóng kết quả bỏ phiếu. Khi biết chắc chắn trúng tân hội viên, ông thở phào, mừng rỡ về nhà. Thế rồi, tinh thần thoải mái, đầu óc ông sáng láng, hết sạch bức xúc. Chẳng hiểu sao tấm thẻ hội viên như một phép mầu kì diệu chữa được trọng bệnh cho ông.
3.
Được kết nạp thì vui náo nức, không được thì cũng buồn. Cái trần ai chờ đợi là xếp đơn 5 năm, 10 năm vẫn chưa được vào hội. Có người chết hơn chục năm rồi mà vẫn còn hồ sơ, vẫn còn tên trong danh sách xét duyệt. Chuyện này là có thật, bởi số lượng đơn xin vào hội đông quá, ban tổ chức hội viên làm sao biết được ai đã mất ở khắp 63 tỉnh thành.
Rất nhiều sắc thái buồn sau khi "bảng vàng đăng quang", không thấy tên mình. Trượt hội viên, uống rượu suốt đêm rồi đem thơ mình ra đọc lại, xem thơ mình hay dở thế nào mà cứ bỏ phiếu lần nào trượt lần ấy. Trượt hội viên, rồi chán nản so bì ông kia văn chả ra gì, bà nọ thơ chả ra chi mà đã nghiễm nhiên vào trước mình. Trượt hội viên lần đầu, rồi lặng lẽ đến hội rút hồ sơ, âm thầm viết cả đời không xin vào hội nữa. Cũng có người thấy cái việc vào trước vào sau chả mấy quan trọng, coi nộp đơn như đặt viên gạch xếp hàng thời bao cấp, có ai chen ngang hoặc tiêu chuẩn hơn mình, thì lại chờ cuối cùng vẫn được vào. Đôi khi có bác xếp hàng từ lúc tóc còn xanh, lúc đến lượt vào thì đã 20 năm, tóc bạc. Cái háo hức thuở ban đầu không còn nữa, lại qua trường văn trận bút, nhận ra tác phẩm mới là điều quan trọng nên từ chối làm tân hội viên, với lý do rất nhân văn và tế nhị: "Xin nhường suất ấy cho tác giả trẻ".
Không biết tự bao giờ nhiều người cứ mặc định phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì mới thành nhà văn, nhà thơ. Là nhà văn đúng nghĩa bao giờ cũng thuộc về bạn đọc công nhận, chứ không phải ở hội này, đoàn kia, nhóm nọ. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói rằng: "Tôi cứ nghĩ vui vui rằng thực ra thì có 2 danh sách nhà văn song song tồn tại, một ở trên kia, do ông trời giữ, một ở chỗ số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hội Nhà văn giữ. Ai nằm trong danh sách trên kia thì... chắc suất hơn". "Chắc suất hơn" thì phải lao tâm khổ tứ vào danh sách "do ông trời giữ", mệt quá. Thôi, cứ đâm đơn số 9 Nguyễn Đình Chiểu, mưa tí nào mát mặt tí ấy. Cho nên cứ cuối năm lại có thêm "mùa thứ 5".
4.
Trước "mùa thứ 5", các vị trong các hội đồng, và ban chấp hành bắt đầu nhận được sách tặng. Chớm "mùa thứ 5" thì rải rác, gần đến ngày xét kết nạp thì liên tục nhận điện thoại, tin nhắn trực tiếp, hoặc nhờ vả gián tiếp một cách thịnh tình. Ai cũng xin được quan tâm, ủng hộ vào hội để "giao lưu học hỏi", để "làm việc", để "cống hiến được nhiều hơn". Toàn là những nhu cầu chính đáng, rất quyết liệt, mà người được nhờ vả rất dễ mủi lòng hoặc phấn chấn muốn ra tay ôm lấy cả nhân loại.
Có vị điện thoại xin đến nhà anh bạn tôi là ủy viên Hội đồng Thơ, anh ấy bảo: "Ông làm thơ thì hay rồi, không cần điện thoại, càng không cần đến nhà vẫn trúng. Vả lại, nhà tôi trong ngõ ngách, lòng vòng lắm, ông tìm trắng đêm cũng không ra". Ông sắp được kết nạp bảo: "Khó như làm thơ tôi còn làm được, huống hồ đến nhà ông. Chỉ cần ông cho cái địa chỉ là xe ôm nó thồ tôi đến tận nơi". Cái "ông làm thơ thì hay rồi" ấy, dù tự tin với hồ sơ sáng tác của mình nhưng nghe tin "mùa hạ thứ 2" nóng bỏng cũng dao động. Không khéo trượt như bỡn. Tự tin vào mình, nhưng lại lo lắng lỡ mình không nhờ vả thì người có quyền lực quyết định lá phiếu lại nghĩ: đã là gì mà không thèm nói một lời, thì sao? Vậy là, quen cũng có nhời, mà không quen thì tự làm quen, hoặc nhờ người khác nói giúp.
Cái sự có nhờ vả này cũng phiền phức cho người "cầm cân nẩy mực" ai vào trước, ai vào sau, ai vào ngay, ai không được vào. Bởi một người, hai người, ba người điện thoại, nhắn tin là bình thường, nhưng đến người thứ bốn trở lên là bắt đầu mệt. Còn tiêu chuẩn, chất lượng, còn bao nhiêu thứ phải cân nhắc, đắn đo khi quyết định loại người này bỏ phiếu cho người kia. Một ông anh có thâm niên ngồi Ban chấp hành hỏi tôi: "Chú thấy có ông bà nào viết văn hay, làm thơ nổi tiếng đã làm đơn hồ sơ vào hội mà không được vào không?". Câu hỏi này với tôi mông lung quá. Tôi không đủ bao quát để lên tiếng, thì anh ấy đã tự trả lời: "Không được vào năm trước, thì vào năm sau, hoặc năm sau nữa cũng vào. Chẳng bỏ sót ai đâu. Nếu bỏ sót thì bỏ sót những người viết trung bình khá mà thôi, chú nhé".
Quan tâm đến công việc của hội, có người bảo phải xét kết nạp nghiêm ngặt để giữ chất lượng và danh tiếng của một hội nghề nghiệp. Có người lại đề xuất, nới lỏng quy chế, cứ ai sáng tác có nhu cầu "đánh trống ghi tên" là kết nạp, càng đông càng vui. Nghe ra, thì ý kiến nào cũng có lý, làm được đều khó, khó cũng phải làm.