Chỉ còn vài ngày nữa, những ai là người yêu Tổ quốc Việt Nam, biển đảo Việt Nam, những ai có một chút kiến kiến
thức lịch sử buộc phải nhớ lại, nhắc lại một kỷ niệm, một nỗi đau nghìn trùng: Quần đảo Hoàng Sa, lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam chúng ta rơi vào tay bọn xâm lược Trung cộng. Thiết tưởng, vào dịp này, cũng nên nhắc lại và cần phải nhắc lại để những ai chưa hiểu được lịch sử quần đảo này được biết thêm, hiểu thêm về việc các thế hệ cha ông đã gắng công gìn giữ biển đảo, nhưng rồi bị kẻ láng giềng khốn kiếp cướp mất.
1. Mấy trăm năm gìn giữ đảo
Sách "Đại Nam thực lục" (tập Một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập Một, trang 164) của Quốc sử quán triều Nguyễn chép, quần đảo Hoàng Sa ở ngoài biển, về phía xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát, cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn Lý trường sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v. v. Buổi quốc sơ [buổi đầu của các chúa Nguyễn - BXĐ] đã đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng Ba thì đi thuyền ra, độ ba ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng Tám thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, lấy người thuộc thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản. Vào tháng Bảy năm Giáp Tuất (tháng 8/1754), đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào Quỳnh Châu thuộc hải phận nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp rồi cho thuyền đưa về; chúa Nguyễn sai viết thư cám ơn [tư liệu này càng khẳng định, nhà Thanh không quan tâm đến Hoàng Sa - BXĐ]. Công việc thám sát, xem xét mốc giới đảo Hoàng Sa được duy trì suốt hơn 200 năm dưới thời các chúa Nguyễn.
Vương triều Nguyễn tiếp tục thi hành các chính sách của các chúa Nguyễn với Hoàng Sa và các vùng biển đảo khác. Sách "Đại Nam thực lục" tập Bốn cho biết, đảo Hoàng Sa có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ “Vạn Lý ba bình” (muôn dặm sóng êm). Cồn Bạch Sa (cát trắng) có chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự; bờ Đông, Tây, Nam đều có đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía Bắc giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm Giáp Ngọ - 1834, Vua Minh Mạng định dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió nên công việc bị dở dang. Vì thế, tháng Sáu năm Ất Mùi (tháng 7 năm 1835), Vua Minh Mạng cho dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa, sai Cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên Tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mươi ngày làm xong, quan quân trở về đất liền (Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tập Bốn, trang 673).
Đến tháng Giêng năm sau (tháng 2/1836), bộ Công làm tờ tâu lên Vua Minh Mạng nêu rõ, cương giới mặt biển nước ta có đảo Hoàng Sa rất hiểm yếu. Trước kia đã phái các đoàn ra vẽ bản đồ, song hình thế xa rộng, nên mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Nay hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển; vậy xin từ năm này trở về sau, cứ đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng đảo Hoàng Sa; đến bất kỳ đảo nào, bãi cát nào, cũng xem xét chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển nông hay sâu, bãi ngầm, đá ngầm bốn bên xung quanh, độ hiểm trở …, phải đo đạc tỷ mỷ, vẽ thành bản đồ. Ngày khởi hành phải xác định từ cửa biển ra khơi, hướng đi đến đảo, căn cứ vào thuyền đi để ước tính được bao nhiêu dặm. Khi về từ đảo ấy, phải ghi rõ hướng đi, điểm đến thuộc địa phương nào, khoảng cách từ đảo vào bờ biển, đem về dâng trình.
Vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu mốc (mỗi cái bài dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc (mỗi thước là 40 cm, mỗi tấc 4 cm), mặt bài khắc các chữ “Minh Mệnh năm thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân, Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”. Từ đây lấy làm lệ thường (Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tập Bốn, tr. 867).
Ra đi trên những chiếc thuyền nhỏ, giữa bốn bề mây nước mênh mông, sóng dữ, nên sự không ít lần, các thuyền làm nhiệm vụ gặp nạn (đắm thuyền vì bão, kiệt sức vì đói…). Rất nhiều người đã không trở về. Sự mất mát này được phác họa bằng các câu ca:
Hoàng Sa mây nước mênh mông
Ngày đi thì có, mà không ngày về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Ngày đi thì có, ngày về thì không.
Lo cho những người ra đi làm nhiệm vụ gặp điều không may nhất, xấu nhất có thể xảy ra, cộng đồng làng xã đã chuẩn bị cho mỗi người một chiếc chiếu, 6 thanh tre, vài sợi dây mây để bó xác. Bởi thế có câu:
Hoàng Sa lắm bể nhiều cồn,
Một chiếc chiếu tròn, mấy sợi dây mây.
Mỗi người còn có một thẻ là một mảnh gỗ ghi họ tên, tuổi, quê quán, để đề phòng tình thế xấu nhất, thi thể dạt vào đất liền, cư dân ở đó có thể liên hệ với người thân của họ. Tuy nhiên, điều kiện thông tin, liên lạc xưa kia rất kém, nên những người xấu số hầu như nằm lại nơi đất khách quê người và thân nhân họ chỉ tưởng nhớ họ bằng cách lập mộ gió và lấy ngày họ ra đi làm nhiệm vụ làm ngày giỗ.
Với nhiệm vụ gìn giữ Hoàng Sa, mỗi năm, các làng trên đảo Lý Sơn và ven biển gần đảo thuộc huyện Lý Sơn lại mất một lớp trai tráng khỏe mạnh. Đó là nỗi đau mất mát không gì có thể bù đắp được của cư dân các làng xã, bởi xưa kia, nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến khi thành chàng trai cực kỳ, vất vả, nhọc nhằn, con trai lại càng quý giá với cư dân làm nghề đánh cá trên biển.
Suốt mấy trăm năm, các thế hệ cư dân nhiều làng ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã cùng quân đội chúa Nguyễn, quân đội triều đình tham gia gìn giữ Hoàng Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chịu biết bao gian khổ, mất mát, hy sinh. Nhưng ngày 19/1/1974, Hoàng Sa đã rơi vào tay quân xâm lược cộng sản Trung Quốc [về sự mất quần đảo này, các bạn có thể tra trên các thông tin mạng, một trang tương đối chi tiết "Bốn mươi năm hải chiến Hoàng Sa”, đăng nhiều kỳ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau].
Bài trích trong cuốn sách "Đời sống xã hội và văn hóa của cộng đồng ngư dân ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, góc nhìn Dân tộc học", Bùi Xuân Đính, Nguyễn Thị Thanh Bình, đồng chủ biên, Nxb. KHXH, 2018), có bổ sung, chỉnh sửa chút ít. Bài từng đăng trên báo Quân đội nhân dân, khoảng năm 2012, không rõ đang để ở đâu!).
Kỳ tới: Mãi mãi không quên, mãi mãi một nỗi đau.