Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VŨ TRỌNG PHỤNG TỪNG BỊ RA TOÀ

Tạ Thu Phong
Thứ năm ngày 21 tháng 12 năm 2023 8:59 AM


Vũ Trọng Phụng là một cái tên đình đám trên bầu trời văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Dù chỉ “rong chơi” trên trần gian chưa đầy 30 năm, nhưng ông đã kịp để lại gia tài đồ sộ với nhưng tác phẩm kiệt xuất trên văn đàn. Tuy nhiên, ẩn sau cuộc đời ngắn ngủi của ông có những góc khuất bị thời gian phủ mờ. Một trong những chuyện mà hậu thế ít được biết đến là việc Vũ Trọng Phụng đã từng phải ra hầu tòa.

Qua những trang tư liệu xưa cũ, chúng ta cùng lật lại những lần rắc rối với pháp luật của văn sĩ được mệnh danh là “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ” này.

Ra tòa lần thứ nhất:

Vụ án văn chương “bại hoại phong hóa”

Tờ Trung Hòa Nhật Báo số 1147 ra ngày 16-1-1932 đưa tin: sáng thứ tư ngày 13-1-1932, nhà văn Vũ Trọng Phụng và ông Nguyễn Văn Thìn - chủ tờ báo Tiếng Chuông - bị ra tòa Trừng trị với tội danh “Bại hoại phong hóa”. Theo cáo trạng của nhà cầm quyền, Vũ Trọng Phụng, kế toán của nhà in Viễn Đông (IDEO -Viễn Đông ấn quán) đã viết đoản thiên tiểu thuyết (truyện ngắn) có tên “Con hay bố” đăng từ số 1 trên tập văn Tiếng Chuông. Theo quan tòa, Vũ Trọng Phụng bị kết tội viết câu chuyện loạn luân mang tính “chửi phong hóa” (phong tục và giáo hóa - outrage aux bonnes moeurs). Còn Nguyễn Văn Thìn, quản lý tờ Tiếng Chuông thì bị kết đồng tội với văn sĩ họ Vũ. Ngoài ra ông Thìn thêm tội nữa là xuất bản báo mà không xin phép.

Khi đăng truyện ngắn “Con hay bố”, Vũ Trọng Phụng không lấy tên thật. Ông dùng bút danh Ống Ảnh như một dự cảm bất trắc có thể xảy ra. Đúng như vậy, “Con hay bố” đã kích nổ làm tung tóe quả bom dư luận thời đó. Truyện ngắn này có nội dung thế nào khiến Vũ Trọng Phụng phải ra tòa với tội danh “chửi phong hóa” ?

“Con hay bố” kể về gia đình “cụ” Toàn, biệt danh “Đèn Giời”, thủ chỉ làng Tri Xá, có ba con trai là ông Phán, ông Nghị, ông Hàn.

“Cụ” hồi hưu, vợ đã chết, không có người đấm bóp nên ba ông con bàn nhau cưới nàng hầu cho bố, nhưng toan tính sao đó nên cuối cùng theo kế ông Nghị, bề ngoài là thuê người ở mà bề trong bố vẫn có người đấm bóp. Thế là trong nhà có một cô người ở xinh xắn.

“Cụ” bắt cô này làm nàng hầu thật sự, nhưng rồi có khi nửa đêm chợt thức giấc, “cụ” lại thấy cô này đang ngủ với ai đó ở giường bên, nhìn kỹ thì ra ông Nghị. “Cụ” bỗng hiểu tại sao thằng con không cưới nàng hầu cho bố: nó thuê cô này làm con ở “để nó giở thủ đoạn… công ty với bố”!

Ba tháng sau cô này có chửa; bố con cật vấn “mày chửa với ai?”, nhưng cả “cụ”, cả ông Nghị, cả cô ta không ai có thể trả lời rõ ra được. Mấy bà con dâu can hai bố con: “Dù nó chửa với thầy hay với con thầy thì cũng là máu mủ họ Lê nhà ta…” và đưa ra giải pháp: bảo cô ta nếu bị giới chức làng xã cật vấn thì cứ khai trót ngủ với một người trên tỉnh, rồi vì chuyện đó mà cô làm xấu mặt nhà này nên bị đuổi đi, nhưng nhà này sẽ ngầm giúp cho mẹ con cô một cái vốn để được mẹ tròn con vuông. (1)

Tại phiên tòa Trừng trị, Vũ Trọng Phụng bào chữa hết sức kịch liệt. Ông cho rằng mình bị oan vì chỉ viết loại văn tả chân (một phong cách viết văn rất thịnh hành ở Pháp thời bấy giờ với các nhà văn nổi tiếng như Flaubert, Maupassant hoặc Zola). Vũ Trọng Phụng cũng cho rằng cả người viết (Vũ Trọng Phụng) và người in (Nguyễn Văn Thìn) đều đang hết sức “bênh vực cho phong hóa cả”.

Bác bỏ những lời bào chữa trên, Tòa xử phạt Vũ Trọng Phụng 50 quan tiền (tương đương 10 đồng bạc Đông Dương). Còn ông Nguyễn Văn Thìn bị phạt 50 quan tiền và 6 ngày ngồi tù. Tuy nhiên, ông Thìn đúng là gặp “họa vô đơn chí”. Khi điều tra vụ án này, Mật thám Pháp còn phát hiện ông này cũng xuất bản chui một tờ báo nữa không xin phép, tên là Tụi hề. Căn cứ Điều 2, chỉ dụ ngày 4-10-1927, ông Nguyễn Văn Thìn thêm một lần phạt nữa.

Sau khi bị kết án, Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Văn Thìn đều chống án. Mấy tháng sau, ngày 23-3-1932, tòa Thượng thẩm họp do quan Morché làm Chánh án, các ông Verron, Rozé làm Tham thẩm, ông Joyeux ngồi ghế biện lý để xét lại bản án mà tòa Trừng trị đã xử trước đó. Sau khi hỏi các bị cáo, Tòa Thượng Thẩm tuyên giữ nguyên án phạt với Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Văn Thìn.

Đây chính là vụ án văn chương xôn xao một thời được dư luận rất quan tâm. Thậm chí ông G.Lebourdais - Chủ nhiệm tờ Trung Hòa Nhật Báo - với bút danh Đông Bích, đã viết bài xã luận rất dài có tựa đề “Cảm tưởng về một vụ án văn chương” đăng trên 5 số báo liên tiếp (từ số 1150 đến 1154). Dĩ nhiên là bài xã luận này phê phán kịch liệt “văn chương tả chân” của Vũ Trọng Phụng.

Mẩu tin trên Trung Hòa Nhật Báo về chuyện Vũ Trọng Phụng phải ra hầu tòa vì tác phẩm của mình cũng đưa đến khẳng định chắc chắn rằng tác phẩm đó là truyện ngắn “Con hay bố” đăng trên Tiếng Chuông chứ không phải truyện “Thủ đoạn” đăng 3 kỳ trên tờ Hà Thành Ngọ Báo như một số tư liệu lâu nay vẫn dẫn.

Cũng sau vụ án văn chương này, Vũ Trọng Phụng bị chủ Tây đuổi việc ở nhà in Viễn Đông. Trong cái rủi, có cái may. Để kiếm sống Vũ Trọng Phụng đã viết rất nhiều, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông đặc biệt nổi tiếng ở mảng phóng sự và tên tuổi ông trở nên lừng lẫy, được coi là “Ông vua phóng sự Bắc Kỳ”.

Ra tòa lần thứ hai:

Cáo buộc xung quanh việc giả mạo giấy tờ để biển thủ tiền

Ở lần hầu tòa thứ hai, Vũ Trọng Phụng đối diện với cáo buộc khiến những người yêu mến ông phải sửng sốt: giả mạo giấy tờ và chiếm đoạt tiền của ông chủ.

Thông tin từ Hà Thành Ngọ Báo ngày 26-2-1933 cho hay, chủ hiệu kim hoàn Chấn Hưng ở số 86 Hàng Bạc - một hiệu kim hoàn lớn nhất Hà Thành thời bây giờ - đã ra Sở Mật Thám tố cáo Vũ Trọng Phụng biển thủ số tiền gần 600p, chính xác là 543p62 (p là ký hiệu của piaster- đơn vị tiền tệ thời bấy giờ, có thể dịch là đồng).

Nhân đây cũng nói thêm về lai lịch của chủ hiệu kim hoàn nổi tiếng này.

Chủ hiệu kim hoàn Chấn Hưng là nhà tư sản Phạm Chấn Hưng, người gốc Hưng Yên, rất thành đạt ở lĩnh vực kinh doanh vàng bạc. Hiệu kim hoàn Chấn Hưng là hiệu vàng bạc lớn nhất Hà Thành lúc đó, thậm chí nổi tiếng cả Đông Dương. Năm 1930, ông Chấn Hưng cho xuất bản tờ Nông Công Thương, lấy hiệu kim hoàn ở số 86 Hàng Bạc làm trụ sở tòa báo. Thời gian này, nhà văn Vũ Trọng Phụng về làm việc và được giao phụ trách bài vở cho tờ Nông Công Thương.

Theo ông Chấn Hưng, Vũ Trọng Phụng đã làm giả fature (biên lai) đi thu tiền rồi chiếm đoạt luôn số tiền đó. Cũng theo trình báo của nhà tư sản Chấn Hưng, sau khi làm giả biên lai và thu được số tiền trên, Vũ Trọng Phụng trốn biệt không đến tòa báo làm việc nữa.

Theo điều tra của Mật thám, một số người tại hiệu kim hoàn kể rằng Vũ Trọng Phụng vào làm cho ông chủ Chấn Hưng, được ông này giao nhiệm vụ trông coi tờ Nông Công Thương kiêm luôn một số việc của hiệu kim hoàn. Dù ông Chấn Hưng không làm giấy ủy quyền cho Vũ Trọng Phụng trong việc đi thu tiền hay trả tiền công nhưng bút tích để lại cho thấy ông Chấn Hưng giao Vũ Trọng Phụng trả tiền lương cho người làm. Tuy nhiên ông Chấn Hưng phủ nhận thông tin này, khẳng định Vũ Trọng Phụng lợi dụng lòng tin của ông để chiếm đoạt tiền. Bởi vậy ông Chấn Hưng phát đơn kiện Vũ Trọng Phụng tội giả mạo và bội tín. Ngoài ra, ông Chấn Hưng còn cáo buộc Vũ Trọng Phụng chiếm đoạt cả tiền lương của hai người làm công trong tiệm kim hoàn.

Mấy ngày sau tường trình của ông Chấn Hưng, Sở Mật thám đã bắt được Vũ Trọng Phụng. Tại Sở Mật Thám, nhà văn họ Vũ đã thừa nhận cáo buộc và khai rằng sử dụng số tiền ấy chi tiêu vào việc của tờ Nông Công Thương, ngoài ra còn cho hai người bạn khác vay. Ngày hôm sau, Vũ Trọng Phụng bị xét hỏi trên tòa Dự thẩm, sau đó được tạm tha chờ Sở Mật thám điều tra tiếp những gì mà ông Phụng đã khai tại tòa.

Đối với vụ án này còn rất nhiều câu hỏi đến nay chưa tìm được lời giải đáp. Chẳng hạn tòa xử vụ này thế nào? Số phận pháp lý của Vũ Trọng Phụng ra sao? Ngoài ra, có thông tin cũng khiến bạn đọc tò mò là danh tính của hai người bạn Vũ Trọng Phụng cho vay tiền là ai cũng chưa được rõ. Những câu hỏi bỏ ngỏ này dành cho những ai tiếp tục muốn tìm hiểu về góc khuất trong cuộc đời của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng.

Thế mới biết, đằng sau ánh hào quang của một văn sĩ nổi tiếng thì ở Vũ Trọng Phụng cũng tồn tại những tính cách rất đời thường như bao người khác.

Phần nội dung truyện tham khảo từ Báo Tiền Phong (phiên bản điện tử) ngày 5-11-2005

Nguồn: Văn Nghệ