Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOÀNG CẦM QUAN HỌ LẠI BẮT ĐẦU

Thái Kế Toại
Thứ bẩy ngày 6 tháng 1 năm 2024 5:35 PM


Tiểu sử

Ông sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tại xã Phúc Tằng, nay là thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nơi bố ông dạy học. Quê gốc của Hoàng Cầm ở làng Lạc Thổ nay thuộc phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Quê mẹ ông ở làng Bựu Xim, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Tôi người làng Quan họ

Quê mẹ bên này sông

Cách quê cha một dòng

nước trắng.

Hoàng Cầm kể chuyện sự ra đời của mình cũng là tình sử của bố mẹ ông như sau:

Cô gái làng Xim mười bảy tuổi
Hát hay nổi tiếng khắp vùng
Khi cất lời ca
Những lứa hợp tình chuốt rơm bện ổ
Những vợ trái duyên chồng
khăng khăng giả của

Lại có anh học trò
Bổi hồi bồi hồi
Xăm xăm một bước vượt sông

Trầu cau chẳng kịp cốm hồng
Xác pháo đã vùi ngõ mưa lầy lội

Bà mối nhai trầu bỏm bẻm
Chưa vợi chùm cau

Đã nghe tin cô ả chê chồng
Ứ hự... từ đâu?
Chồng nói chồng yêu, chẳng hội chẳng hè
Vợ cúi mặt vò nhàu ngực yếm
Dựa cột nhà nhịn thở lắng nghe.




Ngảnh mặt không ăn nằm
Vợ chờ tua rua chỉ lối
Bỏ đi theo người trai
Chở thuyền hát lặn những đêm giăng.

Mười năm sau ngày cưới
Chồng nhớ hội yếm đào
Mê tìm theo đám hội
Tay vân vê sợi tóc bạc đầu tiên
Lẩn dưới vành khăn tròn trặn
Hai người chợt tiếc mùa xuân
Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất

Nhờ đó tôi ra đời

Ông xuất thân trong gia đình nhiều đời là nhà nho. Thân sinh ông thi không đỗ, đi dạy chữ Hán và làm thuốc bắc ở Bắc Giang. Tên ông Bùi Tằng Việt được đặt ghép từ địa danh nơi ông sinh ra: Phúc Tằng và Việt Yên. Thuở nhỏ, ông học tiểu học, trung học đều ở Bắc Giang và Bắc Ninh; đến năm 1938, ra Hà Nội học trường Thăng Long.

Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân dân xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng trong thuốc bắc: Hoàng Cầm.

Năm 1942 ông viết kịch thơ Kiều Loan.

Năm 1944, do Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra quyết liệt, ông đưa gia đình về lại quê gốc ở Thuận Thành. Cũng tại nơi này, ông bắt đầu tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương.

Tháng 11-1946 Kiều Loan được công diễn một lần duy nhất tại Nhà hát lớn ở Hà Nội.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến ông theo đoàn kịch rút ra khỏi Hà Nội, biểu diễn

lưu động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình một thời gian rồi giải thể.

Tháng 8 năm 1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12. Gặp Phạm Duy và bắt đầu tình bạn lâu dài giữa hai người. Cuối năm đó, ông thành lập đội Tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên.

Năm 1948 viết Bên kia sông Đuống.

Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị, hoạt động biểu diễn cho quân dân vùng tự do và phục vụ các chiến dịch.

Tháng 10 năm 1954, đoàn văn công về Hà Nội. Đầu năm 1955, do đoàn văn công mở rộng thêm nhiều bộ môn, Hoàng Cầm được giao nhiệm vụ Trưởng đoàn kịch nói.

Đầu năm 1955 ông cùng Đỗ Nhuận, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Tích Linh, Trúc Lâm…ký Bản kiến nghị gửi Nguyễn Chí Thanh đòi thay đổi đường lối lãnh đạo văn nghệ trong quân đội. Do việc này các ông phải chuyển ngành ra khỏi quân đội.

Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn Nghệ. Viết Tiếng hát quan họ.

Ông là một trong những thủ lĩnh của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956, chủ trương và tham gia các tập san Cửa Biển, Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Đông và báo Nhân Văn.

Tháng 4 năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành, tham gia Ban Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ "Nhân văn Giai phẩm", ông phải rút khỏi Ban Chấp hành Hội nhà văn vào năm 1958, bị treo bút, chuyển công tác về Sở Văn hóa Hà Nội làm dịch thuật với bút danh như Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi..

Sáng tác tập thơ Về Kinh Bắc năm 1959 – 1960.

Hoàng Cầm về hưu năm 1970 lúc 48 tuổi.

Cuối năm 1980 bắt đầu một quan hệ mới đặc biệt giữa Người nữ yêu thơ, bác sỹ Bùi Thị Cần Thơ tại Pháp và Nhà thơ Hoàng Cầm.

Năm 1982 ông bị bắt giam vào Hỏa lò vì chuyển tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài, đến năm 1983 được thả về. Cùng bị bắt còn có nhà thơ Hoàng Hưng.

Năm 1988 ông được phục hồi sinh hoạt Hội Nhà văn cùng với Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh. Cùng với các nhà văn này ông được điều chỉnh lương hưu.

Năm 1994 tập thơ Về Kinh Bắc in lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Văn học.

Đầu năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán.

Thời gian cuối đời ông sống tại Hà Nội và mất vào ngày 6 tháng 5 năm 2010.

Lời ca yêu nước bất khuất từ 15 tuổi Hận Nam Quan

Năm 1937 trong khi đang học Cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh Hoàng Cầm đã viết vở kịch Hận Nam Quan.

Bối cảnh: Phi Khanh bị bắt giải sang Tàu, Nguyễn Trãi bí mật theo cũi cha, cùng chết. Tới Ải Nam Quan, Phi Khanh biết, bắt con trở về, tìm đường khởi nghiã. Hận Nam Quan, Hoàng Cầm viết năm 15 tuổi, đã được đưa vào chương trình giáo dục, chưa biết rõ năm nào, nhưng những người sinh khoảng 1940 trở đi, đều thuộc lòng đoạn sau đây:

Về ngay đi ghi nhớ Hận Nam Quan

Bên Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt

Cha nguyện cầu con lấy lại giang san

Đây là ải địa đầu nước Việt

Khóc trong lòng ghi nhớ Hận Nam Quan

Duyên nợ Kiều Loan

Hoàng Cầm viết kịch thơ Kiều Loan năm 1942.

Ngày 26-11-1946 Kiều Loan được trình diễn một lần duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tháng 12-46 Hoàng Cầm cùng ban kịch rời Hà Nội, đi lưu diễn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn Tây, Thái Bình. Kiều Loan phải tạm diễn ở cách đình làng vùng Bắc Ninh, nhưng đến ngày 19-12-46 chiến tranh bùng nổ, ban kịch Phương Đông phải giải tán. Kịch bản Kiều Loan, bị thất lạc trong những năm kháng chiến. Bản chính để in, do Lưu Quang Thuận giữ, khi Pháp nhẩy dù Bắc Cạn, phải ném bản thảo của các văn nghệ sĩ xuống hồ Ba Bể, trong đó có Kiều Loan, mãi đến năm 1970, nhờ một số bạn cũ còn giữ được bản đánh máy, Hoàng Cầm kết hợp, "trùng tu" lại bản thảo năm 1946. Và đến 1992, Kiều Loan mới được xuất bản, sau khi sáng tác đúng 50 năm.

Năm 2005 Đạo diễn Anh Tú Nhà hát tuổi trẻ đã dựng lại vở Kiều Loan tại Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê:

“Kiều Loan chính là hoá thân của Hoàng Cầm. Những nghệ sĩ lớn thường tạo những tình huống có tính cách tiên tri. Kiều Loan, sáng tác năm 1942, lúc Hoàng Cầm mới 20 tuổi đã nổi tiếng, trước một "tương lai sáng lạn" như thế, tại sao lại nghĩ đến một nhân vật bi thảm như Kiều Loan? Dường như Kiều Loan đã "vận" vào số phận Hoàng Cầm như một thực tại đớn đau mà người nghệ sĩ không tránh khỏi, trong cuộc đổi dời của đất nước.

Sự lênh đênh của Kiều Loan trong thời Pháp thuộc và dưới thời cách mạng, không vì tình cờ, mà vì nội dung tác phẩm:

Kiều Loan, con gái một cựu thần Tây Sơn, đi tìm chồng là Vũ Văn Giỏi. Mười năm trước, theo lời khuyên của nàng, Vũ lên đường giúp Quang Toản, sau khi Quang Trung băng hà. Tới Phượng Hoàng Trung Đô, Vũ nghe tin Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền làm bậy, ngả theo Nguyễn Ánh, trở thành Vũ tướng quân, tàn bạo càn quét những người dân chống lại nhà Nguyễn. Kiều Loan giả điên đến Phú Xuân, tại đây, nàng gặp ông già, thầy cũ của Vũ. Kiều Loan làm huyên náo cửa thành, cố tình để bị bắt vào dinh, nhìn lại người xưa. Kiều Loan và ông thày bị giam trong ngục. Kiều Loan uống thuốc độc tự vận cùng với ông già. Trước khi chết, nàng chém người chồng phản bội.

Kiều Loan là một bi hùng ca bao quát lịch sử dân tộc, dõi vào những mốc chính: Nam Bắc phân tranh. Nguyễn Ánh cầu viện Pháp để tiêu diệt Tây Sơn. Gia Long thắng trận trở thành độc tài chuyên chế, tiêu diệt những khuynh hướng đối lập. Một nội dung như vậy, tất nhiên, không chỉ thực dân Pháp ngăn cấm:

"Vì chính sự bạo tàn Ôi! Nước mắt

Bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?

Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang

Về tàn sát những người dân vô tội"

Mà tất cả những kẻ cầu viện nước ngoài để vững quyền chấp chính cũng phải hổ mình.

Một triều đình vừa "thống nhất sơn hà", nhưng lệnh đầu phát ra là lệnh cấm:

... Vua cấm đèn cấm lửa

Cấm dân gian đi lại ở kinh thành

Lệnh thứ nhì là cấm hát:

Vua có lệnh bắt những người hát nhảm

Đầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thành

Kiều Loan, là vở kịch thơ hay nhất của Hoàng Cầm, của thời tiền chiến. Mười năm sau, Tâm sự kẻ sang Tần với bút pháp bay bổng của Vũ Hoàng Chương mới có thể kế vị Kiều Loan.”

Vở kịch gắn bó với Hoàng Cầm đến cuối đời. Diễn viên Tuyết Khanh đóng vai Kiều Loan trở thành vợ của Hoàng Cầm và sinh con gái đặt tên Kiều Loan. Năm 1948 họ chia tay, Hoàng Cầm lên chiến khu Việt Bắc. Ông có câu thơ:

Khanh ơi ! Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng, em ở đâu ?

''Khanh ơi ! Thể xác hiu hiu bụi'' của Hoàng Cầm cũng là ''Khanh của Hoàng ơi'' của Vũ Hoàng Chương, thi sĩ họ Vũ cũng yêu nữ kịch sĩ này và cũng có một bài thơ cho Tuyết Khanh :

Khanh của Hoàng ơi ! Lửa bốn phương
Sầu lên dằng dặc gió tha hương

Phạm Duy viết trong hồi ký:

Tuyết Khanh (mà tôi xin gọi là Kiều Loan Mẹ, vì đứa bé khi ra đời thì được đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan tức là Kiều Loan Con) không được gặp lại chồng mình sau cái ngày chia tay tại Phố Nỉ với sự chứng kiến của tôi. Suốt trong thời gian từ 1948 cho tới 1954, từ trong vùng địch chiếm, Kiều Loan Mẹ viết thư cho Hoàng Cầm nhiều lần và chẳng bao giờ được trả lời. Sau khi Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước, Kiều Loan Mẹ đành phải bế đứa con lên sáu di cư vào Nam, trong khi Hoàng Cầm hãy còn ở một nơi nào đó trong vùng quê miền Bắc.

Về phần tôi thì sau khi vào sinh sống tại Saigon, trong suốt trong gần 20 năm trời, tôi chỉ có một lần nhận được tấm thiệp báo hỉ của Kiều Loan Con. Đứa bé nằm trong bụng mẹ trong thời kháng chiến xa xưa, hôm nay, trong một ngày lành tháng tốt của năm 1968, đã lấy chồng. Qua tới Mỹ, trong năm1975, tôi biết tin Kiều Loan Mẹ cũng đi tị nạn và đang sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Vào năm 1982 thì tôi lại nghe tin Kiều Loan Con cũng vượt biên qua tới nước Mỹ và về sống với Kiều Loan Mẹ tại Los Angeles. Ngày đầu năm 1983, trong buổi đi chơi tình cờ, tôi được một người bạn đưa lại gặp hai mẹ con Kiều Loan tại căn nhà nhỏ ở downtown Los Angeles. Trong đời tôi đã xẩy ra nhiều chuyện thật là kỳ lạ. Nước Việt Nam đâu có phải là một nước bé nếu ta đi bộ từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây và từ Tây sang Đông... như tôi đã làm cái cuộc cũng được gọi là vạn lý trường chinh trong thời tao loạn này. Vậy mà đi tới đâu thì cũng lại gặp lại những người mà mình đã gặp ở một nẻo đường xa lắc xa lơ. Có lẽ cũng tại cái biến cố cả nước lên đường vậy. Người nào cũng lên đường cả, thành thử ai cũng gặp nhau. Chẳng hạn Phạm Thanh Liêm. Chẳng hạn Ngọc Bích, Văn Chung, Đoàn Bính v.v... Đi tới đâu thì tôi cũng gặp lại họ. Giống như đã có hẹn hò với nhau từ tiền kiếp xa xôi nào đó, xa nhau rồi cũng lại phải gặp nhau. Qua tới Hoa Kỳ rồi mà vẫn còn gặp lại Hoàng Cầm qua hai mẹ con Kiều Loan. Sau bốn mươi năm. Đừng hỏi tại làm sao mà tôi cứ bị ám ảnh bởi thi sĩ Hoàng Cầm. Và soạn Hoàng Cầm Ca.”

Thơ Hoàng Cầm – Tập đại thành văn hóa Kinh Bắc

Có lẽ Hoàng Cầm là nhà thơ hiện đại lớn nhất của vùng Kinh Bắc. Sự nghiệp thi ca của ông là bức tranh tập đại thành về văn hóa Kinh Bắc, đặc biệt là Quan họ với một màu sắc riêng biệt. Bắt đầu là Bên kia sông Đuống, Tiếng hát Quan Họ, Về Kinh Bắc rồi Mưa Thuận Thành.

Tiếng hát quan họ và năm 1956

Trường ca này in lần đầu tiên trong tập Cửa Biển do Nhà xuất bản Văn Nghệ khoảng cuối 1956. Hoàng Cầm ghi viết trong mùa hè 1956. Đây là tác phẩm quan trọng của Hoàng Cầm, ghi dấu ấn sự chuyển biến về tư tưởng của ông trên tiến trình dân chủ, cũng như Những người trên cửa biển với Văn Cao.

Trong bài Văn Cao tôi đã viết rõ bối cảnh năm 1956 và ý nghĩa sự ra đời của Cửa Biển. Tiếng hát Quan Họ mở đầu cho Cửa Biển. Là trường ca với kết cấu diễn tả những khung cảnh đặc sắc nhất của sinh hoạt quan họ như Tôi người làng quan họ, Quan họ mở đầu, Khi mùa xuân trở về, Chân trời tua tủa mảnh chai, Quan họ lại bắt đầu, Tìm đến chân trời. Cuộc sống quan họ trong quá khứ có nhiều nét đẹp nhưng vẫn đau thương do bị áp bức mà hình tượng cụ thể là Lão Tiên, tiên chỉ. Nhưng ở phần kết sau khi quan họ được giải phóng, đang trở lại thanh bình thì lại bị nguy cơ áp bức mới của tàn tích cũ, xâm phạm tự do của con người.

Tôi người làng Quan Họ
Ngày trở về nghe hát nổi trên đê
Tiếng hát dường như mê
Ném ngọc lên trời lanh lảnh
Sao tôi nghe còn mũi dao lấp lánh
Đang rình cắt ruột xé gan
Có nghệ sĩ vác đàn như bấc
Mau chân len lỏi xóm làng
Tìm ra trăm rưởi điệu dân gian
Mắt lim dim say sưa màu mỡ
Chép hết bài ca chưa hiểu hết lòng người
Dựng được bài ca chưa xây dựng cuộc đời

Tiếng hát Quan Họ
Và trai gái quê tôi trẻ đẹp vô cùng
Nhảy khỏi vòng nia
Nhảy sang vòng nong
Những vòng cong cong

Khát vọng của Hoàng Cầm là khát vọng cho quan họ, cho con người và đất nước:

Tôi mơ ước rồi đâyTiếng hát Quan họ

Sẽ thành trái núi khổng lồ

Ném xuống biển cồn sóng gióa

Vòng nhỏ

Vòng to

Đến vòng nào nữa

Chân mây mở rộng từng mùa

Tiếng hát quan họ mang âm hưởng của thời đại. Đó là khát vọng dân chủ với những biểu tượng mạnh mẽ của tiến trình dân chủ đang trỗi dậy.

Về Kinh Bắc là đứa em sinh sau của Tiếng hát Quan họ. Hoàng Cầm vừa trải qua một cuộc bể dâu chưa có lối thoát, một giấc mơ đầy kinh hãi ám ảnh như đêm nọ “một trẻ sơ sinh đuổi giọng mèo hoang qua miếu mưa phùn”

Về Kinh Bắc được sáng tác từ cuối năm 1959 đến 1960. Cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm đã ngã ngũ. Trật tự báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật được thiết lập. Án kỷ luật đã được ban ra. Các Hội văn nghệ được cải tổ. Những người tham gia phong trào rời khỏi vị trí công tác, bị treo bút, về địa phương hoặc ngồi chơi xơi nước, hoặc đi lao động ở công trường, nông trường, hợp tác xã nông nghiệp. Hoàng Cầm có uy tín cao, có chức vụ cao trong Hội Nhà văn nên việc bị mất những thứ đó làm cho ông hụt hẫng như một cơn ác mộng. Ông trở về quê hương và đắm mình vào giai đoạn suy tư về công lý, lẽ đời, tư tưởng nghệ thuật… Có lẽ trong các kỷ niệm chỉ còn kỷ niệm về quê hương mà dằn vặt nhất vẫn là Quan Họ. Ba năm trước ông đã viết Tiếng hát Quan họ, một đoạn đời khác hẳn, thời thế khác hẳn. Còn bây giờ cái kính màu đã đổi màu. Quan họ hiện lên trên trang giấy trắng bỗng nhiên khác hẳn cùng tâm trạng bế tắc, u ám của ông, một con người thất thế, một người thừa, như con bê vàng đi mãi tìm sim chẳng chín, như con chào mào khát nước về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm, như cây ổi giơ xương, chống đỡ mùa đông xập về đánh úp…

Khung cảnh Quan Họ trong Tiếng hát Quan họ khi trở lại Về Kinh Bắc đã chìm ngập trong một thứ ánh sáng khác lạ, ma mị, biến ảo dữ dội, hỗn loạn, trong một màn dêm đầy tiếng thét kinh dị. Về mặt vật chất đấy là những câu thơ, đoạn thơ rối rắm, đa nghĩa, mang những ý tưởng ẩn dụ giải thoát cho tâm trạng của tác giả.

Cây đu đủ sau nhà vừa bấm ngọn

đội mũ niêu đen

đi trong đêm mưa dầm

Trong Về Kinh Bắc các di sản văn hóa quá khứ của Kinh Bắc đều đã tan vỡ, bị tàn phá.

Trăng lên chém đầu ngọn gió

Cành si bưng chậu máu chát chao (...)

Chợt mê thét giữa sân

Nét Mác chữ thiên toạc lưng trâu mộng

Máu đổ

Mây đùn

Gió lộng

Sớm mai đi

…Tranh tố nữ long hồ gián nhấm

mất chân đi

má đội tổ tò vò

Nhân vật tác giả rơi vào tâm trạng bế tắc:

Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc

Con không cười

Con thoảng nhớ thoảng quên. (Đêm Kim)

Về Kinh Bắc phải đâu con hé miệng (Đêm Mộc)

Về Kinh Bắc phải đâu con nhắm mắt (Đêm Thủy)

Về Kinh Bắc tìm chơi đàn kiến lửa (Đêm Hỏa)

Hoàng Cầm đã triển khai mối quan hệ xuyên suốt tác phẩm là Mẹ, Người Chị và Em.

Hình tượng Người Chị trong loạt bài Cây, Lá, Quả, Cỏ… ban đầu có dấu vết tình luyến ái nhưng kết cục đều là bối cảnh trưởng thành, người lớn, chỉ mang lại sự thất vọng đến mức tuyệt vọng về sự dụ dỗ, lừa lọc, phản trắc, phụ bạc…của người Chị và cuối cùng là một thứ quyến rũ hư vô như cái lá Diêu Bông vậy. Ý nghĩa biểu tượng của Người Chị rất đa nghĩa, trong đó hàm nghĩa tình yêu nhưng phải hiểu trên cơ sở bối cảnh Hoàng Cầm và sự nghiệp của ông trong không khí chính trị xã hội cuối những năm 1950.

Nhưng Mẹ cũng là những kỷ niệm, nỗi thất vọng không cứu vãn được sự cô đơn của Em.

Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa…

Không

Mẹ vẫn không về

Đã hết mùa tu hú gọi rừng xa

Mẹ không về

Đã hết mùa tu hú ngủ rừng

Tu hú ngủ rừng xa.

Cuối cùng chỉ còn Người Em ở lại, một thân phận lỡ dở đáng thương.

Chim vàng phải tên dưới bụng

Giận mình bay quá cao

Bướm ngũ sắc rã rời tay trẻ xé

Giận mình quá lộng nắng tàn xuân


Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
đi mãi tìm sim chẳng chín
Ta con chào mào khát nước
về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm

Không thể phủ nhận giá trị thi pháp của Về Kinh Bắc vào thời điểm 1960 đối với văn học miền Bắc lúc đó. Nó là một sự tìm tòi rất mới mẻ, trước cả sự tìm tòi của Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng. Nhưng cũng không thể né tránh việc nói đến giá trị nhân văn của Về Kinh Bắc. Nó trả giá bằng cuộc đời máu và nước mắt của Hoàng Cầm. Nó tố cáo sự chà đạp lên một số phận, một tài năng, một nền văn hóa lâu đời như Kinh Bắc. Nó là một lời kêu cứu tuyệt vọng. Đã có nhiều bút mực viết về cái lá mơ hồ của ông nhưng trong giai đoạn trước vì lý do tế nhị người ta chỉ quanh quẩn với thực thể mối tình chị em ấy mà né tránh cái thời cuộc nào, cái thân phận nhà thơ nào đã sinh ra Về Kinh Bắc. Đó mới là một điển hình cho mối quan hệ giữa tư tưởng nhà văn và tác phẩm.

Trong một lần nói chuyện riêng với tôi Hoàng Cầm đã công nhận điều đó. Về Kinh Bắc mới là số phận của ông, là tiếng kêu cứu trước các thế lực tàn bạo.

Đào giếng sâu rồi đừng lấp vội đầu xanh

Hoặc: Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới chị võng mây trôi Em đứng nhìn theo, em gọi đôi.

Đấy mới là ý nghĩa thời đại, là giá trị nhân bản của Về Kinh Bắc, làm cho nó xứng đáng là một tác phẩm thơ ca lớn có thể sánh với những thi phẩm cổ điển của dân tộc, của nhân loại. Về Kinh Bắc còn đang chờ đợi các thế hệ nghiên cứu sau này tiếp tục khám phá giá trị thật sự của nó.

Phạm Thị Hoài có lần viết đại ý Hoàng Cầm là một trong số ít những nhà thơ Việt Nam đã tạo cho mình một không gian văn hóa riêng biệt.

Nhà thơ Thanh Thảo có viết về thơ Hoàng Cầm như sau:

Có người nói thơ Hoàng Cầm như những lẩm nhẩm bùa chú, lại như một nghi lễ thờ cúng, nó kính cẩn mà hoang sơ. Với một thế giới thơ như thế người ta chỉ nên chấp nhận chứ không cần giải mã. Và theo tôi, cách đọc thơ Hoàng Cầm là bất chợt đọc một đoạn thơ nào đó của ông. Rồi ngớt. Rồi lại đọc ở một lúc khác. Đó là cách đọc những cơn mưa rào, là sự đồng cảm tự nhiên và thốt nhiên với chính thế giới mà mình đang sống cùng với thế giới mà mình chưa biết nhưng có thể sống. Thơ Hoàng Cầm là kết nối được những thế giới khác nhau như thế để cho người ta có cảm giác vừa mơ hồ vừa rõ rệt về một giấc mơ.

Hậu Về Kinh Bắc 1983

Trong chuyên luận “Vụ Nhân Văn Giai Phẩm một trào lưu dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành” tôi có xếp Vụ Hoàng Cầm và Hoàng Hưng bị bắt vì tập Về Kinh Bắc là một sự kiện trong Hậu Nhân Văn Giai Phẩm. Được tác động bởi ý tưởng này, nhà thơ Hoàng Hưng đã kể lại việc bị bắt ngồi tù từ năm 1982 đến năm 1985. Lấy nguyên bài viết của nhà thơ Hoàng Hưng:

Vụ án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng, TS Kinh tế, GS đại học ở Canada, cũng là nhà văn Việt Nam hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi ở Hà Nội, xin nhà thơ Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc (VKB) để đem về Canada. Nguyễn Mạnh Hùng được chính quyền Việt Nam coi là “Việt kiều yêu nước”, đã đóng góp tích cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính quyền miền Nam từ khi còn là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất, anh đã nhiều lần về nước, có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt khác, anh lại quan hệ thân thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đặc biệt với nhà thơ Hoàng Cầm mà anh yêu mến.

Việc Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép tay VKB chẳng có gì cần bí mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng chật khách trầm ngâm say và âm u khói thuốc, trong đó hầu hết là những người yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít “đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na là chỉ điểm của CA), “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường phục), thì có gì liên quan đến ông Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án “Về Kinh Bắc”, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Quả vườn ổi” (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải ngưng, nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, VKB lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến 1979, sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã có được một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả” vẫn đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ quan CA cho biết: VKB bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì CA có đọc cho ông nghe bài viết ấy trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)

Tóm lại, chậm nhất là vào mùa thu 1982, một chuyên án VKB đã được mở ra, với mục đích ngăn chặn việc đưa bản thảo này ra nước ngoài và bắt tội tác giả của nó, hoặc đơn giản chỉ là mượn cớ việc chuyển bản thảo này ra nước ngoài để trừng trị tác giả cho bõ ghét. Theo Hoàng Cầm thì khả năng 2 là chính, ông nhất định cho rằng chính Tố Hữu là người chủ trương, vì căm ghét Hoàng Cầm đã dám chê thơ ông ta (vụ phê bình tập Việt Bắc năm 1956), chưa kể đã “dám nổi tiếng” hơn ông ta trong kháng chiến! Và cũng theo Hoàng Cầm, để làm việc này, Tố Hữu đã sử dụng một số “CA riêng” của mình.

Thế là trong lúc một cái lưới đang giăng ra xung quanh quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, thì tôi ở Sài Gòn ra, vô tình chui vào đó, trở thành con cá to (?) cuối cùng để CA cất vó!

Vì sao định mệnh lại chọn tôi làm con cá oan nghiệt kia? Suốt mấy năm trời trong trại giam tôi vẫn tự hỏi, vì xét theo logique, tôi chẳng thể nào hình dung mình có ngày “ách giữa đàng đâm quàng vào cổ” như thế.

Bởi lẽ thứ nhất: từ khi Hoàng Cầm hoàn thành VKB (mùa Xuân 1960) cho đến tháng 8 năm 1982, đã có hàng trăm bản chép tay của nó được lưu truyền, mà không thấy ai làm sao, cũng không ai phổ biến lệnh cấm dù chỉ là lệnh miệng. Lý lẽ này tôi lặp đi lặp lại trong các buổi hỏi cung, tôi còn vặn lại người cán bộ xét hỏi: “Để một tài liệu ‘phản động’ tự do lưu truyền trong 20 năm như thế thì trách nhiệm của cơ quan an ninh ra sao?”. Tất nhiên họ không trả lời được. Và hậu quả của sự “cứng đầu” cộng với ngây ngô của một anh nhà-giáo-nhà thơ-đi-làm-báo tưởng rằng trên đời có thứ gọi là công lý, là tôi phải nhận đến 39 tháng tù trong khi “đầu vụ” chỉ có 16 tháng!

Lẽ thứ hai là quan hệ của tôi với tác giả VKB vốn không có gì mật thiết. Là một trong số những nhà thơ trẻ nổi bật của “thế hệ chống Mỹ”, nhưng vì “trót” đọc được tiếng Pháp, tôi sớm giác ngộ về “Chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người” qua những sách báo tiếng Pháp ở ngay trong Thư viện Quốc gia (Nhà nước cho rằng rất ít người biết tiếng Pháp nên không kiểm duyệt bỏ những ấn phẩm tiếng Pháp “nhạy cảm” được nhập vào đó theo con đường viện trợ, trao đổi). Đó là thuyết “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến” của Roger Garaudy, một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, những tư tưởng “xét lại” của George Lukács, nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, tiểu thuyết Docteur Jivago của B. Pasternak, các tài liệu về Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX, về những biến động ở Hungary, Tiệp Khắc… Những sách vở ấy cộng với thực tế nhiều phũ phàng mà tôi va chạm trong mấy năm dạy học và “đi thực tế sáng tác” ở vùng công nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh, cộng với sự đổ vỡ niềm tin chiến thắng sau Tết Mậu Thân và cái chết của “Bác”, khiến tôi ngày càng hoài nghi sự đúng đắn của chế độ. Tất nhiên tôi cũng nhìn lại phong trào Nhân văn – Giai phẩm bằng con mắt hoàn toàn khác những gì Đảng dạy. Vì thế, cuối năm 1969, khi đã viết một số bài thơ “ngoài luồng” không thể công bố, tôi tìm đến làm quen với anh Văn Cao qua dịch giả Dương Tường. Chính Văn Cao là người đã khuyến khích tôi tiếp tục lối thơ “bàng thống” mà tôi đang bước vào. Anh trở nên thân thiết với tôi, và đã đứng chủ trì buổi tiếp bạn bè văn nghệ trong ngày cưới của vợ chồng tôi đầu năm 1975. Với Hoàng Cầm thì khác. Không chỉ “có vấn đề” về tư tưởng, ông còn tai tiếng là con nghiện (thuốc phiện) và chủ quán rượu chui. Tôi – một nhà thơ trẻ đang được ưu ái, lại là nhà giáo và nhà báo của ngành giáo dục (Báo Người Giáo viên Nhân dân), cũng thấy ngại dây dưa! Mãi sau khi đã chuyển vào Sài Gòn công tác, tư tưởng ngày càng “diễn biến hòa bình” do tác động của cuộc sống và sách vở tàn dư của chế độ Sài Gòn, trong một lần ra Hà Nội vào cuối những năm 1970 hay đầu 1980, tôi mới tìm đến Hoàng Cầm, cũng do Dương Tường đưa dắt. Chính lần ấy, tôi được nhà thơ khoe một bản thảo VKB do ông chép tay chữ rất đẹp, bay bướm uyển chuyển, có mấy phụ bản tranh của Bùi Xuân Phái vẽ các cô gái quan họ. Đó là tập bản thảo mà ông đã bán cho ông Lâm chủ quán cà phê chuyên sưu tầm tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, nay ông mượn lại, có lẽ để khoe với những người bạn mới, có thể là Việt kiều chăng? Nhân dịp, tôi đã xin nhà thơ chép cho ba bài Cây – Lá – Quả đem về Sài Gòn khoe vài người bạn văn nghệ “chui” vốn là dân Sài Gòn cũ (trong đó có anh Phương Kiến Khánh, sau trở thành nhà thơ Chân Phương ở Mỹ).

Trong chuyến ra Hà Nội tháng 8 năm 1982, định mệnh xui khiến tôi lại đến với Hoàng Cầm ngoài chủ ý. Một bữa tôi gặp Dương Tường trên phố, anh sốt sắng bảo tôi đến an ủi Hoàng Cầm vì nhà thơ vừa trải qua một bi kịch: con gái yêu của ông là nữ diễn viên kịch Hoàng Yến chết đột ngột – nghe đâu là tự tử. Tôi đến chơi, lại nghe ông than là vừa bị mất tập bản thảo VKB mượn lại của Lâm cà phê (chắc hẳn CA đã lấy đi làm hồ sơ cho vụ án VKB đang chuẩn bị). Ông tỏ ra rất tiếc xót, vì khó có cơ hội làm lại một tập đẹp như thế. Tôi hứng lên, nói sẽ làm lại cho ông một tập đẹp hơn thế. Ông bảo tôi đến gặp Trần Thiếu Bảo ở phố Bát Đàn, nhờ ông này mua giấy và bút bi loại tốt để ông chép. Trần Thiếu Bảo nhận lời ngay. (Chỗ này, nhân thể nói bài nghiên cứu của tác giả người Đức Heinz Schütte công bố trên talawas 31/7/2010 có chỗ lầm: ông cựu giám đốc NXB Minh Đức sau khi ra tù không bị chỉ định cư trú ở Nam Định cho đến chết, ông đã được về lại Hà Nội từ lúc nào đấy, và vào năm 1982, ông đang chuẩn bị mở quán ăn để sinh sống tại số 5 (?) Bát Đàn. Thế là việc chép tay VKB tiến hành. Tôi đồng thời đến xin Văn Cao một phác hoạ làm bìa tập thơ VKB, và xin Bùi Xuân Phái mấy phụ bản. Ít ngày sau, tôi vui sướng có trong tay một bức hoạ mấy cái lá bay (chắc là “lá diêu bông”) của Văn Cao và 4 phụ bản màu nước của Bùi Xuân Phái vẽ những cô gái quan họ nón quai thao áo tứ thân. Có một chi tiết mà những ngày đó tôi đã bỏ qua. Trong thời gian này, tôi hầu như ngày nào cũng đến quán rượu Hoàng Cầm để giục nhà thơ chép cho xong tập thơ. Một tối, tôi trông thấy trong quán có một người quen, anh nguyên là giáo viên cùng dạy học với tôi ở Hải Phòng, nhưng đã chuyển về Hà Nội, nghe đâu làm ở Bộ Công an, vì anh là cháu ruột ông tướng CA nổi tiếng Nguyễn Công Tài. Thấy tôi, anh cất giọng lè nhè như của người say rượu bảo: “Cái ông Hưng này đến là rách việc”. Tôi hồn nhiên không để ý, chỉ cười rồi đi ra. Sau khi bị bắt tôi mới đoán rằng anh bạn đồng nghiệp cũ có lòng tốt cảnh báo để tôi khỏi sa bẫy. Nhưng lúc đó tôi hoàn toàn ngây thơ và tự tin việc xin thơ Hoàng Cầm chẳng có vấn đề gì mà phải đề phòng!

Ngày Hoàng Cầm hoàn thành việc chép VKB, tôi muốn nhân đó có một cuộc liên hoan nhỏ với các bậc đàn anh để ăn mừng và cũng là để chia tay lên đường vào lại Sài Gòn. Ông Trần Thiếu Bảo đề nghị làm ngay tại nhà ông ấy, như cũng để khai trương quán của ông. Đầu bếp là Phan Tại, nhà viết kịch và cũng là đồng phạm của ông trong vụ xử án “gián điệp phản động Nhân văn – Giai phẩm” năm 1960. Trong bữa ăn vui vẻ tình cảm dạt dào giữa những người cùng tâm sự (có Hoàng Cầm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại; tôi tuy vong niên nhưng được các đàn anh cư xử như kẻ ngang hàng), ông Bảo khoe mọi người hai cái “bìa” cho tập VKB và tập thơ của tôi mà ông trình bày theo lối siêu thực (Trước đó ít lâu, tôi có khoe một tập bản thảo thơ “chui” của mình cho một số bạn văn nghệ ở Hà Nội, trong đó có Nguyễn Thuỵ Kha, tập thơ gây ấn tượng khá mạnh vì sự phá cách của nó. Ông Bảo xin mượn ít hôm). Sau liên hoan, ông Bảo đề nghị tôi cho ông mượn tiếp tập ấy cùng với tập VKB vừa mới hoàn thành.

Những ngày sau đó, tôi lo chuẩn bị để lên đường, nên định bụng trước khi đi mới đến nhà ông Bảo lấy lại hai tập thơ. Không hiểu sao ông Bảo rất sốt ruột, ngày nào cũng đến nhà bà chị tôi (là nơi tôi ở nhờ trong thời gian lưu lại Hà Nội) thúc giục tôi tới lấy! (Sau mới ngã ngửa ra là Trần Thiếu Bảo bị CA khống chế, phải làm chỉ điểm cho họ, ít ra là trong vụ VKB này. Nếu vì lý do gì đó mà tôi không đến lấy hai tập bản thảo, thì vụ án bị hẫng to!)

Hoá ra họ đã sắp xếp rất chu đáo để “cất vó” VKB mà tôi là một con cá hẩm hiu ở đâu đến chui đầu vào lưới. Sau này một anh CA quen thân với gia đình anh cả tôi còn cho biết họ đã bí mật theo dõi, quay phim tôi suốt nửa tháng trời mà tôi không hề để ý!

Chiều 17/8/1982, sau khi sắp xếp xong hành lý để đi chuyến tàu tối xuống Hải Phòng và sáng hôm sau đi tàu biển vào Sài Gòn, tôi đến nhà Trần Thiếu Bảo lấy lại 2 tập thơ. Vào trong quán, tôi thấy hai người đàn ông đang ngồi uống nước. Sau vào trại giam đi “cung” mới biết đó là ông Khổng Minh Dụ ở A25, sau này sẽ là Thiếu tướng Cục trưởng và cũng là “nhà thơ”, và anh Thuận, trợ lý của ông, sau này sẽ là Cục phó Cục chống Bạo lọan. Tôi cứ hồn nhiên cầm tập thơ đi ra, lên xe đạp phóng. Được một đoạn, bỗng có hai anh thanh niên đèo nhau xe gắn máy ép tôi vào lề đường. Hai anh nhảy xuống, giữ tôi lại, bảo: “Cái xe đạp anh đang đi là xe của chúng tôi bị mất cắp”. Tôi kinh ngạc, vì tôi đang đi chiếc xe của bà chị ruột. Đang cãi qua cãi lại, thì một công an mặc sắc phục ở đâu tiến tới, nói: “Các anh lộn xộn gì thế, mời về đồn giải quyết”. Đồn CA gần đấy là đồn Hàng Bạc. Vào trong đồn, anh CA xưng là đồn trưởng, yêu cầu tôi bỏ hết các thứ trong túi xách ra. Thấy tập bản thảo của Hoàng Cầm, anh ta hỏi: “Cái gì thế này? Thơ à? Thơ của ai đây?”. Tôi đáp: “Của Hoàng Cầm.” “Hoàng Cầm là ai? Anh ngồi đây đợi, cái này tôi phải xin ý kiến cấp trên”. Tôi ngu đến mức vẫn chưa biết đây chỉ là một màn bi hài kịch dàn dựng sẵn.

Sau khoảng 20 phút chờ đợi, anh đồn trưởng bước vào, bảo: “Đây là ý kiến cấp trên”. Anh giở ra một tờ giấy, đọc: “Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp” vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Thế là nhanh như cắt, hai anh thanh niên “mất xe đạp” lúc nãy hiện nguyên hình là CA, áp giải tôi lên xe bịt bùng, đưa về… Hoả Lò!

Ngày 20/8/1982 thì đến lượt Hoàng Cầm bị bắt. Còn Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy đang ở Sài Gòn chuẩn bị bay về Canada. May được Dương Tường kịp báo hung tin, anh gửi ngay tập bản thảo VKB cho Cao Xuân Hạo giữ, ra sân bay vô tang. (Tuy nhiên, khi khám xét hành lý của tôi, CA thu được một bức thư Hoàng Cầm nhờ tôi đưa cho Nguyễn Mạnh Hùng khi vào Sài Gòn, thư dán kín nên tôi không biết nói gì trong đó). Hùng bị cấm cửa về Việt Nam trong suốt 20 năm. Chuyến anh trở lại Việt Nam sau 20 năm ấy, lần đầu tiên hai người “đồng phạm” bất đắc dĩ chúng tôi mới gặp nhau.

Sau khi tôi và Hoàng Cầm bị bắt, tin đồn lung tung, có cả tin tôi bị bắt vì mang thuốc phiện lậu! Theo nhà báo Trần Đức Chính, TBT tờ báo của Hội Nhà báo VN, thì có tờ báo hồi ấy đăng tải cả một chuyện vụ án mang tên “Vụ án hai ông Hoàng” với nhiều tình tiết ly kỳ! Gần đây, một số sách báo ở nước ngoài và trên mạng vẫn viết là Hoàng Hưng bị bắt vì âm mưu chuyển tập thơ VKB vào sứ quán Pháp! Mới biết trí tưởng tượng của người ta phong phú thật!

Kết cục của vụ án tóm tắt như sau: Hoàng Cầm sau mấy tháng bị giam thì kiệt sức vì bị khủng bố tinh thần liên tục mà lại không có nàng tiên nâu trợ lực, phải nhận tội phản động, chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống chế độ, để mong sớm được ra.

Tôi không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa Lò. Sau mấy tháng không thuyết phục được tôi thừa nhận VKB là “phản động”, CA để tôi nghỉ một hơi dài. Rồi bỗng một hôm tôi lại được gọi đi “làm việc”. Người CA đưa tôi vào một phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong đó. Mà lại có một tập giấy thếp viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì… trời ơi, đó là bản tự khai của Hoàng Cầm, tôi nhận ra chữ viết rất nắn nót, đẹp, của ông. Tôi đọc lướt, càng đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các ý tưởng chống Đảng, đả kích chế độ… trong tập thơ. Để cho tôi một mình đọc xong, người ta mới đưa tôi trở lại phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm việc” có một cái cổng lớn, sau khi “làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản giáo” ra nhận để đưa vào buồng giam). Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: “Anh nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?” Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì, từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau. Với tôi, tự buộc mình phải hèn để có thể tồn tại là điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ.

Nhưng trong lúc Hoàng Cầm ngong ngóng CA thực hiện lời hứa (?) cho về vào dịp Tết, thì một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh vận động đã gửi thư cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá phán một câu xanh rờn: “Nước ngoài can thiệp hả? Thế thì giam thêm 1 năm nữa cho biết!” (theo lời Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi, đăng trên talawas mở đầu tập VKB 5/4/2007). Thế là Hoàng Cầm bị giam tổng cộng 16 tháng (20/8/1982 – trước Noel 1983).

Còn bản thân tôi, chỉ vì tội bướng, mà bị CA lục tung nhà trong Sài Gòn suốt một ngày trời. Họ tìm ra một số trang nhật ký bằng văn vần làm từ đầu thập kỷ 1970 mà CA nhận định là “phản động gấp 100 lần thơ Hoàng Cầm” (lời ông Khổng Minh Dụ). Sau gần ba năm điều tra rất công phu mà không tìm thấy gì chứng tỏ tôi nằm trong đường dây liên lạc với bọn “văn nghệ sĩ phản động hải ngoại”, cuối cùng, nhờ là “cán bộ nhà nước phạm tội lần đầu”, tôi được đặc ân “chỉ xử lý hành chính nội bộ chứ không bị truy tố ra toà” (lời viên CA khi công bố lệnh “tập trung cải tạo” dành cho tôi). Mãi đến cuối năm 1985, nhờ không khí chính trị có phần nới lỏng trước Đổi mới, và nhờ người anh ruột là bác sĩ phục vụ các cán bộ cao cấp đứng ra bảo lãnh, tôi mới được về sau 39 tháng tù, với cái lệnh tha mang tội danh được cải thành “lưu truyền văn hoá phẩm đồi trụy” (!) Không hiểu sao lại có sự cải đổi từ “văn hoá phẩm phản động” sang “đồi trụy” như thế? Chắc là CA không muốn có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ có tội danh “phản động” trong luật pháp Việt Nam, cũng như họ không bao giờ thừa nhận có “tù chính trị” vậy. (Những người bạn vong niên của tôi bị tù đầy trong vụ án “xét lại” khi ra tù không ai được cầm lệnh tha hay giấy ra trại!)

Một điều an ủi lớn cho tôi: bị nhà nước bỏ tù, nhưng tôi được đồng nghiệp bạn bè cảm thông. Thời gian tôi bị bắt, có chuyện được coi là hy hữu: Báo Người Giáo viên Nhân dân, cơ quan tôi, hết sức bênh vực tôi. Báo còn trả lương đều đặn và gửi quà cho tôi, bất chấp CA phàn nàn; phải 2 năm sau, khi CA công bố lệnh tập trung cải tạo với tôi, báo mới đành ngưng việc ấy và Bộ Giáo dục mới ra quyết định “cho ông Hoàng Hưng thôi việc vì vi phạm pháp luật bị tập trung cải tạo” (chứ không “buộc thôi việc” như thường thấy trong các vụ tương tự). Người có vai trò lớn trong chuyện này là nhà báo Trường Giang, Bí thư Chi bộ Đảng, Thư ký Toà soạn báo NGVND. Ở Sài Gòn, gia đình tôi lâm vào cảnh “vợ dại con thơ” cực kỳ khốn đốn, có những bữa phải ăn chuối trừ bữa, nhưng bù lại đã nhận được sự thông cảm yêu thương của tất cả bà con khu phố, kể cả anh cảnh sát khu vực, của các thầy cô gíao dạy cháu Hoàng Ly.

Sau khi ra tù, Hoàng Cầm mất hằng năm trời sống trong trạng thái thường trực hoảng loạn, hậu quả của thời gian tù ngục. Nhờ sự động viên của bạn bè văn nghệ ông mới dần dần hồi phục. Sau Đổi mới, thơ Hoàng Cầm bắt đầu tái xuất, nhưng riêng VKB còn bị CA ngăn trở dài dài cho đến tận năm 1994 mới ra mắt được. Hoàng Cầm trở thành gương mặt của truyền thông không thua gì các “sao”, cuối cùng ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học (2007). Tuy nhiên, cho đến khi ông qua đời (tháng 5/2010), chính quyền không hề có một lời minh oan hay xin lỗi, đừng nói gì đến bồi thường cho những năm tù đầy oan ức của ông.

Còn tôi, ngay sau khi tôi ra tù, GS Nguyễn Văn Hạnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, thầy dạy cũ của tôi ở Khoa Văn Đại học Sư phạm, ngỏ ý sẵn sàng nhận tôi làm việc ở cơ quan Bộ. Nhưng tôi chọn tiếp tục nghề báo, và năm 1988, tập Ngựa biển bao gồm hầu hết những bài thơ trong tập bản thảo của tôi bị CA tịch thu năm 1982, là tập thơ “ngoài luồng” đầu tiên tự xuất bản ở nước ta sau Đổi mới, nhờ được anh Trương Văn Khuê, Giám đốc NXB Trẻ cương quyết bảo vệ. Từ đó tôi in thơ bình thường. Riêng tập thơ Ác mộng viết về những trải nghiệm tù đầy thì đến nay vẫn bị các nhà xuất bản từ chối. Tuy nhiên một số bài trong đó đã được công bố nhờ sự “chịu chơi” của nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB Văn hoá – Thông tin, rồi sau đó bài “Người về” được đưa vào những tuyển thơ quan trọng nhất; bản tiếng Anh của nó (Nguyễn Đỗ và Paul Hoover dịch) được đưa vào dự án Tổng tập văn học thế giới của một tập đoàn xuất bản quốc tế danh tiếng. Riêng có chuyện xuất cảnh thì tối kỵ. Chắc người ta ngại tôi ra ngoài sẽ trở thành nhân chứng sống cho “thành tích nhân quyền” của chế độ. Mãi đến năm 2000, do một đồng nghiệp bảo lãnh trực tiếp với ông Tổng cục trưởng An ninh, tôi mới được ông đích thân cho phép ra khỏi nước mà không kèm “điều kiện” nào.

Có hai chuyện thú vị về “hậu vụ án VKB”:

Năm 2002, khi tôi về hưu tại báo Lao động, do khiếu nại của tôi, báo Lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lương hưu cho tôi theo cả thời gian làm việc trước khi bị bắt (quy định phi lý phi nhân của Bộ này là vứt bỏ hết thời gian làm việc của cán bộ công nhân viên trước khi họ bị kỷ luật hay bắt giam, như đã áp dụng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn). Lý do được nêu rõ trong công văn: Ông Hoàng Hưng bị bắt giam vì cầm tập thơ VKB của Hoàng Cầm mà thời đó coi là phản động, nay xã hội đã có nhìn nhận khác, quyền lợi của ông Hoàng Hưng phải được trả lại. Kiến nghị bị từ chối. Nhà báo Nguyễn Thị Hằng Nga, đại biểu Quốc hội, bèn đưa thẳng hồ sơ cho bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng, thế là Bộ này quay 180 độ, đổi ngay quyết định, phá lệ!

Năm 2005, trên một chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội, tình cờ tôi ngồi ngay bên cạnh một viên CA trực tiếp hỏi cung tôi trong vụ VKB. Quả đáng tội, hồi đó ông và tôi đã từng khá căng thẳng với nhau. Nay ông giữ một chức vụ quan trọng trong ngành an ninh. Ông vui vẻ chủ động bắt chuyện. Ông nói nhiều chuyện về văn nghệ, rồi bỗng bảo tôi thế này: “Tập thơ VKB hay thật! Anh phải viết một kịch bản phim về nó đi! Tôi biết chỉ có anh là viết được thôi!”

Lạy Trời! So với bao nhiêu người chịu oan khiên cho đến lúc chết mà chẳng ai biết đến, như ông Lê Nguyên Chí trong vụ Nhân văn – Giai phẩm chẳng hạn, thì Hoàng Cầm và tôi thế là còn có phúc lắm! Nhớ lại lời ông CA họ Khổng phán khi tôi cãi rằng nhật ký của tôi để trong nhà, có lưu truyền đâu mà các ông bắt tội? Ông nói ngay: “May cho anh đấy! Anh mà lưu truyền thì đi tù không có ngày về”.

Kỷ niệm 25 năm ngày ra tù (30/10/1985 – 2010)


Quan hệ đặc biệt giữa Phạm Duy và Hoàng Cầm

Hoàng Cầm và Phạm Duy có mối quan hệ đặc biệt. Như Phạm Duy cho biết thì bắt đầu vào khoảng cuối năm 1947.

“Tôi và Ngọc Bích vác ba lô đi tìm Bộ Chỉ Huy của Khu XII. Ở đó, tôi gặp Hoàng Cầm. Nó đang chuẩn bị thành lập một đội văn nghệ cho chiến khu này cùng với nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, diễn viên Trúc Lâm và vợ chồng Văn Chung, đôi uyên ương này cũng đã bỏ Đoàn Văn Nghệ Giải Phóng của Phạm Văn Đôn và lò mò sang đây. Có thêm vài ba mầm non mới gia nhập đoàn văn nghệ như Hiền thổi saxo chẳng hạn. Tôi và Ngọc Bích nhập ngay vào cái đội văn nghệ chỉ có vỏn vẹn bẩy, tám người đó để từ Bộ Chỉ Huy, chúng tôi đi lưu diễn ở những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm. Nó đang sống chung với Tuyết Khanh, nữ kịch sĩ của một đoàn kịch do nó và Hoàng Tích Linh thành lập vào khoảng đầu thập niên 40 là đoàn ĐÔNG PHƯƠNG. Tuyết Khanh là người thủ vai chính trong vở kịch thơ Người Điên của Hoàng Cầm.

Đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến, Tuyết Khanh, mà lúc đó Hoàng Cầm cũng đổi luôn tên là Kiều Loan, đang có thai và bắt buộc phải ở lại vùng trung du để Hoàng Cầm và chúng tôi lên đường đi lưu diễn. Trong bữa cơm đạm bạc để chia tay nhau giữa hai vợ chồng Hoàng Cầm tại Phố Nỉ (Bắc Giang), tôi còn nhớ cảnh Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà rồi đây nó sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi...

Còn nhớ có một lần, tôi và Hoàng Cầm ngâm bài thơ Đêm Liên Hoan cho bộ đội nghe 15 phút trước giờ tấn công đồn địch. Sau đó một anh bộ đội đã nói: ''Tôi vào giữa đồn mà vẫn còn nghe tiếng ngâm thơ của các anh văng vẳng ở trong đầu''. Thế mới biết sức mạnh của văn nghệ.

Phải ghi nhận một điều rất quan trong là tác dụng của bài thơ. Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ (súng không giật) hay bazooka vân vân... Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không thể nào thành công nếu không có những tác phẩm văn nghệ như những bản nhạc của Văn Cao, và những bài thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng...

Tình hình chiến sự ở Cao-Bắc-Lạng đã trở nên vô cùng quan trọng do đó Khu XII bấy giờ được sát nhập và Quân Khu I để tiện cho việc điều quân của Bộ Tổng Tư Lệnh. Đội Văn Nghệ của chúng tôi không còn là của Khu Ủy nữa mà vào nằm trong Bộ Chỉ Huy của một Trung Đoàn mà tôi đã quên mất phiên hiệu rồi - phải chăng là Trung Đoàn 28? Hoạt động của chúng tôi bị hạn chế hơn trước. Nhân viên bị giảm bớt. Trong đoàn đã có người có ý định bỏ Đội Văn Nghệ ra đi.

Một ngày lạnh cóng và ẩm ướt vì những giọt mưa cuối cùng của mùa Xuân, Ngọc Bích và tôi giã từ Hoàng Cầm và rừng núi Lạng Sơn, vác ba lô lên đường. Lúc này chúng tôi không còn là văn nghệ sĩ của Cục Chính Trị nữa.

Phạm Duy đã tìm về Thanh Hóa tham gia phong trào văn nghệ của Khu IV, tham gia Đoàn công tác tuyên truyền đi Bình Trị Thiên, cùng vợ ra Việt Bắc dự Hội nghị Văn nghệ toàn quốc, rồi lại quay về Thanh Hóa. Tháng 5-1951 Phạm Duy cùng gia đình vợ về Hà Nội và sau đó vào sống tại Sài Gòn.

Khi Hoàng Cầm mất năm 2010, Phạm Duy từ thành phố Hồ Chí Minh đã bay ra, có đến viếng, tiễn đưa bạn.

Phạm Duy làm Tình Cầm

Phạm Duy kể trong hồi ký:

“Lúc đó tôi không có trong tay tập thơ Ðường Về Kinh Bắc, tôi chỉ sưu tầm được dăm ba câu thơ ở nơi này, nơi nọ trên đường đi hát rong cho nên khi phổ nhạc, tôi phải phóng tác thêm vào những câu thơ ngắn ngủi của thi sĩ để soạn ra bốn bài Hoàng Cầm Ca. Ðó là những bài Lá Diêu Bông, Qua Vườn Ổi, Cỗ Bài Tam Cúc, Ðạp Lùi Tinh Tú...”

“Bài Lá Diêu Bông quyến rũ tôi ngay lập tức khi tôi vừa đọc xong bài thơ thiếu đầu thiếu đuôi. Mở đầu, Hoàng Cầm đưa ra hai câu thơ rất thân thiết, đó là lời nhắn nhủ của một người chị nói với đàn em:

Ðứa nào tìm được lá diêu bông

Từ nay tao sẽ gọi là chồng!

Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Ðình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp. Với bài thơ này, Hoàng Cầm đưa ra câu chuyện một chị đàn bà xấu xí, muốn có bộ mặt đẹp nên dỗ dành đàn em đi tìm hộ chị thứ lá thẩm mỹ này...

Vài ngày sau em tìm thấy lá

Chị chau mày: đâu phải lá diêu bông?

Mùa Ðông sau em tìm thấy lá

Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.

A! Chị muốn có chiếc lá thần dược để làm cho mặt chị đẹp? Chỉ vài ngày sau đã có người tìm ra chiếc lá. Ðó là chiếc lá dân tộc, giản dị là như vậy! Nhưng chị chau mày bảo rằng: đó không phải là lá diêu bông! Rồi một năm qua đi, nhớ lời chị nhắn nhủ, lại có người tìm ra chiếc lá, nhưng chị vẫn chưa chịu chấp nhận nó, cho nên chị lắc đầu, ngoảnh mặt đi, nhìn nắng vãn bên sông... Bài hát tiếp tục:

Ngày cưới chị, em tìm thấy lá

Chị mỉm cười, se chỉ cắm trôn kim.

Chị đã ba con, em tìm thấy lá

Xoè tay, phủ mặt, chị không nhìn...

Khi cho rằng không có ai tìm ra chiếc lá thần diệu nên chị bèn đi lấy chồng, thì vào ngày cưới chị, vẫn có người đem lại cho chị chiếc lá thẩm mỹ của dân tộc. Nhưng than ôi, chị đã ''lỡ bước sang ngang'' nên chị mỉm cười, chị se chỉ, chị cắm vào lỗ trôn của cây kim, chị khâu vá cuộc đời vong thân của mình rồi! Tới khi chị có ba đứa con, vẫn còn có người nhớ tới chuyện chị muốn có chiếc lá diêu bông và muốn đem lại cho chị chiếc lá thần diệu đó thì chị xoè tay phủ mặt, chị không nhìn, hay chị không muốn nhìn ra cái lá có thể làm cho chị đẹp được nữa!

Với những câu thơ cuối của bài Lá Diêu Bông, Hoàng Cầm muốn nói rằng: Không ai có thể làm cho người chị khó tính này tốt đẹp được vì dù có tìm thấy chiếc lá thẩm mỹ nhiệm mầu thì cũng không được chị chấp nhận:

Từ thuở đó, em (Hoàng) cầm chiếc lá

Nơi đầu non, cuối bể, em đi...

Lời vi vút, gió quê lắng gọi

Diêu bông hời hời hỡi diêu bông!

Em đi trăm núi nghìn sông

Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ?

Với bài thơ phổ nhạc này, tôi đã thay mặt Hoàng Cầm, trong nhiều năm, đi trăm núi nghìn sông, nghĩa là đi khắp mọi nơi trên thế giới để rao giảng cho mọi người nghe những ''thông điệp nhân văn'' của thi sĩ. Ngoài việc nói lên cái xấu xí và sự mù quáng của một người chị, bản Hoàng Cầm Ca -- Lá Diêu Bông còn đặt ra vấn đề đãi ngộ đàn em nữa. Người chị muốn lũ đàn em tìm đủ mọi cách để tô son điểm phấn cho chị rồi chị sẽ đãi ngộ, chị sẽ lấy làm chồng kia mà... Nhưng chẳng bao giờ chị biết nghe tiếng nói trung thực của đàn em, nói gì đến chuyện đãi ngộ?

Một thời gian sau khi cùng bị đàn áp với các văn nghệ sĩ chống đối khác như Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần... Hoàng Cầm cho luân lưu tại miền Bắc một tập thơ truyền tay nhan đề Về Kinh Bắc. Ðó là những bài thơ ẩn dụ, nếu đọc lên thì bất cứ ai nghe cũng thấy bàng bạc những hình ảnh và mầu sắc tuyệt vời của quê hương nhưng không ai hiểu Hoàng Cầm muốn nói gì trong đó..”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài BBC về Hoàng Cầm cùng Hoàng Hưng tôi có nói đại ý:

Trở lại bối cảnh xã hội Việt Nam đầu những năm 80, Phạm Duy làm Ngục Ca phổ nhạc một chục bài thơ viết trong tù của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đang bị giam giữ. Ngục Ca và Cầm Ca của Phạm Duy càng làm cho không khí văn nghệ hải ngoại và phong trào kháng chiến hải ngoại phức tạp thêm. Từ các căn cứ, chiến khu ở Thái Lan những toán quân biệt kích của Hoàng Cơ Minh, của Võ Đại Tôn tìm cách xâm nhập vào Tây Nam Bộ, vào Tây Nguyên. Miền Trung thì có Phong trào Phun rô. Nhiều toán phản động gây bạo loạn. Làn sóng người vượt biển tỵ nạn. Các đài phát thanh tâm lý chiến, sách báo, băng nhạc, băng video hải ngoại chống Việt Nam. Bối cảnh chung đó ít nhiều là lý do cho việc ngăn chặn ý định đưa một tập bản thảo như Về Kinh Bắc ra nước ngoài.

Vẫn hậu quả của Về Kinh Bắc

Sau khi bị giam 18 tháng, Hoàng Cầm được thả về, ông bị bệnh tâm thần từ 1985 đến 1987. Lần này, bi kịch không chỉ đến với Hoàng Cầm, mà còn xẩy ra cho bà Lê Hoàng Yến, người vợ chung sống cùng ông từ tháng 5/1955. Bà Yến mất năm 1985, trong hoàn cảnh vô vọng: "...bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. (...) Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo." (Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI).

Khi hỏi về nguyên do, bệnh trạng, Hoàng Cầm cho biết:

"Sau khi tôi bị giam cầm 18 tháng, từ đó đến khi được về thì những bác sĩ quen của tôi họ đều thống nhất một điểm là tâm thần của tôi tự nhiên nó bị ở hai dạng:

- trước tiên là hoảng loạn,

- thứ hai là trầm uất.

Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là frein ô-tô rít lên ở ngoài cửa -mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ- nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi. Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm gì mình cả.

Thứ hai là dạng trầm uất. Có khi cả ngày tôi không nói một lời. Bạn bè đến, tôi vẫn cứ tỉnh táo đi pha trà mời mọi người có vẻ lịch sự lắm. Nhưng đến khi người ta hỏi tôi về bất cứ một cái gì đó thì tôi không trả lời hoặc là trả lời gióng một.

Năm 87. Có độ 7, 8 anh em nhà văn trẻ như là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Minh, v.v... ở trong Huế ra chơi, họ đến nhà anh Phùng Quán. Họ nhờ anh Phùng Quán đưa xuống thăm tôi. Tôi cũng vẫn có vẻ như vui mừng được gặp những người anh em xưa nay người ta mến mình thì cũng vẫn giữ một thái độ thân ái thôi. Nhưng đến khi Hoàng Phủ Ngọc Tường hỏi rằng: Anh có dự định sáng tác gì nữa không, thì tôi lắc đầu không trả lời thành tiếng gì cả. Lắc đầu. Cứ lắc đầu hoài. Thế rồi họ hỏi cái gì tôi cũng lắc đầu. Chỉ lắc đầu mà tôi không nói gì hết. Phùng Quán thấy thế cho rằng tôi suy sụp hòan toàn về tinh thần. Ðó là đầu năm 87. Phùng Quán có vẻ bực tức cái chuyện ấy lắm mới chạy đến nhà anh Lê Ðạt, bảo anh Lê Ðạt: "Bây giờ anh Hoàng Cầm bị tình trạng như thế này thì chỉ có anh mới giúp anh ấy được, chứ em trông thấy thế này thì em sợ lắm, và em nghĩ rằng một tài năng như anh Hoàng Cầm mà bị như thế này thì chúng ta sẽ hết sức thiệt thòi, anh ấy không còn có thể viết một cái gì được nữa." Lê Ðạt thì vững vàng hơn. Lê Ðạt chỉ bảo Phùng Quán rằng: "Rồi cái đó nó cũng sẽ qua đi. Tôi tin rằng Hoàng Cầm không bao giờ là người sẽ suy sụp." Phùng Quán vẫn không tin Lê Ðạt, bèn về viết một bài, nó cũng không phải là thơ, là một ý kiến, có vần, có điệu, coi như một bài thơ, nó thế này này:

Tôi tin núi tàn

Tôi tin sông lấp

Tôi không thể nào tin

Một nhà thơ như anh

Lại ngã lòng suy sụp.

Một nhà thơ đã từng viết những câu thơ lẫm liệt

Trong tiểu đội của anh những ai còn ai mất

Không. Không ai còn ai mất

Ai cũng chết mà thôi

Người sau kẻ trước lao vào giặc

Giữ vững nghìn thu một giống nòi"

(Hoàng Cầm trả lời RFI)

Phùng Quán đã chép bài thơ lên một tờ giấy to và dán lên tường nhà cho Hoàng Cầm luôn thấy. Bài thơ có sức động viên Hoàng Cầm rất lớn.

Tình cảm bạn bè cộng với không khí đổi mới, những giải tỏa cho vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã làm cho tâm tư Hoàng Cầm dần ổn định. Hoàng Cầm bình phục trở lại.

Một người phụ nữ yêu thơ Hoàng Cầm

Theo Wikipedia Thích Nữ Chân Không hoặc Bùi Thị Cần Thơ tên thật là Cao Ngọc Phượng.

Cao Ngọc Phượng, sinh năm 1938 tại Bến Tre, Việt Nam, vùng trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Là con thứ tám trong số chín đứa con trong một gia đình trung lưu. Năm 1958, bà vào trường Đại học Sài Gòn để nghiên cứu sinh học. Bà cũng tham gia vào hoạt động chính trị, trở thành người lãnh đạo sinh viên tại trường đại học, dành phần lớn thời gian để giúp đỡ người nghèo và đau ốm trong các khu nhà ổ chuột của thành phố.

Lần đầu tiên bà gặp được Thích Nhất Hạnh vào năm 1959 và đã chọn ông làm sư phụ của mình. Năm 1963 bà đi Paris để học tiếp chuyên môn sinh học và tốt nghiệp năm 1964. Năm đó, bà quay về Việt Nam và cùng với Thích Nhất Hạnh trong việc thành lập trường Đại học Vạn Hạnh, và Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services - SYSS). Bà là nhân tố trung tâm của nhiều hoạt động của chương trình SYSS, tổ chức các cơ sở y tế, giáo dục và nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam trong chiến tranh. Có lúc, SYSS đã có hơn 10.000 tình nguyện viên hòa bình trẻ tuổi đi xây dựng lại nhiều ngôi làng bị tàn phá bởi chiến tranh. Khi thầy Thích Nhất Hạnh sang Hoa Kỳ, Cao Ngọc Phương vận hành các hoạt động hằng ngày.

Vào ngày 5 tháng 2 năm 1966, Cao Ngọc Phương là một trong sáu thành viên đầu tiên được thọ giới của Dòng tu Tiếp Hiện, đôi khi được gọi là "Sáu cây Đại thụ". Sau khi được thọ giới, nhận được tên hiệu là Chân Không, Chân trời Không. Giải thích ý nghĩa của cái tên, bà nói: "Trong Phật giáo, thuật ngữ ‘trống rỗng’ được dịch từ ngữ Sunyata tiếng Phạn, có nghĩa là ‘trống rỗng của một cái tôi riêng biệt’. Nó không phải là một từ ngữ tiêu cực hoặc tuyệt vọng, nó là một sự kết hợp của sự liên kết, nó có nghĩa là không có gì có thể tồn tại một mình, rằng tất cả mọi thứ gắn bó chặt chẽ với mọi thứ khác.

Dòng tu Tiếp Hiện bao gồm các sư thầy, cô, thiên nam và tín nữ. Sáu cây Đại thụ đầu tiên được lựa chọn tự do khi thích sống và thực hành như những tu sĩ chính thức hay cư sĩ. Ba người phụ nữ đầu tiên đã chọn sống đời sống độc thân như các sư cô, mặc dù họ không cạo đầu, trong khi ba người nam giới có gia đình và thực hành như trong Phật giáo. Trong số ba phụ nữ có Nhất Chi Mai, người đã tự thiêu vì hòa bình một năm sau đó.

Từ năm 1969 đến năm 1972, bà cộng tác với thầy Thích Nhất Hạnh tại Paris, tổ chức Phái đoàn Hòa bình Phật giáo để vận động hòa bình cho Việt Nam. Từ đó bà cộng tác với thầy Thích Nhất Hạnh, thành lập cộng đồng Khoai Lang (Sweet Potato community) gần Paris, sau đó là Tăng đoàn Làng Mai năm 1982. Bà cùng đi và trợ giúp Thầy Thích Nhất Hạnh trong các chuyến đi. Ngoài ra, còn liên tục tổ chức các hoạt động cứu trợ cho những người cần giúp ở Việt Nam, hợp tác trong các gói cứu trợ cho trẻ em nghèo, thuốc men cho bệnh nhân và giúp tổ chức các sinh hoạt tại Làng Mai.

Chân Không thọ giới thành ni sư bởi Thầy Thích Nhất Hạnh vào năm 1988 trên núi Vultures, ở Ấn Độ.

Trong thời gian ba tháng trở lại Việt Nam (từ tháng Giêng đến đầu tháng 4 năm 2005), Hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói chuyện với hàng ngàn người trên khắp đất nước - các quan chức, chính trị gia, trí thức, những người bán hàng rong, lái xe taxi, nghệ sĩ. Đồng thời với việc thuyết pháp của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Ni sư Chân Không cũng đã giảng dạy và thực hành các thực hành chánh niệm bổ túc. Sư cô đã hướng dẫn chúng sinh trong việc hát các bài hát của Làng Mai, tụng kinh, và tổ chức các buổi “thiền định”. Những lần khác, cách đơn giản là sư cô đã áp dụng truyền thống Việt Nam vào cuộc sống hiện đại và thu hút được các tín đồ. Trong dịp Tết (năm mới của Việt Nam) vào tháng 2, bà đã thực hiện một “pháp thoại” cho hàng trăm tín đồ Phật giáo.

Vào năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo Kitô giáo, Anh giáo, và Chính Thống giáo, cũng như các nhà lãnh đạo Do Thái, Hồi giáo, Ấn giáoPhật giáo (bao gồm Ni sư Chân Không, đại diện cho thầy Thích Nhất Hạnh) gặp nhau để ký một cam kết chung chống lại hình thức tân nô lệ hóa; tuyên bố họ ký kết kêu gọi xoá bỏ chế độ nô lệ và nạn buôn người vào năm 2020.

Cuối năm 1980 Cao Ngọc Phượng gửi thư cho Hoàng Cầm.

Phạm Xuân Nguyên có viết về việc này:

“Thực chất, lá thư này và hoạt động này là nằm trong cả một chương trình thiện nguyện giúp đỡ đồng bào trong nước nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng, của tăng đoàn Làng Mai do thầy Thích Nhất Hạnh (1926 – 2022) chủ trì. Từ năm 1977 họ đã liên lạc giúp đỡ cho các văn nghệ sĩ ở phía Nam như nhạc sĩ Lê Thương, tác giả bộ ba nhạc phẩm nổi tiếng "Hòn Vọng phu". Khi viết thư và gửi quà về trong nước như vậy các thành viên của tăng đoàn thường lấy những tên họ khác nhau, cốt sao cho hợp với từng đối tượng. Người viết thư cho nhạc sĩ Lê Thương ký là Ngô Thị Phương Hương (vì nhạc sĩ gốc họ Ngô). Người viết thư cho nhà thơ Hoàng Cầm ký là Bùi Thị Cần Thơ (vì nhà thơ gốc họ Bùi). Nhưng Phương Hương và Cần Thơ chỉ là một người.

Những lá thư và những hộp thuốc do Bùi Thị Cần Thơ gửi từ Pháp về đã vực dậy sức khoẻ và khôi phục niềm hứng khởi sáng tác của nhà thơ vùng Kinh Bắc. Hoàng Cầm viết trong thư đề ngày 9/3/1981 cho người em gái xa xôi lạ mặt mà thấy gần gũi: "Anh biết trái tim em chứa một trời xanh màu xanh Cần Thơ, mắt em chứa chan cái nắng Cần Thơ và tóc em chảy dòng những dòng mưa ở một ngàn xanh nào đó của Đất Mẹ hiền. Em yêu thơ Việt, yêu thơ anh đằng đẵng và thấm đọng đến mức tìm được địa chỉ anh sau bao lần dò hỏi, điều đó chứng tỏ tình yêu quê hương trong em rất sâu, bắt nguồn từ máu. Mặc dầu em xa quê hương từ tấm bé, mà tâm hồn em là một hồn thơ, là tâm hồn Việt Nam ngàn năm. Ton âme, s'est la Muse Vietnamiene elle-même (Linh hồn em đích thực là hồn thơ của đất Việt)."

Tiếp sau đó lại là những tháng ngày người em Cần Thơ chăm sóc người thi sĩ Kinh Bắc từ xa bằng thuốc men và những lá thư khích lệ, động viên. Cho đến ngày Cần Thơ trong phái đoàn Làng Mai Quốc Tế cùng thầy Nhất Hạnh được về nước (2005) và gặp mặt lần đầu nhà thơ yêu quý. Cuộc gặp chót tại Hà Nội của người anh thi sĩ và người em sư cô là vào đầu năm 2008. Trong cuộc gặp đó mọi người ở ngoài về đã năn nỉ nhà thơ viết hồi ký về sự nghiệp thi ca của mình. Và mười trang đầu phác thảo hồi ký của Hoàng Cầm đã được Cần Thơ cho in lại ở cuối sách này. Hơn hai năm sau Hoàng Cầm qua đời thì Cần Thơ từ Pháp không về được.”

Quan hệ đặc biệt với Hoàng Cầm được bà Chân Không viết riêng 1 tập có tên là Cần Thơ về Kinh Bắc trong bộ hồi ký 4 tập do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2014, có nhiều tư liệu và thủ bút của Hoàng Cầm.

Nói thêm một, chút ngoài giúp đỡ cho Hoàng Cầm, Cao Ngọc Phượng còn giúp đỡ nhạc sỹ Lê Thương, các văn nghệ sỹ của Việt Nam Cộng hòa còn ở lại như nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh, Minh Đăng Khánh, Dương Hùng Cường, vợ chồng nhà văn Nhã Ca, Trần Dạ Từ…với nhiều tên ngụy trang khác nhau như Ngô Thị Phương Hương, Bùi Thị Cần Thơ, Nguyễn Thị Thiều Chi, Lê Thị Chín, Đào Thị Mây, Mai Thị Ngọc…Vì thế hoạt động này đã rơi vào tầm ngắm của cơ quan an ninh.

Có điều đặc biệt là khi phát hiện mối quan hệ của Bùi Thị Cần Thơ và Hoàng Cầm cơ quan an ninh đã chú ý và xem xét nhưng đã không cản trở, lặng lẽ theo dõi, để cho nhà thơ và người bạn yêu thơ ông quan hệ đúng pháp luật, như là một nguồn động viên sáng tác và giảm bớt khó khăn vật chất trong cuộc sống cho ông trong nhiều năm.

Về Kinh Bắc hồi sinh

Ngay từ năm còn là sinh viên năm thứ nhất Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội tôi đã được người bạn Trần Sơn Ngọc cho đọc mấy tờ giấy chép tay những bài thơ Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Cỏ bồng thi… Ngọc rỉ tai Đấy là thơ của Hoàng Cầm. Tôi hiểu Ngọc có được là do ông anh trai là Trần Sơn Nam tốt nghiệp khóa II Khoa Văn Tổng hợp đang công tác tại Hà Nội.

Về Kinh Bắc đã chuyền tay trong thanh niên, sinh viên Hà Nội. Có một vài nhạc sỹ như Đoàn Chuẩn (?), Ngọc Thanh đã phổ nhạc Lá diêu bông từ dạo ấy.

Trong không khí đổi mới đang sôi nổi, các tác giả chủ chốt của Nhân Văn Giai Phẩm đã được công bố tác phẩm, nhiều người được phục hồi hội tịch, được chỉnh lương hưu. Từ Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Tích Linh, Hữu Loan, Nguyễn Bính…

Năm 1987 Hoàng Cầm in tập thơ Mưa Thuận Thành ở Nhà xuất bản Văn Hóa. Trong tập này có 8 bài rút từ tập Về Kinh Bắc.

Năm 1988 ông lại in Men đá vàng ở Nhà xuất bản Trẻ.

Trong một lần gặp ông có đề nghị tôi cho ông in Về Kinh Bắc. Lúc đó một vài nhà xuất bản cấp tiến cũng đang tìm manh mối để in cuốn này. Tại Huế nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Trọng Tạo cũng chuẩn bị bản thảo. Tôi và anh Khổng Minh Dụ có một buổi làm việc với nhà văn Vũ Tú Nam Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới về việc in Về Kinh Bắc, có nhà thơ Xuân Quỳnh là biên tập cùng tham gia, đã thống nhất về nội dung. Nhưng thật đáng tiếc là Cơ quan công an Hà Nội, nơi Hoàng Cầm cư trú và tham gia vụ 1982 đã biết ý định của chúng tôi, đã phản ứng rất quyết liệt. Do vậy việc xuất bản Về Kinh Bắc phải tạm hoãn lại, kể cả ở Huế.

Sau đó bản thảo Về Kinh Bắc vẫn được đưa đến Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà xuất bản Văn học. Tại Nhà xuất bản Văn hóa, Giám đốc nhà thơ Quang Huy, một người nhiều kinh nghiệm xuất bản và tinh quái nghĩ rằng không nên đánh trực diện mà phải khôn ngoan hơn. Anh đã có va chạm với Công an Hà Nội khi in Mưa Thuận Thành. Anh cho làm bản thảo tập Bên kia sông Đuống với tít phụ Thơ chọn lọc 1942-1992 gồm 56 bài có Bên kia sông Đuống, Tiếng hát Quan họ, vài chục bài thơ tình cũ cộng mới, khoảng hơn 40 bài cơ bản của Về Kinh Bắc nhưng xáo trộn vị trí lung tung. Bản thảo và việc in ấn được tiến hành bí mật. Sách ra, công an Hà Nội mới biết nhưng trước lý lẽ cứng rắn của Quang Huy họ không phản ứng nữa vì trên Bộ chúng tôi đã im lặng. Bên kia sông Đuống được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Bên Nhà xuất bản Văn học nhà thơ Lữ Huy Nguyên nhận tin vui của anh Quang Huy. Xin nói thêm cả hai anh đều là đồng môn ở Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và có thời gian đã cùng lãnh đạo Nhà xuất bản Văn hóa, cùng nhiệt tình ủng hộ đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng. Trong lúc làm bản thảo Về Kinh Bắc anh Lữ Huy Nguyên có hỏi tôi Mình in Về Kinh Bắc nhé. Tôi bảo nửa đùa nửa thật Anh cứ in, coi như tôi không biết. Thế là tám tháng sau Về Kinh Bắc ra đời, khổ sách và hình thức đẹp hơn Bên kia sông Đuống. Nhà thơ Hoàng Cầm và những người ủng hộ anh đều vui mừng. Sách bán hết ngay, Nhà xuất bản Văn học phải tái bản.

Tính từ lúc lúc tác giả hoàn thành bản thảo, ra đời chuyền tay, bị truy đuổi đến lúc xuất bản chính danh, trọn vẹn của cuốn sách là 35 năm. Nếu như Về Kinh Bắc được ra đời đúng lúc thế nào nó cũng có tác động vào dòng chảy thơ ca hiện đại. Tiếc rằng do thời điểm xuất hiện quá muộn, do định kiến, do nội dung khó hiểu của nó Về Kinh Bắc ít được giới phê bình chú ý hoặc là né tránh, không được Hội nhà văn để ý tới. Trong danh mục tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của Hoàng Cầm không có tên tập Về Kinh Bắc.

Nhưng dù sao nó vẫn còn may mắn so với nhiều bản thảo khác.

Năm 2022 kỷ niệm 100 năm Hoàng Cầm đã được tổ chức ở Hà Nội và Bắc Ninh. Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in lại Về Kinh Bắc khổ 18/24, giấy tốt, bìa cứng, trình bày đẹp, đủ cả những phác thảo bìa, minh họa của Văn Cao, Hoàng Cầm, Bùi Xuân Phái, Trần Thiếu Bảo. Cầm bản in này tôi nghĩ chắc linh hồn Hoàng Cầm, Vũ Tú Nam, Xuân Quỳnh những người có ý định khai sinh thất bại cho Về Kinh Bắc năm 1988 tại chính Nhà xuất bản Hội Nhà văn chắc sẽ rất vui lòng.

Tin rằng Về Kinh Bắc vẫn còn sống với những thế hệ trong tương lai.

Tháng 11-2023