Vanvn- Cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hóa uyên bác. Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn và hàng mấy chục kịch bản các Lễ hội, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông sinh năm 1947, quê ở Trực Ninh, Nam Định, và qua đời năm 2016 vì trọng bệnh.
Với sức làm việc đáng kinh ngạc nêu trên, người ta có thể gọi Nguyễn Khắc Phục là “vua kịch bản” của những lễ hội văn hóa. Khi tôi đề cập vấn đề này, ông tâm sự: “Mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, với khối lượng tác phẩm đồ sộ kể trên, nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng được bạn bè ví như một “Phu văn lực điền” trên cánh đồng chữ nghĩa.
Khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết về người bạn thân Nguyễn Khắc Phục như thế này: “Dù tê giác là loài thú quí hiếm, hiện còn tồn tại mấy con ở rừng già Việt Nam thì cũng như con rồng, ít ai biết tới. Thế nhưng tê giác là linh vật được Kinh Phật nhắc tới ý niệm về sự khỏe mạnh và trường tồn, đã ám ảnh một thằng người có tên là Nguyễn Khắc Phục, sinh vào hào lục, quẻ càn của tử vi; cất tiếng gọi mẹ đầu tiên vào giờ liên không; bởi thế, có tài mà đa đoan; cả đời đi tìm tri âm tri kỷ mà số đông chẳng mấy ai hiểu. Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nào phim, nào kịch, nào thơ, nào lý sự đông tây, nào báo chí, nào tiểu thuyết. Rút cục thì một câu hỏi lớn, lúc tóc đã bạc phơ, chân đi chếnh choáng, tim đập thất thường, gã vẫn không trả lời nổi: Liệu có đến được không, ngôi đền của cái Đẹp đang lộng lẫy tồn tại ở đường chân trời ?”.
Tuy “vang bóng” trên văn đàn như vậy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục lại là một người có nếp sống rất giản dị và dân dã. Trong mấy thập niên trước khi qua đời, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng “khủng”. Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hàng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản.
Trong thời gian viết kịch bản “Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn đang đi ở trọ thuê, sống một mình lặng lẽ, cặm cụi viết kịch bản, viết tiểu thuyết và vẽ tranh sơn dầu như “nhập đồng” ở một xó xỉnh nào đó trong cái nội đô đầy bụi bặm và huyên náo của Hà Nội phố. Có hôm, tôi giật mình khi nghe nhà văn Văn Chinh kể lại chuyện, có lần ốm quá, nằm bê bết một thân, một giường, không ai chăm sóc, cả tuần liền không dậy được, Nguyễn Khắc Phục mới thều thào gọi điện thoại cho Văn Chinh xuống “cõng” ông đi bệnh viện.
Hôm ngồi uống bia với hai nhà văn này ở một quán gần Ô Chợ Dừa, tôi thấy họ “chiều chuộng” nhau lắm mặc dù cá tính hai người văn có vẻ khác biệt nhau. Văn Chinh bảo: “Cái lão này gàn lắm, già lão, ốm đau, đã ba lần phải vào bệnh viện phẫu thuật mà vẫn chỉ thích sống một mình, suốt đêm hì hụi viết lách rồi lại vẽ vời, lấy hơi sức đâu mà sống nữa”. Nguyễn Khắc Phục cười mỉm nhẹ nhàng, nghiêng mái tóc bạc xuống bảo: “Ngày chỉ cần hai cốc bia hơi và bát bún bung là tớ có thể viết suốt đêm mà chẳng cần có ai ở bên cạnh, sống một mình thì mới viết được, các cậu phải hiểu rằng, chẳng ai được sướng như tớ đâu nhé!”. Tôi và Văn Chinh đành cười trừ nhìn ông đang trong “cơn sung sướng” với mấy ly bia cỏ.
Cho đến năm ngoài sáu mươi tuổi, Nguyễn Khắc Phục vẫn sống đạm bạc một mình trong căn nhà đi thuê ở một xóm ven đô Hà Nội và vẫn phải thường xuyên phải thay đổi chỗ thuê trọ như vậy. Thật thương cho tấm thân già héo hon, gầy guộc của nhà văn. Ông đã phải mang vác biết bao thứ trên đời trong mỗi cuộc chuyển nhà “vã mồ hôi sôi máu mắt” với cả đống tranh sơn dầu ông vẽ trong nhiều năm qua.
“Các bạn đừng nghĩ tôi khổ, tôi sung sướng lắm chứ! Vì tôi được làm tất cả những gì tôi muốn và tôi được nhiều người tin cậy. Tôi rất hạnh phúc khi viết kịch bản văn học cho đêm Đại lễ 1.000 năm. So với các bạn bè tôi đã nằm lại ở chiến trường phía Nam thì may mắn là cái chết chưa chặn tôi lại, và hiện nay bệnh tật cũng không chặn nổi tôi, mặc dù tôi đã phải 3 lần đại phẫu mổ dạ dày, mổ mật, cắt ruột non. Lần nào bạn bè cũng tưởng tôi sẽ ra đi, nhưng tôi vẫn sống, viết truyện, viết kịch bản và vẽ tranh chơi!”, nhà văn hào hứng nói.
Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: “Mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!”. Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn “Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh rỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ rong chơi vậy thôi”. Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u ẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.
”Vua” kịch bản lễ hội cuối đời không cô đơn
Vào những năm cuối đời, như do sự sắp đặt của số phận, ông được người em ruột mua cho một căn hộ chung cư và ông trở thành người không cô đơn. Hạnh phúc đến bất ngờ với ông ở tuổi 65, Nguyễn Khắc Phục chia tay với cuộc sống lang thang để lấy vợ. Người bạn đời của ông là nhà thơ Trang Thanh, kém ông khoảng hai chục tuổi. Nàng sinh cho ông một đứa con trai, vậy là đời ông mãn nguyện. Nhưng chỉ ba năm sau, khi thấy mình tự dưng bị ho nặng và mất tiếng, ông vào viện khám và biết mình mắc chứng ung thư.
Hôm tôi vào thăm Nguyễn Khắc Phục, tôi thấy nhà thơ Trang Thanh đang ngồi cạnh chồng, chị bảo hát cho ông và tôi nghe bài thơ “Đừng đi xa anh nhé” chị mới sáng tác và tự phổ nhạc. Chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc ấy, tôi đã làm bài thơ “Một góc thiên đường” tặng Nguyễn Khắc Phục: “Người văn ấy đang hạnh phúc/ Tiếng trẻ bi bô/ Như kẹo vãi khắp nhà/ Trang viết của anh ấm mùi giấy kẹo/ Ký ức anh thơm tho mùi kẹo/ Và một thiên đường mở ra/ Người thơ ấy đang hạnh phúc/ Sau nhiều năm mê mải vật lộn với kịch trường và văn trường/ Chiều nay anh thanh thản ngồi nghe vợ hát/ Con sẻ nâu rưng rưng rước mây ấm về nhà/ Và một thiên đường mở ra/ Người bạn ấy đang hạnh phúc/ Dẫu hơi thở sền sệt trong cơn đau âm ỉ/ Anh cố giấu chính anh/ Trong bức tranh sơn mài của hy vọng/ Màu dâng lên/ Và một thiên đường mở ra/ Chỉ một thao thức với thiên đường vừa mở ra/ Sau nhiều đau đớn tuyệt vọng/ Để gặp một thiên đường khác”.
Hôm đó, tôi cũng ngỡ ngàng khi Nguyễn Khắc Phục vùng ra khỏi giường, dẫn tôi đi xem cả chục bức tranh sơn mài khổ lớn, treo khắp mấy gian phòng mà ông đã vẽ cách đây gần chục năm. Ông không hề được học gì về hội họa, chỉ mua vài cuốn sách dạy vẽ tranh sơn mài, mang về đọc rồi mày mò, tìm hiểu và vẽ. Nhà văn cười, chỉ các bức tranh sơn mài: “Tớ mà chết đi thì bán được nhiều tiền đấy!”. Có lẽ ông không nói đùa khi trước đây đã từng bán một vài bức sơn mài với giá vài ngàn đô la Mỹ.
Thời gian ấy, ban ngày Nguyễn Khắc Phục tới bệnh viện xạ trị, tối về chơi với con trai ba tuổi, lúc nó ngủ là ông ngồi vào bàn viết. Sau tiểu thuyết “Hỗn độn”, ông bảo tạm dừng viết kịch bản sân khấu, lễ hội để dồn sức viết cho xong cuốn sách “Những bài học giữ nước”. Nhà văn trầm ngâm nói với tôi: “Đây là công trình lớn, trình bày những kinh nghiệm chống ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại trong suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước cho đến hôm nay. Cuốn sách này viết dưới dạng bút ký lịch sử nhưng tập hợp đầy đủ các tài liệu của mỗi giai đoạn lịch sử với cách diễn đạt mềm mại. Thực ra có thể gọi đây là công trình khảo cứu lịch sử nhưng không viết theo kiểu hàn lâm để cho các độc giả trẻ tuổi có thể cảm nhận được”.
Nhưng sau gần một năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã qua đời ngày 20.5.2016 ở bệnh viện 103, Hà Nội. Và “con tê giác văn chương” đã lặng lẽ vượt qua cõi “Hỗn độn” trong cuốn tiểu thuyết cuối đời để đi về chốn rừng xanh xa xôi, nơi người bạn thân là nhà thơ Phạm Tiến Duật đang thao thức với “Vầng trăng và quầng lửa” trong những đêm “Lửa đèn” Trường Sơn vẫn đợi ông.
NGUYỄN VIỆT CHIẾN/VNCA