Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY MẨU CHUYỆN VỀ PHÙNG QUÁN (II)

Thái Kế Toại
Thứ hai ngày 11 tháng 12 năm 2023 10:14 AM
( Phần II)
Hòn non bộ, cây khổ sâm và Nguyễn Trọng Tạo.

Trong khuôn viên nhà Phùng Quán ở ven hồ Tây thuộc đất Trường cấp 3 Chu Văn
An có một hòn non bộ độc đáo. Một người bạn yêu văn chương của anh biết Phùng Quán thích cây cảnh đã đào một cái bể trong cái vườn nhỏ một chiều khoảng 3m, rộng khoảng gần 2m, sâu khoảng hơn 1m, xếp vào đấy một hòn núi non bộ với nhiều tảng đá to. Sau khi anh Quán mất chị Trâm nói với tôi, sắp chuyển nhà lên chung cư trả đất cho dự án mở rộng bờ kè hồ Tây. Hòn non bộ không có ai nhận rước về cả vì bạn bè văn chương nhà ai cũng chật. Lúc đó trong bể có mấy cụm hoa súng, mấy con cá cảnh. Trên non bộ có hai cây sanh đã có dáng cổ, một cây đa lá to do chim trời mang đến. Đặc biệt là trên bờ có một cây khổ sâm đã to, dưới non bộ có một cây nhỏ. Tôi biết cây khổ sâm là kỷ vật đặc biệt của anh Quán vì nó gắn bó với anh những năm tháng cô độc trông coi khu đất vỡ hoang của Cục Văn hóa quần chúng ở Quân Chu, Đại Từ Thái Nguyên. Nó đã đi vào thơ của anh:
Hỡi Thượng đế của đời tôi
Tôi đã mắc tội gì mà Người ban cho tôi ly rượu khổ sâm đắng thế.
Lúc đó nhà tôi đang rộng có sân thượng, có vỉa hè hai mặt tiền. Thế là chú Phạm
Văn Chí lái xe cơ quan tôi, một người cũng rất yêu quý anh Quán thuê một chiếc
xe ben chở toàn bộ hòn non bộ về nhà tôi. Tôi phải sẻ nó ra làm ba bể nhỏ. Một bể dưới cửa nhà với cây đa lá to do chim trời mang lại. Hai bể trên sân thượng, một bể với cây sanh to nhất, bể còn lại với cây sanh nhỏ và cây khổ sâm.
Hòn non bộ của anh Quán yên vị ở nhà tôi được dăm năm. Vạn vật không đứng yên một chỗ. Gia cảnh nhà tôi cũng biến đổi. Tôi phải bán nhà lên chung cư. Thế là lại phải đi tìm bạn bè có thể gửi lại hòn non bộ của anh Quán và số cây cảnh của tôi. Nghe tin ở trong Huế anh em bạn bè văn nghệ sĩ đang tìm cách làm nhà lưu niệm cho anh Quán. Tôi gọi điện cho Ngô Minh xem có thể chở cái hòn non bộ ấy về Huế được không. Ý tưởng thì cực hay, anh em Huế, cả anh Nguyễn Khoa Điềm ủng hộ nhưng nhà lưu niệm chưa có, không chở non bộ vào được. Tôi nhớ đến Nguyễn Trọng Tạo, lúc đó đang hoàng kim, có nhà sàn ở bãi sông Hồng gần cầu Thanh Trì. Tạo lại đã từng ở Huế nhiều năm, là một chỗ thân thiết với anh Quán. Tạo thân tình với tôi vì Tạo sinh cùng làng với Lê Thái Sơn Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An bạn học cùng lớp với tôi ở K13 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Làng Diễn Hoa Diễn Châu lại là quê họ Thái gốc Mạc của tôi. Lúc Sơn bị bệnh nặng tôi viết bài Lê Thái Sơn Nhà thơ của những người cùng khổ thì Tạo lo thu bài làm Tuyển tập cho Sơn.
Tạo nhận lời ngay. Vì Tạo đang cần cây cảnh với ý tưởng sẽ làm vườn tượng cho bạn bè tại khu nhà sàn. Sau khi thị sát nhà sàn của Tạo tôi đồng ý. Sáng hôm sau Tạo đưa một chiếc xe tải Benz đến với nụ cười. Cầu Thanh Trì không cho xe tải đi vào ban ngày nhưng Khúc hát sông quê và cái tên Phùng Quán đã được cảnh sát giao thông ưu tiên cho đi. Trong số cây tôi cho Tạo còn có một kỷ niệm đặc biệt của tôi là cây Mai hương mang từ Huế ra. Năm 2006 đoàn làm phim truyện Người trở về của Điện ảnh Công an có mượn ngôi biệt thự của một bác sỹ quân y Sài Gòn trong thành nội làm bối cảnh. Bà quả phụ vốn là học sinh trường Nguyễn Hoàng ngòai thị xã Quảng Trị mà một góc trường đổ nát nằm trong phim Cỏ Lau của tôi và Vương Đức. Điều kỳ lạ là tấm ảnh thời trẻ của bà giống hệt Minh Châu, vai nữ chính của Cỏ Lau. Cậu con trai chủ nhà cho biết ngôi biệt thự này bố cậu mua lại từ người đầu bếp của vua Bảo Đại có cây Mai hương cổ còn sót lại. Giống mai này để tiến vua, hoa thơm và lá non cũng thơm. Khi tôi về Hà Nội cậu bê ra xe tặng tôi một chậu cây con. Cây mai hương này lúc cho Tạo đã ra hoa lứa đầu.
Thật dun dủi cho cái hòn non bộ. Sau khi nhà thơ Lê Thái Sơn người bạn cùng quê Diễn Hoa với Tạo, bị bạo bệnh mất, Tạo cũng đổ bệnh. Tạo bỏ nhà sàn về chung cư Linh Đàm chữa bệnh và mất ở đó. Sau đó tôi không còn biết số phận hòn non bộ của anh Quán và số cây cảnh của tôi như thế nào. Ngô Minh người hứa với tôi sẽ đưa hòn non bộ anh Quán về Huế cũng đã mất. Con trai anh Quán không còn. Cháu Quyên thì vẫn ở bên Lào…
Tôi thì đã già, lên chung cư mươi năm rồi, đã phải tự giết chết thói yêu cây cảnh,
phong lan, địa lan của mình và nỗi nhớ cái hòn non bộ cùng cây khổ sâm của anh Quán cũng dần dần nguôi ngoai. Nhà tưởng niệm Phùng Quán cũng chưa làm được. Chỉ có trường học ở quê anh Quán đưa sách của anh vào thư viện cho các
em học sinh đọc. Năm 2015 tôi tổ chức cho khóa K19 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp của tôi hội khóa ở Huế đã đến nghĩa trang Hương Thủy viếng mộ anh chị và cháu Quân.
Con mèo nhà anh Quán
Quãng năm 1984 tôi chuyển sang căn phòng 12 mét vuông trong khu 12 phố Ngõ Trạm. Người bạn vong niên Bùi Bình Thi ở bên khu Nhà thờ Tin Lành số 2 Ngõ Trạm thường hay sang chơi. Một hôm anh gợi ý đang có đàn mèo con gọi là tam thể đồi mồi giống Thái Lan và cho tôi một con. Không hiểu sao một hôm nó bỏ đi rồi thỉnh thoảng về đứng trên mái nà chính trước cửa nhà nhìn xuống. Có hôm nó xuống về nhà một lát rồi lại ra đi và không về nữa. Chắc là nó có một mối tình nào đó quyến rũ hơn gia cảnh nhà tôi. Thế rồi một hôm Phùng Quán bảo tôi: Nhà mình lại có một đàn mèo đang lớn, khi nào bắt được để cho Nguyên một con đực. Thế nhưng khoảng một tháng sau, lúc đó anh đã ốm nặng, anh bảo con đực người ta bắt mất rồi, chỉ còn con cái. Nuôi mèo cái cũng tốt Nguyên ạ, mèo đẻ là có lộc. Thế là nhà tôi lại có mèo. Mèo của Phùng Quán quen ăn cá nên không ăn thịt, phải mua cá con riêng cho nó. Nó sống được trong nhà tôi khá lâu với nhiều thế hệ khoảng 20 năm. Nó lại mắn đẻ nên tôi phải thuyết phục người thân và anh em trong đơn vị nhận nuôi. Mỗi khi con mẹ mất đi thì lại có con con, con cháu. Mãi đến gần 20 năm sau khi tôi làm được nhà mới ở Ngõ 40 Khuất Duy Tiến sợ cháu nội đích tôn bị dị ứng, vợ tôi cùng con dâu mới mang hậu duệ cuối cùng của nó đi cho một người quen.
Chiếc áo đầy chữ ký.
Sau khi được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam Phùng Quán làm một cuộc viễn du về phương Nam. Tại Quảng Nam Đà Nẵng anh được báo in bài Trường ca Cây cà. Có câu
Ba mươi năm trước
Tôi chết giữa Hồng Hà sóng đỏ
Ba mươi năm sau
Tôi hồi sinh giữa xanh thẳm Hàn Giang
Đây là tác phẩm đầu tiên mang chính danh Phùng Quán được xuất hiện công khai
trên báo chí. Nó rất gây ấn tượng với công chúng và những người hâm mộ anh. Tôi cũng rất ấn tượng với bài thơ và chữ sóng đỏ, một biểu tượng đa nghĩa.
Nhưng không hiểu sao sau này trong nhiều văn bản sóng đỏ đã được thay bằng
sóng vỗ hoặc sóng nổi, sóng dữ. Âu cũng là một chuyện tế nhị của văn chương.
Dọc đường đi Phùng Quán được đón tiếp nồng hậu, mọi người đua nhau xin ký tên vào chiếc áo đũi của anh do vợ chồng nhà thơ Thu Bồn tặng. Về đến Huế thì chiếc áo đã đặc kín chữ ký của người hâm mộ và bạn bè. Có lẽ đây là lần đầu tiên thấy hiện tượng là như thế, công an Bình Trị Thiên báo cáo về Bộ hiệu ứng nguy hiểm này kèm theo một số câu nói của ông.
Cùng lúc đang có chuyến đi ra Bắc của nhà thơ Bùi Minh Quốc lấy chữ ký về Hội
Nhà văn Việt Nam. Hai việc này được đưa vào thông báo của Ban Tuyên huấn.
Phùng Quán bị thêm nỗi oan mới. Ông làm đơn gửi Ban Tuyên huấn và Bộ Công
an kiện việc này.
Khi Phùng Quán mất chiếc áo được dùng để liệm cho ông.
Người yêu đặc biệt của Phùng Quán
Cùng với Tuân Nguyễn Phùng Quán còn có một nười bạn thân thiết nữa là Xuân Đài.
Nhà văn, nhà báo Xuân Đài tên đầy đủ là Lê Xuân Đài sinh năm 1934 tại Vinh, quê quán làng Xa Lang, xã Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Xuân Đài là sinh viên lớp báo chí khóa đầu tiên ở miền Bắc với Trần Hoài Dương, Hoàng Quốc Hải, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn… Sau đó ông về làm báo Việt Nam Độc lập, khu Tự trị Việt Bắc; Tạp chí Dân tộc của Ủy ban dân tộc Trung ương. Rồi Xuân Đài về Đài Tiếng nói Việt Nam, chuyển vào sống tại TP Hồ Chí Minh, rồi nghỉ hưu.
Trong một lần thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ ông có truyện ngắn Chuyện ba người ở hẻm Đuôi Voi rất ấn tượng. Ông gắn bó với cả Phùng Quán và Tuân Nguyễn và là người rời cõi tạm sau cùng. Trước khi mất tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 ông còn nhờ cháu Phan Thúy Hà biên chép và in, phát hành cuốn Phùng Quán và tôi. Ông cũng như nhiều văn nghệ sỹ, trí thức cùng thế hệ đã trở thành nhân vật trong mấy cuốn sách phi hư cấu về Cải cách ruộng đất ở Nghệ Tĩnh của Phan Thúy Hà. Cuộc đời ông bầm dập và phiêu bạt nhưng nhờ tấm gương và ý chí sống của hai người bạn thân, từ một công nhân kéo dây cột điện ông đã tồn tại, trở thành một nhà văn.
Trong Phùng Quán và tôi Xuân Đài có kể chuyện người yêu đầu tiên của Phùng Quán ở Hà Nội. Đó là cô văn công công tác ở Tổng cục chính trị, Xuân Đài đặt tên là T.H
“Mối tình đầu của Phùng Quán là với cô văn công công tác ở tổng cục chính trị (tôi đổi tên thật cô, thay bằngT.H). Đó là năm 1955, Quán mới về làm việc ở số 4 Lý Nam Đế, anh đã viết rằng “ở ngôi nhà này từ một người lính thất học, tôi đã trở thành nhà văn. Tôi được in tác phẩm đầu tay, lĩnh món nhuận bút đầu tiên, yêu mối tình đầu và tan vỡ mối tình đó”. Những lúc được xả trại, sau khi cùng với T.H đi loanh quanh thăm thú Hà Nội, Phùng Quán thường ghé nhà tôi chơi. Mỗi lần như vậy, Quán thường rủ tôi đi ăn. Ăn là cái cớ, cái chính là nghe Quán đọc thơ vừa làm tặng T.H. Những bài thơ chân tình, thật thà, bây giờ đọc lại thấy ngô nghê, buồn cười, nhưng thời đó nghe xong tôixúc động, cái xúc động của một thời nói cái gì, viết cái gì, trước hết là đúng lập trường.
Xin trích bài thơ “Hai Đứa” Quán làm ngày 3-7-1955.
Có hai đứa yêu nhau
Cả hai cùng bộ đội
Cờ tổ quốc trên đầu
Đứa Huế, đứa Hà Nội
Hai đứa không nhà cửa
Quân đội là gia đình
Gặp nhau ngày hội lớn
Giữa thủ đô hòa bình…
Có lần Phùng Quán đưa cho tôi xem quyển nhật kí Phùng Quán và T.H viết chung trong quyển lịch nhỏ năm Ất Mùi. Tình cảm mùi mẫn. Trước khi qua đời, Phùng Quán giao lại cho người bạn là Hương Quân. Mới đây, Hương Quân nói với tôi: “Lúc nào có bảo tàng nhà thơ Phùng Quán, em sẽ giao lại cho người thủ thư ở đó”.
T.H là diễn viên của một đoàn văn công quân đội. Cô yêu Phùng Quán với tình yêu tôn thờ một người tài, từ sau khi đọc Vượt Côn Đảo. Việc cô đọc Vượt Côn Đảo thật không giống ai. Nghề văn công, đi biểu diễn khắp nơi, ít có thì giờ rỗi rãi. Những ngày đoàn văn công trở về doanh trại, cũng không được ngơi nghỉ mà phải tập tiết mục mới. Ăn cơm tối xong, cô còn phải họp đoàn, họp tổ múa để rút kinh nghiệm việc diễn tập hoặc tự phê bình, được phê bình. Họp xong thường là quá chín giờ, vài
phút sau, trực ban đánh kẻng, phải mắc màn đi ngủ. Đó là nội quy của quân đội. Mắc màn xong, cô lấy mấy quyển sách xếp dọc giữa giường, lấy chăn trùm kín lại. Lúc này buồng ngủ tập thể đã tắt đèn. Trực ban đi kiểm tra, dùng đèn pin rọi, cứ tưởng cô đã ngủ. Thực ra, cô vào nhà vệ sinh. Trong nhà vệ sinh, cô say sưa đọcVượt Côn Đảo. Cô gần như thức trắng ba đêm trong nhà vệ sinh để đọc xong cuốn sách. Ngày nghỉ Quán rủ người yêu đi dạo phố. Cả hai mặcđồ lính, chỉ đi gần nhau chứ không dám cầm tay. Mặc đồ lính không dám vào quán hè phố ăn uống. Đi qua hàng kem, Quán rủ vào ăn, cô ấy nghiêm mặt: “Anh nên nhớ em và anh là bộ đội”. Đi qua hàng chè, kéo tay cô ngồi xuống, cô nghiêm mặt nhắc lại câu nói hôm ở hàng kem.
Tôi bình luận:
-Yêu một cô gái như vậy thì cũng ngang với trời hành.
Sau khi Phùng Quán đăng bài Chống tham ô lãng phí và các bài khác trên Giai phẩm mùa Xuân thì bị phê phán dữ dội. T.H đọc hết các bài phê phán Phùng Quán. Từ đó, xuống bếp ăn tập thể, cô không ngồi với Phùng Quán nữa. Cô ra mặt lánh xa Phùng Quán. Tình cờ gặp nhau trong thành dành riêng cho các đơn vị quân đội, T.H tránh mặt rẽ đi chỗ khác. Phùng Quán tìm T.H, dang hai tay chặn lại, thái độ van nài, em cho anh nói mộtcâu. T.H lạnh lùng nói: Tôi không có chuyện gì để nói với anh nữa. Cô bước nhanh, dứt khoát. Phùng Quán nói với theo: Anh không bao giờ là thằng phản động, chống lại tổ quốc và nhân dân mình. Sau đó không lâu cô T.H lấy chồng, cũng là một sĩ quan quân đội, cô theo chồng về công tác ở một tỉnh miền Trung.
Hơn mười năm sau, khi Quán đã là cán bộ ở Vụ văn hóa quần chúng, đi công tác miền Trung, nhớ đến bạn gái cũ đang sơ tán ở một huyện miền núi, Phùng Quán
đạp xe đi tìm nàng. Thời đó, bom đạn ngút trời. Vượt mấy chục cây số mới tìm được nơi nàng ở. Quán kể, tao toát mồ hôi, thế mà nàng không chào lấy một câu, không mời một chén nước, lại còn bảo, bây giờ anh còn tìm tôilàm gì. Không còn gì để nói nữa. Tao tìm đến trụ sở văn hóa huyện, anh chị em tiếp đón vui vẻ, thân tình. Tối đó, quanh mâm rượu do, mọi người yêu cầu tao đọc thơ. Mày thừa biết, tao nghiện thơ hơn nghiện rượu, tao đọc hết bài này đến bài khác và đề nghị anh em cùng đọc cho tao nghe. Mỗi người cũng đọc mấy bài. Rượu và thơ cho đến một giờ sáng. Mấy tuần sau, một trong những người bạn ở chiếu thơ đêm đó, ra Hà Nội đến gặp tao, anh ấy mang biếu nửa cân măng khô và một gói kẹo lạc đặc sản. Anh ấy cho biết một tin vừa tức vừa buồn cười.
“Ngay đêm hôm ấy T.H lên báo công an huyện là có tên Nhân Văn Giai phẩm tìm về đây không biết có việc gì. May mà công an họ tỉnh táo đến gặp chúng tôi hỏi đầu đuôi xuôi ngược. Biết chuyện, họ đã không gây khó khăn cho anh. Nhưng mấy hôm sau đài phát thanh huyện trong mục Chuyện cảnh giác đưa tin biểu dương chị T.H có tinh thần cảnh giác cao là đã báo có người lạ mặt đến nhà chị, hành tung rất đáng nghi ngờ”.
Hai điểm sáng trong Nhân Văn Giai Phẩm
Ngay số Giai phẩm mùa Xuân tháng 1-1956 Phùng Quán đã có bài thơ Thi sĩ và công nhân. Bài thơ như là tiếng kèn xung trận đầu tiên của Phùng Quán:
Giặc rút khỏi miền Bắc
Để lại nhiều phố phường
Nhiều con đường
Nhiều tâm hồn
Ngập đầy rác rưởi
Quét dọn đường đẹp như áo cưới
Là việc làm của đồng chí công nhân
Quét dọn rác rưởi trong tâm hồn
Chính quyền Cộng Hoà giao cho thi sĩ
Chúng ta hãy cùng đồng chí công nhân
Làm nhiều thơ cục cằn như cái chổi
Quét dọn sạch sành sanh rác rưởi
Những con đường và những tâm hồn
Nhiều vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang
Chính quyền Cộng Hoà giao cho thi sĩ.
Đến Giai phẩm mùa Thu tập II tháng 9-1956 ông đăng bài Thơ cái chổi- Chống tham ô lãng phí. Trên Giai phẩm mùa thu tập III tháng 11-1956 ông in Người dũng sĩ trên sông Xuân Bồ. Ngoài ra ông còn một số bài tham luận, lời phát biểu trên diễn đàn Hội Văn nghệ, Hội nhà văn, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật với nội dung yêu cầu mở rộng dân chủ, tự do sáng tác cho nhà văn…Do tính cách của ông những bài phát biểu gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều văn nghệ sỹ và công chúng.
Đầu năm 1956 Phùng Quán được quân đội cử đi thực tế cải cách ruộng đất đợt 5 ở Tiên Lãng, Kiến An. Ông thấy dân đói khổ quá ăn khoai lang cả vỏ.
Những câu thơ vụt hiện lên trong đầu ông.
Tôi đã đi qua
Những xóm làngvùng Kiến An, Hồng Quảng
Nước biển dângcao ướp muối các cánh đồng
Hai mùa rồi lúa không có một bông
Phân người toàn vỏ khoai tím đỏ.
Sau chuyến đi thực tế cải cách ruộng đất về ông không viết được tác phẩm như các đồng nghiệp. Một đêm đầu đông, đi ra phố, nhìn thấy các chị công nhân vác những thùng phân từ hầm xí dưới ánh sáng ngọn đèn bão, trong cơn gió buốt, ông nhớ đến
chuyến đi thực tế về Nam Định cách đó không bao lâu. Đó là, nơi ông thường đi qua có một công trình xây dựng bỏ dở. Hỏi ra mới biết đó là lễ đài, ngốn hết mười một triệu đồng rồi nhưng công trình bị rút ruột, dầm mưa giãi gió. Ông tính, số tiền lãng phí vào công trình bỏ dở đó có thể cứu đói hơn bốn mươi vạn người. Ông giận dữ bọn ăn cắp của nhân dân để làmviệc sai trái. Ông cảm thấy có tội nếu không nói lên những nỗi thống khổ của nhân dân.
Bài thơ hiện ra trên trang giấy.
Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
Kéo dây thép gai tay máu chảy ròng
Bởi đồn giặc, trồng ngô trỉa lúa.
Tôi đã gặp
Những em thơ còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám và rau
Mới tháng ba đã ngóng mau ra Tết!
Để được ăn no có thịt
Một triệu bài thơ không nói hết nhọc nhằn
Của nhân dân lao động
Đang buộc bụng, thắt lưng để sống
Để dựng xây, kiến thiết nước nhà
Để yêu thương, nuôi nấng chúng ta.
Vì lẽ đó
Tôi quyết tâm từ bỏ
Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa
Những vần thơ trang kim vàng mã
Dán lên quân trang đẫm mồ hôi và máu tươi
Cách Mạng!
Như công nhân
Tôi quyết đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Vào lũ người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
Ban đầu Quán định gửi bài thơ cho báo Nhân Dân, nhưng sau đó không hiểu sao
ông lại gửi cho Giai phẩm mùa Thu, ra vào vào tháng 10 -1956. Bài thơ bị quy kết là chống Đảng, bôi nhọ chế độ. Phùng Quán là một trong những người bị lên án nặng nề.
Bài thơ Lời mẹ dặn được Phùng Quán viết năm 1957 khi ông 25 tuổi, đăng trên báo Văn số 21, ra ngày 27 tháng 9 năm 1959. Lúc đó ông đã ra khỏi quân đội. Ngay sau khi bài thơ ra đời, nó gây xôn xao trong dư luận, được nhiều người thuộc và chép truyền tay nhau.
Bài thơ bắt đầu bằng hoàn cảnh của chính gia đình ông:
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Chuyện tưởng chừng rất đơn giản, một lời mẹ dạy con như bao lời dạy khác.
– Con ơi trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
Thế rồi lời mẹ dặn Chân thật ngấm vào máu cậu bé Phùng Quán:
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
Phẩm chất ấy của cậu bé chiến sĩ vẫn vẹn nguyên khi cậu thành một nhà văn 25 tuổi. Trong bối cảnh xã hội mới, thời đại mới việc làm nhà văn chân thật còn khó hơn vạn lần
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Cái khí tiết của ông thật đanh thép chưa có nhà văn hiện đại nào nói được, nó trở thành hồn vía của thời đại.
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
Lời mẹ dặn mang ý nghĩa vô cùng to lớn với nhà thơ Phùng Quán. Qua vần thơ đậm chất trữ tình tác giả kể lại lời mẹ dặn hãy luôn làm người chân thật, khẳng định bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ của mình.
Tác giả nhắn nhủ con người hãy luôn chân thật với bản thân và mọi người nhất là đối với một nhà văn. Lời nhắn nhủ ấy có ý nghĩa sâu sắc với cuộc sống mỗi con người, giúp cho con người được sống là chính mình, sống hạnh phúc, thành thật với mọi người.
Vì bài “Lời mẹ dặn” mà “Chống tham ô lãng phí” bị đưa vào những bản cáo trạng chống Nhân Văn Giai Phẩm và cá nhân Phùng Quán.
Sau khi bài thơ “Lời mẹ dặn” xuất hiện, trên báo Nhân Dân có ngay một bài thơ có tựa “Lời mẹ dặn có phải là bài thơ chân thật” ký tên Trúc Chi. Phùng Quán đếm được 125 câu chửi trong bài thơ đó. Ví dụ như diễn giải yêu ghét của Phùng Quán thành ra:
Nó ghét kẻ thầy hiền bạn tốt
Nó yêu quân gái điếm cao bồi
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ
Yêu những người đáng ghét của muôn người
Quen học thói gà đồng mèo mả
Hóa ra thân chó mái chim mồi
Trúc Chi quả quyết rằng Lời mẹ dặn của Phùng Quán là lừa bịp:
Lời mẹ dặn chắc không ngớ ngẩn
Từ nghìn xưa ai cũng thế thôi
Nhưng có lẽ dặn khi còn nhỏ
Nên nhà văn nay đã quên rồi
Cũng có lẽ nhà văn xiên xỏ
Viết văn ra cốt để bịp đời!
Anh thuộc từng câu, thuộc cả bài. Anh cắt mẩu báo đó cất trong túi, nói rằng sẽ giữ đến lúc chết. Trúc Chi là ai? Tại sao anh ta gây họa cho mình?
Phải chăng là Trúc Chi dạy học, làm thơ ở Hải Phòng mà Quán từng gặp. Quán kêu tôi cùng xuống Hải Phòng tìm Trúc Chi. Tôi bảo Quán vài bữa nữa thưa việc tôi đi, Quán sốt ruột không chờ được. Cậu ta vừa lãnh 27 đồng hỗ trợ của Hội Nhà văn. Tôi nói, 27 đồng này người ta trợ cấp cho mày ăn trong một tháng, đi rồi về lấy gì mà ăn. Quán không quan tâm chuyện đó. Quán quyết đi ngay, tôi bảo: Mày đưa 27 đồng đây tao cất cho, giờ tao cho mày 20 đồng với một tem phiếu. Xuống đó, tay Trúc Chi khá, nó bao cơm, nhưng nó cũng là thằng khốn khổ như mày thì mày phải ăn cơm mậu dịch.
Đi về, Quán buồn bã khi không tìm được Trúc Chi cần tìm. Anh bạn Trúc Chi cho Quán một gợi ý, viết một bài như thế và đăng ở báo Nhân Dân thì chắc phải là một
người có quyền lực.”
Thực ra đến tháng 10 năm 1975 tập thơ Một đôi vần của Hoàng Văn Hoan được xuất bản có in bài “Lời mẹ dặn “có phải là bài thơ chân thật?, cuối bài có tên Trúc Chi. Như vậy Hoàng Văn Hoan đã công khai nhận mình là tác giả bài thơ. Nhưng phải đến nhiều năm sau nữa Phùng Quán mới biết được người hại mình, nhục mạ mình đã phản bội Tổ quốc từ năm 1979.”
Nhân chuyện bị nhục mạ của những người Nhân Văn, có chuyện Phùng Quán kể ở Công trường cống Cổ Đam anh khốn khổ bị nhà nghiên cứu NN ở Viện Văn học xúc xiểm vu cáo với Ban Giám đốc về “tư tưởng phản động” gài vào bài diễn văn anh được giao viết. Nhà văn Tô Hoài kể trong chuyến đi lao động ở huyện Thái Ninh, Thái Bình nhà thơ Hoàng Trung Thông đối xử với Phùng Quán như sau:
“Nhớ hôm ấy có mấy chén rượu suông. Hồi này Thông cũng chưa uống mấy, nhưng máu nát rượu thì sẵn, không vì uống nhiều hay ít, chỉ cầm chén ngùi hơi men đã ngà ngà rồi.
Thông đứng dậy, chân la đà. Phùng Quán giơ tay: Anh để em đỡ. Thông quắc mắt: “Tao vừa công bố mày với ông Hoài một nhóm, tao có say đâu".
- “Anh cứ vịn vai em cho chắc". Thông quát: “Ông mà phải để cho Nhân Văn giắt à?” Tôi nhớ một hôm ở cơ quan 84 Nguyễn Du, có liên hoan cuối năm, bấy giờ chỉ có rượu mùi, chẳng biết Thông uống thế nào, đến lúc ra cửa, Quán dìu một bên. Thông vùng tay ra, cũng nói một câu ấy: Tao mà... tao mà... Chẳng biết Thông nhớ không. Chắc là không, nên mới nói lại đúng thế. Quán ngồi lặng im, vẻ mặt buồn, nhìn Thông đi ra.”
Mối tình cuối đời và cuốn tiểu thuyết tình tuyệt vọng
Cuối đời Phùng Quán có một tác phẩm thơ dài đặt tên là Trăng Hoàng Cung (Tiểu thuyết tình 13 chương).
Sau rất nhiều năm, kể từ 1954, năm 1984 Phùng Quán mới trở lại quê hương.
Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra
Trái-tim-thơ trong sạch
Và gương-mặt-thơ-bi-thiết của tôi
Trăng hoàng cung là một trường ca thơ văn xuôi có hệ thống về cuộc sống và mạch tâm trạng trữ tình của ông.
Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng Văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng đối với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi…
Từ năm hai mươi bốn tuổi đến năm năm mươi sáu tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn-nhơ-lăng-nhục trước công luận.
Tôi đã sống suốt ba mươi năm giữa cái lán tranh lợp lá nứa, giữa một bãi phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây Cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống với một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, ăn sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.
Mùa lũ kkông ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người.
Phùng Quán gặp được một người con gái Huế, một cuộc tình sét đánh đã nổ ra.
Ông kể lại những ngày về Huế và đã gặp Nàng: “Thành phố quê nội xót thương tôi như người mẹ đông con xót thương đứa con số phận bầm dập, quá nửa đời người gặp phải cảnh truân chuyên… Sức tàn, lực kiệt, gót nặng lòng đau, tìm về với Mẹ. Tôi ngất ngưởng sống, ngất ngưởng thơ, ngất ngưởng say…và ngất ngưỡng gặp Nàng”.
Giữa thành phố quê hương
Bất ngờ tôi gặp em
Rất thật mà như là ảo giác
Một ốc đảo bóng chà là xanh mát
Giếng sa mạc đầy tràn…
Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở
Cảm tạ em tôi đã hồi sinh…
Trăng hoàng cung khơi dậy nguồn cảm hứng mãnh liệt cả về tình yêu, cả về cuộc sống:
Suốt ba mươi năm qua, câu thơ của Ga-bri-en Pê-ri − người anh hùng Cộng sản nước Pháp thét lên trước cọc xử bắn, là kinh nhật tụng của tôi.
Có những giây phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép ắt cũng gãy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan.
Nếu cần đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây!
Để thấy Phùng Quán đã yêu và sống chết với cách mạng bằng một tình yêu mãnh liệt nhường nào. Cái tình yêu ấy bị dồn nén bấy lâu bật ra bằng một sức mạnh vô song.
Và một cách sống cương trực
Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ dòng
Một mục đích sống vì nhân dân
Tôi có quyền gì được no hơn nhân dân tôi một miếng ăn?
Tôi có quyền gì được lành hơn nhân dân tôi một manh áo?
Tôi có quyền gì được rộng hơn nhân dân tôi một tấc vuông nhà ở?
Tôi có quyền gì được lên xe xuống ngựa?
Khi gót chân nhân dân tôi nứt nẻ bụi đường?
Dù tôi là thiên tài
Dù tôi là thi nhân
Dù tôi chót vót tận đỉnh cao quyền lực!
Tôi có quyền gì?
Tôi có quyền gì?
Tôi có quyền gì?
Sinh nhật năm 1984 của Hà Khánh Linh có mặt Phùng Quán. Phùng Quán đến từ chiều hôm trước, mang theo một con chó nhỏ nhưng béo tròn, nói: “Người nhà anh tặng em”. Hà Khánh Linh đón lấy con vật và cảm ơn, cũng chuyển lời cảm ơn đến người nhà của Phùng Quán. Hôm sau đúng sinh nhật, khoảng 10 giờ sáng, khi mọi người đang quây quần bên bàn ăn thì Phùng Quán tới.
Ông mang theo trái bí xanh, trên da bí có đề thơ: “Anh ngồi lặng nhìn em cổ cháy khát cơn thơ/ Môi rát bỏng những lời giã biệt”. Trong bữa tiệc, mọi người đề nghị ông đọc thơ từ khi mới về Huế. Phùng Quán say sưa đọc và bài nào cũng được tán thưởng.
Từ ngày Phùng Quán mất đi, mỗi năm vào dịp giỗ ông, một vài tờ báo lại đặt Hà Khánh Linh viết bài về ông. Nhưng bà luôn tìm cách khước từ. Nhiều bè bạn thắc mắc: “Tại sao Hà Khánh Linh không chịu viết một bài nào về Phùng Quán vậy?” Bà thường tránh trả lời những câu hỏi như vậy.
Một số bạn bè thân thiết thì nói như hờn dỗi: “Chẳng mấy nữa là tròn 10 năm anh Phùng Quán bỏ chúng ta mà đi. Lẽ nào vào dịp ấy, Hà Khánh Linh cũng không có một dòng kỷ niệm nào về anh?”. Hà Khánh Linh thốt lên rằng, vào dịp đó sẽ có một nén hương lòng dâng tặng. Và đó là lý do để bà viết cuốn “Phùng Quán viết Trăng Hoàng Cung”.
Tiếc thay về phía Hà Khánh Linh đó là mối tình đơn phương một chiều. Cuộc tình ấy của Phùng Quán thật đa đoan. Thời gian đó, nhà văn Hà Khánh Linh đang bị sốc vì cuộc ly dị chồng vừa diễn ra trước đó một năm, bà đang bị bệnh tim, lại phải nuôi hai đứa con nhỏ.
Tôi lì lợm gửi tặng Nàng bài thơ tình thứ mười ba, với lời ghi chú:
“Tôi yêu em. Mối tình đầu cũng là mối tình cuối của tôi. Tôi đã rứt trái tim khỏi lồng ngực dâng hiến em như một tông đồ dâng hiến mạng sống mình cho Chúa. Và buồn thay, con người lại không có trái tim thứ hai. Và nhà thơ, không có tim tôi biết hát bằng gì!”
Nhưng điều khủng khiếp và cũng là tai họa thường trực đối với các nhà thơ: sự thật còn lớn hơn cả tình yêu, lớn hơn cả trái tim. Chối bỏ sự thật, ôi điều này nó vượt quá sức tôi, ngay cả khi miệng môi tôi đầy cát…
Mối tình với Hà Khánh Linh cùng hòa vào nỗi đau đớn đó, kéo dài cho đến cuối đời Phùng Quán. Đây là tác phẩm bi thiết nhất của đời ông.
Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
Tôi quay về và…
Tôi khóc
Tôi khóc niềm tin yêu tan nát
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc Trăng hoàng cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sách Trăng
Trái tim tôi như trái cây bị dập nát
Rụng xuống từ cành cao
Tình tuyệt vọng là ngọn sào
Chọc cho trái cây rụng xuống…
Trái cây rụng
Vẫn mơ giấc mơ… hoang tưởng
May ra được gót chân em giẫm nát
Để trước khi tan vào bụi đất
Còn được hôn gót chân yêu…
Thực ra, sau khi Phùng Quán mất không lâu, bà có làm một bài thơ tặng Phùng Quán, nhưng không tham gia vào tập tưởng niệm Phùng Quán. Mãi đến năm 2002, bà mới cho in ở tập san Nhà văn Thừa Thiên – Huế. Bài thơ nhan đề: Hoang tưởng
Anh lịm tắt giữa mùa đông Hà Nội
Bỏ lại em, bỏ lại Trăng Hoàng Cung
Với những cơn mưa dầm xứ Huế
Bỏ lại cả sự phi lý
Khi anh đòi yêu em
Và đau khổ hờn ghen...
Cuộc chơi có lúc phải tàn
Trăng thu vàng úa trên sân Đại Triều
Nhà thơ Ngô Minh người chứng kiến sự việc cho biết:
“Anh làm thơ gấp gáp không kịp ăn, không kịp thở. Làm xong chép lại một bản đàng hoàng rồi xỏ dép lốp, đạp xe cuốc Liên Xô về 26 Lê Lợi để tặng Nàng. Anh gầy đi từng ngày. Tặng xong hơn chục bài thơ, ra Hà Nội anh sắp xếp, thêm thắt và đặt tên là “Tiểu thuyết tình 13 chương viết trên giấy có kẻ dòng”
Năm 1993, sau khi NXB Thanh Vân (California) in Trăng hoàng cung, anh chỉ nhận được 2 bản sách do bạn bè từ Mỹ mang về”
Năm 1988, trong mùa xuân đổi mới Phùng Quán vẫn viết:
“Tim tôi tan nát rồi
Không còn lành được nữa”
Thơ xuân 88 của mình, trích theo Ngô Minh
Câu thơ ấy là định mệnh với Phùng Quán suốt đời tưởng như không thể có ở vẻ ngoài lạc quan tếu táo, hài hước của ông. Mặc dù Phùng Quán rất ít bộc lộ nỗi cô đơn trước bạn bè nhưng đôi lúc vẫn để lộ ra một chút cô đơn, dù ít nhưng đủ nói lên sự cô đơn ấy là cùng cực.
Có những phút lòng sao kinh hãi thế
Đến cả thơ cũng không ấm được cõi lòng
Đến cả rượu cũng không nguôi đắng cay phiền muộn
Và mắt người yêu cũng không vợi bớt cô đơn.
Bài Vô đề trong tuyển thơ Phùng Quán.
Hà Nội tháng cuối năm 2023

Nguồn FB Thái Kế Toại