Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẤY MẨU CHUYỆN VỀ PHÙNG QUÁN (I)

Thái Kế Toại
Thứ bẩy ngày 9 tháng 12 năm 2023 6:42 PM
Phần I
Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, quê tại xã Thủy Dương, huyện Hương
Thủy nay là phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là Phùng Văn Nguyện (còn có tên là Phùng Quý Đông) là con trai cả của
nhà nho Phùng Kiểm (mất 1957) và bà Lê Thị Me. Ông còn có hai người chú ruột là Phùng Lưu (tức Nguyễn Vạn, Tư Bốn, sinh 1916, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế) và Phùng Thị, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa.
Tháng 1- năm 1946, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV, tham gia Đoàn phóng viên quân đội về Sầm Sơn, Thanh Hóa để thông tin về sự kiện trao trả tù binh. Khi phải trở về Sư đoàn 325 ở Hà Tĩnh, Phùng Quán nảy ra ý định ra Hà Nội để xem xét Thủ đô rồi mới quay về đơn vị. Ông đi bộ ra Phủ Lý rồi bắt xe khách ra Hà Nội. Rất may ông gặp được Hoàng Cầm cùng đoàn ca múa quân đội đang biểu diễn ở Ga Hàng Cỏ. Hoàng Cầm đã có gặp Phùng Quán trong Hội diễn văn công quân đội ở Việt Bắc, vì bận đưa đoàn đi Nam Định nên gửi nhờ Phùng Quán Phòng sang Tập san Sinh hoạtVăn nghệ. Tại đây nhà văn Vũ Tú Nam và Từ Bích Hoàng đã thử giao cho Phùng Quán viết bài về Sầm Sơn. Từ những trang bản thảo đầu tiên các ông đã giúp Phùng Quán hoàn thành bài thơ dài Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo và tiểu thuyết Vượt Côn Đảo.
Rất ngẫu nhiên, Phùng Quán đã trở thành thành viên của Tập san sinh hoạt Văn nghệ thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955.
Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm bằng
hai bài thơ Chống tham ô lãng phí (Giai Phẩm mùa Thu tập II, 1956) và Lời mẹ dặn (Báo Văn số 21 tháng 9-1957).
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao từ một người lính nhiệt huyết, trong sáng ông tham gia vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm một cách nhiệt thành? Tuy vậy rất ít người tìm cách cắt nghĩa nguyên nhân này, chỉ nói là do âm mưu lôi kéo của những người như Thụy An. Tôi cho rằng một trong những ngọn lửa bùng phát đầu tiên của Nhân Văn Giai Phẩm xuất phát từ phòng Văn nghệ quân đội thì đó chính là nguyên nhân làm cho Phùng Quán phản tỉnh. Một trong những tư liệu ít ỏi cho biết một phần sự thật đó là Nhật ký của ông Vũ Tú Nam về thời gian này đã được công bố với tựa đề Những ngày thử thách. Tại Phòng Văn nghệ quân đội cùng với các Đoàn Văn công có nhiều văn nghệ sỹ và cán bộ có trình độ văn hóa cao từ trước 1945. Chuyển sang thời kỳ mới ở Hà Nội sau 1954 một số người đã bất bình về chế độ quân quản, về sự chuyển biến chậm chạp của cơ chế quản lý văn hóa văn nghệ trong quân đội. Sự kiện tổ chức phê bình thơ Tố Hữu tạo ra sự phân hóa quan điểm, sự chia rẽ giữa văn nghệ sỹ trong và ngoài quân đội. Sự kiện Bản kiến nghị đòi thay đổi chính sách văn hóa văn nghệ trong quân đội của nhóm Trần Dần, Đỗ Nhuận, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh. Việc bắt giam Trần Dần, Tử Phác, dẫn đến việc Trần Dần cứa cổ tự tử. Mâu thuẫn nội bộ trong Phòng Văn nghệ quân đội căng thẳng, khai trừ đảng Trần Dần, Tử Phác. Một số người bị kỷ luật, xin ra khỏi quân đội và trở thành những yếu nhân của Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Phùng Quán với tư cách cán bộ cấp thấp, văn hóa thấp, cũng bị chèn ép, xoi mói. Quán lại thi trượt đại học Văn khoa. Ông Hà Nhật một người thân với Phùng Quán từ dạo ấy nói rằng với một người khát khao học vấn như Quán việc không vào được đại học là một thất vọng. Bởi vì đại học là con đường sẽ làm cho tương lai lâu dài với người lính trơn như Quán tốt hơn. Vũ Tú Nam có viết rằng Quán đã sớm có ý định xin ra khỏi quân đội. Cộng với sự tác động của hiện thực xã hội miền Bắc lúc đó như ông đã chứng kiến trong bài Chống tham ô lãng phí làm cho khát vọng tự do dân chủ đã có sẵn trong ông tràn ra và việc ông hưởng ứng phong trào đòi tự do dân chủ là dễ hiểu.
Cuối 1957 Phùng Quán ra khỏi quân đội, sau đó bị kỷ luật treo bút và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Việt Trì...Trong suốt thời gian này Phùng Quán không có việc làm, lĩnh trợ cấp ở Hội Văn nghệ 27 đồng một tháng.
Mãi đến cuối năm 1964 Phùng Quán mới được nhận vào làm việc tại Vụ Văn hóa quần chúng Bộ Văn hóa. Năm 1985 ông về hưu. Tôi nhớ năm 1988 kê khai nâng lương cho các ông, lương Phùng Quán chỉ có 56 đồng. Khi chỉnh lương hưu thì mức lương của phùng Quán cũng thấp nhất. Phùng Quán gặp may hơn một số ông vì thời gian đó có ông chú Phùng Thị làm Chánh Văn Phòng Bộ Văn hóa nên được tuyển dụng vào Cục Văn hóa quần chúng.
Phùng Quán không bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, chỉ bị treo bút. Còn khai trừ có thời hạn 3 năm chỉ có Trần Dần và Lê Đạt. Nhưng do việc đánh Nhân Văn Giai Phẩm dữ dội quá nên các ông đành bỏ hết việc sinh hoạt hội, đồng thời cơ quan hội cũng quên luôn việc cho các ông sinh hoạt trở lại bình thường. Cho đến đổi mới hồ sơ về Nhân Văn Giai Phẩm của các hội cũng mất hết. Tôi phải sao lại cho họ văn bản nghị quyết kỷ luật chung đang nằm trong hồ sơ công an.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản ở Huế và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó.
Cuối đời Phùng Quán bị bệnh xơ gan cổ trướng. Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội. Năm 2010, sau khi vợ ông mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về an táng tại quê nhà: phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 2007, Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà
nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng
với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm.
Các tác phẩm chính của ông:
Vượt Côn Đảo, Tiểu thuyết, 1955- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ
thuật, 2007
Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi. Thơ, 1955. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân,
1955; Báo Phụ nữ Liên Xô dịch và in, 1957
Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Thơ, 1955 - Giải thưởng Nhà nước về Văn
học nghệ thuật, 2007
Như con cò vàng trong cổ tích. Tập truyện thiếu nhi, Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin do hãng Thông tấn Nôvôxti (Liên Xô) tổ chức năm 1970; Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1987
Vĩnh Linh, lịch sử văn hóa. Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1982.
Dũng sĩ chép còm. Truyện thiếu nhi; Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí
Minh, 1987, đang in với bút danh Trần Vỹ Dạ (do nhà thơ Thanh Tịnh chuyển).
Khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch mới đổi lại tên Phùng Quán, tái bản tại Nhà xuất bản Kim Đồng
Tuổi thơ dữ dội, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1987 - Giải A văn
học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo
diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc
phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
Thơ Phùng Quán, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995
Trăng hoàng cung, Tiểu thuyết thơ, Nhà xuất bản Thanh Văn, USA 1993. Năm
2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản.
Phùng Quán, Thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2003
Ba phút sự thật, Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái
bản bổ sung 2009
Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào? Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành
phố Hồ Chí Minh, 2007.
Phùng Quán còn đây, Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất
bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.
Chuyện đi bộ đội
Phùng Quán có hai người chú ruột.
Ông chú ruột thứ nhất tên là Nguyễn Vạn, tức Phùng Lưu, một lão thành cách mạng, nguyên ủy viên Khu ủy, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người thứ hai là Phùng Thị từng là Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ rồi làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa.
Ông về hưu gần hai chục năm nay ở đường Hai Bà Trưng, thành phố Huế, vừa mất đầu năm 2005. Trước đây, ông Vạn nhiều năm kiên quyết không tha lỗi cho đứa cháu “Nhân văn” của mình. Nhưng từ khi Phùng Quán được phục hồi Hội viên Nhà văn, sách được in bán khắp nơi, truyện được dựng thành phim, thì ông bắt đầu thay đổi thái độ. Trên bàn thờ nhà ông, có thờ hai bức ảnh. Một bức là ông nội ở chính giữa, và bên cạnh là ảnh Phùng Quán, phía duới có lời đề: “Nhà văn Phùng Quán, cháu đích tôn của ông “.
Năm 2000, ông Nguyễn Vạn xuất bản tập hồi ký Đời người cách mạng, trong đó
có đoạn kể về bố Phùng Quán: “Anh cả tôi tên là Phùng Văn Nguyện, học lớp đệ tam niên nội trú Trường Quốc Học, hăng hái tham gia các phong trào truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu, tham gia các cuộc bãi khóa, xuống đường biểu tình chống Pháp năm 1926. Bị bắt giam, bị kết án 2 năm tù treo, và bị bồi thường 3 năm tiền học phí là 360 đồng bạc Đông Dương...
Anh tôi bị quản thúc ở xã nhưng trốn vào Sài Gòn, đổi tên là Phùng Quý Đông thi
đỗ vào ngạch công chức của Pháp, được bổ nhiệm làm Thông phán sở kho bạc Sài
Gòn. Sau mấy năm làm công chức Pháp, anh tôi tưởng là hết hạn tù treo rồi thì
không còn gì rắc rối nên xin chuyển về Huế để lập gia đình, không ngờ bị tên
cường hào Lý Hòe tố giác. Anh tôi xin chuyển vào Hội An để tránh né nhưng vẫn
bị mật thám theo dõi, phải đi trốn. Định chạy sang Lào nhưng đến Đà Nẵng thì bị
bắt và bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Sau hai tháng bị tra tấn thì chết trong lao tù.
Năm 1932, khi anh tôi chết, đứa con trai duy nhất của anh chưa biết đi, mới biết bò, nó chính là nhà văn Phùng Quán...” Mẹ nhà văn Phùng Quán khi chồng mất, bà ở vậy nuôi concho đến khi con 14 tuổi trốn đi theo Vệ Quốc Đoàn. Bà ở một mình thờ chồng, chờ con trai. Bà mất ngày 2 tháng Giêng âm lịch, vào dịp Tết năm 1970 ở cố đô Huế. Lúc đó, Phùng Quán đã có vợ, 2 con ở Hà Nội.
Mượn tên để in văn
Từ năm 1958 đến 1988, vì không được phép in sách ký tên mình, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản bằng tên thật, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác và câu cá ở Hồ Tây để kiếm sống. Vì thế, bạn bè văn nghệ thường gói gọn cuộc đời ông thời kỳ này bằng sáu chữ: cá trộm, rượu chịu, văn chui.
Muốn in được sách ở nhà xuất bản của nhà nước phải bí mật mượn tên người khác làm tên tác giả. Một trong những người nhà văn đã mượn tên là Vũ Quang Khải, em ruột của Vũ Bội Trâm, lúc đó anh Khải đang làm công nhân ở Nghệ An, trong truyện “Như con cò vàng trong cổ tích”, và nhiều truyện ngắn in báo Văn Nghệ. Nhà văn Phùng Quán kể rằng, khi truyện “Như con cò vàng trong cổ tích” ký tên Vũ Quang Khải gửi đi dự thi cuộc vận động sáng tác viết về Lê nin được Hãng thông tấn Novosti (Liên Xô) trao giải thưởng trong cuộc dự thi viết về Lê nin, anh Khải nhận được giấy mời của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội để lĩnh giải thưởng thì sợ lắm. Nhưng cơ quan vẫn sắm cho một bộ com-lê rất oách để ra nhận giải. Hai anh em xe đạp đèo nhau đến cổng Đại sứ quán Liên Xô, anh Khải vào nhận giải, còn Phùng Quán thì sang ngồi quán nước chè bên kia đường hồi hộp chờ đợi. Lo sợ nhất là bị phát hiện ra người viết là Phùng Quán không cho nhận giải thưởng nữa thì gay. Khi anh Khải ra cổng, nhìn vẻ mặt buồn, Phùng Quán càng lo thêm. May sao, anh Khải cho biết là cô thủ kho đi vắng, họ hẹn ngày mai. Ngày hôm sau, hai anh em lại dắt nhau đến. Lần này thì nhận được. Giải thưởng là một tấm bằng, một chiếc xe đạp Liên Xô mà người Hà Nội quen gọi là “xe trâu” và một bộ com-lê.
Hai anh em về nhà câu trộm cá Hồ Tây nấu cháo để khao nhau. Phùng Quán còn
nhiều lần viết truyện ngắn ký tên Vũ Quang Khải, rồi Nguyễn Huy, Đào Phương, v.v... Người cho Phùng Quán mượn tên nhiều nhất là nhà thơ Thanh Tịnh, bạn vong niên, đồng hương Huế ở Tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Hơn 10 tập truyện tranh ở Nhà xuất bảnVăn hóa, tập viết về nghệ thuật viết và trình diễn tấu đều ký tên Thanh Tịnh.
Bà Hương Quân, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa đã nghỉ hưu, một người bạn gái rất quan trọng, rất thân thiết với Phùng Quán trong nhiều năm đã làm bà đỡ cho những cuốn sách phải giấu tên của ông.
Hương Quân kể rằng, có lần giám đốc nhà xuất bản đã gửi giấy mời nhà thơ Thanh Tịnh ở số 4 Lý Nam Đế, “một cộng tác viên viết truyện tranh “tích cực” đến để ký hợp đồng mới. Nhà thơ Thanh Tịnh cao tuổi, mệt nhọc thế cũng phải đi xích lô đến để ký hợp đồng, “nhằm giúp thằng Phùng Quán có cái tên mà in sách”. Anh Phùng Quán kể, nhà thơ Thanh Tịnh là người duy nhất cho mượn tên mà không lấy một đồng “tiền tên” nào. Mỗi lần như thế, Phùng Quán đều câu trộm một con cá chép Hồ Tây, mang đến số 4 Lý Nam Đế, nấu cháo mời nhà văn Thanh Tịnh cùng ăn! Còn thường phải chi 30%, thậm chí 50%, mà đi lại khốn khổ nhiều lần mới đòi được phần của mình, vì tiền nhuận bút các nhà xuất bản đều trả cho người có chứng minh thư. Theo chị Hương Quân, ngoài sách ký tên Thanh Tịnh, Phùng Quán đã viết và in ở Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc trên 60 cuốn truyện tranh mang nhiều tên khác nhau, nhưng không phải mượn, tức là tên do anh nghĩ ra. Tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội (tập I) năm 1983, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã in với tên tác giả là Đào Phương. Mãi đến năm 1988, sau khi được phục hội Hội tịch Hội Nhà văn, mới xuất bản 3 tập với tên Phùng Quán.
Cuốn Dũng sĩ chép còm, in ở Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, lúc
đầu cũng lấy tên tác giả là Trần Vỹ Dạ. Điều đáng khâm phục là Phùng Quán chỉ
mượn tên để “in chui” văn xuôi, chứ thơ thì anh không bao giờ mượn tên ai cả! Vì
với anh, “Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ đứng dậy...” Thơ là mạng
sống, là lý lịch đời tôi”. Thơ linh thiêng như thế nên anh không mượn tên người
khác là phải!
Từ năm 1988, sau khi được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn, Phùng Quán mới
xuất hiện trở lại với thơ. Thời kỳ này, ông còn in nhiều tác phẩm nổi tiếng ký tên mình là Tuổi thơ dữ dội, Dũng sĩ chép còm, thơ Phùng Quán, tập tiểu thuyết thơ Trăng Hoàng Cung, v.v... Trong đó, tiểu thuyết ba tập Tuổi thơ dữ dội đã được giải
thưởng Hội nhà văn Việt Nam, được dựng thành phim cùng tên, và phim này ngay
lập tức giành Huy chương bạc tại Liên hoan điện ảnh Việt Nam. Cuốn sách cũng
được các nhà xuất bản trong nước tái bản nhiều lần. Cuối năm 2003, bà Vũ Bội
Trâm, vợ nhà văn, đã dùng số tiền mấy lần tái bản cuốn Tuổi thơ dữ dội của để đầu tư tái bản cuốn Thơ Phùng Quán, trong đó bổ sung rất đầy đủ thơ của chồng với số lượng in 2000 cuốn. Bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, ở miền Trung, do yêu thương Phùng Quán mà xúm tay mỗi người phát hành một ít.
Tính ra Phùng Quán đã in hơn 80 tác phẩm, trong đó gần 70 tác phẩm “in chui!
Tuân Nguyễn
Ông là một trong những người bạn cực khổ của Phùng Quán từ thưở thiếu thời. Tuân Nguyễn sinh ngày 25 tháng 9 năm 1933, quê quán tại làng Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế tên thật là Nguyễn Tuân. Thuở nhỏ, có thời gian theo cha làm nghề buôn gỗ ra sống ở Quảng Trị, Quảng Bình. Thời niên thiếu, ông theo học trường dòng Pellerin ở Huế, tốt nghiệp Tú tài 2, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, lại biết cảc chữ Hán.
Năm 1949, ông thoát ly gia đình tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Huế khi mới 16 tuổi. Năm 1950, ông vào chiến khu tham gia Vệ quốc đoàn, sau đó tham gia chiến trường Lào.
Sau năm 1954, ông xuất ngũ, theo học khoa Văn khoá I, Đại học sư phạm Văn khoa Hà Nội
Năm 1957, ông tốt nghiệp ra trường làm giáo viên ở Trường học sinh miền Nam tại Hà Đông.
Thấy tên mình trùng với nhà văn Nguyễn Tuân, tác giả của Vang bóng một thời,
nên ông đã đặt bút danh thành Tuân Nguyễn.
Năm 1960, ông chuyển về làm Biên tập viên chương tình Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Là một trí thức thuộc thành phần tiểu tư sản, ông thường xuyên gặp rắc rối với
những đồng nghiệp cực đoan. Ngày 21 tháng 10 năm 1964, ông bị bắt tại cơ quan với lý do có ý tưởng đi ngược với đường lối chính sách. Nguyên do được xác địnhlà ông đã có thái độ đồng tình với Dương Bạch Mai, một chính khách có liên quan trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, cùng những ghi chép cá nhân trong nhật ký bị suy diễn là nói xấu chế độ, tư tưởng lệch lạc. Do có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ, nên việc ông bị bắt vì cuốn nhật ký của mình cất trong ngăn kéo do một đồng nghiệp cùng phòng lấy trộm nộp cho tổ chức, đã làm rung động giới trí thức Hà Nội bấy giờ.
Ông bị đưa đi trại cải tạo 9 năm 7 tháng. Năm 1973, ra trại đi làm nghề đánh
Véc ni và dọn vệ sinh ở ga Hàng Cỏ để kiếm sống. Sau năm 1975, ông được xác
nhận một lý lịch khác ghi thời gian đi trại là đi chữa bệnh.
Cuối năm 1974, ông lập gia đình với nhà thơ Phương Thúy, giáo viên dạy đàn
tam thập lục ở Nhạc viện Hà Nội – con gái ông Hoài Chân (là đồng tác giả Thi nhân Việt Nam với Hoài Thanh). Bà Phương Thúy đã từng lấy GSTS Đào Vọng Đức là Viện phó Viện khoa học Việt Nam. Đầu năm 1976, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Tuân Nguyễn đi dạy học, dịch sách và đi lấy báo cho vợ bán.
Ngày 25 tháng 4 năm 198, trên đường đi lấy báo về, ông gặp tai nạn giao thông, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi. Trước khi mất, Tuân Nguyễn có một lời trăng trối rất nhân đạo: Đừng bắt tội người tài xế, ông ấy còn phải nuôi 8 đứa con... Lỗi tại tôi...
Tuân Nguyễn qua đời ngày 9 tháng 5 năm 1983 (ngày 27 tháng 3 năm Quý Hợi),
an táng tại Nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Trong
thời gian chung sống với nhà thơ Phương Thúy, ông bà không có người con nào.
Tuân Nguyễn xuất thân trong một gia đình làm nghề buôn bán gỗ. Trong mấy trang hồi ký của anh trước khi bị bắt, tuổi thơ của anh gắn liền với con sông Ba Lòng nơi con thuyền của bố anh xuôi ngược đi về. Phùng Quán ở cùng tiểu đội do Tuân Nguyễn làm tiểu đội trưởng.
Dạo đó vào khoảng năm 1993, đơn vị có một đợt thanh lý hồ sơ nghiệp vụ. Mục
tiêu là thải loại những hồ sơ đã hết tác dụng và không quan trọng, không cần thiết
sử dụng nữa; gửi những hồ sơ còn giá trị lâu dài nhưng không sử dụng thường trực
về Cục Hồ sơ của Bộ. Một lần đi kiểm tra các bộ phận, dừng lại đống hồ sơ tạp
chuẩn bị mang đi tiêu hủy, tôi phát hiện ra tập hồ sơ có tên Tuân Nguyễn.
Vụ án Tuân Nguyễn là một vụ án rất ấn tượng với giới văn nghệ sỹ cuối năm 1964.
Những chuyện cụ thể anh Phùng Quán, Trần Nguyên Vấn, Xuân Đài đã viết, tôi
không nói lại. Tôi cũng không chứng kiến, không được gặp mặt anh Tuân Nguyễn.
Chỉ nghe anh Phùng Quán nhiều lần kể lại. Khi tôi về công tác tại đơn vị an ninh
văn hóa của Bộ thì những người tham gia vụ đó đã nghỉ hoặc chuyển đi nơi khác.
Tôi có nghĩ rằng đấy là một câu chuyện không hay, không ai muốn khơi lại. Vì thế
khi anh Tuân Nguyễn đã ra tù và đã mất mười năm rồi thì việc thanh lý hồ sơ của
anh là hợp lý. Chỉ có điều là anh em cán bộ của tôi suy nghĩ đơn giản, quyết định
theo lý lẽ của nghiệp vụ.
Tôi cầm tập hồ sơ lên và mang về bàn làm việc xem lại, vô cùng ngạc nhiên về
những tư liệu của nó. Đó là một tập bản thảo những bài thơ của Tuân Nguyễn,
quyển vở mỏng ghi dở tự truyện gia đình, mấy việc ở tổ thơ Đài Tiếng nói Việt
Nam, mấy tấm ảnh chân dung, tờ giấy xám làm từ bột tre quyết định phụ cấp tiểu đội trưởng của Tuân Nguyễn do ông Đàm Quang Trung thời đó là chỉ huy chiến trường Bình Trị Thiên ký. Tôi hiểu tập hồ sơ này là ngàn vàng đối với người thân của Tuân Nguyễn. Nó chất chứa cả một số phận, cả cuộc đời anh. Tôi biết tình bạn giữa Phùng Quán và Tuân Nguyễn là một tình bạn đặc biệt. Sau khi Tuân Nguyễn mất, Phùng Quán đã lập bàn thờ bạn tại nhà mình, một cái bàn thờ đơn giản treo lên bức vách. Tôi liền mang tư liệu của Tuân Nguyễn lên giao lại cho Phùng Quán để chuyển lại cho chị Phương Thúy. Tôi có bảo anh Phùng Quán sắp xếp với Nhà
xuất bản Văn học in cho Tuân Nguyễn tập thơ. Tôi cũng nói với anh Lữ Huy
Nguyên Giám đốc giúp cho việc này. Anh Phùng Quán có đến Nhà xuất bản Văn
học làm việc với anh Lữ Huy Nguyên, anh Nguyên nói làm ngay thì chưa được,
phải chờ. Nhưng ngay sau đó anh Phùng Quán ốm nặng rồi mất, chị Phương Thúy
thì lưu lạc nên tôi cũng quên chuyện này đi.
Mãi mấy năm sau gặp anh Trần Nguyên Vấn ở Hội thơ Văn Miếu tôi nói lại
chuyện tập hồ sơ của anh Tuân Nguyễn cho anh Vấn nghe. Anh Vấn mừng quá đã
gặp ngay chị Vũ Bội Trâm nhưng với đống bản thảo tư liệu của anh Phùng Quán
cả hai người đành bất lực. Mãi đến khi cháu Phùng Đỗ Quyên từ Lào về mới tìm
được nó. Nhưng tiếc rằng có vài thứ bị thất lạc.
Với rất nhiều cố gắng và với sự giúp đỡ của những người bạn cùng lớp của Tuân Nguyễn, Trần Nguyên Vấn đã in được cuốn Tuân Nguyễn. Có một lý do rất quan trọng đối với cuộc đời Trần Nguyên Vấn. Sau khi Tuân Nguyễn bị bắt có lời đồn thổi rằng Trần Nguyên Vấn đã tố cáo bạn mình, lấy trộm nhật ký của Tuân Nguyễn nộp cho công an. Cái tin này làm cho anh Vấn bức xúc vì oan ức nhiều năm. Mãi sau mới lại có tin người phản bội Tuân Nguyễn chính là Phan Trác Hiệu chứ không phải Trần Nguyên Vấn.
Tuy vậy điều đáng mừng là những bài thơ yêu cuộc sống, yêu nước của Tuân
Nguyễn đã chính thức đến với những người biết anh, yêu mến anh. Họ yên tâm với
sự trả lại danh dự, nhân phẩm cho anh.
Người cậu bị tiếng oan
Xung quanh quan hệ của Phùng Quán với nhà thơ Tố Hữu có nhiều lời đồn thổi
khác nhau. Nhiều lời chê trách Tố Hữu bỏ mặc đứa cháu của mình. Cũng có người
bảo hai người không có quan hệ gì. Thực ra Phùng Quán cũng chưa nói rõ với ai về
chuyện này. Tôi biết được là bà ngoại Phùng Quán là người làm công cho bố Tố
Hữu, có con với ông là mẹ Phùng Quán. Do hơn tuổi nhưng mẹ Phùng Quán vẫn là em Tố Hữu, chịu thân phận con rơi con vãi. Tuy vậy họ bố Phùng Quán có nhiều người hoạt động cách mạng. Bố Phùng Quán hoạt động bị Pháp bắt và chết ở nhà lao năm Phùng Quán mới một tuổi. Một ông chú làm Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế. Ông Phùng Thị làm Chánh văn phòng Bộ Văn hóa. Vì thế án kỷ luật nghề nghiệp văn chương của Phùng Quán ngang với mấy ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt nhưng sau khi đi cải tạo lao động ông vẫn được biên chế tại Vụ văn hóa quần chúng cho tới khi nghỉ hưu với mức lương rất thấp. Trong dịp lao động tại công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải về Phùng Quán bị bệnh lao, Tố Hữu biết tin đã cho Hội Nhà văn đem xe com măng ca đón ông về Viện Lao chữa bệnh. Do tính khí Phùng Quán ông không muốn mang tiếng nhờ vả người nhà nên ông không đi lại thăm hỏi Tố Hữu. Mãi sau khi đã được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn vợ chồng ông mới lại chúc Tết Tố Hữu và viết lại cuộc thăm này.
Đầu năm 1998 Tố Hữu có nói với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi:
“Xét cho cùng không có một sáng tác nào của Phùng Quán lệch lạc về chính trị cả. Ngay cả bài thơ “Lời mẹ dăn” bị phê phán một chặp thì cũng chỉ hơi móc máy một chút thôi.”
Đấy là kết luận của ông trùm chỉ huy đánh Nhân Văn Giai Phẩm sau hơn 40 năm.
Phùng Quán lấy vợ
Vợ Phùng Quán là Vũ Bội Trâm sinh tháng 1-1932, ở số 3 Hàng Cân. Bà đậu tú tài 1954, vừa dạy cấp 2 vừa học dự thính Đại học sư phạm Văn khoa khóa 1 nhưng mãi đến 1963 mới tốt nghiệp. sau dó dạy Cấp 2 Trưng Vương, Bổ túc công nông Hà Nội. Từ 1970- 1985 dạy Trường cấp 3 Chu Văn An. Phùng Quán quen Vũ Hướng em trai giáp Vũ Bội Trâm. Hướng dẫn Quán về chơi thăm bố mẹ, được ông bà yêu quý nhận làm con nuôi. Sau đó Trâm và Quán yêu nhau.
Nhwng khi vụ Nhân Văn Giai Phẩm xảy ra gia đình bà Trâm rất lo cho con gái, nhiều lần khuyên giải, phản đối con nhưng không được. Còn Trường cấp 3 Chu Văn An, nơi bà Trâm là giáo viên dạy văn, thì nhiều lần góp ý. Nhưng chị Trâm vẫn một mực cho rằng: “Tôi yêu anh ấy và nhất định lấy anh ấy làm chồng. Anh ấy là người tốt. Thời gian sẽ trả lời!”. Năm 1962, hai người không làm đám cưới được mà chỉ đăng ký kết hôn, rồi làm một bữa cơm đạm bạc để ‘liên hoan” tại nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi ở Nghi Tàm. Bữa tiệc ấy chỉ có bốn người bạn thân và hai vợ chồng, không có ai đại biện hai gia đinh hay cơ quan cả. Huế là đất kinh đô nên tiệc cưới nào cũng rất sang trọng, tốn kém. Nhưng Phùng Quán “tứ cố vô thân” ở Hà Nội, hai bàn tay trắng, chỉ một tháng được Hội nhà văn trợ cấp 27 đồng, chỉ đủ ăn cơm “đầu ghế” cơm bụi được một tuần, nên làm gì có tiền cưới vợ. Tiệc cưới ấy chỉ mời bốn người là nhà thơ Tạ Vũ, Nguyễn Thị Điều, lúc đó là người yêu Tạ Vũ, nhà báo Xuân Đài và một người bạn tên là Xuân Trung. Phùng Quán đi mua hai chú gà về để giết thịt, nhưng một con bị chết. bà Bội Trâm kể, mọi người uống rượu nói chuyện vui vẻ đến tận khuya. Tạ Vũ say nên chị Điều và Tạ Vũ phải ngủ lại. Nhà bà Tưởng Dơi chỉ có hai cái gường kê sát nhau chen chân không lọt. Một cái do Phan Vũ ở Xưởng phim cho mượn. Thế là đêm tân hôn hai vợ chồng phải ngủ hai gường!
Thành vợ chồng rồi nhưng không có nhà để ở chung. Vũ Thị Bội Trâm vẫn ở nhà
bố mẹ ở Hàng Cân. Từ năm 1962- 1981, chị đẻ và nuôi hai đứa con Phùng Thị Quyên và Phùng Quân tại nhà bố mẹ. Quán thì phải đi lao động cải tạo khắp các nông trường, công trường ở Thái Bình, Thanh Hóa, Việt Trì, Hà Nam, khi về thì ở nhà bà mẹ nuôi Tưởng Dơi ở làng Nghi Tàm. Nhà văn hàng ngày giúp bà mẹ nuôi gánh hàng lên đê Yên Phụ bán, rồi về viết văn. Đêm thì đi câu cá trộm ở Hồ Tây. Tiền bán cá, tiền “văn chui” phần lớn Phùng Quán dành đưa cho vợ nuôi con ở nhà mẹ vợ, còn mình thì ăn cơm bụi và uống rượu nợ với bạn bè. Năm 1981, bà Vũ Bội Trâm mới được Sở giáo dục Hà Nội và Trường Chu Văn An phân cho một góc xép, nguyên là cái xưởng của trường phía Hồ Tây làm nhà ở cho gia đình.
Sau 20 năm lấy vợ, nhà văn Phùng Quán mới có một căn “xép” để vợ chồng ở
chung.
Chính ở góc xép Trường Chu Văn An đó, Phùng Quán đã tự tay đục đẽo dựng một cái chòi bằng gỗ, lợp lá gồi, gọi là “Chòi ngắm sóng” (Mời bác Ba Vì xích lại đây / Ta cùng túy lúy ngắm sóng say...). Trên cái “Chòi ngắm sóng” đó treo đầy tranh, thơ. Có tranh của họa sĩ Văn Cao ký họa Phùng Quán, tranh, tượng của nhiều nhà điêu khắc, họa sĩ Việt Nam vẽ Phùng Quán, bút tích thơ chữ Hán của Hoàng Trung Thông, Tào Mạt, thơ của các nhà thơ trong và ngoài nước viết tặng Phùng Quán. Cái chòi ngắm sóng đó suốt ngày khách, suốt ngày rượu, suốt ngày thơ. Phùng Quán đã tọa lạc trên “chòi ngắm sóng” này hơn mười năm ròng! Bây giờ thì “chòi ngắm sóng” nổi tiếng một thời ấy không còn nữa, vì khu tập thể phải giải tỏa để Thành phố làm bờ kè Hồ Tây. Tháng 6-2003, bà Bội Trâm được mua căn hộ ở Khu chung cư Vĩnh Phúc. Mua bằng tiền đền bù giải tỏa, cũng đủ trả và có thừa ra đôi chút để sửa chữa và mua sắm bàn ghế và sắm cái bàn thờ Phùng Quán.
Cháu Phùng Đỗ Quyên
Cháu sinh năm 1963, là con đầu của Phùng Quán. Cháu học giỏi và tốt nghiệp tiếng Nga Đại học sư phạm Ngoại ngữ nhưng không xin được việc làm. Cháu cũng có bạn trai nhưng cuối cùng rơi rụng cả vì mang tiếng là con Nhân Văn Giai Phẩm. Vì có tiếng Nga cháu xin đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô nhưng công an Hà Nội không cho cháu đi. Phùng Quán chạy lên 15 Trần Bình Trọng đề nghị đơn vị tôi giúp đỡ. Cuối cùng cháu cũng được đi phiên dịch cho đội lao động ở thành phố Tre cat xư gần Kiep, Ukraina. Vào thời gian cuối những năm 1980 công việc của cháu cũng tốt, giúp cho kinh tế gia đình bớt khó khăn. May mắn là một lần lên Kiep cháu gặp được một cậu sinh viên Luật người Lào đang học ở Đại học Tổng hợp Kiep và yêu nhau. Phết Vilay hiền lành, con một cựu chiến binh Giải phóng quân Lào quê ở tỉnh Viên Chăn cách thủ đô Viên Chăn khoảng dăm chục cây số. Cũng may nữa là cuối năm 1989 tôi đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh văn hóa cho cán bộ lãnh đạo tại Học viện Zeczinxki ở Matxcova. Tôi mang giúp cho Phùng Quán một bộ áo váy bò cho cháu.
Cũng tại Ký túc xá tôi ở lại có đoàn cán bộ an ninh văn hóa Lào đang học, có các
anh Vilay, Khăm Mạo, Thông phon… sau này trở thành cán bộ lãnh đạo Tổng cục an ninh, Tổng cục chính trị và Học viện an ninh Lào. Tôi có nói chuyện với họ trường hợp của cháu Quyên và Phết Vilay, nhờ họ giúp đỡ về phía Lào cho hai cháu kết hôn. Kết quả là cháu Quyên theo chồng sang Lào ở. Chồng cháu làm ở Bộ Ngoại giao Lào. Nhà cháu ở cạnh một ngôi chùa gần chợ đêm trên trục đường ra sân bay. Tuy xa gia đình không chăm sóc được bố mẹ nhưng với một cuộc sống như thế cũng là đáng mừng so với trường hợp nếu như cháu ở lại Hà Nội. Gần đây nhất đứa con gái đầu của cháu đã quay lại du học tại Nga. Các cháu đã quay lại thăm nơi in đậm những kỷ niệm tình yêu thời thanh niên. Còn tôi và anh em ở Điện ảnh Công an mỗi lần đi công tác ở Viên Chăn thường ghé nhà cháu chơi.
Bữa cơm phục hồi hội tịch Hội Nhà văn
Khi Nghị quyết đổi mới Văn học Nghệ thuật đã được triển khai thực hiện, có bàn việc trước tiên là khôi phục sinh hoạt bình thường tại Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật cho một số ông như Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Duy, Đặng Đình Hưng…Thực ra thì các ông bị kỷ luật treo bút một thời gian nhưng rồi các Hội bỏ mặc việc khôi phục quyền lợi hội viên cho các ông và các ông cũng tự đình chỉ mình suốt ba mươi năm ròng. Đúng ra là không phải khôi phục hội tịch nhưng trong không khí đổi mới dạo ấy cần phải làm một việc cho có tiếng vang. Hội Mỹ thuật thì khôi phục hội tịch cho ông Trần Duy. Hội Nhà văn thì bàn khôi phục cho năm ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh.
Khi việc khôi phục hội tịch đã được quyết định các ông bàn tổ chức một bữa cơm để cám ơn mấy anh em giúp việc. Bữa cơm được tổ chức ở nhà Phùng Quán. Trong số 5 ông Trần Dần và Hoàng Tích Linh đang ốm không đến được. Hội Nhà văn có Nhà văn Nguyễn Khải, Phó Tổng thư ký, nhà văn Xuân Thiều Chánh văn phòng Hội. Công an thì có tôi Phó Trưởng phòng an ninh văn hóa A25, Nguyễn Quốc Minh cán bộ. Bữa cơm thì đơn giản, một rổ bún, một bát thịt bò xào, một vò rượu nút lá chuối bày trong chòi ngắm sóng của Phùng Quán nhưng không khí rất là vui vẻ, nét mặt ai cũng tươi cười. Nhà thơ Phùng Quán với bộ quần ào bà ba nâu sòng xoa hai tay cười xởi lởi Gọi là có chén rượu nhạt cám ơn các anh. Nhà văn Nguyễn Khải đỡ tay Phùng Quán đáp lễ rất thành thật: Các bác không phải cám ơn, đây là lời tạ lỗi của một người em.
Các ông vui nhiều chuyện, có cả chuyện dáng đi như chân cò của ông Nguyễn Đình Thi, chuyện ông Thi yêu Tuệ Minh từ hồi ở Việt Bắc trước Huy Vân. Các ông khen bài thơ Người đốt lửa không ngủ của tôi vừa mới đăng trên số trong điểm về thơ của báo Văn Nghệ. Các ông đòi nghe tôi đọc bài thơ. Lê Đạt khen bài thơ hào sảng và đề nghị sửa hai câu cuối:
Ngày mai
Ta đốt lửa
Thành:
Sáng mai
Ta đốt lửa
Ông nói Thế mới khẩn trương, quyết liệt.
Bữa cơm đơn giản nhưng dư âm của Nghị quyết phục hồi hội tịch lan xa gây tiếng vang đối với công chúng cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Việc sáng tác và công bố tác phẩm của các ông có khí thế hơn.
Cu Nguyên cu Phong.
Những năm cuối giai đoạn ở nhà 12 Ngõ Trạm của tôi, căn buồng 12 mét vuông dãy phía sau biệt thự của Tổng đốc Phạm Gia Thụy người làng Đông Ngạc. Phùng Quán có đến chơi vài lần, có lần dẫn theo cả anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh có
cho hai thằng cu nhà tôi, cu Nguyên, cu Phong bộ tiểu thuyết 3 tập Tuổi thơ dữ dội,
mấy cuốn sách mỏng, bộ tượng đất nung Thày trò Đường Tăng. Bọn trẻ nhà tôi yêu cả văn, cả con người anh. Chúng rất thích được chơi với bác Quán. Đến nỗi một hôm vợ chồng tôi đi vắng về nhà không thấy hai con đâu, tá hỏa đi tìm các cửa hàng điện tử xung quanh khu phố đều không có. Cuối cùng tôi quyết định đi về phía nhà anh Quán thì gặp chúng đang trở về quãng đầu Bảo tàng quân đội. Chúng nói lên chơi nhà bác Quán, bác Trâm giữ lại ăn cơm trưa rồi mới cho về. Chúng cùng bác Quán ngủ ở chòi ngắm sóng.
Còn phần II