Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÂP TRUYỆN CON BỆNH CỦA KIM UYÊN

Hoàng Linh
Thứ năm ngày 14 tháng 12 năm 2023 9:42 AM


Tập truyện ngắn “Con bệnh” của Kim Uyên: Khắc họa loại hình bệnh hoạn trong xã hội hiện đại

Đó là tiêu đề chung cho tập truyện ngắn, cũng là tên một tác phẩm trong tập truyện. Con bệnh ở đây không đơn thuần là một người bệnh, mà tác giả khắc họa về loại hình bệnh hoạn trong tâm lí - ý thức xã hội hiện đại.

Với thủ pháp kể chuyện, các tác phẩm trong tập truyện được thể hiện dung dị, dễ đọc, dễ cảm. Tác giả tốt nghiệp khóa VI Trường viết văn Nguyễn Du, nhưng có 20 năm hoạt động báo chí, trưởng thành là một nhà báo. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của tác giả được kể với cách hành văn đầy chất báo chí
“Con bệnh” là tên một truyện ngắn trong tập truyện có 14 tác phẩm, cũng được lấy làm tiêu đề chung cho tập truyện ngắn. Con bệnh ở đây không đơn thuần là người bệnh, mà tác giả khắc họa về loại hình bệnh hoạn trong tâm lí - ý thức xã hội hiện đại. Đây cũng là thông điệp cảnh báo về những lệch lạc trong đời sống. Một ông già cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, chỉ vì con, cháu về nhà chỉ chào một câu rồi ai nấy khuất dạng sau cánh cửa căn phòng của mình. Căn nhà cùng các vật dụng đắt tiền, là kết quả của sự phấn đấu cả đời, nay phải rời đi quả là không khỏi trăn trở. Thế nhưng ông già quyết dứt áo, để vào sống trong viện dưỡng lão, để xóa đi sự cô đơn trong những ngày tháng cuối đời…

Một người sống ở nông thôn quá khó khăn, kiếm được công việc chăm sóc bệnh nhân nặng ở bệnh viện, đối mặt với những đau đớn, những tiếng rên rỉ, những cái chết, để làm những việc lau rửa, thay quần áo, cho người bệnh ăn… Mặc dù vất vả, nặng nhọc nhưng tiền kiếm được cũng dư dả, có tiền gửi về quê cho vợ con. Nhưng rồi anh phải đối mặt với thực tế, để có người bệnh chăm sóc, phải qua cò, phải “mua con bệnh” qua mụ béo bán thuốc tây ở cổng viện, vì mụ béo có quan hệ thân thuộc với bác sĩ và chức sắc của bệnh viện. Cuối cùng sau gần một tuần chờ việc, anh phải vét nhẵn túi mua của mụ béo một con bệnh, là ông lão chạc gần bảy chục tuổi bị tai nạn, nhập viện cấp cứu một mình không người thân. Anh cố hỏi ông lão thông tin về người thân nhưng không được. Kết cục ông lão tắt thở mà anh không lấy được tiền công, cuộc sống đi vào bế tắc. “Trời bắt đầu sáng. Gã bật dậy choáng váng. Trên giường ông già đã lạnh cứng, ông tắt thở từ đêm”, đó là cái kết của truyện ngắn “Con bệnh”.

Các nhân vật trong những tác phẩm của tập truyện được tác giả xây dựng phong phú, với nhiều sắc thái. Các nhân vật là quan chức, sếp lớn nhỏ… được tác giả xây dựng mang hình tượng chung là “trưởng giả học làm sang”, hoặc những hình ảnh phù phiếm, béo mập, ham hố, ăn nhậu ngập ngụa trong rượu bia, đồ ăn đắt tiền. Truyện ngắn “Cha và con”, khắc họa mối xung đột văn hóa ở cấp độ gia đình, xung đột trong quan hệ thế hệ cha - con. Lão Nam, một quan chức nghỉ hưu, vẫn mang bản chất mưu mô, xảo quyệt. Thấy nhà hàng xóm liền kề của vợ chồng người kiến trúc sư thiết kế đẹp, lại có thang máy, lão mưu mô thôn tính, nên mang về nhà chiếc mõ to cho vợ gõ, gây khó chịu cho nhà bên cạnh trong con ngõ cụt. Rồi khi vợ chồng hàng xóm rao bán nhà, lão tung tin con ngõ ảm đạm, đầy âm khí, do có mẹ con hành khất chết ở đó, để lão dễ dàng mua căn nhà với giá rẻ. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, cuối cùng lão phải cắn răng mua căn nhà với giá đắt, mà căn nhà của lão rao mãi không người mua, cũng bởi tin đồn thất thiệt mà lão tung ra.Một ông quan chuẩn bị nghỉ hưu, tranh thủ làm chuyến đi chơi bằng tiền của cơ quan sang Dubai. Đó là nhân vật Tị, dù có bằng ngoại ngữ nhưng không thể tự giao tiếp, nên chuyến đi phải mang theo một người phiên dịch. Rồi sang sân bay nước đó gã xăm xăm bước đi lọt vào khu vực cấm, bị cảnh sát giữ lại. Vẫn với thái độ trịch thượng như khi còn trong nước, gã tính chống đối lại cảnh sát nhưng không được. Khi trở về, gã mang một thùng bia bị cấm, sai phiên dịch đem bán không được, đành ngậm ngùi giấu đi, để kịp lên máy bay về nước.

Rồi hình tượng một ông quan địa phương chuyên đi ăn chạc ở các quán ăn, cụ thể ở đây là quán vịt nướng của anh Phàm. Ông chủ tịch còn lợi dụng địa bàn quản lí có lắm nguồn thu để vơ vét, ông giàu có nhờ bắt tay doanh nghiệp lấy đất canh tác làm nhiều dự án. Đám thực khách của ông chủ tịch, với ông đội trưởng ăn vịt nướng ở quán anh Phàm nhiều lần, nhưng toàn ghi sổ nợ và anh chờ đợi mãi không thấy ông đội trưởng trả tiền. Rồi anh Phàm nghĩ ra chiêu nói dối ông đội trưởng rằng, ông chủ tịch đã trả đủ rồi. Ông đội trưởng hoảng hốt, vì để ông chủ tịch trả tiền là gay: “Có mấy bữa ăn để ông ấy trả tiền thì còn tính làm ăn gì nữa không?”. Vì vậy, ông đội trưởng móc tiền ra đưa cho Phàm, nói trả lại cho ông chủ tịch. Anh Phàm kết luận: “Nói thế mới đòi được nợ”.

Hình tượng một anh nhà báo, nhờ “bồi bút” mà leo lên vị trí cao ở một tờ báo, rồi còn thu vén cho vợ con, người nhà. Ông quan có công đầu đưa nhà báo vào “cuộc chơi quyền lực”, thì khi về hưu có đứa con trai duy nhất mắc bạo bệnh mất lúc tuổi còn xanh. Ông quan về quê ở để được yên tĩnh, nhưng tay nhà báo vẫn tìm ra. Thì ra tay nhà báo âm mưu đến gặp ông quan, nhằm viết cuốn sách về ông, qua đó có việc lớn nhờ đến lãnh đạo to. Ông quan sau những thăng trầm của cuộc đời giờ chỉ muốn sống bình yên, nên từ chối. Đoạn kết cho thấy tâm tư của ông: “Nói xong, ông chìm vào một giấc ngủ miên man… ông cầu mong đứa con trai thác thiêng phù hộ cho ông những năm tháng cuối đời được sống bình yên”.

Rồi một ông chủ tịch chết do tai nạn, do đi ăn nhậu rồi tranh cầm lái với cả lái xe. Ông quan này chết đi, mới lộ ra nhiều mối quan hệ ngoài luồng. Ông phó chủ tịch thì có bằng tiến sĩ, nhưng khả năng dùng ngôn ngữ trên giấy rất kém. Lại thêm số tiền lo lót kém hơn, nên chức chủ tịch bị người mới chết nẫng tay trên. Nhưng cái chết của ông chủ tịch lại là cơ hội của tiến sĩ Hưng, cấp phó lên thay. Tiến sĩ Hưng bàn với lão Tân là anh trai mình viết điếu văn để Hưng đọc trước lúc di quan. Nhưng lão Tân lại chứng kiến cảnh có người phụ nữ bế theo con nhỏ vào xin thắp nhang, lại người phụ nữ nữa cũng xin vào thắp nhang… đó là những quan hệ ngoài luồng của ông chủ tịch. Khi về, lão Tân phân vân không biết viết điếu văn ra sao cho em trai đọc.

Tập truyện còn có nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều hình tượng mang “con bệnh” thời đại khác nhau. Có cả chuyện một cô giáo chỉ vì thành tích bản thân, thành tích của nhà trường, để trường phấn đấu làm trường điểm, mà tìm đủ mọi cách ép một phụ huynh phải chuyển trường cho con. Phụ huynh là người mẹ đơn thân, cũng cố tìm trường để chuyển cho con nhưng không được. Mà để con nghỉ học thì không nỡ, mặc dù cháu bị chứng trí tuệ chậm phát triển, nhưng đến lớp là nhu cầu của trẻ. Vì vậy, cuối cùng người mẹ phải đấu tranh với cô giáo, để con được tiếp tục đến trường. Ép phụ huynh phải chuyển trường cho con, nhằm giữ hoặc nâng cao thành tích giáo viên và của nhà trường, cũng là “con bệnh” phổ biến trong xã hội hiện nay.

Nhìn chung, tập truyện ngắn “Con bệnh” đáng đọc, như phần Lời giới thiệu đã ghi: “Mỗi truyện ngắn trong tập đều thống nhất tập trung thể hiện về một khía cạnh con bệnh khác nhau, tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú và hấp dẫn người đọc”.

Hoàng Linh