Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN CÓ CẦN PR?

Sương Nguyệt Minh
Thứ năm ngày 28 tháng 9 năm 2023 5:55 PM


Trong thời đại Internet ngày nay, PR đang là ngành hot được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Vậy thì, nhà văn có cần PR không? Nhà văn có cần PR để xây dựng thương hiệu không? Có cần PR để bán tác phẩm nhanh, nhiều, thu được lắm tiền không? Hay, nhà văn là “một giống loài khác biệt”, thương hiệu và tác phẩm tự nó “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần PR?

1.

Nói về quảng bá giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc thì nhà văn Việt Nam rất kém. Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần của nhà văn, khi qua nhà xuất bản và phát hành thì sách trở thành hàng hóa. Đã là hàng hóa thì phải chịu sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường. Có nghĩa là nó phải nằm trong quy trình từ đầu tư, sản xuất, thành phẩm, PR, và bán hàng. Nhưng, nhà văn Việt Nam chỉ biết cặm cụi, đổ mồ hôi sôi nước mắt sáng tác ra tác phẩm, còn nó thành sách và đến với bạn đọc thì phó mặc cho nhà xuất bản bao cấp.

Nhà văn nhìn thấy tác phẩm của mình phủ bụi, đắp chiếu trong nhà, trong kho chỉ biết của đau con xót mà không biết đưa nó đến đầu giường, giá sách bạn đọc, thổi cho nó một đời sống mới làm bầu bạn tri âm với người đọc.Nói về sự vụng dại không biết PR tác phẩm của nhà văn Việt Nam, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Đà Nẵng trong một hội thảo ở thành phố đã than thở: "Do yếu tố gì mà trong thực tế văn học nghệ thuật "quê nhà" đang có nguy cơ trở thành văn học nghệ thuật "nhà quê" hiểu theo nghĩa chỉ hát cho nhau nghe, vẽ cho nhau xem, viết cho nhau đọc bên bờ sông Hàn".

Ở đây, không chỉ là nhận định về chất lượng tác phẩm, mà còn ở ý nghĩa quảng bá tác phẩm chưa được phổ biến rộng rãi, bạn đọc toàn quốc chưa được biết đến tác phẩm của các văn nghệ sĩ Đà Nẵng. Tình trạng này không chỉ ở các địa phương, mà ngay cả ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng èo uột, quảng bá tác phẩm gặp chăng hay chớ, hết sức nghiệp dư.

Tuy vậy, những người coi văn chương là một thứ cao siêu, “không chuyên chú ở con người mà chỉ chuyên chú ở văn chương”, có nghĩa là làm nghệ thuật thuần túy không màng đến danh, đến lợi, thì không cần PR. Có những người vô cùng sai lầm cho rằng, nhà văn chỉ có viết kém mới phải “đánh bóng” tên tuổi của mình, “làm hàng” cho tác phẩm của mình. Họ cho rằng đó là thứ sản phẩm đang được “quảng cáo” như bán hàng hóa, mất hết cả thi vị văn chương.

“Hữu xạ tự nhiên hương” thì tác phẩm ra đời chỉ được biết đến trong số đồng nghiệp và người thân tác giả, dù mừng cho nhau, dù sung sướng hạnh phúc bởi cuộc sinh thành đứa con tinh thần thì phạm vi cũng rất hẹp. Đứa con của chúng ta dù khôi ngô tuấn tú bao nhiêu thì cũng chỉ gia đình, dòng họ biết, nhưng đứa bé thứ 7 tỷ chào đời thì cả nhân loại đều biết, biết là do truyền thông đấy. “Hữu xạ tự nhiên hương” thì đông đảo bạn đọc sẽ không có cơ hội nghe, nhìn thấy tác phẩm, nói gì đến đọc, đến thưởng thức cái hay cái đẹp do tác giả sáng tạo. Cái thiệt đầu tiên là tác giả ế sách, nhà đầu tư lỗ vốn và bạn đọc mất một cơ hội thụ hưởng giá trị tinh thần của tác phẩm.

“Harry Potter và hòn đá phù thủy” (tập đầu tiên của loạt truyện) của nhà văn J.K. Rowling phải trôi qua 12 nhà xuất bản, trong đó có nhiều ông lớn như Simon & Schuster, Penguin…, cuối cùng dừng lại ở nhà Bloomsbury, in với lý do con gái nhỏ của ông chủ muốn đọc hết bản thảo này, nhưng cũng chỉ được in với số lượng 500 cuốn. Phải đến khi nhà Scholastic ở Mỹ mua bản quyền và xây dựng chiến lược PR rầm rộ, phát hành khắp đất nước cờ hoa thì mới trở thành hiện tượng đáng kinh ngạc, và đến nay nó đã trở thành “sách best seller mọi thời đại”, phát hành hơn 110 triệu bản.

Khi Harry Potter đã trở thành sách best seller trên toàn cầu, có nghĩa là đã thấy cơ hội doanh thu lợi nhuận trong tầm tay, nhưng khi Nhà xuất bản Trẻ mua bản quyền, in và phát hành tại Việt Nam cũng rất nhạy bén xây dựng chiến lược PR từ cách tính in khổ nào, loại giấy gì, phát hành ngày nào, giờ nào, thậm chí tổ chức các cuộc thi đoán số lượng phát hành, tựa sách viết ra sao, và các buổi tổ chức giới thiệu tác phẩm như thế nào…, đều rất khoa học và “thị trường”.

Làm PR đúng nghĩa thì nhà văn được hưởng lợi, mà nhà xuất bản, công ty truyền thông, rồi MC cũng có lợi.

Năm 2009, tôi tổ chức ra mắt tập truyện ngắn “Dị Hương”, nhiều anh chị em đồng nghiệp, và cũng nhiều phóng viên báo chí đến dự. Dù lúc đó chỉ có báo chính thống và mạng xã hội có weblog là chủ yếu, còn Facebook, Twitter, Instagram… chưa phát triển vũ bão như bây giờ, nhưng chỉ qua một đêm thức dậy đã có nhiều người dù chưa đọc tập truyện ngắn mà cũng biết đến nó qua cuộc ra mắt sách trên truyền thông. Từ đó, tôi nhận ra rằng: tác phẩm của nhà văn rất cần được quảng cáo, được PR.

Nếu PR đúng nghĩa, chọn được người có uy tín viết bài giới thiệu tác phẩm không vống nó lên tận mây xanh, không vùi nó xuống “bùn đen vạn kiếp” thì bạn đọc còn có cơ hội hiểu sâu sắc tác phẩm, nhận biết được vẻ đẹp của “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”.

2.

Sẽ đến lúc đông đảo bạn đọc nhận diện được thương hiệu nhà văn như người tiêu dùng nhận diện được thương hiệu doanh nghiệp qua một logo như quả táo cắn dở với ý nghĩa ham muốn vô tận và quyến rũ vô cùng của Apple, hay chữ LG cách điệu mang gương mặt cười hạnh phúc; qua slogan: “Theo cách của bạn” của Viettel với ý nghĩa truyền cảm hứng và trao quyền cho khách hàng. Không chỉ người tiêu dùng thông thái từng nghe, từng biết, từng chọn lựa sử dụng, mà người bình thường cũng sẽ biết các thương hiệu ấy. Tương tự với văn chương, PR đúng nghĩa và không còn xa lạ nữa.

Có những người nghề chính là ca sĩ, ngôi sao màn bạc, MC nổi tiếng, hay doanh nhân giàu sang cũng viết văn, tôi tạm gọi các bạn ấy là nhà văn thời @, các nhà văn này khác hẳn thời chúng tôi và cha anh trở về trước cả về cách sáng tạo nghệ thuật lẫn cách thức cho tác phẩm ra đời.

Ngày trước, chúng tôi muốn viết một cái gì đó phải dắt lưng vốn bằng những tháng năm trải nghiệm, và phải đọc, phải tự thân tìm kiếm tư liệu như đọc sách, vào mạng lọc ra những cái gì mình cần cho lao động nghề nghiệp. Nhà văn thời @, ngoài lưng vốn trải nghiệm thì được hỗ trợ sáng tác bằng trợ lý. Người trợ lý có khi còn gợi ý cho nhà văn viết cái gì bạn đọc đang quan tâm, và cung cấp cho “nhà văn @” những kiến thức về tâm lý, lịch sử, địa lý… Chẳng hạn cần hình dung ra bối cảnh đô thị miền Nam trước năm 1975 để tạo không khí, không gian nghệ thuật, thay vì nhà văn tự tìm, gặp gỡ nhân chứng, thì trợ lý sẽ làm công việc này.

Chính vì thế, cách “nhà văn @” đưa tác phẩm đến nơi in, đến tay bạn đọc cũng khác, và mới. “Nhà văn @” viết sách thường in ngay, phát hành tưng bừng, ra mắt sách, bán sách có bài bản. Trợ lý tìm nhà xuất bản, làm việc với biên tập viên, tổ chức in ấn, tổ chức ra mắt sách và truyền thông, “nhà văn @” chỉ có gật đầu chỗ này, điều chỉnh chỗ kia, hoặc tất cả giao phó cho trợ lý lo từ đầu đến cuối. Chẳng hạn: Xin giấy phép ở nhà xuất bản nào, in khổ nào, bao nhiêu trang, giấy chất liệu gì, có đóng bìa cứng hay không? Ra mắt sách ở đâu? Mời bao nhiêu người. Ai phát biểu? Mời những báo nào, thậm chí huy động cả các facebooker để PR tác phẩm? ... Tác giả hầu như không phải làm cái gì, “chỉ có nhiệm vụ là cười tươi và cảm ơn”, đã có trợ lý làm hết. Cái tính chủ động trong việc in và PR tác phẩm rất chuyên nghiệp.

Nhà văn đôi khi bán được sách, nhiều người biết là lúc được giải thưởng, được vào sách giáo khoa, hoặc truyện ngắn, tiểu thuyết được chuyển thành sân khấu, điện ảnh, thơ được phổ thành nhạc. Các loại hình nghệ thuật khác như chắp cánh cho tác phẩm của nhà văn, nhà thơ bay xa, bay cao đến được với nhiều người đọc, người nghe, người xem. Bạn đọc cứ thử hình dung: một tác phẩm in ấn bình thường in báo chỉ khoảng vài ngàn, vài vạn tờ cho chừng ấy người đọc, nhưng nếu được chọn vào sách giáo khoa mới cũng phải hơn 30 vạn học sinh đọc, còn bộ cũ thì phải hơn 1 triệu học sinh đọc và học hàng năm. Thử hỏi: Có nhà văn Việt Nam nào tác phẩm phát hành 30 vạn bản, thậm chí 1 triệu bản không? Nhà văn hưởng lợi khi được phổ biến tác phẩm theo những cách này cũng là các hình thức của PR đấy. Thế thì nhà văn có cần PR tác phẩm không?

Quả thực PR là một nghề, nó không phải thủ công mà rất chuyên nghiệp. Không phải nhà văn nào muốn xây dựng hình ảnh, thương hiệu và bán tác phẩm của mình cũng làm được. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng nói: “Tôi vài ba lần vò tai bóp trán tìm cách PR tác phẩm cá nhân và bất lực nhận ra mình không phải ba đầu sáu tay để vừa làm người sáng tác vừa làm chuyên gia PR! Chấp chới giữa những ý tưởng PR tuyệt vọng, tôi rút kinh nghiệm nhỏ nhoi: nếu không sử dụng được chiêu thức PR như một công nghệ thì múa mép khua môi sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Lúc ấy, không những tác phẩm không bán được mà thân phận văn chương cũng tội nghiệp lắm”.

Viết văn, làm thơ đã hay mà lại còn hành nghề PR giỏi nữa thì cả thế giới chả được mấy người. Cho nên, phần lớn các nhà văn tập trung vào sáng tác, để cho trợ lý, hoặc thuê công ty chuyên ngành PR quảng bá thương hiệu và tác phẩm cho mình thì hiệu quả sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, vì PR là xây dựng mối quan hệ khách hàng và doanh nghiệp, bạn đọc và tác giả đều cùng có lợi nên PR cần sự khách quan, trung thực. Có nghĩa là khách hàng có lợi khi dùng sản phẩm của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp cũng có lợi nhuận khi sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tác phẩm văn học, nghệ thuật phải đáng đồng tiền bát gạo làm thỏa mãn người đọc, người xem, và tác giả cũng có lợi nhuận. Mối quan hệ này có ý nghĩa tích cực. Chứ quảng bá rầm rộ, toàn những bài khen ngất trời giăng khắp các báo in báo mạng và các lời khen có cánh của những ông lớn văn chương trong lễ ra mắt sách, trên mạng xã hội… khiến bạn đọc đổ xô đi tìm mua, mà khi đọc thì chất lượng tác phẩm làng nhàng sẽ phản tác dụng. Bạn đọc chán chường, bức xúc có cảm giác như bị lừa dối. Từ những háo hức ban đầu bảo nhau truy lùng tìm đọc đến thái độ tẩy chay tác phẩm, phê phán tác giả thì “lợi bất cập hại”. Về sau, chỉ nhìn thấy, hay nghe tên tác giả là bạn đọc đã né.

Nói về cách thức giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc, nhà văn Bích Ngân cho rằng: “Người đọc vừa tinh tường vừa khắt khe. Họ chỉ bỏ tiền mua đúng thứ hàng hóa có giá trị mà họ cần. Tô vẽ, son phấn hay nâng con mình cao hơn, to hơn kích thước và tầm vóc vốn có của nó, không chỉ làm thui chột đứa con tâm huyết của mình, mà còn có thể triệt tiêu con đường sáng tạo của chính mình”.

Nhà văn có cần PR? Rất cần, nhưng không phải bằng mọi giá.