Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUỐN SANG THÌ BẮC CẦU KIỀU

Đỗ Trọng Khơi
Thứ năm ngày 7 tháng 9 năm 2023 8:56 AM


(Thử hình dung cuộc tung hứng thơ Kiều

trong ngoại giao Việt – Mỹ, lần thứ Tư -2023)


Tính từ năm 2000, năm mà vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ Clinton sang thăm Việt Nam, để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ, hợp tác phát triển đến nay đã 23 năm. Trong khoảng thời gian này đã diễn ra 4 cuộc viếng thăm của các đời Tổng thống Obama, Bush, Trump, và sắp tới là Biden…trong 4 cuộc thăm trên thì có hai cuộc các vị tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều, cùng với cuộc tới thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015, trong bữa tiệc chiêu đãi, Phó Tổng thống Biden đã lẩy Kiều, vậy là có 3 lần Kiều được dẫn làm nhịp cầu văn hóa, Cầu Kiều bắc nối tình quan hệ Việt – Mỹ.

Những câu thơ Kiều nào đã được lẩy ?

Lần thứ nhất, năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã lấy câu thơ số 1795 và 1796 của Truyện Kiều, lẩy sự chuyển động của thời gian, của thiên nhiên, đất trời với những hình ảnh, đặc điểm nổi bật nhất của bốn mùa trên đất Việt làm điểm dẫn cho tình người. Thật tinh tế:

Sen tàn cúc lại nở hoa,

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.

*

Lần lẩy Kiều thứ 2, năm 2015, diễn ra trong tòa Bạch ốc, do Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden “lẩy” câu thơ 3121 và 3122, đoạn Kim - Kiều tái hợp sau 15 năm lưu lạc, rất phù hợp với quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ lúc đó cũng trải 15 năm, tính từ cuộc thăm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước của Tổng thống Bill Clinton:

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.

“…Có thể so sánh: nếu câu Kiều Bill Clinton “lẩy” trước đây đặt niềm tin “đông đà sang xuân”, thì câu Kiều Joe Binden dẫn ra trong tiệc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, là sự khẳng định, củng cố sự tin tưởng và thể hiện niềm vui về những gì hai quốc gia đã làm “để có hôm nay”. Và “hôm nay”, “sương”- cái nhìn thấy ngay trước mắt, đã “tan đầu ngõ”, “mây giữa trời”, cái xa hơn, cái đang còn khuất lấp, cũng đang được vén mở; đã nhìn rõ bầu trời rộng lớn, tương lai của mối quan hệ giữa hai nước…”

*

Lần thứ 3, Chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Tổng thống Barack Obama cũng rất đặc biệt . “…Đặc biệt từ mục tiêu: Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới. Mối quan hệ lâu dài của hai đất nước chúng ta, bắt đầu từ Thomas Jefferson từ hơn hai thế kỷ trước, bây giờ bắt đầu một chu kỳ mới”. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước hơn hai nghìn người, Barak Obama với sự gần gũi, thân thiện của mình, đã trân trọng quá khứ lịch sử rất huy hoàng của Việt Nam, nhiều lần khẳng định chủ quyền độc lập và sức mạnh, vẻ đẹp bền bỉ, sâu sắc, tinh tế của văn hóa Việt Nam - cơ sở nền tảng vững chắc của chủ quyền độc lập ấy…” Với lòng tin cậy từ cơ sở lịch sử văn hóa – chính trị đó, ngài tổng thống lẩy Kiều:

Rằng trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi

“…Đây là câu thơ 355 và 356 của Truyện Kiều, đoạn Kim – Kiều gặp gỡ, đoạn đẹp nhất, trong sáng nhất, nên thơ nhất của Thúy Kiều và Kim Trọng! Đã qua những thời khắc “giữ ý rụt rè”, “Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay”. Đã qua những suy tư: “Thiệt đây mà có ích gì đến ai”. Để rồi “Trăm năm cũng từ đây” vừa là ghi trước trời đất thời khắc gắn bó này, vừa là duyên trời định đôi lứa gắn bó trọn đời từ đây. “Của tin gọi một chút này làm ghi”. Kỷ vật nhỏ nhưng nguyện thề trong đó rất lớn, rất thiêng liêng!...”

*

Chuyến viếng thăm lần này của ngài Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ được đặt làm trọng tâm của Mỹ, khi mà chính ngài Tổng thống đã phải bỏ Hội nghị quan trọng diễn ra hôm 4-5/9 này với các nước Asean ở Indonesia. Cuộc thăm Việt – Mỹ lần này được dự đoán hai bên sẽ ký kết nâng tầm hợp tác vượt bậc từ Đối tác toàn diện lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện. Việt Nam mới đặt mức quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 4 nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Sự thật diễn biến trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ nâng tầm vượt bậc, thì ý nghĩa của chuyến viếng thăm lần này của ngài Tổng thống Mỹ là vô cùng quan trọng. Vậy, theo truyền thống qua các cuộc gặp gỡ chiêu đãi tiệc rượu như đã xảy ra, lần này một bên chủ nhà là vị Tổng bí thư – một GS Văn học, một bên là vị tổng thống - nhà ngoại giao lão luyện, cuộc tung hứng lẩy Kiều có diễn ra không? Có thì câu thơ nào sẽ được lẩy?

Hình dung lần thứ 4 có lẩy Kiều . Với câu hỏi mà chắc nhiều người quan tâm đến vận mệnh đất nước, qua mối quan hệ Việt – Mỹ đang hồi hộp theo dõi cũng thầm đặt ra, và mỗi người đều có lựa chọn theo ý một câu thơ phù hợp. Riêng tôi thì lựa lẩy thơ Kiều, với câu này, đồ rằng ngài tổng thống Mỹ có thể sử dụng cả 4 câu thơ từ số 449 đến 452:

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Tôi lựa bốn câu Kiều này vì tôi nghĩ người Mỹ hiểu người Việt Nam, trong đời sống cũng như qua tác phẩm văn học đều thích các câu chuyện kết thúc có hậu. Vị Tổng bí thư lại vốn là thầy giáo dậy văn học, bởi thế ngài sẽ rất ưng ý nghĩa của khổ thơ này, và hơn thế, những câu tiếp theo là một đoạn thơ tỏ được vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của một khúc nhạc, tay đàn tài hoa Thúy Kiều. Khúc nhạc được mô tả mà ý tứ ngẫm ra cũng có phần từa tựa cuộc tình Việt – Mỹ từng trải qua: “Khúc đâu Hán Sở chiến trường / Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau / Khúc đâu Tư mã Phượng cầu / Nghe ra như oán như sầu phải chăng/ Kê Khang này khúc Quảng lăng / Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân…” Và:


Qúa quan này khúc Chiêu Quân,

Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia .

Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…

Thật nhiều cảm khái, lưu nhớ trong đoạn tình “cầm sắt” hay cầm cờ” Kiều – Kim, Việt – Mỹ!

*

Một câu hỏi thêm cũng cần đặt ra, khi ngài Tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều, thì với tư cách chủ nhà ngài Tổng bí thư có “lẩy” họa vần không? Họa thì ngài lẩy câu Kiều nào?

Và đây là câu Kiều số 1471-1472 dành cho ngài tổng (tất nhiên theo ý tôi. He):

Huệ lan sực nức một nhà,
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.

Câu thơ này trong đoạn tả cảnh Kiều gặp Từ Hải, đang tâm sự nỗi đoạn trường đã trải và đặt ý muốn được Từ giúp việc báo ân báo oán. Vậy, há chẳng hợp mối tình Việt - Mỹ trong mấy chục thập kỷ qua lắm sao. Đặc biệt câu kết khổ thơ: E thay những dạ phi thường/ Dễ dò rốn bể khôn lường đáy sông!” Đáy bể - Thái Bình Dương – ngăn cách tình Việt Mỹ nay thấy còn dễ dò nông sâu, vậy sao cái đáy sông Ka Long cỏn con ngỡ nông sờ kia lại cứ ngàn năm rồi chưa dò thấu đáy sâu khôn lường, gian hiểm?! Thật là một câu thơ tuyệt diệu hay, tuyệt kỳ đúng khi đặt vào mối “Tam giao Mỹ - Việt – Trung!”

*

Như đã biết, vốn không lạ gì việc dùng thơ phú, câu đối đáp thường xây ra trong quan hệ bang giao các đời vua chúa phong kiến Việt – Trung. Thời phong kiến, việc ngoại giao thương được giao cho các vị quan văn hay chữ tốt, có tài thông kim bác cổ, và các chuyến đi sứ còn lưu lại ngày nay bao câu chuyện về sự đối đáp thi phú, và các sáng tác văn thơ.

Thời nay, cụ thể trong quan hệ ngoại giao với quốc tế, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khơi lại truyền thống đưa văn hóa, văn học vào công việc ngoại giao, và cụ đã “lẩy Kiều” khi tiếp Tổng thống Guinea Sekou Toure, năm 1960, với hai câu:

Bây giờ mới gặp nhau đây

Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên…

Tuy vậy, việc các Tổng thống Mỹ với nền văn hóa khá khác biệt với văn hóa – chính trị - ngoại giao kiểu Việt Nam, song các ngài ấy đã vận dụng cơ sở văn hóa, văn học Việt Nam để lẩy Kiều, tôi hình dung việc làm này như việc BẮC CÂY CẦU KIỀU trong quan hệ Việt – Mỹ, khởi từ năm 2000 với ngài Tổng thống Clinton là một dụng công đầy tinh túy, tinh tường, gây được sự thú vị cũng như tính hiệu quả cao. Rất lý thú!

8/9/2023

ĐTK

____________

(Bài viết có trích dẫn tư liệu và lời bình từ bài viết “Truyện Kiều trong diễn văn của các Tổng thống Mỹ” trên báo Văn nghệ, 8/2000.