Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC

Lại Nguyên Ân
Thứ ba ngày 5 tháng 9 năm 2023 3:29 PM
Còn nhớ, chừng vài chục năm trước, tôi có những lần chuyện trò với một họa sĩ đã từng hành nghề đắp mặt nạ để lưu lấy khuôn mặt người, nên hay có nhận xét về kiểu loại những khuôn mặt đáng chú ý. Có hôm nhân nói về nhà văn Nguyên Ngọc (lúc ấy ông đang là Tổng biên tập tuần báo “Văn Nghệ” của Hội nhà văn Việt Nam), anh ấy nhận xét: Ông Ngọc có khuôn mặt trẻ, trẻ thơ, thậm chí trẻ con, như là không bao giờ già!
Tôi thoáng nhớ tới nhận xét ấy khi nghĩ về anh Ngọc, đường văn của anh, tiến triển tư tưởng và hoạt động văn hóa xã hội của anh.
Nét thứ nhất ở Nguyên Ngọc là vai trò nhà văn; một nhà văn đa năng, sáng tác thành công trong nhiều thể tài văn xuôi, hư cấu và phi hư cấu, tự sự và nghị luận, lại cũng có đóng góp đáng kể trong hoạt động dịch thuật.
Vào đời là người lính, anh sớm được giao làm báo, từ đấy tập viết văn. Nếu ai được đọc một vài trang truyện ký của tác giả này trước 1954, hẳn sẽ nói đó là thứ văn minh họa, dễ dãi trong nhìn người nhìn việc. Thực ra công chúng chỉ biết đến tên tuổi nhà văn Nguyên Ngọc kể từ tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” (1955). Tác giả được giao đề tài viết thành tích anh hùng chiến sĩ, đã cho phép mình thoát cái khung khổ truyện ký gò bó để phóng bút thành tiểu thuyết. Ở tác phẩm này, nay nhìn lại sẽ dễ thấy tính minh họa biểu hiện lộ liễu. Song ít ra vẫn còn một điểm ghi nhận được, ấy là sự lựa chọn, sáng tạo trong phong cách ngôn ngữ. Viết bằng tiếng Việt câu chuyện những con người thuộc các sắc tộc Tây Nguyên mà tiếng Việt không là bản ngữ, tác giả đã tạo ra một giọng kể cùng các giọng nói tiếng Việt theo lối thơ ngây, có khi ngờ nghệch, ngồ ngộ, nhưng bao giờ cũng chất phác, chân chất. Phong cách ngôn ngữ thơ ngây sẽ còn được Nguyên Ngọc vận dụng thành công trong các tập truyện “Rẻo cao” (1962) viết về vùng cao Tây Bắc, và “Rừng xà-nu” (1969) cũng viết về vùng núi Tây Nguyên.
Các bạn văn cùng thời với ông ở tạp chí “Văn nghệ quân đội” từng nhận xét: bên cạnh ngòi bút viết truyện ở Nguyên Ngọc còn một ngòi bút nghị luận, chính luận. Ngay trong văn xuôi, bên cạnh phong cách thơ ngây trữ tình, ông còn tìm tòi viết truyện trong phong cách suy tư, cật vấn các vấn đề đời sống hiện tại. Truyện “Mạch nước ngầm” (1959) viết về công trường xây dựng trên miền Bắc, đã làm nhói lên những câu hỏi ngờ vực mở ngỏ về con người, ngay ở lớp cán bộ, sĩ quan. Luồng dư luận cứng rắn đã kịp lên tiếng chất vấn tác giả, trước lúc Nguyên Ngọc lên đường vào Nam, trở lại vùng Liên khu V, rồi xuất hiện trên báo chí miền Bắc như một cây bút “văn nghệ giải phóng” từ miền Nam dưới bút danh mới: Nguyễn Trung Thành, với nhiều truyện ngắn, bút ký, nổi tiếng nhất là bút ký “Đường chúng ta đi” (1965) kêu gọi giục giã bạn trẻ đương thời lên đường vô Nam “chống Mỹ cứu nước”, tiếp đó là truyện ngắn “Rừng xà-nu” cũng rất nổi tiếng.
Dòng viết về chiến tranh ở Nguyên Ngọc dường như tạm dừng ở tiểu thuyết “Đất Quảng” tập 1 (1971). Tác giả trở ra Bắc, là sĩ quan (hàm đại tá), được xem là cán bộ nguồn để cơ cấu cho các bộ máy lãnh đạo, như Phó Tổng biên tập tạp chí “Văn nghệ quân đội”, đại biểu Quốc hội (1976-1980), Bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn VN, Phó Tổng thư ký Hội nhà văn VN (khóa 2), Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn VN khóa 3 (1983-89), khóa 4 (1989-1995).
Từ cuối những năm 1970s, trước giới nhà văn và công chúng dần dần hiện diện rõ rệt một Nguyên Ngọc trong vai trò cán bộ lãnh đạo văn nghệ. Nổi bật nhất là vai trò Tổng biên tập tuần báo “Văn nghệ” những năm cao trào Đổi mới (1987-1989).
Nhưng trước đó, Nguyên Ngọc đã rơi vào một tai nạn văn chương, do bản đề dẫn anh viết và đọc tại hội nghị nhà văn đảng viên (10/3/1979), tuy chủ yếu nói theo diễn ngôn quy ước thời bao cấp về nền văn nghệ bao cấp hậu chiến, nhưng cũng đụng tới vài nhược điểm của nó (tình trạng “có sách mới in ra mà không có tác phẩm”, người viết bối rối, thiếu niềm tin; lý luận phê bình thô thiển kéo dài, “hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng nguyên hiện thực”, v.v.), làm phật ý một vài lãnh đạo cấp cao. Lúc này đang có sự tranh chấp ngấm ngầm giữa những quan chức từ chiến trường ra với những quan chức vẫn yên vị ở hậu phương; Nguyên Ngọc chưa phải cán bộ cấp cao, chỉ nằm trong số những nhân sự dưới quyền các quan chức đang giành nhau quyền thế. Có lẽ sự thất thế của ông là do không đủ mềm mại hạ mình trước sự cao ngạo của vài quan chức cấp cao. Song chính vấp váp trong môi trường quan liêu lại khiến Nguyên Ngọc có dịp nhìn sâu hơn vào cơ chế bao cấp, nhận ra những nhược điểm căn bản của nó.
Vì vậy, khi công cuộc đổi mới được đảng cầm quyền phát động (1986), ông được số khá đông trong giới nhà văn ủng hộ đảm nhận vị trí Tổng biên tập tuần báo “Văn nghệ”. Dưới sự điều hành của ông, báo “Văn nghệ” trở thành một diễn đàn lớn của công cuộc đổi mới, tập hợp được đông đảo nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, tích cực cổ vũ tư tưởng đổi mới tư duy, đổi mới hành động, ủng hộ việc đảng cầm quyền chuyển nền kinh tế chỉ huy quan liêu bao cấp sang kinh tế hàng hóa thị trường; đồng thời cũng khơi lại việc thảo luận các vấn đề văn nghệ cốt thiết, qua đó, giới văn nghệ sĩ tỏ rõ ý muốn tiết giảm việc “sáng tác phục vụ chính trị”, khẳng định quyền tự do sáng tác, thực chất là đòi lại những điều kiện hoạt động văn nghệ thông thường nhưng đã bị xóa bỏ suốt thời bao cấp. Dưới thời Tổng biên tập Nguyên Ngọc, tuần báo “Văn nghệ” giành được sự quan tâm chưa từng có của độc giả, được đánh giá là một trong vài ba tờ báo sáng giá nhất ở vài năm cao trào đổi mới; đây là một vinh quang không thể lặp lại. Dưới thời Tổng biên tập Nguyên Ngọc, báo “Văn nghệ” đã phát hiện được những tài năng văn học lớn (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, v.v.), thúc đẩy văn học bao cấp đóng kín chuyển sang văn học hậu bao cấp cởi mở hơn, tiếp cận dần dần hướng đi của các nền văn học đương đại bên ngoài.
Những đấu tranh về phương hướng đổi mới ở cấp cao diễn ra đồng thời với những tranh chấp trong giới quan chức văn hóa-tư tưởng, đã dẫn tới việc Nguyên Ngọc bị buộc thôi chức Tổng biên tập báo “Văn nghệ” (1989). Nhưng vai trò quan chức văn nghệ của Nguyên Ngọc còn kéo dài đến đầu năm 1995, khi ông vẫn còn là ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4 (1989-1995).
Từ những năm 1990s, nhất là từ đầu thế kỷ XXI, trước công chúng ngày càng rõ Nguyên Ngọc như một trí thức dấn thân, một tiếng nói phản biện chân thành, cả quyết và kiên trì.
Lúc này, Nguyên Ngọc có thời gian cho mình nhiều hơn. Ông tham gia việc chuyển thể tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” sang màn ảnh; ông tham dự những chuyến đi tìm dấu tích con đường đưa vũ khí vào Nam bằng đường biển và có tập ký sự “Có một con đường mòn trên biển Đông” (2000). Ông có nhiều dịp trở lại xứ Quảng quê hương, trở lại đất Tây Nguyên núi rừng trùng điệp khi xưa, chứng kiến cuộc di dân ồ ạt đang đổ về đây. Ông tận mắt thấy rừng già ngàn năm bị phá bỏ làm dâu tằm, cà-phê, bị đào xới để khai mỏ, bị san lấp làm thủy điện, gây ô nhiễm từ rừng núi xuống đồng bằng, tận mắt thấy thế giới vẹn nguyên bản sắc của các tộc người Tây Nguyên bị thu hẹp, đứng trước nguy cơ bị hủy hoại, tan rã.
Ở Nguyên Ngọc, bản năng nhạy cảm của nhà văn như đã làm liền mạch cái tinh thần trách nhiệm của người cán bộ tuyên huấn có bản lĩnh tương đối độc lập khi xưa với sự phản tỉnh giàu suy tư của người trí thức dấn thân hôm nay. Những điều ông chứng kiến luôn luôn thôi thúc sự suy nghĩ, đào sâu tìm tòi phân tích, đúc rút thái độ và phương châm hành động.
Đụng chạm một Tây Nguyên đang đổi thay một cách nguy hiểm, ông tìm đọc lại dịch lại những công trình khảo cứu dân tộc học Tây Nguyên của các học giả Pháp, nhận ra triết lý sống tự nhiên nhân bản của những tộc người miền núi mà khi xưa ông đã kể về họ bằng thứ ngôn ngữ chất phác thơ ngây, cũng phần nào là hệ quả cái nhìn đơn giản hóa về họ hồi ấy nơi ông.
Đụng chạm những rối rắm của công việc điều hành và duy trì một đại học, ông tìm hiểu và nhận ra những khủng hoảng ở một nền giáo dục thiếu triết lý sáng rõ.
Đụng chạm những phân hóa gia tăng trong giới nhà văn, ông tự ôn lại phần “bảo thủ” hồi trước (cứ đứng nguyên trong cái “hội bao cấp” này mà viết ủng hộ cuộc đổi mới cũng được chớ sao!), đi tới ý tưởng mới: “Văn học và nhà văn không là công cụ của ai hết!”, chỉ khuyến nghị đồng nghiệp cầm bút cùng xây dựng nền văn học tiếng Việt tự do nhân bản.
Đụng chạm những tranh cãi bất tận trong các giới về con đường phát triển đất nước, ông tìm hiểu lại các bậc tiền bối đầu thế kỷ XX và tìm thấy ở tư tưởng Phan Châu Trinh (1872-1926) một lý giải, một kiến giải khả thủ, tuy đã bị hạ thấp và xa lánh suốt một thế kỷ. Phan Châu Trinh đặt vấn đề phát triển đất nước chứ không phải bằng mọi giá giành độc lập; độc lập chỉ có ý nghĩa khi dân tộc mình phát triển được bằng người. Nguyên Ngọc tin rằng tư tưởng đó của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên ý nghĩa chỉ đường cho người Việt hiện tại.
Năm nay đã bước sang tuổi 92, sức vóc không còn đủ săn chắc, nhưng tinh thần, chí khí Nguyên Ngọc vẫn mạnh mẽ, dứt khoát. Phần khá đông trong giới nhà văn Việt Nam vẫn nhìn về Nguyên Ngọc như một người Anh Cả đáng tin cậy. Phần khá đông trong giới trí thức Việt Nam vẫn nhìn về Nguyên Ngọc như một tấm gương dấn thân can đảm. Nguyên Ngọc vẫn là niềm tin, niềm tự hào của chúng tôi.
18/10/2017 – 5/9/2023
LẠI NGUYÊN ÂN